SỰ SỐNG ĐỜI SAU

SỰ SỐNG ĐỜI SAU

CHÚA NHẬT TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bài đọc 1 : ( 2 Mcb 7:1-2.9-14). Bài đọc 2 : ( 2 Tx 2:16. 3:5). Tin Mừng : ( Lc 20:27-38)

Chết là hết hay chết là đi về một thế giới khác? Các nhà bác học, triết học cũng chưa ai giải đáp thỏa đáng được nỗi băn khoăn của con người. Dù cho quan niệm vô thần bảo rằng chết là hết thì vẫn không làm an tâm người đang sống hưởng thụ. Hầu hết các tôn giáo đều quan niệm rằng chết chưa phải là hết, nhưng chết là được đưa sang một thế giới khác hoặc được đưa đến một chỗ nào đó để tiếp tục sống.

Người  Xađốc không tin có sự sống lại, người Do thái thì tin. Để tranh luận với Chúa Giêsu về việc kẻ chết sống lại, họ đã dựa vào luật Môsê: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải cưới lấy nàng, để gầy dựng một dòng giống cho anh em mình.” từ đó, họ nêu lên một trường hợp: nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Cứ thế sáu anh em còn lại tiếp tục lấy cô vợ góa ấy; nhưng bảy anh em đều chết mà không ai để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết: “Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy là vợ của ai, vì cả bảy đều lấy nàng làm vợ?”

Để trả lời, Chúa đưa ra hai sự sống khác biệt giữa hai thế giới khác nhau: “ Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” Chúa Giêsu phủ nhận quan điểm cho rằng đời sau chỉ là tiếp nối đời này, và không thể so sánh giữa đời này với đời sau sau khi sống lại; đồng thời, Ngài dùng bằng chứng về các tổ phụ như Ápraham, Ixaác và Giacóp đang sống để khẳng định về niềm tin kẻ chết sống lại.

Người ta chỉ đối diện với thực trạng cái chết cho cuộc sống hôm nay về thân xác mà chưa ai biết được phần linh thiêng sẽ tồn tại và sống thế nào trong cõi mai sau. Nhưng cuộc sống đời sau ở một thế giới nào đó lại là kết quả của cuộc sống hôm nay: khi còn sống, ăn ngay ở lành thì sẽ được sống hạnh phúc, nhưng sống độc ác sẽ chịu hình phạt. Đó là luật nhân quả. Nhưng có một điều không tôn giáo nào, không triết thuyết nào quan niệm rằng con người chết đi rồi sẽ sống lại và sống vĩnh cửu không bao giờ chết nữa như Kitô giáo dạy. Đây là một niềm hy vọng tuyệt vời. Đời sống con người không phải là một cuộc hành trình dẫn đến nơi mơ hồ nào đó, nhưng là đến một miền đất hứa của đời sống vĩnh cửu. Niềm hy vọng ấy không dựa trên bất cứ điều gì của con người, nhưng trên quyền năng và lời của Thiên Chúa. Ngài liên kết chúng ta lại thành một dân mới đang hành trình trong hy vọng về miền đất hứa của sự sống đời đời. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta không phải để chết nhưng để sống đời đời: “ Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”(Ga 3:16)

Sau cái chết của thân xác, con người sẽ phải trải qua một cuộc phân loại như thợ gặt phân loại lúa tốt và cỏ lùng. Vào ngày phán xét chung, khi các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước Con Người: “ Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên và dê.” Chiên và lúa tốt là những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết. Họ sẽ sống theo một trật tự khác. Họ không thể chết nữa và họ được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái của Thiên Chúa, con cái của sự sống lại.

Cái chết là sự vượt qua để bước vào cuộc sống mới. Điều tốt nhất giúp chúng ta đối diện với thực tế của cái chết là đức tin. Đức tin giúp chúng ta can đảm và hy vọng vào tình yêu của Thiên Chúa. Niềm hy vọng sống lại của người Kitô hữu dựa vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

Mọi người ai cũng chết, nhưng không phải ai cũng sống. Thảm kịch của cuộc đời là đến khi cuộc đời chấm dứt chúng ta mới nhận ra chúng ta chưa từng sống thực được bao giờ cả!

LM Trịnh Ngọc Danh

Quan nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.