NGƯỜI ĐẦY TỚ TRUNG TÍN

NGƯỜI ĐẦY TỚ TRUNG TÍN

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN  NĂM C

Bài đọc 1 : (Kn 18:6-9). Bài đọc 2 : ( Dt 11:1-2.8-19). Tin Mừng : (Lc 12:32-48)

Sau khi nghe Chúa nói: “ Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Nghe thế, ông Phêrô hỏi Ngài: “ Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Để trả lời cho câu hỏi của ông Phêrô, Chúa lại nêu hình ảnh của người quản gia trung tín và khôn ngoan, và Ngài kết luận: “ Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều, thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.” Người quản gia trung tín cũng là đầy tớ của chủ và cũng phải có thái độ thức tỉnh và sẵn sàng như bao đầy tớ khác.

Nói chung, có hai loại đầy tớ:  trước hết là đầy tớ biết ý chủ mà không sẵn sàng hoặc không làm theo ý chủ. Đó là những Kitô hữu biết và tin Thiên Chúa, biết Tin Mừng cứu độ, nhưng lại không thực thi những điều Chúa dạy, không tỉnh thức, sẵn sàng cho ngày trở về với Thiên Chúa. Họ là những người sẽ bị đòn nhiều; và kế đó là đầy tớ không biết ý chủ, nghĩa là chưa nhận biết Thiên Chúa, chưa biết Tin Mừng, mà làm những chuyện đáng phạt và không tỉnh thức sẵn sàng cho cái chết của mình, thì sẽ bị đòn ít.

Kế đến là những người quản gia. Họ cũng là đầy tớ của chủ, nhưng lại được cho nhiều và được giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn như coi sóc kẻ ăn người ở, cấp phát thóc gạo đứng giờ đúng lúc. Cũng như người đầy tớ bình thường, người quản gia trung tín và khôn ngoan cũng phải có thái độ sống thức tỉnh và sẵn sàng chờ chủ trở về chứ không phải nghĩ bụng: Chủ ta còn lâu mời về, nên bắt đầu đánh dập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa. Bất ngờ ông chủ trở về, ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. Những người quản gia ấy không ai khác là những người được giao phó những công việc quản lý trong Giáo Hội.

Tất cả đều là đầy tớ của Thiên Chúa; vì thế, tất cả đều phải thức tỉnh và sẵn sàng chờ đón chủ trở về. Thức tỉnh và sẵn sàng nói lên lòng tín thác và trung thành đối với ông chủ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người đầy tớ cũng luôn trung tín với chủ và có trách nhiệm trong giây phú hiện tại. Thức tỉnh, sẵn sàng không phải trong tư thể sợ hãi, nhưng trong niềm tin và hy vọng. Sự bấp bênh, bất ổn của đời sống đòi hỏi chúng ta phải thức tỉnh và sẵn sàng. Sẵn sàng và thức tỉnh là sống đầy đủ với giây phút hiện tại trong tâm tình tin tưởng và phó thác vào sự chăm sóc và yêu thương củaThiên Chúa.

Cuộc sống của người Kitô hữu là một cuộc hành trình đức tin. Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Do thái: “ Đức tin là đảm bảo cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám.” Tổ phụ Apraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp. Ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Ông đặt tất cả vào thánh ý Thiên Chúa. Ông phó thác vào quyền năng của Ngài. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại đất hứa như tại một nơi đất khách. Như thế, đức tin đảm bảo cho chúng ta những điều chúng ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì chúng ta không thấy. Mức độ thức tỉnh sẵn sàng tùy thuộc vào ngọn đèn đức tin của mỗi người mạnh hay yếu.

Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng giống như người chủ đi ăn cưới về mà thấy đầy tớ tỉnh thức sẳn sàng. Ông sẽ chúc phúc cho họ. Ông sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ. Đó là bữa tiệc nước Trời mai sau. Một khi chúng ta sống trong sự thức tỉnh và sẵn sàng, thì vấn đề không phải là chúng ta chết lúc nào mà là chúng ta sống như thế nào.

LM Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.