Hạnh Các Thánh-Tháng Bảy

1/07/2022

1 Tháng Bảy

   Thánh Junipero Serra
    (1713-1784)

    Miguel Jose Serra sinh ở đảo Majorca Tây Ban Nha, và lấy tên Junipero khi gia nhập Dòng Phanxicô. Ðược thụ phong linh mục năm 1737, ngài dạy triết thần ở Ðại Học Lulliana cho đến năm 1749 thì ngài chuyển sang công việc truyền giáo ở Tân Thế Giới và được gửi sang Mễ Tây Cơ.  

    Vào năm 1768, Cha Serra tiếp quản công cuộc truyền giáo của các linh mục dòng Tên (là những người đã bị chính quyền trục xuất cách sai lầm) trong tỉnh California Hạ và Thượng, lúc bấy giờ California là một tỉnh của Mễ Tây Cơ. Là một tông đồ hoạt động không biết mệt, Cha Serra trách nhiệm phần lớn cho việc thành lập và phát triển Giáo Hội ở vùng ven biển phía Tây của Hoa Kỳ khi phần đất này vẫn còn là khu vực truyền giáo.

    Cuộc đời truyền giáo của Cha Junipero là một cuộc chiến chống với giá lạnh và đói khát, với các nhà lãnh đạo quân sự không có cảm tình và ngay cả bị nguy hiểm đến tính mạng vì những người da đỏ. Ðể duy trì tinh thần truyền giáo hăng say ấy, ngài cầu nguyện hàng đêm, có khi từ nửa đêm cho đến sáng.

    Tổng cộng ngài đã sáng lập hai mươi mốt trung tâm truyền giáo và hoán cải hàng ngàn người da đỏ. Những người tân tòng không những được học biết đức tin mà còn được dạy bảo cách trồng trọt, chăn nuôi cũng như thủ công nghệ.

    Vì sự lao nhọc trong việc tông đồ, ngài từ trần ngày 28 tháng Tám 1784. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1988.

    Lời Bàn

    Lời trung thực nhất để diễn tả về Chân Phước Junipero là sự nhiệt huyết. Tinh thần đó xuất phát từ sự cầu nguyện chân thành và ý chí bất khuất. Châm ngôn của ngài là “luôn luôn tiến bước, đừng bao giờ lùi”.


02/07/2022

2 Tháng Bảy

    Thánh Bernardino Realino
    (1530-1616)

    Thánh Bernardino Realino sinh trong một gia đình quyền quý ở Capri, nước Ý. Sau khi được người mẹ chăm sóc, dạy bảo kỹ lưỡng về đạo giáo, lớn lên ngài theo học y khoa và học luật ở Ðại Học Bologna. Ngài lấy bằng tiến sĩ luật và làm thị trưởng Felizzano khi mới 26 tuổi. Ngài còn là chánh án của thành phố. Sau hai nhiệm kỳ, ngài được bổ nhiệm chức vụ trưởng ty quan thuế ở Alesandria, và sau đó làm thị trưởng của Cassine, và Castelleone.

    Năm 32 tuổi, ngài được triệu về Naples để giữ chức phó toàn quyền. Ở đây ngài tham dự cuộc tĩnh tâm 8 ngày của các linh mục dòng Tên và đã xin gia nhập dòng này khi 34 tuổi. Ba năm sau, ngài được chỉ định làm Giám Ðốc Ðệ Tử Viện ở Naples.

    Ngài làm việc cật lực ở Naples, tận tụy phục vụ người nghèo và giới trẻ. Sau đó, ngài được sai đến Lecce là nơi ngài sống bốn mươi năm cuối cùng của cuộc đời.

    Ngài nổi tiếng vì công cuộc tông đồ không ngừng nghỉ. Ngài là một cha giải tội gương mẫu, một vị thuyết giảng lôi cuốn, một thầy giáo cần cù của Ðức Tin cho người trẻ, một chủ chiên tận tụy cho các linh hồn, cũng như là Giám Ðốc trường Dòng Tên ở Lecce và là cha sở ở đây. Lòng bác ái của ngài dành cho người nghèo và người đau yếu dường như vô bờ bến, và sự nhân hậu của ngài đã giúp chấm dứt các mối thù truyền kiếp của nhiều người trong thành phố.

    Sự trân quý của người dân Lecce đối với ngài quá lớn lao đến độ vào năm 1616, khi ngài đang hấp hối trên giường thì vị đại diện thành phố đã chính thức xin ngài bảo vệ cho người dân sau khi ngài từ trần. Không thể nói nên lời, Thánh Bernardino chỉ gật đầu chấp thuận. Ngài từ trần với lời cầu khẩn danh thánh Ðức Giêsu và Ðức Maria.

    Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh năm 1947.


03/07/2022

3 Tháng Bảy

Thánh Tôma Tông Ðồ

Thật tội nghiệp cho Thánh Tôma! Chỉ có một câu nói của ngài mà bị gán cho cái tên “Tôma Hồ Nghi” trong suốt 20 thế kỷ. Nhưng nếu ngài nghi ngờ thì ngài cũng đã tin. Lời ngài tuyên xưng đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” (x. Gioan 20:24-28), và lời ấy đã trở thành lời cầu nguyện được đọc cho đến tận thế. Cũng nhờ ngài mà Kitô Hữu chúng ta có được lời nhận định của Ðức Giêsu: “Anh tin là vì anh đã thấy Thầy. Phúc cho những người không thấy mà tin” (Gioan 20:29).

Thánh Tôma cũng nổi tiếng vì sự can đảm của ngài. Có thể điều ngài nói là do bốc đồng — vì ngài cũng bỏ chạy như các tông đồ khác khi Ðức Giêsu bị bắt bớ — nhưng chắc chắn ngài đã không giả dối khi nói lên ý muốn cùng chết với Ðức Giêsu. Ðó là khi Ðức Giêsu đề nghị đến Bêtania sau khi Lagiarô từ trần. Vì Bêtania rất gần với Giêrusalem, điều đó có nghĩa phải đi bộ ngang qua phần đất của kẻ thù và rất có thể sẽ bị giết chết. Nhận biết sự kiện này, Thánh Tôma nói với các tông đồ khác, “Chúng ta hãy cùng đi để chết với Thầy” (Gioan 11:16b). Thánh Tôma còn được nhắc đến khi Ðức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh, tại Hồ Tibêria khi bắt được nhiều cá một cách lạ lùng. Truyền thống nói rằng, sau biến cố Hiện Xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông Ðồ đi rao giảng khắp nơi, và Thánh Tôma đã loan truyền Tin Mừng cho người Parthi, Medes, và Ba Tư; sau cùng ngài đến Ấn Ðộ, đem Ðức Tin cho dân chúng ở vùng ven biển Malaba, mà giáo đoàn đông đảo ấy tự nhận họ là “Kitô Hữu của Thánh Tôma.” Ngài đã chấm dứt cuộc đời qua sự đổ máu cho Thầy mình, đã bị đâm bằng giáo cho đến chết ở nơi gọi là Calamine.

Lời Bàn

Thánh Tôma chia sẻ số phận của Thánh Phêrô, Thánh Giacôbê và Gioan (những người “con của sấm sét”) Thánh Philípphê và lời thỉnh cầu dại dột của ngài khi muốn được nhìn thấy Chúa Cha — thật vậy mọi tông đồ đều có những khiếm khuyết và thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ chú ý đến các khuyết điểm này, vì Ðức Kitô đã không chọn những người vô dụng. Sự yếu đuối của các ngài vì bản tính loài người cho thấy sự thánh thiện là quà tặng của Thiên Chúa, chứ không phải công sức của con người; món quà ấy được ban cho những con người bình thường đầy khiếm khuyết; chính Thiên Chúa là người từ từ biến đổi những khuyết điểm ấy trở thành hình ảnh của Ðức Kitô, can đảm, trung tín và nhân hậu

.Lời Trích

“… Ðược thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, Giáo Hội phải bước đi cùng một con đường mà Ðức Kitô đã đi: con đường khó nghèo và vâng lời, phục vụ và hy sinh cho đến chết… Và vì thế các tông đồ đã bước đi trong hy vọng. Vì Nhiệm Thể của Ðức Kitô, là Giáo Hội, các ngài đã cung ứng những gì còn thiếu sót trong sự đau khổ của Ðức Kitô qua những thử thách và đau khổ của các ngài (x. Col 1:24)” (Sắc lệnh Về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội, số 5).


04/07/2022

4 Tháng Bảy


Thánh Elizabeth ở Bồ Ðào Nha
(1271-1336)

Thánh Elizabeth là một công chúa Tây Ban Nha được gả cho vua Denis Bồ Ðào Nha khi mới mười hai tuổi. Ngoài sắc đẹp và tính tình dễ thương, thánh nữ còn là một người sùng đạo, tham dự Thánh Lễ hàng ngày.

Elizabeth là một người vợ nết na thánh thiện, nhưng ông chồng, dù lúc ban đầu rất yêu mến vợ nhưng sau đó ông là người đã gây nhiều đau khổ cho bà. Tuy là một nhà cầm quyền tốt, nhưng ông không muốn bà siêng năng cầu nguyện cũng như luyện tập các nhân đức khác. Thật vậy, bà có lòng thương người cách đặc biệt. Bà giúp đỡ của hồi môn cho các cô gái nghèo khi đi lấy chồng và thành lập nhiều tổ chức từ thiện, gồm một bệnh viện ở Coimbra, các nhà vãng lai cho khách đi xa, một trung tâm hoàn lương ở Torres Novas, và một cô nhi viện. Chính bà cũng đích thân chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra, với sự kiên nhẫn, bà còn chịu đựng sự bất trung của chồng và ngay cả nuôi nấng các người con riêng của ông.

Có một lần, nhà vua tin lời nói dối của một tiểu hầu, vì ganh tị, đã dựng chuyện xấu xa về bà Elizabeth với các tiểu hầu khác. Tức giận, nhà vua sai tiểu hầu mà ông tin là có tội đi đến lò vôi. Người thợ nung vôi được lệnh là quăng vào lò bất cứ tiểu hầu nào đến đây đầu tiên. Chú tiểu hầu tốt lành vâng lệnh ra đi, không biết rằng cái chết đang chờ trước mặt. Trên đường đi, theo thói quen, chú dừng chân tại một nhà thờ để dự lễ, nhưng Thánh Lễ đã bắt đầu được một nửa, do đó chú ở lại dự Thánh Lễ thứ hai. Trong khi đó, nhà vua sai tên tiểu hầu độc ác đến lò vôi để xem xét tình hình. Và đó chính là tiểu hầu bị quăng vào lò lửa! Khi nhà vua biết rõ câu chuyện, ông nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa đã gìn giữ chú tiểu hầu tốt lành, trừng phạt kẻ gian dối, và chứng minh sự vô tội của Hoàng Hậu Elizabeth.

Biến cố này đã giúp nhà vua thay đổi lối sống tốt lành hơn. Ông xin lỗi vợ trước mặt mọi người và tỏ lòng hết sức tôn trọng bà. Trong những ngày cuối đời của nhà vua, bà không rời ông nửa bước, ngoại trừ khi đi lễ, cho đến khi ông được chết lành.

Sau đó, bà từ giã việc triều chính để xin gia nhập tu viện dòng Thánh Clara Nghèo Hèn ở Coimbra. Sau khi bị từ chối, bà gia nhập dòng Ba Phanxicô và dựng một mái nhà đơn sơ gần tu viện. Trong mười một năm sau cùng, bà thi hành công việc bác ái nhiều hơn và sống hãm mình đền tội.

Bà Elizabeth là gương mẫu tuyệt vời về sự tử tế đối với người nghèo và là người hòa giải thành công giữa các hoàng thân thái tử trong hoàng tộc và giữa các quốc gia.


05/07/2022

5 Tháng Bảy


Thánh Antôn Zaccaria
(1502-1539)

Khi Martin Luther tấn công những lạm dụng trong Giáo Hội, lúc ấy một phong trào canh tân đang manh nha thành hình. Trong số những người của phong trào có Thánh Antôn Zaccaria]

Thuộc dòng dõi quý tộc, cha của Antôn Zaccaria mất sớm khi ngài mới hai tuổi, và mẹ ngài, người goá phụ 18 tuổi, ở vậy nuôi con. Bà tận tụy dạy dỗ đạo lý cho con ngay từ nhỏ. Khi 22 tuổi, Antôn lấy bằng tiến sĩ y khoa và làm việc ở Cremona, giúp đỡ người nghèo và siêng năng hoạt động tông đồ. Ngoài phần xác của con bệnh, ngài còn lo lắng đến phần hồn của họ, ngài là một giáo lý viên và được thụ phong linh mục lúc 26 tuổi.

Ðược sai đến Milan trong một vài năm, Cha Antôn Zaccaria thành lập hai tu hội, một cho nam giới và một cho nữ giới. Mục đích của tu hội là canh tân xã hội đang sa sút vào thời ấy, bắt đầu từ hàng giáo sĩ và tu sĩ.

Vì rất cảm kích Thánh Phaolô, Cha Antôn Zaccaria đặt tên cho tu hội là Bácnabê — tên bạn đồng hành của Thánh Phaolô — và ngài hăng say rao giảng ở trong nhà thờ cũng như ngoài đường phố, tổ chức các nhóm truyền giáo và không xấu hổ khi công khai ăn năn sám hối. Ngài còn khuyến khích những hình thức sinh hoạt mới mẻ, như giáo dân cộng tác trong công việc tông đồ, siêng năng rước lễ, chầu Thánh Thể và rung chuông nhà thờ vào 3 giờ chiều thứ Sáu hàng tuần.

Sự thánh thiện của Cha Antôn đã khích lệ nhiều người thay đổi đời sống, và như tất cả các vị thánh khác, ngài cũng bị nhiều người chống đối. Hai lần, tu hội của ngài phải chịu sự điều tra của các giới chức trong Giáo Hội, và cả hai lần đều được miễn trừ.

Ðang khi trên đường công tác hòa giải, ngài bị bệnh nặng và được đưa về thăm người mẹ. Ngài từ trần ở Cremona khi mới 36 tuổi.


Lời Bàn

Sự hăng say canh tân của Thánh Antôn Zaccaria có lẽ khiến nhiều người ngày nay “thất vọng”. Vào thời điểm mà nhiều người trong Giáo Hội lẫn lộn giữa thế quyền và thần quyền, thì lời rao giảng, lối sống của Thánh Antôn không khác gì một cản trở cần diệt trừ. Nhưng lối sống ấy đích thực là linh đạo của Ðức Kitô, một Ðấng bị đau khổ, bị đóng đinh. Chúng ta cũng không thể “cao trọng hơn Thầy”, và con đường thập giá luôn luôn là con đường dẫn đến vinh quang.



06/07/2022

6 Tháng Bảy


    Thánh Maria Goretti
    (1890-1902)

    Thánh Maria Goretti sống ở trần thế có 12 năm, nhưng câu chuyện cuộc đời của thánh nữ đã xúc động biết bao tâm hồn.

    Maria Goretti là con gái của một gia đình nghèo người Ý, mà cha chết sớm, chỉ còn người mẹ tần tảo nuôi con. Cô không có cơ hội để đi học, do đó cũng không biết đọc và biết viết. Khi rước lễ lần đầu, cô là một thiếu nữ to con so với cả lớp.

    Trong buổi trưa hè oi ả vào tháng Bảy, Maria một mình ngồi may vá trên các bậc thang trong căn nhà lụp xụp. Lúc ấy, cô chưa đến 12 tuổi, nhưng cơ thể cô đã phát triển đẫy đà. Một chiếc xe bò dừng ở bên ngoài, và người thanh niên hàng xóm là Alessandro, 18 tuổi, chạy vào nhà, bước vội lên cầu thang. Hắn tấn công Maria và lôi cô vào phòng ngủ để hãm hiếp. Cô kháng cự và kêu cứu, trong hơi thở dồn dập cô cho biết thà chết còn hơn là phạm tội. “Ðó là tội. Chúa không muốn như vậy. Anh sẽ xuống hỏa ngục vì tội này.” Như một con thú điên, Alessandro rút dao đâm túi bụi vào người Maria Goretti.

    Trong khi nằm ở bệnh viện, Maria đã tha thứ cho Alessandro trước khi từ trần.

    Kẻ sát nhân bị án tù 30 năm. Trong một thời gian dài, hắn vẫn không ăn năn sám hối và hay bực tức. Một đêm kia hắn mơ thấy Maria, tay cầm một bông hoa và trao cho hắn. Kể từ đó, cuộc đời Alessandro thay đổi. Sau khi được trả tự do, hành động đầu tiên của Alessandro là đến xin người mẹ của Maria tha thứ cho mình.

    Câu chuyện của Maria Goretti ngày càng lan rộng và lòng sùng mộ vị tử đạo trẻ tuổi ngày càng gia tăng, nhiều phép lạ đã được ghi nhận và chưa đầy nửa thế kỷ, Maria Goretti đã được tuyên xưng á thánh. Trong buổi lễ phong chân phước, mẹ của Maria Goretti (lúc ấy 82 tuổi), hai cô em gái và một em trai cùng xuất hiện với Ðức Giáo Hoàng Piô XII ở bao lơn Công Trường Thánh Phêrô. Ba năm sau, vào năm 1950, ngài được phong thánh. Trong đám đông những người dự lễ có Alessandro Serenelli, lúc ấy đã 66 tuổi, đang quỳ gối với hai hàng nước mắt sung sướng lăn dài trên gò má.

    Thánh Maria Goretti được coi là vị tử đạo vì ngài đã chiến đấu chống trả hành động bạo lực của Alessandro. Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất của thánh nữ là sự tha thứ cho kẻ xúc phạm, mà ngài vẫn lưu tâm đến kẻ thù ngay cả sau khi chết. Thánh Maria Goretti được đặt làm quan thầy giới trẻ và các nạn nhân bị hãm hiếp.

    Lời Bàn

    Có lẽ Thánh Maria Goretti phải vất vả khi học giáo lý, nhưng ngài không trở ngại gì với đức tin. Thiên Chúa muốn chúng ta thánh thiện, đoan trang, tôn trọng thân xác con người, tuyệt đối vâng phục, hoàn toàn tín thác. Trong một thế giới phức tạp, đức tin của thánh nữ thật đơn giản: Ðiều tiên quyết là đẹp lòng Thiên Chúa, và yêu mến Người bằng mọi giá. Trong xã hội ngày nay, đức khiết tịnh hầu như đã chết, Thánh Maria Goretti như một đóa sen, toả hương thanh tú trong đám bùn lầy.


07/07/2022

7 Tháng Bảy


Chân Phước Emmanuel Ruiz và Các Bạn
(1804-1860)

Chúng ta không biết gì nhiều về cuộc đời thơ ấu của Chân Phước Emmanuel Ruiz, nhưng cái chết anh hùng của ngài để bảo vệ đức tin đã được lưu truyền cho hậu thế.

Sinh trong một gia đình thanh bạch, khiêm tốn ở Santander, Tây Ban Nha, ngài là một linh mục dòng Phanxicô và phục vụ trong công cuộc truyền giáo ở Damascus, Syria. Vào lúc ấy, nơi đây có các cuộc nổi loạn chống với Kitô Hữu và đã khiến hàng ngàn người phải thiệt mạng.

Trong số đó có Cha Emmanuel, bề trên tu viện dòng Phanxicô, bảy tu sĩ khác và ba giáo dân. Khi đám người hung bạo bắt được các vị này, các ngài cương quyết không chối bỏ đức tin để theo Hồi Giáo. Họ bị tra tấn dã man trước khi chết vì đạo.

Cha Emmanuel, các tu sĩ Phanxicô và ba giáo dân được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước năm 1926.

Lời Bàn

Thế giới mà Chân Phước Emmanuel và các bạn của ngài đã sống thì rất khác với thế giới của chúng ta. Chúng ta yêu quý sự tự do tôn giáo mà chúng ta lựa chọn. Không ai dùng sự tra tấn và cái chết đễ đe dọa chúng ta nếu chúng ta từ chối không theo con đường của họ. Sự nguy hiểm mà chúng ta đối diện thì tinh tế hơn: đó là sự quyến dũ của nền văn minh vật chất. Có thể nó không dẫn dụ chúng ta từ bỏ đức tin, nhưng nó cũng không khích lệ chúng ta sống đức tin ấy một cách trọn vẹn. Cũng như Chân Phước Emmanuel và các bạn của ngài đã độ lượng đổ máu đào, chúng ta cũng phải độ lượng hy sinh của cải và thời giờ của chúng ta trong công việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.


08/07/2022

8 Tháng Bảy


Chân Phước Gregory Grassi và Các Bạn

(k. 1900)

Các nhà thừa sai Kitô Giáo thường bị bắt trong các cuộc chiến chống với chính quốc gia của mình. Khi các chính phủ Anh, Ðức, Nga và Pháp buộc nhà cầm quyền Trung Hoa phải nhượng bộ đất đai vào năm 1898, cả một phong trào chống người ngoại quốc nổi dậy ở Trung Hoa.

Gregory Grassi sinh ở Ý năm 1833, thụ phong linh mục năm 1856 và năm năm sau ngài được sai đến Trung Hoa Lục Ðịa. Sau đó Cha Gregory được tấn phong làm Giám Mục của giáo phận Bắc Shanxi. Vào năm 1900, trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ, cùng với 14 nhà truyền giáo Âu Châu và 14 tu sĩ Trung Hoa, ngài chịu tử đạo vào thời kỳ bách hại ngắn ngủi nhưng đẫm máu ấy.

Hai mươi sáu vị tử đạo bị bắt theo lệnh của Yu Hsien, quan đầu tỉnh Shanxi. Tất cả bị chết chém vào ngày 9 tháng Bảy 1900. Năm vị thuộc dòng Phanxicô Hèn Mọn; bảy vị thuộc tu hội Phanxicô Truyền Giáo của Ðức Maria — là các vị tử đạo tiên khởi của tu hội. Về phía người Trung Hoa có bảy chủng sinh và bốn giáo dân, tất cả đều thuộc dòng Ba Phanxicô. Ba giáo dân Trung Hoa khác bị giết ở Shanxi chỉ vì làm việc cho các tu sĩ Phanxicô và bị bắt cùng với các người khác. Ba tu sĩ Phanxicô người Ý cũng được tử đạo trong tuần đó ở tỉnh Hunan.

Tất cả các vị tử đạo được phong chân phước vào năm 1946.


Lời Bàn

Tử đạo là sự nguy hiểm nghề nghiệp của các nhà truyền giáo. Trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ ở Trung Hoa Lục Ðịa, năm giám mục, 50 linh mục, hai trợ sĩ, 15 nữ tu và 40,000 Kitô Hữu Trung Hoa đã bị giết. Tuy nhiên, số giáo dân Công Giáo Trung Hoa vào năm 1906 là 146,575 đã tăng lên đến 303,760 vào năm 1924. Sự hy sinh lớn lao đã đem lại kết quả lớn lao.


Lời Trích

“Tử đạo là một phần của bản chất Giáo Hội, vì nó biểu lộ cái chết của Kitô Hữu trong hình thức tinh tuyền, là một cái chết vì đức tin không chịu kiềm chế. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội, thay vì thuần tuý vẫn chỉ có tính cách không tưởng, đã thể hiện một diễn đạt tỏ tường cần thiết nhờ ơn sủng của Thiên Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ hai, người chấp nhận cái chết vì đức tin Kitô Giáo hoặc luân lý Kitô Giáo được coi là một ‘chứng nhân’” Danh từ này xuất phát từ Phúc Âm, vì Ðức Giêsu Kitô là ‘chứng nhân trung tín’ tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)” (Karl Rahner, Tự Ðiển Thần Học, tập 2, trang 108-109).


09/07/2022

Ngày 9/07

Thánh Nicôla Pieck và Các Bạn (k. 1572)

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể chọn phương cách và thời điểm để làm chứng cho đức tin.

Vào năm 1568, các quốc gia thuộc Hà Lan bây giờ nổi dậy chống với các thái tử Tây Ban Nha. Ở phương bắc, cuộc nổi dậy còn chống với đạo Công Giáo. Các binh lính theo phái Calvin và chống Tây Ban Nha quy tụ thành một đạo quân ô hợp, vô kỷ luật, lục lọi các làng ven biển để cướp bóc. Khi bị hàng giáo sĩ khiển trách, họ quay sang tấn công Giáo Hội và chiếm giữ thành phố Gorkum. Ðể trả thù, họ bắt các giáo sĩ ở Gorkum và nhốt tất cả trong một nhà tù thật tồi tệ.

Cha Nicôla và các bạn (gồm 11 linh mục dòng Phanxicô và tám linh mục triều) còn được gọi là các “vị tử đạo ở Gorcum,” đã bị bắt, bị tra tấn, bị mọi loại sỉ nhục, và được hứa trả tự do nếu các đấng công khai từ bỏ giáo huấn Công Giáo về sự hiện diện thật sự của Ðức Kitô trong bí tích Thánh Thể và quyền tối thượng của đức giáo hoàng. Các đấng đã can đảm tuyên xưng đức tin. Sau nhiều lần tra tấn và bị nhục nhã, vào ngày 9 tháng Bảy 1572, các đấng bị lột trần truồng, để như Ðức Kitô, bị người đời “khinh miệt và ruồng bỏ”, và bị treo cổ cho đến chết. Thân xác các đấng bị chặt ra từng mảnh và bị ném xuống cống.

Sau đó không lâu, nơi các đấng tử đạo đã trở nên trung tâm hành hương và đã có nhiều phép lạ xảy ra ở đây. Tất cả đã được tuyên thánh vào năm 1867.

Lời Bàn

Hãy để ý đến giáo huấn mà các vị tử đạo phải đối diện. Coi Thánh Thể chỉ là sự tưởng nhớ Ðức Kitô và từ chối quyền lãnh đạo của đấng kế vị Thánh Phêrô dường như có vẻ dễ dàng. Thánh Nicôla và đồng bạn biết rõ tín điều này nằm trong hoạch định của Thiên Chúa muốn ban cho dân của Người, do đó các đấng không từ chối đức tin. Bí tích Thánh Thể và người kế vị Thánh Phêrô sẽ là khí cụ trong việc khôi phục sự hợp nhất Kitô Hữu.

Lời Trích

“Cha Nicôla nói, ‘Ðã đến lúc chúng ta được nhận lãnh từ Thiên Chúa phần thưởng cho sự tranh đấu mà chúng ta khao khát từ lâu, là triều thiên hạnh phúc vĩnh cửu.’ Người khuyến khích các đồng bạn đừng sợ chết, cũng đừng hèn nhát mà mất triều thiên được chuẩn bị cho họ và sẵn sàng đặt trên trán họ. Sau cùng người cầu xin cho mọi người sẽ hân hoan bước theo con đường mà họ thấy người đang tiến bước. Với những lời ấy, người hân hoan bước lên đoạn đầu đài mà không ngừng khích lệ các đồng bạn cho đến khi nghẹt thở không còn nói được nữa” (Tường Thuật Tử Ðạo).


10/07/2022

10 Tháng Bảy


Thánh Vêrônica Giuliani
(1660-1727)

Ước ao của Thánh Vêrônica là được giống Ðức Kitô bị đóng đinh và mong ước ấy đã được nhận lời với năm dấu thánh.

Thánh Vêrônica tên thật là Ursula Giuliani, sinh trưởng ở Mercatello nước Ý. Người ta kể lại khi mẹ của ngài hấp hối, bà đã gọi năm cô con gái đến cạnh giường và phó thác mỗi người con cho một vết thương của Chúa Giêsu. Ursula được phó thác cho vết thương cạnh sườn bên dưới trái tim Chúa Giêsu.

Ngay từ khi còn nhỏ, Ursula đã được các cảm nghiệm thần bí. Ngài viết: “Tôi nhớ là khi bảy hay tám tuổi, Ðức Giêsu đã hiện ra với tôi hai lần trong Tuần Thánh.” Từ đó trở đi, Ursula hãm mình phạt xác và bị chính Satan tấn công nhiều lần.

Vào năm 17 tuổi, sau khi thuyết phục được người cha không ép buộc đi lấy chồng, Ursula gia nhập dòng Thánh Clara Hèn Mọn do các tu sĩ Capuchin điều khiển và lấy tên là Vêrônica. Trong những năm đầu đệ tử viện, ngài làm việc trong nhà bếp, bệnh xá, phòng thánh và là người giữ cửa. Vào lúc 34 tuổi, ngài làm giám đốc đệ tử viện và đã giữ chức vụ này trong 22 năm.

Trong thời gian tu trì, Sơ Vêrônica thường bị Satan quấy phá. Nó xô ngài ngã xuống cầu thang, nó giả dạng làm sơ giám đốc và đánh đập ngài tàn nhẫn. Nhưng Ðức Giêsu đã tỏ lòng quý mến ngài đặc biệt qua nhiều lần hiện ra và dưới nhiều hình thức. Có những lúc tưởng như sơ đã bị dập mặt xuống đất, nhưng lại được bảo bọc trong sự chiêm niệm thần bí.

Ba mươi lăm năm cuối cuộc đời là thời gian Sơ Vêrônica hoàn toàn đắm chìm trong Ðức Kitô. Thiên Chúa đã thử thách để sơ phải trải qua sự khô khan khủng khiếp. Satan cũng lợi dụng cơ hội này để tấn công ngài dữ dội. Chính trong thời gian ấy, Ðức Giêsu đã trao vương miện mão gai của Chúa cho sơ. Và điều ấy đã hoàn tất việc chuyển trao tất cả năm dấu thánh của Chúa.

Giới chức quyền trong Giáo Hội ở Rôma muốn thử nghiệm các vết thương của Sơ Vêrônica và mở cuộc điều tra. Ngài tạm thời phải từ chức giám đốc đệ tử viện và không được phép tham dự Thánh Lễ hàng ngày, ngoại trừ ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc. Trong những điều kiện khắt khe ấy, Sơ Vêrônica vẫn không cay đắng, và sau đó cuộc điều tra đã phục hồi chức giám đốc cho ngài.

Vào năm 56 tuổi, mặc dù ngài phản đối, các nữ tu trong dòng đã chọn ngài làm bề trên và ngài đã giữ chức vụ ấy trong 11 năm cho đến khi từ trần.

Sơ Vêrônica rất sùng kính Thánh Thể và Thánh Tâm. Ngài dâng hiến những đau khổ của mình cho công cuộc truyền giáo. Sơ Vêrônica được phong thánh năm 1839.


Lời Bàn

Tại sao Thiên Chúa lại ban năm dấu thánh cho Thánh Phanxicô Assisi và cho Thánh Vêrônica? Chỉ có Thiên Chúa mới biết được các lý do sâu xa, nhưng như Tôma Celano giải thích, các dấu thánh bên ngoài là để xác nhận lòng quý mến thập giá hằng ngày của các thánh nhân. Các dấu thánh xuất hiện trên thân thể của Thánh Vêrônica đã bắt nguồn từ lâu trong tâm hồn ngài. Ðó là một kết quả xứng hợp với lòng yêu mến Thiên Chúa của thánh nữ cũng như sự bác ái của ngài đối với các nữ tu trong dòng.


Lời Trích

Tôma Celano nói về Thánh Phanxicô như sau: Mọi vui thú thế gian là thập giá cho ngài, vì ngài đã mang thập giá Ðức Kitô được ăn sâu trong tâm hồn. Và vì thế năm dấu thánh mới hiện ra bên ngoài thân thể, vì tự bên trong các dấu thánh ấy đã được phát sinh từ tâm trí của ngài” (2 Celano, #211).


11/07/2022

11 Tháng Bảy


Thánh Bênêđích (Biển Ðức)
(480?-543)

Thật đáng tiếc là không ai viết nhiều về một vị đã thể hiện biết bao kỳ công ảnh hưởng đến nếp sống đan viện Tây Phương. Thánh Bênêđích được đề cập đến nhiều trong các Ðối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả sau khi ngài chết khoảng năm mươi năm, nhưng đó chỉ là các sơ thảo của biết bao điều lạ lùng trong cuộc đời thánh nhân.

Ngài sinh trong một gia đình lỗi lạc ở Nursia, thuộc miền trung nước Ý, theo học tại Rôma và ngay từ khi còn trẻ, ngài đã thích đời sống đan viện. Lúc đầu, ngài là một vị ẩn tu sống trong một cái hang ở Subiaco, xa lánh thế giới nhiều chán nản mà lúc bấy giờ giặc ngoại giáo đang lan tràn, Giáo Hội bị phân chia bởi ly giáo, dân chúng đau khổ vì chiến tranh, đạo lý ở mức độ thấp nhất.

Sau đó không lâu, ngài thấy không thể sống cuộc đời ẩn dật ở gần thành phố, dù lớn hay nhỏ, do đó ngài đi lên núi cao, sống trong một cái hang và ở đó ba năm. Trong một thời gian, một số đan sĩ chọn ngài làm vị lãnh đạo, nhưng họ cảm thấy không thể theo được sự nghiêm nhặt của ngài. Tuy nhiên, đó cũng là lúc ngài chuyển từ đời sống ẩn tu sang đời sống cộng đoàn. Ngài có sáng kiến quy tụ các nhánh đan sĩ khác nhau thành một “Ðại Ðan Viện”, đem lại cho họ lợi ích của sự hợp quần, tình huynh đệ, và luôn luôn thờ phượng dưới một mái nhà. Sau cùng, ngài khởi công xây dựng một đan viện nổi tiếng nhất thế giới ở núi Cassino, cũng là nơi phát sinh dòng Bênêđích.

Cũng từ đó, một quy luật từ từ được hình thành nói lên đời sống cầu nguyện phụng vụ, học hỏi, lao động chân tay và sống với nhau trong một cộng đoàn dưới một cha chung là đan viện trưởng. Sự khổ hạnh của Thánh Bênêđích được coi là chừng mực, và đời sống bác ái của ngài được thể hiện qua sự lưu tâm đến những người chung quanh. Trong thời Trung Cổ, tất cả các đan viện ở Tây Phương dần dà đều sống theo Quy Luật Thánh Bênêđích.


Lời Bàn

Giáo Hội được nhiều ơn ích qua sự tận tụy của dòng Thánh Bênêđích về phụng vụ, không những chỉ các nghi thức phong phú được cử hành hiện nay nhưng còn các nghiên cứu học thuật của các phần tử trong dòng. Ðôi khi phụng vụ bị lầm lẫn với nhạc đời, với trống đàn đầy nhịp điệu kích động. Chúng ta phải biết ơn những người đã duy trì và thích ứng truyền thống đích thực về thờ phượng trong Giáo Hội.


Lời Trích

“Nói cho đúng, phụng vụ phải được coi là một sùng bái chức tư tế của Ðức Giêsu Kitô. Trong phụng vụ, con người được thánh hóa qua các dấu hiệu có thể cảm nhận được bằng giác quan…; trong phụng vụ, sự thờ phượng đầy đủ được thi hành bởi Nhiệm Thể của Ðức Giêsu Kitô, đó là, bởi Ðầu và các chi thể của Ngài.

“Từ đó xuất phát mọi nghi thức phụng vụ, vì đó là một hành động của Linh Mục Kitô và Thân Thể của Ngài là Giáo Hội, là một hành động thiêng liêng, vượt quá mọi thứ khác” (Hiến Chế Tín Lý về Phụng Vụ, 7).


12/07/2022

12 Tháng Bảy


Thánh Gioan Gualbert
(993-1073)

Sinh trong dòng họ quý tộc Visdomini ở Florence, Tuscany nước Ý, ngay từ nhỏ Gioan đã được học hỏi về đạo lý nhưng tâm hồn người thanh niên ấy bị lôi cuốn bởi những phù vân của thế gian hơn là đời sống đạo đức. Qua một biến cố đau thương, Chúa đã mở mắt Gioan. Ðó là cái chết thảm thương của Hugo, người em duy nhất của Gioan bị kẻ thù sát hại. Càng đau đớn bao nhiêu, Gioan càng quyết chí trả thù bấy nhiêu.

Vào một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Gioan bắt gặp kẻ thù trên con đường mòn dẫn đến Florence. Hắn chỉ có một mình và không cách chi trốn thoát được. Gioan rút gươm ra tiến đến tấn công, định đâm chết kẻ thù ngay tại chỗ, nhưng người này đã buông vũ khí, quỳ gối xuống một cách tuyệt vọng và hắn phó thác linh hồn cho Chúa, nhắm mắt chờ đợi. Hành động ấy đã khiến Gioan do dự. Anh nhìn xuống kẻ thù và bỗng nhớ đến lời Ðức Kitô trên thập giá đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Anh ôm lấy kẻ thù, tha thứ cho hắn và đi đến một nhà thờ ở Florence cầu nguyện với hàng nước mắt tuôn rơi vì nhớ đến đời sống tội lỗi của mình.

Sau đó Gioan gia nhập đan viện San Miniato ở Florence để ăn năn sám hối và siêng năng luyện tập các nhân đức, hy vọng sẽ sống mãi ở đây; nhưng khi đan viện trưởng từ trần và một đan sĩ khác đã hối lộ để lên được chức vụ này, Gioan ghê tởm bỏ đi. Ngài muốn tìm một cuộc sống không bị ảnh hưởng bởi các thối nát trong Giáo Hội thời bấy giờ mà hàng giáo sĩ có thê thiếp, đầy dẫy nạn con ông cháu cha và buôn thần bán thánh. Trong một ít lâu, Gioan sống với các đan sĩ Camaldoli tại đan viện Thánh Rômuanđô, nhưng sau đó ngài quyết định thành lập một tổ chức hoàn toàn mới.

Sau khi được tặng cho một ít đất ở Vallombrosa, cùng với sự giúp đỡ của một vài đan sĩ, ngài xây một đan viện nhỏ thật khiêm tốn, tuân giữ các quy luật nguyên thủy của Thánh Bênêđích. Ở đây, ngài tận tụy sống khó nghèo và hèn mọn. Thật vậy, ngài chưa bao giờ nhận chức linh mục và ngay cả từ chối nhận các chức nhỏ.

Cộng đoàn Vallombrosa đã cảm kích các cộng đoàn khác trong việc chăm sóc người nghèo và người đau yếu. Sau đó, các cộng đoàn này trở thành một phần tử của Dòng Vallombrosa sống theo quy luật của Ðức Gioan. Qua phương cách này Ðức Gioan trở nên người canh tân Giáo Hội mà các giáo hoàng đã giao phó cho ngài.

Bất cứ đan viện nào được thiết lập, Ðức Gioan luôn nhắc nhở họ phải xây dựng một cách vừa phải với vật liệu rẻ tiền và số tiền còn dư phải dùng để giúp đỡ người nghèo. Thật vậy, lòng bác ái của ngài được thể hiện qua một quy luật, mà bất cứ người nào đến xin nhà dòng đều được cấp dưỡng.

Ngay khi còn sống, Ðức Gioan đã nổi tiếng về sự khôn ngoan cũng như ơn tiên tri và làm phép lạ. Các giáo hoàng như Ðức Lêô IX, Ðức Stêphanô X đều đến nói chuyện với ngài. Ðức Giáo Hoàng Alexander II cho rằng Ðức Gioan đã có công trong việc xoá bỏ nạn buôn thần bán thánh trong quốc gia của ngài. Mặc dù được sự quý trọng của các giáo hoàng, Ðức Gioan vẫn luôn luôn khiêm tốn. Ngài từ trần ngày 12 tháng Bảy 1073, hưởng thọ khoảng 80 tuổi.


13/07/2022

13 Tháng Bảy

Thánh Henry II

(972-1024)

 Thánh Henry thuộc dòng dõi nhà vua mà cha là Công Tước xứ Bavaria, mẹ là công chúa xứ Burgundy. Ngay từ nhỏ, ngài được sự dạy bảo kỹ lưỡng của Thánh Wolfgang, là Giám Mục của Ratisbon. Năm 995, ngài kế vị cha làm Công Tước xứ Bavaria và năm 1002, sau khi người bác là Vua Otto III từ trần, ngài lên ngôi hoàng đế nước Ðức.

Vua Henry rất để ý đến hạnh phúc của người dân. Ðể bảo vệ công chính, nhiều lần ngài phải dẫn quân đi chiến đấu với các kẻ thù ở trong cũng như ngoài nước. Các chiến thắng không làm ngài tự đắc trở nên vô tâm mà ngài rất độ lượng và khoan hồng với kẻ thù.

Khoảng năm 998, ngài lập gia đình với một phụ nữ thánh thiện là Cunegundes. Sau này bà cũng được tuyên xưng là thánh. Vào năm 1014, cả hai người được ban thưởng cho danh hiệu hoàng đế và hoàng hậu của Thánh Ðế Quốc Rôma. Ðây là một vinh dự lớn lao vì chính Ðức Giáo Hoàng Bênêđích VIII đã đội vương miện cho hai người.

Tuy thừa hưởng tất cả những giầu sang và quyền thế ở trong tay, Hoàng Ðế Henry luôn nhớ đến các chân lý vĩnh cửu và suy niệm trong lòng. Thay vì đi tìm các vinh dự chóng qua của trần thế, ngài để ý đến những công việc làm vinh danh Thiên Chúa, trong đó sự thịnh vượng của Giáo Hội cũng như duy trì kỷ luật trong hàng giáo sĩ là điều ngài lưu tâm. Có lần ngài ao ước được từ chức để sống như một đan sĩ, nhưng theo lời khuyên bảo của đan viện trưởng ở Verdun, ngài đã ở lại ngôi vị.

Trong thời gian trị vì, ngài thành lập rất nhiều đoàn thể đạo đức, xây dựng nhiều cơ sở sinh hoạt tâm linh cũng như các đan viện và nhà thờ mới.

Ngài từ trần năm 1024, khi mới năm mươi hai tuổi và được phong thánh năm 1146.

Lời Bàn

Gương mẫu đời sống của Thánh Henry khiến chúng ta phải nhìn lại sự bận rộn của đời sống chúng ta. Có ai bận rộn bằng một ông vua, nhưng Hoàng Ðế Henry vẫn dành thời giờ cho Thiên Chúa trong sự suy niệm và sinh hoạt đạo đức. Noi gương Thánh Henry, chúng ta nên sắp xếp thời giờ để hàng ngày trở về với nguồn sinh lực của chúng ta, là Thiên Chúa toàn năng.


14/07/2022

14 Tháng Bảy

Thánh Kateri Tekakwitha

(1656-1680)

Máu các vị tử đạo là hạt giống nẩy sinh các thánh. Chín năm sau khi các linh mục dòng Tên là Cha Isaac Jogues và Jean de Brebeuf bị các thổ dân da đỏ Huron và Iroquois tra tấn cho đến chết, một bé gái đã chào đời gần nơi các vị tử đạo, ở Auriesville, Nữu Ước. Cô là thổ dân da đỏ đầu tiên thuộc vùng Bắc Mỹ được phong chân phước. Mẹ cô là một Kitô Hữu người Algonquin, bà đã bị người Iroquois bắt và buộc phải làm vợ của tù trưởng bộ lạc Mohawk, là bộ lạc dũng cảm và tàn bạo nhất trong Ngũ Quốc.

Khi lên bốn tuổi, Kateri mất cha mẹ và cả đứa em trai trong trận dịch đậu mùa mà chính cô cũng bị gần như mù và khuôn mặt bị méo mó. Cô được một người chú đem về nuôi sau khi ông lên kế vị cha cô làm tù trưởng. Ông không thích các tu sĩ A¨o Ðen nhưng ông không thể làm gì được vì một thỏa ước ký kết với Pháp, buộc phải có sự hiện diện của tu sĩ trong các làng có người Kitô Giáo bị bắt giữ. Kateri rất thích nghe các vị tu sĩ A¨o Ðen giảng thuyết, nhưng chú cô lại sợ rằng cô sẽ theo đạo Công Giáo. Thật vậy, khi lên 19 tuổi, sau khi từ chối lời cầu hôn của một thanh niên Mohawk, vào Chúa Nhật Phục Sinh, cô đã được rửa tội và lấy tên thánh là Kateri (Catarina).

Bây giờ cô bị đối xử như một người nô lệ. Vì cô không làm việc ngày Chúa Nhật nên cô không được lãnh thực phẩm trong ngày ấy. Ðời sống ơn sủng của cô gia tăng mau chóng. Cô nói với một vị thừa sai rằng cô thường suy niệm về ơn cao trọng khi được rửa tội. Cô rất cảm kích bởi tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người và cô nhìn thấy phẩm giá nơi mỗi một người dân. Cô luôn luôn trong tình trạng nguy hiểm, vì sự trở lại đạo và đời sống thánh thiện của cô đã tạo nên sự chống đối dữ dội. Theo lời khuyên của một linh mục, một đêm kia cô bỏ trốn và đi bộ 200 dặm đến một làng da đỏ Công Giáo ở Sault St. Louis, gần Montreal (Gia Nã Ðại).

Trong ba năm, Kateri ngày càng thánh thiện dưới sự dẫn dắt của một linh mục và một bà người Iroquois. Cô hiến mình cho Thiên Chúa qua những giờ cầu nguyện, làm việc bác ái và tích cực ăn chay hãm mình. Từ sáng sớm cô đã đứng chờ nơi cửa nhà thờ để dự lễ lúc 4 giờ sáng và ở lại đó cho đến Thánh Lễ cuối cùng. Cô đặc biệt sùng kính Thánh Thể và Ðức Giêsu trên Thánh Giá.

Vào năm 23 tuổi, Kateri thề giữ mình đồng trinh, đó là một hành động bất thường của một phụ nữ da đỏ, là người chỉ sống nhờ vào chồng. Cô lập một cái chòi trong rừng vắng để cầu nguyện hàng ngày và bị dèm pha là để gặp gỡ một người đàn ông! Việc cô thề giữ mình đồng trinh là một hành động theo bản năng, vì cô không biết trong Giáo Hội có đời sống tu trì dành cho nữ giới, mãi cho đến khi cô đến Montréal. Thấy vậy, cô phấn khởi cùng với hai người bạn định tâm thành lập một tu hội, nhưng vị linh mục địa phương đã ngăn cản cô. Rất khiêm tốn, cô chấp nhận một cuộc sống “bình thường” mà trong đó, cô ăn chay hãm mình một cách khắt khe như để đền tội cho dân tộc của cô.

Vào ngày 7 tháng Tư 1680, cô từ trần vào buổi tối trước Thứ Năm Tuần Thánh, mới hai mươi bốn tuổi. Các nhân chứng cho biết, lúc ấy khuôn mặt hốc hác của cô đổi màu và tươi tắn như một đứa trẻ khỏe mạnh. Các nếp nhăn, ngay cả các vết rỗ trên khuôn mặt cũng biến mất và một nụ cười hé nở trên môi cô.

Người da đỏ gọi cô là “Hoa huệ người Mohawk”. Sự ngưỡng mộ Kateri đã giúp hình thành các trung tâm truyền giáo cho người da đỏ ở Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại. Kateri được phong chân phước năm 1980.


Lời Bàn

Chúng ta thường nghĩ đời sống thánh thiện bị cản trở bởi hoàn cảnh, và ước chi chúng ta có thêm thời giờ riêng tư, ít bị quấy rầy hay chống đối và được khoẻ mạnh hơn. Chân Phước Kateri đã chứng minh cho thấy, sự thánh thiện triển nở trên thập giá, ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, ngài đã có những gì mà mọi Kitô Hữu phải cần, đó là sự hỗ trợ của một cộng đoàn.

Ngài có một người mẹ tốt lành, có các linh mục tận tình giúp đỡ và các bạn Kitô Hữu. Những điều kiện này được gọi là tiên khởi, và chỉ sinh kết quả nếu quyết tâm thi hành ba nguyên tắc cổ xưa của Kitô Giáo là cầu nguyện, ăn chay và bố thí: kết hợp với Thiên Chúa qua Ðức Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, tự khắc phục con người của mình để vượt qua những đau khổ, và sống bác ái đối với anh chị em.

Lời Trích

“Tôi không cô đơn vì tôi đã tận hiến cho Ðức Giêsu. Ngài là tình yêu duy nhất của tôi. Tôi không sợ tình trạng bơ vơ nghèo nàn vì không lấy chồng. Tất cả những gì tôi cần là một chút thực phẩm và một vài quần áo. Với công việc tay tôi làm ra, tôi sẽ có những gì tôi cần, và những gì còn dư tôi sẽ cho người bà con và người nghèo. Nếu tôi bị bệnh và không thể làm việc được, tôi sẽ trở nên giống Chúa trên thập giá. Ngài sẽ thương xót tôi và giúp đỡ tôi. Tôi biết chắc như thế.”


15/07/2022

15 Tháng Bảy

Thánh Bônaventura

(1221-1274)

Thánh Bônaventura — một tu sĩ Phanxicô, một thần học gia, một Tiến Sĩ Hội Thánh –vừa uyên bác và vừa thánh thiện. Vì nét linh đạo luôn luôn thể hiện nơi con người và văn bản của ngài, nên lúc đầu ngài được gọi là Tiến Sĩ Ðạo Ðức; nhưng trong các thế kỷ gần đây ngài được gọi là Tiến Sĩ Thánh theo gương “Cha Thánh” là Thánh Phanxicô, vì ngài sống tinh thần đích thực của một tu sĩ Phanxicô

Vào năm 1257, ngài được chọn làm bề trên Dòng khi mới ba mươi lăm tuổi và đã thành công trong việc hòa dịu các xáo trộn trong Dòng vì những bất đồng nội bộ. Ngài rất có công với Dòng và đã viết lại tiểu sử của Thánh Phanxicô. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê IV bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của York, nhưng ngài xin đừng ép buộc phải chấp nhận vinh dự ấy. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X đã buộc ngài phải chấp nhận một vinh dự cao hơn, đó là chức Hồng Y và Giám Mục của Albanô.

Vào sáng ngày 15 tháng Bảy 1274, trong khi Công Ðồng Lyon II đang khai diễn, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X và các giáo phụ trong Công Ðồng đã phải bàng hoàng khi nghe tin Ðức Bônaventura từ trần. Một người chép sử vô danh đã ghi lại cảm tưởng về ngài: “Một người uyên bác có tài hùng biện, và thánh thiện ngoại hạng, ngài nổi tiếng về sự nhân từ, dễ làm quen, hòa nhã và giầu lòng thương người. Với tất cả các đức tính ấy, ngài được Thiên Chúa yêu dấu và thực sự là một con người. Trong tang lễ của ngài, nhiều người đã nhỏ lệ, vì Thiên Chúa đã ban cho ngài một ơn sủng, đó là bất cứ ai biết đến ngài đều quý mến ngài một cách chân thành.”

Lời Trích

“Hạnh phúc thì không gì khác hơn là vui hưởng sự Toàn Thiện, và vì sự Toàn Thiện ở trên chúng ta, nên chúng ta không thể có hạnh phúc nếu không vượt lên trên chính mình. Tự sức mình, chúng ta không thể siêu thoát nếu không có sự trợ giúp của quyền lực siêu nhiên mà quyền lực ấy đã hạ xuống thấp để nâng chúng ta lên. Dù đời sống nội tâm của chúng ta có tiến bộ như thế nào, điều đó không ích gì cho chúng ta nếu nỗ lực ấy không được sự trợ giúp từ trên cao. Thiên Chúa sẵn sàng cứu giúp những ai tìm kiếm với tâm hồn khiêm tốn và thành khẩn; điều này thực hiện được qua sự chân thành cầu nguyện.

“Như vậy, cầu nguyện là nguồn gốc của mọi hành trình tiến đến Thiên Chúa. Do đó, mỗi người chúng ta hãy trở về với đời sống cầu nguyện và thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con trên con đường của Chúa, để con có thể bước đi trong chân lý của Ngài.’” (Thánh Bônaventura)


16/07/2022

16 Tháng Bảy

Ðức Bà Núi Camêlô

Từ thế kỷ 12, ở núi Camêlô đã có các vị ẩn tu sống gần một suối nước mà Tiên Tri Elijah từng sinh sống ở đây. Họ xây một nguyện đường dâng kính Ðức Mẹ. Cho đến thế kỷ 13, họ được gọi là “Các Tiểu Ðệ của Ðức Bà Núi Camêlô.” Sau đó, họ dành một ngày đặc biệt để mừng kính Ðức Maria. Vào năm 1726, ngày lễ ấy trở nên chính thức trong Giáo Hội hoàn vũ dưới tên Ðức Bà Núi Camêlô. Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Camêlô tự coi mình có liên hệ đặc biệt với Ðức Maria. Các thần học gia và các thánh vĩ đại của dòng Camêlô thường cổ động lòng sùng kính Ðức Maria và bênh vực cho đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria.

Thánh Têrêsa Avila gọi Dòng Camêlô là “Dòng của Ðức Trinh Nữ.” Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng Ðức Maria đã cứu ngài khỏi chết đuối khi còn nhỏ, đã dẫn dắt ngài đến dòng Camêlô và đã giúp ngài thoát khỏi tù ngục. Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu tin rằng Ðức Maria đã chữa ngài khỏi bệnh. Vào ngày Rước Lễ Lần Ðầu, ngài dâng mình cho Ðức Maria. Trong những ngày cuối đời, ngài thường nói về Ðức Maria.

Có một truyền thuyết nói rằng Ðức Maria đã hiện ra với Thánh Simon Stock, một bề trên Dòng Camêlô, và đã trao cho ngài một khăn choàng, bảo ngài hãy cổ động lòng sùng kính khăn ấy. Khăn choàng là một hình thức biến đổi của áo Ðức Bà. Nó tượng trưng cho sự bảo vệ đặc biệt của Ðức Maria và kêu gọi người mang khăn ấy hãy tận hiến cho ngài trong một phương cách đặc biệt. Hiển nhiên, điều này không có nghĩa được cứu chuộc một cách lạ lùng. Ðúng hơn, khăn choàng nhắc nhở chúng ta nhớ đến lời mời gọi của Phúc Âm là hãy siêng năng cầu nguyện và hãm mình đền tội — là lời mời gọi mà Ðức Maria đã thể hiện một cách tốt đẹp nhất.


Lời Bàn

Ngay từ thuở ban đầu, các tu sĩ dòng Cát Minh thường được gọi là các “Tiểu Ðệ của Ðức Bà Camêlô.” Danh xưng này có nghĩa, các ngài không chỉ coi Ðức Maria như một “người mẹ”, mà còn là một “người chị”. Chữ chị nói lên ý nghĩa Ðức Maria rất gần với chúng ta. Ngài là người con của Thiên Chúa và do đó có thể giúp chúng ta trở nên con cái xứng đáng của Thiên Chúa. Ngài còn giúp chúng ta quý trọng tha nhân như anh chị em mình. Ngài giúp chúng ta nhận thức rằng mọi người đều thuộc về một gia đình của Thiên Chúa. Chỉ khi nào mọi người đều tin tưởng như vậy thì nhân loại mới hy vọng tìm thấy con đường dẫn đến bình an.

Lời Trích

“Nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa mà Giáo Hội đã chấp nhận trong khuôn khổ giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo khuynh hướng và sự hiểu biết của người tín hữu, để đảm bảo rằng, trong khi người mẹ được tôn vinh thì người Con cũng được nhận biết cách xứng hợp, được kính mến, được vinh danh và các giới răn của Người được tuân giữ, vì qua Người mà muôn vật được tạo thành (x. Col. 1:15-16) và trong Người mà Thiên Chúa Cha hài lòng vì tất cả được viên mãn nơi Người (x. Col. 1:19) (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 66).


17/07/2022

17 Tháng Bảy

Thánh Phanxicô Sôlanô
(1549-1610)

Thánh Phanxicô Sôlanô sinh ở Andalusia, Tây Ban Nha, theo học trường của các cha dòng Tên, và năm 1569, ngài gia nhập dòng Phanxicô Hèn Mọn. Sau khi thụ phong linh mục, với tất cả nhiệt huyết ngài thi hành mục vụ ở phía nam Tây Ban Nha trong việc cứu vớt các linh hồn. Trong thời gian có trận dịch ở Granada, ngài tận tụy chăm sóc các bệnh nhân và chính ngài cũng bị lây bệnh nhưng đã bình phục mau chóng.

Thanh Phanxico Rua Toi Mot Tu Truong Sau đó, ngài được sai đi truyền giáo ở Peru, Nam Mỹ. Khi gần đến Peru, con tầu bị bão và mắc cạn. Trong khi giông bão đang phá vỡ con tầu ra từng mảnh, mọi người được lệnh phải bỏ tầu bơi vào bờ thì Cha Phanxicô Sôlanô đã can đảm ở lại, cứu vớt những người nô lệ da đen còn kẹt trong khoang tầu. Ngoài một số bị chìm, tất cả đã được cứu thoát và đưa đến Lima, Peru.

Trong hai mươi năm ở các vùng mà bây giờ là Á Căn Ðình, Bovilia và Paraguay, ngài làm việc không ngừng nghỉ cho người thổ dân và người thực dân Tây Ban Nha.

Người ta nói rằng Cha Phanxicô Sôlanô có tài học tiếng bản xứ rất mau chóng, và sau một vài phép lạ ngài được dân chúng gọi là “người kỳ diệu của Tân Thế Giới”. Một trong những thói quen của ngài, rất giống Cha Thánh Phanxicô, là chơi vĩ cầm cho các bệnh nhân thưởng thức và thường hát các bài mừng kính Ðức Mẹ trước bàn thờ.

Khoảng năm 1601, ngài được gọi về Lima, Peru, là nơi ngài cố gắng kêu gọi người thực dân Tây Ban Nha sống đức tin của mình. Ngài còn cố gắng bảo vệ người thổ dân khỏi bị áp bức. Ngài từ trần ở Lima và được phong thánh năm 1726.


Lời Bàn

Qua kinh nghiệm bản thân, Thánh Phanxicô Sôlanô biết, nhiều khi đời sống Kitô Hữu là một trở ngại lớn cho việc truyền giáo. Chính thánh nhân đã sống làm gương, và thúc giục người đồng hương Tây Ban Nha sống xứng đáng với ơn gọi khi được rửa tội.


Lời Trích

“Khi Cha Phanxicô Sôlanô đang hấp hối, một thầy trợ sĩ nói với ngài, ‘Thưa cha, khi Chúa đưa cha lên thiên đàng, xin cha hãy nhớ đến con trong vương quốc vĩnh cửu ấy.’ Với sự hân hoan, Cha Phanxicô trả lời, ‘Thật đúng như vậy, cha sẽ vào thiên đàng nhưng đó là nhờ sự thống khổ và cái chết của Ðức Giêsu Kitô; cha chỉ là một người rất tội lỗi. Khi cha đến quê trời, cha sẽ là người bạn tốt của con’.”


18/07/2022

18 Tháng Bảy


Chân Phước Angeline ở Marsciano
(1374-1435)

Chân Phước Angeline là người sáng lập cộng đoàn nữ tu Phanxicô đầu tiên, nếu không kể dòng Thánh Clara Khó Nghèo.

Angeline là con của Công Tước xứ Marsciano. Khi 12 tuổi, ngài đã mồ côi mẹ. Ba năm sau, người thiếu nữ này thề giữ mình đồng trinh trọn đời. Tuy nhiên, cùng năm ấy, ngài vâng lời cha mà kết hôn với Công Tước xứ Civitella. Chồng ngài đồng ý tôn trọng lời thề của ngài.

Khi ông chồng từ trần vào hai năm sau, Angeline gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục và cùng với các phụ nữ khác, ngài tận tụy trong việc chăm sóc người đau yếu, người nghèo, người goá phụ và trẻ mồ côi. Khi cộng đoàn của Angeline thu hút nhiều phụ nữ trẻ tuổi khác, thì một số người đã lên án ngài về tội phá hoại ơn gọi gia đình. Truyền thuyết kể rằng, khi phải trình diện vua xứ Naples để trả lời về sự cáo buộc ấy, ngài lấy chiếc áo khoác đang mặc mà bọc lấy mớ than cháy nóng. Khi ngài tuyên bố là mình vô tội và để chứng minh điều ấy, ngài mở áo khoác ra cho thấy mớ than nóng bỏng kia không gây thiệt hại gì cho ngài, và nhà vua đã bỏ qua vụ kiện.

Sau này Angeline và đồng bạn đã đến Foligno, là nơi cộng đoàn Dòng Ba của ngài được đức giáo hoàng chấp thuận vào năm 1397. Sau đó không lâu, ngài đã thành lập 15 cộng đoàn tương tự cho các phụ nữ ở các thành phố trong nước Ý.

Angeline từ trần ngày 14 tháng Bảy 1435 và được phong chân phước năm 1825.

Lời Bàn

Các linh mục và tu sĩ nam nữ không thể là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, nếu họ coi thường ơn gọi gia đình. Chân Phước Angeline tôn trọng hôn nhân nhưng cảm thấy được mời gọi theo một đường lối khác để sống Phúc Âm. Sự lựa chọn của ngài là hy sinh đời sống trong một phương cách độc đáo.


19/07/2022

19 Tháng Bảy


Tôi Tớ Thiên Chúa
Phanxicô Garcés và Các Bạn (k. 1781)

Vì sự can thiệp của nhà cầm quyền trong các sứ vụ truyền giáo và vấn đề chiếm đất ở Tân Thế Giới đã khiến thổ dân da đỏ nổi dậy và Giáo Hội đã mất đi các nhà truyền giáo hăng say. Là người cùng thời với Chân Phước Junipero Serra và trong thời gian cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, Phanxicô Garcés sinh ở Tây Ban Nha năm 1738, và ngài gia nhập Dòng Phanxicô ở đây.

Sau khi thụ phong linh mục năm 1763, ngài được sai đến Mễ Tây Cơ. Năm năm sau ngài được bổ nhiệm về San Xavier del Bac gần Tucson, Hoa Kỳ, là một trong các trung tâm truyền giáo do các cha dòng Tên đã thành lập trước đây trong tiểu bang Arizona và New Mexico, mà sau đó, vào năm 1767, các cha dòng Tên đã bị trục xuất ra khỏi phần lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của vua Tây Ban Nha người Công Giáo.

Ở Arizona, Cha Phanxicô làm việc cho các thổ dân da đỏ người Papago, Yuma, Pima và Apache. Công cuộc truyền giáo đã đưa ngài vượt qua rặng Grand Canyon và đến tiểu bang California.

Cha Palou, người cùng thời với Cha Garcés, viết lại rằng Cha Garcés được người thổ dân rất quý mến, và ngài sống với họ trong một thời gian lâu mà không bị nguy hại gì. Họ thường đem thực phẩm cho ngài và mỗi khi gặp ngài, họ thường chào “Vạn Tuế Ðức Giêsu,” là câu tung hô mà ngài đã dạy cho họ.

Ðể bảo vệ các thổ dân tân tòng, các nhà truyền giáo Tây Ban Nha dự định xây cất các trung tâm truyền giáo cách biệt với nơi trú đóng của binh lính và thực dân Tây Ban Nha. Nhưng quan chỉ huy ở Mễ Tây Cơ quyết định rằng hai trung tâm truyền giáo dọc theo sông Colorado, là Trung Tâm San Pedro y San Pablo và Trung Tâm La Purísima Concepcion, phải là nơi chung đụng giữa binh lính và thổ dân.

Một cuộc nổi dậy của người Yumas chống với binh lính Tây Ban Nha đã khiến các tu sĩ Juan Diaz và Matias Moreno từ trần ở Trung Tâm San Pedro y San Pablo. Các cha Phanxicô Garcés và Juan Barreneche bị giết ở Trung Tâm La Purísima Concepcion.


Lời Bàn

Trong thế kỷ 18, các thổ dân vùng Tây Nam Hoa Kỳ coi đạo Công Giáo và quyền lực Tây Ban Nha là một. Khi họ muốn loại bỏ quyền lực thì tôn giáo mới cũng phải ra đi. Chúng ta có dám chấp nhận những biến cải có thể chấp nhận được về đức tin Công Giáo của các dân tộc khác không? Chúng ta có bực mình về những phong tục của người Công Giáo trong các nền văn hóa khác không? Chúng ta có coi gương mẫu đời sống của chúng ta là một đóng góp cho công cuộc truyền giáo không?

Lời Trích

Trong chuyến tông du Phi Châu năm 1969, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với 22 người Uganda tân tòng rằng “trở nên một Kitô Hữu là điều tốt nhưng không luôn luôn dễ dàng.”


20/07/2022

20 Tháng Bảy


Thánh Kunigunde
(1224-1292)

Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về quê hương Ba Lan vào tháng Sáu năm 1999, ngài đã thể hiện giấc mơ phong thánh cho Kunigunde, một công chúa người Ba Lan mà việc phong thánh đã bị đình trệ trong nhiều năm vì điều kiện chính trị. Cùng cử mừng biến cố quan trọng này với đức giáo hoàng là nửa triệu người dân Ba Lan trong một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Stary Sacz.

Kunigunde, hay còn gọi là Kinga, sinh trong thế kỷ 13 ở Hung Gia Lợi và thuộc về một hoàng tộc không những nổi tiếng về thế lực chính trị mà còn có nhiều phụ nữ thánh thiện. Những người dì của Kunigunde gồm Thánh Elizabeth ở Hung Gia Lợi, Thánh Hedwig và Chân Phước Agnes ở Prague; cũng được kể trong vòng bà con là Thánh Margaret dòng Ða Minh và Chân Phước Yolande.

Khi mới 15 tuổi, Kunigunde đã hứa hôn với một thanh niên mà sau này là Vua Boleslaus của Ba Lan. Khi kết hôn, trước mặt vị giám mục, cả hai đều thề giữ mình đồng trinh và họ đã trung thành với lời thề ấy trong 40 năm hôn nhân.

Trong thời gian đó, Hoàng Hậu Kunigunde chăm sóc các cô em và dành nhiều thời giờ để đi thăm bệnh nhân. Với tư cách là Ðệ Nhất Phu Nhân của Ba Lan, ngài lo lắng đến phúc lợi của người dân và các nhu cầu đặc biệt của họ. Ngài cho xây nhiều nhà thờ và bệnh viện cũng như chuộc người Công Giáo khỏi tay người Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi Vua Boleslaus từ trần năm 1279, dân chúng thúc giục Hoàng Hậu Kunigunde lên nắm quyền cai trị, nhưng ngài ao ước tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Do đó, trong 13 năm, ngài sống cuộc đời đơn sơ của một nữ tu dòng Thánh Clara Nghèo Hèn, sống trong tu viện mà chính tay ngài đã thiết lập ở Stary Sacz. Sau đó, ngài được chọn làm bề trên, và đã cai quản dòng với sự khôn ngoan và bác ái.

Ngài từ trần ngày 24 tháng Bảy 1292 khi 58 tuổi. Nhiều phép lạ đã xảy ra tại ngôi mộ của ngài.

Vào năm 1715, Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XI đặt ngài làm quan thầy đặc biệt của người Ba Lan và người Lithuania.


21/07/2022

21 Tháng Bảy


Thánh Lawrence ở Brindisi
(1559-1619)

Thoạt nhìn qua tiểu sử, có lẽ đặc tính nổi bật của Thánh Lawrence ở Brindisi là ngài biết nhiều thứ tiếng. Ngoài kiến thức của tiếng mẹ đẻ là tiếng Ý, ngài còn có thể đọc và viết thông thạo tiếng Latinh, Do Thái, Hy Lạp, Ðức, Bohemia, Tây Ban Nha và tiếng Pháp

Ngài sinh ngày 22 tháng Bảy 1559, và từ trần đúng 60 năm sau cũng vào ngày sinh nhật năm 1619. Tên thật của ngài là Julius Caesare, sau khi cha mẹ mất sớm, ngài được người chú nuôi nấng và cho theo học trường Thánh Máccô ở Venice.

Khi mới 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Capuchin ở Venice và lấy tên là Lawrence. Ngài học triết thần, Kinh Thánh, và các ngôn ngữ ở Ðại Học Padua và được thụ phong linh mục năm 23 tuổi.

Với khả năng ngôn ngữ trổi vượt, ngài có thể nghiên cứu Phúc Âm bằng tiếng nguyên thủy. Theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, ngài dành nhiều thời giờ để rao giảng cho người Do Thái ở Ý. Ngài thông thạo tiếng Hebrew đến nỗi các giáo sĩ Do Thái tin rằng ngài là người Do Thái trở lại Kitô Giáo.

Ngài rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác — đó là một đặc tính không ngờ nơi một học giả tài giỏi như vậy. Ngài được bầu làm bề trên tỉnh dòng Capuchin ở Tuscany khi mới 31 tuổi. Ngài là một con người tổng hợp của sự lỗi lạc, có lòng thương người và khả năng điều hành. Sau một loạt “thăng quan tiến chức”, ngài được các tu sĩ Capuchin chọn làm bề trên toàn Dòng vào năm 1602. Với chức vụ này, ngài góp phần lớn trong việc phát triển Dòng về phương diện địa lý.

Sau khi từ chối việc tái bổ nhiệm chức vụ bề trên vào năm 1605, ngài được đức giáo hoàng chọn làm sứ thần và sứ giả hòa bình cho một vài tranh chấp giữa các hoàng gia. Vào năm 1616, ngài giã từ mọi sinh hoạt trần tục để về sống trong tu viện ở Caserta. Nhưng sau đó, thể theo lời yêu cầu của các nhà cầm quyền ở Naples, ngài đã đến Tây Ban Nha để can thiệp với Vua Philip. Cái nóng bức oi ả mùa hè trong chuyến đi ấy đã làm ngài kiệt sức, và vài ngày sau khi gặp gỡ nhà vua, ngài từ trần ở Lisbon ngày 22 tháng Bảy.

Vào năm 1956, Dòng Capuchin hoàn tất việc biên soạn 15 tuyển tập của ngài. Trong các tuyển tập ấy, mười một tập là các bài giảng, mỗi bài giảng được ngài dựa trên một câu Kinh Thánh để dẫn giải.

Ngài được phong thánh năm 1881 và được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1959.


Lời Bàn

Ðặc điểm của Thánh Lawrence là tận tụy với Kinh Thánh và nhạy cảm trước nhu cầu của người khác, đó là một lối sống hấp dẫn đối với Kitô Hữu của thế kỷ 20. Thánh Lawrence đã quân bình đời sống qua việc hòa hợp giữa tinh thần kỷ luật và biết để ý đến nhu cầu của những người mà ngài được mời gọi để phục vụ.


Lời Trích

“Thiên Chúa là tình yêu, và mọi hoạt động của Người xuất phát từ tình yêu. Một khi Người muốn thể hiện sự tốt lành ấy bằng cách chia sẻ tình yêu của Người ra cho bên ngoài, thì sự Nhập Thể là một thể hiện vượt bực về sự tốt lành và tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, Ðức Kitô đã được tiền định trước tất cả mọi tạo vật và cho chính Người. Vì Người mà muôn vật được tạo thành, và đối với Người mà muôn vật phải quy phục, và Thiên Chúa yêu quý mọi tạo vật trong Ðức Kitô và vì Ðức Kitô. Ðức Kitô là trưởng tử của mọi tạo vật, và toàn thể nhân loại cũng như thế giới vật chất tìm thấy nền tảng và ý nghĩa của nó trong Ðức Kitô. Hơn thế nữa, điều này cũng sẽ xảy ra nếu ngay cả Adong không phạm tội” (Thánh Lawrence ở Brindisi, Tiến Sĩ Hội Thánh).


22/07/2022

Ngày 22/07

Thánh Maria Mađalêna

Trong Phúc Âm, ngoại trừ mẹ Ðức Giêsu, ít phụ nữ được vinh dự bằng Maria Mađalêna. Tuy nhiên, người rất thích hợp là quan thầy của những người bị phỉ báng, vì trong Giáo Hội, luôn luôn người ta cho rằng người là người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Ðức Giêsu trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7:36-50.

Hầu hết các học giả ngày nay đều cho rằng sự lẫn lộn ấy không có căn bản Phúc Âm. Maria Mađalêna, chính là “Maria Mácđala”, người được Ðức Kitô chữa khỏi “bảy quỷ” (Luca 8:2) — đó là một biểu thị về sự quỷ ám nặng nề hoặc, có thể, bị bệnh nặng.

Cha W.J. Harrington, dòng Ða Minh, trong cuốn New Catholic Commentary (Chú Giải Mới của Công Giáo), người viết “bảy quỷ” “không có nghĩa là Maria sống một cuộc đời đồi bại — đó là một kết luận do bởi nhầm lẫn Maria với người phụ nữ vô danh trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7:36. Cha Edward Mally, dòng Tên, trong cuốn Jerome Biblical Commentary (Chú Giải Phúc Âm Thánh Giêrôm), cha đồng ý rằng Maria Mađalêna “không phải là người tội lỗi như được viết trong Luca 7:37, dù rằng sau này Tây Phương có truyền thống gán ghép điều ấy cho người.”

Maria Mađalêna là một trong những người “đã giúp đỡ các người (Ðức Giêsu và Nhóm Mười Hai) bằng các phương tiện của họ.” Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Ðức Giêsu với Ðức Mẹ. Và, trong các nhân chứng “chính thức” đã được chọn để chứng kiến sự Phục Sinh, thì người là một trong những người được ưu tiên đó.

Có lẽ Thánh Maria Mađalêna từng mỉm cười khi bị “nhận diện sai lầm” trong 20 thế kỷ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng người không cho đó là điều khác biệt. Tất cả chúng ta là kẻ có tội đều cần đến ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, dù tội lỗi chúng ta có kinh khiếp hay không. Quan trọng hơn nữa, cùng với thánh nữ, tất cả chúng ta là các nhân chứng “bán chính thức” của sự Phục Sinh.


23/07/2022

23 Tháng Bảy


Thánh Bridget ở Thụy Ðiển
(1303?-1373)

Từ lúc bảy tuổi trở đi, Thánh Bridget đã được thị kiến Ðức Kitô trên thánh giá. Các thị kiến ấy làm nền tảng cho đời sống thánh nữ — luôn luôn chú trọng đến đức ái hơn là trông đợi các ơn huệ thiêng liêng.

Thánh Bridget là một người trong hoàng gia Thụy Ðiển, được thừa hưởng sự đạo đức của cha mẹ, ngay từ nhỏ ngài đã yêu quý sự Thống Khổ của Ðức Kitô. Khi mười bốn tuổi, vâng lời cha, ngài kết hôn với vua Thụy Ðiển là Magnus II và có tám người con (người con thứ là Thánh Catarina ở Thụy Ðiển). Sau khi nhà vua từ trần ngài sống một cuộc đời rất khổ hạnh.

Trong thời gian hôn nhân, Thánh Bridget cố gắng ảnh hưởng tốt đến vua Magnus. Dù chưa hoàn toàn thay đổi, nhà vua cũng đã ban cho ngài đất đai và cơ sở để thiết lập một đan viện cho nam giới và nữ giới. Tổ chức này sau đó phát triển thành một tu hội, được gọi là Tu Hội Thánh Bridget (hiện vẫn còn).

Vào Năm Thánh 1350, Thánh Bridget bất chấp bệnh dịch đang lan tràn khắp Âu Châu, ngài thực hiện cuộc hành hương đến Rôma. Ngài không bao giờ trở về Thụy Ðiển và những năm ở Rôma thật không sung sướng chút nào vì bị chủ nợ săn đuổi và bị chống đối bởi sự thối nát trong Giáo Hội thời bấy giờ.

Chuyến hành hương sau cùng của ngài đến Ðất Thánh thì bị hỏng vì đắm tầu và cái chết của người con trai. Các biến cố ấy cũng dẫn đến cái chết của ngài vào năm 1373. Ngài là quan thầy của nước Thụy Ðiển.

Vào năm 1999, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên xưng Thánh Bridget là một trong ba thánh nữ làm quan thầy của Âu Châu, cùng với các Thánh Catarina ở Siena và Thánh Edith Stein. Ðức Thánh Cha nhận xét rằng Thánh Bridget đã hoạt động “không ngừng cho sự hiệp nhất giữa các Kitô Hữu” trong những cuộc du hành của ngài trên khắp Âu Châu. Thánh nữ được sự sùng kính của người Tin Lành Lutheran cũng như người Công Giáo.


Lời Bàn

Các thị kiến của Thánh Bridget, thay vì cô lập ngài khỏi các sinh hoạt của thế gian, đã đưa ngài can dự vào nhiều vấn đề đương thời, dù đó là chính sách của hoàng gia hay của giáo triều Avignon. Ngài không thấy sự mâu thuẫn giữa các cảm nghiệm thần bí và các sinh hoạt trần tục, và cuộc đời ngài chứng minh rằng sự thánh thiện có thể thực hiện được giữa nơi chính trường.


24/07/2022

24 Tháng Bảy


Thánh Christina

Thánh Christina sinh trong thế kỷ thứ ba và là con gái của một quan tòa giầu có và thế lực tên Urbain. Cha của ngài, là người đắm chìm trong việc thờ cúng tà thần, có rất nhiều các tượng thần bằng vàng mà thánh nữ đã tiêu hủy và lấy vàng phân phát cho người nghèo

Tức giận vì hành động này, ông Urbain trở nên người hành hạ chính con gái mình. Ông ra lệnh dùng roi đánh con và ném con vào ngục tối. Christina vẫn không lay chuyển đức tin. Người cha ra lệnh dùng móc sắt để xé thân thể con gái mình và cột cô vào tấm vỉ mà bên dưới đang cháy lửa. Nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ tôi tớ Người bằng cách khiến lửa bắn tung vào kẻ hành hình. Sau đó Christina bị quấn cổ bằng một tảng đá lớn và ném xuống hồ Balsena, nhưng ngài được thiên thần cứu sống, trong khi cha ngài, vì tức giận mà chết.

Quan toà kế vị Urbain cũng tàn nhẫn không kém. Ông ra lệnh thiêu sống Christina, nhưng ngài vẫn sống sót. Ngài bị ném vào chuồng đầy rắn, sau đó bị cắt lưỡi và sau cùng bị tên đâm thâu qua người. Ngài được triều thiên tử đạo ở Tyro. Di tích của thánh nữ hiện vẫn còn giữ ở Palermo thuộc Sicily.

**************************************************************


Chân Phước Louise ở Savoy


(1461-1503)

Vào ngày 28 tháng Mười Hai, ngày lễ các Thánh Anh Hài, một bé gái được sinh trong gia đình Công Tước ở Savoy và là em của vua Louis IX nước Pháp. Em bé được đặt tên là Louise, để nói lên sự ngây thơ và thánh thiện của em.

Khi còn trẻ Louise đã yêu quý sự cầu nguyện và cô độc. Trong các ngày lễ kính Ðức Mẹ, cô thường ăn chay, chỉ có bánh mì và nước lạnh. Mặc dù bề ngoài, cô cũng mặc các y phục đắt tiền và đeo nữ trang quý báu phù hợp với địa vị của cô, nhưng bên trong lớp nhung lụa đó là chiếc áo nhặm để nhắc nhở với cô rằng, linh hồn là điều cần được chăm sóc hơn cả.

Do sự dàn xếp của người chú, Louise kết hôn với Thái Tử xứ Chalon, một thanh niên đức hạnh biết quý trọng nếp sống thanh bạch của Louise. Trong cung điện của họ, không có những xa hoa phung phí. Ðôi vợ chồng này còn thuyết phục các tiểu thư, hoàng tử của triều đình sống sát với Phúc Âm hơn.

Vào năm 27 tuổi, Louise trở thành người goá bụa và sau đó bà lui về một đời sống đơn giản để cho phép bà tận tụy trong công việc bác ái và ăn chay đền tội. Vì không có con, bà gia nhập Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn ở Orbe. Trong thời gian ấy, bà chứng tỏ là một gương mẫu xứng đáng của sự khiêm tốn và vâng phục.

Sau một cơn trọng bệnh, bà từ trần ngày 24 tháng Bảy 1503, khi mới 42 tuổi.

Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI đã phong chân phước cho bà vào năm 1839.


25/07/2022

25 Tháng Bảy


Thánh Giacôbê Tông Ðồ

Thánh Giacôbê là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Ðức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê. Trước đó, Ðức Giêsu đã gọi một đôi anh em khác cũng từ một hoàn cảnh tương tự, đó là Phêrô và Anrê. “Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Máccô 1:19-20).

Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên chứng kiến Chúa Hiển Dung, được thấy con gái ông Giairút sống lại và có mặt trong giờ thống khổ của Ðức Giêsu trong vườn Giệtsimani.

Có hai biến cố trong Phúc Âm diễn tả tính khí của thánh nhân và người em. Thánh Mátthêu kể rằng mẹ của hai ông đến với Ðức Giêsu để xin cho hai ôngï được chỗ ngồi vinh dự trong vương quốc (một bên phải, một bên trái Ðức Giêsu). “Ðức Giê-su bảo: ‘Các người không biết các người xin gì. Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?’ Họ đáp: ‘Thưa được’” (Mt 20:22). Sau đó Ðức Giêsu bảo, quả thật họ sẽ uống chén và chia sẻ sự thanh tẩy của Người trong sự đau khổ và cái chết, nhưng việc ngồi bên phải hay bên trái thì không phải là quyền của Ðức Giêsu — chỗ đó “được dành cho những người đã được Cha Thầy chuẩn bị” (Mt 20:23b).

Các tông đồ khác phẫn nộ khi thấy tham vọng của Giacôbê và Gioan. Sau đó Ðức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ: Mục đích của quyền bính là để phục vụ. Họ không được áp đặt ý muốn của mình trên người khác, hay sai bảo người khác. Ðây là vị thế của chính Ðức Giêsu. Ngài là tôi tớ của tất cả; sự phục vụ được giao phó cho Ngài là tuyệt đối hy sinh tính mạng mình.

Trong một trường hợp khác, Giacôbê và Gioan chứng minh rằng biệt hiệu mà Ðức Giêsu đặt cho họ — “con của sấm sét”- thì rất thích hợp với họ. Người Samaritanô không đón tiếp Ðức Giêsu vì Người đang trên đường đến Giêrusalem. “Thấy thế, hai môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?’ Nhưng Ðức Giê-su quay lại quở mắng các ông…” (Luca 9:54-55).

Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. “Vào thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Vua cho chém đầu ông Giacôbê, anh ông Gioan, và khi thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa” (CVTÐ 12:1-3a).

Chúng ta đừng nhầm lẫn Thánh Giacôbê với tác giả của Thư Thánh Giacôbê, hoặc vị lãnh đạo của cộng đồng Giêrusalem.


Lời Bàn

Phương cách mà Phúc Âm đề cập đến các tông đồ là một nhắc nhở tốt đẹp về ý nghĩa của sự thánh thiện. Trong Phúc Âm, chúng ta không thấy đề cập nhiều đến các đức tính của các ngài như những sở hữu cố định mà nhờ đó họ được phần thưởng thiên đàng. Thay vào đó, Phúc Âm nhấn mạnh đến Nước Trời, đến quyền năng rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Còn về phần đời sống cá nhân của các ngài, chúng ta thấy Ðức Giêsu đã thanh luyện họ khỏi những hẹp hòi, nhỏ nhen, bất nhất.


Lời Trích

“… Chúa Kitô, trong Người mà sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa tối cao được hoàn tất (x. 2 Cor. 1:20; 2:16; 4:6), truyền dạy các tông đồ rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, đó là nguồn mạch của mọi chân lý cứu độ và lời luân lý, và vì thế thông ban cho họ ơn sủng của Thiên Chúa… Mệnh lệnh này được trung tín thực hiện bởi các tông đồ, là những người, qua lời giảng, qua gương mẫu, và qua các quy định, đã truyền lại những gì họ nhận được từ miệng Ðức Kitô, bởi sống với Người, và bởi những gì Người làm hoặc những gì các tông đồ học hỏi được qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần” (Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa, 7).


26/07/2022

26 Tháng Bảy


Thánh Gioankim và Thánh Anna

Trong Kinh Thánh, các thánh sử Mátthêu và Luca cung cấp cho chúng ta phả hệ của Ðức Giêsu. Các ngài đi ngược trở về tổ tiên dòng họ của Người chỉ để chứng minh rằng Ðức Giêsu là cực điểm của các lời hứa trọng đại. Nhưng bên ngoại của Ðức Giêsu thì bị lãng quên, chúng ta không có một dữ kiện gì về các đấng sinh thành ra Ðức Maria. Ngay cả tên Gioankim và Anna cũng xuất phát từ một truyền thuyết được viết lại sau khi Ðức Giêsu về trời khoảng hơn một thế kỷ.

Tuy nhiên, đức tính anh hùng và thánh thiện của các ngài được suy đoán từ bầu khí của toàn thể gia tộc Ðức Maria. Dù chúng ta dựa trên truyền thuyết về thời kỳ thơ ấu của Ðức Maria hoặc suy đoán từ các dữ kiện trong Phúc Âm, Ðức Maria là một thể hiện của biết bao thế hệ những người siêng năng cầu nguyện mà chính ngài là một người đắm chìm trong các truyền thống đạo đức của người Do Thái.

Các đức tính nổi bật của Ðức Maria khi ngài thi hành các quyết định, khi liên lỉ cầu nguyện, khi trung thành với quy luật tôn giáo, khi bình tĩnh trước những khủng hoảng và khi tận tâm với người bà con — tất cả những điều này cho thấy một gia tộc khắng khít, yêu thương nhau biết nhìn đến các thệ hệ tương lai trong khi vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp của quá khứ.

Thánh Gioankim và Thánh Anna — dù những tên tuổi này có thật hay không — đã đại diện cho một chuỗi thế hệ của những người trung tín thi hành bổn phận, kiên trì sống đức tin để tạo nên một bầu khí thuận tiện cho sự giáng trần của Ðấng Thiên Sai, nhưng họ vẫn âm thầm không ai biết đến.


Lời Bàn

Ðây là “ngày lễ của các ông bà”. Nó nhắc nhở cho các ông bà về trách nhiệm của họ là phải thiết lập gia phong cho các thế hệ tương lai: Họ phải làm sống lại các truyền thống và trao truyền cho con cháu. Nhưng ngày lễ này cũng có ý nghĩa cho các thế hệ trẻ. Nó nhắc nhở người trẻ rằng cái nhìn chín chắn, giầu kinh nghiệm của người già là sự khôn ngoan không nên coi thường hoặc bỏ qua.


Lời Trích

“… Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong đó, nhiều thế hệ đến với nhau để giúp đỡ nhau lớn lên trong sự khôn ngoan và để hòa hợp quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của đời sống xã hội” (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 52).


27/07/2022

27 Tháng Bảy


Chân Phước Antôniô Lucci
(1682-1752)

Antôniô cùng học chung và là người bạn của Thánh Francesco Antonio Fasani, là người đã ra tòa án Giáo Hội để làm chứng cho sự thánh thiện của Antôniô sau khi ngài từ trần.

Sinh ở Agnone miền nam nước Ý, đó là một thành phố nổi tiếng về sản xuất chuông và đồ đồng, Antôniô có tên rửa tội là Angelo. Ngài theo học trường của các tu sĩ Phanxicô và gia nhập cộng đoàn này khi 16 tuổi. Antôniô hoàn tất chương trình tu tập ở Assisi và thụ phong linh mục năm 1705. Sau đó, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học và được bổ nhiệm làm giáo sư ở Agnone, Ravello và Naples. Ngài cũng là cha bề trên nhà dòng ở Naples.

Ðược bầu làm bề trên giám tỉnh năm 1718, và năm sau đó ngài được bổ nhiệm làm giáo sư trường Thánh Bônaventura ở Rôma. Ngài giữ chức vụ này cho đến năm 1729, ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII chọn làm giám mục của Bovino (gần Foggia). Ðức giáo hoàng cho biết, “Tôi vừa chọn được một thần học gia xuất chúng và vị đại thánh làm giám mục Bovino.”

Trong 23 năm làm giám mục, Ðức Lucci thường đến thăm các giáo xứ và canh tân đời sống phúc âm của giáo dân trong địa phận. Ngài dùng tiền lương của một giám mục để hỗ trợ cho công việc giáo dục và bác ái. Theo sự thúc giục của bề trên dòng, Ðức Giám Mục Lucci đã viết cuốn sách về các thánh và các chân phước của dòng Phanxicô trong 200 năm đầu tiên.

Ngài được phong chân phước năm 1989, ba năm sau khi người bạn của ngài là Cha Francesco Antonio Fasani được phong thánh.


Lời Bàn

Như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong năm 1975, con người ngày nay “được cảm kích bởi các chứng nhân hơn là người giảng dạy, và nếu họ nghe những người này, đó là vì người giảng dạy cũng là các chứng nhân” (Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Ngày Nay, #41).


28/07/2022

28 Tháng Bảy


Thánh Leopold Mandic
(1887-1942)

Kitô Hữu Tây Phương đang nỗ lực hoạt động để thông cảm hơn với Kitô Hữu Chính Thống Giáo, có thể đó là nhờ lời cầu bầu của Thánh Leopold Mandic.

Thánh Leopold sinh ở Castelnuovo, một hải cảng nhỏ ở Croatia và là người con thứ mười hai trong gia đình. Khi rửa tội, cha mẹ đặt tên cho ngài là Bogdan, có nghĩa “con-Chúa-ban.”

Mặc dù sức khỏe rất yếu kém và bị tật nguyền, ngay từ nhỏ ngài đã cho thấy một sức mạnh tâm linh và sự đoan chính. Vào năm 16 tuổi, Bogdan từ giã quê nhà để sang Ý là nơi ngài theo học với các tu sĩ Capuchin ở Udine với khao khát được gia nhập Dòng này.

Vào tháng Tư 1884, ngài được gia nhập đệ tử viện Dòng Capuchin ở Bassano del Grappa và lấy tên là Thầy Leopold. Bất kể sự khắc khổ của đời sống tu sĩ Capuchin, ngài vẫn can đảm theo đuổi và đắm chìm trong Linh Ðạo Thánh Phanxicô mà nhờ đó ngài trở nên một trong những gương mẫu tốt lành nhất.

Sau khi chịu chức linh mục, Cha Leopold muốn thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Ðông Âu đang tan nát vì tranh chấp tôn giáo, nhưng bề trên từ chối vì sức khỏe yếu kém của ngài.

Từ 1890 đến 1906, Cha Leopold làm việc tại một vài nhà dòng trong tỉnh Venetian. Năm 1906, ngài được bổ nhiệm về Padua là nơi ngài sống cho đến suốt đời, ngoại trừ một năm phải ở tù trong thời Thế Chiến I, vì không chịu từ bỏ quốc tịch Croatia.

Chính ở Padua là nơi ngài đảm nhận việc Giải Tội và Linh Hướng, một công việc mà Thiên Chúa đã dùng đến người tôi tớ Chúa là Cha Leopold trong gần bốn mươi năm trời, và cũng nhờ đó mà cha nổi tiếng. Mỗi ngày ngài dành cho công việc mục vụ đó có đến 15 giờ đồng hồ. Một vài giám mục cũng tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh.

Vào tháng Chín 1940, Cha Leopold mừng Kim Khánh Linh Mục. Nhưng sau đó, sức khoẻ của ngài tàn tạ dần. Ngài từ trần ở Tu Viện Padua ngày 30 tháng Bảy 1942. Sau đó không lâu, sự mến mộ ngài ngày càng gia tăng và đã đưa đến việc phong chân phước cho ngài vào năm 1976 và sau cùng, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1983.


Lời Bàn

Thánh Phanxicô khuyên nhủ các môn đệ “hãy theo đuổi điều mà họ phải khao khát trên hết mọi sự, đó là có được Thần Khí Thiên Chúa và cách làm việc thánh thiện của Chúa” (Quy Luật 1223, Chương 10) — đó là những lời mà Thánh Leopold đã sống. Khi bề trên tổng quyền dòng Capuchin viết thư cho các tu sĩ nhân dịp phong chân phước cho Cha Leopold, ngài nói đời sống của Cha Leopold đã chứng tỏ “sự tiên quyết của điều được coi là thiết yếu.”


Lời Trích

Thánh Leopold thường hay tự nhủ: “Hãy nhớ rằng ngươi được sai đi là vì ơn cứu độ của nhân loại, không phải vì ngươi có công trạng gì, vì chính Chúa Giêsu chứ không phải ngươi đã chết để cứu chuộc các linh hồn… Tôi phải cộng tác với sự thiện hảo siêu phàm của Chúa là Người đã đoái hoài và chọn tôi, để qua sứ vụ của tôi, lời Chúa hứa sẽ được thể hiện, đó là: ‘Sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên’” (Gioan 10:16).


29/07/2022

29 Tháng Bảy
Thánh Mácta

Đức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô.” Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của thánh nữ.

Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10:38-42, Gioan 11:1-53, và Gioan 12:1-9.

Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. Ðức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta — thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria.

Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Ðức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Ðức Giêsu.

Cuộc đối thoại của ngài với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.

Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: “Mácta lo hầu hạ.” Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.

Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.


Lời Bàn

Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng trong đoạn văn diễn tả việc Lagiarô sống lại, Thánh Gioan có ý nhắn nhủ chúng ta phải coi lời của Mácta nói với Maria (trước khi Lagiarô sống lại) như tóm lược những gì một Kitô Hữu phải vâng theo. “Thầy có mặt ở đây và đang hỏi đến em.” Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chúng ta đến sự phục sinh — mà sự phục sinh ấy hiện có trong đức tin khi rửa tội, được chia sẻ vĩnh viễn sự chiến thắng của Người đối với sự chết. Và tất cả chúng ta, cũng như ba người bạn của Chúa Giêsu, được mời gọi kết tình bằng hữu với Chúa trong một phương cách độc đáo.


30/07/2022

30 Tháng Bảy


Thánh Phêrô Chrysologus
(406-450?)

Thánh Phêrô Chrysologus sinh ở Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu chức phó tế bởi Ðức Cornelius, là Giám Mục của Imola.

Thánh Phêrô có biệt danh là “Chrysologus” (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng của ngài. Vào năm 433, Ðức Giáo Hoàng Sixtus III tấn phong ngài làm giám mục của Ravenna. Ngài thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần, và chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.

Ngài tẩy sạch mọi vết tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được phát sinh trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn. Ngài nhận xét, “Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Ðức Kitô.”

Thánh Phêrô Chrysologus từ trần ở Imola năm 450, và năm 1729 ngài được đặt làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn lưu truyền đến ngày nay.


Lời Bàn

Chắc chắn rằng thái độ của Thánh Phêrô Chrysologus đối với việc học đã đem lại cho ngài tài hùng biện. Theo quan điểm của thánh nhân, ngoài việc trau dồi đức tính, việc học hỏi là sự thăng tiến lớn lao cho trí óc con người và giúp hỗ trợ tôn giáo. Sự ngu dốt không phải là một đức tính, và cũng không giúp gì cho trí óc. Kiến thức là nguồn hãnh diện không khác gì khả năng của thể xác, về hành chánh hay tài chánh. Là một con người đích thực thì phải phát triển kiến thức — dù kiến thức đạo hay đời — theo khả năng và cơ hội của mỗi người.


Lời Trích

Eutyches, người lãnh đạo lạc giáo từ chối nhân tính của Ðức Kitô, sau khi bị Giáo Hội kết án, ông tìm sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Thánh Phêrô Chrysologus. Thánh nhân thành thật nói với ông ta: “Vì lợi ích cho đức tin và sự bình an, chúng ta không thể phán xét vấn đề mà không có sự đồng ý của vị giám mục Rôma.” Ngài thúc giục Eutyches hãy đơn sơ chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể và ngài nhắc cho ông biết rằng, nếu sự bình an trong Giáo Hội khiến thiên đàng vui mừng thì sự chia cắt chắc chắn sẽ đem đến lo buồn.


31/07/2022

31 Tháng Bảy


Thánh I-nha-xiô ở Loyola (Y Nhã)
(1491-1556)

Vị sáng lập dòng Tên này đang trên đà danh vọng và quyền thế của một sĩ quan trong quân đội Tây Ban Nha thì một trái đạn đại bác đã làm ngài bị thương ở chân. Trong thời kỳ dưỡng bệnh, vì không có sẵn các cuốn tiểu thuyết để giết thời giờ nên ngài đã biết đến cuộc đời Ðức Kitô và hạnh các thánh. Lương tâm ngài bị đánh động, và từ đó khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Ðức Kitô.

Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Ðức ở Monserrat. Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Ðức Maria thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Ðức Mẹ.

Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Ða Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện. Chính trong thời gian hoán cải này ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, cuốn Những Thao Luyện Tâm Linh.

Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Rôma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây. Vì lo sợ cho tính mạng của ngài các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona. Tin tưởng rằng kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học ở Alcalá, Salamanca và Balê.

Vào năm 1534, lúc ấy đã 43 tuổi, cùng với sáu người khác (trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê) ngài thề sống khó nghèo và khiết tịnh và tất cả cùng đến Ðất Thánh. Các ngài thề quyết rằng nếu không thể ở đây thì sẽ dâng mình cho công việc tông đồ của đức giáo hoàng. Và đó là điều đã xảy ra. Bốn năm sau, Thánh Y Nhã hợp thức hóa tổ chức của ngài. Tu Hội của Ðức Giêsu (Dòng Tên) được Ðức Giáo Hoàng Phaolô III chuẩn nhận và Thánh Y Nhã được bầu làm bề trên đầu tiên.

Trong khi các bạn đồng hành được đức giáo hoàng sai đi truyền giáo thì Thánh Y Nhã vẫn ở Rôma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi, cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Roma (sau này là Ðại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội.

Thánh Y Nhã đích thực là một vị thần bí. Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo — Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Kitô, Bí Tích Thánh Thể. Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên, ad majorem Dei gloriam — “để Thiên Chúa được vinh danh hơn.” Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội. Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Ðức Thánh Cha vô điều kiện, vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà đức giáo hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.


Lời Bàn

Vào năm 1517, Luther đã niêm yết các đề án của ông lên cửa nhà thờ ở Wittenberg. Mười bảy năm sau, Thánh Y Nhã sáng lập một tu hội góp phần quan trọng trong việc chống lại sự cải cách Tin Lành. Ngài là một kẻ thù bất khả tiêu diệt của Tin Lành. Tuy nhiên, trong lời lẽ của ngài người ta vẫn thấy tiềm ẩn sự đại kết: “Phải rất thận trọng khi đưa ra các chân lý chính truyền để nếu người lạc giáo có mặt ở đó, họ sẽ cảm nhận được lòng bác ái và sự ôn hòa Kitô Giáo. Không được dùng lời lẽ cứng rắn và cũng không được khinh miệt những sai lầm của họ.” Một trong những khuôn mặt vĩ đại của phong trào đại kết hiện nay là Ðức Hồng Y Bea, một linh mục dòng Tên.


Lời Trích

Thánh Y Nhã đề nghị lời nguyện sau đây cho các hối nhân: “Lạy Chúa, xin hãy chấp nhận mọi đặc quyền, mọi ký ức, mọi hiểu biết và toàn thể ý chí của con. Ngài đã ban cho con tất cả những gì con có, tất cả con người của con, và con xin phó thác chúng cho thánh ý của Ngài, để Ngài tùy ý sử dụng. Con chỉ xin Chúa ban cho con tình yêu và ơn sủng. Ðược như thế, con đã giàu sang đủ và không dám đòi hỏi gì nữa.”

Trích từ NgươiTinHuu.com

Comments are closed.