CỐ CHẤP !

CỐ CHẤP !

CHÚA NHẬT TUẦN IV MÙA CHAY NĂM A

Bài đọc 1 : ( 1 Sm 16:6-7,10-13). Bài đọc 2 : ( Ep 5: 8-14). Tin Mừng : ( Ga 9:1-41)

Nước Trịnh có một người đi thử giày. Anh làm một cái mẫu đo các chiều dài, ngắn của bàn chân, rồi để cái mẫu ấy bên chỗ ngồi. Lúc đi chợ, quên không cầm cái mẫu ấy đi. Đến hàng giày, mới sực nhớ ra: “ Thôi quên! Không cầm cái mẫu đo đi rồi!” Anh vội vã chạy về nhà lấy. Khi trở lại, thì chợ đã tan, không thử được giày nữa. Có người thấy thế, bảo rằng: “ Sao không đưa chân ra cho người ta đo có được không?” Anh ta cãi: “ Tôi chỉ tin có cái mẫu đo thôi, chớ tôi không tin chân tôi được.”

Thử giày cốt để đi vừa chân là được mà không tin, lại chỉ tin vào cái mẫu đo chân, chẳng là  câu nệ quá lắm ư! Ở đời, những người sống mà cứ bo bo giữ chặt lối sống cũ, không biết thế nào là hợp thời thích nghi, thì có khác gì người đi thử giày chỉ tin vào cái mẫu đo chân, mà không tin vào chân mình. ( Hàn Phi Tử)

Trên đường đi, nhìn thấy một người mù bẩm sinh, Đức Giêsu dừng lại, nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “ Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa.” Anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. Lẽ ra người ta phải mừng cho anh mù bẩm sinh vì được thoát khỏi cảnh mù lòa, nhưng từ đó, người ta đã nẩy sinh nhiều thái độ khác nhau.

Những người láng giếng hay những người trước kia thường thấy anh ăn xin, người thì nghi ngờ không biết có phải là anh ta hay là một ai giống anh ta, người thì quả quyết đó chính là anh ta. Dù cho anh quả quyết với họ chính là anh ta và anh đã thuật lại cho họ cách ông Giêsu đã chữa cho anh sáng mắt, nhưng họ vẫn cố chấp!

Sau khi đã biết chắc anh bị mù bẩm sinh và được ông Giêsu chữa lành, họ lại bắt đầu quay về người chữa lành cho anh. Vì Đức Giêsu chữa lành cho anh mù vào ngày sabát, nên họ lại cho rằng  ông ấy không phải là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát, như thế là một người tội lỗi thì không thể làm được dấu lạ như vậy.

Vào thời Đức Giêsu, người ta tin rằng khi một người nào đó mắc bệnh tật như mù, què, đó là do hậu quả của tội lỗi của mình gây ra hoặc do hậu quả của cha mẹ để lại. Khi thấy người mù bẩm sinh, các môn đệ của Đức Giêsu cũng đã hỏi Thầy : “ Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” và Ngài đã khẳng định:“ Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” Đức Giêsu loại bỏ quan điểm nối kết giữa đau khổ và tội lỗi. Sự mù lòa  bẩm sinh không phải là hình phạt của Thiên Chúa. Thiên Chúa không làm điều ác. Ngài chỉ yêu thương và làm điều lành. Những đau khổ của con người là dịp để cho Thiên Chúa thể hiện quyền phép và lòng thương xót của Ngài.

Diễn tiến từ mù lòa sang sáng mắt là biểu hiện một cuộc hành trình đức tin, từ không tin sang tin, từ tăm tối sang ánh sáng. Đức Giêsu đã cho biết: “ Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: Cho người không xem thấy được thấy, và cho kẻ xem thấy lại nên đui mù.” Đức Giêsu là ánh sáng thế gian. Ngài không chỉ mở mắt cho người mù về mặt thể lý, mà còn ban ánh sáng đức tin cho người bị mù về tâm hồn.

Trong khi người mù được nhìn thấy ánh sáng, thì những người Pharisiêu, vốn có đôi mắt sáng về thể lý lại trở nên mù lòa về tinh thần do ích kỷ không nhìn thấy nhu cầu của người khác, do sự cố chấp và thành kiến không can đảm nhìn nhận sự thật, do kiêu căng không thấy đước những lỗi lầm của mình, do hẹp hòi nông cạn, không thấy được giá trị đích thực của con người.Vì thành kiến đi đến cố chấp. Vì cố chấp nên thiếu độ lượng.

Thảm kịch lớn lao nhất không phải là mù bẩm sinh, nhưng do sáng mắt mà đầu óc hẹp hòi; một tâm hồn nhỏ mọn đưa chúng ta đến một cái nhìn thiếu sót, một lối sống ích kỷ.

LM Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.