QUYỀN BÍNH ĐỂ PHỤC VỤ

QUYỀN BÍNH ĐỂ PHỤC VỤ

CHÚA NHẬT XXIX TN / B

Bài đọc 1 : ( Is 53:10-11). Bài đọc 2 : ( Dt 4:14-16). Tin Mừng : ( Mc 10:35-45)

Thời Chiến Quốc, Sở Tuyên Vương rất lấy làm lạ là tại sao dân phương Bắc lại quá sợ Đại Tướng Chiêu Hề Tuất của ông, vì thế ông đem chuyện này hỏi các đại thần trong triều. Trong đám quần thần có một người tên là Giang Tất đã dùng một câu chuyện ngụ ngôn để giải thích với Sở Tuyên Vương: “ Có một con cọp bắt được một con chồn. Con chồn mưu mẹo dọa con cọp rằng nó đã được Thiên đế phái xuống để  quản lý trăm thú, nếu cọp ăn thịt nó thì sẽ bị Thiên đế nổi giận; nếu không tin, thì cứ đi theo sau nó, sẽ thấy các dã thú khác sợ phục nó như thế nào cho biết. Cọp nghe lời, bèn đi phía sau chồn để xem có đúng như vậy không. Trên đường đi, những dã thú ở xa xa thoáng thấy chồn quả nhiên đã cao bay xa chạy, không con nào dám bén mảng tới gần. Cọp thấy sự việc như thế, không biết những dã thú kia sợ mình mà tưởng chúng sợ chồn. Hiện giờ, binh quyền của đại vương đang nằm trong tay của Chiêu Hề Tuất; người phương Bắc sợ ông ta chẳng qua là sợ binh của đại vương thôi.”

Mượn thế lực uy uyền của người khác để áp bức, khinh khi người, hoặc mượn quyền lực chức vụ của kẻ trên để tác oai tác quái người dưới đều có thể nói đó là “ chồn mượn oai cọp”. Không ai trên trần gian này có quyền năng, quyền lực hơn Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa là Đấng Toàn năng , toàn quyền trên những tạo vật của Ngài. Người có chức quyền, khi cảm thấy mình yếu kém mới dùng quyền lực để áp đặt người khác phải tuân phục, phục vụ mình. Chúa Giêsu đã vạch trần bộ mặt thật của họ : “ Những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình” Đó là những người lãnh đạo thuộc lãnh vực chính trị và xã hội.

Ngược lại, đối với người lãnh đạo của công đoàn Kitô giáo thì Chúa lại đòi hỏi họ phải có những đức tính khác. Cụm từ “ giữa anh em” nói lên mối liên hệ giữa những người thuộc cộng đoàn Kitô hữu : “ Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.”

Khiêm nhường và phục vụ theo gương Chúa Giêsu là những nét đặc trưng của người lãnh đạo trong cộng đoàn dân Chúa: “ Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc mọi người.” Chúa Giê su là Chúa nhưng Ngài đã mặc lấy thân phận con người. Ngài sống giữa các môn đệ như một người tôi tớ khiêm nhường và phục vụ đến tận cùng của tình yêu là hiến dâng cả mạng sống mình làm giá cứu chuộc muôn người.

Phục vụ là hành động biểu lộ tình yêu vô vị lợi, không tìm tư lợi cho riêng mình nhưng tìm ích lợi cho người khác, không phô trương bản thân mình, nhưng hy sinh mình vì người khác. Như thế phục vụ phải đi với sự khiêm nhường. Người ta có khi cũng lợi dụng danh từ phục vụ để mưu cầu lợi ích cho riêng mình hơn là mưu ích cho người khác.

Thánh Phêrô khuyên các tính hữu: “ Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác… Ai nói, thì nói lời Thiên Chúa, ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban.” ( 1 Pr 4:10-11)

Là những người môn đệ của Chúa, chúng ta cũng phải  học và phục vụ theo gương Thầy Chí Thánh. Phục vụ anh em là phục vụ Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà Ngài đã rửa chân cho các môn đệ. Càng có quyền bính , địa vị, người môn đệ của Chúa càng phải ý thức mình là người rốt hết, người đầy tớ và là người phục vụ anh em.

LM Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.