Hạnh Các Thánh-Tháng Sáu

1 Tháng Sáu

Thánh Justin Tử Ðạo
(c. 165)

Thánh Justin là một giáo dân và triết gia Kitô Giáo đầu tiên đã có những sáng tác vĩ đại bảo vệ đức tin Kitô Giáo. Nhờ các văn bản ấy, chúng ta biết về cuộc đời ngài.

Thánh Justin sinh ở Flavia Neapolis, Samaria khoảng năm 100, cha mẹ ngài là người ngoại giáo, gốc Hy Lạp. Ngài được giáo dục kỹ lưỡng và đặc biệt yêu thích khoa hùng biện, thi ca và sử học. Khi còn trai trẻ, ngài bị thu hút bởi triết thuyết Plato. Tuy nhiên, ngài nhận thấy chỉ có Kitô Giáo mới trả lời được những thắc mắc lớn lao về đời sống và sự hiện hữu.

Qua những tài liệu Kitô Giáo cũng như việc quan sát các gương anh hùng tử đạo, Thánh Justin đã trở lại Kitô Giáo khi ngài 30 tuổi. Ngài tiếp tục mặc áo choàng của các triết gia thời bấy giờ, và trở nên triết gia Kitô Giáo đầu tiên. Ngài tổng hợp Kitô Giáo với các yếu tính đặc sắc nhất trong triết lý Hy lạp. Theo quan điểm của ngài, triết lý là một nhà mô phạm của Ðức Kitô, một nhà giáo dục dẫn đưa người ta đến với Ðức Kitô.

Thánh Justin nổi tiếng là một người biện giáo thời bấy giờ. Ngài đi đây đó và tranh luận với các người ngoại giáo, lạc giáo và Do Thái Giáo. Khi người Kitô tiếp tục bị bách hại bởi nhà cầm quyền, ngài đã công khai bảo vệ Kitô Giáo qua lời giảng dạy cũng như văn bản. Trong các sáng tác của ngài, hiện nay chúng ta vẫn còn giữ được hai bản văn gửi cho hoàng đế Rôma và cho Thượng Viện.

Sau cùng ngài bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn Rôma là Rusticus. Khi được yêu cầu thờ cúng tà thần, Thánh Justin trả lời, “Người có suy nghĩ đúng đắn không vì sự giả trá mà chối bỏ sự thật.

Thánh Justin bị chém đầu ở Rôma năm 165.

Lời Bàn

Là quan thầy các triết gia, Thánh Justin khích động chúng ta hãy dùng các sức mạnh tự nhiên (nhất là sức mạnh của sự hiểu biết) để phục vụ Ðức Kitô, và để hình thành đời sống Kitô Giáo trong nội tâm chúng ta. Vì con người dễ bị sai lầm, nhất là đối với các vấn đề sâu xa của đời sống và sự hiện hữu, chúng ta cũng phải sẵn sàng sửa đổi và kiểm soát lại tư duy chúng ta trong sự soi dẫn của chân lý Kitô Giáo. Do đó, chúng ta mới có thể nói như các thánh nhân uyên bác của Giáo Hội: Tôi tin để có thể hiểu, và tôi hiểu để có thể tin.

Lời Trích

Triết lý là sự am tường những gì hiện hữu, và là sự hiểu biết rõ ràng về chân lý; và hạnh phúc là phần thưởng của sự am tường và sự hiểu biết đó” (Thánh Justin, Ðối Thoại Với Trypho, 3).


2 Tháng Sáu

    Thánh Marcellinus và Phêrô
    (c. 304)

    Mặc dù chúng không biết gì nhiều về hai vị tử đạo dưới thời Diocletian này, nhưng chắc chắn rằng giáo hội thời tiên khởi đã sùng kính hai vị. Chứng cớ của sự tôn kính ấy là đền thờ mà hoàng đế Constantine đã cho xây trên mộ của các ngài, và tên của các ngài được nhắc đến trong Lời Nguyện Thánh Thể I.

    Thánh Giáo Hoàng Damasus nói rằng ngài nghe biết câu chuyện về hai vị tử đạo từ người đao phủ mà sau đó người này đã trở lại Kitô Giáo.

    Marcellinus là một linh mục, còn Phêrô là người trừ tà, cả hai từ trần năm 304. Theo truyền thuyết về sự tử đạo của các ngài, cả hai là người Rôma và coi sự tù đầy như một cơ hội để rao giảng và hoán cải những lính canh tù và gia đình của họ. Truyền thuyết cũng nói rằng cả hai bị chặt đầu ở trong rừng để người Kitô không có cơ hội chôn cất và tôn kính thi thể của các ngài. Tuy nhiên, hai phụ nữ đã tìm thấy các thi thể ấy và họ đã chôn cất tử tế.

    Lời Bàn

    Tại sao các vị này được nhắc đến trong lời nguyện Thánh Thể và có ngày lễ tôn kính riêng, dù rằng hầu như chúng ta không biết gì về họ? Có lẽ vì Giáo Hội tôn trọng ký ức còn ghi nhận được trong lịch sử. Và đã một lần, các ngài là động lực khuyến khích toàn thể Giáo Hội. Họ đã thể hiện một bước đức tin tột bực.

    Lời Trích

    Giáo Hội luôn tin rằng các tông đồ, và các vị tử đạo của Ðức Kitô là những người đã đem lại bằng chứng đức tin và đức ái cao cả qua việc đổ máu của họ, thực sự kết hợp chặt chẽ với chúng ta trong Ðức Kitô” (Hiến Chương về Giáo Hội, 50).



03/06/2022

  3 Tháng Sáu   

 Thánh Charles Lwanga và Các Bạn
    (c. 1886)

    Tổ Chức Truyền Giáo Phi Châu đến Uganda chỉ có 6 năm, tuy nhiên đức tin của cộng đồng Kitô Hữu ở đây thật đáng ca ngợi mà sự hăng say sống Tin Mừng của họ vượt cả các linh mục truyền giáo (Các Cha Da Trắng). Nhiều người tân tòng đã can đảm sống đức tin trong bộ lạc của tù trưởng Mwanga.

    Cac Vi Tu Dao UgandaTù trưởng Mwanga là nhà cai trị tàn ác và thích dâm dục với trẻ em và người cùng phái. Các Kitô Hữu làm việc trong triều cố gắng bảo vệ những người tiểu hầu này. Người quản lý các tiểu hầu là một thanh niên Công Giáo hai mươi lăm tuổi, Joseph Mkasa và anh cũng là người lãnh đạo cộng đồng Kitô Hữu.

    Khi tù trưởng Mwanga giết các nhà truyền giáo Tin Lành, anh Joseph Mkasa đã chất vấn và lên án hành động của ông. Mwanga rất quý Joseph, nhưng vì anh dám đòi hỏi ông phải thay đổi lối sống, Mwanga đã quên đi tình bằng hữu ấy và đã tuyên án tử hình sau khi đâm anh bằng giáo. Trước khi bị chặt đầu và hoả thiêu, anh Joseph đã tha thứ cho nhà vua.

    Anh Charles Lwanga thay thế vai trò lãnh đạo cộng đồng Kitô Giáo trong triều đình — với trách nhiệm gìn giữ các tiểu hầu khỏi bàn tay dâm loạn của tù trưởng. Một ngày trong tháng Năm 1886, sau khi tù trưởng Mwanga biết tiểu hầu Mwafu đang được học giáo lý Công Giáo, ông nổi điên và đã dùng giáo đâm chết Denis Sebuggwago, là thầy dạy các tiểu hầu.

    Ðêm hôm đó, anh Charles Lwanga rửa tội thêm năm tiểu hầu nữa. Sáng hôm sau, việc rửa tội được khám phá, Mwanga điên tiết, tụ họp tất cả các tiểu hầu và ra lệnh những ai là Kitô Hữu phải đứng tách sang một bên. Mười lăm người, tất cả đều dưới 25 tuổi, đồng loạt đứng sang một bên và sau đó có thêm hai người nữa trước đây đã bị bắt và có cả hai người lính. Khi được hỏi có muốn giữ đạo hay không, tất cả đều trả lời, “Giữ đạo cho đến chết.” Tù trưởng Mwanga ra lệnh tử hình mọi Kitô Hữu sống trong triều.

    Tất cả ba mươi hai người Công Giáo và Tin Lành được điệu đến một nơi cách đó 37 dặm để bị thiêu sống. Ba người bị giết trên đường đi. Những người còn lại bị giam giữ trong bảy ngày để chuẩn bị giàn hoả thiêu. Vào ngày lễ Thăng Thiên, tất cả các vị tử đạo nằm trên chiếu bằng sậy, được bó lại và cột chặt. Sau khi đổ dầu, tất cả đều bị thiêu sống.

    Việc bắt đạo bắt đầu lan tràn. Dưới sự cai trị của tù trưởng Mwanga, khoảng 100 Kitô Hữu đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin.

    Sau khi Mwanga từ trần, các linh mục thừa sai trở lại đây, họ thấy số Kitô Hữu đã lên đến 500 người và một ngàn dự tòng đang đợi để được rửa tội.

    Hai mươi hai vị tử đạo Công Giáo đã được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh ngày 18 tháng Mười 1964.

    Lời Bàn

    Cũng như Thánh Charles Lwanga, tất cả chúng ta là người rao giảng và chứng nhân cho đời sống Kitô Giáo. Chúng ta được mời gọi loan truyền lời Chúa, qua lời nói và hành động. Khi can đảm sống đức tin trong thời đại nhiều thử thách về luân lý, chúng ta đã sống như Ðức Kitô.

    Lời Trích

    Trong chuyến tông du Phi Châu năm 1969, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với người Uganda, “trở nên một Kitô Hữu là điều tốt lành, nhưng không luôn luôn dễ dàng.”



04/06/2022

4 Tháng Sáu

    Thánh Phanxicô ở Caracciolo
    (1563-1608)

    Thánh Phanxicô sinh ở Abruzzi, nước Ý, cha ngài có bà con với các hoàng tử xứ Caracciolo, và mẹ ngài có bà con với Thánh Tôma Aquina. Năm 22 tuổi, ngài bị bệnh ngoài da giống như phong cùi. Ngài thề rằng nếu được khỏi bệnh, ngài sẽ dâng mình cho Chúa. Và quả thật, ngài đã được lành lặn mau chóng. Giữ lời hứa, ngài lên Naples đi tu, và sau khi thụ phong linh mục, ngài gia nhập hội Bianchi della Giustizia, tận tụy chăm sóc tù nhân.

    Vào năm 1588, Cha Gioan Augúttinô Adorno, người xứ Genoese, thành lập một tổ chức linh mục vừa tích cực hoạt động trong giáo xứ vừa sống đời chiêm niệm. Cha Adorno gửi thư mời Cha Ascanio Caracciolo gia nhập, nhưng lá thư lại đưa nhầm cho Cha Phanxicô. Cho đó là thánh ý của Thiên Chúa, Cha Phanxicô chấp nhận lời mời ấy và cùng với Cha Adorno tĩnh tâm trong 40 ngày để soạn thảo quy luật cho tổ chức. Vào ngày 1 tháng Sáu, 1588, tổ chức này được Ðức Giáo Hoàng Sixtus V tán thành, và lấy tên là Tiểu Giáo Sĩ Dòng.

    Ngoài công việc truyền giáo và chăm sóc bệnh nhân cũng như tù nhân, nhà dòng còn cung cấp nơi ẩn dật cho những ai muốn sống cô độc. Một trong những nhiệm vụ của tu sĩ dòng là thay phiên nhau chầu Thánh Thể.

    Sau khi Cha Adorno từ trần, Cha Phanxicô được bầu làm bề trên trái với ý muốn của ngài. Tuy là bề trên, ngài vẫn quét dọn phòng, giặt giũ như bao người khác. Nhiều lần ngài từ chối làm giám mục vì lời khấn thứ tư của dòng là: không bao giờ theo đuổi chức vụ hoặc danh giá bên trong hay bên ngoài nhà dòng.

    Sau bảy năm làm bề trên, ngài được đức giáo hoàng cho phép từ chức và làm tu viện trưởng tu viện Santa Maria Maggiore và giám đốc đệ tử viện. Năm 1607, ngài từ bỏ mọi chức vụ chỉ để chiêm niệm chuẩn bị cho cái chết.

    Năm 1608, khi Thánh Philíp Nêri tặng cho nhà dòng một căn nhà ở Agnone, Cha Phanxicô phải đến đó trông coi việc thành lập. Sau khi đến đó không lâu, ngài bị sốt và bệnh tình ngày càng nặng. Trong cơn mê sảng, ngài dặn dò anh em tu sĩ trung thành với quy luật và sau đó đã trút hơi thở cuối cùng ngày 4 tháng Sáu, khi mới 45 tuổi.

    Ngài được phong thánh năm 1807.



05/06/2022

5 Tháng Sáu


    Thánh Boniface
    (672-754)

    Thánh Boniface, vị tông đồ của người Ðức, là một đan sĩ người Anh thuộc Dòng Biển Ðức, đã hy sinh vinh dự khi được chọn làm đan viện trưởng để tận hiến cuộc đời trong việc hoán cải các sắc tộc ở Ðức. Ngài có hai đặc tính nổi bật: Kitô Giáo chính truyền và trung thành với đức giáo hoàng ở Rôma.

    Thánh Boniface, tên thật là Wilfrith, sinh ở Anh Quốc. Ngay khi còn nhỏ, hình ảnh cao quý của các đan sĩ truyền giáo đã in sâu trong tâm khảm của ngài, do đó, khi bảy tuổi ngài đã nài nỉ xin theo học trường dòng, dù rằng cha ngài mong muốn cho con một sự nghiệp ở ngoài đời.

    Lớn lên, ngài làm giám đốc một trường học ở Nursling, Winchester, tại đây ngài là người đầu tiên viết về văn phạm Latinh bằng tiếng Anh, cũng như sáng tác nhiều bài diễn giảng được nhiều người sao chép và phổ biến.

    Năm ba mươi tuổi, ngài được thụ phong linh mục và đi rao giảng ở Friesland (thuộc Hòa Lan bây giờ), nhưng không bao lâu ngài phải trở về Nursling vì cuộc chiến giữa vua ngoại giáo của Friesland và Charles Martel của Pháp.

    Sau cái chết của đan viện trưởng, các đan sĩ ở Nursling tìm cách giữ chân ngài bằng cách bầu ngài làm đan viện trưởng, nhưng ngài đã từ chối để tận hiến cho công cuộc truyền giáo.

    Năm 718, ngài đến Rôma để gặp Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô II, là người sai ngài đi truyền giáo cho người Ðức ở Hesse và Bavaria.

    Ở Hesse, trước sự hiện diện của đám đông người ngoại giáo rất tin dị đoan, ngài đã chặt cây Sồi Thần Linh ở Geismar to lớn và già nua, được dân ngoại dâng cúng cho thần Thor. Người ta kể chỉ sau vài nhát rìu, cây sồi đã lung lay và sụp đổ, tách ra làm bốn cho thấy sự mục nát bên trong. Ðó là khởi đầu của một công cuộc truyền giáo rất thành công của Thánh Boniface và cũng là hạt giống đức tin cho một giáo hội đầy sinh lực ở Ðức, mà sau này Thánh Boniface được tấn phong làm giám mục ở đây. Ngài xin các Kitô Hữu ở Anh hỗ trợ công cuộc truyền giáo của ngài và họ đã đáp ứng với tài chánh, sách vở, vật liệu, và nhất là thường xuyên cung cấp các đan sĩ để giúp đỡ ngài trong việc giảng dạy.

    Thánh Boniface không chỉ hạn chế hoạt động ở nước Ðức. Ngài còn giúp hình thành sự tương giao giữa Ðức Giáo Hoàng và các vua ở Ý cũng như ở Pháp. Ngài thúc giục các thái tử kế vị vua Charles của Pháp triệu tập công đồng để cải tổ giáo hội trong các phần đất của họ, là nơi chức giám mục được bán cho những người trả giá cao nhất.

    Ngài không bao giờ quên sự thất bại ở Friesland, do đó khi về già, ngài từ chức giám mục và trở về hoạt động ở đây với sự thành công đáng kể. Vào một ngày trong tháng Sáu năm 754, khi ngài đang chuẩn bị cho người Friesland chịu phép Thêm Sức thì tất cả bị tấn công và bị giết chết bởi các chiến sĩ ngoại giáo.

    Lời Bàn

    Thánh Boniface xác nhận một quy tắc của Kitô Giáo: Theo Ðức Kitô là theo con đường thập giá. Ðối với Thánh Boniface, con đường đó không chỉ là sự đau khổ phần xác hay cái chết, mà cả sự đau khổ vì bị sỉ nhục, vô ơn trong việc cải tổ Giáo Hội. Vinh dự của truyền giáo là đem người ngoại giáo trở về với Giáo Hội. Nhưng dường như, việc chấn chỉnh đức tin ngay trong lòng Giáo Hội, là một việc rất cần thiết, thì ít người lại cho đó là một vinh dự.

    Lời Trích

    Chúng ta phải bền vững trong những gì là chân lý và chuẩn bị linh hồn cho những thử thách… Ðừng là những con chó không dám sủa hay im lặng nhìn xem, và cũng đừng là người tôi tớ trốn chạy trước đàn sói. (Thánh Boniface).



06/06/2022

6 Tháng Sáu

    Thánh Norbert
    (1080-1134)

    Thánh Norbert sinh ở Xanten, Rhineland khoảng năm 1080. Khi là thanh niên, Norbert rất yêu chuộng thế gian và các vui thú của nó. Ðó là thói quen từ một gia đình quyền quý và được nối tiếp trong sinh hoạt của triều đình nước Ðức. Không một cuộc vui nào mà anh không có mặt. Ðể đảm bảo cho việc thăng quan tiến chức trong triều đình, anh không do dự chấp nhận chức kinh sĩ, là một chức thánh, và các lợi lộc tài chánh của chức vụ đó. Tuy nhiên, anh đã do dự khi trở thành một linh mục với tất cả các trách nhiệm của ơn gọi ấy.

    Các biến cố xảy ra trong đời là để Thiên Chúa thức tỉnh con người. Một ngày kia, trong cơn bão Norbert đã ngã ngựa và bất tỉnh gần một giờ đồng hồ dưới cơn mưa tầm tã. Khi tỉnh dậy, câu đầu tiên anh tự hỏi là, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Và tận đáy tâm hồn, anh nghe như có câu trả lời, “Hãy tránh xa sự dữ và làm việc lành. Hãy tìm kiếm bình an và theo đuổi sự bình an ấy.”

    Anh bắt đầu một cuộc đời cầu nguyện và sám hối. Sau khi chịu chức linh mục năm 1115, Cha Norbert thay đổi hoàn toàn đến độ các bạn bè cũ trong triều đình đều cho là ngài giả hình. Ngài phản ứng bằng cách phân phát hết của cải cho người nghèo và đến xin đức giáo hoàng cho phép ngài đi rao giảng.

    Với hai linh mục bạn, Cha Norbert đi khắp Âu Châu để truyền giáo. Và để ăn năn đền tội, ngài đi chân đất giữa mùa đông buốt giá. Không may, hai linh mục bạn đã lâm bệnh và từ trần. Tuy nhiên, ngài bắt đầu được cảm tình của các giáo sĩ trước đây từng khinh miệt ngài. Ðức giám mục của Laon muốn ngài canh tân các kinh sĩ trong giáo phận, nhưng các kinh sĩ lại không muốn thay đổi theo kiểu của Cha Norbert, họ cho là quá khắt khe. Vị giám mục không muốn mất con người thánh thiện này, nên đã tặng cho Cha Norbert một phần đất đai để ngài có thể khởi sự một cộng đoàn. Trong thung lũng cô tịch ở Premontre, ngài đã khởi sự một tu hội với mười ba kinh sĩ. Dù với quy luật khắt khe, càng ngày tu hội càng thu hút được nhiều người, kể cả các kinh sĩ trước đây từng chống đối ngài.

    Dù được sự giúp đỡ của các nhân vật thế lực trong triều, Cha Norbert biết không sức mạnh nào có thế lực cho bằng uy quyền của Thiên Chúa, do đó, tu hội Premonstratensian đặc biệt sùng kính Thánh Thể, và các tu sĩ đã thành công trong việc hoán cải các người lạc giáo, hoà giải các kẻ chống đối Giáo Hội và kiên cường đức tin cho các tín hữu.

    Trong tu hội, còn có các giáo dân thuộc hàng vương tước của triều đình, và khi tham dự lễ cưới của một bá tước, Cha Norbert được Hoàng Ðế Lothair để ý và chọn ngài làm giám mục của Magdebourg. Với nhiệt huyết canh tân giáo hội, ngài đã cải tổ giáo phận và gặp nhiều sự chống đối cũng như có lần bị ám sát hụt. Chán nản vì giáo dân không muốn cải tổ, ngài bỏ đi nhưng được hoàng đế và đức giáo hoàng gọi lại.

    Khi hai vị giáo hoàng kình địch nhau sau cái chết của Ðức Honorius II, Ðức Norbert đã giúp hàn gắn Giáo Hội bằng cách thúc giục hoàng đế hậu thuẫn cho vị giáo hoàng được chọn đầu tiên, là Ðức Innôxentê II. Vào cuối đời, Ðức Norbert được chọn làm tổng giám mục, nhưng ngài đã từ trần sau đó không lâu, khi 53 tuổi.

    Lời Bàn

    Một thế giới khác biệt không thể hoàn thành bởi những người thờ ơ, lãnh đạm. Ðiều đó cũng đúng với Giáo Hội. Giáo Hội không thể nào thay đổi phù hợp với tinh thần của Công Ðồng Vatican II nếu hàng giáo sĩ và giáo dân không tha thiết với việc xây dựng đức tin. Noi gương Thánh Norbert, chúng ta phải trung thành với Giáo Hội, nhiệt tâm sùng kính Thánh Thể để có sức mạnh giúp chúng ta sống theo đường lối của Ðức Kitô.


    Lời Trích

    Trong dịp tấn phong linh mục của tu hội, Thánh Norbert giảng, “Ôi linh mục! Bạn không còn cho chính bạn vì bạn là tôi tớ và thừa tác viên của Ðức Kitô. Bạn không còn thuộc chính mình vì bạn là hôn phu của Giáo Hội. Bạn không còn là chính bạn vì bạn là người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Bạn không có gì là của mình vì bạn là hư không. Vậy linh mục là gì? Là người không có gì cả và cũng là người có tất cả. Ôi linh mục! Hãy cẩn thận, đừng để những gì người ta nói về Ðức Kitô trên thập giá lại là điều nói với bạn: ‘Hắn cứu được người khác, nhưng không cứu được chính mình!”



07/06/2022

Ngày 7 tháng 6

    Tôi Tớ Thiên Chúa Giuse Perez

(1890-1928)


    
    Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội,” lời của Tertullian trong thế kỷ thứ ba đã được thể hiện nơi Cha Giuse Perez.

    Cha Giuse sinh ở Coroneo, Mễ Tây Cơ, và gia nhập dòng Phanxicô khi 17 tuổi. Vì cuộc nội chiến ở Mễ thời bấy giờ, ngài buộc phải học triết thần ở California.

    Sau khi được thụ phong linh mục ở Santa Barbara, ngài trở về Mễ Tây Cơ và phục vụ tại Jerecuaro từ năm 1922 trở đi. Vì sự bách hại dưới thời tổng thống Plutarco Calles (1924-28), Cha Giuse phải ngụy trang dưới nhiều hình thức khi đi thăm người Công Giáo. Vào năm 1927, tài sản của Giáo Hội bị quốc hữu hóa, các trường Công Giáo phải đóng cửa, và các linh mục, nữ tu ngoại quốc bị trục xuất.

    Một ngày kia Cha Giuse và vài người bị bắt sau khi cử hành Thánh Lễ một cách lén lút. Cha Giuse đã bị quân lính đâm chết vào ngày 2 tháng Sáu 1928.

    Về sau, thi hài Cha Giuse được cung nghinh về Salvatierra để chôn cất giữa tiếng hô vang dậy, “Vạn tuế Vua Kitô!”

    Lời Bàn

    Giáo Hội Công Giáo ở Mễ Tây Cơ bây giờ thì tự do hơn thời thập niên 1920. Ngày nay, đạo Công Giáo đang phát triển mạnh ở Mễ, một phần cũng nhờ sự ấp ủ của các vị tử đạo như Cha Giuse.



    08/06/2021

8 tháng Sáu

    Chân Phước Isabelle của Pháp
    (c. 1270)


        Isabelle sinh trong một gia đình nổi tiếng. Anh của ngài là Thánh Louis; cha ngài, Vua Louis VIII của nước Pháp; mẹ ngài là hoàng hậu thánh thiện Blanche ở Castile.

    Chính ngài cũng được ban cho nhiều tài năng đặc biệt, ngay từ nhỏ Isabelle đã có khiếu học hành. Ngài xuất sắc về tiếng Latinh và dễ dàng thấu triệt văn bản của các Giáo Phụ bằng thứ ngôn ngữ khó khăn ấy. Trong khi theo đuổi những sở thích thông thường của phụ nữ như thêu đan, ngài còn đặc biệt lưu tâm đến việc thực hiện các phẩm phục của linh mục. Mặc dù ngài rất tận tụy với gia đình — nhất là giúp đỡ anh Louis — bất cứ lúc nào có thời giờ rảnh rỗi ngài đều dành để giúp người nghèo và người đau yếu.

    Tuy sống trong cung điện sang trọng, Isabelle lại tự ý theo đuổi đời sống của một nữ tu. Ngài ăn chay ba ngày một tuần và trong những lần ăn chay, ngài lấy các thức ăn ngon miệng để đem cho những bệnh nhân. Mọi người trong triều đình đều coi ngài là một vị thánh, một phụ nữ trong trắng và một tấm gương hy sinh đền tội.

    Ao ước tận hiến cho Thiên Chúa của Isabelle được thể hiện qua lời khấn giữ mình đồng trinh bất kể những thúc giục kết hôn của gia đình, cũng như của vị giáo hoàng. Sau cùng, Isabelle đã viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Innôxentê IV cho biết ngài đã thề giữ mình đồng trinh, và đã thuyết phục được Ðức Thánh Cha tin rằng ngài được kêu gọi sống một cuộc đời khác biệt.

    Sau cái chết của mẹ ngài, Isabelle sáng lập tu viện Phanxicô lấy tên là “Ðức Khiêm Tốn của Trinh Nữ Maria” ở Longchamps, Balê. Ngài sống ở đây trong chín năm trời khổ hạnh, dù rằng chính ngài chưa bao giờ là một nữ tu. Vì chỉ muốn là một tạo vật bé mọn của Thiên Chúa, ngài từ chối chức vụ bề trên tu viện.

    Khi ngài từ trần ngày 23-2-1270, người ta nghe có tiếng thiên thần ca hát. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô X phong chân phước năm 1520.



09/06/2021

9 Tháng Sáu


    Thánh Ephrem
    (306-373)

    Là nhà thơ, nhà giáo, nhà hùng biện và bảo vệ đức tin, Thánh Ephrem là người Syria duy nhất được xưng tụng là Tiến Sĩ Giáo Hội. Ngài tự mặc cho mình một trọng trách là chống với các học thuyết lầm lạc đang lan tràn vào thời ấy, và luôn luôn là người bảo vệ đức tin Công Giáo mạnh mẽ.

    Sinh ở Nisibis, Mesopotamia, Thánh Ephrem được rửa tội khi là thanh niên và nổi tiếng là một thầy giáo nơi quê của ngài. Khi hoàng đế nhượng lại phần đất Nisibis cho người Ba Tư, Ephrem cùng với các Kitô Hữu khác trốn sang Edessa (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) để tị nạn. Ngài được cho là đã đem lại vinh dự lớn lao cho một trường kinh thánh ở đây. Ngài được phong chức phó tế nhưng không muốn làm linh mục.

    Ngài có tài sáng tác văn chương và các tác phẩm phản ảnh sự thánh thiện của ngài. Mặc dù không phải là một học giả vĩ đại, các văn bản của ngài cho thấy sự hiểu biết sâu rộng về Kinh Thánh. Khi viết về mầu nhiệm của sự cứu độ loài người, Thánh Ephrem cho thấy một tâm linh nhân bản dễ mến và thiết thực cũng như sự sùng kính lớn lao đối với nhân tính Ðức Giêsu và Mẹ Maria.

    Người ta nói rằng vào năm 325, ngài đã tháp tùng đức giám mục Giacôbê của Nisibis đi tham dự Công Ðồng Nicea. Chắc chắn rằng các văn bản của ngài là một bảo vệ hùng hồn cho thiên tính của Ðức Giêsu Kitô. Ngài còn sáng tác thi ca để chống với lạc giáo Gnostic. Ngài lấy những bài ca bình dân của người lạc giáo, và dùng chính âm điệu của họ, biến đổi thành những thi ca mang ý nghĩa chính truyền. Thánh Ephrem là người đầu tiên đưa thánh thi vào phụng vụ chung của Giáo Hội như một phương tiện để dạy dỗ người tín hữu. Ngài sáng tác thi ca nhiều đến nỗi được xưng tụng là “Ðàn Thụ Cầm của Chúa Thánh Thần.”

    Thánh Ephrem yêu quý một đời sống thanh bạch, khắc khổ trong một hang nhỏ ở ngoại ô thành phố Edessa. Ngài cũng thường vào phố để rao giảng. Trong thời kỳ nạn đói năm 372, ngài tiếp tay phân phối thực phẩm cho người đói, và tổ chức việc chữa trị người đau yếu. Ngài tận tụy trong công việc này đến nỗi kiệt sức, lâm bệnh và từ trần vào khoảng năm 373.


    Lời Bàn

    Nhiều người ngày nay vẫn khó chấp nhận việc ca hát trong nhà thờ. Tuy nhiên, ca hát là một truyền thống có từ thời Cựu Ước và Tân Ước. Ðó là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ cũng như kết tạo tinh thần hợp nhất và niềm vui cho cộng đoàn. Thi ca của Thánh Ephrem được một sử gia thời xưa xác nhận là đã “đem đến vẻ lộng lẫy cho cộng đoàn Kitô Hữu.” Ngày nay, chúng ta cũng cần có những người như Thánh Ephrem để cộng đoàn thêm thánh thiện trong lời ca tiếng hát.



  10/06/2022

10 Tháng Sáu


    Chân Phước Joachima
    (1783-1854)

    Sinh trong một gia đình quý tộc ở Barcelona, Tây Ban Nha, khi lên 12 tuổi Joachima đã muốn trở thành một nữ tu dòng Camêlô. Nhưng cuộc đời ngài thay đổi, khi 16 tuổi ngài kết hôn với một luật sư trẻ, Theodore de Mas. Cả hai rất đạo đức và đều gia nhập dòng Ba Phanxicô. Trong 17 năm thành hôn, họ có tất cả tám người con.

    Ðời sống gia đình êm ả của họ bị khuấy động khi Napoleon xâm lăng Tây Ban Nha. Joachima phải đem các con đi lánh nạn; trong khi Theodore ở lại nhà và đã chết. Mặc dù Joachima lại mong muốn đi tu, nhưng bà phải chu toàn bổn phận của một người mẹ. Ðồng thời, người goá phụ trẻ này bắt đầu một cuộc sống khắc khổ và chiếc áo dòng Ba Phanxicô đã trở nên y phục thường ngày của ngài. Trong cuộc sống hy sinh hãm mình ấy, bà dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và thăm viếng kẻ liệt.

    Bốn năm sau, khi các con đã khôn lớn và đã thành gia thất, chỉ còn người con út vẫn độc thân, bà Joachima đã nói lên khao khát đi tu với cha giải tội. Do sự khuyến khích của cha, bà đã thành lập tu hội Camêlô Bác Ái. Giữa những cuộc chiến huynh đệ tương tàn vào thời ấy, bà Joachima đã bị cầm tù và sau này, bị đầy sang Pháp trong một vài năm.

    Vì đau yếu bệnh hoạn, bà đã phải từ chức bề trên tu hội. Trong vòng bốn năm kế tiếp, từ từ bà bị tê liệt. Cho đến khi từ trần năm 1854 lúc 71 tuổi, bà là người nổi tiếng và được mọi người khâm phục về tinh thần cầu nguyện, sự tín thác sâu xa vào Chúa và lòng bác ái vô bờ.



11/06/2022
11 Tháng Sáu


    Thánh Barnabas
    (thế kỷ thứ nhất)

    Thánh Barnabas, một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội, đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Qua sách Công Vụ Tông Ðồ, chúng ta được biết ngài là người Do Thái ở Cypriot tên thật là Giuse, và các tông đồ đã đặt tên cho ngài là Barnabas sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản.

    Mặc dù Barnabas không phải là một người trong nhóm Mười Hai nguyên thủy, Thánh Luca coi ngài như vị tông đồ vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Một trong những đóng góp quan trọng của Barnabas là ngài đã đảm bảo cho Saolô, một người mới tòng giáo mà ai ai cũng sợ hãi vì quá khứ bắt đạo của Saolô. Sau đó, Barnabas được sai đi rao giảng ở Antiôkia. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnabas đã xin Phaolô (tên cũ là Saolô) đến tiếp tay; cả hai đã xây dựng một giáo hội thật phát triển. Theo sách Công Vụ Tông Ðồ, chính ở Antiôkia mà “lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô Hữu.”

    Chính trong cộng đoàn siêng năng cầu nguyện này mà “Thánh Thần phán bảo, ‘Hãy dành riêng cho Ta Barnabas và Phaolô để lo cho công việc mà Ta đã kêu gọi hai người ấy.” Sau đó họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.” Do đó, Barnabas và Phaolô khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên thực sự ở nước ngoài, trước hết đến Cyprus (là nơi họ hoán cải một quan đầu tỉnh người Rôma) và sau đó đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Trong một thành phố, người Hy Lạp quá mến mộ các ngài đến nỗi họ tôn thờ Barnabas và Phaolô như các thần Zeus và Hermes. Vất vả lắm thì các ngài mới ngăn cản được đám đông hiếu khách ấy đừng dâng của lễ mà tế các ngài.

    Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Phaolô và Barnabas đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã làm chủ tình hình trong Công Ðồng Giêrusalem.

    Barnabas và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Gioan Máccô. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnabas đem Máccô đến Cyprus. Sau này, ba người: Phaolô, Barnabas và Máccô đã làm hòa với nhau.

    Mặc dù không có những dữ kiện rõ ràng, dường như Barnabas, với sự tháp tùng của Gioan Máccô, đã trở về Cyprus. Ở đây, theo truyền thuyết, ngài đã chịu tử đạo vào năm 61.


    Lời Bàn

    Thánh Barnabas được đề cập như một người tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Ngài là người “đầy tràn Thánh Thần và đức tin. Do đó đã lôi cuốn một số đông người về với Chúa.” Ngay cả khi ngài và Thánh Phaolô bị trục xuất khỏi Antiôkia, họ “tràn ngập niềm vui và Thánh Thần.”



    12/06/2022

12 Tháng Sáu


Thánh Giáo Hoàng Lêô III

Sinh ở Rôma, nước Ý, Ðức Lêô là người thủ kho của tòa thánh và là linh mục trưởng ở Santa Suzanna khi ngài được chọn làm giáo hoàng năm 795 để kế vị Ðức Hadrian I, vừa mới từ trần.

Hai người cháu của Ðức Hadrian I đều mong muốn được làm giáo hoàng, do đó họ xúi giục các thanh niên quý tộc tấn công Ðức Lêô. Trong cuộc rước nhân ngày lễ Thánh Máccô, Ðức Lêô bị bọn côn đồ kéo xuống khỏi ngựa và chúng định cắt lưỡi và đâm mù mắt của ngài. Nhờ sự can thiệp kịp thời của công tước xứ Spotelo, ngài thoát chết và trốn trong tu viện Thánh Erasmus, sau đó ngài đã bình phục mau chóng một cách lạ lùng.

Ðức Lêô được cảm tình của người thế lực nhất thời bấy giờ, đó là Hoàng Ðế Charlemagne ở Paderborn, và ông đã cung cấp vệ binh để hộ tống đức giáo hoàng trở về Rôma giữa tiếng reo hò của mọi người.

Tuy nhiên, kẻ thù vẫn không để ngài yên. Họ tố cáo Ðức Lêô về tội thề gian và ngoại tình. Năm 800, Charlemagne đến Rôma và chỉ định một ủy ban điều tra để cứu xét điều cáo buộc Ðức Lêô. Uỷ ban không tìm thấy một chứng cớ nào, và Ðức Lêô đã thề trước hội đồng giám mục rằng ngài vô tội đối với các cáo buộc ấy.

Vào lễ Giáng Sinh, tại đền Thánh Phêrô, Ðức Lêô đã ban thưởng cho Charlemagne tước vị Thánh Ðế Rôma. Ðiều này là nguyên do hình thành Ðế Quốc Rôma Thánh Thiện — là một cố gắng nhằm thể hiện lý tưởng Thành Phố Thiên Chúa của Thánh Augustine — mà đã ảnh hưởng đến lịch sử Âu Châu trong nhiều thế kỷ.

Với sự giúp đỡ của Charlemagne, Ðức Lêô đã dẹp được lạc thuyết Thừa Tự (*) ở Tây Ban Nha, nhưng khi Charlemagne muốn thêm chữ Filioque (“và Ðức Chúa Con” *) vào kinh Tin Kinh Nicene thì Ðức Lêô đã từ chối, một phần vì ngài không cho phép giáo dân can thiệp vào nội bộ giáo hội, và một phần vì ngài không muốn chống đối Giáo Hội Byzantine.

Một cách tổng quát, đức giáo hoàng và hoàng đế hành động ăn khớp với nhau. Theo lời đề nghị của Charlemagne, Ðức Lêô còn thành lập một đạo quân để chống với giặc Saracen, lấy lại được một số tài sản của Giáo Hội ở Gaeta. Tính hào phóng của Charlemagne đã giúp Ðức Lêô canh tân nhiều nhà thờ ở Rôma và Ravenna, cũng như giúp đỡ người nghèo và bảo trợ các công trình nghệ thuật.

Khi Charlemagne từ trần năm 814 và Ðức Lêô không còn ai bảo vệ, quân thù lại nổi dậy chống đối ngài. Với tất cả uy thế và quyền bính cá nhân, ngài đã dẹp tan âm mưu nổi loạn của giới quý tộc ở Campagna. Tuy nhiên, ngài bị vẫn bị giới quý tộc khinh miệt vì ngài xuất thân từ giới bình dân. Ngài từ trần năm 816 và được phong thánh năm 1673.

(*) Thuyết Thừa Tự chủ trương Ðức Kitô chỉ là con nuôi của Thiên Chúa, do đó Người không phải Thiên Chúa thật.

Filioque: Cho đến ngày nay, Chính Thống Giáo Hy Lạp và một số Giáo Hội Ðông Phương vẫn cho rằng Chúa Thánh Thần chỉ bởi Chúa Cha mà ra, do đó, những ai chủ trương rằng Chúa Thánh Thần cũng bởi Chúa Con mà ra thì họ cho là lạc giáo.



13/06/2022

13 Tháng Sáu


    Thánh Antôn ở Padua
    (1195-1231)

    Quy tắc đời sống của Thánh Antôn là “từ bỏ mọi sự và theo Ðức Kitô,” đúng như lời ghi trong Phúc Âm. Nhiều lần Thiên Chúa đã gọi thánh nhân đến các hoạch định mới và ngài đã đáp ứng một cách nhiệt thành và tận tụy hy sinh để phục vụ Ðức Giêsu Kitô cách trọn vẹn hơn.

    Vị thánh rất nổi tiếng này sinh ở Bồ Ðào Nha, và tên rửa tội là “Ferdinand.” Ngài được sự giáo dục kỹ lưỡng của các tu sĩ dòng Augustine và sau đó đã gia nhập Dòng. Khi hai mươi lăm tuổi, cuộc đời ngài chuyển hướng. Lúc bấy giờ, ngài nghe tin một số tu sĩ dòng Phanxicô bị bách hại bởi người Moor và được tử đạo ở Morocco — đó là Thánh Bernard và các bạn. Ferdinand khao khát được chết vì Ðức Kitô nên ngài gia nhập dòng Phanxicô. Lúc bấy giờ, dòng này mới thành lập và Thánh Phanxicô vẫn còn sống. Ferdinand lấy tên là “Antôn” và đến Phi Châu để rao giảng cho người Moor. Nhưng ngay sau đó, ngài lâm bệnh nặng phải trở về Ý và sống trong một nơi hiu quạnh, chấp nhận công việc rửa chén trong nhà bếp và dành thời giờ để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh.

    Thầy Antôn không bao giờ nói về mình, nên không ai trong nhà dòng biết được sự thông minh và tài giỏi thực sự của ngài. Mãi cho đến khi có buổi lễ tấn phong, và vì không ai trong dòng kịp chuẩn bị nên Thầy Antôn đã được chọn để diễn giảng. Những năm tìm kiếm Ðức Kitô trong sự cầu nguyện, trong Kinh Thánh và phục vụ Chúa trong sự nghèo hèn, khiêm hạ đã chuẩn bị Thầy Antôn được sẵn sàng để Thần Khí dùng đến khả năng của thầy. Bài giảng của thầy đã làm mọi người kinh ngạc và từ đó trở đi, cho đến khi ngài từ trần vào chín năm sau đó, Thầy Antôn đã đi rao giảng khắp nước Ý. Ngài nổi tiếng đến nỗi dân chúng phải đóng cửa tiệm để đến nghe ngài giảng.

    Ðược công nhận là một người siêng năng cầu nguyện, hiểu biết Kinh Thánh và thần học, Thầy Antôn là thầy dòng đầu tiên được dạy thần học cho các thầy khác. Kiến thức uyên thâm của thầy lại được Thiên Chúa dùng để rao giảng cho những người lạc giáo và hoán cải những kẻ lầm lạc.

    Người thời ấy thường tìm đến Thầy Antôn để xin chữa lành hồn xác. Nhiều phép lạ đã xảy ra qua lời cầu bầu của thánh nhân ngay khi còn sống.

    Thầy Antôn từ trần ở Arcella, gần Padua, nước Ý khi ngài ba mươi sáu tuổi. Chỉ một năm sau, ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX phong thánh.

    Người ta thường vẽ Thánh Antôn bế Hài Nhi Giêsu vì Ðức Giêsu đã hiện ra với ngài. Thánh Antôn là người hiểu biết thâm sâu, nhất là về Kinh Thánh, do đó Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên xưng ngài là “Tiến Sĩ Tin Mừng,” hoặc Tiến Sĩ Kinh Thánh.


    Lời Bàn

    Nhiều khi chúng ta muốn được người đời để ý đến những công việc tốt lành của chúng ta, nhưng ít ai muốn chú ý. Ðó là lúc chúng ta cầu xin Thánh Antôn giúp chúng ta vui lòng chấp nhận, và chú tâm đến những gì chúng ta có thể đem lại cho đời, hơn là nhận được từ người đời.

    Lời Trích

    Trong một bài giảng, Thánh Antôn nói: “Các thánh giống như các vì sao. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài đã giấu họ nơi kín đáo để đừng chiếu tỏa trước mặt người khác dù đôi khi họ muốn như vậy. Tuy nhiên, họ phải sẵn sàng hy sinh đời sống chiêm niệm âm thầm để đổi lấy việc bác ái, một khi tâm hồn họ nhận ra đó là lời mời của Ðức Kitô.”



   14/06/2022

14 Tháng Sáu


    Thánh Albert Chmielowski
    (1845-1916)

    Sinh ở Igolomia gần Krakow, Ba Lan, Thánh Albert là người con cả trong gia đình giầu có, và tên rửa tội là Adam. Trong cuộc cách mạng 1864 chống với Nga Hoàng Alexander III, Adam bị thương và bị cụt chân trái.

    Với khả năng hội họa Adam đã theo học ở Warsaw, Munich và Balê. Sau khi trở về Krakow, Adam gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục. Vào năm 1888, Adam lấy tên là Albert khi sáng lập tổ chức các Thầy Dòng Ba Phanxicô. Công việc chính yếu của tổ chức là giúp đỡ người nghèo và người vô gia cư, bất kể tuổi tác, tôn giáo hay chính kiến.

    Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Thầy Albert năm 1983 và phong thánh cho ngài sáu năm sau.

    Lời Bàn

    Trong cuốn sách kỷ niệm kim khánh linh mục năm 1996, khi chia sẻ về ơn thiên triệu của chính mình, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết Thầy Albert đã có một ảnh hưởng trong ơn gọi ấy “bởi vì tôi tìm thấy nơi ngài sự hỗ trợ tinh thần và một tấm gương khi từ bỏ thế giới nghệ thuật, văn chương và kịch nghệ, để nhất định chọn lựa ơn gọi linh mục”. Khi là một linh mục trẻ, Ðức Giáo Hoàng đã viết một kịch bản về cuộc đời Thầy Albert để tỏ lòng biết ơn thánh nhân.



  15/06/2022

15 Tháng Sáu


    Thánh Germaine Cousin
    (1579-1601)

    Thánh Germaine là một thiếu nữ quê mùa ở làng Pibrac, gần Toulouse. Vì mẹ mất sớm nên ngài phải lớn lên trong hoàn cảnh đau khổ vì bị người cha ghét bỏ và người mẹ ghẻ thật tàn nhẫn. Vì không muốn Germaine chung đụng với con riêng của mình, bà mẹ ghẻ bắt Germaine phải ngủ trong chuồng súc vật hoặc dưới gầm cầu thang, lúc nào cũng phải làm việc trong khi ăn uống rất kham khổ. Ngay khi chín tuổi, Germaine đã phải đi chăn cừu.

    Bất kể những lao nhọc và bất công trong đời sống, Germaine vui lòng chấp nhận mọi sỉ nhục. Cô thích đi chăn cừu, vì đó là cơ hội để cầu nguyện và truyện trò với Thiên Chúa.

    Germaine rất đạo đức và siêng năng tham dự Thánh Lễ. Mỗi sáng nghe chuông đổ, dù đang chăn cừu, cô vội vã cắm cây gậy xuống đất và chạy đến nhà thờ, phó thác đàn cừu cho sự chăm sóc của các thiên thần. Chưa bao giờ đàn cừu bị nguy hại vì sói rừng khi vắng mặt cô, dù ở cạnh khu rừng. Người ta kể rằng, có lần cô đã đi trên mặt nước, chạy băng qua sông để kịp dự lễ.

    Germaine quá nghèo để có thể chia sẻ vật chất cho người khác. Nhưng tình yêu tha nhân của cô luôn luôn được thể hiện qua sự giúp đỡ bất cứ ai cần đến cô, và nhất là các trẻ em trong làng, là những người được cô dạy họ biết kính sợ Thiên Chúa.

    Vào lúc ấy, sự thánh thiện của Germaine bắt đầu được dân làng chú ý. Nhưng điều này cũng không giúp thay đổi gì tình trạng của cô trong gia đình. Thật vậy, cô bị trừng phạt vì đã chia sẻ thức ăn cho người ăn xin. Có lần vào mùa đông, bà mẹ ghẻ nghi ngờ cô giấu miếng bánh trong vạt áo, nhưng khi mở ra bà chỉ thấy những bông hoa thật đẹp của mùa hè rơi xuống. Gia đình bắt đầu nhận ra sự thánh thiện của cô và mời cô vào sống ở trong nhà, nhưng Germaine xin được tiếp tục cuộc sống như trước.

    Năm cô 22 tuổi, người ta tìm thấy cô nằm chết trên đống rơm dưới gầm cầu thang. Thi hài của cô được chôn trong nhà thờ ở Pibrac. Bốn mươi ba năm sau, khi tân trang nhà thờ, các người thợ vô tình khai quật mộ của cô và người ta tìm thấy xác của cô vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi được trưng bầy cho mọi người kính viếng trong một năm trời, thi hài của cô được chôn cất trong gian cung thánh. Nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của cô. Tiến trình phong thánh cho cô được khởi sự từ năm 1700, nhưng vì cuộc Cách Mạng Pháp, tiến trình này đã bị đình trệ, mãi cho đến năm 1849, cô được Ðức Giáo Hoàng Piô IX phong thánh và đặt làm quan thầy của các thiếu nữ ở thôn quê.



   16/06/2022

16 Tháng Sáu


    Thánh Gioan Phanxicô Regis
    (1597-1640)

    Sinh trong một gia đình giầu có ở Narbonne, Languedoc nước Pháp, ngay từ nhỏ, vì quá mến mộ các thầy giáo Dòng Tên nên Gioan Phanxicô luôn ao ước gia nhập dòng này. Và ngài đã thực hiện ý định ấy khi 18 tuổi. Trong thời gian tu tập, mặc dù học trình rất nghiêm nhặt nhưng ngài đã dành nhiều thì giờ cầu nguyện hàng đêm.

    Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Regis đi truyền giáo trong một vài thành phố ở Pháp. Ðặc biệt, ngài lưu tâm đến người nghèo và rất siêng năng thi hành mục vụ. Ngay từ sáng sớm ngài đã có mặt ở tòa giải tội sau khi cử hành Thánh Lễ; vào buổi chiều ngài đi thăm các bệnh nhân và tù nhân. Vào năm 1631, khi trận dịch hạch tấn công thành phố, ngài làm việc trong bệnh viện ở Toulouse với “những công việc tầm thường nhất ở trong bếp nhưng lúc nào cũng vui vẻ và sẵn sàng.”

    Vào thời bấy giờ, vì thiếu giám mục và các linh mục thì chểnh mảng, giáo dân không biết gì đến bí tích có trên 20 năm. Nhiều hình thức Tin Lành phát triển mau chóng trong khi hàng giáo sĩ vẫn giữ thái độ lãnh đạm trong nhiều lãnh vực. Trong ba năm trường, Cha Regis đã đi khắp địa phận, tổ chức các buổi học hỏi, xưng tội trước khi mời đức giám mục đến thăm. Ngài thành công trong việc hoán cải nhiều người và đã đưa họ trở về với đời sống đạo tốt lành.

    Về đời sống cá nhân, ngài càng khó khăn với chính mình bao nhiêu thì ngài lại nhân từ với người khác bấy nhiêu. Thức ăn của ngài thường là rau trái và bánh thô, nhiều khi vì số người đến xưng tội quá đông đến độ ngài không còn thời giờ để ăn uống. Ðể hy sinh hãm mình, mỗi đêm, ngài ngủ không quá ba giờ đồng hồ.

    Mặc dù Cha Regis ao ước đi truyền giáo cho người da đỏ Bắc Mỹ ở Gia Nã Ðại, nhưng suốt cuộc đời ngài đã tận tụy phục vụ Thiên Chúa trong những nơi hoang vu nhất ở ngay quê hương của ngài. Ở đó ngài phải chịu sự khắc nghiệt của thời tiết và nhiều thiệt thòi khác. Tuy nhiên, sự thánh thiện của ngài ngày càng gia tăng và được nhiều người biết đến.

    Trong bốn năm cuối đời, ngài rao giảng và làm việc trong các tổ chức xã hội, nhất là cho người tù, người bệnh và người nghèo. Vào mùa thu năm 1640, dù cảm thấy cái chết đã gần kề, Cha Regis vẫn cố gắng trong công tác mục vụ, nhằm đưa các linh hồn về với Chúa. Sau khi làm việc cả ngày Giáng Sinh không ngừng nghỉ, vào ngày hôm sau, sau khi lên toà giảng ngài đã ngất xỉu vì kiệt sức. Bốn ngày sau đó, trước khi thở hơi cuối cùng, ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa Giêsu, con phó linh hồn con trong tay Chúa.” Lúc ấy ngài mới 43 tuổi.

    Ngài được phong thánh năm 1737.



   17/06/2022

17 Tháng Sáu


    Thánh Gioan Fisher
    (1469-1535)

    Thánh Gioan Fisher thường có liên hệ với Erasmus, Thomas More và những người thuộc phong trào nhân bản thời Phục Hưng. Bởi đó, cuộc đời ngài không có nét bề ngoài như đời sống các thánh khác. Ðúng hơn, ngài là một con người học thức, thân quen với giới trí thức và chính trị thời bấy giờ.

    Gioan Fisher sinh ở Beverley, Yorkshire Anh Quốc, tốt nghiệp Ðại Học Cambridge, thụ phong linh mục năm 1491 và lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học năm 1501. Ngài có tài quản trị nên được nhà trường lần lượt giao cho các chức vụ tổng giám thị, phó chưởng ấn và chưởng ấn. Trong thời gian này, ngài là cha giải tội của mẹ vua Henry VII và đã khuyên bảo bà dùng của cải một cách bác ái, cũng như đưa môn thuyết giảng vào hai đại học lớn ở Anh. Cũng chính thời gian này, ngài làm bạn với Erasmus và Thomas More.

    Vào năm 1504, ngài được làm giám mục ở Rochester và cai quản giáo phận nghèo nàn này trong ba mươi năm; ngài đích thực là một giám mục, sống làm gương cho các linh mục và chú ý đến đời sống tâm linh của họ. Chính Ðức Giám Mục Fisher là một văn bút và vị giảng thuyết sáng giá. Các bài giảng của ngài về ăn năn sám hối được tái bản đến bảy lần trước khi ngài từ trần. Với sự tràn lan của giáo phái Luther, ngài đã tham dự vào các cuộc tranh luận. Tám cuốn sách ngài viết để chống với lạc giáo đã đem lại cho ngài địa vị hàng đầu của các thần học gia Âu Châu. Cần nhận xét ở đây là Ðức Gioan Fisher không bao giờ dùng lời lẽ hạ cấp để nhục mạ đối phương như trong các cuộc tranh luận thời bấy giờ, nhưng ngài dùng lý lẽ để khuyên bảo những người lầm đường lạc lối.

    Vào năm 1527, ngài được yêu cầu xem xét vấn đề hôn nhân của vua Anh là Henry VIII. Nhà vua muốn li dị hoàng hậu hiện thời là bà Catherine ở Aragon vì bà không sinh được con trai nối dõi. Ðức Fisher đã làm vua Henry tức giận khi tuyên bố hôn nhân cũ của nhà vua vẫn còn giá trị, và sau này Ðức Fisher còn từ chối không chấp nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh Quốc như nhà vua tự xưng.

    Trong mưu toan hãm hại Ðức Fisher, đầu tiên vua Henry buộc tội ngài là không phúc trình các “mặc khải” chống đối nhà vua của sơ Elizabeth Barton. Sau đó ngài bị triệu đến để thề chấp nhận Ðạo Luật Thừa Kế. Tất cả các quan trong triều đều tuyên thệ chấp nhận, ngoại trừ Ðức Giám Mục Fisher và Thomas More, cả hai từ chối vì Ðạo Luật này hợp pháp hóa sự li dị của Henry cũng như chấp nhận ông là thủ lãnh của Giáo Hội Anh. Cả hai người bị tống ngục Tower, khi ấy Ðức Fisher đã sáu mươi lăm tuổi và bệnh tật đang làm hao mòn sức khỏe của ngài.

    Vào năm 1535, đức giáo hoàng tấn phong Ðức Gioan Fisher làm hồng y, nhà vua lại càng thêm tức giận và đã gài bẫy để đưa Ðức Gioan ra tòa về tội phản quốc. Ngài bị kết án và bị hành quyết, thi thể ngài bị để nằm nguyên ngày trên giàn chém và đầu của ngài bị treo trên cầu Luân Ðôn. Hai tuần sau, Thomas More cũng bị xử tử.

    Ðức Gioan Fisher và Thomas More được phong thánh năm 1935.


    Lời Bàn

    Ngày nay, có nhiều vấn đề được nêu lên về việc tích cực tham gia sinh hoạt xã hội của linh mục và giáo dân. Ðức Gioan Fisher đã trung thành với ơn gọi giám mục của ngài. Ngài cương quyết duy trì giáo huấn của Giáo Hội; lý do ngài bị tử đạo là vì trung thành với Rôma. Ngài đã can dự đến các sinh hoạt văn hóa cũng như tranh chấp chính trị thời bấy giờ. Sự can dự này khiến ngài phải thắc mắc về tư cách đạo đức của người lãnh đạo quốc gia. “Giáo Hội có quyền, đúng hơn là nhiệm vụ, để đề cao sự công bằng trong lãnh vực xã hội, quốc gia và quốc tế, để lên án những bất công, khi các quyền căn bản của con người và sự cứu độ của họ đòi hỏi” (Công Bình Trong Thế Giới, Thượng Hội Ðồng Giám Mục 1971).


    Lời Trích

    Erasmus đã nói về Ðức Gioan Fisher như sau: “Ngài là con người mà thời bấy giờ không ai sánh được về sự chính trực của đời sống, về học thuật và về nét cao quý của linh hồn.”


18/06/2022

 18 Tháng Sáu


    Ðấng Ðáng Kính Matt Talbot

    (1856-1925)

    Ông Matt có thể coi là quan thầy của những người đang chiến đấu với sự nghiện rượu.

    Matt sinh ở Dublin, là nơi cha ông làm việc ở bến tầu và không có thời giờ nhiều cho gia đình. Sau một vài năm đi học, Matt kiếm được công việc giao thư từ cho các nhà buôn rượu; từ đó bắt đầu Matt uống rượu như hũ chìm.

    Trong vòng 15 năm — cho đến khi 30 tuổi — Matt là người nghiện rượu. Một ngày kia, ông “tự hứa” không uống rượu trong vòng ba tháng, ông đi xưng tội và bắt đầu tham dự Thánh Lễ hàng ngày. Hiển nhiên là những năm đầu tiên sau khi thề hứa thật khó khăn. Chỉ cần tránh gặp các tay bạn nhậu không thôi cũng đã khó. Tuy nhiên, ông đã trông nhờ đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Trước đây ông uống rượu như thế nào thì bây giờ ông cũng cầu nguyện như vậy. Ðồng thời ông tìm cách trả lại tiền vay mượn hoặc ăn cắp của người khác trong thời gian nghiện ngập.

    Hầu hết cuộc đời của ông là một người lao động nặng nhọc. Ông gia nhập dòng Ba Phanxicô và bắt đầu một đời sống khắc khổ sám hối; ông kiêng thịt đến chín tháng mỗi năm. Hàng đêm, ông dành nhiều thời giờ để đọc sách thiêng liêng cũng như hạnh các thánh. Ông lần chuỗi Mai Khôi một cách có ý thức. Mặc dù đồng lương của ông thật khiêm tốn, ông đã rộng lượng đóng góp cho công cuộc truyền giáo.

    Vào năm 1925, sức khỏe ông sa sút đến độ phải nghỉ việc. Và vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi, ông đã từ trần trên đường đến nhà thờ. Năm mươi năm sau, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban cho ông tước vị đáng kính.


    Lời Bàn

    Khi nhìn vào cuộc đời ông Matt Talbot, chúng ta thường để ý đến những năm sau khi ông đã chừa rượu và sống cuộc đời ăn năn sám hối. Nhưng chỉ những ai đã từng nghiện rượu mới thấy thật khó khăn chừng nào khi mới bắt đầu bỏ rượu. Ông Matt đã cố gắng hàng ngày. Và mọi người chúng ta cũng phải như vậy.


    Lời Trích

    Trên trang giấy của cuốn sách ông Matt để lại, người ta thấy có dòng chữ sau: “Thiên Chúa đã an ủi ngươi và biến ngươi nên thánh. Ðể đạt được sự khiêm tốn tuyệt đối, cần có bốn điều sau: khinh miệt thế gian, đừng khinh miệt ai, khinh miệt chính mình, hãy coi thường khi bị người khác khinh miệt.”



19/06/2022

19 Tháng Sáu


    Thánh Rômuanđô
    (950?-1027)

    Thánh Rômuanđô thuộc dòng họ quyền quý ở Ravenna, nước Ý và quãng đời thanh thiếu niên của ngài không có gì là đặc biệt. Một ngày kia, ngài chứng kiến cảnh người cha nóng tính của ngài đã giết chết người bà con trong cuộc tranh chấp về đất đai. Quá hoảng sợ, ngài trốn trong một đan viện gần Ravenna trong 40 ngày để ăn năn đền tội cho cha mình cũng như cho sự đồng lõa của chính ngài.

    Lẽ ra ngài đã trở về cuộc sống bình thường như trước, nhưng thời gian 40 ngày ấy thực sự đã hoán cải con người của ngài. Do đó, thay vì trở về nhà, Rômuanđô đã xin gia nhập dòng Biển Ðức. Sau ba năm, ngài từ giã đan viện để đi tìm một đời sống khắc khổ hơn, và trở nên một môn đệ của vị ẩn sĩ Marinus gần Venice.

    Ngài khao khát được tử đạo vì Ðức Kitô và đã được đức giáo hoàng cho phép để đi truyền giáo ở Hung Gia Lợi. Nhưng khi đến nơi ngài phải trở về vì lâm trọng bệnh và vì cao tuổi. Trong 30 năm tiếp đó, ngài đi khắp nước Ý để thành lập các đan viện và viện khổ tu ở miền bắc và trung nước Ý. Năm viện khổ tu ngài thành lập ở Camaldoli đã trở thành nhà mẹ của Dòng Camaldoli, có truyền thống tổng hợp giữa đời sống khổ tu giữa Ðông và Tây và dưới quy luật Biển Ðức đã được ngài biến cải.

    Ngài từ trần ở Piceno, nước Ý năm 1027.


    Lời Bàn

    Ðức Kitô là vị lãnh đạo nhân từ, nhưng Ngài mời gọi chúng ta trở nên hoàn toàn thánh thiện. Thỉnh thoảng, trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta vẫn được thách đố nên thánh bởi những người tận tụy hy sinh, với tinh thần hăng say, và thực sự thay đổi. Dĩ nhiên, chúng ta không thể trở nên hoàn toàn giống họ, nhưng điều đó không làm mất ý nghĩa lời kêu gọi của mỗi người chúng ta là hãy mở lòng cho Thiên Chúa tùy theo hoàn cảnh của từng người.



   20/06/2022

20 Tháng Sáu


    Thánh Tôma More
    (1478-1535)

    Thánh Tôma More sinh ở Luân Ðôn năm 1478. Sau khi thông thạo căn bản tôn giáo và kinh điển, ngài theo học luật ở Oxford. Sau đó, ngài là một luật sư và lập gia đình với bà Jane Colt có bốn người con. Ngài dành nhiều thời giờ cho việc giáo dục con cái. Chính ngài là một người trí thức và là bạn của hàng thức giả thời bấy giờ như Linacre, Fisher và Erasmus.

    Tôma More thăng tiến mau chóng trong sự nghiệp. Ngài là một luật sư nổi tiếng và được chọn vào Nghi Viện khi mới 22 tuổi. Từ đó, ngài tiếp tục thăng quan tiến chức cho đến 47 tuổi, ngài được sự chú ý của vua Henry VIII và được chọn làm Quan Chưởng Ấn kế vị Ðức Hồng Y Wolsey.

    Vào năm 1532, giữa lúc tột đỉnh danh vọng và sự nghiệp, Tôma More từ chức khi nhà vua nhất định duy trì lập trường của ông về vấn đề hôn nhân và uy quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng. Vì vua Henry VIII muốn li dị bà Catherine ở Aragon, là người không sinh được con trai để nối dõi và muốn đặt các con người vợ lẽ làm thừa kế. Tôma More không đồng ý với hành động của nhà vua, và cũng không công nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh, như nhà vua đã tự xưng nhằm mục đích tách biệt khỏi Giáo Hội Rôma và khước từ quyền bính của đức giáo hoàng.

    Tôma More bị tống giam ở Ngục Luân Ðôn. Mười lăm tháng sau, ngài được đưa ra tòa về tội phản quốc. Trước toà, ngài cho biết là không thể hành động trái với lương tâm, và cầu chúc các quan toà rằng “tất cả chúng ta sẽ gặp nhau ở đời sau trong hạnh phúc thiên đàng để được cứu chuộc đời đời.” Trên đoạn đầu đài, ngài tuyên bố với đám đông rằng ngài chết như “một tôi trung của nhà vua — nhưng trước hết là tôi trung của Thiên Chúa”. Ngài bị chém đầu ngày 6 tháng Sáu năm 1535.

    Năm 1935, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng là “Vị Tử Ðạo của Ðức Giáo Hoàng” và đặt làm quan thầy của các luật gia.


    Lời Bàn

    Là một quân sư và nhà ngoại giao hàng đầu, Tôma More không tương nhượng các quy tắc đạo lý của chính ngài để chiều theo nhà vua, vì biết rằng sự trung thành đích thực với quyền bính không có nghĩa mù quáng chấp nhận những gì người cầm quyền mong muốn. Tôma More đã can đảm trung thành với lý tưởng ấy cho đến giọt máu cuối cùng.

    Lời Trích

    “Mỗi ngày đều có các cơ hội xúc phạm đến Thiên Chúa, nên tôi phải trang bị cho mình trong cuộc chiến đấu ấy bằng việc rước Mình Thánh Chúa. Nếu tôi cần sự soi dẫn và khôn ngoan để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, tôi phải đến với Ðấng Cứu Ðộ để tìm sự khuyên bảo và sáng suốt của Người.” — Thánh Tôma More



21/06/2022
21 Tháng Sáu


    Thánh Aloysius Gonzaga
    (1568-1591)

    Thánh Aloysius là một người nổi tiếng thời bấy giờ vì ngài sinh trong một gia đình quý tộc, nhưng đời sống như thiên thần, và cái chết thật thánh thiện.

    Aloysius là con cả của Hầu Tước Ferrante ở Castiglione nước Ý, phục vụ dưới triều Philip II của Tây Ban Nha. Cha ngài mong cho con mình trở nên một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, do đó ngay từ khi bốn tuổi Aloysius đã được tự do tung tăng trong trại lính, làm quen với các vũ khí. Nhưng khi lên bảy, đời sống tâm linh Aloysius thay đổi lạ lùng và hàng ngày cậu đã đọc kinh sách, thánh vịnh và đặc biệt kính mến Ðức Maria. Lúc 13 tuổi, cùng với người em, Aloysius theo cha mẹ lên triều đình và cả hai giữ nhiệm vụ phục dịch cho Don Diego, thái tử người Asturias ở Tây Ban Nha. Càng nhìn thấy sinh hoạt triều đình bao nhiêu, Aloysius càng chán ngán bấy nhiêu và tìm cách khuây khỏa qua hạnh các thánh.

    Chính trong thời gian này, khi nghe biết về công cuộc truyền giáo của các cha dòng Tên ở Ấn Ðộ, Aloysius đã có ý định đi tu và tập sống kham khổ cũng như tụ tập các trẻ em nghèo để dạy giáo lý cho chúng. Mơ ước đi tu của Aloysius phải trải qua bốn năm tranh đấu với chính người cha của mình cũng như sự dụ dỗ của rất nhiều chức sắc trong triều. Sau cùng, Aloysius đã chinh phục được tất cả và được nhận vào đệ tử viện dòng Tên lúc 17 tuổi.

    Vì nhận thấy sức khỏe yếu kém của Aloysius, các cha giám đốc đã buộc Aloysius phải chấm dứt sự kham khổ, phải ăn nhiều hơn, phải sinh hoạt với các đệ tử khác và không được cầu nguyện ngoài những giờ ấn định. Aloysius được gửi lên Milan đi học, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên đã phải trở về Rôma.

    Vào năm 1587, Aloysius tuyên khấn. Ðược vài năm sau, trận dịch hạch tấn công Rôma. Các tu sĩ dòng Tên mở một bệnh viện của nhà dòng. Chính cha bề trên cũng như nhiều linh mục đích thân chăm sóc bệnh nhân. Dù sức khỏe yếu kém, Aloysius cũng tận tình phục vụ bệnh nhân và bị lây bệnh. Sau ba tháng bệnh hoạn, Aloysius đã từ trần ngày 21 tháng Sáu 1591, lúc ấy mới 23 tuổi.

    Ðời sống thánh thiện của Aloysius được cha linh hướng Robert Bellarmine (sau này là thánh) minh xác. Và ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII phong thánh năm 1726 và được đặt làm quan thầy các học sinh Công Giáo.


    Lời Bàn

    Thánh Aloysius dường như không thích hợp là quan thầy của các người trẻ trong một xã hội mà sự khổ hạnh chỉ tìm thấy trong các đội thể thao hay võ thuật. Có thể nào một xã hội luôn dư thừa và đầy tiện nghi lại tự ý khép mình vào kỷ luật? Ðiều đó chỉ có thể xảy ra nếu nó tìm thấy một lý do, cũng như Thánh Aloysius trước đây. Ðộng lực để Thiên Chúa thanh luyện chúng ta là phải cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.


    Lời Trích

    “Anh em thân mến, khi cầu nguyện chúng ta phải tỉnh thức và tha thiết với tất cả tâm hồn, sốt sắng cầu nguyện. Hãy gạt bỏ tất cả những ý tưởng trần tục, cũng như đừng để linh hồn chúng ta lo lắng về bất cứ điều gì ngoại trừ đối tượng của sự cầu nguyện là Thiên Chúa” (Về Kinh Lạy Cha, Thánh Cyprian).



22/06/2022
22 Tháng Sáu


    Thánh Paulinus ở Nola
    (354?-431)

    Qua thư từ của các thánh khác mà chúng ta biết được cuộc đời và đặc điểm của Thánh Paulinus mà ngài là bạn của các thánh Augútinô, Giêrôme, Martin, Grêgôriô và Ambrôsiô.

    Sinh ở Bordeaux, nước Pháp, Paulinus thuộc dòng dõi quý tộc Rôma mà cha ngài là một pháp quan ở Gaul (Pháp). Gia đình ngài làm chủ không biết bao nhiêu ruộng đất ở Ý và Aquitaine. Paulinus được theo học ở trường Bordeaux về luật Rôma, thi văn, hùng biện, khoa học và triết. Sau đó ngài trở thành một luật sư có tiếng.

    Sau khi cha mất sớm, Paulinus được Hoàng Ðế Gratian bổ nhiệm làm nghị sĩ Rôma khi mới 25 tuổi và một năm sau, ngài làm thống đốc Campania, cư ngụ ở vùng đồi núi Nola, ở phía đông Naples. Dường như Paulinus không thích sự phù hoa và danh vọng của chức quyền.

    Sau khi được chứng kiến cảnh dân chúng được chữa lành ở mộ Thánh Felix, là quan thầy của Campania, Paulinus đã có ý định trở lại Kitô Giáo. Ngài hy sinh bộ râu cho Thánh Felix, từ chức thống đốc và trở về sống với người mẹ đang mong đợi ngài.

    Sau khi du lịch đến Tây Ban Nha, Paulinus kết hôn với bà Therasia. Vào năm 36 tuổi, trước sự chứng kiến của người vợ, Paulinus (cùng với người em trai) được rửa tội bởi vị giám mục thánh thiện của Bordeaux là Thánh Delphinus.

    Vào thời bấy giờ, Paulinus được gặp gỡ, chuyện trò với những người thánh thiện đương thời, tỉ như Thánh Martin ở Tours đã chữa lành con mắt thương tích của Paulinus một cách lạ lùng, và có lẽ sự hoán cải của người bạn tâm giao, Thánh Augustine, là động lực sau cùng thúc đẩy Paulinus theo Kitô Giáo.

    Theo Ðức Kitô có nghĩa sống khó nghèo, do đó Paulinus đã bán tất cả tài sản ở Gaul và phân phát tiền bạc cho các người nghèo và những người làm công cho gia đình. Khi hai ông bà sang Tây Ban Nha, bà Therasia cũng bán tất cả đất đai của mình và dùng tiền của để chuộc các người nô lệ và các con nợ.

    Hai ông bà có được một con trai, nhưng chỉ sau một tuần lễ, đứa bé đã từ trần cách đột ngột. Cho rằng cơ thể của bà Therasia không thích hợp để sinh con, Paulinus coi việc từ bỏ quyền làm chồng như một hành động bác ái, do đó hai người thề sống khiết tịnh và sống với nhau như anh em trong suốt cuộc đời.

    Vì đời sống thánh thiện của hai ông bà, dân chúng ở Barcelona đã kiệu Paulinus đến trước mặt vị giám mục và yêu cầu tấn phong Paulinus làm linh mục, và ngài đã đồng ý với điều kiện của Paulinus là không bị ràng buộc vào một giáo xứ hay giáo phận. Sau đó Thánh Ambrôsiô là người đã chỉ dẫn cho Paulinus về nhiệm vụ linh mục.

    Ðể sống lý tưởng của một chủ chăn, hai ông bà Paulinus và Therasia đã biến căn nhà của họ thành nơi tiếp đón người nghèo và người vô gia cư. Bà Therasia sống ở tầng trệt như một người quản lý, còn tầng trên là một đan viện mà Paulinus và các ẩn tu khác biến thành một trung tâm đan sĩ đầu tiên ở Tây Phương với lối sống cực kỳ kham khổ.

    Vào năm 410, trước khi bà Therasia từ trần không lâu, dân chúng ở Nola đã chọn Paulinus làm giám mục. Quả thật ngài là vị giám mục tài giỏi vào thời ấy. Ðức Paulinus tiếp tục sống ở đan viện, ngài xây hệ thống thoát nước cho Nola cũng như các nhà thờ ở đây và ở Fondi.

    Ðức Paulinus là một người hài hòa giữa con tim và trí óc. Các thư từ của ngài cho thấy sự khiêm tốn, tính tình dễ mến, thích khôi hài, trọng kỷ luật, và đời sống chiêm niệm của ngài. Những bút tích của ngài để lại chứng tỏ ngài là một thi sĩ Kitô Giáo và cũng là một tay viết văn xuôi có hạng.


    Lời Trích

    Thánh Paulinus thường đau yếu vì thể xác không được khỏe mạnh, nhưng ngài thản nhiên tuyên bố “sự yếu đuối của thân xác là một ích lợi cho tinh thần, khi xác thịt thiệt thòi thì tinh thần hoan hỉ.”



23/06/2022

23 Tháng Sáu


    Thánh Giuse Cafasso
    (1811-1860)

    Thánh Giuse Cafasso là một trong những linh mục thánh thiện có chân trong tổ chức Dòng Ba Phanxicô. Cha mẹ ngài là nông dân ở vùng Piedmont, nước Ý.

    Ngay khi còn là một thanh niên, Giuse Cafasso đã yêu quý Thánh Lễ và nổi tiếng về sự khiêm tốn cũng như hăng say cầu nguyện. Sau khi thụ phong linh mục năm 1833, ngài được bổ nhiệm về một chủng viện ở Turin. Ở đây ngài hoạt động đặc biệt chống với ảnh hưởng của lạc thuyết Jansen và sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động của Giáo Hội. Cha Giuse dùng phương cách của Thánh Francis “de Sales” và Thánh Anphong Liguori để điều hòa sự khắc khổ quá đáng mà thời ấy rất phổ thông trong các chủng viện.

    Cha Giuse đề nghị các linh mục tham dự vào Dòng Ba Phanxicô. Ngài thúc đẩy việc sùng kính Thánh Thể và khuyến khích rước lễ hàng ngày. Ngoài nhiệm vụ dạy học, Cha Giuse còn là một người giảng thuyết có tài, là cha giải tội nhân từ và là bậc thầy tổ chức tĩnh tâm. Nổi tiếng về hoạt động của ngài với các tử tù, Cha Giuse đã giúp nhiều tù nhân chết lành trong ơn nghĩa của Chúa.

    Cha Gioan Bosco là một trong những học trò của Cha Giuse. Chính ngài khuyến khích Cha Gioan Bosco thành lập dòng Salesian để hoạt động cho giới trẻ ở Turin.

    Cha Giuse từ trần ngày 23 tháng Sáu ở Turin và được phong thánh năm 1947.   

Lời Bàn

    Việc sùng kính Thánh Thể đã đem lại nhiệt huyết cho các hoạt động của Thánh Giuse Cafasso. Trong lịch sử Giáo Hội, sự sùng kính Thánh Thể là đặc tính của nhiều người Công Giáo gương mẫu, trong số đó có Thánh Phanxicô Assisi, Ðức Giám Mục Fulton Sheen, Ðức Hồng Y Joseph Bernardin và Mẹ Têrêsa Calcutta.



24/06/2022

24 Tháng Sáu


    Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

    Đức Giêsu gọi Gioan là người cao trọng nhất trong tất cả mọi người và là người đến trước Ngài: “Ta nói với các ngươi, trong những người sinh ra bởi phụ nữ, không ai cao trọng hơn Gioan…” Nhưng có lẽ Thánh Gioan sẽ hoàn toàn đồng ý với điều Ðức Giêsu nói thêm sau đó: “Tuy nhiên, người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông ta” (Luca 7:28).

    Có một thời gian Thánh Gioan sống trong sa mạc, là vị ẩn tu. Ngài loan báo nước trời đã gần đến, và mời gọi mọi người hoán cải đời sống.

    Mục đích của ngài là chuẩn bị con đường cho Ðức Giêsu. Ngài nói, phép rửa của ngài là để ăn năn sám hối. Nhưng Ðấng sắp đến sẽ rửa với Thần Khí và lửa. Gioan không xứng đáng để xách dép cho Người. Thái độ của Thánh Gioan đối với Ðức Giêsu là: “Ngài phải nổi bật lên; tôi phải lu mờ đi” (Gioan 3:30).

    Trong khi thanh tẩy những kẻ tội lỗi, Thánh Gioan đã khiêm tốn nhận ra Ðấng Thiên Sai và nói: “Tôi cần được thanh tẩy bởi Ngài” (Mt 3:14b). Nhưng Ðức Giêsu nhất định, “Hãy tiếp tục thi hành, vì như vậy chúng ta mới giữ trọn đức công chính” (Mt 3:15b). Ðức Giêsu, một con người đích thực và khiêm tốn cũng là Thiên Chúa hằng hữu, đã sẵn sàng thi hành bổn phận của bất cứ người Do Thái tốt lành nào. Thánh Gioan như vậy đã công khai đi vào tập thể của những người đang chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Nhưng khi tự trở nên một phần tử của cộng đồng ấy, quả thực ngài thuộc về Ðấng Cứu Tinh.

    Sự cao trọng của Thánh Gioan, một địa vị then chốt trong lịch sử cứu chuộc, được nhận thấy qua tường thuật của Thánh Luca về sự sinh hạ và các biến cố sau đó của Thánh Gioan — cả hai yếu tố này đều xảy ra song song với cuộc đời của Ðức Giêsu. Thánh Gioan thu hút được rất nhiều người đến bờ sông Giođan, và một số người đã coi ngài như Ðấng Thiên Sai. Nhưng ngài luôn luôn chỉ đến Ðức Giêsu, ngay cả một số môn đệ của ngài cũng được sai đến để trở thành các môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu.

    Có lẽ Thánh Gioan không nghĩ là Nước Trời được hoàn tất một cách tuyệt hảo trong sứ vụ rao giảng của Ðức Giêsu. Vì bất cứ lý do gì, (trong khi ở tù) ngài đã sai các môn đệ đến hỏi Ðức Giêsu xem có phải Người là Ðấng Thiên Sai hay không. Câu trả lời của Ðức Giêsu cho thấy Ðấng Thiên Sai mang hình ảnh Người Tôi Tớ Ðau Khổ trong sách tiên tri Isaia. Chính Thánh Gioan cũng đã chia sẻ trong sự đau khổ của Ðấng Cứu Tinh, ngài đã chết vì sự trả thù của Herodias.


    Lời Bàn

    Thánh Gioan thách đố mọi Kitô Hữu chúng ta hãy có lối sống xứng hợp của những người theo Ðức Kitô — hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa Cha, qua Ðức Kitô. Ngoại trừ Mẹ Thiên Chúa, không ai có chức năng cao cả hơn trong việc khai mở ơn cứu độ. Tuy nhiên, Ðức Giêsu nói, người bé mọn nhất Nước Trời còn cao trọng hơn Thánh Gioan, vì chính ơn sủng tinh tuyền nhất mà Thiên Chúa Cha đã ban cho. Sự khắc khổ cũng như sự nổi tiếng của Thánh Gioan, khi ngài can đảm tố giác những điều xấu xa — tất cả là bởi ngài tận hiến triệt để và hoàn toàn cuộc đời ngài cho thánh ý Thiên Chúa.


    Lời Trích

    “Và điều này không chỉ đúng có một lần từ lâu trong quá khứ. Nó luôn luôn đúng, vì điều ngài kêu gọi là sự sám hối và đó luôn luôn là con đường dẫn vào Nước Trời. Ngài không phải là một nhân vật mà chúng ta có thể quên đi vì Ðức Giêsu, sự sáng thật, đã xuất hiện. Thánh Gioan luôn luôn xứng hợp vì ngài kêu gọi sự chuẩn bị mà tất cả mọi người cần phải thi hành. Do đó, hàng năm có bốn tuần lễ trong lịch trình Giáo Hội để chúng ta lắng nghe tiếng gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ðó là các tuần Mùa Vọng” (Giáo Lý Công Giáo).



 25/06/2022

25 Tháng Sáu


    Chân Phước Jutta ở Thuringia
    (c. 1264?)

    Vị thánh quan thầy của nước Phổ sinh trong một gia đình giầu có và quyền thế nhưng từ trần cách đơn sơ như một người nghèo.

    Sau khi kết hôn với một người quý tộc và đạo đức, Jutta và chồng sống rất đạo hạnh, cả hai quý trọng chân lý và cố gắng trau dồi nhân đức. Trong một cuộc hành hương đến các thánh địa ở Giêrusalem, người chồng lâm bệnh và từ trần. Bà quả phụ Jutta ở vậy nuôi con.

    Sau khi con cái đã khôn lớn và có đủ nhu cầu cho đời sống, bà Jutta quyết định sống một cuộc đời chỉ để làm vui lòng Thiên Chúa. Bà bán mọi y phục, nữ trang, đồ đạc đắt tiền và gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục, với chiếc áo dòng tầm thường.

    Kể từ đó trở đi, cuộc đời bà tận tụy cho tha nhân: chăm sóc người đau yếu, nhất là người bị cùi; lo cho người nghèo ngay ở các lều tranh lụp xụp của họ; giúp đỡ người tàn tật và mù lòa mà bà cho họ sống ngay trong nhà. Nhiều người quý tộc thời ấy đã cười nhạo bà Jutta là không biết dùng thời giờ cho đúng. Nhưng bà Jutta đã nhìn thấy diện mạo của Thiên Chúa trong các người bất hạnh và cảm thấy vinh dự khi được phục vụ.

    Vào khoảng năm 1260, trước khi từ trần không lâu, bà Jutta sống gần những người ngoại đạo ở miền đông nước Ðức. Ở đó, bà dựng một mái nhà đơn sơ và không ngừng cầu nguyện cho sự hoán cải của những người chung quanh. Trong nhiều thế kỷ, bà được sùng kính như vị quan thầy đặc biệt của nước Phổ.



26/06/2022
                                                                   26 tháng Sáu
                             Thánh Phanxicô ĐỖ VĂN CHIỂU

                                    Thầy giảng (1797 – 1838)

Anh chị em hãy về đi, đừng khóc nữa, thầy trò chúng tôi hôm nay về Quê Thật mà.

Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu sinh năm 1797 tại làng Trung Lễ, giáo xứ Liên Thủy, tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu ngày nay.

Sau bốn năm thần học, thầy Chiểu được chọn làm thầy giảng và xin gia nhập dòng Đa Minh. Thầy cộng tác đắc lực với Đức cha Henares – Minh để dạy giáo lý và phục vụ giáo dân.

Thầy quan tâm nhiều đến ơn cứu độ của mọi người. Có lần thầy đã khuyến khích và cầu nguyện cho một người lính trung thành với đức tin Kitô giáo cho đến chết. Hai người cùng cầu nguyện sốt sắng trước khi chia tay. Lần khác, khi nghe người em bị bắt đạo, thầy xin cha Hiển dâng hai thánh lễ để em mình trung thành trong đức tin.

Tháng 05/1838, khi bị binh lính đuổi bắt, Đức cha Henares – Minh và thầy Chiểu nhận được sự che chở của một gia đình ngư phủ ngoại giáo làng Quần Anh. Nhưng chính người ngư phủ này lại đi tố giác với quan trên để lãnh tiền thưởng. Hai vị bị bắt tại Xương Điền ngày 09/06/1838. Hai ngày sau, cả hai bị áp giải về công đường Nam Định.

Sau những lời vỗ về, dụ dỗ, mua chuộc nhưng vẫn không thuyết phục được thầy Chiểu, quan án sai lính trói chân tay vào cọc đánh ba mươi roi tả tơi, rồi xích xiềng chân tay và tống giam vào ngục.

Sau khi đọc án lệnh hành hình, quan hỏi lần sau cùng: chấp nhận đạp ảnh thánh để được khoan hồng hay là chết? Thầy Chiểu bình tĩnh trả lời: “Khi quan lớn nằm nghỉ, quan có bằng lòng cho người con của quan đạp lên mặt không? Phương chi Đức Chúa Trời là Chúa trời đất, mọi người phải kính thờ thì làm sao tôi dám bước qua ảnh của Người”.

Ngày 26/06/1838, Đức cha Henares – Minh và thầy Chiểu bị điệu ra pháp trường Bảy Mẫu. Khi thấy nhiều tín hữu đi theo khóc lóc, thầy nói với họ: “Anh chị em về nhà đi, đừng khóc nữa, thầy trò chúng tôi hôm nay về quê thật mà”. Sau khi xưng tội với Đức cha, thầy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con phó thác linh hồn trong tay Ngài”. Giáo dân đã an táng thầy ngay tại pháp trường. Sau thời kỳ cấm đạo, thi hài của ngài được rước về nhà thờ giáo xứ Trung Lễ.

Thầy giảng Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu được phong chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

Trích từ HĐGMVN



27/06/2022

27 Tháng Sáu


    Thánh Cyril ở Alexandria
    (376?-444)

    Thánh Cyril sinh ở Alexandria, Ai Cập. Ngài là cháu của Ðức Theophilus, thượng phụ của Alexandria. Sau khi học xong kinh điển và thần học, ngài được chính bác của mình tấn phong linh mục và tháp tùng Ðức Theophilus đến Constantinople để tham dự Thượng Hội Ð3ồng Oak nhằm truất phế Ðức Gioan Kim Khẩu (sau này mới biết là bị kết tội oan).

    Khi Ðức Theophilus từ trần vào năm 412, ngài lên kế vị bác của mình sau cuộc tranh đấu với phe ủng hộ người đối thủ là Timotheus. Ngay sau khi lên ngôi, Ðức Cyril bắt đầu tấn công lạc thuyết Novatianô với việc đóng cửa các nhà thờ; đuổi những người Do Thái ra khỏi thành phố; và phản bác một số hành động của quan đầu tỉnh Orestes là người theo phe Novatianô.

    Vào năm 430, Ðức Cyril lại xung đột với Nestorius, thượng phụ của Constantinople, là người cho rằng Ðức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa vì Ðức Kitô là Thiên Chúa chứ không phải con người, hậu quả là không thể dùng chữ theotokos (người-mang-Thiên-Chúa) áp dụng cho Ðức Maria. Ðức Cyril thuyết phục được Ðức Giáo Hoàng Celestine I triệu tập một công đồng ở Rôma nhằm lên án Nestorius, và chính ngài cũng hành động tương tự trong công đồng Alexandria.

    Vào năm 431, Ðức Giáo Hoàng Celestine ra lệnh cho Ðức Cyril truất phế Nestorius. Trong Ðại Công Ðồng Ephêsô lần thứ ba, với sự tham dự của hai trăm giám mục và dưới sự chủ tọa của Ðức Cyril, công đồng đã lên án mọi giáo thuyết của Nestorius là sai lầm trước khi Ðức Tổng Giám Mục Gioan ở Antiôkia và bốn mươi hai môn đệ ủng hộ giáo thuyết của Nestorius kịp đến tham dự. Khi thấy mọi sự đã lỡ, họ tổ chức một công đồng riêng để truất phế Ðức Cyril. Hoàng Ðế Theodosius II bắt giữ cả hai người, Ðức Cyril và Nestorius nhưng sau đó đã trả tự do cho Ðức Cyril khi các đại diện của đức giáo hoàng xác nhận các quyết định của công đồng.

    Hai năm sau, Ðức Tổng Giám Mục Gioan, đại diện cho các giám mục ôn hòa ở Antiôkia, đã ký kết một thỏa ước với Ðức Cyril và cùng lên án Nestorius. Trong quãng đời còn lại, Ðức Cyril đã viết nhiều luận án làm sáng tỏ học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể nhằm ngăn chặn lạc thuyết Nestorius và Pelagian khỏi ăn sâu vào cộng đồng Kitô Hữu.

    Ngài là thần học gia sáng chói nhất của truyền thống Alexandria. Văn bút của ngài có đặc tính chính xác về tư tưởng, lập trường rõ ràng, và lý luận sắc bén. Các văn bản của ngài gồm các nhận định về Thánh Gioan, Thánh Luca, và ngày lễ Ngũ Tuần, các luận thuyết về thần học tín lý, cũng như các thư từ và bài giảng. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên xưng là tiến sĩ Giáo Hội vào năm 1882.



   28/06/2022

28 Tháng Sáu
    Thánh Irenaeus
    (130?-220)

    Các văn bản của Thánh Irenaeus giúp ngài có một địa vị cao trọng trong các giáo phụ của Giáo Hội, vì các tư tưởng ấy không những giúp hình thành nền tảng thần học Kitô Giáo mà còn phô bầy và bài bác các sai lầm của phe Gnostic, gìn giữ được đức tin Công Giáo khỏi những nguy hiểm của lạc thuyết.

    Có lẽ ngài sinh vào khoảng năm 125, trong một vùng ven biển của Tiểu Á là nơi có đông người Kitô Giáo và ký ức về các tông đồ vẫn còn được trân quý. Ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều của Thánh Polycarp là người đã từng được gặp các tông đồ hoặc các môn đệ trực tiếp của các ngài.

    Khi các linh mục và nhà thừa sai người Á Châu đem tin mừng đến cho người Gaul và thiết lập một giáo hội địa phương ở Lyon, Thánh Irenaeus đã phục vụ ở giáo phận này dưới quyền vị giám mục đầu tiên là Thánh Pothinus. Vào năm 177, Irenaeus được sai đến Rôma, vì thế ngài không được phúc tử đạo như Ðức Pothinus trong thời kỳ bách hại ở Lyons. Khi trở về, ngài kế vị đức giám mục trông coi giáo phận.

    Vào lúc ấy, tuy sự bách hại không còn nhưng lạc thuyết Gnostic tràn lan khắp xứ Gaul. Khi thấy các Kitô Hữu bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạc thuyết, ngài biết việc phải làm là phô bầy các lầm lạc của phe Gnostic. Ngài viết năm cuốn sách mà trong đó nêu ra các sai lầm nội tại của các lạc thuyết, đồng thời so sánh các thuyết ấy với Kinh Thánh và giáo huấn của các Tông Ðồ. Công trình này, được viết bằng tiếng Hy Lạp mà ngay sau đó được dịch sang tiếng La tinh, được lưu hành rộng rãi và rất thành công trong việc đối phó với phe Gnostic. Từ đó trở đi, ở bất cứ cấp độ nào, lạc thuyết Gnostic không còn là một đe dọa đối với đức tin Công Giáo.

    Một nhóm Kitô Hữu ở Tiểu Á bị Ðức Giáo Hoàng Victor III ra vạ tuyệt thông vì họ không chấp nhận ngày tháng cử hành lễ Phục Sinh của Giáo Hội Tây Phương. Thánh Irenaeus đã can thiệp với đức giáo hoàng để rút lại hình phạt này, ngài cho thấy đó không phải là vấn đề quan trọng vì họ theo thói quen cũ mà Ðức Polycarp và Ðức Giáo Hoàng Anicetus không coi đó là sự chia cắt trong Giáo Hội. Ðức giáo hoàng đã phản ứng cách thuận lợi và hàn gắn được sự bất hòa.

    Người ta không rõ Thánh Irenaeus từ trần vào lúc nào, nhưng tin là vào năm 202. Thi hài của ngài được chôn trong hầm mộ trong cung thánh của nhà thờ Thánh Gioan, và sau đó được đổi tên là Thánh Irenaeus. Vào năm 1562, nhà thờ và hầm mộ của ngài bị phe Calvin tiêu hủy, mọi thánh tích của ngài dường như cũng tiêu tan.



   29/06/2022

29 Tháng Sáu
    Thánh Phêrô và Phaolô
    (c. 64?)

    Thánh Phêrô: Thánh sử Máccô chấm dứt phần thứ nhất của Phúc Âm với một tuyệt đỉnh thắng lợi. Sau khi ghi lại nhiều sự hồ nghi, hiểu lầm và chống đối Ðức Giêsu, giờ đây Phêrô tuyên xưng đức tin: “Thầy là Ðấng Thiên Sai” (Máccô 8:29b). Ðó là một trong những giây phút huy hoàng của cuộc đời Thánh Phêrô, kể từ ngày ngài được kêu gọi ở Biển Galilê để trở thành kẻ lưới người.

    Tân Ước rõ ràng cho thấy Phêrô là vị lãnh đạo các tông đồ, được Ðức Giêsu chọn với một tương giao đặc biệt. Cùng với Giacôbê và Gioan, Phêrô được đặc ân chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của một đứa trẻ đã chết và sự thống khổ trong vườn Cây Dầu. Bà mẹ vợ của Phêrô bị Ðức Giêsu quở trách. Ngài được sai đi với Gioan để chuẩn bị cho lễ Vượt Qua trước khi Ðức Giêsu từ trần. Tên của ngài luôn luôn đứng đầu các vị tông đồ.

    Và Phêrô là người duy nhất được Ðức Giêsu nói, “Này Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Bởi thế, Thầy bảo với anh: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời. Anh cầm buộc gì dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; anh tháo cởi điều gì dưới đất, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mátthêu 16:17b-19).

    Nhưng các chi tiết xác thực của Phúc Âm cho thấy các thánh sử không xu nịnh Phêrô. Hiển nhiên ngài là một người không biết giao tế. Và đó là sự an ủi lớn lao cho chúng ta khi thấy Phêrô cũng có những yếu đuối con người, ngay cả trước mặt Ðức Giêsu.

    Phêrô đã độ lượng hy sinh mọi sự, tuy nhiên ngài vẫn có thể hỏi một câu thật nông cạn như trẻ con, “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” (x. Mt 19:27). Ngài phải chịu sự tức giận vô cùng của Ðức Kitô khi chống đối ý tưởng của một Ðấng Thiên Sai đau khổ: “Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt. 16:23b).

    Phêrô sẵn sàng chấp nhận lý thuyết về sự tha thứ của Ðức Giêsu, nhưng dường như chỉ trong giới hạn bảy lần. Ngài đi trên mặt nước khi vững tin, nhưng bị chìm khi hồ nghi. Ngài không để Ðức Giêsu rửa chân cho mình, nhưng lại muốn toàn thân được sạch. Ngài thề không khi nào chối Chúa trong bữa Tiệc Ly, và sau đó lại thề với người tớ gái là ngài không biết người ấy. Ngài trung thành chống lại sự bắt giữ Ðức Giêsu bằng cách chém đứt tai tên Man-khô, nhưng sau cùng ngài lẩn trốn với các tông đồ khác. Trong sự phiền muộn vô cùng, Ðức Giêsu đã nhìn đến ngài và tha thứ cho ngài, và Phêrô đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết.

    Thánh Phaolô: Nếu giả như có nhà truyền giáo Hoa Kỳ kêu gọi phải chấp nhận chủ nghĩa Mác-xít chứ đừng tôn trọng Hiến Pháp, thì phản ứng tức giận sẽ giúp chúng ta hiểu cuộc đời Thánh Phaolô hơn khi ngài bắt đầu rao giảng là chỉ có Ðức Kitô mới cứu chuộc được chúng ta. Ngài từng là người Pharixiêu hơn ai hết, trung thành với luật Môisen hơn ai hết. Nhưng bây giờ bỗng dưng ngài xuất hiện trước các người Do Thái như một người lạc giáo của Dân Ngoại, một kẻ phản bội và chối đạo.

    Tâm điểm đức tin của Phaolô thật đơn giản và tuyệt đối: chỉ Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc nhân loại. Không một nỗ lực nào của con người — ngay cả việc tuân giữ lề luật cặn kẽ nhất — có thể tạo nên công trạng để chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa như của lễ đền tội và đền đáp các ơn sủng. Ðể được cứu chuộc khỏi tội lỗi, khỏi sự dữ và cái chết, nhân loại phải triệt để mở lòng cho quyền năng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô.

    Phaolô không bao giờ mất sự yêu quý dòng dõi Do Thái của ngài, mặc dù ngài tranh luận nhiều với họ về sự vô dụng của Luật mà không có Ðức Kitô. Ngài nhắc nhở cho Dân Ngoại biết rằng họ được tháp nhập vào tổ tiên của người Do Thái, là những người được Chúa chọn, là con cái của lời đã hứa.

    Vào ngày 29-6, chúng ta tưởng nhớ sự tử đạo của hai vị tông đồ. Ngày tháng này có từ năm 258, dưới thời bách hại của Valerian, khi các tín hữu tìm cách lấy xác của hai ngài để khỏi rơi vào tay các kẻ bách hại.


Ngày 30 tháng 6


    Các Vị Tử Ðạo Tiên Khởi ở Rôma

    (c. 68 A.D.)    


    Nhiều năm sau khi Ðức Giêsu về trời, chỉ có khoảng một chục người Kitô Giáo ở Rôma, dù rằng họ không phải là những người tòng giáo của “vị tông đồ Dân Ngoại” (Rom 15:20). Khi Thánh Phaolô viết lá thư ấy vào khoảng 57-58 A.D. thì ngài chưa đến thăm họ.

    Ở Rôma có nhiều người Do Thái. Có lẽ vì sự tranh chấp giữa những người Do Thái truyền thống và Do Thái theo Kitô Giáo mà Hoàng Ðế Claudius đã trục xuất tất cả người Do Thái ra khỏi Rôma trong những năm 49-50 A.D. Sử gia Suetonius nói rằng việc trục xuất là vì những xáo trộn trong thành phố “gây nên bởi một vài Kitô Hữu.” Có lẽ sau khi Claudius từ trần, nhiều người đã trở lại đây vào năm 54, vì lá thư của Thánh Phaolô dường như viết cho một giáo đoàn Dân Ngoại đông đảo.

    Vào tháng Bảy năm 64, hơn một nửa thành phố Rôma bị tiêu hủy vì hỏa hoạn. Người ta đồn rằng chính Hoàng Ðế Nero đã gây ra thảm kịch này vì muốn nới rộng cung điện của ông. Nero đã mưu mô đánh lạc hướng bằng cách kết tội người Kitô Giáo. Theo sử gia Tacitus, một “số đông” Kitô Hữu đã bị chết vì “sự thù hận của con người.” Thánh Phêrô và Thánh Phaolô có lẽ cùng chung số phận với những người này.


    Lời Bàn

    Bất cứ đâu Tin Mừng của Ðức Giêsu được rao giảng, ở đó có sự chống đối như Ðức Giêsu đã từng gặp, và nhiều người theo Ngài đã chia sẻ sự đau khổ và sự chết của Ngài. Nhưng không một sức lực nào của loài người có thể ngăn chặn quyền năng của Thần Khí đang giải thoát thế giới. Máu của các vị tử đạo đã từng là, và sẽ luôn luôn là hạt giống đức tin.


    Lời Trích

    Ðức Giáo Hoàng Clêmentê I, người kế vị Thánh Phêrô đã viết: “Chính vì sự đố kỵ và ghen ghét mà các trụ cột vĩ đại và chính trực của Giáo Hội đã bị bách hại và đã chiến đấu cho tới chết… Trước nhất, Thánh Phêrô, vì sự ghen tương vô lý ngài phải đau khổ không chỉ một hoặc hai lần nhưng nhiều lần, và như thế ngài đã hy sinh làm chứng, đã đến nơi vinh hiển mà ngài đáng được. Vì sự đố kỵ và tranh chấp, Thánh Phaolô đã cho thấy cái giá của sự kiên trì. Ngài bị xiềng xích bảy lần, bị lưu đầy, và bị ném đá; là một sứ giả từ đông sang tây, ngài đáng được kính phục vì đức tin của ngài…

    “Chung quanh các đấng ấy là một đám đông những người được tuyển chọn, mặc dù là nạn nhân của sự ghen ghét, họ đã đem cho chúng ta gương mẫu cao quý nhất về sự chịu đựng khi bị tra tấn và sỉ nhục. Vì sự đố kỵ mà các phụ nữ phải đau khổ, như bà Dirce hoặc các con gái của Danaus, họ phải đau đớn khủng khiếp vì các hành động thô bạo. Nhưng họ đã can đảm chu toàn đức tin bất kể sự yếu đuối của thân xác và đã chiếm được phần thưởng cao quý.”

Trích từ NgườiTínHữu.com

    

Comments are closed.