Tôn Vinh Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật thứ Hai Chúa Kitô Phục Sinh và Ý Nghĩa

Chúa Nhật Lòng Chúa Thuơng Xót vào tuần thứ 2 tại cộng đoàn được tôn vinh qua thánh lễ và mục vụ.

Trong Thánh Lễ này có nghi thức vẩy nước Thánh để gợi lại trong mỗi nguời Công Giáo hãy tuyên xưng Đức Tin qua phép rửa tội trong Chúa Kitô Phục Sinh. Cộng đoàn dân Chúa qua nuớc Thánh đã được nhận lãnh qua Cha Quản Nhiệm, khi Cha đi qua và vẩy lên những hàng ghế ngồi trong khắp nhà thờ.

CUNG THÁNH TRONG BỨC ẢNH LÒNG CHÚA THUƠNG XÓT “LẠY CHÚA CON TIN VÀO NGÀI”

Ý Nghĩa Tôn Vinh Lòng Chúa Thương Xót

@TGP SÀI GÒN

Trải qua lịch sử, Chúa nhật sau lễ Phục sinh đã được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau: Chúa nhật tám ngày sau lễ Phục sinh, Chúa nhật “Áo trắng” (in Albis), bởi vì các tân tòng cởi chiếc áo trắng mà họ đã lãnh nhận khi lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn huấn giáo khai tâm.

Tại vài Giáo hội bên Ấn độ (tục truyền do thánh Tôma tông đồ thành lập), Chúa nhật sau lễ Phục sinh được gọi là chúa nhật thánh Tôma, bởi vì bài Phúc âm thuật lại cuộc gặp gỡ của Người với Chúa Kitô.

Gần đây, Đức Gioan Phaolô II muốn thêm một danh xưng nữa, đó là “Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót”.

Trong Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II đã ấn định rằng trong toàn thể Hội thánh, Chúa nhật sau lễ Phục sinh, ngoài danh hiệu Chúa Nhật Áo trắng, sẽ còn được đặt tên là Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Việc này đã xảy ra trùng với lễ phong thánh cho chị Faustina Kowalska, một nữ tu khiêm tốn người Ba lan, sinh năm 1903 và qua đời năm 1938, một người nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu Thương xót.

Thực ra lòng thương xót là cốt lõi của sứ điệp Tin mừng, và chính là danh tính của Thiên Chúa, dung mạo đã được mặc khải trong Cựu ước và một cách sung mãn ở nơi Đức Giêsu Kitô, là Tình thương tạo dựng và cứu chuộc nhập thể.

Lòng thương xót của Chúa cũng làm sáng tỏ dung mạo của Hội thánh, và được biểu lộ qua các bí tích, cách riêng là bí tích Hoà giải, cũng như qua các hoạt động bác ái, tập thể hay cá nhân. Tất cả những gì mà Hội thánh nói và thực hiện, đều nhằm bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Mỗi khi Hội thánh nhắc nhớ một chân lý đã bị bỏ sót hay một điều tốt đã bị méo mó, thì Hội thánh làm do lòng thương xót thúc đẩy, ngõ hầu nhân loại được sống và sống dồi dào (xc Ga 10,10). Lòng thương xót của Thiên Chúa mang lại bình an cho tâm hồn, phát sinh bình an chân chính trên thế giới, bình an giữa các dân tộc, văn hoá, tôn giáo.

Cũng như chị Faustina, Đức Gioan Phaolô II đã trở thành một tông đồ của Lòng Chúa Thương xót. Vào buổi tối ngày thứ bảy, mồng 2 tháng 4 năm 2005, Người nhắm mắt lìa trần vào ngày áp Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương xót, và nhiều người đã nhận ra sự trùng hợp đặc biệt đó, liên kết chiều kích Thánh mẫu, ngày thứ 7 đầu tháng, với Lòng Chúa Thương xót. Thực vậy, đây là trung tâm của triều đại giáo hoàng lâu dài của Người: trót sứ mạng của Người để phục vụ chân lý về Thiên Chúa và về con người, về hoà bình trên thế giới được tóm lại trong lời loan báo lòng Chúa thương xót, như Người đã có lần nói tại Cracovia-Lagiewniki năm 2003 vào dịp khánh thành thánh điện kính Lòng Chúa Thương xót: “ngoài lòng Chúa Thương xót ra, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại,”. Như vậy sứ điệp của Người, cũng như của chị Faustina đã nhắc đến dung mạo của Chúa Kitô, Đấng mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa. Chiêm ngắm Dung nhan của Chúa Kitô: đó là gia sản mà Người để lại cho chúng ta, và chúng ta hoan hỉ đón nhận.

Lòng thương xót Chúa đi theo chúng ta mỗi ngày. Chỉ cần biết để cho trái tim tỉnh thức thì ta có thể nhận ra. Chúng ta thường dễ cảm nhận gánh nặng hàng ngày mà chúng ta phải gánh vác. Nhưng nếu chúng ta biết mở rộng trái tim thì chúng ta có thể nhận rõ rằng Thiên Chúa tốt lành như thế nào đối với chúng ta. Ngài chăm lo từ những chuyện nhỏ nhặt đời ta, nhờ đó giúp chúng ta đạt đến những chuyện lớn lao. Với việc đặt thêm gánh nặng của trách nhiệm, Thiên Chúa cũng tăng thêm sự giúp đỡ cho ta.

Comments are closed.