TẤM LÒNG NGƯỜI CHA

TẤM LÒNG NGƯỜI CHA

CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM C

Bài đọc 1 : ( Gs 5:9-12). Bài đọc 2 : ( 2Cr 5:17-21). Tin Mừng : ( Lc 15:1-3,11-32)

Khi thấy tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng dạy, những người thuộc phái Pharisiêu và các kinh sư lẩm bẩm: “ Ông này đón tiếp những phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”  Chúa Giêsu đã nhân dịp ấy kể ba dụ ngôn: Dụ ngôn con chiên bị mất, dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất và nổi bật nhất là dụ ngôn người cha nhân hậu.

Dụ ngôn kể rằng: Một người cha kia có hai con trai. Một hôm người con thứ đến xin cha chia cho anh phần gia tài của anh. Người cha đã chia của cải cho hai con. Người con thứ thu góp tất cả, rồi trẩy đi phương xa. Người con cả vẫn ở lại bên cha.  Trước hoàn cảnh phân ly như thế, người cha đã đối xử với các con ông thế nào và các con ông đối xử với nhau ra sao?

Sau khi nhận phần gia tài của mình, anh đã hớn hở ra đi không còn nghĩ gì đến người cha. Anh sống tự do theo ý muốn của anh. Sau một thời gian sống phóng túng, phung phí tài sản của mình cho đến cạn kiệt, anh bắt đầu lâm vào cảnh túng thiếu đành phải đi ở đợ, ra đồng chăn heo cho người ta. Lắm lúc đói quá, anh muốn ăn thức ăn của heo cho đở đói, nhưng cũng không được. Chính trong lúc sa cơ lỡ vận, anh mới nhìn ra mình có lỗi với cha, anh mới hồi tâm; và anh đã quyết trở về để tạ lỗi cùng cha: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘ Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, con chẳng đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” Và anh đã can đảm đứng lên đi về cùng cha. Ra đi trong tự mãn, trở về trong hối tiếc ăn năn!

Về phần người cha, ông không giận, không cản ngăn mà ông để cho con mình tự quyết định theo tự do của nó; nhưng khi con đi rồi, ông vẫn hằng ngày đứng tựa cửa mong chờ con trở về. Khi thấy con đã biết hối hận trở về, ông không một chút ghét bỏ anh nhưng lại dối xử với anh trong niềm vui sướng. Ông không một chút để ý đến quá khứ của con. Ông sai gia nhân lấy áo đẹp cho cậu mặc, lấy nhẫn cho cậu đeo và  giết dê béo để ăn mừng. Ông vui mừng không phải cho ông nhưng cho người con tưởng như đã chết nay đã trở về. Ông vui vì gia đình lại được trọn vẹn như niềm vui của người chăn chiên tìm được con chiên lạc, như bà góa tìm được đồng bạc bị mất.

Người anh cả sống trong sự yên ổn và yêu thương của cha nhưng anh lại không nhận ra điều đó. Ở ngoài đồng về, nghe tiếng đàn ca nhảy múa, và được biết cha mở tiệc mừng vì con bất hiếu trở về. Anh nổi giận và không chịu vào nhà. Anh ganh tỵ với lòng nhân hậu của cha đối với em mình. Anh thấy quyền lợi của anh lại có người xâm phạm. Anh chỉ nghĩ đến quyền lợi của anh. Thay vì cùng cha xót thương và tìm cách đưa em trở về mái ấm gia đình, anh lại ghen tỵ gạt bỏ, phân cách. Giống như những người Pharisiêu và các kinh sư có thái độ phân cách, miệt thị những người thu thuế và tội lỗi, người anh cả cũng có thái độ tương tự: “Cha coi, đã bao năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”

Người cha đã nói với anh: “ Lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

Thiên Chúa cũng vậy. Ngài luôn mong chờ những người con hoang biết sám hối mà quay về trong tình thương của Ngài. Cái mất mới cần đi tìm. Không tìm được cái mất thì trọn vẹn chưa có. Sự cứu chuộc và lòng yêu thương nhân loại của Thiên Chúa chưa được trọn vẹn khi còn có những mất mát.

LM Giuse Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.