TỰ XÉT MÌNH

TỰ XÉT MÌNH

CHÚA NHẬT TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bài đọc 1 : ( Hc 35:12-14.16-19). Bài đọc 2 : ( 2 Tm 4:6-8.16-18). Tin Mừng : ( Lc 18: 9-14)

Để phê phán một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn sau đây: Có hai ngươi lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisiêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisiêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng:  ‘ Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt nhìn trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘ Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Cả hai đều cầu nguyện, những mỗi người lại có những tâm tình thái độ khác nhau.

Cứ như lời ông Pharisiêu nói, thì ông là một người nhân đức. Ông giữ luật rất nghiêm nhặt. Ông còn làm nhiều hơn những điều mà luật đòi hỏi. Luật chỉ buộc ăn chay mỗi năm một lần vào ngày Đền Tội, nhưng ông ăn chay một tuần hai lần. Luật đòi bố thí một phần mười của một số sản phẩm, nhưng ông lại nộp một phần mười thu nhập. Ông đứng riêng ra một mình. Ông tự xem ông là người cao trọng hơn người khác. Ông kể công trạng của mình để đặt điều kiện với Chúa. Và tệ hại hơn, ông lại hạ bệ người khác để đưa mình lên. Ông coi Thiên Chúa như một người phải đáp trả công trạng của ông. Ông không làm vì lòng tin cậy mến vào Đấng mà ông tin. Ông lấy mình làm thước đo người khác. Ông phô trương và tự ca tụng chính mình.  Ông cũng tự biết mình; nhưng sự tự nhận biết mình của ông lại đưa ông đến chỗ tự mãn, tự phụ với công việc mình làm và dẫn ông đến sự khinh chê, miệt thị người khác. Ông không xét lương  tâm mình mà lại xét lương tâm người khác, cụ thể ông đã bêu xấu công khai người thu thuế. Ông mắc một tội nặng nề mà ông không biết, đó là tội kiêu ngạo.

Ngược lại, người thu thuế thì đứng đàng xa, không dám ngước mắt nhìn trời, chỉ biết đấm ngực và nhận mình là người tội lỗi cần lòng thương xót của Chúa. Ông khiêm tốn nhận ra mình bất xứng trước mặt Thiên Chúa. Ông bị người Pharisiêu bêu xấu công khai, nhưng ông không tự ái mà tự nhận biết mình là người tội lỗi như lời ông đã thưa với Chúa: “ Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”  Ông quay về với nội tâm của mình để đấm ngực ăn năn. Ông nhận biết mình là người bất xứng trước mặt Thiên Chúa và trước mặc người đời.  

Trong hai người, ai là người công chính? Chúa Giêsu đã trả lời:  “ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia, thì không.”

Thiên Chúa giàu lòng nhân từ không thiên vị người giàu hay người quyền thế, nhưng Ngài đối xử nhân hậu với tất cả mọi người. Chúa không lên án người giàu, nhưng lên án thái độ kiêu căng tự mãn và khinh chê người khác. Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của người khiêm nhường. Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người. Trong tình thương, Ngài luôn là người đi trước. “ Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người góa bụa.”( Hc 35:12-14)

Tất cả những việc đạo đức làm theo luật buộc thì không phải chỉ có người công chính mới thi hành mà ngay cả đến người tội lỗi cũng có thể làm hoặc làm hơn. Ông Pharisiêu có nhiều công trạng theo luật buộc, nhưng  ông lại bị Chúa lên án , còn người thu thuế đứng trước nhan Thiên Chúa, ông chỉ có một tâm tình nhận biết mình là người tội lỗi và ông tỏ lòng sám hối ăn năn. Chính tâm tình ấy đã đánh động lòng thương xót của Chúa.

Chúng ta dễ nhận thấy tội lỗi của người khác nhưng lại không nhận ra tội lỗi của mình. Hãy cầu nguyện trong tinh thần khiêm tốn nhận biết mình là người tội lỗi. “ Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

LM Trịnh Ngọc Danh

Quản Nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.