KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Thiên Chúa là Tình Yêu. Bản chất của tình yêu là yêu thương, nhân hậu, tha thứ và đầy lòng thương xót đối vối đối tượng được yêu. Trong tình yêu Thiên Chúa không có ghen ghét, hận thù, oán giận, trừng phạt những người xúc phạm, phản bội lại tình yêu của Ngài. Tất cả những đặc tính ấy nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia đã nói: “ Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thắm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông.”(Is 1:18) Tình thương của Thiên Chúa đối với con người vẫn luôn trung tín vì “ ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” Ngài “là Đấng từ bi và nhân hậu, Ngài chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Ngài không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm.” ( Tv 103: 8-10)  Khi mọi người lên Thiên đàng. Ai nấy đều mừng vui, nhưng có một điều lạ, người ta nhìn thấy Chúa Giêsu đứng riêng ra một mình, đôi mắt dường như đang chờ ai. Người ta đến hỏi Chúa : Sao Ngài đứng đây buồn sầu vậy? Ngài chậm rãi bảo: Ta đang ngóng chờ Giuđa.

Lòng thương xót của Chúa không có thù hận oán ghét, nhưng bao dung tha thứ, đường như Ngài không quan tâm gì đến lỗi lầm của con người mà chỉ biết tha thứ và tha thứ. Ông Phêrô đã ba lần chối Chúa, nhưng Ngài đã quên đi sự phản bội của ông. Ngài không phân cách oán giận gì ông, nhưng lại trao ông nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên mẹ và chiên con của Ngài. Trên đường vác thánh giá lên núi Sọ, người ta đánh đập, xỉ vả, vu khống, nhạo báng, Chúa Giêsu vẫn một lòng chịu đựng, không oán trách, không kêu ca mà lại còn xin Chúa Cha tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm. Tên trộm cùng chịu đóng đinh với Ngài, Ngài không nhìn đến quá khứ xấu xa của anh và chỉ một lời ăn năn mà Chúa đã hứa ban Nước Trời cho anh. Và như người cha nhân lành, sau khi người con thứ tiêu xài hết tiền bạc, quay trở về, ông không hề oán trách anh, nhưng vui  mừng chạy ra ôm lấy anh, sai gia nhân đem quần áo đẹp cho anh, còn tổ chức tiệc mừng vì con ông như đã chết nay đã sống lại. Lòng thương xót của Chúa hải hà, không muốn để mất một ai, như người chăn chiên tìm con chiên lạc, như bà góa thắp đèn lục lọi tìm đồng xu bị mất.

Trong giờ kinh Truyền tin Chúa Nhật ngày 17/3/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở: “ Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi về sự tha thứ cả, mà chỉ có chúng ta mệt mỏi xin Ngài tha thứ.” Chính Chúa đã nói với thánh nữ Faustina: “ Các linh hồn nào kêu cầu đến Lòng Thương Xót của Cha, đều làm cho Cha vui thỏa.  Cha sẽ ban cho các linh hồn đó còn nhiều hơn cả điều họ xin. Thậm chí Cha cũng không trừng phạt các tội nhân gian ác nhất, nếu kẻ đó kêu cầu đến lòng trắc ẩn của Cha.” ( NKLTX số 1146)

Con người là những tội nhân, là những phản bội trước mặt Thiên Chúa, chúng ta là những người ăn xin van nài tình thương của Thiên Chúa. Ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho những tội phạm của chúng ta đối với Ngài. Chúa không để ý đến những lỗi lầm của chúng ta mà chỉ chờ cho chúng ta nhận ra lỗi lầm của mình và quay về với Ngài như Ngài đã nói với thánh nữ Faustina: “ Con hãy nói với nhân loại khổ đau rằng: Hãy đến nép mình trong trái tim từ bi thương xót của Cha. Cha sẽ ban cho họ chan chứa sự bình an.” ( NKLTX số 1074)

Nhưng hình như lòng thương xót của Thiên Chúa càng bao la, nhân hậu thì lòng dạ con người  xem ra lại coi thường, cứng lòng và phản trắc hơn. Thiên Chúa càng chậm giận, thì con người lại nhân đó mà lướt tới. Làm sao con người hiểu thấu lòng thương xót của Thiên Chúa!

Hôm nay kính Lòng Thương Xót của Chúa, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhận ra mình là tội nhân đã được Chúa cứu chuộc bằng giá máu cực thánh, chúng ta hãy biết đền đáp tình yêu Chúa bằng sự hoàn thiện con người của mình; đồng thời chúng ta cũng phải thực hiện nhiệm vụ mà Chúa đã giao phó cho thánh nữ Faustina: “ Hãy rao truyền cho thế giới biết lòng thương xót khôn thấu của Cha.”( NKLTX số 1142); thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nhắc nhở: “ Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, và cách riêng trong thời hiện tại chúng ta đang sống, Giáo Hội phải coi một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình là rao truyền và thể hiện Lòng Thương Xót của Chúa đã được mặc khải một cách tuyệt vời trong Đức Kitô.”

Như thế là thực hiện giới răn mới mà Chúa đã ban : “ Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”( Ga 13:34)

LM Giuse Trịnh Ngọc Danh

Comments are closed.