Tháng 11 Cầu Nguyện cho các Đẳng Linh Hồn và Nguồn Gốc

Tháng 11 Giáo Hội dành riêng thời gian nhắc nhở cộng đoàn Dân Chúa tuởng nhó và cầu nguyện cho những nguời đã mất.

 

Năm nay đặc biệt giáo xứ dành riêng một phòng cầu nguyện cho các linh hồn cho các nguời thân thuơng không giới hạn thời gian đã mất đi.  Cộng đoàn Dân Chúa có thể mang hình ảnh nguời thân đã khuất tới văn phòng Giáo Lý và để lại nơi đây trên bàn Thánh.

NGUỒN GỐC LỄ CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ QUA ĐỜI TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Tưởng niệm người đã qua đời là tập tục tồn tại trong các nền văn minh khác nhau và qua nhiều thời đại khác nhau từ Đông sang Tây.
Vào thời của những Kitô hữu đầu tiên, những tập tục liên quan đến việc tưởng niệm những người đã qua đời được thực hành rất phổ biến ở châu Âu.
Các Kitô hữu tin rằng người sống cần phải cầu nguyện cho người chết và họ thường quy tụ với nhau để cầu nguyện cho người thân đã qua đời.
Vì vậy, ngay trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, người ta thấy có nhiều lời cầu nguyện dành cho người đã khuất trong các bản văn phụng vụ khác nhau.
Vào thế kỷ thứ IV, khi sinh thì Thánh nữ Monica (331-387) đã xin con mình là Thánh Augustinô (354- 430) rằng: “Con ở đâu thì cũng hãy nhớ cầu nguyện cho mẹ trên bàn thờ”.
Thánh Augustinô nhắc các tín hữu phải cầu nguyện cho linh hồn người chết và ngài cũng cho biết Giáo Hội làm lễ cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời trong một lễ chung. (De cura gerenda pro mortuis, ch. IV)
Đến thế kỷ thứ 6, các tu viện của Dòng Biển Đức tổ chức lễ tưởng niệm các tu sĩ trong Dòng đã qua đời vào Lễ Hiện Xuống.
Tại Ở Tây Ban Nha vào thời Thánh Isidoro de Sevilla (560- 636) lễ cầu nguyện cho người đã qua đời vào thứ bảy trước lễ Sessagesima hoặc trước Lễ Ngũ Tuần.
Đến thế kỷ thứ 7 thì việc dâng lễ cầu nguyện cho người quá cố đã trở thành một tập tục phổ biến, cùng với việc cử hành Thánh Lễ mỗi ngày.
Cũng từ đây, các giáo hữu thường họp lại với nhau để đọc kinh cầu nguyện cho người đã khuất vào ngày giỗ.
Lúc này Kitô giáo đã phổ biến toàn bộ khu vực lục địa Tây Âu bao gồm Bỉ, Pháp và các đảo như Anh quốc và Ai Len ngày nay và khu vực này trở nên một vùng Kitô giáo đông đảo và năng động nhất trong Giáo hội Roma.
Đấy cũng là khu vực có nền văn minh Celtic nổi tiếng và những người theo văn minh này cử hành lễ tưởng niệm những người đã qua đời và tất cả các linh hồn từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11.
Trong khi đó, các giáo hữu ở vùng thuộc nước Đức có một nghi lễ cổ xưa cầu nguyện cho người chết vào ngày 1 tháng 10.
Trong nỗ lực Kitô hóa các truyền thống ngoại giáo, mang lại một ý nghĩa mới cho việc kính nhớ những người đã qua đời, năm 835 ĐGH Grêgôriô II đã chuyển ngày lễ Các Thánh từ ngày 13 tháng 5 sang ngày 1 tháng 11 hằng năm.
Năm 998, Thánh Odilon, Viện phụ Dòng Biển Đức Cluny bên Pháp đã yêu cầu tất cả các đan viện và giáo xứ của Dòng tại châu Âu tổ chức cầu nguyện cho những người đã qua đời từ sau kinh chiều ngày Lễ Các Thánh: đọc kinh thần vụ buổi chiều tối mùng 1 tháng 11 và cử hành thánh lễ chung trọng thể vào sáng ngày mùng 2. (Statutum sancti Odilonis de defunctis, PL 142, 1037-1038).
Tục lệ này sau đó lan rộng đến các giáo xứ của các giáo phận; và đến thế kỷ 14, lễ Các Linh Hồn ngày 2 tháng 11 được chính thức ghi vào lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo Roma.
Từ đây, mọi người trong Giáo hội Công giáo đã qua đời được tưởng nhớ lại trong hai ngày liên tiếp: ngày 1 tháng 11 dành cho những người đã đã được vinh quang trên trời và ngày mùng 2 dành cho những người còn đang trong luyện ngục.
Vào ngày này các tín hữu được mời gọi tham dự Thánh lễ và viếng các nghĩa trang để cầu nguyện cho các linh hồn những người đã qua đời, cũng như để thăm viếng và sửa sang mộ phần người thân.
Đi kèm những việc này, tùy từng vùng đất và từng dân tộc còn có nhiều tập tục khác nữa, tô điểm và làm phong phú đời sống văn hóa và đức tin của người dân.
Tại Việt Nam các giáo hữu cũng viếng nghĩa trang, cũng viếng các nhà thờ, cầu nguyện theo ý ĐGH để nhận ân xá chuyển cho người đã khuất.
Vào dịp giỗ chạp, tại tư gia các giáo hữu thường họp nhau tại tư gia để đọc kinh và tại nhà thờ cha xứ thường cử hành “lễ mồ” để cầu nguyện cho người quá cố.
Ngôn ngữ bình dân Việt Nam gọi là “lễ mồ” vì linh mục chủ tế luôn mang lễ phục mầu đen, cử hành thánh lễ trên bàn thờ, cạnh một nhà mồ đặt trước gian cung thánh.
Từ thế kỷ 16, những người Tin Lành thường chất vấn người Công giáo về hiệu quả của việc cầu nguyện và dâng lễ cho người đã qua đời, nhất là cho các linh hồn trong luyện ngục.
Tuy nhiên, bất chấp những lý lẽ quá khích, Công đồng chung Tridentinô (1545-1563) vẫn khẳng định tính chính đáng và chính thống của việc cầu nguyện cho các linh hồn.
Công đồng Vatican II (1962-1965) tiếp thu giáo huấn của truyền thống, tái khẳng định tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho những người đã qua đời ( x. LG 48-51).
Phần tôi, như bao nhiêu người Công giáo khác, tôi tin việc kính nhớ và cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời là một gia sản đức tin của chúng ta và là một truyền thống nhân bản và tâm linh tốt đẹp.
Truyền thống này thể hiện một cách rõ nét tấm lòng hiếu thảo của chúng ta đối với người đã khuất, chứng tỏ người Công giáo Việt Nam biết thờ kính tổ tiên như mọi người Việt và có phần hơn nhiều người Việt khác.
Trên hết mọi sự, truyền thống cử hành lễ và cầu nguyện cho các linh hồn là bằng chứng đích thực của niềm tin và niềm hy vọng vào sự sống lại và sự sống đời đời trong Chúa Kitô.
Chúng ta cầu nguyện cho người thân đã khuất, nhưng đừng quên rằng chúng ta cũng có thể xin họ cầu bầu cho chúng ta, vì họ vẫn tham dự cách nào đó vào những sự kiện diễn ra trong cuộc đời chúng ta, đồng thời giúp chúng ta được ơn chết lành khi đến ngày giờ chúng ta được gọi về với Chúa.
Orange County, CA, ngày 1 tháng 11 năm 2022
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

Comments are closed.