Hạnh Các Thánh-Tháng 4

01/04/2021

01 Tháng Tư

Chân Phước Elisabetta Vendramini

(1790-1860)

Cuộc đời của chân phước Elisabetta đã được hướng dẫn bởi câu phúc âm “Tình yêu Ðức Kitô đã thúc giục chúng ta tiến bước” (2 Cor. 5:14).

Sinh ở Bassano del Grappa gần Treviso, khi 27 tuổi Elisabetta từ chối lời cầu hôn và nhất quyết giúp người nghèo bớt đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Năm 1820, ngài khởi sự làm việc trong một cô nhi viện ở tỉnh nhà và gia nhập dòng Ba Phanxicô vào năm sau đó.

Sau khi di chuyển đến Padua năm 1828, ngài tiếp tục phục vụ các trẻ em cô nhi. Vào năm 1830, ngài thành lập tu hội Các Chị Em Dòng Ba Phanxicô của Thánh Elizabeth Hung Gia Lợi. Cho đến khi từ trần, Elisabetta đã hướng dẫn tu hội này trong việc giáo dục cũng như chăm sóc người già, trẻ mồ côi và người đau yếu. Ngài luôn luôn kết hợp sự đau khổ của chính ngài với sự đau khổ của Ðức Kitô và Ðức Mẹ Sầu Bi.

Ngài được phong chân phước năm 1990.

Lời Bàn

Những người thánh thiện cho chúng ta thấy tình yêu Thiên Chúa và giúp đỡ tha nhân là hai mặt của một đồng tiền. Tình yêu Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta khi chúng ta thi hành những việc nhỏ bé để nói lên lòng yêu mến tha nhân. Chúng ta thường bất lực khi phải thi hành những gì cần thiết, nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta thi hành những gì có thể làm được.

Lời Trích

Trong bài giảng lễ phong chân phước cho Elisabetta, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói sự cầu nguyện của Elisabetta đã đem lại “sức năng động của Ngôi Lời Nhập Thể, để ca ngợi và khâm phục Ðức Kitô Nghèo Hèn và Chịu Ðóng Ðinh, mà chân phước đã nhận ra và phục vụ Người trong các người nghèo.” Sau đó, đức giáo hoàng nói thêm: “Chân Phước Elisabetta dạy chúng ta rằng khi đức tin vững mạnh và chắc chắn, chúng ta càng dám bác ái đối với tha nhân. Khi sự nhận biết về Ðức Kitô càng sắc sảo, chúng ta càng cảm nhận được nhu cầu của anh chị em chúng ta một cách chính xác và đúng đắn” (1990, tập 46, số 1)

Thánh Hugh ở Grenoble

(1052-1132)

Thánh Hugh sinh năm 1052 ở Pháp. Ngài là một người cao lớn, đẹp trai và hòa nhã. Mặc dù ngài muốn tận hiến cho Thiên Chúa trong đan viện, nhưng ngài đã được ban cho một địa vị quan trọng. Ngài được thụ phong linh mục và sau đó được tấn phong giám mục.

Ngay khi làm giám mục, Ðức Hugh bắt đầu sửa đổi các tật xấu của nhiều người trong giáo phận. Ngài hoạch định nhiều chương trình khôn ngoan, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì ngài thực hiện. Ðể xin Thiên Chúa thương xót đến người dân, ngài cầu nguyện với tất cả tâm hồn. Ngài hy sinh hãm mình cực độ. Trong một thời gian ngắn, nhiều giáo dân trong địa phận đã trở lại với nếp sống đạo đức. Chỉ có giới trưởng giả là tiếp tục chống đối ngài.

Tuy là giám mục, Ðức Hugh vẫn mong muốn đời sống một đan sĩ. Ðó là điều ngài thực sự mong ước. Ngài từ chức giám mục của giáo phận Grenoble và gia nhập đan viện. Tưởng đã yên thân, nhưng đó không phải là ý Chúa. Chỉ sau một năm, đức giáo hoàng đã yêu cầu ngài trở về Grenoble. Và Ðức Hugh đã vâng lời. Ngài biết rằng làm vui lòng Thiên Chúa thì quan trọng hơn là thoả mãn ý riêng.

Trong bốn mươi năm, hầu như lúc nào ngài cũng bị đau yếu. Ngài bị nhức đầu dữ dội cũng như bị đau bao tử. Tuy nhiên ngài vẫn gắng sức làm việc vì yêu mến dân chúng. Ngài chịu đau khổ vì những thử thách và cám dỗ. Nhưng nhờ sự cầu nguyện, ngài không bao giờ chịu thua tội lỗi.

Ðức Hugh từ trần ngày 1 tháng Tư 1132, chỉ hai tháng trước khi mừng sinh nhật thứ tám mươi của ngài, sau khi chu toàn bổn phận của một giám mục trong năm mươi hai năm.

Vào năm 1134, chỉ hai năm sau khi ngài từ trần, Ðức Giáo Hoàng Innôxentê II đã tuyên xưng ngài là thánh.



02/04/2021

02 Tháng Tư

Thánh Phanxicô ở Paola

    (1416-1507)

    Thánh Phanxicô ở Paola là một người chân thành yêu quý sự chiêm niệm cô độc và ao ước duy nhất của ngài là trở nên “người thấp hèn nhất trong nhà Chúa.” Tuy nhiên, khi Giáo Hội kêu gọi ngài làm việc phục vụ xã hội, ngài đã trở nên một nhà hoạt động phi thường và có ảnh hưởng đến đường hướng của nhiều quốc gia.

    Sau khi tháp tùng cha mẹ trong chuyến hành hương đến Rôma và Assisi, Phanxicô bắt đầu cuộc sống ẩn tu trong một cái hang hẻo lánh ở ven biển gần Paola. Trước khi ngài 20 tuổi, đã có một môn đệ đầu tiên muốn theo lối sống của ngài. Mười bảy năm sau, khi số môn sinh ngày càng gia tăng, Phanxicô đặt ra một quy luật cho cộng đoàn khắc khổ của ngài và xin Giáo Hội chuẩn nhận. Từ đó phát sinh tổ chức các Ẩn Tu của Thánh Phanxicô Assisi, được Toà Thánh chấp thuận năm 1474.

    Vào năm 1492, Phanxicô đổi tên cộng đoàn thành “Minims” vì ngài muốn họ trở nên những người bé mọn nhất trong nhà Chúa. Sự khiêm tốn là tiêu chuẩn của các tu sĩ này cũng như cuộc đời của Phanxicô. Ngoài các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, Phanxicô còn thêm một bó buộc thứ tư là luôn luôn ăn chay. Ngài tin rằng sự hãm mình quyết liệt rất cần thiết để phát triển tâm linh.

    Ðó là ý muốn của Phanxicô khi trở nên một vị ẩn tu chiêm niệm, nhưng ngài tin rằng Thiên Chúa đã gọi ngài trong đời sống tông đồ. Ngài bắt đầu dùng các ơn sủng được Chúa ban, tỉ như ơn làm phép lạ và nói tiên tri, để giúp đỡ dân Chúa. Là một người bảo vệ người nghèo và người bị áp bức, Phanxicô chọc giận vua Ferdinand của Naples vì ngài khiển trách cả hoàng gia.

    Theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng Sixtus IV, Phanxicô đến Pháp để giúp vua Louis XI chuẩn bị từ trần. Trong thời gian giúp đỡ nhà vua, Phanxicô đã có cơ hội ảnh hưởng đến chiều hướng chính trị của quốc gia này. Ngài giúp vãn hồi nền hoà bình giữa Pháp và Anh qua sự khuyến khích cuộc hôn nhân giữa hai hoàng tộc, và giữa Pháp và Tây Ban Nha bằng cách thúc giục vua Louis XI trả lại một số đất chiếm đóng.

    Phanxicô đã sống một cuộc đời lâu dài để ca ngợi và mến yêu Thiên Chúa. Ngài từ trần khi chín mươi mốt tuổi, vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1507.

    Lời Bàn

    Cuộc đời của Thánh Phanxicô ở Paola là câu trả lời rõ ràng cho thế giới quá sôi động. Ngài là một người chiêm niệm được kêu gọi để hoạt động xã hội và chắc rằng ngài phải cảm thấy sự căng thẳng giữa đời sống cầu nguyện và việc phục vụ xã hội. Tuy nhiên, sự căng thẳng này không làm mất đi hiệu quả của đời sống thánh nhân, vì ngài biết đưa kết quả của sự chiêm niệm vào trong hoạt động xã hội. Ngài đáp ứng lời mời gọi của Giáo Hội một cách sẵn sàng và tốt đẹp là nhờ có nền tảng vững chắc của sự cầu nguyện và hãm mình. Khi ngài đến trong thế gian, không phải ngài hoạt động nhưng chính Ðức Kitô hoạt động trong ngài — là “người hèn mọn nhất trong nhà Thiên Chúa.”



   

03/04/2021

03 Tháng Tư

Thánh Biển Ðức Người Phi Châu

    (1526 – 1589)

    Thánh Biển Ðức giữ một chức vụ quan trọng trong Dòng Phanxicô và khi mãn nhiệm kỳ ngài thật vui vẻ để hòa mình vào một công việc khác.

    Cha mẹ ngài là những nô lệ được đem từ Phi Châu sang Messina, Sicily. Ðược tự do vào năm 18 tuổi, Biển Ðức làm công trong một nông trại và không bao lâu ngài đã có đủ tiền để tậu một đôi bò và ngài rất hãnh diện về cặp bò này. Lúc ấy ngài tham gia vào một nhóm ẩn tu sống gần Palermo và sau đó được bầu làm người thủ lãnh. Vì những vị ẩn tu này sống theo Quy Luật của Thánh Phanxicô nên Ðức Giáo Hoàng Piô IV đã ra lệnh họ gia nhập dòng Nhất.

    Sau đó Thầy Biển Ðức được giao cho công việc giám đốc đệ tử viện và tiếp đó là bề trên nhà dòng ở Palermo. Ðó là một chức vụ ít khi được giao cho một thầy. Thật vậy, thầy bị ép buộc phải nhận chức bề trên. Và khi mãn nhiệm kỳ, thầy vui vẻ trở về với công việc của một trợ sĩ trong nhà bếp.

    Khi làm bề trên, Thầy Biển Ðức khiển trách các tu sĩ với sự khiêm tốn và bác ái. Có lần thầy khiển trách một đệ tử và giao cho việc đền tội nhưng ngay lúc ấy ngài mới biết đệ tử này không có lỗi lầm gì. Ngay lập tức, ngài quỳ xuống và xin người đệ tử này tha lỗi cho mình.

    Trong quãng đời còn lại, Thầy Biển Ðức không giữ vật gì làm của riêng cho mình. Ngài không bao giờ gọi đồ vật đó là “của tôi” nhưng luôn luôn gọi là “của chúng ta.” Ngài được ơn soi dẫn các linh hồn và do đó, toàn thể Sicily ai ai cũng biết đến sự thánh thiện của ngài. Theo gương Thánh Phanxicô, Thầy Biển Ðức giữ 40 ngày chay tịnh trong suốt một năm; thầy cũng ngủ rất ít, chỉ một vài giờ mỗi đêm.

    Sau khi thầy từ trần, vua Philip III của Tây Ban Nha đã cho xây một ngôi mộ thật đặc biệt để kính nhớ người tu sĩ thánh thiện này. Ðược phong thánh năm 1807, Thánh Biển Ðức được đặt làm quan thầy của người Phi Châu ở Mỹ Châu.


    Lời Bàn

    Trong dòng Phanxicô, chức vụ lãnh đạo thì có giới hạn. Khi mãn nhiệm kỳ, người cựu lãnh đạo đôi khi gặp khó khăn khi phải đảm nhận một chức vụ mới. Giáo Hội cần những người có khả năng để hoạt động trong vai trò lãnh đạo, nhưng họ cũng là người sẵn sàng đảm trách công việc khác khi thời hạn lãnh đạo đã mãn.

    Lời Trích

    “Ðức Kitô đã nói: ‘Tôi không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ’ (x. Mt. 20:28). Những ai được đặt trên người khác phải coi vinh dự đó cũng như khi họ được giao cho công việc rửa chân anh em. Và khi mất chức vụ lãnh đạo, nếu họ càng bực mình bao nhiêu, so với việc rửa chân, thì họ càng hủy hoại linh hồn mình bấy nhiêu (x. Gioan 12:6)” (Lời Nhắn Nhủ IV của Thánh Phanxicô Assisi).

******************************************

    Thánh Richard ở Chichester

    (1197-1253)

    Thánh Richard sinh ở Anh quốc năm 1197. Khi còn nhỏ, ngài và người anh đã phải mồ côi. Anh của ngài làm chủ một số nông trại. Richard đã phải bỏ dở việc học để giúp anh quản trị cơ sở khỏi bị lụn bại. Thấy Richard chăm chỉ làm việc, người anh muốn tặng cho ngài các nông trại ấy, nhưng ngài không nhận. Ngài cũng không muốn lập gia đình vì muốn đi học trước đã.

    Richard vào Ðại Học Oxford và với sự chăm chỉ học hành, không lâu ngài đã có được một địa vị quan trọng trong trường. Sau đó, Thánh Edmund, lúc ấy và tổng giám mục của Canterbury, đã trao cho Richard trách nhiệm trông coi giáo phận. Khi Thánh Edmund từ trần, Richard gia nhập dòng Ða Minh ở Pháp. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài được tấn phong làm giám mục của Chichester, nước Anh.

    Vua Henry III không muốn Richard làm giám mục ở đây. Nhà vua có một người bạn, nhưng lại không đủ tư cách nên vua từ chối không để ÐGM Richard sử dụng vương cung thánh đường. Nhà vua còn đe dọa dân chúng ở Chichester không được tiếp rước Ðức Richard. Cho đến khi đức giáo hoàng dọa ra vạ tuyệt thông nhà vua thì lúc ấy ÐGM Richard mới được yên.

    Ðức giám mục Richard rất nhân từ với người dân nhưng ngài kiên quyết đương đầu với các giáo dân xấu mà không biết hối lỗi.

    Người ta kể rằng khi Ðức Richard lâm bệnh nặng, ngài đã được Chúa cho biết trước ngày giờ và nơi chết. Ngài từ trần năm 1253, khi năm mươi năm tuổi. Vào năm 1262, Ðức Giáo Hoàng Urbanô IV đã phong thánh cho ngài.



04/04/2021

04 Tháng Tư

Thánh Isidore ở Seville

    (560? – 636)

    Trong 76 năm cuộc đời của Thánh Isidore là thời kỳ tranh chấp cũng như phát triển của Giáo Hội Tây Ban Nha. Người Visigoth xâm lăng phần đất này trong một thế kỷ, và trước đó nửa thế kỷ trước khi Thánh Isidore chào đời thì họ đã thiết lập một thủ đô khác cho chính họ. Ðó là những người theo Arian — họ cho rằng Ðức Kitô không phải là Thiên Chúa. Do đó, Tây Ban Nha bị chia làm đôi: Một dân tộc (người Công Giáo La Mã) phải chiến đấu với dân tộc khác (người Gô-tích Arian).

    Thánh Isidore là người hợp nhất Tây Ban Nha, giúp quốc gia này trở nên một trung tâm văn hóa và học thuật cũng như một khuôn mẫu cho các quốc gia Âu Châu khác, mà các nền văn hóa ấy đang bị đe dọa bởi sự xâm lăng của những người man rợ.

    Có thể nói Thánh Isidore sinh trong một gia đình thánh thiện của thế kỷ thứ sáu ở Tây Ban Nha. Hai người anh của ngài, Leander và Fulgentius, và người chị, Florentina, đều là các thánh được sùng kính ở Tây Ban Nha. Ðây cũng là một gia đình lãnh đạo và tài giỏi với các vị Leander và Fulgentius đều làm giám mục và Florentina làm mẹ bề trên.

    Là một người tài giỏi về học thuật, đôi khi Thánh Isidore được gọi là “Sư Phụ của Thời Trung Cổ” vì cuốn bách khoa ngài viết, “Etymology” (Từ Nguyên Học) đã được dùng như sách giáo khoa trong chín thế kỷ. Ngài còn viết các sách về văn phạm, thiên văn, địa lý, sử ký, và tiểu sử cũng như thần học.

    Kế vị anh mình là Ðức Leander, Isidore làm giám mục Seville trong 37 năm, ngài đặt ra các mẫu mực cho một đại diện chính phủ ở Âu Châu, đồng thời ngài tẩy chay các quyết định độc đoán và thành lập các thượng hội đồng để thảo luận về đường hướng của Giáo Hội Tây Ban Nha. Ngài yêu cầu mỗi một giáo phận đều phải có chủng viện, ngài viết quy luật cho các dòng tu và thành lập các môn học thuộc đủ mọi ngành. Thánh Isidore viết rất nhiều sách, kể cả một cuốn tự điển, một bộ bách khoa, một cuốn sử người Gô-tích và một cuốn sử thế giới bắt đầu từ khi Thiên Chúa tạo thành trời đất! Ngài hoàn thành bộ phụng tự Mozarabic mà ngày nay vẫn còn được sử dụng ở Toledo, Tây Ban Nha.

    Ngay khi 80 tuổi, ngài vẫn sống khắc khổ. Trong sáu tháng sau cùng của cuộc đời, ngài gia tăng lòng bác ái đến độ, từ sáng đến tối, nhà của ngài lúc nào cũng đầy người nghèo. Ngài từ trần năm 636 và được Giáo Hội tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.


    Lời Bàn

    Mọi người chúng ta phải bắt chước Thánh Isidore về học thức và sự thánh thiện. Lòng bác ái, sự hiểu biết có thể chữa lành và hòa giải những người đau khổ. Chúng ta không phải là những người man rợ như đã xâm lăng Tây Ban Nha thời Thánh Isidore. Nhưng những người sa lầy trong sự giầu sang và choáng ngợp bởi các tiến bộ khoa học và kỹ thuật có thể mất đi lòng bác ái đối với tha nhân.



05/04/2021

05 Tháng Tư

Thánh Vinh Sơn Ferrer

    (1357 – 1419)

    Sự phân hóa trong Giáo Hội ngày nay chỉ là cơn gió nhẹ so với trận cuồng phong đã xé Giáo Hội ra từng mảnh trong thời Thánh Vinh Sơn Ferrer. Ngài là quan thầy của những người xây cất vì ngài nổi tiếng đã “xây dựng” và kiên cường Giáo Hội qua công việc rao giảng, dạy dỗ của ngài.

    Sinh ở Valencia, Tây Ban Nha năm 1357, khi lên 17 tuổi, bất kể sự chống đối của cha mẹ, ngài gia nhập Dòng Ða Minh trong thành phố gần nơi sinh trưởng. Sau khi hoàn tất việc học một cách tốt đẹp, ngài được thụ phong linh mục bởi Ðức Hồng Y Phêrô “de Luna” — là người đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ngài.

    Với bản tính hăng say, ngài tận tụy thi hành nhân đức khắc khổ theo quy luật dòng. Sau khi được thụ phong linh mục không lâu, ngài được chọn làm bề trên tu viện Ða Minh ở Valencia.

    Cuộc Ðại Ly Giáo Tây Phương đã chia cắt Kitô Giáo, lúc đầu với hai giáo hoàng, sau đó là ba giáo hoàng. Ðức Clêmentê ở Avignon nước Pháp, Ðức Urbanô ở Rôma. Cha Vinh Sơn tin rằng việc bầu cử Ðức Urbanô là vô giá trị (mặc dù Thánh Catarina ở Siena là người hỗ trợ đức giáo hoàng Rôma). Trong thời gian phục vụ Ðức Hồng Y “de Luna”, Cha Vinh Sơn thuyết phục người Tây Ban Nha theo Ðức Clêmentê. Và khi Ðức Clêmentê từ trần, Ðức Hồng Y “de Luna” được bầu làm giáo hoàng ở Avignon và lấy tên là Bênêđictô XIII.

    Cha Vinh Sơn được Ðức Bênêđictô triệu về làm việc trong Tòa Ân Giải Tối Cao và là Trưởng Ðiện Tông Tòa. Nhưng vị giáo hoàng ở Avignon không chịu từ chức trong khi tất cả các ứng viên trong mật nghị hồng y đều thề như vậy. Và Ðức Bênêđictô vẫn ngoan cố bất kể sự ruồng bỏ của vua nước Pháp và hầu hết các hồng y.

    Cha Vinh Sơn vỡ mộng và lâm bệnh nặng, nhưng sau cùng ngài đã đảm nhận công việc “rao giảng Ðức Kitô cho thế giới,” dù rằng bất cứ sự canh tân nào trong Giáo Hội thời ấy đều tùy thuộc vào việc hàn gắn sự ly giáo. Là một người có tài rao giảng và hăng say, Cha Vinh Sơn dành 20 năm sau cùng của cuộc đời để loan truyền Tin Mừng ở Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Ðiển, Hòa Lan và vùng Lombardy, ngài nhấn mạnh đến nhu cầu sám hối và khuyên nhủ mọi người hãy lo sợ ngày phán xét. (Ngài có tên là “Thiên Thần của Sự Phán Xét”).

    Vào những năm 1408 và 1415, ngài cố gắng nhưng không thành công trong việc thuyết phục người bạn cũ của ngài từ chức. Sau cùng, Cha Vinh Sơn phải kết luận rằng Ðức Bênêđictô không phải là giáo hoàng thật. Mặc dù đang bệnh nặng, Cha Vinh Sơn đã lên tòa giảng trước một giáo đoàn mà chính Ðức Bênêđictô chủ sự và mạnh mẽ tố giác người đã tấn phong chức linh mục cho ngài. Từ đó trở đi, Ðức Bênêđictô bỏ trốn, để lại sau lưng những người trước đây đã hỗ trợ mình.

    Cha Vinh Sơn sống cho đến ngày được chứng kiến sự chấm dứt ly giáo, với việc bầu cử tân giáo hoàng là Ðức Martin V. Cha từ trần ngày 5 tháng Tư 1419 và được phong thánh năm 1455.

    Lời Bàn

    Sự chia cắt trong Giáo Hội thời Thánh Vinh Sơn Ferrer quả thật là một tai họa — 36 năm trường với hai “thủ lãnh.” Chúng ta không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội ngày nay nếu, trong một thời gian dài như vậy, một nửa theo các giáo hoàng ở Rôma, và một nửa khác theo số giáo hoàng “chính thức”, tỉ như ở Rio de Janeiro. Quả thật đó là một phép lạ khi thời gian lụn bại ấy với những khối đá kiêu ngạo và ngu dốt, đầy tham vọng đã kéo dài không lâu. Chúng ta tin rằng “chân lý thì hùng mạnh, và sẽ thắng theá” — mặc dù đôi khi phải mất một thời gian.



   

06/04/2021

06 Tháng Tư

Chân Phước Crescentia Hoess

    (1682 – 1744)

    Crescentia sinh trong một thành phố nhỏ gần Augsburg, là con gái của một người thợ dệt nghèo nàn. Khi còn nhỏ, thời giờ để chơi đùa cô đã dùng để cầu nguyện, giúp đỡ những người nghèo hơn mình, và cô hiểu biết về giáo lý nhiều đến độ được phép Rước Lễ lần đầu vào lúc bảy tuổi, sớm hơn những người cùng tuổi. Mọi người trong phố gọi cô là “thiên thần nhỏ.”

    Khi lớn lên, cô khao khát được gia nhập dòng Phanxicô. Nhưng tu viện thì nghèo và, Crescentia không có của hồi môn, nên các bề trên đã từ chối không nhận. Sau đó, trường hợp của cô được ông thị trưởng thành phố là một người Tin Lành can thiệp, vì nhà dòng có nặng ơn nghĩa với ông. Cả nhà dòng cảm thấy như bị ép buộc phải chấp nhận cô, bởi đó đời sống trong tu viện của cô thật khốn khổ. Cô bị coi là một gánh nặng và không được làm gì khác hơn là các công việc của người đầy tớ. Ngay cả tính tình vui vẻ của cô cũng bị cho là bợ đỡ hoặc đạo đức giả.

    Bốn năm sau, tình trạng của Sơ Crescentia khá hơn khi bà bề trên mới nhận ra các nhân đức của sơ. Và Sơ Crescentia được bổ nhiệm là giám đốc đệ tử. Sơ được mọi người yêu mến và quý trọng đến nỗi, sau khi mẹ bề trên từ trần, Sơ Crescentia được mọi người tín nhiệm trong chức vụ ấy.

    Dưới sự dẫn dắt của Sơ Crescentia, tình trạng kinh tế nhà dòng khấm khá hơn, và tinh thần đạo đức của Sơ Crescentia ngày càng lan rộng. Không bao lâu, Sơ Crescentia được các hoàng thân công chúa cũng như giám mục và hồng y đến xin ý kiến. Tuy nhiên, là một người con đích thực của Thánh Phanxicô, Sơ Crescentia vẫn hết mực khiêm tốn.

    Tinh thần Sơ Crescentia thì vững mạnh nhưng thể xác của ngài thường đau yếu luôn. Sơ thường xuyên bị đau đầu và đau răng. Sau đó sơ không thể đi lại được, chân tay từ từ tê liệt, co quắp lại. Mặc dù đau đớn, sơ vẫn tràn đầy bình an và niềm vui khi sơ từ trần vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1744.

    Sơ được phong chân phước năm 1900.



  07 Tháng Tư

Thánh Gioan La San (1615 – 1719)

Cố gắng chu toàn những gì được coi là thánh ý Thiên Chúa, đó là cuộc đời của Thánh Gioan La San. Năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đặt người làm quan thầy của các bậc mô phạm vì nỗ lực của người trong việc giáo dục.

Là một người trẻ của thế kỷ 17, Gioan có tất cả mọi sự: năng khiếu học thuật, đẹp trai, gia đình quyền quý giầu có và được giáo dục tử tế. Nhưng khi mới 11 tuổi, người xuống tóc đi tu làm linh mục, và sau đó được chịu chức vào năm 27 tuổi. Dường như một cuộc đời dễ dàng với phẩm trật cao trọng trong Giáo Hội đang sẵn sàng chờ đón người.

Nhưng Thiên Chúa đã có những chương trình khác cho Cha Gioan, mà dần dà mới được tỏ lộ trong những năm sau đó. Trong một cơ hội gặp gỡ ông Nyel ở Raven, người cảm thấy muốn thiết lập một trường học dành cho các em trai nhà nghèo ở Raven, là nơi người đang sinh sống. Mặc dù công việc lúc đầu thật ghê tởm đối với người, nhưng sau đó, càng ngày người càng say mê hoạt động cho các thiếu niên nghèo túng.

Tin rằng đây là sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó, Cha Gioan hết lòng lao mình vào công việc, bỏ nhà, bỏ gia đình, bỏ cả chức vụ kinh sĩ ở Rheims, bán hết tài sản để trở nên giống như các người nghèo mà người đã tận hiến cuộc đời để phục vụ họ.

Cuộc đời còn lại của Cha Gioan là sống sát với tu hội mà người đã thành lập, Các Thầy Trường Công Giáo (Sư Huynh La San). Tu hội này phát triển mau chóng và thành công trong việc giáo dục các nam thiếu niên của gia đình nghèo với phương pháp sư phạm mà Cha Gioan đề ra, đó là sự dạy dỗ cả lớp thay vì chỉ bảo cá nhân, và dùng tiếng bản xứ thay vì tiếng Latinh. Ðồng thời tu hội cũng còn mở trường huấn luyện các giáo chức và thiết lập trường nội trú cho các thiếu niên ngỗ nghịch của các gia đình giầu có. Yếu tố năng động đằng sau các nỗ lực này là mong muốn các thiếu niên trở nên một Kitô Hữu tốt lành.

Mặc dù rất thành công, Cha Gioan cũng không thoát khỏi những thử thách, đó là sự đau lòng khi các sư huynh bỏ dòng, sự chống đối cay đắng từ các hiệu trưởng ngoài đời khi họ bực bội với phương pháp giáo dục mới và hữu hiệu của người, cũng như thường xuyên bị phe Jansen (*) thời ấy chống đối mà Cha Gioan kịch liệt phản đối lý thuyết của phe này trong suốt cuộc đời.

Trong những năm cuối đời, vì bị bệnh suyễn và thấp khớp, người từ trần vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh khi được 68 tuổi, và được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên thánh năm 1900.

Lời Bàn

Thật hiếm có ai hoàn toàn tận hiến cho ơn gọi của Thiên Chúa, bất kể ơn gọi đó là gì. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực của mình” (Mc 12:30b). Thánh Phaolô cũng có lời khuyên tương tự: “Bất cứ những gì anh chị em làm, hãy làm hết lòng…” (Colossians 3:23).

Lời Trích

“Còn gì cao quý hơn là uốn nắn tính tình của các người trẻ? Tôi tin rằng người biết uốn nắn tâm tính của giới trẻ thì cao trọng hơn mọi họa sĩ, điêu khắc gia và tất cả những người giống như vậy” (Thánh Gioan Chrysostom).

* Jansen xuất phát từ học thuyết của Cornelius Jansen (1585 – 1638), giám mục của Ypres. Trong cuốn Augustinus, Jansen đề xướng nền thần học dựa trên học thuyết của Augustine về định mệnh. Thần học này khẳng định rằng loài người hoàn toàn hư hỏng vì tội nguyên tổ và theo bản năng, loài người thích làm sự dữ hơn sự lành. Bởi bản tính suy đồi, loài người không thể làm gì khác để đáng được ơn cứu độ. Sự cứu chuộc là do ơn của Chúa mà Người chỉ ban cho những ai được chọn. Phần đông nhân loại là bị án phạt đời đời.
Sau khi xuất bản được hai năm, cuốn Augustinus đã bị Giáo Hội Công Giáo lên án và cấm phát hành bởi Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII.



08/04/2021

08 Tháng Tư 

  Thánh Julie Billiart

    (1751 – 1816)

    Sinh ở Cuvilly, nước Pháp, trong một gia đình nông dân trung lưu, ngay từ nhỏ Marie Rose Julie Billiart đã có lòng đạo hạnh và muốn giúp đỡ người nghèo. Mặc dù những năm niên thiếu thật êm đềm và thanh thản, nhưng khi lớn lên Julie đã phải làm việc lao động để giúp đỡ tài chánh cho gia đình. Tuy nhiên, cô vẫn dành thời giờ để dạy giáo lý cho các trẻ em và các nông dân.

    Khoảng 20 tuổi, sau khi tận mắt chứng kiến cảnh kẻ thù địch muốn giết hại cha mình, cô Julie đã bị chấn động đến độ bất toại và tàn phế. Trong thời gian này, khi chịu lễ hàng ngày, cô luyện tập đời sống tâm linh và dành bốn đến năm giờ đồng hồ trong sự chiêm niệm. Trong vòng hai thập niên kế đó, dù phải liệt giường nhưng cô vẫn tiếp tục dạy giáo lý, khuyên bảo và thu hút nhiều người đến với cô vì nghe tiếng thánh thiện của cô.

    Khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ năm 1789, cô Julie dùng nhà mình làm nơi ẩn náu cho các linh mục đang bị lùng bắt. Do đó, chính cô trở thành nạn nhân bị săn đuổi. Với sự giúp đỡ của bạn bè, cô ẩn trong chiếc xe bò chở rơm trốn đến Cuvilly; trong một vài năm kế tiếp cô trốn ở Compeigne, di chuyển từ nhà này sang nhà khác bất kể sự đau đớn về thể xác. Có lần cô đau đớn đến độ mất cả tiếng nói.

    Nhưng giai đoạn này là thời gian phát triển đời sống tâm linh của Julie. Chính trong thời gian này cô được nhìn thấy Chúa Giêsu trên đồi Canvê mà bao quanh là các phụ nữ mặc áo dòng, và cô nghe có tiếng nói, “Ðây là những người con tinh thần mà Ta trao cho con trong một tổ chức có dấu thập giá.” Thời gian trôi qua và Julie quen biết với một phụ nữ quý tộc, cô Francoise Blin de Bourdon, là người cùng chia sẻ việc dạy giáo lý với cô. Vào năm 1803, hai người bắt đầu thành lập một tổ chức lấy tên là Hội Dòng Ðức Bà Namur, để giáo dục người nghèo cũng như các thiếu nữ Công Giáo và huấn luyện giáo lý viên. Năm 1804, cô Julie được bình phục và có thể đi lại bình thường sau 22 năm tàn phế. Vào năm 1805, Julie và ba người bạn là các nữ tu đầu tiên của Hội Dòng Ðức Bà Namur khấn trọn. Sơ Julie được bầu làm Mẹ Bề Trên của tu hội trẻ trung này.

    Mặc dù Sơ Julie luôn luôn chú ý đến nhu cầu của người nghèo và đó vẫn là điều tiên quyết, nhưng sơ nhận thấy những người thuộc giai cấp khác của xã hội cũng cần được học hỏi về giáo lý Công Giáo. Từ lúc thành lập tu hội Các Nữ Tu của Ðức Bà cho đến khi từ trần, Sơ Julie luôn luôn di chuyển để mở các trường học khác nhau ở Pháp và Bỉ để phục vụ người nghèo cũng như giầu. Sau cùng, Sơ Julie và Sơ Francoise di chuyển nhà mẹ đến Namur, nước Bỉ.

    Sơ Julie từ trần năm 1816, và được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh năm 1969.



09/04/2021

09 Tháng Tư

Chân Phước Innocent ở Berzo

(c. 1890)

Sinh năm 1844 ở gần Brescia thuộc phía bắc nước Ý, Innocent xin gia nhập dòng Capuchin Phanxicô khi 30 tuổi và đã là một linh mục triều. Ngài giữ chức vụ phó giám đốc đệ tử viện và sau đó là cha giám tập.

Cha Innocent có biệt tài giúp đỡ các người trẻ theo đuổi ơn gọi tu trì trong đời sống dòng Phanxicô. Ngài yêu mến họ và ngược lại họ rất quý trọng ngài. Ngài kêu gọi sự hãm mình phạt xác, nhất là gìn giữ miệng lưỡi, nhưng ngài biết sự kỷ luật bề ngoài chỉ là giả dối nếu không có sự hãm mình bên trong.

Vị tu sĩ khắc khổ này từ trần ngày 3 tháng Ba 1890, khi mới 45 tuổi, vì bị bệnh cúm khi trên hành trình rao giảng. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII phong chân phước năm 1961. Những phép lạ được ghi nhận trong tiến trình phong thánh đều là việc chữa lành các trẻ em bệnh tật.



10 Tháng Tư

Chân Phước Giacôbê Oldo

    (1364 – 1404)

    Giacôbê, sinh năm 1364, là người gốc Lodi gần Milan. Nhờ buôn bán phát đạt, cả hai vợ chồng Giacôbê đắm mình trong mọi thú vui trần thế. Ngày kia, trong một đám tang của người bạn thân, khi nhìn vào huyệt sâu Giacôbê nhận thức rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ chết. Ông tự hỏi linh hồn mình sẽ đi đâu, và sau đó ông quyết tâm thay đổi đời sống. Giacôbê ăn năn sám hối, đi xưng tội và sau đó gia nhập Dòng Ba Phanxicô.

    Trong khi đó, bà mẹ ruột ông Giacôbê lại ngăn cản vợ ông thay đổi đời sống theo gương chồng. Nhưng một ngày kia, bà được thấy chính bà và con bà phải ra trước tòa Thiên Chúa. Thị kiến ấy đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi bà thay đổi lối sống cũng như khuyên cô con dâu noi gương chồng. Và cả hai đã gia nhập dòng Ba Phanxicô. Dinh thự của họ trở thành nơi cầu nguyện và nơi luyện tập nhân đức.

    Sau khi vợ chết, ông Giacôbê trở thành linh mục và gia tăng việc hãm mình đền tội. Nhiều khi mỗi tuần ông chỉ ăn có một lần, cũng như không ăn thịt và không uống rượu. Sau cùng, vị giám mục phải ra lệnh cho ông phải ăn uống tối thiểu ba lần một tuần.

    Dân chúng cảm kích trước lời rao giảng ăn năn sám hối của Cha Giacôbê. Nhiều người từ bỏ lối sống trần tục, và ngay cả gia nhập đời sống tu trì.

    Cha Giacôbê có ơn tiên tri, nhiều lần đã tiên đoán đúng các cuộc chiến xảy ra. Ngay cả cái chết của mình, ngài cũng tiên đoán đúng. Và bảy năm sau khi từ trần, người ta tìm thấy xác ngài còn nguyên vẹn.



11/04/2021

11 Tháng Tư

Thánh Stanislaus

    (1030 – 1079)

    Bất cứ ai đọc lịch sử Ðông Âu đều phải biết đến tên Stanislaus, vị giám mục thánh thiện nhưng bi thương của giáo phận Krakow. Cùng với các Thánh Tôma More và Tôma Becket, ngài thường được nhớ đến vì sự chống đối quyết liệt của ngài đối với một chính phủ hung bạo và bất chính thời ấy.

    Thánh Stanislaus sinh trong một gia đình quý tộc ở Szczepanow gần Krakow. Ngài theo học các trường Công Giáo ở Gniezno, sau đó ở thủ đô Ba Lan, và ở Balê. Ngài thụ phong linh mục ở Gnesen và được bổ nhiệm làm tổng phó tế và người thuyết giáo của Ðức Giám Mục Krakow, là nơi tài hùng biện và gương mẫu của ngài đã giúp nhiều người thực sự hoán cải đời sống, trong đó có cả hàng giáo sĩ. Ngài trở thành giám mục của Krakow năm 1072.

    Trong cuộc viễn chinh chống với Ðại Ðế Duchy của Kiev, Ðức Stanislaus bị dính líu đến tình hình chính trị ở Ba Lan. Nổi tiếng là người thẳng thắn, ngài tấn công những hành động xấu xa của vua và người dân, nhất là các cuộc chiến bất chính cũng như các hành động vô luân của Vua Boleslaus II vì ông đã cướp vợ của một nhà quý tộc.

    Lúc đầu nhà vua tự ý xin lỗi và bày tỏ sự ăn năn sám hối, nhưng sau đó lại trở về con đường cũ. Ðức Stanislaus tiếp tục công khai chống đối bất kể những hăm dọa về tội phản quốc và tử hình. Sau cùng ngài đã ra vạ tuyệt thông nhà vua và từ chối cử hành Thánh Lễ mỗi khi có sự hiện diện của ông. Ðiên lên vì tức giận, nhà vua ra lệnh quân lính hạ sát vị giám mục. Khi binh lính từ chối không tuân phục, chính tay ông đã giết Ðức Stanislaus trong khi ngài cử hành Thánh Lễ trong một nhà nguyện ở ngoại ô thành phố.

    Ðức Stanislaus là biểu hiệu của tinh thần dân tộc Ba Lan. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Innôcentê IV phong thánh năm 1253 và được đặt làm quan thầy chính thức của Krakow.


    Lời Bàn

    Thánh Gioan Tẩy Giả, Tôma Becket, Tôma More và Stanislaus là một vài ngôn sứ dám tố giác sự thối nát của những người có địa vị. Các ngài đã theo chân Ðức Giêsu Kitô, là người vạch ra sự sa đọa luân lý của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy. Ðó là một công việc đầy nguy hiểm đòi hỏi sự can đảm sống chứng nhân cho Tin Mừng.

    Lời Trích

    “Những người khao khát muốn có quyền bính để có thể áp đặt luật lệ, mệnh lệnh và kiểm soát người khác, thì chính họ là những người sống vô kỷ luật và không kiềm chế” (Thánh Tôma More, Một Ðối Thoại Về Sự Tiện Nghi).



   12/04/2021

12 Tháng Tư

Chân Phước William Ward (k. 1641)

William Ward sinh ở Anh Quốc vào khoảng năm 1560 với tên họ là Webster trong một gia đình theo Tin Lành. Khi thực hiện cuộc hành trình sang Tây Ban Nha với một người bạn Công Giáo, lúc ấy người đã là một thầy giáo trẻ. Ở đây, người trở lại đạo Công Giáo, và khi trở về nước, người hoán cải chính mẹ mình. Vì công khai tuyên xưng đức tin, người bị giam cầm nhiều lần.

Vào năm 40 tuổi, người sang Douai, nước Pháp để học làm linh mục. Sau khi được thụ phong và lấy tên là Cha William Ward, người được đưa sang Tô Cách Lan. Khi vừa đến đây, ngay lập tức người bị cầm tù trong ba năm.

Trong 30 năm kế tiếp, người sống ở ngoại ô Luân Ðôn, bí mật phục vụ người Công Giáo và nổi tiếng là một linh mục thánh thiện với sự quan tâm đặc biệt đến người nghèo. Vì lý do đó, người thường bị cầm tù hoặc bị trục xuất khỏi nước. Sau cùng, người bị phản bội bởi một tay chuyên săn bắt linh mục và bị giam trong Ngục Newgate.

Bị kết án tử hình bằng cách treo cổ và phanh thây, người từ trần ngày 26 tháng Bảy 1641 sau khi thốt ra những lời: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con!”

Cha William được phong chân phước năm 1929 cùng với 162 vị tử đạo Anh Quốc khác.



13/04/2021

13 Tháng Tư

Thánh Giáo Hoàng Martin
    (c. 655)   
 


    Khi Ðức Martin I làm giáo hoàng năm 649, Constantinople là thủ đô của Ðế Quốc Byzantine và Ðức Thượng Phụ Constantinople là vị lãnh đạo Giáo Hội có thế lực nhất của Kitô Hữu Ðông Phương. Những tranh chấp hiện có trong Giáo Hội hoàn vũ thời bấy giờ lại càng thêm quyết liệt bởi sự cộng tác chặt chẽ giữa hoàng đế và đức thượng phụ.

    Một giáo huấn được Giáo Hội Ðông Phương quyết liệt bảo vệ là cho rằng Ðức Kitô không có ý chí của loài người (*). Ðã hai lần, các hoàng đế chính thức lên tiếng bảo vệ lập trường này, lần đầu Hoàng Ðế Heraclius cho công bố bản tuyên xưng đức tin, và sau đó Hoàng Ðế Constant II ra lệnh bác bỏ vấn đề Ðức Kitô có một hoặc hai ý chí.

    Trước khi được chọn làm giáo hoàng, Ðức Martin từng là người đọc sách và là phó tế. Và sau khi nhậm chức không lâu, Ðức Martin đã tổ chức một công đồng ở Latêranô mà trong đó các sắc lệnh của vua bị kiểm duyệt, và đức thượng phụ của Constantinople cũng như hai vị tiền nhiệm đều bị lên án là sai lạc. Ðể đối phó, Hoàng Ðế Constant II cố vận động các giám mục và dân chúng chống đối đức giáo hoàng.

    Sau khi thất bại trong mưu toan này, hoàng đế sai Olympius, quan tổng trấn Ravenna, bắt đức giáo hoàng đưa về Constantinople xét xử. Nhưng Olympius thất bại, và đến năm 653, quan tổng trấn mới là Theodore Collipas đã xâm chiếm Rôma và bắt giam đức giáo hoàng ở Naxos trong một năm trời. Sau khi điệu về Constantinople, Ðức Martin bị kết tội phản loạn và bị tử hình. Mặc dù các tra tấn đã được thi hành, Ðức Martin được thoát án tử nhờ sự can thiệp của Ðức Phaolô II, vị thượng phụ của Constantinope, là người đã ăn năn sám hối về hành động của mình. Bản án tử hình được đổi thành khổ sai chung thân.

    Vì hậu quả của các cuộc tra tấn và cực hình, Ðức Martin đã từ trần sau đó không lâu. Ngài là vị giáo hoàng sau cùng chịu tử đạo.

    Lời Bàn

    Ý nghĩa thực sự của chữ tử đạo không phải là sự chết, mà là sự làm chứng. Vị tử đạo sẵn sàng hy sinh mọi sự, quý giá nhất là sinh mạng của họ, và đặt đức tin lên trên hết. Tử đạo, chết vì đức tin, là một cao độ bất ngờ mà một số người phải trải qua để thể hiện đức tin của mình nơi Ðức Kitô. Một đức tin sống động, một cuộc đời theo gương Ðức Kitô bất kể những khó khăn, đó là sự đòi hỏi của tất cả Kitô Hữu.

    (*) Lạc thuyết độc chí (monothelitism) cho rằng Ðức Kitô chỉ có một ý chí độc nhất là ý chí Thiên Chúa.



  14/04/2021

14 Tháng Tư

Thánh Gemma Galgani

    (1878 – 1903)

    Thánh Gemma Galgani sinh ở Camigliano, nước Ý, và là thứ tư trong gia đình có tám người con. Cô là một người thông minh, thân thiện, hăng hái và dễ mến, nhưng tinh thần cầu nguyện và sự thâm trầm của cô thì không một người trẻ nào sánh được.

    Mẹ của Gemma bị mắc bệnh lao và bà từ trần khi Gemma mới bảy tuổi. Mặc dù rất đau khổ khi phải mồ côi mẹ, Gemma đã biết an ủi các anh chị em mình rằng: “Mẹ chúng ta đã về trời, mẹ đã đau khổ nhiều — nhưng bây giờ mẹ không còn đau khổ nữa.”

    Cha của Gemma là một dược sĩ và thường rất khá giả, nhưng bệnh tình lâu ngày trong gia đình đã làm kiệt quệ tài chánh. Dần dà, họ trở nên nghèo nàn. Thêm vào đó, cha của Gemma lại mắc bệnh ung thư cổ và cô phải chăm sóc ông cho đến khi ông từ trần lúc Gemma 19 tuổi. Như thế, trước khi hai mươi tuổi, Gemma đã được chứng kiến sự đau khổ của cha mẹ mình và đã thi hành tất cả những gì có thể để khuây khoả và an ủi các ngài.

    Sau khi từ chối lời cầu hôn của hai thanh niên, Gemma ao ước đi tu, nhưng vì lý do sức khoẻ và vì nghèo nên cô bị từ chối. Cô chấp nhận sự thất vọng này như một hy sinh dâng lên cho Chúa. Trong thời gian ấy, Gemma tiên đoán rằng các tu sĩ dòng Thương Khó sẽ thành lập một tu viện ở Lucca, và điều này đã xảy ra sau khi cô từ trần được hai năm.

    Vào năm 21 tuổi, một tiếng nói bên trong cho Gemma biết là cô sẽ được ơn lạ thường. Sau đó cô cảm thấy đau nhói ở chân tay và ngực, và có máu tiết ra ở những nơi ấy. Ðó là những thương tích như trên thân thể Chúa Giêsu xưa. Vào mỗi tối thứ Năm, Gemma rơi vào trạng thái ngây ngất và các dấu thánh bắt đầu xuất hiện. Mãi cho đến chiều thứ Sáu, các dấu thánh mới tan biến và đến sáng thứ Bảy thì máu mới ngưng chảy, các vết thương như đóng lại, chỉ còn một vệt trắng mờ trên da. Các dấu thánh tiếp tục xuất hiện cho đến khi cha giải tội cấm cô không được chấp nhận các dấu ấy. Qua lời cầu nguyện của cô, hiện tượng này chấm dứt, nhưng các vết sẹo trắng vẫn còn thấy ở trên da.

    Vào tháng Giêng 1903, bác sĩ cho biết Gemma bị lao phổi, và ba tháng sau đó, vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh, với sự chứng kiến của cha sở, cô từ giã cõi đời khi mới hai mươi lăm tuổi. Cha sở kể lại: “Cô ấy chết với nụ cười vẫn còn nở trên môi, nên tôi không tin là cô ấy thực sự đã chết.”

    Cô Gemma được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước năm 1933 và được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh vào ngày 2 tháng Năm 1940, chỉ có ba mươi bảy năm sau khi từ trần.



15/04/2021

15 Tháng Tư

Chân Phước Caesar de Bus
    (1544-1607)

    Như nhiều người trong chúng ta, Caesar de Bus cũng phải vất vả lắm mới tìm thấy ơn gọi đích thực của mình. Sau khi tốt nghiệp ở trường dòng Tên, ngài gặp khó khăn khi phải quyết định giữa sự nghiệp của một quân nhân và một văn gia. Ngài có sáng tác một vài kịch bản nhưng sau cùng an phận trong quân đội và toà án.

    Cũng có lúc cuộc đời thật êm xuôi cho một người lính thủy tài giỏi. Ngài tin đó là một chọn lựa đúng. Cho đến khi ngài chứng kiến thực tế của một cuộc chiến, kể cả cuộc thảm sát của người Tin Lành Pháp vào ngày Thánh Batôlômêo năm 1572.

    Ngài lâm bệnh nặng và bỗng dưng nhìn lại những tiên quyết trong đời, kể cả đời sống tâm linh. Khi bình phục Caesar quyết tâm trở thành một linh mục. Sau khi được chịu chức vào năm 1582, ngài đảm nhận công việc mục vụ đặc biệt là dạy giáo lý cho người dân sống trong tình trạng bị quên lãng ở nông thôn, hoặc các nơi hẻo lánh. Nỗ lực của ngài quả thật cần thiết và được đón nhận cách nồng hậu.

    Cùng với người bà con, Cha Caesar thiết lập một chương trình giáo lý cho gia đình. Mục đích là để chống với sự lạc giáo của người dân, và mục tiêu này được sự chấp thuận của đức giám mục địa phương. Từ những nỗ lực này phát sinh một tu hội mới: các Cha của Giáo Thuyết Kitô Giáo.

    Một trong những công trình của Cha Caesar là Huấn Thị Các Gia Ðình về Giáo Lý Công Giáo, được ấn hành vào 60 năm sau khi ngài từ trần.

    Ngài được phong chân phước năm 1975.

  17/04/2021

17 Tháng Tư

Thánh Benedict Joseph Labré

    (1748 – 1783)

    Thánh Benedict Joseph Labré thực sự là một con người lập dị, nhưng rất đặc biệt của Thiên Chúa. Là con cả trong gia đình 15 người con, Benedict Joseph Labré sinh ở Amettes thuộc miền bắc nước Pháp. Cha mẹ của cậu làm chủ một nông trại và có một tiệm buôn nhỏ nên đời sống của họ tương đối thoải mái.

    Vào năm 12 tuổi, cậu được gửi đến sống với người chú là một linh mục triều ở Erin. Trong thời gian này, Benedict say mê đọc Kinh Thánh và gương thánh nhân đến nỗi người chú phải nhắc nhở cậu về việc học tiếng Latinh, là điều bắt buộc để trở nên một linh mục. Tuy nhiên, cậu nhận ra ơn gọi của Thiên Chúa trong sự hoàn toàn từ bỏ thế gian. Do đó, sau khi người chú từ trần vì chăm sóc các nạn nhân bệnh dịch tả, Benedict trở về nhà, và đi tìm dòng tu khắc khổ nhất.

    Vì sức khoẻ yếu kém và vì thiếu nền tảng học vấn nên Benedict không được nhận vào đời sống tu trì. Sau đó, vào năm 18 tuổi, một thay đổi quan trọng có ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời. Benedict không muốn học hành và từ bỏ ý định đi tu. Ngài bỏ nhà và sống như một vị khổ tu, đi hành hương hết đền thánh này đến đền thánh khác. Ngài mặc quần áo rách rưới và ngủ ngay ngoài trời, thực phẩm của ngài chỉ là mẩu bánh hoặc ít rau trái nhờ vào lòng bác ái của người qua đường hoặc lượm nhặt được từ những nơi phế thải. Ngài không xin ăn và sẵn sàng chia sẻ thực phẩm dư dật với người nghèo. Ngài đặc biệt sùng kính Ðức Mẹ và bí tích Thánh Thể.

    Bất cứ ai gặp ngài đều không thể quên được một người thật rách rưới nhưng biết tiếng Latinh, thông thạo Kinh Thánh, trông như người ăn xin nhưng không bao giờ xin xỏ. Họ bâng khuâng tự hỏi làm thế nào kẻ lang thang ấy lại có đôi mắt thật nhân từ và một lối sống có phẩm giá. Ðiều họ thắc mắc đã là một sứ điệp. Thiên Chúa biết loài người dễ đắm chìm trong sự ích kỷ và Ngài đã đặt trước mắt họ hình ảnh của một ngôn sứ, một phản ánh thực sự của tự do đích thực, không bị ràng buộc vào vật chất thế gian. Benedict là người soi dẫn của Thiên Chúa để cảnh giác những người lầm lạc, và là tia hy vọng cũng như sự an ủi cho những người vô gia cư chỉ vì sự tham lam của người đời.

    Vào ngày 16 tháng Tư 1783, có thể nói vì đời sống quá cực khổ, ngài kiệt sức ngã quỵ trên bậc tam cấp của một nhà thờ ở Rôma. Vào chiều tối hôm ấy, khi tiếng chuông vang vọng báo hiệu giờ kinh Salve Regina, ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong một căn nhà gần đó. Các trẻ em chạy khắp đường phố loan báo, “Ông Thánh chết rồi! Ông Thánh chết rồi!” Tin tức ấy được loan truyền trong khi chuông nhà thờ đang rộn rã liên hồi.

    Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1859.



18/04/2021

18 Tháng Tư

Chân Phước Pedro de San José Betancur

    (1626 – 1667)

    Pedro sinh trong một gia đình nghèo ở Tenerife thuộc quần đảo Canary. Ngay từ nhỏ, cậu rất muốn trở thành một linh mục, nhưng Thiên Chúa đã có hoạch định khác cho cậu.

    Pedro làm nghề chăn cừu cho đến khi 24 tuổi, anh thực hiện cuộc du hành sang Guatemala, hy vọng sẽ tìm được một người bà con đang làm việc cho chính phủ ở đây. Nhưng mới đến Havana, anh đã cạn hết tiền. Sau khi phải làm việc để kiếm thêm tài chánh, mãi một năm sau anh mới đến thủ đô Guatemala. Ðến nơi, anh quá túng thiếu đến độ phải sống nhờ vào nhà phát chẩn của dòng Phanxicô.

    Sau đó không lâu, Pedro ghi tên theo học trường Dòng Tên với hy vọng sẽ trở thành một linh mục. Nhưng dù cố gắng đến đâu đi nữa, anh vẫn không thể tinh thông các môn học; do đó anh phải bỏ dở. Năm 1655 anh gia nhập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ba năm sau thầy Pedro mở một chẩn y viện cho người nghèo; một trung tâm cho người vô gia cư và sau đó ít lâu, thầy mở một trường học cho các trẻ em nghèo. Cũng không quên đến người giầu có ở thủ đô Guatemala, thầy đi vào khu phố của họ, vừa rung chuông vừa kêu gọi họ ăn năn sám hối.

    Dần dà nhiều người khác đến chia sẻ công việc của Pedro. Không bao lâu, họ thành lập Tu Hội Bêlem mà tu hội này đã được Tòa Thánh chính thức công nhận sau khi Thầy Pedro từ trần.

    Thầy thường được coi là người khởi xướng hoạt cảnh Ðêm Giáng Sinh, trong đó Ðức Maria và Thánh Giuse đi từng nhà để tìm chỗ trọ. Truyền thống này lan ra tới Mễ Tây Cơ và các quốc gia Trung Mỹ cho đến ngày nay.

    Thầy được phong chân phước năm 1980.


    Lời Trích

    Ðề cập đến Thầy Pedro và bốn vị khác cùng được phong chân phước với thầy, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Thiên Chúa rộng rãi ban phát cho họ sự nhân hậu và lòng thương xót của Ngài cũng như ban cho họ tràn đầy ơn sủng; Thiên Chúa yêu thương họ với tình yêu của một người cha, nhưng rất đòi hỏi, mà sự hứa hẹn chỉ là những khổ nhọc và đau thương. Thiên Chúa mời gọi họ sống cuộc đời thánh thiện cách anh hùng; Ngài lôi họ ra khỏi quê hương và gửi họ đến các phần đất xa lạ để loan truyền phúc âm, giữa những khó khăn và cực nhọc không thể diễn tả được” (L’Observatore Romano).



   19/04/2021

19 Tháng Tư

Chân Phước Luchesio và Buonadonna

    (c. 1260)

    Ông Luchesio và bà Buonadonna là hai vợ chồng muốn sống theo gương Thánh Phanxicô. Do đó họ đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.

    Hai ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô — có lẽ năm 1213 — họ đã thay đổi đời sống. Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái.

    Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ. Một ngày kia, khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, và ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số bánh mì đang có thì nhiều hơn khi trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng say sống đời khó nghèo và thanh bạch như ông chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho các người nghèo.

    Vào thế kỷ thứ 13, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện.

    Ðể đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ðầu tiên, thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba (Phanxicô Thế Tục), sau đó Ðức Giáo Hoàng Honorius III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.

    Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để giúp đỡ tha nhân.

    Một ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường thì có một thanh niên đến hỏi ông, “Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng trên lưng đó?” Ông Luchesio trả lời, “Tôi đang cõng Ðức Giêsu Kitô.” Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.

    Hai ông bà Luchesio và Buonadonna đều từ trần vào ngày 28 tháng Tư 1260. Ông được phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là “chân phước” dù rằng Tòa Thánh chưa chính thức công bố.

    Lời Bàn

    Thật dễ để chế nhạo người nghèo, và chà đạp phẩm giá con người mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ Têrêsa Calcutta thường đề cập đến sự nghèo túng như “sự đau khổ tiềm ẩn” của Ðức Kitô. Chúng ta dễ khiến người khác cảm thấy là họ vô ích — người nghèo, người bệnh hoạn, người tật nguyền thể xác cũng như tâm thần, người lớn tuổi, người thất nghiệp — do đó, chống lại sự cám dỗ ấy đòi hỏi một mức độ đại lượng trong cuộc sống chúng ta. Nếu ai nấy cũng đều nhìn thấy Ðức Kitô trong người nghèo như hai ông bà Luchesio, họ sẽ phong phú hóa Giáo Hội và giữ được sự trung tín với Thiên Chúa.


    Lời Trích

    Thánh Phanxicô thường nói, “Bất cứ ai nguyền rủa người nghèo là tổn thương đến Ðức Kitô, vì họ đang mang hình ảnh của Người, hình ảnh của Ðấng đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta” (1 Celano, #76).



20/04/2021

20 Tháng Tư

Thánh Conrad ở Parzham

    (1818 – 1894)

    Thánh Conrad không phải là vị sáng lập dòng hay ngay cả là một linh mục, nhưng tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa và sự sùng kính Ðức Maria đã biến ngài trở nên một anh hùng của Ðức Giêsu Kitô. Thánh Conrad trổi vượt về đức bác ái, được biểu lộ trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, trong sự sùng kính Thánh Thể và sự tín thác vào Ðức Mẹ như trẻ thơ.

    Sinh trưởng ở Parzham, ngay từ nhỏ Conrad đã được cha mẹ dạy bảo giáo lý thật kỹ lưỡng. Dù phải làm việc đồng áng vất vả, Conrad vẫn dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Do đó người ta không ngạc nhiên khi thấy người trẻ này đã gia nhập dòng Capuchin sau khi các ngài đến đây truyền giáo.

    Conrad gia nhập dòng Capuchin với tư cách thầy trợ sĩ. Ngài khấn trọn năm 1852 và được bài sai đến tu viện ở Altoetting với công việc giữ cửa trong 41 năm. Vì tu viện là trung tâm hành hương nên việc giữ cửa rất bận rộn, mỗi ngày có đến cả ngàn người thăm hỏi, và dù già hay trẻ, lịch thiệp hay thiếu lễ độ, Thầy Conrad đều ân cần và hoà nhã đón tiếp họ. Qua cách đối xử nhân từ ấy, thầy đã đưa nhiều người về với Thiên Chúa. Thầy ngủ ít, siêng năng làm việc và luôn luôn kết hợp với Ðức Kitô. Thầy rất quý trọng Thánh Thể, và sung sướng khi được giúp lễ. Bất cứ lúc nào có chút thời giờ rảnh rỗi, thầy đều dùng để cầu nguyện trước Thánh Thể.

    Ngoài việc tôn thờ Thánh Thể và Chúa Giêsu Ðóng Ðinh, Thầy Conrad còn đặc biệt sùng kính Ðức Maria. Ngài là Nữ Vương và là Trạng Sư của thầy trong những khi thử thách. Thầy luôn luôn cổ võ lòng sùng kính Ðức Maria qua việc phân phát chuỗi Mai Khôi.

    Vào ngày 18 tháng Tư 1894, thầy bị liệt. Ba ngày sau, khi các trẻ em mà thầy đã dạy chúng lần hạt, đang đọc kinh ngoài cửa sổ thì thầy trút hơi thở cuối cùng.

    Với các nhân đức anh hùng và phép lạ của Thầy Conrad, Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên phong chân phước vào năm 1930, và bốn năm sau, cũng chính Ðức Piô XI đã tuyên phong hiển thánh.


    Lời Trích

    “Thiên Chúa muốn tôi từ bỏ tất cả những gì ưa thích và gần gũi với tôi. Tôi cảm tạ Thiên Chúa đã gọi tôi vào đời sống tu trì, là nơi tôi tìm thấy sự bình an và niềm vui mà không thể nào tìm thấy trong thế gian. Những gì tôi muốn thực hiện trong cuộc đời, chính yếu là: sống bác ái và chịu đau khổ, luôn suy tưởng, tôn thờ và ngưỡng mộ tình yêu khôn tả của Thiên Chúa đã dành cho các tạo vật thấp hèn nhất của Ngài” (Thư của Thánh Conrad).



   21/04/2021

21 Tháng Tư

Thánh Anselm

    (1033-1109)

    Là một thanh niên lãnh đạm với tôn giáo, Thánh Anselm đã trở nên một trong những nhà lãnh đạo và thần học gia vĩ đại của Giáo Hội. Ngài có danh xưng “Ông Tổ Phái Kinh Viện” vì những cố gắng phân tích và làm sáng tỏ các chân lý đức tin qua sự hỗ trợ của lý lẽ.

    Thánh Anselm sinh trong một gia đình quyền quý ở Aoust, thuộc Piedmont. Ngài được người mẹ đạo đức chăm sóc và dạy dỗ về giáo lý, và ảnh hưởng tốt đẹp ấy đã kéo dài suốt cuộc đời ngài.

    Khi 15 tuổi, Anselm muốn gia nhập một đan viện, nhưng bị từ chối vì người cha phản đối. Sau thời gian mười hai năm sống trong sự thờ ơ tôn giáo và theo thói đời, sau cùng ngài đã trở thành một đan sĩ như lòng mong ước. Ngài gia nhập đan viện Bec ở Normandy, ba năm sau ngài được bầu làm đan viện trưởng, và 15 năm sau ngài được bầu làm viện phụ.

    Ðược coi là một nhà tư tưởng độc lập và độc đáo, Ðức Anselm được mọi người thán phục vì sự kiên nhẫn, hiền hòa và tài giảng dạy của ngài. Quả thật, ngài hiểu biết nhiều về thực chất và sự đam mê của con người đến độ dường như ngài đọc được tư tưởng và hành động của họ, bởi đó ngài nhìn thấy các nhân đức cũng như tật xấu của họ và khuyên bảo họ một cách thích hợp. Dưới sự lãnh đạo của ngài, Ðan Viện Bec trở nên trường đào tạo các đan sĩ, có ảnh hưởng đến các tư duy triết học và thần học thời ấy.

    Trong những năm này, theo lời yêu cầu của cộng đoàn, Ðức Anselm bắt đầu công bố các công trình thần học của ngài, có thể sánh với các văn bản của Thánh Augustine. Công trình nổi tiếng nhất của ngài là cuốn Cur Deus Homo (“Tại Sao Thiên Chúa Làm Người”).

    Khi 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Ðức Tổng Giám Mục của Canterbury vào năm 1093, trái với ý muốn của ngài. Việc bổ nhiệm ngài, lúc đầu bị vua nước Anh là William Rufus chống đối nhưng sau đó phải chấp nhận. Rufus cố chấp từ chối cộng tác với các nỗ lực cải cách Giáo Hội.

    Sau cùng Ðức Anselm phải đi lưu đầy cho đến khi Rufus từ trần năm 1100. Ngài được gọi về nước Anh bởi Henry I, là em và là người kế vị Rufus. Tuy nhiên, Ðức Anselm lại bất đồng với Henry về việc nhà vua nhúng tay vào các vấn đề của hàng giám mục, do đó ngài lại phải đi lưu đầy ba năm ở Rôma.

    Không chỉ lưu tâm đến hàng quý tộc, Ðức Anselm còn để ý và lo lắng cho người nghèo. Ngài là người đầu tiên trong Giáo Hội chống đối việc buôn nô lệ. Và ngài đã được Hội Ðồng Quốc Gia Westminster thông qua đạo luật cấm buôn bán con người.

    Ngài từ trần ở Canterbury, Anh Quốc năm 1109, và được phong thánh năm 1494.

    Lời Bàn

    Thánh Anselm, cũng như bất cứ môn đệ trung kiên nào khác của Ðức Kitô, đã phải vác thập giá của mình, nhất là dưới hình thức chống đối và xung đột với những người đang nắm quyền chính trị. Mặc dù bản tính là một người hiền hòa và yêu chuộng hòa bình, Thánh Anselm không nhượng bộ trước sự đàn áp và mâu thuẫn với các nguyên tắc đang bị đe dọa.

    Lời Trích

    “Trên thiên đàng không ai có sự khao khát nào hơn là thánh ý Thiên Chúa; và sự khao khát của một người sẽ là sự khao khát của mọi người; và sự khao khát của mọi người cũng như mỗi người sẽ là sự khao khát của Thiên Chúa” (Thánh Anselm, Opera Omnis, Thư 112).



22/04/2021

22 Tháng Tư

Chân Phước Giles ở Assisi (1190-1262)

Chân Phước Giles, một trong các môn đệ của Thánh Phanxicô, là người đơn giản và siêng năng cầu nguyện.

Vào ngày 23 tháng Tư, 1208, một người tá điền tên Giles đã phân phát tài sản cho người nghèo và đi theo Thánh Phanxicô. Trong phần giới thiệu ông Giles, Thánh Phanxicô nói: “Ðây là một người anh em tốt lành mà Thiên Chúa đã gửi đến cho chúng ta! Hãy ngồi vào bàn và ăn mừng.”

Trong thời gian đầu sau khi là một tu sĩ dòng Phanxicô, Thầy Giles tháp tùng Thánh Phanxicô trong nhiều công tác truyền giáo ở chung quanh Assisi, cũng như hành hương đến Rôma, Ðất Thánh và đền nổi tiếng của Thánh Giacôbê ở Compostela, Tây Ban Nha. Vào năm 1219, người đến Tunis để rao giảng cho người Hồi Giáo, nhưng người Kitô Giáo ở đây, sợ rằng người sẽ gây khó khăn cho họ, nên đã đưa người lên thuyền trở về Ý. Sau đó, Thầy Giles làm việc lao động trong vài năm. Vào năm 1234, người di chuyển đến Monte Rapido gần Perugia để theo đuổi đời sống chiêm niệm. Thầy sống ở đây cho đến khi từ trần.

Thầy Giles luôn luôn làm việc để có miếng ăn hàng ngày ngay cả khi người là khách. Có lần khi đang ở nhà một vị hồng y, và buổi sáng hôm ấy trời mưa tầm tã. Vị hồng y vui mừng nghĩ rằng Thầy Giles sẽ không thể nào làm việc lao động được, và thầy sẽ phải nhận lòng bác ái của đức hồng y. Tuy nhiên, người tu sĩ khéo léo này đã đi vào bếp để lau chùi, quét dọn và giúp người đầu bếp chuẩn bị bữa ăn tối!

Khi Thánh Bonaventura đến Perugia, Thầy Giles hỏi thánh nhân rằng, một người ngu dốt có thể yêu mến Thiên Chúa nhiều như một học giả không. Thánh Bonaventura, lúc ấy là một thần học gia nổi tiếng xuất thân từ Ðại Học Balê và là bề trên tổng quyền, trả lời: “Một bà già tầm thường có thể yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn là một bậc thầy về thần học.” Ngay lập tức, Thầy Giles chạy đi gặp một bà già và nói, “Bà ơi, dù bà đơn sơ và không có học thức, nhưng nếu bà yêu mến Thiên Chúa thì bà có thể cao trọng hơn cả Bonaventura.”

Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX, trước đây là Hồng Y Hugolinô và là một người ái mộ Thánh Phanxicô, đã có lần đưa Thầy Giles đến Viterbo để đức giáo hoàng có thể tận mắt chứng kiến sự thánh thiện của thầy. Cả hai bắt đầu nói chuyện về thiên đường, và Thầy Giles đã hai lần rơi vào tình trạng ngất trí trong một thời gian khá lâu. Một lần khác, đức giáo hoàng yêu cầu thầy khuyên bảo về nhiệm vụ của một giáo hoàng. Thầy nói với đức giáo hoàng là “Ngài phải có hai đôi mắt trong linh hồn: một đôi để chiêm ngắm những sự trên trời, và một đôi để nhìn đến những sự dưới đất.” Như đức giáo hoàng và Thánh Bonaventura đồng ý, Thầy Giles là một bậc thầy về đời sống tâm linh. Tập “Lời Vàng của Thầy Giles” đã ghi lại những lời nói đáng nhớ của thầy.

Là một trong những môn đệ tiên khởi của Thánh Phanxicô, Thầy Giles khước từ mọi dễ dãi về kỷ luật trong Quy Luật Thánh Phanxicô. Thầy được phong chân phước năm 1777.

Lời Bàn

Chúng ta được dựng nên với một mục đích. Chân Phước Giles biết rằng mục đích của đời sống chúng ta là sống với Thiên Chúa, và người đã vui vẻ chuẩn bị cho đời sống ấy.

Lời Trích

“Chim chóc trên trời, muông thú dưới đất và cá dưới biển đều thoả mãn khi chúng có đủ thức ăn. Nhưng con người thì không thỏa mãn với những sự trần thế và luôn luôn khao khát những điều khác, do đó hiển nhiên là con người được tạo dựng không chỉ cho chính mình mà còn cho tha nhân. Vì thân xác được tạo dựng là cho linh hồn, và thế giới này được tạo dựng là cho thế giới khác” (Lời Vàng).



23/04/2021

23 Tháng Tư

Thánh George

    (c. 304)

    Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.

    Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Ðế La Mã Diocletian (245 — 313), và là người được Hoàng Ðế mến mộ.

    Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Ðức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Ðế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.

    Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Ðặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.

    Ngài được phong thánh năm 494, Ðức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người “mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa.”

    Thánh George được đặt làm quan thầy của nước Anh, Bồ Ðào Nha, Ðức, Aragon, Genoa và Venice.

    Lời Bàn

    Tất cả chúng ta đều có những “con rồng” để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những “con rồng” đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Ðức Kitô.


    Lời Trích

    “Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Ðức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai” (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50).



   24/04/2021

24 Tháng Tư

Thánh Fidelis ở Sigmaringen

    (1578 — 1622)

    Nếu có người nghèo cần đến quần áo, Thánh Fidelis thường lấy ngay quần áo của mình đang mặc mà chia sẻ cho họ. Sự hoàn toàn độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân.

    Sinh năm 1578 trong một gia đình giầu có ở Sigmaringen, Thánh Fidelis có tên gọi là Mark Rey, ngay từ nhỏ rõ ràng ngài đã có những khả năng đặc biệt. Sau khi được vinh dự nhận bằng tiến sĩ triết và luật tại Ðại Học Freeburgh, Mark Rey cùng với ba người bạn đi khắp Âu Châu trong vòng sáu năm. Ngài hành nghề luật sư, và các thân chủ đều mến mộ sự khôn ngoan và công chính của ngài. Nhưng dần dà ngài cảm thấy ghê tởm sự thối nát trong giới đồng nghiệp, và khi được hối lộ để kéo dài một vụ kiện ngài đã quyết định đi tu, gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Fidelis. Tài sản của ngài được chia cho người nghèo và nhà dòng.

    Với quyết tâm rao giảng cho mọi người biết về đức tin chân thật, sau khi thụ phong linh mục, Cha Fidelis được phép hoạt động truyền giáo cho người Tin Lành, đó là một công việc đầy nguy hiểm trong thời ấy. Ngài chuẩn bị cho sứ vụ này bằng việc học hỏi, viết lách, cầu nguyện và hãm mình. Với những lời đầy nhiệt huyết ngài bài bác lạc thuyết của Calvin và Zwingli. Nhiều người Tin Lành cũng như người Công Giáo sa ngã đã trở về với đức tin Công Giáo.

    Sau đó Cha Fidelis làm Giám Ðốc của một tu viện và là nguồn khai sáng cho các tu sĩ với tinh thần chiêm niệm luôn bao trùm nhà dòng. Chính ngài và các thầy chăm sóc các quân nhân về thể xác cũng như tinh thần khiến các sĩ quan Tin Lành tức giận.

    Có lần ngài nói với một linh mục bạn về hai điều ước của ngài; một là được ơn không bao giờ phạm tội trọng, và hai là được chết vì Ðức Tin. Thiên Chúa đã nhận lời ngài.

    Trong ba năm, ngài được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XV sai đến Thetia hoạt động và ngài hoán cải rất nhiều người. Các giáo sĩ theo phái Calvin(*) xách động dân chúng, và vào ngày 24 tháng Tư 1624, đó là lần rao giảng chót của Cha Fidelis. Khi ngài vừa lên toà giảng để nói về “Một Thiên Chúa, Một Ðức Tin, Một Phép Rửa”, đám đông la ó phản đối, họ lôi ngài ra khỏi nhà thờ và dùng gậy gộc đánh đập và dùng gươm đâm ngài chết.


    Lời Bàn

    Sự liên lỉ cầu nguyện của Thánh Fidelis đã giữ ngài luôn trung thành với Thiên Chúa và không nhượng bộ sự lãnh đạm và thờ ơ. Người ta thường nghe ngài nói, “Khốn cho tôi, nếu tôi chỉ là một người lính thiếu tận tâm phục vụ vị Thủ Lãnh đội mão gai.” Sự cầu nguyện đối với sự thờ ơ, và sự lưu tâm đối với người nghèo đã khiến thánh nhân trở nên một gương mẫu có giá trị cho ngày nay. Giáo Hội thường kêu gọi chúng ta hãy noi gương người “luật sư của người nghèo” này bằng cách chia sẻ tài năng chúng ta với những người kém may mắn, và hoạt động cho sự công bằng của thế giới.

    Lời Trích

    “Hành động vì sự công bằng và tham dự trong việc biến đổi thế gian thực sự là một yếu tố cơ bản trong việc rao giảng phúc âm hoặc, nói cách khác, trong sứ vụ của Giáo Hội để cứu chuộc loài người và giải thoát con người khỏi mọi áp bức” (“Sự Công Bằng Trong Thế Giới,” Thượng Hội Ðồng Giám Mục, 1971).



25/04/2021

25 Tháng Tư

Thánh Máccô

    Những gì chúng ta biết về Thánh Máccô thì trực tiếp từ Kinh Thánh Tân Ước. Ngài thường được coi là nhân vật Máccô trong Tông Ðồ Công Vụ 12:12 (Khi Phêrô thoát khỏi ngục và đến nhà mẹ của Máccô).

    Phaolô và Barnabas muốn đem theo Máccô trong chuyến truyền giáo đầu tiên, nhưng vì một vài lý do nào đó, Máccô đã ở lại Giêrusalem một mình. Trong cuộc hành trình thứ hai, Phaolô lại từ chối không muốn đem theo Máccô, bất kể sự nài nỉ của Barnabas, điều đó chứng tỏ Máccô đã làm phật lòng Phaolô. Sau này, Phaolô yêu cầu Máccô đến thăm ngài khi ở trong ngục, điều đó cho thấy sự bất hòa giữa hai người không còn nữa.

    Là phúc âm đầu tiên và ngắn nhất trong bốn Phúc Âm, Máccô nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên Chúa. Phúc Âm Thánh Máccô có lẽ được viết cho Dân Ngoại tòng giáo ở Rôma — sau cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô khoảng giữa thập niên 60 và 70.

    Cũng như các thánh sử khác, Máccô không phải là một trong 12 tông đồ. Chúng ta không rõ ngài có biết Ðức Kitô một cách cá biệt hay không. Một số sử gia cho rằng vị thánh sử này đã nói đến chính ngài trong đoạn Ðức Kitô bị bắt ở Giệtsimani: “Bấy giờ một người trẻ đi theo Người chỉ khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, nhưng anh tuột tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Máccô 14:51-52).

    Nhiều người khác cho rằng Máccô là giám mục đầu tiên của Alexandria, Ai Cập. Thành phố Venice, nổi tiếng với quảng trường San Marco, cho rằng Thánh Máccô là quan thầy của thành phố này; một vương cung thánh đường vĩ đại ở đây được coi là nơi chôn cất thánh nhân.

    Dấu hiệu của Thánh Máccô là sư tử có cánh, do bởi đoạn Máccô diễn tả Gioan Tẩy Giả như một “tiếng kêu trong hoang địa” (Máccô 1:3), mà các nghệ nhân so sánh tiếng kêu ấy như tiếng sư tử gầm. Ðôi cánh của sư tử là vì người ta dùng thị kiến của Êgiêkien về bốn con vật có cánh mà áp dụng cho các thánh sử.


    Lời Bàn

    Cuộc đời Thánh Máccô đã hoàn tất những gì mà mọi Kitô Hữu được mời gọi để thi hành: rao truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Ðặc biệt, phương cách của Thánh Máccô là qua sự viết văn. Những người khác có thể loan truyền Tin Mừng qua âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, thi văn hay giáo dục con em ngay trong gia đình.


    Lời Trích

    Hầu hết những gì Thánh Máccô viết đều có đề cập đến trong các Phúc Âm khác — chỉ trừ bốn đoạn. Sau đây là một đoạn: “… Chuyện nước trời cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Máccô 4:26-29).



   26/04/2021

Thánh Giuse Cottolengo

    (1786 – 1842)

    Thánh Giuse Cottolengo là người con cả trong gia đình 12 người con. Sinh trưởng ở Bra, gần Turin, Ý Ðại Lợi, sau một thời gian vất vả vì sức khoẻ yếu kém và khó khăn trong việc học, ngài được thụ phong linh mục trong Ðịa Phận Turin năm 1811.

    Trong quãng đời của Cha Giuse, nước Ý tan nát vì chiến tranh và người nghèo cũng như người bệnh tật thường bị quên lãng. Ðược khích động bởi cuộc đời Thánh Vinh Sơn Phaolô và xúc động trước sự đau khổ của những người chung quanh, Cha Giuse đã thuê phòng ốc để chăm sóc các bệnh nhân, và tuyển mộ các thiếu nữ để điều hành. Khi công việc ngày càng bành trướng và được nhiều người tham gia, Cha Giuse quy tụ những người thiện chí trong hai tổ chức là Tiểu Ðệ Thánh Vinh Sơn Phaolô và Tiểu Muội Thánh Vinh Sơn Phaolô.

    Khi bệnh dịch tả lan tràn năm 1831, tổ chức của Cha Giuse phải đóng cửa và di chuyển ra ngoại ô thành phố, ở Voldocco, tiếp tục chăm sóc người bất hạnh. Tổ chức của ngài có tên Nhà Chúa Quan Phòng và phục vụ nhiều loại người khác nhau (người bệnh, người già, sinh viên nghèo, người bị bệnh tâm thần, người mù). Tất cả phần tài chánh đều nhờ vào lòng bác ái của mọi người.

    Ðể phục vụ những người kém may mắn, ngài còn sáng lập các tổ chức Nữ Tử Ðấng Thương Xót, Nữ Tử Ðấng Chiên Lành, Ẩn Sĩ của Chuỗi Mai Khôi, và các Linh Mục của Thiên Chúa Ba Ngôi.

    Bị mắc bệnh thương hàn, ngài yếu dần và từ trần ở Chieri, nước Ý, và được phong thánh năm 1934.


    Lời Bàn

    Làm thế nào để chúng ta biết được thánh ý Thiên Chúa? Có phải thánh ý đó không thay đổi? Thánh Giuse Cottolengo chỉ bắt đầu thực hiện công việc bác ái nổi tiếng đó sau 21 năm làm linh mục. Những năm cầu nguyện và tìm kiếm đã giúp Thánh Giuse Cottolengo nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa. Trong quá khứ, dù chúng ta có đáp ứng thế nào với nhu cầu của tha nhân đi nữa, Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta độ lượng hơn nữa.



27/04/2021

27 Tháng Tư

Thánh Zita ở Lucca

    (1218 — 1278)

    Thánh Zita còn được gọi là Sitha hay Citha. Ngài sinh trong một gia đình nghèo nhưng rất đạo đức ở Lucca, nước Ý. Từ 12 tuổi cho đến chết, ngài làm đầy tớ cho gia đình Fatinelli ở Lucca. Vì không có địa vị trong xã hội nên ngài không có tên họ.

    Ngay từ khi còn nhỏ, Zita đã lưu tâm đến những người nghèo và bơ vơ. Lòng thương người ấy ngày càng nổi tiếng, và họ tìm đến ngài. Ðiều ấy không phù hợp với hoàn cảnh của một đầy tớ cũng như khiến gia chủ phải khó chịu. Và Thiên Chúa đã can thiệp. Một ngày kia, Zita bỏ dở công việc nấu nướng để chăm sóc người nghèo và các đầy tớ khác đã lên mách với gia chủ. Khi xuống bếp điều tra, họ nhìn thấy các thiên thần đang làm công việc bếp núc thay cho Zita. Một lần khác, Zita đã phân phát cả một kho chứa đậu cho những người trong phố khi nạn đói hoành hành. Khả nghi, gia chủ xuống xem xét và lạ lùng thay họ thấy kho vẫn đầy những hạt đậu.

    Ngày tháng dần trôi, ngài trở nên nổi tiếng trong việc giúp đỡ người nghèo, người đau yếu và kẻ tù đầy. Ngay sau khi chết, nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của ngài, người ta đã sùng kính ngài như một vị thánh; và danh xưng đó được chính thức trao ban cho ngài năm 1696. Thánh Zita là quan thầy của các người giúp việc trong nhà.


    Lời Bàn

    Chúng ta thường nói, “Bạn không thể đem theo của cải với mình khi chết.” Nhưng người ta vẫn e ngại khi làm việc từ thiện vì họ sợ tài sản của họ sẽ tiêu tan, dù đó là thời giờ, tiền bạc hay sức lực. Thánh Zita được vinh danh là vì lòng bác ái của ngài. Ngài đã có thể so đo với những người giầu có và bào chữa cho sự ích kỷ của mình. Nhưng ngài đã sống lời Ðức Kitô trong câu truyện về người goá phụ nghèo (xem Luca 21:1-4).


    Lời Trích

    “Vì vậy chúng ta hãy bác ái và khiêm tốn; chúng ta hãy bố thí vì của bố thí sẽ tẩy sạch vết nhơ tội lỗi trong linh hồn chúng ta (xem Tobia 4:11; 12:9). Vì người ta sẽ mất tất cả những gì họ để lại trần gian mà chỉ đem theo được các phần thưởng của hành động bác ái và bố thí mà họ đã cho đi, vì đó mà họ sẽ được Chúa thưởng công và được đền đáp xứng đáng” (Thư Thánh Phanxicô Gửi Người Tín Hữu).



   28/04/2021

28 Tháng Tư

Thánh Phêrô Chanel

    (1803 – 1841)

    Bất cứ ai từng làm việc trong cô độc, và cần phải thích ứng tối đa và rất ít cơ hội thành công, đều tìm thấy một tinh thần tương tự nơi Thánh Phêrô Chanel.

    Thánh Phêrô Chanel sinh ở Clet trong giáo phận Belley, nước Pháp. Khi là học sinh tiểu học, ngài đã được thầy giáo chú ý vì sự thông minh và đạo đức. Khi gia nhập đại chủng viện, ngài được sự thương mến và quý trọng của các giáo sư cũng như đồng bạn. Khi là linh mục trẻ, ngài làm hồi sinh một giáo xứ trong khu “tồi tệ” của thành phố chỉ sau ba năm hoạt động. Tuy nhiên ngài vẫn muốn trở thành nhà truyền giáo, do đó lúc 28 tuổi ngài gia nhập Dòng Ðức Mẹ, là tu hội chú trọng đến công việc truyền giáo ở trong và ngoài nước. Nhưng, trái với điều mong ước, ngài lại được chỉ định công việc dạy học ở đại chủng viện Belley trong vòng năm năm kế đó, và ngài thi hành nhiệm vụ ấy với tất cả nhiệt thành.

    Vào năm 1836, nhà dòng được giao cho vùng New Hebrides ở Thái Bình Dương để truyền giáo, và Cha Phêrô thật vui sướng được bổ nhiệm là bề trên của nhóm truyền giáo, tuy nhỏ nhưng hăng say rao giảng Ðức Tin cho dân cư trên đảo.

    Sau mười tháng lênh đênh trên biển, họ đã cập bến và tách ra làm hai nhóm, và nhóm của Cha Phêrô thì đến Ðảo Futuna với hai người phụ tá, gồm một thầy dòng và một giáo dân người Anh. Khi ấy dân cư trên đảo còn trong tình trạng bán khai mà lệnh cấm ăn thịt người chỉ vừa mới được ban hành. Lúc đầu các vị truyền giáo được người bản xứ và tù trưởng Niuliki tiếp đón niềm nở. Tuy nhiên, khi các ngài càng ngày càng sành sõi tiếng địa phương và càng được dân chúng tin tưởng thì ông tù trưởng cảm thấy ghen tức và lo sợ; ông thấy rằng việc chấp nhận đức tin Công Giáo sẽ đưa đến sự bãi bỏ một số đặc quyền mà ông đang được hưởng, với tư cách của một thượng tế và vừa là người cầm quyền. Sau cùng, khi chính con trai ông bày tỏ lòng ước ao muốn được rửa tội, sự căm thù của ông bùng nổ và ông sai các chiến sĩ của ông đi bắt vị trưởng nhóm truyền giáo. Do đó, ngày 28 tháng Tư 1841, Cha Phêrô bị bắt và bị đánh đập cho đến chết bởi những người mà ngài muốn cứu vớt linh hồn họ.

    Chỉ trong vòng hai năm sau cái chết của ngài, mọi người trên đảo đều theo đạo Công Giáo và vẫn trung thành với đức tin ấy cho đến ngày nay. Cha Phêrô Chanel là vị tử đạo đầu tiên ở Ðại Dương Châu và là quan thầy của châu này.


    Lời Bàn

    Chịu đau khổ vì Ðức Kitô có nghĩa sự đau khổ vì muốn trở nên giống như Ðức Kitô. Thường thường chúng ta bị chống đối là vì hậu quả của sự ích kỷ và thiếu khôn ngoan. Chúng ta không phải là người tử đạo khi bị “bạc đãi” bởi những người đã đối xử với chúng ta y như chúng ta đối xử với họ. Một vị tử đạo Kitô Giáo là người, giống như Ðức Kitô, chỉ đơn giản làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, và sống thật với chính mình.

    Lời Trích

    “Không ai là vị tử đạo chỉ vì một quyết định, không ai là vị tử đạo vì một ý kiến; chính đức tin tạo nên vị tử đạo” (Ðức Hồng Y Newman, Bài Diễn Văn cho Các Giáo Ðoàn Hỗn Hợp).



29/04/2021

29 Tháng Tư

Thánh Catarina ở Siena

    (1347 — 1380)

    Trong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc hoàn toàn phó thác cho Ðức Kitô. Ðiều đáng khâm phục về thánh nữ là ngài coi việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.

    Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa, sinh ở Siena và là người con út trong một gia đình có đến 23 người con. Ngay từ khi bảy tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Ðức Kitô. Nơi cô sinh trưởng rất gần San Domenico, trung tâm truyền giáo của Dòng Ða Minh, và khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Ðể nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu. Trong vòng hai năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai ngoại trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina luyện tập tâm linh qua lối sống khắc khổ.

    Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.

    Dần dà, người ta nhận thấy dường như Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần — giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng – bắt đầu tuốn đến với cô để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của cô, hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận.

    Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, Catarina đã bị dị nghị và dèm pha. Nhưng mọi điều cáo buộc cô đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Ða Minh năm 1374.

    Cô có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên, cũng như vì ảnh hưởng sâu đậm đối với đức giáo hoàng. Cô làm việc không biết mệt trong cuộc thập tự chinh chống với người Thổ Nhĩ Kỳ và trong việc hòa giải thành phố Florence với đức giáo hoàng.

    Cô thành công trong việc thuyết phục Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma, nhưng không bao lâu đức giáo hoàng từ trần và Ðức Urbanô VI lên ngôi. Khi cuộc Ðại Ly Giáo bùng nổ, Ðức Urbanô VI mời Catarina đến Rôma, vì đức giáo hoàng cần sự hỗ trợ của cô. Năm 1378, cô đến Rôma và thường xuyên viết thư gửi các nhà lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội để bảo vệ cho quyền giáo hoàng của Ðức Urbanô. Hàng ngày, cô đi bộ đến Ðền Thánh Phêrô và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

    Một vài tuần trước khi chết, cô đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Ðền Thánh Phêrô, cô trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của cô. Con thuyền xô cô ngã quỵ và người ta phải khiêng cô về nhà. Catarina hầu như bất toại cho đến khi từ trần, ngày 24 tháng Tư 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi.

    Cô được Ðức Giáo Hoàng Piô II phong thánh năm 1461, và được coi là một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào năm 1970, Ðức Phaolô VI tuyên xưng thánh nữ là Tiến Sĩ Hội Thánh. Thánh Catarina là người phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila) được vinh dự này.

    Trong khi các thư của Thánh Catarina thường được coi là cửa ngõ để biết đến con người của ngài, nhưng người ta thường nhắc đến tác phẩm “Ðối Thoại” mà ngài chỉ coi đó là “cuốn sách của tôi,” gồm các lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ. Cha Raymond, vị linh hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên Chúa khi ngài ngất trí.



   30/04/2021

30 Tháng Tư

Thánh Giáo Hoàng Piô V (1504-1572)

Ðây là vị giáo hoàng mà công việc của người là thi hành nghị quyết của Công Ðồng Tridentinô cách đây bốn thế kỷ. Nếu chúng ta nghĩ các giáo hoàng đương thời phải gặp những khó khăn nào trong việc thi hành nghị quyết của Công Ðồng Vatican II, thì Ðức Piô V lại gặp nhiều khó khăn hơn sau công đồng lịch sử đó.

Ðức Piô V sinh trong một gia đình nghèo ở Bosco, nước Ý. Tên rửa tội là Antôniô Micae và vì gia đình quá nghèo nên cậu phải đi chăn cừu. Trong dịp gặp gỡ hai tu sĩ dòng Ða Minh, vì thấy sự thông minh cũng như nhân đức của cậu, họ đã xin phép gia đình đưa cậu về sống với họ, lúc ấy cậu mới 12 tuổi. Sau một thời gian tu tập, Antôniô Micae được thụ phong linh mục năm 1528, sau đó được bổ nhiệm làm giáo sư triết và thần học ở Genoa. Trong mười sáu năm kế đó, Cha Micae đi khắp các cơ sở của nhà dòng để khuyến khích việc tuân giữ Quy Luật Dòng cách nghiêm nhặt qua lời nói cũng như hành động của người.

Năm 1555, Cha Micae được tấn phong làm Giám Mục của Nepi và Sutri, và năm 1557, người được nâng lên hàng Hồng Y. Năm 1566, Ðức Giáo Hoàng Phaolô IV từ trần và Ðức Hồng Y Micae được chọn làm người kế vị, lấy tên là Piô V.

Trong nhiệm kỳ giáo hoàng của người, 1566 — 1572, Ðức Piô V phải đối diện với một trách nhiệm thật lớn lao đó là phục hồi một Giáo Hội vụn vỡ và phân tán. Dân Chúa thời ấy bị rúng động bởi sự thối nát của hàng giáo sĩ, bởi cuộc Cải Cách Tin Lành, bởi sự đe dọa xâm lăng thường xuyên của người Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1545, vị giáo hoàng tiền nhiệm triệu tập Công Ðồng Tredentinô nhằm cố giải quyết các vấn đề khẩn trương nói trên. Trong vòng 18 năm, các Giáo Phụ thảo luận, lên án, xác nhận và quyết định trong một chuỗi hành động. Và Công Ðồng kết thúc năm 1563.

Năm 1566, Ðức Piô V lên ngôi giáo hoàng và phải đảm nhận công việc cải cách tức thời do Công Ðồng đưa ra. Người ra lệnh thành lập các chủng viện để huấn luyện các linh mục một cách thích hợp. Người cho công bố sách lễ mới, kinh nhật tụng mới, sách giáo lý mới và thiết lập quy chế giáo lý cho trẻ em. Ðức Piô cương quyết áp dụng kỷ luật đối với những lạm dụng trong Giáo Hội. Người kiên trì phục vụ người nghèo và người đau yếu qua việc xây cất các bệnh viện, cung cấp thực phẩm cho người nghèo đói và lấy tiền quỹ thường để tổ chức tiệc tùng cho đức giáo hoàng mà giúp đỡ các người tân tòng nghèo ở Rôma.

Trong cố gắng cải tổ Giáo Hội và Tòa Thánh Vatican, Ðức Piô gặp sự chống đối mãnh liệt của Nữ Hoàng Elizabeth của Anh và Hoàng Ðế Maximilian II của Rôma. Các khó khăn ở Pháp và Hòa Lan cũng cản trở cho sự hợp nhất Âu Châu để chống với Thổ Nhĩ Kỳ. Mãi đến giây phút cuối cùng người mới có thể tổ chức được một đạo quân và chiến thắng ở Vịnh Lepanto gần Hy Lạp vào tháng Mười 1571.

Sự hoạt động không ngừng của Ðức Piô trong việc canh tân Giáo Hội được dựa trên cá tính của người là một tu sĩ dòng Ða Minh. Người dành nhiều giờ để cầu nguyện với Thiên Chúa, nghiêm nhặt chay tịnh, tự thoái thác những thói quen xa hoa của giáo hoàng thời ấy và trung thành tuân giữ quy luật cũng như tinh thần của Dòng Ða Minh.

Ðức Piô từ trần năm 1572.

Lời Bàn

Trong đời sống cá nhân và trong hành động của các giáo hoàng, cả Ðức Piô V và Phaolô VI đều dẫn dắt gia đình Thiên Chúa trong một tiến trình cải tổ nội bộ nhằm đáp ứng với những thúc giục của Thần Khí trong các Công Ðồng chính yếu. Với sự hăng say và kiên nhẫn, Ðức Piô và Phaolô theo đuổi những thay đổi do các Giáo Phụ trong Công Ðồng đề ra. Cũng như Ðức Piô và Phaolô, chúng ta cũng được mời gọi để liên tục thay đổi tâm hồn và đời sống.

Lời Trích

“Trong đại hội toàn cầu này, trong thời gian và không gian đặc ân này, quá khứ, hiện tại và tương lai như quy tụ lại. Quá khứ: vì ở đây, tụ họp ở địa điểm này, chúng ta có Giáo Hội của Ðức Kitô với truyền thống, lịch sử, các Công Ðồng, các tiến sĩ và các thánh của Giáo Hội; hiện tại: chúng ta đang từ giã nhau để đi vào thế giới ngày nay với những bất hạnh, đau khổ, tội lỗi của nó, nhưng cũng có những thành công, giá trị và đức tính của nó; và tương lai ở đây trong lời kêu gọi khẩn trương của những người dân trên thế giới muốn được công bình hơn, trong ý muốn hòa bình, trong khát khao có ý thức hay vô thức về một đời sống cao đẹp hơn, một đời sống mà Giáo Hội của Ðức Kitô có thể đem lại và muốn trao ban cho họ” (trích từ diễn văn bế mạc Công Ðồng Vatican II của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI).

Trích từ NgườiTínHữu.com

Comments are closed.