Hạnh Các Thánh Tháng Chín

01/09/2022

1 Tháng Chín
Thánh Beatrice Silva
(1424-1491)

Thánh Beatrice có một liên hệ sơ sài nhưng rõ ràng với phong trào Phanxicô. Dòng tu ngài sáng lập đã không được sát nhập vào dòng Phanxicô cho đến sau khi ngài chết, nhưng ngày nay dòng ấy là một nhánh chính yếu của gia đình Thánh Phanxicô.

Beatrice sinh trưởng ở Ceuta, Morocco. Ngài có liên hệ đến hoàng gia Bồ Ðào Nha và có lúc phục vụ như một thị tỳ cho nữ hoàng Castile. Sau khi từ bỏ công việc ấy, ngài gia nhập tu viện Ða Minh ở Toledo, là nơi ngài sống trong 37 năm (dù rằng ngài chưa bao giờ tuyên khấn lời hứa của dòng này).

Bảy năm trước khi từ trần, Thánh Beatrice thành lập một cộng đoàn chiêm niệm theo luật Dòng Xitô. Sau khi ngài chết được ba năm, Ðức Giáo Hoàng Alexander VI đặt cộng đoàn của thánh nữ trong hệ thống Anh Em Hèn Mọn Phanxicô và theo Luật Thánh Clara. Ngày nay những nữ tu này thường được gọi là Người Theo Linh Ðạo Thánh Clara Khó Nghèo, và vào năm 1968 các nữ tu này chiếm khoảng 20 phần trăm tổng số người trong Dòng Nhì. Sơ Beatrice được phong thánh năm 1976.

Lời Bàn

Nhiều người khiếp sợ sự cầu nguyện và hãm mình của các nữ tu dòng Thánh Clara Khó Nghèo. Những người khác lại được hứng khởi bởi lòng bác ái và hy sinh này, mà linh đạo ấy đã giữ cộng đoàn trung tín với mục đích của dòng: phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội với một tâm hồn ngày càng thanh khiết hơn.

Lời Trích

Celano viết về những người đầu tiên theo Thánh Phanxicô: “Trên tất cả mọi sự, trong cộng đoàn của họ nảy sinh một nhân đức ngoại hạng về lòng bác ái cộng đồng và liên tục, mà nhân đức này đã kết hợp họ thành một, mặc dù bốn năm chục người sống trong một mái nhà, và sự đồng tâm nhất trí của họ đã khuôn đúc thành một tinh thần trong nhiều tinh thần ngoại hạng khác” (I Celano, #19).


02/09/2022
Chân Phước John Francis Burté và Đồng Bạn (k.1792; d.1794) – Ngày 02/09 –  Yêu thương phục vụ2 Tháng Chín

Chân Phước John Francis Burté và Ðồng Bạn
(k. 1792; d.1794)

Các linh mục này là nạn nhân của cuộc Cách Mạng Pháp. Mặc dù họ tử đạo trong thời gian khác nhau, nhưng được Giáo Hội mừng kính cùng một lúc vì tất cả đã hy sinh mạng sống với cùng một lý do. Hiến Chương Dân Sự về Tu Sĩ (1791) của nhà cầm quyền buộc tất cả các linh mục phải tuyên thệ những điều chung qui là chối bỏ đức tin. Họ đã từ chối và đã bị hành quyết.

John Francis Burté gia nhập dòng Phanxicô lúc 16 tuổi và sau khi thụ phong linh mục ngài dạy thần học cho các đệ tử sinh. Sau này ngài là giám đốc tu viện lớn ở Balê cho đến khi ngài bị bắt và bị giam trong tu viện dòng Camêlô.

Appolinaris Posat sinh năm 1739 ở Thụy Ðiển. Ngài gia nhập dòng Capuchin và nổi tiếng là một người thuyết giảng, một cha giải tội và nhà giáo dục các tu sĩ. Ðược sai sang Ðông Phương để truyền giáo, ngài đến Balê để học các ngôn ngữ Ðông Phương khi cuộc Cách Mạng Pháp bắt đầu. Từ chối không chịu tuyên thệ, ngài bị bắt và bị giam trong tu viện Camêlô.

Severin Girault, một người Dòng Ba, là tuyên uý cho một số các nữ tu ở Balê. Bị cầm tù với những người khác, ngài là người đầu tiên bị chết trong cuộc tàn sát ở tu viện.

Ba vị này cùng với 182 người khác — kể cả vài giám mục và nhiều linh mục dòng cũng như triều — đã bị thảm sát tại tu viện Camêlô ở Balê ngày 2 tháng Chín, 1792. Tất cả được phong chân phước vào năm 1926.

John Baptist Triquerie, sinh năm 1737, gia nhập Ðan Viện Phanxicô. Ngài là tuyên uý và là cha giải tội cho các tu sĩ dòng Thánh Clara Khó Nghèo trong ba thành phố trước khi ngài bị bắt vì không chịu tuyên thệ. Cùng với 13 linh mục triều, ngài bị chém đầu ở Laval ngày 21 tháng Giêng 1794. Ngài được phong chân phước năm 1955.

Lời Bàn

“Tự Do, Bình Ðẳng, Huynh Ðệ” là châm ngôn của cuộc Cách Mạng Pháp. Nếu mỗi cá nhân có “các quyền lợi không thể thay đổi”, như Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập khẳng định, thì những quyền này không thể xuất phát từ những thoả ước của xã hội (có thể rất mong manh) nhưng phải được phát xuất trực tiếp từ Thiên Chúa. Chúng ta có tin điều đó không? Chúng ta có hành động theo điều đó không?

Lời Trích

“Biến động xảy ra ở Pháp vào cuối thế kỷ 18 đã tàn phá mọi sự thiêng liêng và đã xúc phạm cũng như trút sự tức giận lên Giáo Hội và các mục tử. Những người vô đạo đức lên nắm quyền đã che đậy sự giận dữ Giáo Hội dưới chiêu bài triết lý lừa bịp… Dường như thời bách hại tiên khởi đã trở lại. Giáo Hội, nàng dâu không tì vết của Ðức Kitô, trở nên lộng lẫy với các triều thiên tử đạo” (Sử Liệu Tử Ðạo).


03/09/2022
Thánh Grêgôriô Cả (540?--604)

3 Tháng Chín
Thánh Grêgôriô Cả
(540?–604?)

Trong cuộc đời Thánh Grêgôriô Cả, sự nghiệp sau nổi tiếng hơn sự nghiệp trước. Ngài là trưởng thánh bộ Rôma trước khi 30 tuổi. Năm năm sau đó, ngài từ chức, sáng lập sáu đan viện trên các phần đất của ngài ở Sicilia và chính ngài là một tu sĩ dòng Biển Ðức (Benedictine) ở Rôma.

Sau khi thụ phong linh mục, ngài là một trong bảy phó tế của đức giáo hoàng, và ngài còn giữ chức vụ sứ thần tòa thánh ở Constantinople, Ðông Phương. Sau đó ngài được gọi về làm đan viện trưởng, và vào lúc 50 tuổi, ngài được chọn làm giáo hoàng bởi hàng giáo sĩ và giáo dân Rôma.

Ngài thẳng tính và kiên quyết. Ngài cách chức các linh mục bất xứng, cấm không được lấy tiền khi phục vụ, và ngài lấy tất cả quỹ riêng của đức giáo hoàng để chuộc các tù nhân bị phe Lombard bắt, săn sóc những người Do Thái bị bách hại và các nạn nhân của nạn dịch tễ cũng như nạn đói kém. Ngài rất lưu tâm đến việc trở lại của nước Anh nên đã sai 40 đan sĩ của ngài đến hoạt động ở đây. Ngài nổi tiếng vì những cải cách phụng vụ, và củng cố sự tôn trọng học thuyết. Người ta đang tranh luận xem có phải chính ngài là người chịu trách nhiệm phần lớn nhạc bình ca (Gregorian) hay không.

Thánh Grêgôriô sống trong giai đoạn luôn luôn có bất hòa vì sự xâm lăng của phe Lombard và vì những tương giao khó khăn với Giáo Hội Ðông Phương. Khi Rôma bị tấn công, chính ngài là người đến chất vấn vua Lombard.

Một sử gia Anh Giáo đã viết: “Không thể nào tưởng tượng được những gì sẽ xảy ra trong thời Trung Cổ–thật lộn xộn, vô trật tự–nếu không có triều đại giáo hoàng; và nói về giáo hoàng của thời trung cổ, vị cha chung đích thực là Ðức Grêgôriô Cả.”

Cuốn sách của ngài, Cách Chăm Sóc Mục Vụ, nói về nhiệm vụ và đặc tính của môät giám mục, đã được đọc trong bao thế kỷ sau khi ngài chết. Ngài diễn tả vị giám mục chính yếu như một y sĩ mà nhiệm vụ chính là rao giảng và duy trì kỷ luật. Trong các bài giảng thực tế của ngài, Thánh Grêgôriô có tài áp dụng phúc âm hàng ngày vào nhu cầu đời sống của giáo dân. Ðược gọi là “Cả”, Thánh Grêgôriô được nâng lên một vị trí ngang hàng với Thánh Augustine, Thánh Ambrôsiô và Thánh Giêrôme như một trong bốn vị tiến sĩ nòng cốt của Giáo Hội Tây Phương.

Lời Bàn

Thánh Grêgôriô thích là một đan sĩ, nhưng ngài sẵn sàng phục vụ Giáo Hội trong các phương cách khác khi được yêu cầu. Ngài đã hy sinh những sở thích của ngài trong nhiều phương cách, nhất là khi làm Giám Mục Rôma (Giáo Hoàng). Một khi được kêu gọi để phục vụ công ích, Thánh Grêgôriô đã dùng hết khả năng để chu toàn nhiệm vụ.

Lời Trích

“Nói cho cùng có lẽ không khó để người ta từ bỏ của cải, nhưng chắc chắn là thật khó để từ bỏ chính mình. Khước từ những gì mình có là chuyện nhỏ; nhưng khước từ cái tôi của mình, đó mới thật đáng kể” (Thánh Grêgôriô, Bài Giảng về Phúc Âm).


04/09/2022

Thánh Rosa ở Viterbo (1233-1251)

4 Tháng Chín
Thánh Rosa ở Viterbo
(1233-1251)

Thánh Rosa đạt được sự thánh thiện trong cuộc đời ngắn ngủi 18 năm. Ngay từ khi còn nhỏ, Rosa đã ao ước thiết tha muốn cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo. Khi còn trẻ, ngài đã bắt đầu hãm mình. Ngài độ lượng với người nghèo bao nhiêu thì lại khắt khe với chính bản thân bấy nhiêu. Vào lúc 10 tuổi, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô và không lâu sau đó, ngài đi rao giảng về vấn đề tội lỗi và sự đau khổ của Chúa Giêsu.

Thành phố Viterbo, nơi ngài sinh trưởng, đã nổi dậy chống đối đức giáo hoàng. Khi Rosa đứng về phía đức giáo hoàng chống với hoàng đế, ngài và gia đình bị đuổi ra khỏi thành phố. Cho đến khi phe bênh vực đức giáo hoàng chiến thắng ở Viterbo, Rosa mới được phép trở về. Vào năm 15 tuổi, ngài cố gắng thành lập một tu hội nhưng thất bại, sau đó ngài trở về với đời sống cầu nguyện và hãm mình tại nhà của vị thân sinh, cho đến khi lìa đời năm 1251. Rosa được phong thánh năm 1457.

Lời Bàn

Danh sách các thánh dòng Phanxicô dường như bao gồm một ít người không thành đạt được điều gì đáng kể. Thánh Rosa là một trong những người ấy. Ngài không có ảnh hưởng đến đức giáo hoàng hay các vị vua, chưa bao giờ làm phép lạ bánh hoá nhiều để nuôi người đói, và chưa bao giờ thành lập được tu hội như mơ ước. Nhưng ngài đã biến cuộc đời thành một nơi đầy ơn sủng của Thiên Chúa, và như Thánh Phanxicô, ngài coi cái chết như cửa ngõ dẫn đến sự sống mới.

Lời Trích

Di chúc mà Thánh Rosa để lại cho cha mẹ có viết: “Con chết với niềm vui, vì con khao khát được kết hợp với Thiên Chúa. Hãy sống sao để đừng sợ chết. Vì những ai sống tốt lành ở đời này thì không sợ chết, nhưng cái chết sẽ đáng quý và ngọt ngào.”


05/09/2022
05.9 Tôi Tớ Thiên Chúa Anacleto Gonzales (1890-1927) - Trung Tâm Mục Vụ  NeuenkirchenNgày 5 Tháng 9

Tôi Tớ Thiên Chúa Anacleto Gonzales

(1890 – 1927)

Khi là sinh viên luật trong thời kỳ Công Giáo bị bách hại ở Mễ Tây Cơ, Anacleto Gonzales cảm thấy cần phải đương đầu với các giáo sư vô tôn giáo, và vì thế anh đã quy tụ các sinh viên Công Giáo trong một tổ chức với mục đích bảo vệ Giáo Hội. Chính anh gia nhập dòng Ba Phanxicô. Tin tưởng ở sức mạnh của báo chí, anh sáng lập tờ tuần báo lấy tên Word (Lời), và thường xuyên viết bài cho các tờ báo Công Giáo khác. Anh cũng sáng lập tờ tuần báo thứ hai lấy tên Sword (Kiếm). Nhiều lần nhà cầm quyền đã bịt miệng anh bằng cách tống giam. Nhưng anh lại dùng năng lực của mình trong việc rao giảng Tin Mừng cho các bạn đồng tù.

Sau cùng nhà cầm quyền quyết định dùng Anacleto như một tấm gương để cảnh cáo. Vì anh từ chối không chịu tiết lộ nơi trú ẩn của đức tổng giám mục, anh bị treo lên cao, bị đánh bằng roi và bị rạch bằng dao. Anacleto vẫn giữ im lặng, và anh nói với một tên lý hình, “Tôi hoạt động một cách vô vị lợi để bảo vệ chính nghĩa là Ðức Kitô và Giáo Hội. Anh giết tôi, nhưng chính nghĩa ấy sẽ không chết với tôi. Tôi sẽ ra đi, nhưng tôi tin chắc rằng từ thiên đàng tôi sẽ nhìn ngắm sự chiến thắng của đạo trên quê hương tôi.

Anacleto bị một lưỡi lê đâm xuyên qua người và sau cùng anh từ trần vì hàng loạt viên đạn bắn vào thân thể. Ðó là ngày 1 tháng Tư, 1927. Anh để lại một vợ và hai con nhỏ.

Ðám tang của anh tạo nên một sức sống đức tin mãnh liệt nơi các tín hữu với những tiếng hô to “Viva Christo Rey!” (Vạn tuế Vua Kitô!), tất cả là nhờ sự hy sinh của một giáo dân đã sống và chết vì nước trời.


06/09/2022
6 Tháng Chín Chân Phước Claudio Granzotto (1900-1947) – HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN  ĐA MINH
6 Tháng Chín

Chân Phước Claudio Granzotto
(1900-1947)

Tỉnh ở Santa Lucia del Piave gần Venice, nước Ý, Claudio là con út trong gia đình chín người con và họ quen với công việc đồng áng thật vất vả. Năm lên chín anh mồ côi cha. Sáu năm sau, anh bị động viên vào quân đội Ý, là nơi anh phục vụ trong ba năm.

Vì có tài trong lãnh vực nghệ thuật, nhất là điêu khắc, nên anh theo học tại Viện Nghệ Thuật Venice và tốt nghiệp năm 1929 với điểm cao nhất lớp. Sau đó, anh đặc biệt lưu ý đến nghệ thuật tôn giáo. Khi Claudio gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn vào bốn năm sau đó, cha sở của anh viết thư giới thiệu, “Nhà dòng không chỉ tiếp nhận một nghệ nhân mà còn là một vị thánh.” Sự cầu nguyện, yêu thương người nghèo cũng như say mê nghệ thuật là đặc điểm cuộc đời Claudio, nhưng tiếc thay cuộc đời ấy không kéo dài được lâu vì bệnh ung thư não. Ngài từ trần vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và được phong chân phước năm 1994.

Lời Bàn

Claudio đã phát triển được tài điêu khắc tuyệt vời đến độ các tác phẩm của ngài vẫn còn giúp con người trở về với Thiên Chúa. Không xa lạ gì với các nghịch cảnh, ngài đã can đảm đối phó mọi trở ngại, phản ánh sự độ lượng, đức tin và niềm vui mà ngài học được từ Thánh Phanxicô Assisi.

Lời Trích

Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng Claudio đã dùng tài điêu khắc “như một khí cụ đặc biệt” trong đời sống tông đồ và để phúc âm hóa. “Sự thánh thiện của ngài đặc biệt toả sáng khi chấp nhận đau khổ và cái chết để hiệp thông với Thập Giá Ðức Kitô. Do đó, bởi hiến thân hoàn toàn cho tình yêu Thiên Chúa, ngài trở nên gương mẫu cho các tu sĩ, nghệ sĩ trong việc tìm kiếm sự mỹ miều của Thiên Chúa, và gương mẫu cho người đau yếu qua lòng sùng kính Thánh Giá của ngài” (L’Observatore Romano, Tập 47, Số 1, 1994)


07/09/2022
FRÉDÉRIC OZANAM, CÁNH CỬA ĐỨC TIN

7 Tháng Chín
Chân Phước Frederick Ozanam
(1813 -1853)

Vì tin tưởng ở giá trị vô cùng của mỗi một con người, Frederick đã phục vụ người nghèo ở Balê và đã lôi cuốn những người khác phục vụ người nghèo trên thế giới. Qua tổ chức St. Vincent de Paul, công việc của Chân Phước Frederick còn tiếp tục cho đến ngày nay.

Frederick là con thứ năm trong 14 người con của ông bà Jean và Marie Ozanam, và là một trong ba người còn sống cho đến tuổi trưởng thành. Khi là thiếu niên, anh nghi ngờ tôn giáo của mình. Việc đọc sách thánh và cầu nguyện dường như không giúp ích gì, nhưng sau những lần thảo luận với Cha Noirot của Ðại Học Lyons đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Frederick muốn học về văn chương, mặc dù cha anh, một bác sĩ, muốn anh trở thành một luật sư. Frederick vâng theo ý cha và năm 1831 anh đến Balê học luật tại đại học Sorbonne. Khi một vài giáo sư chế nhạo giáo huấn Công Giáo trong các bài giảng, Frederick lên tiếng bảo vệ Giáo Hội.

Một câu lạc bộ về biện luận do Frederick thành lập đã thay đổi hướng đi cuộc đời anh. Trong câu lạc bộ này, người Công Giáo, người vô thần và người chủ trương bất-khả-tri tranh luận về những vấn đề xảy ra hàng ngày. Có một lần, sau khi Frederick nói về vai trò của Kitô Giáo trong nền văn minh, một hội viên lên tiếng: “Này ông Ozanam, chúng ta hãy thành thật với nhau và hãy thiết thực. Tôi hỏi ông, ngoài việc thảo luận ông còn làm gì để chứng tỏ đức tin của ông?”

Frederick đau điếng bởi câu hỏi ấy. Sau đó anh quyết tâm rằng lời nói phải đi đôi với hành động. Và cùng với một người bạn, anh đến thăm những người nghèo ở chung cư Balê và giúp đỡ bất cứ gì họ có thể. Không bao lâu một nhóm người thiện chí nhằm giúp đỡ những ai có nhu cầu được thành lập dưới sự bảo trợ của tổ chức St. Vincent de Paul do Frederick đứng đầu.

Nghĩ rằng đức tin Công Giáo cần phải được một nhà thuyết giảng nổi tiếng giải thích các giáo huấn, Frederick nài nỉ Ðức Tổng Giám Mục Balê chỉ định Cha Lacordaire, nhà thuyết giảng đại tài của Pháp thời ấy, đến giảng trong Tuần Thánh ở Vương Cung Thánh Ðường Notre Dame. Người ta tham dự rất đông và từ đó trở đi đã trở thành một truyền thống hàng năm ở Balê.

Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne, Frederick dạy luật tại Ðại Học Lyons. Ngài cũng đậu bằng tiến sĩ văn chương. Sau đó, vào ngày 23-6-1841, ngài kết hôn với Amelie Soulacroix, và trở về Sorbonne dạy văn chương. Là một giảng viên đáng kính nể, Frederick đã đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Trong khi đó, tổ chức St. Vincent de Paul lan tràn khắp Âu Châu. Riêng ở Balê có tới 25 chi nhánh.

Vào năm 1846, Frederick, Amelie và cô con gái Marie đến nước Ý; ở đây Frederick hy vọng sẽ phục hồi sức khỏe yếu kém của mình. Và họ đã trở lại Ý vào năm sau đó. Cuộc cách mạng 1848 đã khiến nhiều người ở Balê cần đến sự giúp đỡ của tổ chức St. Vincent de Paul. Số người thất nghiệp lên đến 275,000. Chính phủ yêu cầu Frederick và các cộng tác viên của ngài trông coi tổ chức giúp đỡ người nghèo của chính phủ. Các hội viên St. Vincent de Paul ở khắp Âu Châu tuốn đến Balê để giúp đỡ.

Sau đó Frederick thành lập tờ báo, Thời Ðại Mới, để bảo vệ sự công chính cho người nghèo và giới lao động. Nhiều người Công Giáo không vui với những bài viết của Frederick. Cho rằng người nghèo là “tư tế của dân tộc,” Frederick nói rằng sự đói khát và mồ hôi của người nghèo tạo thành một hy lễ có thể đền bù tội lỗi nhân loại.

Vào năm 1852, sức khỏe yếu kém buộc Frederick phải trở về Ý với vợ và cô con gái. Ngài từ trần ngày 8-9-1853. Trong tang lễ của Frederick, Cha Lacordaire mô tả ngài như “một trong những tạo vật được đặc ân trực tiếp xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa, mà trong con người ấy Thiên Chúa đã nối kết sự nhạy cảm với kỳ tài để khích động thế giới.”

Frederick được phong chân phước năm 1997. Vì ngài có viết một tuyệt tác nhan đề Thơ Thánh Phanxicô Trong Thế Kỷ 13, và vì cảm nhận của ngài về phẩm giá của người nghèo rất gần với tư tưởng của Thánh Phanxicô, nên thật thích hợp để coi ngài là một trong những “vĩ nhân” của dòng Phanxicô.

Lời Bàn

“Ai chế nhạo người nghèo là xúc phạm đến Thiên Chúa” (Cách Ngôn 17:5). Frederick Ozanam không bao giờ coi thường người nghèo trong bất cứ sự phục vụ nào mà ngài có thể thi hành. Ðối với ngài, mỗi một người, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ em đều thật đáng quý. Sự phục vụ người nghèo đã dạy cho Frederick những điều về Thiên Chúa mà ngài không thể tìm thấy ở bất cứ đâu khác.

Lời Trích

Giáo sư Bailly, giám đốc linh hướng cho chi nhánh đầu tiên của tổ chức St. Vincent de Paul, nói với Frederick và các cộng sự viên về đức ái, “Cũng như Thánh Vinh Sơn, các bạn cũng sẽ nhận ra rằng người nghèo giúp các bạn nhiều hơn là các bạn giúp họ.”


08/09/2022
Sinh Nhật Ðức Trinh Nữ Maria | Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim
8 Tháng Chín

Sinh Nhật Ðức Trinh Nữ Maria

Giáo Hội mừng kính ngày sinh nhật Ðức Maria từ thế kỷ thứ sáu. Ngày sinh nhật được chọn trong tháng Chín vì Giáo Hội Ðông Phương bắt đầu niên lịch phụng vụ từ tháng Chín. Ngày mùng tám là vì lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ngày 8 tháng Mười Hai (chín tháng trước).

Kinh Thánh không đề cập gì đến việc sinh hạ Ðức Maria. Tuy nhiên, bản văn mà người ta cho là phúc âm nguyên thủy của Thánh Giacôbê có đề cập đến sự kiện này. Bản văn này không có giá trị lịch sử, nhưng nó cho thấy quá trình sùng đạo của Kitô Hữu. Theo bản văn, bà Anna và ông Gioankim vì hiếm muộn nên cầu xin cho được một đứa con. Họ được hứa cho một người con mà trẻ này sẽ giúp hình thành kế hoạch cứu chuộc trần gian của Thiên Chúa. Câu truyện trên (cũng như nhiều câu truyện khác trong phúc âm) cho thấy sự hiện diện quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc đời Ðức Maria ngay từ đầu.

Thánh Augustine nối kết việc sinh hạ của Ðức Maria với công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu. Thánh nhân nói trái đất hãy vui mừng và bừng sáng vì việc sinh hạ Ðức Maria. “Ngài là bông hoa trong cánh đồng mà từ đó đã nẩy sinh hoa huệ quý nhất vùng châu thổ. Qua sự sinh hạ của ngài, bản chất mà chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ đã thay đổi.

Lời Bàn

Chúng ta có thể xem việc sinh hạ của mỗi một người là lời mời gọi đem hy vọng đến cho thế gian. Qua tình yêu, hai cha mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa trong công việc sáng tạo. Họ có thể đem lại hy vọng cho một thế giới lao nhọc. Vì mỗi một đứa con đều có thể trở nên máng chuyển tình yêu và bình an của Thiên Chúa đến cho thế giới.

Ðiều này thật đúng với Ðức Maria. Nếu Ðức Giêsu là sự biểu lộ tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa thì Ðức Maria là điềm báo của tình yêu ấy. Nếu Ðức Giêsu đã hoàn tất công trình cứu chuộc thì Ðức Maria là bình minh hé mở của công trình ấy.

Việc mừng sinh nhật đem lại niềm vui cho chính cá nhân cũng như gia đình, bạn hữu. Ngoài việc giáng trần của Ðức Giêsu, việc sinh hạ Ðức Maria đã đem lại niềm vui lớn lao nhất cho nhân trần. Mỗi khi chúng ta cử mừng sinh nhật của ngài, chúng ta có thể hy vọng chắc chắn là sự bình an trong tâm hồn chúng ta và trong thế giới sẽ gia tăng.

Lời Trích

Ngày hôm nay bà Anna hiếm muộn vỗ tay reo mừng, trái đất bừng sáng, các vua hát mừng, các tư tế hân hoan chúc lành, toàn thể vũ trụ vui mừng, vì ngài là hoàng hậu và là nàng dâu tinh khiết của Chúa Cha đã nẩy sinh từ gốc Jesse” (phỏng theo Kinh Nhật Tụng của Ðông Phương).


09/09/2022

9 Tháng Chín
Thánh Phêrô Claver
(1581-1654)

Là người gốc Tây Ban Nha, Phêrô Claver — một người trẻ thuộc dòng Tên — đã từ bỏ quê nhà vĩnh viễn vào năm 1610 để trở nên nhà truyền giáo ở Tân Thế Giới. Ngài đi thuyền đến Cartagena (bây giờ thuộc Colombia), là một hải cảng sầm uất ở bờ biển Caribbean. Ngài thụ phong linh mục ở đây vào năm 1615.

Vào lúc đó, việc buôn bán nô lệ đã được thịnh hành ở Mỹ Châu khoảng 100 năm, và Cartagena là trung tâm. Hàng năm, có đến mười ngàn người nô lệ từ Tây Phi Châu đổ về hải cảng này sau khi vượt biển Atlantic trong những điều kiện tệ hại và bất nhân đến nỗi có đến một phần ba đã chết trong cuộc hành trình. Mặc dù việc buôn bán nô lệ bị Ðức Giáo Hoàng Phaolô III lên án và sau này Ðức Piô IX gọi là “hành động vô cùng ghê tởm”, nhưng nó vẫn phát đạt.

Cha Alfonso de Sandoval, là một linh mục dòng Tên đã hy sinh cuộc đời để phục vụ người nô lệ ở đây trước khi Cha Phêrô Claver đến để tiếp tục công việc của ngài, và cha tự nhận mình là “người nô lệ muôn đời của người da đen.”

Ngay sau khi thuyền chở người nô lệ cập bến, Cha Phêrô Claver đi xuống khoang thuyền hôi hám để giúp đỡ những người đau yếu và những hành khách khốn cùng. Sau khi người nô lệ bị lùa ra khỏi tầu và bị xích với nhau như đàn vật trong một khu đất có hàng rào để người ta chọn lựa, Cha Claver lại lẩn quẩn trong bọn họ để cung cấp thuốc men, thực phẩm, rượu, chanh và thuốc lá. Với sự giúp đỡ của thông dịch viên, ngài nói về giáo lý căn bản và đảm bảo các anh chị em của ngài về nhân phẩm và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trong 40 năm phục vụ, Cha Claver đã giảng dạy và rửa tội cho khoảng 300,000 người nô lệ.

Sứ vụ tông đồ của ngài không chỉ hạn hẹp trong việc săn sóc người nô lệ, ngài trở nên một người có uy quyền về luân lý, quả thật, ngài là tông đồ của Cartagena. Ngài rao giảng trong trung tâm thành phố, truyền giáo cho các thủy thủ và thương gia, và nếu có thể, ngài cố tránh né lòng quý mến của các nông gia và chủ nhân mà chỉ muốn sống trong các khu dành riêng cho người nô lệ.

Sau bốn năm bị bệnh khiến thánh nhân ngừng hoạt động và hầu như bị lãng quên, ngài chết ngày 8-9-1654. Ông toà của thành phố, trước đây rất khó chịu vì sự quan tâm của ngài đối với người da đen thấp hèn, đã ra lệnh chôn cất ngài với công quỹ và với nghi thức long trọng.

Ngài được phong thánh năm 1888, và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên xưng ngài là quan thầy công việc truyền giáo cho người nô lệ da đen ở khắp nơi trên thế giới.

Lời Bàn

Quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã thể hiện trong hành động đáng khâm phục của Cha Phêrô Claver. Quyết định từ bỏ quê nhà không bao giờ trở lại cho thấy một ý chí phi thường thật khó cho người thời nay tưởng tượng nổi. Quyết tâm phục vụ những người bị bạc đãi, thấp hèn nhất trong xã hội là một hành động cực kỳ anh hùng của Thánh Phêrô Claver. Khi so sánh cuộc đời chúng ta với cuộc đời của một người như vậy, chúng ta mới thấy sự ích kỷ và sự hẹp hòi của chúng ta trước những nhu cầu của người khác, và chúng ta cần mở lòng ra cho sự tác động của quyền năng vô cùng của Thần Khí Ðức Giêsu.

Lời Trích

Thánh Phêrô Claver hiểu rằng việc phục vụ cụ thể như phân phát thuốc men, thực phẩm cho anh chị em da đen thì cũng hữu hiệu để loan truyền lời Chúa như rao giảng bằng lời nói. Như Thánh Phêrô Claver thường nói, “Chúng ta phải nói với họ bằng đôi tay trước khi nói với họ bằng miệng lưỡi của chúng ta.”


10/09/2022

Ngày 22/09: Thánh Tôma Villanôva (1488-1555) – Nhà Ứng Sinh Dòng Tên

10 Tháng Chín
Thánh Tôma ở Villanova
(1488-1555)

Thánh Tôma sinh ở Castile Tây Ban Nha, và tên Villanova là thành phố nơi ngài lớn lên. Ngài được giáo dục rất chu đáo ở Ðại Học Alcala và trở nên một giáo sư triết của đại học này.

Sau khi gia nhập dòng Augustine ở Salamanca ngài được thụ phong linh mục và tiếp tục dạy học, mặc dù ngài hay đãng trí và kém trí nhớ. Ngài làm tu viện trưởng và bề trên tỉnh dòng, và là người đầu tiên gửi các cha Augustine đến Tân Thế Giới. Ngài được hoàng đế đề nghị làm tổng giám mục ở Granada, nhưng ngài từ chối. Và khi tòa giám mục trống ngôi thì ngài lại bị áp lực phải chấp nhận. Số tiền ngài được hưởng để sắm sửa cho tòa giám mục thì ngài đã tặng cho một bệnh viện. Ngài giải thích “Khi dùng tiền cho người nghèo ở bệnh viện thì đó là việc phục vụ Chúa tốt đẹp hơn. Một tu sĩ khó nghèo như tôi thì muốn bàn ghế để làm gì?”

Ngài vẫn mặc các bộ quần áo từ khi còn là đệ tử sinh, mà chính tay ngài khâu vá lại. Các giáo sĩ và người trong dòng xấu hổ vì ngài, nhưng họ không thể thuyết phục ngài thay đổi. Mỗi sáng có đến vài trăm người nghèo đến nhà ngài để được ăn uống và được cho tiền. Khi người ta chỉ trích là ngài bị lợi dụng, ngài trả lời, “Nếu có những người không chịu làm việc thì đó là phần của chính phủ và cảnh sát phải đối phó. Nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ và an ủi những người đến với tôi.” Ngài nhận nuôi các trẻ mồ côi và ngài thưởng tiền cho những ai đem các trẻ về cho ngài. Ngài khuyến khích những người giầu có hãy bắt chước ngài để trở nên giầu lòng thương xót và bác ái hơn là giầu của cải trần gian.

Ngài thường bị chỉ trích là không khắt khe và không mau chóng trừng phạt những kẻ có tội, ngài nói, “Hãy để họ (người chỉ trích) tìm hiểu xem Thánh Augustine và Thánh Gioan Kim Khẩu có rút phép thông công hay ra vạ tuyệt thông để ngăn chặn những người say sưa và phạm thượng, là những người mà các ngài đang săn sóc không.”

Khi ngài sắp chết, Thánh Tôma ra lệnh lấy tất cả tiền của ngài có mà phân phát cho người nghèo. Các vật dụng của ngài thì được tặng cho văn phòng hiệu trưởng trường cũ của ngài. Thánh Lễ được cử hành và sau khi Truyền Phép, ngài thở hơi cuối cùng với những lời: “Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa.”

Ngay khi còn sống Thánh Tôma Villanova đã được gọi là “người bố thí” và “cha của người nghèo.” Ngài được phong thánh năm 1658.

Ngài được phong thánh năm 1831, và được tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.


11/09/2022
Thánh Cyprian.11 Tháng Chín

Thánh Cyprian

Thánh Cyprian góp phần quan trọng trong sự phát triển tư duy và tập tục Kitô Giáo trong thế kỷ thứ ba, nhất là ở bắc Phi Châu.

 Là một người được giáo dục rất kỹ lưỡng và có tài hùng biện, ngài trở lại Kitô Giáo khi đã trưởng thành. Ngài phân phát tài sản cho người nghèo, và trước khi chịu Rửa Tội ngài đã làm mọi người kinh ngạc khi thề giữ đức khiết tịnh. Trong vòng hai năm ngài được thụ phong linh mục và được chọn làm Giám Mục Carthage (gần Tunis bây giờ), trái với ý của ngài.

Thánh Cyprian than phiền rằng sự ổn định mà Giáo Hội đang được hưởng đã làm suy nhược tinh thần của nhiều Kitô Hữu, và đã mở cửa cho những người trở lại đạo mà không thực sự có đức tin. Khi cuộc bắt đạo dưới thời hoàng đế Decian bắt đầu, nhiều Kitô Hữu đã bỏ Giáo Hội cách dễ dàng. Chính sự kiện tái nhập đạo (sau khi từ chối đức tin) đã khuấy động nhiều tranh luận trong thế kỷ thứ ba, và đã giúp Giáo Hội hiểu biết hơn về Bí Tích Hòa Giải. Novatus, một linh mục từng chống đối việc tuyển chọn Cyprian làm giám mục, đã tự tấn phong y làm giám mục khi Cyprian vắng mặt và tiếp nhận tất cả những người bội giáo mà không bắt đền tội theo giáo luật. Hiển nhiên Novatus bị lên án. Cyprian có lập trường trung dung, ngài chủ trương rằng những người đã thực sự thờ tà thần thì chỉ được rước Mình Thánh khi sắp chết, trong khi những ai chỉ mua giấy xác nhận rằng họ đã thờ tà thần thì có thể được tiếp nhận lại sau một thời gian đền tội. Tuy nhiên lập trường này đã được nới lỏng trong thời kỳ bắt đạo sau này.

Khi thành phố Carthage bị bệnh dịch, Ðức Cyprian khuyến khích người Kitô giúp đỡ mọi người khác, kể cả những kẻ thù nghịch và bắt đạo.

Là bạn thân của Ðức Giáo Hoàng Cornelius, Ðức Cyprian chống đối vị giáo hoàng kế tiếp là Stephen. Ðức Cyprian và các giám mục Phi Châu khác không công nhận giá trị của bí tích Rửa Tội do những người lạc giáo và ly giáo cử hành. Ðây không phải là quan điểm chung của Giáo Hội, nhưng Ðức Cyprian không nao núng ngay cả khi Ðức Giáo Hoàng Stephen dọa tuyệt thông.

Ngài bị lưu đầy bởi lệnh của hoàng đế và sau đó được gọi về để xét xử. Ngài từ chối không chịu rời thành phố, nhất quyết để người dân chứng kiến việc tử đạo của ngài.

Ðức Cyprian là một tổng hợp của sự nhân từ và can đảm, của hăng hái và điềm tĩnh. Ngài vui vẻ nhưng nghiêm nghị nên dân chúng không biết là nên quý mến hay tôn trọng ngài hơn. Ngài nóng nẩy trong cuộc tranh luận về bí tích rửa tội; nhưng ngài đã suy nghĩ lại, vì đó chính là lúc ngài viết luận thuyết về sự kiên nhẫn. Thánh Augustine nhận xét rằng Ðức Cyprian đã đền tội nóng nẩy của ngài bằng sự tử đạo.

Lời Bàn

Những tương tranh về bí tích Rửa Tội và Hòa Giải trong thế kỷ thứ ba cho chúng ta thấy Giáo Hội tiên khởi không có những giải pháp có sẵn xuất phát từ Chúa Thánh Thần. Các vị lãnh đạo và giáo dân thời ấy đã phải đau khổ tiến dần qua các giai đoạn phán đoán tốt nhất mà họ có thể thi hành, để theo sát lời giảng dạy của Ðức Kitô mà không bị thiên lệch bên này hay bên kia.

Lời Trích

“Bạn không thể coi Thiên Chúa như người Cha của bạn nếu bạn không coi Giáo Hội như người mẹ của bạn& Thiên Chúa là một và Ðức Kitô là một, và Giáo Hội của Người là một; chỉ có một đức tin, và mọi người gắn bó với nhau là một qua sự hài hòa trong một thân thể được kết hợp chắc chắn& Nếu chúng ta là người thừa kế của Ðức Kitô, hãy kết hợp trong sự bình an của Ðức Kitô; nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, hãy trở nên người yêu chuộng hòa bình” (Thánh Cyprian, Sự Hợp Nhất của Giáo Hội Công Giáo).


12/09/2022
MartyrsNgày 12/09

Thánh Pedro de Corpa và Các Bạn (k. 1597)

Năm vị tu sĩ này bị tử đạo ở Georgia vì họ chống đối chế độ đa thê trong hôn nhân Kitô Giáo.

Vào năm 1565 Tây Ban Nha thiết lập một vị trí phòng thủ và khu quân sự ở St. Augustine, Florida. Cha Pedro de Corpa từ Tây Ban Nha đến Florida năm 1587 và trong cùng năm đó người đi truyền giáo cho người Guale ở Georgia.

Cha Pedro làm việc ở Tolomato (gần Darien hiện nay) là nơi người giúp nhiều người Guale trở lại đạo và giúp vị tù trưởng điều hành ngôi làng Kitô Giáo này. Juanillo, con trai vị tù trưởng, sa vào đường đa thê và được khuyên nên từ bỏ. Hắn từ chối và công khai khước từ cũng như bị tước quyền kế vị cha mình. Juanillo bỏ đi, nhưng thực ra là để tìm cách trả thù các tu sĩ. Vài ngày sau đó họ giết Cha Pedro vào ngày 13-9-1597.

Cha Blas de Rodriguez từ Tây Ban Nha đến Florida năm 1580. Người là bề trên của năm vị tử đạo. Juanillo và đồng bọn đã giết Cha Blas vào ngày 16-9 tại làng Tupiqui (gần Eulonia bây giờ).

Cha Miguel de Anon đến Georgia năm 1595; Thầy Antonio de Badajoz cũng đến đây năm 1587. Họ cùng làm việc ở bán đảo St. Catherine khi Juanillo và đồng bọn đã giết các đấng vào ngày 17-9.

Cha Francisco de Berascola đến Geogia từ 1595 và thành lập “Misión Santo Domingo de Asao” trên đảo St. Simon. Người bị Juanillo giết vào ngày 18-9.

Vào năm 1605 công cuộc truyền giáo cho người Guale được tái lập. Họ lại tiếp tục phát triển cho đến khi thực dân Anh đến và tiêu diệt họ vào năm 1702.

Lời Bàn

Ðiều gì sẽ xảy ra nếu Cha Pedro de Corpa và các linh mục không dạy giáo huấn một vợ một chồng trong hôn nhân Kitô Giáo? Họ sẽ phản bội chính Phúc Âm mà vì đó họ đến rao giảng. Theo Chúa Giêsu luôn luôn dẫn đến những lựa chọn khó khăn mà cuối cùng là thập giá.

Lời Trích

Vào năm 1612 quan toàn quyền của St. Helen (gồm Florida và Cuba) phúc trình về vua Tây Ban Nha: “Mặc dù người thổ dân không giết các linh mục vì đức tin, chắc chắn họ bị giết vì luật của Thiên Chúa mà tôn giáo dạy họ. Ðây chính là lý do mà các thổ dân từ bỏ đạo cũ và vẫn còn tuyên xưng… Người ta được biết ở phần đất này, kể từ sau cái chết của những người thánh thiện, dân này (thổ dân Guale) dễ bảo và hiền hòa hơn.”

(Quan toàn quyền không rõ thế nào là tử đạo nên đã viết như trên. Quả thật, các đấng đã bị chết vì tín điều mà họ rao giảng)


13/08/2022
13.9 Thánh Gioan Chrysostom (k. 407) - Trung Tâm Mục Vụ Neuenkirchen
13 Tháng Chín

Thánh Gioan Chrysostom

Sự mơ hồ và mưu đồ trong thời đại Thánh Gioan Kim Khẩu, vị thuyết giáo đại tài của Antioch, là đặc tính của bất cứ ai có địa vị sống ở thành phố lớn trong thời ấy. Ðược đưa đến Constantinople sau mười hai năm sống đời linh mục ở Syria, bỗng dưng Thánh Gioan thấy mình là nạn nhân bất đắc dĩ của vị hoàng đế mưu mô muốn đưa ngài làm giám mục của thành phố lớn nhất triều đình. Là một người khổ tu, không bệ vệ nhưng có phẩm cách, và bị đau bao tử vì những ngày sống trong hoang địa như một ẩn sĩ, Thánh Gioan bắt đầu chức giám mục dưới mây mù chính trị của triều đình

 Nếu thân xác ngài yếu đuối thì miệng lưỡi của ngài lại mạnh dạn. Nội dung các bài giảng của ngài, điều ngài dẫn giải về Kinh Thánh, không bao giờ sai vấn đề. Có khi những quan điểm ấy chọc giận giới quyền cao chức trọng. Có khi một số bài giảng kéo dài đến hai giờ đồng hồ.

Lối sống của ngài ở triều đình không được một số cận thần ưa thích. Ngài đề nghị một chỗ ngồi khiêm tốn cho các kẻ bợ đỡ hàng giáo phẩm đang chầu chực để được hưởng ơn mưa móc của triều đình và giáo hội. Thánh Gioan phàn nàn về nghi thức triều đình đã đưa ngài lên địa vị cao hơn các viên chức chính phủ. Ngài không phải là người muốn được ưu quyền

Vì nhiệt huyết nên ngài hành động. Những giám mục hối lộ để được quyền cao chức trọng đều bị truất phế. Nhiều bài giảng của ngài kêu gọi những hành động thực tiễn để chia sẻ của cải cho người nghèo. Người giầu không thích thú gì khi nghe thánh nhân nói rằng, sở dĩ có của cải trần gian là vì Adong phạm tội, cũng như các ông không thích nghe ngài nói về sự trung tín trong hôn nhân của người chồng cũng giống như người vợ. Ðối với vấn đề công bình và bác ái, Thánh Gioan không bao giờ chấp nhận thái độ kỳ thị trong việc áp dụng.

Vì lối sống tách biệt, vì tính khí thẳng thắn, nhất là khi trên tòa giảng, Thánh Gioan chắc chắn là mục tiêu để nhiều người chỉ trích và hục hặc cá nhân. Ngài bị kết tội tham ăn uống một cách lén lút. Vì trung thành trong công việc linh hướng cho một quả phụ giầu có, là bà Olympia, ngài đã bị cho là giả hình trong vấn đề của cải và bác ái. Hành động của ngài chống với các giám mục bất xứng ở Tiểu Á bị các giáo sĩ khác coi là hám danh, lạm dụng quyền thế trái với quy tắc giáo luật.

Hai nhân vật nổi tiếng thời ấy đã đích thân làm mất uy tín Thánh Gioan là Theophilus, là Tổng Giám Mục Alexandria, và Hoàng Hậu Eudoxia. Theophilus sợ rằng địa vị của Ðức Giám Mục Constantinople ngày càng quan trọng nên đã nhân cơ hội kết án Thánh Gioan là dung dưỡng tà thuyết. Ðứng sau Theophilus và các giám mục không ưa gì Thánh Gioan là hoàng hậu Eudoxia. Bà bực tức với bài giảng của thánh nhân về sự tương phản giữa giá trị phúc âm và cuộc sống xa hoa của triều đình. Không biết vô tình hay cố ý, một số bài giảng của ngài đề cập đến Jezebel* đáng ghê tởm và Herodias** vô đạo như những đồng minh của bà hoàng hậu, là người sau cùng đã xoay xở để Thánh Gioan phải lưu đầy. Ngài chết trong cảnh đầy ải năm 407.

* Jezebel là một cái tên đã trở thành biểu tượng, đồng nghĩa với xảo trá và tội lỗi và thường để gán cho những phụ nữ dối trá một cách trơ trẽn.

** Herodias là người đã dùng nhan sắc để lấy người em rể có quyền thế là vua Hêrôđê Antipas. Herodias là người đã mưu mô để giết Thánh Gioan Tẩy Giả.


14/09/2022
Thánh Giá - Ánh Sáng Cuộc Đời - GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT14 Tháng 9

Sự Chiến Thắng của Thánh Giá

Vào đầu thế kỷ thứ tư, Thánh Helena, mẹ của Hoàng Ðế La Mã Constantine, đến Giêrusalem để tìm kiếm các nơi linh thiêng mà Ðức Kitô đã từng đặt chân đến. Thánh nữ san bằng Ðền Aphrodite (thần Hy Lạp) mà truyền thống cho rằng được xây trên phần mộ của Ðấng Cứu Thế, và sau đó Constantine đã xây Ðền Mộ Thánh lên trên. Trong cuộc đào xới, các công nhân tìm thấy ba thập giá. Truyền thuyết nói rằng một thập giá được coi là của Ðức Giêsu khi thập giá ấy chữa lành một phụ nữ đang hấp hối khi thập giá chạm vào bà.

Ngay sau đó, thập giá ấy trở nên mục tiêu cho sự sùng kính. Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh ở Giêrusalem, theo lời một nhân chứng, thập giá được lấy ra khỏi hộp đựng bằng bạc, và được đặt trên bàn cùng với tấm bảng nhỏ có ghi hàng chữ mà Philatô đã ra lệnh treo trên đầu Ðức Giêsu. Sau đó “từng người một đến kính viếng; tất cả đều cúi đầu; trước hết họ dùng trán sau đó dùng mắt để chạm đến thập giá và tấm bảng; và sau khi hôn kính thập giá họ mới lui bước.

Cho đến ngày nay, các Giáo Hội Ðông Phương, Công Giáo cũng như Chính Thống Giáo đều cử hành ngày Tôn Kính Thánh Giá vào tháng Chín để kỷ niệm ngày cung hiến Ðền Mộ Thánh. Ngày lễ này được du nhập vào niên lịch Tây Phương trong thế kỷ thứ bảy sau khi Hoàng Ðế Heraclius khôi phục được thập giá này khỏi tay người Ba Tư mà họ đã chiếm đoạt vào năm 614, trước đó 15 năm. Theo một truyện kể, vị hoàng đế định tự mình vác thập giá ấy vào Giêrusalem, nhưng không thể nào tiến bước được cho đến khi ông cởi bỏ phẩm phục sang trọng vua chúa và trở nên một người nghèo hèn đi chân đất.

Lời Bàn

Ngày nay thập giá là biểu tượng chung cho đức tin Kitô Hữu. Biết bao thế hệ các nghệ nhân đã biến thập giá thành một sản phẩm nghệ thuật để rước hoặc mang trên người như đồ trang sức. Ðối với con mắt của các Kitô Hữu tiên khởi, thập giá không đẹp đẽ gì. Nó được dựng bên ngoài các cổng thành, trên đó có treo xác chết như đe dọa bất cứ ai không tuân lệnh nhà cầm quyền La Mã — kể cả các lạc giáo không chịu thờ cúng các tà thần của người La Mã. Mặc dù các tín hữu đề cập đến thập giá như một khí cụ trong sự cứu chuộc, ít khi thập giá xuất hiện trong nghệ thuật Kitô Giáo cho đến sau khi Constantine ban bố sắc lệnh khoan dung.

Lời Trích

Thập giá Ðức Kitô thật tráng lệ là dường nào! Nó đem lại sự sống chứ không phải cái chết; sự sáng chứ không phải tối tăm; thiên đàng chứ không phải sự mất mát. Ðó là mảnh gỗ mà trên đó Chúa Giêsu, như một chiến sĩ cao cả, bị thương tích nơi chân tay và cạnh sườn, nhưng nhờ đó đã chữa lành các thương tích của chúng ta. Cây trái cấm đã tiêu hủy chúng ta, bây giờ một cây khác đem lại sự sống cho chúng ta” (Theodore Studios)


15/09/2022

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi - ngày 15/9 - † MUỐI MẶN ƯỚP ĐỜI † Giáo phận Vinh †

15 Tháng Chín

Ðức Mẹ Sầu Bi

Trong một thời kỳ có đến hai ngày lễ để tôn kính sự Sầu Bi của Ðức Mẹ: một ngày lễ xuất phát từ thế kỷ thứ 15, ngày lễ kia từ thế kỷ thứ 17. Trong một thời gian cả hai ngày lễ đều được Giáo Hội hoàn vũ cử hành: một lễ vào ngày thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá, một lễ trong tháng Chín.

Những dữ kiện chính yếu trong phúc âm đề cập đến sự sầu muộn của Ðức Mẹ là trong các đoạn của Thánh Luca 2:35 và Gioan 19:26-27. Ðoạn phúc âm theo Thánh Luca là lời tiên đoán của cụ Simeon về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Ðức Maria; đoạn của Thánh Gioan nói về lời trăn trối của Ðức Kitô với Ðức Maria và người môn đệ yêu dấu.

Nhiều học giả thời Giáo Hội tiên khởi giải thích lưỡi gươm như sự sầu muộn của Ðức Maria, nhất là khi nhìn Ðức Giêsu chết trên thập giá. Do đó, hai đoạn này có liên hệ với nhau, như điều tiên đoán đã được thể hiện.

Ðặc biệt Thánh Ambrôsiô coi Ðức Maria như một hình ảnh sầu muộn nhưng đầy uy quyền ở chân thánh giá. Ðức Maria đứng đó một cách không sợ hãi, trong khi những người khác lẩn trốn. Ðức Maria nhìn đến các thương tích của Con mình với lòng thương cảm, nhưng qua đó ngài nhìn thấy sự cứu chuộc nhân loại. Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập giá, Ðức Maria không sợ bị chung số phận nhưng sẵn sàng nộp mình cho kẻ bách hại.

Lời Bàn

Tường thuật của Thánh Gioan về cái chết của Ðức Giêsu có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Khi Ðức Giêsu trao người môn đệ thân yêu cho Ðức Maria, chúng ta được mời gọi kính trọng vai trò Ðức Maria trong Giáo Hội: Ngài tượng trưng cho Giáo Hội; người môn đệ đại diện cho mọi tín hữu. Khi Ðức Maria làm mẹ Ðức Giêsu, ngài là mẹ của tất cả những ai theo Ðức Kitô. Hơn thế nữa, khi Ðức Giêsu chết, Thần Khí của Người thoát ra. Ðức Maria và Thần Khí ấy cộng tác với nhau để sinh ra con cái mới của Thiên Chúa–rất giống như sự tường thuật của Thánh Luca về việc thụ thai Ðức Giêsu. Kitô Hữu có thể tin tưởng rằng họ sẽ tiếp tục cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Ðức Maria và Thần Khí Ðức Giêsu trong cuộc đời mình và qua lịch sử.

Lời Trích

Dù dưới chân thập giá ngài vẫn giữ địa vị của mình, đứng ở đó như một người mẹ thê lương chan hòa nước mắt, để được gần Ðức Giêsu cho đến hơi thở cuối cùng. Qua tấm lòng của người mẹ, sự đau buồn của Ðức Giêsu như được chia sẻ, cũng như mọi thống khổ cay đắng Người phải gánh chịu. Giờ đây, lưỡi gươm đã thâu qua.” (Stabat Mater)


16/09/2022
St. Cornelius, Pope and Martyr - My Catholic Life!16 Tháng Chín

Thánh Cornelius

Sau khi Thánh Fabian tử vì đạo thì Giáo Hội thời bấy giờ không có giáo hoàng trong vòng 14 tháng, vì sự bách hại quá mãnh liệt. Trong thời gian ấy, Giáo Hội được điều hành bởi một tập thể linh mục. Cyprian, một người bạn của Cornelius, viết lại rằng Cornelius được chọn làm giáo hoàng “bởi quyết định của Thiên Chúa và của Ðức Kitô, bởi sự chứng thực của hầu hết mọi giáo sĩ, bởi lá phiếu của người dân, với sự đồng ý của các linh mục lớn tuổi và những người thiện chí.”

Trong thời gian hai năm Thánh Cornelius làm giáo hoàng, vấn đề lớn nhất thời bấy giờ có liên quan đến Bí Tích Hòa Giải và nhất là vấn đề tái gia nhập Giáo Hội của các Kitô Hữu đã chối đạo trong thời kỳ bị bách hại. Cả hai thái cực đều bị lên án. Ðức Cyprian, giám mục của Phi Châu, yêu cầu đức giáo hoàng xác định lập trường mà Ðức Cyprian chủ trương, đó là người bội giáo chỉ có thể hoà giải bởi quyết định của vị giám mục (trái với thông lệ thật dễ dãi của Novatus).

Tuy nhiên, ở Rôma, Ðức Cornelius lại gặp một quan điểm đối nghịch khác. Sau cuộc bầu giáo hoàng, một linh mục tên Novatian (một trong những người điều hành Giáo Hội) tự mình tấn phong làm Giám Mục Rôma — giáo hoàng đối lập đầu tiên. Novatian chủ trương rằng, không những người bội giáo, mà ngay cả những người phạm tội sát nhân, tội ngoại tình, tội gian dâm hay người tái hôn thì Giáo Hội cũng không có quyền tha tội! Ðức Cornelius được sự hỗ trợ của hầu hết mọi người trong Giáo Hội (nhất là Ðức GM Cyprian ở Phi Châu) để lên án chủ thuyết của Novatian, dù rằng giáo phái này kéo dài trong vài thế kỷ. Vào năm 251, Ðức Cornelius triệu tập thượng hội đồng ở Rôma và ra lệnh những người “sa ngã” được hòa giải với Giáo Hội qua “bí tích hoà giải” thông thường.

Một tài liệu từ thời Ðức Cornelius cho thấy sự phát triển của Giáo Hội Rôma trong giữa thế kỷ thứ ba mà lúc ấy gồm 46 linh mục, bảy phó tế, bảy trợ phó tế. Số Kitô Hữu được ước lượng khoảng 50,000 người.

Thánh Cornelius từ trần vì hậu quả của sự lưu đầy ở phần đất bây giờ là Civita Vecchia.

Lời Bàn

Thật đúng để nói rằng trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều giáo thuyết lầm lạc được đưa ra vào một thời điểm nào đó. Thế kỷ thứ ba đối diện với một vấn đề mà ít khi chúng ta để ý đến — một khi đã phạm tội trọng thì phải sám hối trước khi giao hoà với Giáo Hội. Những người như Thánh Cornelius và Thánh Cyprian là công cụ của Thiên Chúa để giúp Giáo Hội tìm ra con đường khôn ngoan giữa hai thái cực của sự nghiêm khắc và sự lỏng lẻo. Họ là những phần tử của một Giáo Hội truyền thống đầy sinh động, nhằm đảm bảo tính cách liên tục của những gì đã được Ðức Kitô khởi sự, và lượng giá những cảm nghiệm mới qua sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người đi trước.

Lời Trích

“Chỉ có một Thiên Chúa và một Ðức Kitô và một ngôi tòa giám mục, được xây dựng đầu tiên trên Thánh Phêrô bởi quyền năng Thiên Chúa. Do đó, không thể nào đặt ra một bàn thờ khác hay một tư tế khác. Bất cứ gì người ta thiết lập ra trong khi tức giận hay hấp tấp, bất chấp quy luật của Thiên Chúa, chỉ là một quy tắc giả mạo, trần tục và phạm thượng” (Thánh Cyprian, Sự Hiệp Nhất của Giáo Hội Công Giáo)


17/09/2022
SCRC | Experience Renewal | St. Robert Bellarmine

17 Tháng Chín
Thánh Robert Bellarmine
(1542-1621)

Khi Robert Bellarmine thụ phong linh mục năm 1570, vấn đề học hỏi lịch sử Giáo Hội và các Giáo Phụ bị lãng quên một cách đáng buồn. Ngay từ thời thanh niên ở Tuscany, ngài đã có triển vọng là một học giả nổi tiếng, vì ngài dành nhiều thời giờ nghiên cứu về những đề tài nói trên, cũng như Kinh Thánh, để hệ thống hóa học thuyết Công Giáo nhằm đương đầu với các cuộc tấn công của Tin Lành. Ngài là linh mục dòng Tên đầu tiên làm giáo sư ở Louvain.

Công trình nổi tiếng nhất của ngài là bộ sách Tranh Luận về Những Mâu Thuẫn trong đức tin Kitô Giáo. Ðặc biệt nhất là các đoạn nói về thế quyền của đức giáo hoàng và vai trò của giáo dân. Ngài chọc tức cả nước Anh và nước Pháp khi chủ trương rằng thần quyền của các vua chúa không thể tồn tại. Ngài khai thác học thuyết về thẩm quyền gián tiếp của đức giáo hoàng trong các giao tế nhân sự; mặc dù ngài bảo vệ đức giáo hoàng chống với triết gia Barclay, ngài cũng bị Ðức Giáo Hoàng Sixtus V tức giận.

Bellarmine được Ðức Giáo Hoàng Clement VIII tấn phong hồng y là vì “ngài chưa được những gì xứng với tài học.” Trong khi sống ở Vatican, Bellarmine không thua gì các nhà tu khổ hạnh. Ngài giới hạn các chi tiêu cá nhân tới mức tối đa chỉ còn những gì thật cần thiết, ngài ăn các thực phẩm dành cho người nghèo. Ðược biết là ngài đã chuộc một người lính bị sa thải khỏi quân đội, và dùng các màn cửa trong dinh cơ của ngài để may quần áo cho người nghèo, vì theo ngài nói, “Các vách tường không thể bị cảm lạnh được.”

Một trong những công việc của ngài là trở nên thần học gia của Ðức Giáo Hoàng Clement VIII, và chuẩn bị hai bộ giáo lý có ảnh hưởng rất lớn trong Giáo Hội.

Sự khó khăn sau cùng lớn nhất trong đời Bellarmine là năm 1616 khi ngài phải khiển trách người bạn của ngài là Galileo, người mà ngài rất khâm phục. Bellarmine đại diện cho Tòa Thánh chuyển trao văn thư cảnh cáo, mà trong đó quyết định rằng lý thuyết về thái dương hệ của Galileo thì trái với Phúc Âm. Sự khiển trách chung quy là một lời cảnh cáo đừng đề cao các lý thuyết chưa được hoàn toàn chứng minh — khác với giả thuyết. Ðây là một thí dụ điển hình cho thấy các thánh vẫn có thể sai lầm.

Bellarmine từ trần ngày 17-9-1621. Tiến trình phong thánh cho ngài được bắt đầu năm 1627 nhưng bị đình hoãn cho đến năm 1930 vì lý do chính trị, phát xuất từ các văn bản của ngài. Vào năm 1931, Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Lời Bàn

Sự canh tân Giáo Hội mà Công Ðồng Vatican II theo đuổi thì thật khó cho nhiều người Công Giáo. Trong sự thay đổi, nhiều người cảm thấy thiếu xót một hướng dẫn vững chắc từ giới có thẩm quyền. Họ mong muốn có những lý luận chính truyền vững như bàn thạch, và một mệnh lệnh cứng cỏi có xác định thẩm quyền hẳn hoi.

Trong văn kiện Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, Công Ðồng Vatican II đảm bảo chúng ta rằng, “Có nhiều thực thể không thay đổi và có nền tảng thực sự từ Ðức Kitô, Ðấng hôm qua cũng như hôm nay, và mãi mãi.”

Thánh Robert Bellarmine đã hy sinh cuộc đời để nghiên cứu Kinh Thánh và học thuyết Công Giáo. Các văn bản của ngài giúp chúng ta hiểu rằng, không chỉ có nội dung đức tin là quan trọng, mà còn chính con người sống động của Ðức Giêsu Kitô–như được biểu lộ qua sự sống, sự chết và sự sống lại của Người–đó là nguồn gốc của ơn cứu độ.

Nguồn gốc thực sự của đức tin không chỉ là mớ lý thuyết nhưng đúng hơn là con người của Ðức Kitô hiện đang sống động trong Giáo Hội ngày nay.

Khi từ giã các tông đồ, Chúa Giêsu đảm bảo với họ về sự hiện diện sống động của Người: “Khi Thần Khí của chân lý đến, Ngài sẽ dẫn dắt anh em đến chân lý toàn vẹn” (x. Gioan 16:30).

Lời Trích

“Chia sẻ mối quan tâm với tất cả giáo hội, các giám mục hành xử quyền bính của mình, mà họ đã lãnh nhận qua lễ tấn phong, trong sự hiệp thông với Ðức Giáo Hoàng Tối Cao và dưới quyền của người. Tất cả kết hợp thành một tập thể hay thân thể để giảng dạy về Giáo Hội hoàn vũ của Thiên Chúa và để điều hành giáo hội như các mục tử” (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Các Giám Mục, 3).


18/09/2022
Thánh Giuse Cupertino (1603-1663) – Ngày 18/09 – huyha.net

18 Tháng Chín
Thánh Giuse Cupertino
(1603-1663)

Thánh Giuse Cupertino là người nổi tiếng bay bổng khi cầu nguyện

 Ngay từ lúc nhỏ, Giuse đã ưa thích cầu nguyện. Sau một thời gian sống với các tu sĩ dòng Capuchin, ngài gia nhập dòng Conventual (một nhánh của dòng Phanxicô). Sau một thời gian ngắn trông coi lừa cho nhà dòng, Giuse được đi học để làm linh mục. Mặc dù việc học đối với ngài thật khó khăn, nhưng Giuse đã hiểu biết nhiều qua sự cầu nguyện. Ngài được thụ phong linh mục năm 1628.

Việc bay bổng khi cầu nguyện của Thánh Giuse đôi khi là thập giá cho ngài, vì nhiều người đến xem như đi xem xiệc. Tuy được ơn sủng đặc biệt này nhưng ngài thật khiêm tốn, kiên nhẫn và vâng phục, dù có nhiều khi bị thử thách nặng nề và cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ quên. Suốt cuộc đời, ngài ăn chay và đeo một giây xích sắt trong người.

Nhà dòng thuyên chuyển thánh nhân đến nhiều nơi vì ích lợi cho ngài cũng như cho toàn thể cộng đoàn. Ngài bị báo cáo lên Tòa Thẩm Tra và bị điều tra, nhưng cơ quan này không kết tội ngài.

Thánh Giuse Cupertino được phong thánh năm 1767. Trong cuộc điều tra để lập hồ sơ phong thánh, người ta ghi nhận có đến 70 lần ngài bay bổng.

Lời Bàn

Trong khi việc bay bổng là dấu hiệu bất thường của sự thánh thiện, Thánh Giuse cũng được người đời nhớ đến qua những dấu chỉ bình thường của ngài. Ngài cầu nguyện khi tâm hồn tăm tối, và ngài sống theo Tám Mối Phúc Thật. Ngài dùng “vật sở hữu độc đáo” là ý chí tự do của ngài để ca ngợi Thiên Chúa và phục vụ các tạo vật của Người.

Lời Trích

“Hiển nhiên điều mà Thiên Chúa mong muốn trên tất cả mọi sự là ý chí mà chúng ta được tự do lãnh nhận qua sự tạo dựng của Thiên Chúa, và chiếm hữu như của riêng mình. Khi một người tự rèn luyện sống theo các nhân đức, và đạt được điều đó là nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, Ðấng phát sinh mọi điều thiện hảo. Ý chí là điều mà con người có được như một vật sở hữu độc đáo” (Thánh Giuse Cupertino, trích từ bài đọc ngày lễ kính trong sách nhật tụng của dòng Phanxicô).


19/09/2022
Thánh Januarius (19/09)

19 Tháng Chín
Thánh Januarius

Ngài là giám mục và tử đạo, có khi còn được gọi là Gennaro, ngài nổi tiếng từ lâu vì máu của ngài hóa lỏng vào ngày lễ kính. Januarius là giám mục của Benevento, nước Ý, bị chặt đầu cùng với phó tế Festus; thầy đọc sách Desiderius; các phó tế Sosius và Proculus; và hai giáo dân, Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sossus, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.

Không ai có thể giải thích được sự kiện máu thánh nhân hóa lỏng xảy ra hàng năm khi ngày lễ này được cử mừng qua bao thế kỷ, và đã có từ bốn trăm năm nay.

Lời Bàn

Học thuyết Công Giáo xác định rằng phép lạ có thể xảy ra và có thể được công nhận — thật không khó đối với những ai tin vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự khó khăn là khi chúng ta phải quyết định xem sự kiện ấy hoặc không thể giải thích theo nghĩa tự nhiên, hoặc không giải thích được. Chúng ta phải cố gắng tránh sự nhẹ dạ, là dấu chỉ của sự bấp bênh. Trái lại, khi các khoa học gia thích nói về “tính xác suất” hơn là “luật” tự nhiên, thì cũng không có gì quá đáng khi nghĩ rằng Thiên Chúa rất “khoa học” để làm những điều kỳ diệu nhằm thức tỉnh chúng ta với những phép lạ hàng ngày qua chim muông, hoa cỏ hay mưa tuyết.

Lời Trích

“Một khối lượng mầu đen chiếm nửa bình thủy tinh nhỏ được đậy kín, và được cất giữ trong một hộp đựng ở vương cung thánh đường Naples là máu của Thánh Januarius, đã hóa lỏng 18 lần trong năm… Hiện tượng này đã có từ thế kỷ 14… Truyền thuyết nói rằng Eusebia, là người đã cất giữ máu thánh nhân sau khi ngài bị tử đạo… Khi máu hóa lỏng, người ta đưa hộp thánh tích tới gần bàn thờ, là nơi được tin rằng đang chôn cất đầu của thánh nhân. Trong khi tín hữu cầu nguyện, thường rất huyên náo, vị linh mục xoay chiếc hộp vài lần trước sự chứng kiến của giáo đoàn cho đến khi máu hóa lỏng… Một vài cuộc thử nghiệm đã được thi hành, nhưng không thể giải thích hiện tượng này bằng luật tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có những phép lạ tương tự với máu của các Thánh Gioan Tẩy Giả, Stephen, Pantaleon, Patricia, Nicholas Tolentino và Thánh Aloysius Gonzaga — hầu hết trong vùng lân cận của Naples” (Sách Bách Khoa Công Giáo)


20/09/2022
20 Tháng Chín Thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các Bạn – HUYNH  ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH

20 Tháng Chín
Thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các Bạn

Anrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Cộng. Sáu năm sau, ngài xoay sở để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục. Khi trở về quê, ngài có nhiệm vụ thu xếp cho các vị thừa sai vào Ðại Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự kiểm soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông Han gần thủ đô Hán Thành.

 Thánh Phaolô Chong Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.

Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592, lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế. Một trong những chuyến đi này, khoảng năm 1777, sách vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở Trung Cộng được lén lút đem về để dạy bảo người tín hữu Kitô Ðại Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình. Khoảng mười năm sau đó, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Ðại Hàn, ngài thấy có đến 4,000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh mục. Bảy năm sau, số người Công Giáo ấy lên đến khoảng 10,000 người. Sau cùng, tự do tôn giáo được ban hành vào năm 1883.

 Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh, ngoài Thánh Anrê và Phaolô, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử đạo trong khoảng 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu hết là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.

Trong những người tử đạo năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài và người em là Agnes bị lột quần áo và bị giam chung với những tù nhân hình sự, nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó về sau không một phụ nữ nào bị nhục nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu. Một em trai 13 tuổi, Phêrô Ryou, bị tra tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào quan toà. Em bị xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi, sau khi bị tra tấn ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông trở lại, tuyên xưng đức tin và bị tra tấn cho đến chết.

Lời Bàn

Chúng ta bàng hoàng khi thấy sau khi được thành lập, Giáo Hội Ðại Hàn hoàn toàn là một Giáo Hội của giáo dân khoảng hơn một chục năm. Làm thế nào mà giáo hội ấy sống còn khi không có bí tích Thánh Thể? Ðiều này cho thấy, không phải các bí tích không có giá trị, nhưng phải có một đức tin sống động trước khi thực sự được hưởng ơn ích của bí tích Thánh Thể. Bí tích là dấu chỉ của sự hoạt động và đáp ứng của Thiên Chúa đối với đức tin sẵn có. Bí tích làm gia tăng ơn sủng và đức tin, nhưng chỉ khi nào sẵn có một điều gì đó để được gia tăng.

Lời Trích

“Giáo Hội Ðại Hàn thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Ðại Hàn ngày nay. Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến” (ÐGH Gioan Phaolô II, bài giảng trong lễ phong thánh).


21/09/2022
Thánh Matthêu Tông Đồ

21 Tháng Chín
Thánh Mátthêu

Mátthêu là người Do Thái làm việc cho đạo quân xâm lăng La Mã, thu thuế của những người đồng hương Do Thái. Mặc dù người La Mã có lẽ không cho phép moi tiền của người chịu thuế một cách quá đáng, nhưng điều họ quan tâm vẫn là hầu bao của mình nên họ thường làm ngơ về những hành động của “người thầu thuế”. Do đó sau này, những người thu thuế thường bị khinh miệt như người phản bội dân Do Thái. Người Pharisiêu coi họ là hạng “tội lỗi.” Bởi thế, thật bàng hoàng khi Ðức Kitô gọi một người như vậy để trở nên môn đệ của Người.

Mátthêu lại làm Ðức Kitô thêm khó khăn khi tổ chức một bữa tiệc tiễn biệt tại nhà của ông. Phúc Âm kể cho chúng ta biết “nhiều người thu thuế” và “những người nổi tiếng tội lỗi” đã đến dự tiệc. Người Pharisiêu lại càng thêm khó chịu. Một người được cho là vị thầy vĩ đại lại có liên hệ gì với hạng người vô luân đó? Câu trả lời của Ðức Kitô là, “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu. Hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu, ‘Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải của lễ.’ Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi” (Mt. 9:12b-13). Ðức Kitô không gạt vấn đề thờ phượng và nghi lễ sang một bên; Người chỉ nói rằng việc yêu thương tha nhân thì quan trọng hơn.

Trong Tân Ước không còn đoạn nào nói về Mátthêu.

Lời Bàn

Trong hoàn cảnh bất thường, Ðức Kitô đã chọn một trong những người làm nền tảng cho Giáo Hội, mà qua công việc làm của ông, những người khác nghĩ rằng ông không đủ thánh thiện với chức vụ đó. Nhưng ông đã thành thật thú nhận mình là một người tội lỗi mà Ðức Kitô đã đến để kêu mời. Ông đã thật tình nhận biết chân lý khi ông nhìn thấy Người. “Và ông đã đứng dậy đi theo Người” (Mt. 9:9b).

Lời Trích

Chúng ta mường tượng ra Thánh Mátthêu, sau biến cố kinh khủng bao quanh cái chết của Ðức Kitô, cùng với các tông đồ đi đến nơi mà Ðức Kitô Phục Sinh đã triệu tập họ. “Khi họ trông thấy Người, họ đã thờ lậy, nhưng vẫn hồ nghi. Và Ðức Kitô đến gần và nói với họ [chúng ta nghĩ Ðức Kitô sẽ nhìn đến từng người, và Mátthêu lắng nghe một cách phấn khởi như các tông đồ khác], ‘Mọi quyền năng trên trời và dưới đất đã được ban cho Thầy. Bởi thế, hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, hãy dạy bảo họ tuân giữ những gì mà Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy sẽ luôn ở với anh em, cho đến tận thế” (Mt. 28:17-20).

Thánh Mátthêu không bao giờ quên được ngày ấy. Ngài đã loan truyền Tin Mừng trong suốt cuộc đời. Ðức tin của chúng ta dựa vào chứng tá của ngài và các tông đồ.


22/09/2022
Ngày 10 tháng 8 THÁNH LÔ-REN-SÔ Phó Tế Tử Đạo - GIÁO XỨ TÂN VIỆT

22 Tháng Chín
Thánh Lorenzo Ruiz và Các Bạn
(1600?-1637)

Lorenzo sinh trưởng ở Manila và bố là người Trung Hoa, mẹ là người Phi Luật Tân, cả hai đều là Kitô Hữu. Bởi thế ngài biết tiếng Tầu và tiếng Tagalog từ bố mẹ, và ngài còn biết tiếng Tây Ban Nha từ các cha Ða Minh mà ngài thường giúp lễ và dọn lễ cho các cha. Ngài sống về nghề chuyên môn viết chữ đẹp (calligrapher), biên chép lại các tài liệu trong một dạng tự tuyệt vời. Ngài là hội viên trung kiên của Hội Ái Hữu Mai Khôi dưới sự bảo trợ của các cha Ða Minh. Ngài lập gia đình và được hai trai một gái.

 Cuộc đời Lorenzo thay đổi bất ngờ khi ngài bị kết tội sát nhân. Chúng ta không được biết gì hơn ngoài lời kể của hai cha Ða Minh là “Lorenzo bị nhà cầm quyền lùng bắt vì tội giết người mà ngài có mặt tại hiện trường hoặc họ ghép tội cho ngài.”

Vào lúc đó, ba linh mục Ða Minh, Antonio Gonzalez, Guillermo Courtet và Miguel de Aozaraza, chuẩn bị dong buồm sang Nhật mặc dù ở đó đang bắt đạo dữ dội. Cùng đi với họ có một linh mục Nhật Bản, Vicente Shiwozuka de la Cruz, và một giáo dân tên Lazaro, bị phong cùi. Lorenzo, đang lẩn tránh nhà cầm quyền nên muốn được nhập bọn, và mãi cho đến khi ra tới biển thì Lorenzo mới biết là họ sang Nhật.

Họ đổ bộ ở Okinawa. Lorenzo có thể tiếp tục đến Formosa, nhưng, ngài viết, “Tôi quyết định ở lại với các cha, vì nếu đến đó người Tây Ban Nha sẽ treo cổ tôi.” Họ ở Nhật không được bao lâu thì bị lộ tẩy, bị bắt và bị giải đến Nagasaki. Ðây là một nơi mà máu người Công Giáo đã chảy thành sông. Khoảng 50,000 người Công Giáo sống ở đây đã bị phân tán hay bị chết vì đạo.

Các linh mục thừa sai, cũng như Lazaro và Lorenzo bị tra tấn một cách dã man: sau khi bị đổ nước vào cổ họng, họ được đặt nằm ngửa trên mặt đất. Một tấm ván dài được đặt trên bụng nạn nhân, và các tên lính đạp lên tấm ván để nước ứa ra từ miệng, mũi và tai nạn nhân.

Vị bề trên của họ, Cha Antonio, đã chết trong cùng ngày. Vị linh mục người Nhật và Lazaro vì khiếp sợ khi bị tra tấn bằng tăm tre đâm vào đầu ngón tay, nên đã chối đạo. Nhưng cả hai đã lấy lại cản đảm khi được các bạn khuyến khích.

Khi đến phiên Lorenzo bị tra tấn, ngài hỏi người thông dịch, “Tôi muốn biết nếu bỏ đạo, họ có cho tôi sống không.” Người thông dịch không hứa hẹn gì, và Lorenzo, trong những giờ sau đó đã cảm thấy đức tin mạnh mẽ hơn. Ngài trở nên dũng cảm, ngay cả gan dạ với các lý hình.

Cả năm người bi giết chết bằng cách treo ngược đầu trong một cái hố. Chung quanh bụng của họ bị đeo bàn gông và đá được chất lên các bàn gông để gia tăng sức ép. Họ bị trói chặt để máu luân chuyển chậm hơn và như thế cái chết sẽ kéo dài hơn. Họ bị treo như thế trong ba ngày. Vào lúc đó, Lorenzo và Lazaro đã chết. Ba vị linh mục Ða Minh vẫn còn sống, nên bị chặt đầu.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho sáu vị này và 10 người khác, là những người Á Châu và Âu Châu, nam cũng như nữ, là những người đã loan truyền đức tin ở Phi Luật Tân, Formosa và Nhật. Thánh Lorenzo Ruiz là người Phi Luật Tân đầu tiên tử đạo.

Lời Bàn

Là những Kitô Hữu ngày nay, chúng ta tự hỏi không biết làm thế nào để đứng vững trong hoàn cảnh như các vị tử đạo phải đối diện? Chúng ta thông cảm với hai vị đã có lần từ chối đức tin. Chúng ta hiểu giây phút thử thách hãi hùng của Lorenzo. Nhưng chúng ta cũng thấy sự can đảm–không thể giải thích bằng ngôn ngữ loài người–xuất phát từ kho tàng đức tin của họ. Sự tử đạo, giống như đời sống, là một phép lạ của ơn sủng.

Lời Trích

Quan án: “Nếu tao cho mày sống, mày có từ bỏ đức tin không?”

Lorenzo: “Tôi không bao giờ làm điều đó, vì tôi là một Kitô Hữu, và tôi sẽ chết cho Thiên Chúa, và nếu tôi có cả ngàn mạng sống tôi cũng sẽ dâng lên cho Thiên Chúa. Bởi thế, ông muốn làm gì thì làm.”


23/09/2022
Thánh Piô năm dấu (23/09)

23 Tháng Chín
Thánh Padre Piô
(1887-1968)

Thánh Padre Piô tên thật là Francesco Forgione, thuộc một gia đình nông dân ở Pietrelcina, miền nam nước Ý. Ðã hai lần, cha của Francesco phải xa nhà, đi làm việc ở Jamaica, Nữu Ước để nuôi gia đình.

 Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ phong linh mục năm 1910 và bị động viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ thấy ngài bị ho lao, họ đã cho ngài giải ngũ. Vào năm 1917, ngài được bài sai đến làm việc ở tu viện San Giovanni Rotondo, cách thành phố Bari 75 dặm.

Vào ngày 20-9-1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, ngài được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn.

Sau biến cố ấy, cuộc đời ngài phức tạp hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội và những người tò mò đến xem Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt ra; Cha Piô không được phép cử hành Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội. Ngài không than trách về sự cấm cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, sau năm 1924 ngài không còn viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về sự thống khổ của Chúa Giêsu đều được viết trước năm 1924.

Sau khi được in dấu thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp ngài. Sau đó ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ mà chưa bao giờ họ tiết lộ.

Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ. Theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên rặng Gargano gần đó. Ý tưởng xây cất bệnh viện được phát khởi vào năm 1940; một ủy ban gây quỹ được thành lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được bắt đầu. Việc xây cất bệnh viện rất khó khăn về kỹ thuật vì khó kiếm được nước và phương tiện chuyên chở vật liệu xây cất. Sau cùng, “Nhà Chữa Trị Người Ðau Khổ” được hình thành với 350 giường bệnh.

Nhiều người tin rằng họ được chữa lành qua sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt sắng; còn những người tò mò thì rất xúc động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi áo dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt xén để làm kỷ niệm.

Một trong những sự đau khổ của Cha Piô là vài lần những người thiếu đạo đức rêu rao những điều tiên tri mà họ gán cho là của ngài. Ngài không bao giờ nói tiên tri về các biến cố trên thế giới, và không bao giờ cho ý kiến về các vấn đề mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết định của các giới chức trong Giáo Hội. Ngài từ trần ngày 23-9-1968, và được phong thánh năm 2002.

Lời Bàn

Hơn bất cứ ai khác, có lẽ người Hoa Kỳ ngày nay rất thích những cuốn sách chỉ dẫn, cũng những chương trình truyền thanh, các bài báo có tính cách chỉ bảo. Chúng ta say mê với tiến bộ kỹ thuật và không ngừng tìm kiếm các lối tắt để tiết kiệm thời giờ và sức lực. Nhưng như Thánh Phanxicô và Cha Piô biết rất rõ, không có con đường nào ngắn hơn khi sống theo Phúc Âm, không có cách nào tránh được những “giáo huấn khó khăn” của Chúa Giêsu (x. Gioan 6:60). Rao giảng về Kitô Giáo mà không có sự hy sinh cá nhân, không có thập giá, thì cũng không khác gì người mãi võ sơn đông quảng cáo bán thuốc trị bá bệnh. Cha Piô coi sự đau khổ của ngài như đáp ứng với lời kêu gọi sống phúc âm.

Lời Trích

“Cuộc đời Kitô Hữu không gì khác hơn là cuộc chiến đấu dai dẳng với chính mình; không có sự thăng hoa của linh hồn để đạt đến sự tuyệt hảo mỹ miều nếu không phải trả giá sự đau khổ” (Lời của Cha Piô).


24/09/2022
24.09 Thánh Pacifico ở San Severino (1653 - 1721) - Trung Tâm Mục Vụ  Neuenkirchen

24 Tháng Chín
Thánh Pacifio ở San Severino
(1653 — 1721)

Pacifico sinh trưởng trong một gia đình đặc biệt ở San Severino trong vùng Ancona thuộc miền trung nước Ý. Sau khi gia nhập dòng Tiểu Ðệ, ngài được thụ phong linh mục. Ngài dạy triết học trong hai năm và sau đó bắt đầu sứ vụ rao giảng một cách thành công.

Pacifico là một người khổ hạnh. Ngài ăn chay trường, sống bằng bánh mì và nước hoặc xúp. “Áo nhặm” của ngài được làm bằng sắt. Sự khó nghèo và vâng phục là hai đức tính mà các anh em tu sĩ nhớ đến ngài nhiều nhất.

Vào năm 35 tuổi, Pacifico bị bệnh nặng khiến ngài bị điếc, bị mù và bị què. Ngài dâng sự đau khổ này để cầu nguyện cho người tội lỗi trở lại, và ngài đã chữa lành nhiều bệnh nhân đến với ngài. Pacifico cũng là bề trên tu viện San Severino. Ngài được phong thánh năm 1839.

Lời Bàn

Thánh Pacifico sống sát với những lời của Thánh Phanxicô. Lời ngài rao giảng và cuộc sống có liên hệ với sự hy sinh hãm mình đền tội.

Thánh Phanxicô khuyến khích các tu sĩ rao giảng Lời Chúa mà không phô trương ầm ĩ hoặc vì tư lợi. Và vì thế, lời của họ mới thực sự là lời của Chúa và hướng đến phúc lợi của người nghe. Ðời sống của Thánh Pacifico đã thể hiện lời ngài rao giảng, và người nghe nhận ra sức mạnh trong lời của ngài.

Lời Trích

“Ngoài ra, tôi khuyên bảo và nhắc nhở các tu sĩ rằng trong sự rao giảng, lời nói của họ phải được nghiên cứu và minh bạch. Họ phải nhắm đến ích lợi và sự thăng tiến tâm linh của người nghe, nói một cách ngắn gọn về tính tốt cũng như tính xấu, sự trừng phạt và sự vinh quang, vì chính Chúa chúng ta cũng nói ngắn gọn khi ở trần thế” (Thánh Phanxicô, Quy Luật 1223, Ch. 9).


25/09/2022
25 tháng 9 THÁNH ELZEAR VÀ CHÂN PHƯỚC DELPHINA (1286-1323) (1283-1358) -  GIÁO XỨ TÂN VIỆT

25 Tháng Chín
Thánh Elzear và Chân Phước Delphina
(1286-1323) (1283-1358)

Đây là cặp vợ chồng duy nhất của dòng Phanxicô được chính thức phong chân phước và phong thánh.

Ông Elzear xuất thân từ một gia đình quý tộc ở phía nam nước Pháp. Sau khi lấy bà Delphina thì ông mới biết vợ mình thề giữ đồng trinh trọn đời; chính đêm tân hôn ông cũng đã thề như vậy. Vào lúc đó ông Elzear, là Bá Tước của Ariano, và là cố vấn cho Công Tước Charles của Calabria ở phía nam nước Ý. Elzear cai quản lãnh thổ của mình trong vương quốc Naples và ở phía nam nước Pháp với sự công bằng.

Hai ông bà Elzear và Delphina gia nhập dòng Ba Phanxicô và tận hiến trong công việc bác ái cho người nghèo. Hàng ngày, có đến mười hai người cùng ăn với họ. Có một bức tượng Thánh Elzear diễn tả ngài đang chữa người cùi.

Lòng đạo đức của họ đã ảnh hưởng tất cả mọi gia nhân trong nhà. Hàng ngày họ đều tham dự Thánh Lễ, đi xưng tội hàng tuần và sẵn sàng tha thứ cho người khác.

Sau khi ông Elzear chết, bà Delphina tiếp tục công việc bác ái trong hơn 35 năm nữa. Ðặc biệt bà có công trong việc nâng cao trình độ luân lý của triều đình vua Sicily.

Hai ông bà Elzear và Delphina được mai táng ở Apt, nước Pháp. Ông được phong thánh năm 1369, và bà được phong chân phước năm 1694.

Lời Bàn

Giống như Thánh Phanxicô, hai ông bà Elzear và Delphina nhận biết nguồn gốc của các tạo vật. Do đó, họ không nhẫn tâm thống trị bất cứ tạo vật nào nhưng dùng tạo vật như một phương tiện để cảm tạ Thiên Chúa.

Dù hiếm muộn, hôn nhân của họ là một hy sinh cho người nghèo và người đau yếu ở chung quanh họ.

Lời Trích

Thánh Bonaventura viết: “Thánh Phanxicô tìm mọi cơ hội để yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự. Ngài vui thích với mọi công trình của bàn tay Thiên Chúa, và từ cái nhìn hân hoan ở trần thế tâm trí ngài vươn cao đến nguồn ban sự sống và là cùng đích của mọi tạo vật. Trong bất cứ gì đẹp đẽ, ngài đều nhìn thấy Ðấng Toàn Mỹ, và ngài đi theo Tình Yêu của ngài ở bất cứ đâu mà chân dung ấy được lưu vết nơi các tạo vật; qua tạo vật ngài làm thành một cái thang để có thể trèo lên cao và âu yếm Ðấng là nguồn khao khát của mọi loài” (Legenda Major, IX, 1).


26/09/2022
26 Tháng Chín Thánh Cosmas và Thánh Damian – HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH

26 Tháng Chín
Thánh Cosmas và Thánh Damian
(c. 303?)

Người ta không biết gì nhiều về cuộc đời của hai vị này, ngoài việc họ tử đạo ở Syria trong thời bắt đạo của Diocletian.

 Một nhà thờ được dựng gần nơi chôn cất các ngài đã được hoàng đế Justinian trùng tu lại. Việc sùng kính hai thánh nhân đã lan truyền mau chóng cả ở Ðông Phương lẫn Tây Phương. Ngay ở Constantinople, một đền thờ nổi tiếng được xây cất để vinh danh hai vị. Tên của hai ngài được ghi vào Lễ quy, có lẽ từ thế kỷ thứ sáu.

Truyền thuyết nói rằng hai vị là anh em sinh đôi ở Arabia, và là các y sĩ giỏi. Họ được sùng kính ở Ðông Phương với biệt hiệu “người không lấy tiền” vì họ không tính tiền khi chữa bệnh. Không thể nào những người nổi tiếng như vậy mà không bị chú ý trong thời gian cấm đạo, do đó cả hai đã bị bắt và bị chém đầu.

Lời Bàn

Dường như từ lâu, chúng ta chỉ chú ý đến những phép lạ của Chúa Giêsu như để nói lên quyền năng Thiên Chúa của Người. Có điều chúng ta không để ý đến là sự khao khát của Chúa Giêsu muốn vơi bớt đau khổ của nhân loại. Sức mạnh “xuất ra từ Người” quả thật là dấu chứng tỏ Thiên Chúa đã đi vào lịch sử loài người để hoàn tất những điều Người đã hứa; nhưng tình yêu của Thiên Chúa cũng rõ rệt trong trái tim nhân loại khi Người lo lắng về sự đau khổ của người khác. Ðó là sự nhắc nhở cho mọi Kitô Hữu chúng ta rằng sự cứu độ liên can đến toàn thể con người, là một tổng thể độc đáo giữa thể xác và tinh thần.

Lời Trích

“Anh em không biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần đang ngự trong anh em, là Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho anh em, và như vậy anh em đâu có làm chủ chính mình? Vì anh em đã được chuộc với một giá rất đắt. Bởi thế hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em” (1 Corinthians 6:19-20).


27/09/2022
Đức Phanxicô có bài vinh danh cảm động Thánh Vinh Sơn Phaolô - Phanxicô

27 Tháng Chín
Thánh Vinh-sơn Phao-lô
(1580?-1660)

Cảnh một người hầu hấp hối xưng tội trên giường bệnh như đã mở mắt Vinh-sơn để nhìn thấy nhu cầu tâm linh của vùng quê nước Pháp thời bấy giờ. Ðó là giây phút quan trọng trong cuộc đời của một người xuất thân từ nông trại nhỏ ở Gascony, nước Pháp, mà bấy giờ, việc đi tu làm linh mục không có gì lớn lao hơn là có được một cuộc sống tiện nghi.

Chính nữ Bá Tước de Gondi (có người đầy tớ được Vinh-sơn giúp đỡ) đã thúc giục chồng bà cung cấp tiền bạc và hỗ trợ một nhóm truyền giáo có khả năng và hăng say muốn hoạt động cho người nghèo, người hầu và tá điền. Lúc đầu Cha Vinh-sơn quá khiêm tốn nên không nhận làm người lãnh đạo cho nhóm này, nhưng sau một thời gian hoạt động cho các tù nhân khổ sai ở Balê, ngài trở nên nhà lãnh đạo thực sự của tổ chức mà bây giờ được gọi là Hội Thừa Sai, hay tu sĩ Dòng Thánh Vinh-sơn. Các linh mục này, với lời thề khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và bền vững, tận tụy làm việc cho dân chúng ở các thành phố nhỏ hay làng mạc.

Sau này Cha Vinh-sơn tổ chức các nhóm bác ái để trợ giúp tinh thần cũng như thể chất của những người nghèo trong mỗi xứ đạo. Từ sinh hoạt này, với sự trợ giúp của Thánh Louis de Marillac, xuất phát tổ chức Nữ Tử Bác Ái, “mà tu viện là bệnh xá, nhà nguyện là nhà thờ của giáo xứ và khuôn viên là đường phố.” Ngài huy động các bà giầu có ở Balê để quyên góp tài chánh cho chương trình truyền giáo, xây bệnh viện, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và chuộc lại khoảng 1,200 người nô lệ da đen. Ngài hăng hái tổ chức tĩnh tâm cho giới tu sĩ khi sự sao nhãng, lộng hành và ngu dốt lan tràn trong giới này. Ngài là người tiên phong trong việc huấn luyện tu sĩ và thúc đẩy sự thiết lập các chủng viện.

Ðáng để ý nhất, Vinh-sơn là một người hay cáu kỉnh — ngay cả bạn hữu của ngài cũng công nhận điều ấy. Ngài cho biết, nếu không có ơn Chúa ngài sẽ “rất khó khăn và lạnh lùng, cộc cằn và gắt gỏng.” Nhưng ngài trở nên một người dịu dàng và dễ mến, rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác.

Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã đặt ngài làm quan thầy của mọi tổ chức bác ái. Nổi bật nhất trong các tổ chức này, dĩ nhiên, là Dòng Thánh Vinh-sơn, được thành lập năm 1833 bởi Chân Phước Frederic Ozanam, là người rất ái mộ Thánh Vinh-sơn.

Lời Bàn

Giáo Hội là của mọi con cái Thiên Chúa, dù giầu hay nghèo, nông dân hay trí thức, thượng lưu hay bình dân. Nhưng hiển nhiên điều Giáo Hội lưu tâm nhất là những người cần sự giúp đỡ — đó là những người trở nên cô thế bởi bệnh tật, nghèo đói, ngu dốt và sự tàn ác. Thánh Vinh-sơn Phao-lô rất thích hợp là quan thầy cho mọi Kitô Hữu ngày nay, khi người đói ngày càng nhiều, và lối sống xa hoa của người giầu ngày càng đối chọi với tình trạng sa sút về thể chất và tâm linh của con cái Thiên Chúa.

Lời Trích

“Hãy cố gắng vui lòng chấp nhận sống với những điều kiện khiến bạn bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí mình khỏi những điều làm bạn phiền hà, Thiên Chúa sẽ lo lắng mọi sự. Khi bạn vội vàng lựa chọn bạn sẽ làm buồn lòng Thiên Chúa, vì Người thấy bạn không tôn kính Người đầy đủ với sự tin tưởng thánh thiêng. Hãy tin tưởng vào Người, tôi nài xin bạn, và bạn sẽ được no đầy những gì mà tâm hồn bạn khao khát” (Thánh Vinh-sơn Phao-lô, Thư Từ).


28/09/2022
Saint Wenceslas (Sv. Václav) King and Martyr | Everything Czech by  TresBohemes.com

28 Tháng Chín
Thánh Wenceslaus
(907? – 929)

Nếu Giáo Hội được mô tả một cách sai lầm như bao gồm những người “thuộc thế giới khác,” thì cuộc đời Thánh Wenceslaus là một minh chứng cho sự khác biệt đó: Người bênh vực các giá trị Kitô Giáo giữa những mưu đồ chính trị mà đó là đặc điểm của Bohemia vào thế kỷ thứ 10.

Người sinh năm 907 gần Prague, con của Công Tước Bohemia. Bà nội thánh thiện của người là bà Ludmilla, đã nuôi nấng và dạy dỗ người với hy vọng người sẽ cầm quyền ở Bohemia thay cho mẹ của Wenceslaus, là người ưa thích các bè phái chống đối Kitô Giáo. Hiển nhiên là bà nội Ludmilla bị giết, nhưng các lực lượng Kitô Giáo mạnh thế đã chiến thắng, và Wenceslaus đã nắm giữ chức vụ lãnh đạo trong chính phủ.

Sự cai trị của Wenceslaus được ghi nhận qua các nỗ lực nhằm đoàn kết Bohemia, hỗ trợ Giáo Hội và các cuộc đàm phán hòa bình với nước Ðức, nhưng chính vì thế người đã gặp khó khăn với những người chống-Kitô Giáo. Em của người là Boleslav đã nhúng tay vào một âm mưu, và trong tháng Chín 929, ông mời Wenceslaus đến Alt Bunglou để dự lễ các Thánh Cosmas và Damian. Trên đường đi dự lễ, Boleslav đã tấn công chính anh mình, và trong cuộc ẩu đả, Wenceslaus đã bị giết bởi bộ hạ của Boleslav.

Mặc dù cái chết của người là hậu quả chính yếu của biến động chính trị, Thánh Wenceslaus được ca tụng như một vị tử đạo vì đức tin, và mộ của người trở nên trung tâm hành hương. Thánh nhân được xưng tụng là quan thầy của người Bohemia và người Tiệp Khăéc trước kia.

Lời Bàn

“Vua Wenceslaus Nhân Từ” đã cụ thể hóa Kitô Giáo trong một thế giới đầy xáo trộn chính trị. Trong khi chúng ta thường là nạn nhân của một loại bạo lực nào đó, chúng ta cũng có thể đồng hóa với sự tranh đấu của thánh nhân nhằm đem lại sự hài hoà cho xã hội. Mọi Kitô Hữu đều được mời gọi tham dự vào việc thay đổi xã hội và sinh hoạt chính trị, vì các giá trị phúc âm rất cần thiết cho thế giới ngày nay.

Lời Trích

“Trong khi công nhận thẩm quyền của các thực thể chính trị, Kitô Hữu nào tham gia sinh hoạt chính trị phải cố gắng có những quyết định phù hợp với phúc âm và, trong khuôn khổ của một tập thể chính đáng, phải làm chứng cho đức tin của mình bởi sự phục vụ hữu hiệu và vô vị lợi” (Ðức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Lời Mời Gọi Hành Ðộng, 46)


29/09/2022
Sưu tầm : Những chư vị Tổng Lãnh Thiên Thần còn "xa lạ" mà chúng ta chưa  biết hoặc ít khi biết tới là ai?

29 Tháng Chín
Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael

Các Thiên Thần là những thiên sứ của Chúa xuất hiện nhiều trong Thánh Kinh, nhưng chỉ có thiên thần Micae, Gabriel và Raphael được nhắc đến tên mà thôi.

Thiên thần Micae xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien như là “đại hoàng tử” để bảo vệ dân Israel khỏi những kẻ thù tấn công. Trong sách Khải Huyền, Thiên thần Micae dẫn đoàn quân của Chúa đến chiến thắng sau cùng trên quyền lực của ma quỷ. Lòng sùng kính thiên thần Micae đã có từ cổ xưa nhất, thịnh hành ở phương Ðông vào thế kỷ thứ 4. Giáo hội phương Tây bắt đầu lễ kính quan thầy thiên thần Micae và các thiên thần vào thế kỷ thứ 5.

Thiên thần Gabriel cũng xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien, để công bố xứ mệnh của thiên thần Micae trong chương trình của Thiên Chúa. Sự xuất hiện nổi bật nhất của Thiên thần Gabriel là cuộc diện đàn với thiếu nữ Dothái tên là Maria (tức Ðức Mẹ Maria), Người vâng phục cưu mang Chúa Cứu Thế.

Những hoạt động của Thiên thần Raphael được thu gọn trong Cựu Ước của sách Tôbít. Thiên thần Raphael hiện ra để hướng dẫn con trai của Tôbít là Tôbia qua những đoạn trường mạo hiểm ly kỳ đưa đến kết thúc ba niềm vui, đó là: Tobia thành hôn với Sara, Tobia được chữa khỏi bệnh mù, và phục hồi gia sản của gia đình.

Lễ kính nhớ thiên thần Gabriel là ngày 24 tháng 3, thiên thần Raphael ngày 24 tháng 10 đã được ghi vào lịch Rôma vào năm 1921. Năm 1970, lịch được sửa đổi nhập chung hai ngày lễ kính này với ngày lễ kính thiên thần Micae.

Lời Bàn

Mỗi tổng lãnh thiên thần có những sứ mệnh khác nhau trong Thánh Kinh: thiên thần Micae bảo vệ, thiên thần Gabriel loan báo, thiên thần Raphael hướng dẫn. Ngày xưa người ta tin rằng những biến cố không thể giải thích được là do các việc làm của thần linh để tỏ lối cho cái nhìn của thế giới khoa học về một cảm nhận của nguyên nhân và ảnh hưởng khác. Tuy thế, những người có niềm tin vẫn kinh nghiệm về sự bảo vệ, liên lạc và hướng dẫn của Thiên Chúa trong những cách không diễn tả được. Chúng ta không thể coi nhẹ các thiên thần.


30/09/2022
30-9 – Kính Thánh Giêrônimô,Tiến Sĩ Hội Thánh (345-420) | davangvn

30 Tháng Chín

Thánh Giêrôme (345 – 420)

Hầu hết các thánh được nhớ đến là vì một vài nhân đức trổi vượt hay sự sùng kính đặc biệt của các đấng, nhưng Thánh Giêrôme được nhớ đến là vì tính nóng nẩy! Thật sự người rất nóng tính và có tài viết cay độc. Tình yêu của người dành cho Thiên Chúa và Ðức Kitô Giêsu thật mãnh liệt, nên bất cứ ai dạy bảo điều gì sai trái người đều coi là kẻ thù của Thiên Chúa và chân lý, và Thánh Giêrôme theo đuổi người ấy đến cùng với lối viết táo bạo và đôi khi châm biếm.

Trên tất cả người là một học giả Kinh Thánh, dịch bộ Cựu Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh. Người cũng viết những bài chú giải là nguồn cảm hứng về kinh thánh cho chúng ta ngày nay. Người là một sinh viên nhiều tham vọng, một học giả thông suốt, một văn sĩ phi thường và là cố vấn cho các tu sĩ, giám mục và giáo hoàng. Thánh Augustine nói về người, “Ðiều mà Thánh Giêrôme không biết, thì thần chết cũng không biết.”

Thánh Giêrôme đặc biệt nổi tiếng trong việc chuyển dịch Kinh Thánh mà cuốn người dịch được gọi là Vulgate. Ðó không phải là bộ Kinh Thánh tuyệt hảo nhưng Giáo Hội công nhận đó là một kho tàng. Như các học giả ngày nay nhận xét, “Không ai trước thời Thánh Giêrôme hay cùng thời với người và rất ít hậu sinh sau đó hàng thế kỷ cũng không đủ khả năng để thực hiện công trình đó.” Công Ðồng Triđentinô đã tu sửa bản Vulgate và công bố đó là văn bản chính thức được dùng trong Giáo Hội.

Ðể thực hiện công trình đó, Thánh Giêrôme đã phải chuẩn bị rất kỹ. Người là bậc thầy về tiếng La Tinh, Hy Lạp, Hebrew và Canđê. Học vấn của người bắt đầu từ nơi sinh trưởng, ở Stridon thuộc Dalmatia (Nam Tư cũ). Sau giai đoạn giáo dục sơ khởi, người đến Rôma, là trung tâm học thuật thời ấy, và đến Trier, nước Ðức, là nơi quy tụ các học giả. Mỗi nơi người sống một vài năm, để theo học với những bậc thầy tài giỏi.

Sau phần chuẩn bị kiến thức người tung hoành ở Palestine cốt để ghi nhận những nơi đã in dấu Ðức Kitô với lòng sùng kính dạt dào. Người cũng là một nhà thần bí, đã sống trong sa mạc Chalcis 5 năm để hy sinh cầu nguyện, hãm mình và nghiên cứu. Sau cùng người dừng chân ở Bêlem, là nơi người sống trong một cái hang mà người tin rằng Ðức Kitô đã sinh hạ ở đấy. Vào ngày 30 tháng Chín năm 420 Thánh Giêrôme từ trần ở Bêlem. Thi hài của người hiện được chôn cất trong Ðền Ðức Bà Cả ở Rôma.

Lời Bàn

Thánh Giêrôme là một người thẳng tính, cương quyết. Người có nhân đức cũng như các tính xấu của một người ưa chỉ trích tất cả những vấn đề luân lý thường tình của con người. Như có người nhận xét, thánh nhân là người không chấp nhận thái độ lưng chừng trong phẩm hạnh cũng như trong việc chống đối sự xấu xa. Người mau nóng, nhưng cũng mau hối hận, và rất nghiêm khắc với những khuyết điểm của chính mình. Người ta kể, khi nhìn thấy bức tranh vẽ Thánh Giêrôme đang cầm hòn đá đánh vào ngực, một giáo hoàng nói, “người cầm hòn đá đó là phải, vì nếu không, Giáo Hội không bao giờ tuyên thánh cho người” (Ðời Sống Thánh Nhân của Butler).

Lời Trích

“Ở nơi xa xôi nhất của sa mạc hoang vu đầy đá sỏi, như thiêu đốt dưới cái nóng hực lửa của mặt trời đã khiến các tu sĩ cư ngụ nơi đây cũng phải khiếp sợ, tôi thấy mình như ở giữa những say mê và đàn đúm ở Rôma. Trong sự đầy ải và tù ngục mà tôi tự ý xử phạt mình vì sợ hỏa ngục, nhiều khi tôi thấy mình ở giữa đám thiếu nữ Rôma như tôi đã từng sống với họ: Trong cái cơ thể lạnh ngắt và trong da thịt nứt nẻ của tôi, dường như tôi đã chết trước khi thực sự chết, lại khao khát được sống. Cô đơn trước kẻ thù này, linh hồn tôi phủ phục dưới chân Ðức Giêsu, lấy nước mắt rửa chân Người, và tôi chế ngự xác thịt với những tuần lễ ăn chay. Tôi không xấu hổ để thố lộ những sự cám dỗ, nhưng tôi đau buồn vì trước đây tôi không được như bây giờ” (trích thư Thánh Giêrôme gửi Thánh Eustochium).

**************************************************************************************************************************

Trích từ NguoiTinHuu.com

Comments are closed.