BỆNH VÔ CẢM

BỆNH VÔ CẢM

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bài đọc 1 : ( Đnl 30:10-14). Bài đọc 2 : (Cl 1:15-20). Tin Mừng : (Lc 10:25-37)

Có một người thông luật đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Biết ông là một luật sĩ hay lý sự, nên Ngài trả lời gián tiếp qua kiến thực về luật pháp của ông: “ Trong luật đã viết gì?” Ông trả lời: “ Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu xác nhận: “ Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” Nhưng để tỏ ra mình có lý, ông lại vặn hỏi lại Ngài: “ Nhưng ai là người thân cận của tôi?”

Không trả lời thẳng câu hỏi của ông, Chúa Giêsu lại đưa ra một trường hợp cụ thể: Trên đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, có một người rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột sạch, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Một thầy tư tế, rồi một thầy Lêvi đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, cả hai tránh sang một bên mà đi. Lại có một người Samari cũng đi qua đoạn đường ấy; thấy nạn nhân, ông chạnh lòng thương. Ông băng bó vết thương cho anh, đưa anh về quán trọ để chăm sóc. Hôm sau, vì phải ra đi, ông lấy hai quan tiền trao cho chủ quán để nhờ săn sóc; khi trở về, nếu có tốn kém thêm, ông sẽ thanh toán. Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu hỏi ông luật sĩ: “ Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Ông trả lời: “ Chính là kẻ thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo: “Ông hãy đi, và cũng làm như vậy.”

Như thế, người thân cận không phải chỉ là những người thân thiết, bạn bè, những người cùng tôn giáo, cùng quan điểm lập trường mà là hết mọi người, đặc biệt là những người cần chúng ta yêu thương và giúp đỡ.

Người bị nạn ấy là ai? Anh là người tốt xấu hay  là một tên trộm cướp thuộc băng khác? Chẳng ai biết. Nhưng chắc chắn anh không phải là người thân thiết của hai thầy tư tế và thầy Lêvi, và cả người Samari. Anh là một người xa lạ đối với cả ba người.

Thầy tư tế và thầy Lêvi, hơn ai hết, hai thầy thông suốt luật mến Chúa, yêu người; nhưng các thầy đã tránh sang một bên mà đi, có thể vì sợ liên lụy đến bản thân, sợ bọn cướp, sợ mất thì giờ, sợ mất thanh danh, sợ tốn kém. Nếu như có ai đó nhìn thấy hai thầy, có thể họ sẽ hành động khác! Còn người Samari là ai? Ông là một người ngoại đạo. Chẳng ai biết ông thuộc thành phần xã hội nào. Ông cũng chỉ là một người qua đường, nhưng ông lại có lòng thương xót. Ông đã trở thành người thân cận của người bị nạn. Lòng thương xót được thể hiện bằng hành động phát xuất từ con tim nhân hậu, biết trắc ẩn với nỗi khổ của người khác. Ông đã thể hiện lòng “ thương người như thể thương thân.” Cũng là con người, nhưng  hai người thì vô cảm, một người thì thương cảm.

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều khen người Samari là người nhân hậu và tốt bụng; nhưng không ít người trong chúng ta lại có hành động như thầy tư tế và thầy Lêvi. Biết thế nào là lòng thương xót thì dễ, nhưng hành động vì lòng thương xót mới khó.  Yêu thương bằng hành động chứ không bằng nhận thức hay lời nói suông.

Con đường dẫn đến sự sống đời đời là con đường của trái tim nhân ái, biết quan tâm đến nỗi đau của kẻ khác. Vô cảm là cái chết trong tâm hồn. Nhà văn Macxim Gorki đã so sánh: “ Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, nhưng là nơi thiếu vắng tình thương.”  Vô cảm là lối sống “ đèn nhà ai nấy rạng”. Không làm hại ai chưa hẳn đã là người có lòng thương xót!

Trên đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô giống như trên con đường đời mà mỗi người đi qua. Trên con đường ấy, chắc chắn mỗi người trong chúng ta cũng gặp rất nhiều người thân cận. Chúa cũng nói với chúng ta như đã nói với ông luật sĩ: “ Ông hãy đi, và cũng làm như vậy.” Và chúng ta đáp lại mệnh lệnh ấy bằng tình cảm và hành động nào?  Như thầy tư tế và thầy Lêvi hay như người Samari?

LM Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.