Đôi Lời Giới Thiệu

Đường Hướng Hoạt Động

Phổ Biến các sinh hoạt tôn giáo, xã hội của Cộng Đoàn Anaheim và các đoàn thể đến mọi tầng lớp giáo dân và cộng đồng xã hội

GIỚI THIỆU VỀ CỘNG ĐOÀN ANAHEIM

ANAHEIM: NƠI ĐẦU TIÊN HÌNH THÀNH CƠ CẤU TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG  CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI ORANGE COUNTY

Sau biến cố tháng Tư 75, trong đợt vượt biển đầu tiên đã có 130 ngàn người may mắn được nhập cảnh tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Camp Pendleton là trại tỵ nạn đầu tiên và lớn nhất tại Hoa Kỳ, nằm trong ranh giới quận Orange. Là một quận đông dân và phồn thịnh nên dân Việt tỵ nạn được các người địa phương bảo trợ khá đông. Lẽ dĩ  nhiên tất cả những người bảo trợ và giúp đỡ chúng ta đều là những ân nhân đáng kính, chúng ta không thể quên ơn họ, nhưng vì quá nhiều không thể kể hết ở đây,  chúng tôi chỉ nêu tên một ân nhân đặc biệt có liên quan đến đề tài của bài này,  đó là: Đức Ông Jonh C. Keenan, nguyên Chánh xứ Anaheim, người bảo trợ và giúp  Cha Vũ Tuấn Tú chính thứ tổ chức Thánh lễ Việt Nam đầu tiên, và Cha Tú cũng là  vị Linh mục Quản nhiệm Cộng đoàn đầu tiên của Orange County.

Lúc dân Việt tỵ nạn ào ạt đến Camp Pendleton là lúc Đức Ông Keenan đang đảm nhiệm chức Chánh xứ Giáo xứ St. Boniface, Anaheim, có lẽ dân tỵ nạn Công giáo được Chúa ban ân sủng cách riêng, nên xui khiến Đức Ông Keenan đặc biệt ưu ái giáo dân Việt Nam. Suốt thời gian cho hết nhiệm kỳ của Ngài, Ngài đã dùng mọi khả năng và phương tiện hết lòng giúp đỡ giáo dân Việt, và có lẽ vì sự ưu ái đó nên có dư luận (không đúng  hẳn) nói là Ngài chịu vài khó khăn về tài chánh của giáo xứ sau này.

THÁNH LỄ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN TẠI ANAHEIM.

Kễ từ tháng 10 năm 1975, dân tỵ nạn được cácngười bảo trợ lãnh ra mỗi ngày một đông, trong số đó có Cha Vũ Tuấn Tú được Đức Ông Keenan bảo trợ về giáo xứ St. Boniface, Anaheim, Ngài đã sốt sắng giúp Cha Tú tổ chức Thánh lễ Việt Nam, bằng cách nhờ các Cha Mỹ ở các giáo xứ khác kêu gọi các người Mỹ bảo trợ hãy giúp phương tiện chuyên chở những người tỵ nạn Công giáo đến Anaheim dự lễ tiếng Việt.

Một ngày Chủ Nhật, đầu tháng 12 năm 75, Thánh lễ đầu tiên được tổ chức tại hội trường giáo xứ, có khoảng 100 người tham dự, sau đó người nọ mách người kia,  số người tham dự ngày một đông, có những người ở vùng đất xa xôi như El Mote, Norwalk v.v… cũng tìm mọi cách đến Anaheim đễ dự lễ, sau mỗi buổi lễ, Đức Ông  còn đãi cà phê, donut đễ tạo cơ hội cho mọi người có dịp trò chuyện hàn huyên.  Khi thấy hội trường chứa không nổi số người quá đông, Đức Ông Keenan đã điều đình được với các Sơ, để lễ Việt Nam được đổi sang nhà thờ Saint Catherine và  được cử hành thường xuyên mỗi sáng Chúa Nhật lúc 9 giờ sáng, Thánh ca trong các  buổi lễ do ban Thùy Dương của gia đình cụ Nguyễn Văn Lô phụ trách, phần nhạc đệm là anh Đinh Văn Bình.Đó là bước đầu tiên hình thành một cộng đoàn Công giáo tại Orange County.

St. Catherine là một nhà Nguyện của các bà Sơ, nằm trong khuôn viên Military School tọa lạc tại số 215 N. Harbor Anaheim, ngôi nhà Nguyện kiến  trúc rất đẹp và xinh xắn, cây cối xanh tươi, phong cảnh thật là thơ mộng. Ai  cũng biết, nhà Dòng luôn là nơi cần sự yên tĩnh, trầm lặng, việc bằng lòng cho dân tỵ nạn cử hành lễ Việt Nam trong nhà Nguyện các Sơ, đã là một nghĩa cử hy  sinh lớn lao vào ưu ái đặt biệt đối với dân Việt tỵ nạn. Nhà Nguyện St. Catherine chứa được khoảng 500 người dân tỵ nạn Công Giáo đã coi nơi đây không những là nơi thờ phượng Thiên  Chúa, mà còn là nơi gặp gỡ đồng hương trên xứ lạ quê người, biến cố khủng khiếp bỗng chốc phải lìa xa quê hương, bỏ lại tất cả tài sản sự nghiệp, nhiều gia đình ly tán, con lạc cha, vợ lạc chồng, ai cũng cảm thấy bơ vơ lạc lỏng, chỉ mong đến ngày Chúa Nhật được đi lễ để gặp gỡ đồng hương cho khoây khõa nỗi nhớ nhà nhớ nước, bầu không khí thân mật gia đình trong những buổi lễ thời đó là những kỷ  niệm khó quên cho những ai từng đi lễ nhà thờ St. Catherine.

Để Thánh lễ được  diễn tiến tốt đẹp dĩ nhiên Cha Tú cần phải có người tiếp tay giúp đỡ, do đó một  hình thức Uỷ ban chấp hành đã được thành lập, và ông Trịnh Tiến Sen là người đầu  tiên đảm nhiệm chức Đại diện Ban chấp hành lâm thời, còn những người cộng tác thì ai gặp việc gì cũng sốt sắng xung phong tự nguyện, trong số những người hoạt  động tích cực có ông Nguyễn Văn Thanh, lúc đó cư ngụ tại khu Apartment Buena Park nằm trên đường Westminster, sau đó ông hướng dẫn được  10 gia đình ra trại về ở khu apartment đó, và vì Manager dễ dãi cho người tỵ nạn  ở nhiều người, nên nhiều gia đình người Việt dọn đến mỗi ngày một đông. Với số  người khá đông phải lên Anaheim đi lễ nên ông Thanh cùng Sáu Chuẩn (lúc đó chưa chịu vào chức Linh mục) vào yết kiến Cha sở nhà thờ St. Barbara ở gần khu đó,  xin được một giờ cho lễ Việt Nam, rồi mới Cha Tú đến làm lễ. Ngày 1-5-1976, Thánh lễ Việt Nam đầu tiền được cử hành tại nhà thờ St. Barbara, nhằm đúng ngày  lễ Thánh Cả Giuse, và cũng là quan thầy mà Cộng đoàn chọn, giáo dân Cộng đoàn này đã tổ chức một cuộc rước rất long trọng, đến dự cuộc rước này không những gồm giáo dân mà có rất nhiều người không Công giáo đến dự, vì đây là cuộc rước  đầu tiên, và hợp mặt đông người nhất của người Việt trên đất Mỹ.

Vậy là từ Cộng  đoàn Anaheim, giáo dân đã phát triển thêm một Cộng đoàn thứ hai. Cuối năm 1977, Cha Đỗ Thanh Hà vượt biên đến Mã Lai, khi tới ngài được Đức Cha Johnson đưa về giáo xứ Costa Mesa tổ chức Trung Tâm Công Giáo, các cha Việt Nam tuần tự về Orange County. Ngoài Cha già Cố Tiến và Cha Kim Định đã ở đây từ trước, các Cha  ở các nơi khác lần lược về như Cha Long, Cha Tiến (bây giờ là Đức Ông), Cha Chỉnh v.v.. Cũng thời gian này, lễ Việt Nam được cử hành và các Cộng đoàn lần  lượt thành lập tại các nơi như sau: Costa mesa với nhà thờ John the Baptist Huntington Beach với nhà thờ St.  Bonaventure, Santa Ana với nhà thờ St  BarbaraTam Biên với nhà thờ St. Catilalus, Westminster với nhà thờ Blessed  Sacrement, Tustin với nhà thờ St. Cecilia, Orange với nhà thờ La Purisima Saint  Columban với nhà thờ Saint  Columban Saddleback với nhà thờ Saint NicolasThánh Linh với nhà thờ Holy Spirit Saint Polycap với nhà thờ Saint Polycap.

Trong vòng 20 năm Orange County đã có 12 Cộng Đoàn Tất cả đều nằm trong tổ chức Cộng đồng Công Giáo Việt Nam, Khởi đầu do Cha Đỗ thanh Hà làm Giám đốc, các Cha Việt Nam  đều thuộc về Trung tâm và luân phiên đi làm lễ tại các Cộng đoàn. Hình thức tổ  chức này tồn tại cho đến năm 1988; Cha Trần đức Tiến được phong chức Đức Ông và được Toà Giám mục trao quyền Giám Đốc cai quản Cộng đồng Công giáo Viet nam.  Những điều kể trên là sơ lược những diễn tiến và ảnh hưởng của Cộng đoàn Anaheim  đối với Cộng đồng Công Giáo Việt Nam, Từ lúc bắt đầu, Cha Tú vẫn là Linh mục  Quản nhiệm của Anaheim nhưng vì tình trạng thiếu Linh mục, các Cha phải luân  phiên đi làm lễ các nơi, nên công việc điều hành đều do Ban chấp hành và Hội  đồng Giáo dân đãm trách, mọi việc chỉ cần trình Cha chấp thuận là thi hành; cho  nên sự tiến triển của Cộng đoàn nhiều hay ít tùy thuộc vào sự hoạt động của Ban  chấp hành. Chức vụ Quản nhiệm Cộng đoàn Anaheim, kế tiếp Cha Tú và cha Chuẩn rồi  đến Cha Tuyên hiện đương nhiệm…

Trong giai đoạn này, ban Thánh ca Hương Việt được hình thành với công  khó của ca trưởng Nguyễn Văn Nghi, tục gọi là Nghi Trẻ (để phân biệt với ông Nghi Già liên tiếp phục vụ từ 15 năm nay) và lần lược kế nhiệm là ca trưởng Nguyễn Việt Cường rồi Nguyễn Ngọc Diệp. Ca đoàn Hương Việt với một kỹ thuật hòa âm điêu luyện, đã đạt đến ngôi vị là một trong những ban Thánh ca xuất sắc của  Cộng đồng Công Giáo Orange County hiện nay. Ngoài ra cũng trong giai đoạn này. Cộng đoàn Anaheim đã tham dự thêm và nhiều công tác xã hội khác như tổ chức  những cuộc nói chuyện liên hệ đến chính trị, xã hội. Cộng tác với Cộng đoàn St. Barbara hướng dẫn giáo dân tham dự các cuộc biểu dương lực lượng và mít-tinh đòi nhân quyền ở nhiều nơi v.v…

Giai đoạn này nhà thờ St. Catherine đã trở nên quá chật hẹp, mọi người đã thấy cần phải có một nhà thờ rộng rãi hơn mới đáp ứng nhu cầu của số người dự lễ ngày một đông hơn. Ý kiến tạo một ngôi Thánh đường đã được bàn tới, nhưng khi bắt tay vào việc gặp quá nhiều khó khăn trở ngại, nên Ban chấp  hành đã đề ra giải đáp tìm cách xin chuyển lễ sang nhà thờ St. Boniface. Nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1981, một phái đoàn đại diện giáo dân cùng với Ban chấp hành vào chúc Tết, và tặng quà kỷ niệm cho Đức Ông Keenan, nhân bầu không khí  vui vẻ lúc đó, phái đoàn trình với Đức Ông lời yêu cầu trên, kết quả không ngờ là Ngài chấp nhận ngay, ngày Chúa Nhật kế đó

Thánh lễ Việt Nam được cử hành tại  nhà thờ chính vào lúc 5:30 chiều mỗi Chúa Nhật và tiếp tục cho đến năm 1988 mới đổi sang chiều thứ Bảy như ngày nay. Năm 1981, Cha John Lenihan được cử làm Chánh xứ thay thế Đức Ông Keenan vì Ngài đến tuổi về hưu. và Cha Nguyễn Ngọc  Chuẩn được chỉ định làm Quản nhiệm Cộng đoàn Anaheim, cũng trong lúc này giáo xứ đang phải đối với, với rất nhiều khó khăn về tài chính,lần đầu tiên lễ Thanhsgiving chung cho cả 3 sắc dân Mỹ, Mễ và Việt cùng tham dự. Sau khi được  giáo xứ cho biết tình trạng khó khăn tài chính, giáo dân Việt tỏ ra rất quan tâm, nên Cha Chuẩn đã cùng Ban chấp hành tổ chức cuộc quyên góp thật rộng rãi  trong cộng đoàn, kết quả thu được 1,850 đồng, số tiền tuy nhỏ đối với bây giờ nhưng với giá trị và hoàn cảnh của người Việt thời đó, kết quả trên rất đáng  khích lệ. Trong buổi lễ Thanhksgiving chung đầu tiên này, một đại diện giáo dân  Việt Nam lên đọc một bài diễn văn bày tỏ cảm nghĩ của giáo dân Việt đối với dân  chúng Mỹ (bài diễn văn này sưu tầm được, có đăng kèm theo đây) và tiếp đó, số tiền đã công khai trao cho Cha Chánh xứ tiếp nhận. Cử chỉ đóng góp và bài diễn văn, đã gây rất nhiều xúc động và cảm kích của giáo dân Mỹ có mặt hôm đó (chiếm  ba phần tư nhà thờ). Họ đã vỗ tay vang dội nhà thờ trong nhiều phút.

Kể từ giai đoạn này cộng đồng giáo dân Việt Nam đã tích cực tham dự nhiều hơn vào các hoạt động của giáo xứ như: thường xuyên tham dự các buổi họp hàng tháng do giáo xứ tổ chức, tham dự công tác làm sạch sẽ, lau quét nhà thờ v.v… Ban chấp hành của ông Phong đã được tái cử thêm nhiệm kỳ 2 năm nữa, từ 1985 đến 1987. Trong giai đoạn này các Hội đoàn Công giáo tiến hành đã lần lượt thành lập gồm có: Ca Đoàn, Thiếu  Nhi Thánh Thể, Đạo Binh Đức Mẹ, Liên Minh Thánh Tâm, Hội Các Bà Mẹ Công  Giáo và nhiều nữa. Ban Chấp hành được hệ thống hoá quy  mô, mỗi ban mỗi ngành được tăng cường và phân nhiệm rõ rệt.  Các Hội đoàn Công giáo Tiến hành đã phát triển mạnh lên. Những nghi thức cổ truyền  về Lễ Phục sinh được tiếp tục phát triển, Đàng thánh giá sống lần đầu tiên tổ  chức đã được giáo dân cũng như rất đông thanh thiếu niên và giới trẻ hưởng ứng  tham gia và tiếp tục trong nhiều năm cho đến ngày nay. 

Như thế, cộng  đoàn Anaheim đã trải qua 40 năm thăng trầm với nhiều biến đổi và phát triển. Tuy vậy, nếu trời có lúc nắng lúc mưa và những cơn giông tố, vợ chồng cũng có lúc yêu thương giận dỗi, thì giáo  dân là những thành phần hoạt động trong các Ban chấp hành Cộng đoàn, cũng đã cùng nhau trải qua những vui buồn, những giây phút cam go, khó khăn, vất vả. Cũng có những trách móc, những giận hờn, nhưng với tinh thần Kitô hữu, với tâm niệm mến Chúa yêu người, sóng gió nào cũng qua đi, giận hờn nào cũng tan biến, để đem lại kết quả ngày nay, Cộng đoàn Anaheim ngày càng khởi sắc. Với những Ban chấp hành  cùng các đoàn thể và ban nghành nhiều khả năng và đầy thiện chí, luôn  sát cánh cùng Cha Quản nhiệm đang hướng dẫn Cộng đoàn trên đường luôn luôn tiến  triển, các buổi lễ lớn đã được tổ chức mỗi ngày càng long trọng hơn, quy mô hơn chứng tỏ một Cộng đoàn đang lớn mạnh.  Anaheim, Cộng đoàn gương mẫu, rất xứng đáng với danh hiệu Cộng đoàn Đức Mẹ Mông  Triệu, quan thày của Cộng đoàn, và Mẫu Vương muôn đời của nhân loại.