Hạnh Các Thánh-Tháng 10

01/10/2021

1 Tháng 10

Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu
(1873-1897)

“Tôi thích sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn.” Ðó là những lời của Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, một nữ tu dòng Camêlô thường được gọi là “Bông Hoa Nhỏ,” người đã sống một đời âm thầm trong tu viện ở Lisieux, nước Pháp. Và quả thật, những hy sinh âm thầm của ngài đã hoán cải các linh hồn. Không mấy vị thánh của Thiên Chúa nổi tiếng như vị thánh trẻ trung này. Cuốn tự truyện của ngài, Chuyện Một Linh Hồn, được cả thế giới đọc và yêu chuộng. Tên thật của ngài là Thérèse Martin, gia nhập tu viện năm 15 tuổi và từ trần năm 1897 lúc 24 tuổi.

Ðời sống tu viện dòng kín Camelô thật buồn tẻ và phần lớn chỉ gồm sự cầu nguyện và làm các công việc trong nhà. Nhưng Thánh Têrêsa có được sự hiểu biết sâu sắc thánh thiện để chuộc lại quãng thời gian ấy, bất kể có nhàm chán đến đâu. Ngài nhìn thấy sự đau khổ cứu chuộc trong sự đau khổ âm thầm, sự đau khổ là đời sống tông đồ của ngài. Thánh nữ nói ngài gia nhập tu viện Camêlô là “để cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục.” Và không lâu trước khi chết, ngài viết: “Tôi muốn dùng thời gian ở thiên đàng để làm những điều tốt lành cho trần gian.”

Vào ngày 19-10-1997, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh, là người phụ nữ thứ ba trong Giáo Hội được công nhận về sự thánh thiện và về ảnh hưởng tinh thần của những gì ngài viết.

Lời Bàn

Thánh Têrêsa có nhiều điều để dạy chúng ta về quan niệm, về thể diện, về cái “tôi.” Chúng ta bị nguy hiểm khi nghĩ nhiều về bản thân mình, bị đau khổ khi nhận thức những nhu cầu cần phải thỏa lấp, dù biết rằng không bao giờ chúng ta thỏa mãn. Thánh Têrêsa, cũng như bao vị thánh khác, đã tìm cách phục vụ người khác, thực hiện những gì không phải cho chính mình, và quên mình trong những hành động âm thầm của tình yêu. Ngài là một trong những thí dụ điển hình của sự mâu thuẫn trong phúc âm mà khi hiến thân là khi được nhận lãnh, khi chết đi là khi vui sống muôn đời.

Sự bận rộn với bản thân đã tách biệt con người thời nay với Thiên Chúa, với đồng loại và thực sự xa rời với bản thể. Chúng ta phải học cách quên mình, để suy niệm về một Thiên Chúa là Ðấng mời gọi chúng ta thoát ra khỏi sự ích kỷ để phục vụ người khác. Ðây là cái nhìn sáng suốt của Thánh Têrêsa Lisieux, và ngày nay cái nhìn ấy có giá trị hơn bao giờ hết.

Lời Trích

Thánh Têrêsa phải chịu đau khổ vì bệnh hoạn trong suốt cả cuộc đời. Khi còn nhỏ, ngài phải trải qua ba tháng đau từng cơn, mê sảng và ngất xỉu. Sau đó, dù yếu ớt nhưng ngài làm việc vất vả trong phòng giặt quần áo và phòng ăn của tu viện. Về phương diện tâm linh, ngài phải trải qua một thời kỳ tăm tối khi ánh sáng đức tin dường như tắt ngúm. Năm cuối cùng của cuộc đời, ngài chết dần vì ho lao. Tuy nhiên, không lâu trước khi chết vào ngày 30-9, ngài thì thào, “Tôi không muốn bớt đau khổ.”

Thực sự ngài là một phụ nữ dũng cảm, không rên rỉ vì bệnh tật và lo âu. Ðây là một người nhìn thấy sức mạnh của tình yêu, mà sự biến đổi của Thiên Chúa có thể thay đổi mọi sự–kể cả sự yếu đuối và bệnh tật–thành sức mạnh phục vụ và cứu chuộc cho người khác. Không lạ gì ngài là quan thầy của công cuộc truyền giáo. Còn ai có thể thay đổi thế giới ngoài những người ôm ấp sự đau khổ của mình với tình yêu?


02/10/2021

    2 Tháng 10

CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ
Mt 18,1-5.1
0

Nếu sức mạnh của sự dữ và ma quỉ đông hàng hà sa số, đang ngày đêm bay lượn quanh nhân loại, xung quanh chúng ta để tìm cơ hội làm hại con người thì sung sướng và hạnh phúc, vững dạ thay khi Chúa gửi đến cho loài người một sức mạnh vô cùng hữu hiệu là các Thiên Thần. Sự trợ giúp này, Chúa và Giáo Hội gọi là các Thiên Thần Hộ Thủ hay Bản Mệnh. Các Thiên Thần Bản Mệnh gìn giữ con người khỏi hiểm nguy, khỏi mọi sự dữ quấy phá, đưa con người tránh xa dịp tội để con người kết hợp và tiến bước tới Chúa.

THIÊN THẦN BẢN MỆNH LÀ AI ?

Thiên Chúa thiết lập vũ trụ, tạo dựng con người. Sách khải nguyên ngay từ những trang đầu đã thuật lại việc Thiên chúa tạo dựng Trời Đất, tạo nên Con người. Trong vũ trụ hỗn mang đan xen bóng tối và sự sáng. Lực của bóng tối,của ma quỉ mạnh mẽ vô cùng. Ma quỉ có số đông vô số kể lúc nào cũng lượn quanh con người, rình mò cắn xé. Ngay trang đầu khởi nguyên, Kinh Thánh đã viết: “…thần khí Chúa bay lượn là là trên mặt nước” và trong Tân Ước, trong đêm Giáng Sinh,Thiên Thần của Chúa với muôn cơ binh đàn ca, vinh tụng xướng hát, tôn vinh con Thiên Chúa là Đức Giêsu xuống thế làm người. Đây là các Thiên thần luôn túc trực để thờ phượng Chúa và nâng đỡ con người. Trong số này, có muôn vàn Thiên Thần Bản Mệnh, Chúa sai tới để nâng đỡ, gìn giữ từng người. Các ngài giúp con người tránh xa các dịp tội, thêm sức mạnh cho con người để con người thoát những cơn cám dỗ nguy hiểm, nâng đỡ và khuyến khích con người khi con người gặp những sự thất vọng ở trần gian, an ủi con người trong những cơn sầu muộn. Các Thiên Thần Bản Mệnh cũng giúp con người hồi tâm thống hối khi con người yếu đuối, sa ngã, cầu bầu cùng Chúa cho con người. Các Thiên thần Bản Mệnh cũng soi sáng, thêm sức mạnh cho con người khi con người đang hấp hối, nguy tử vv… Các Thiên thần Bản Mệnh có sứ mạng lớn lao là luôn hiện diện bên cạnh con người để giữ gìn, an ủi và che chở con người. Nên, Thánh vịnh 137,1 đã viết: ” Lạy Chúa giữa chư vị Thiên Thần, Con đàn ca kính Chúa ” hoặc trong lời nguyện nhập lễ ngày 2/10, Giáo Hội đã cất tiếng nguyện xin : ” …Chúa sai các Thiên Thần đến gìn giữ chúng con. Xin ban cho chúng con đời này được các Ngài luôn bênh vực che chở, và đời sau được cùng các Ngài hưởng phúc vinh quang”.

CÂU CHUYỆN MINH CHỨNG BÀN TAY THIÊN THẦN BẢN MỆNH HỘ PHÙ, CHỞ CHE

Một Cha sở miền quê bên Pháp thuật lại công chuyện nầy:

Khi đó ngài đang ở một xứ đạo hẻo lánh. Một đêm kia được tin một người đau nặng, đang hấp hối, muốn xin Ngài tới xức dầu. Trời về khuya, với bổn phận mục tử Ngài ra đi làm phận sự của mình. Từ nhà xứ tới nhà người đau, Ngài phải băng qua khu rừng vắng. Khi tới khu rừng, trời đã rất tối, Ngài ngập ngừng, nhưng nghĩ lại và nhớ tới Thiên Thần Bản Mệnh, Ngài cầu nguyện để Thiên Thần cùng đi với Ngài. Ngài mạnh dạn và đã tới xức dầu cho người bệnh kịp thời giờ hấp hối. Câu chuyện đã qua 10 năm rồi, nếu không có biến cố mới này thì nó đã rơi vào quên lãng:

Một tử tù sắp bị hành quyết, anh ta rất khó tính và không chịu nghe bất cử một ai. Người ta báo tin cho ngài: có người tử tù sắp bị hành quyết . Vì là Cha sở địa phương, ngài đến nhà tù thăm viếng . Nhưng vừa thấy bóng linh mục, người tử tù phản ứng và từ chối không muốn gặp ngài , nhưng bỗng anh ta ngừng lại và nói với ngài : ” Có phải cha là cha sở họ X không ?”. Vị linh mục ngạc nhiên trả lời: “Trước đây 10 năm tôi làm Cha sở ở họ đó, nhưng bây giờ tôi đã đi nơi khác”.

Thì ra các đây 10 năm, người tử tù lúc đó là tên ăn cướp giết người bị tầm nã, đang lẩn trốn ở khu rừng mà ngài đi qua. Hắn dự định sẽ giết chết bất cứ khách bộ hành nào băng qua đoạn đường đó, để lấy quần áo của khổ chủ mà hóa trang, và đánh lừa lưới của pháp luật. Người tử tù kể lại: ” Lúc đó y muốn giết vị linh mục, nhưng bên cạnh ngài có một thanh niên lực lưỡng. Thấy không thể thắng nổi, nên y đã để cho ngài và người thanh niên ấy đi bình an, vô sự “.

Vị linh mục kết luận:

“Nghe người tử tù thuật lại, tôi ngạc nhiên hết sức. Nhưng tôi chợt nhớ ra rằng, lúc đó, tôi có dừng lại một lúc để cầu nguyện xin Thiên thần Bản Mệnh giúp đỡ. Và như vậy, người thanh niên mà người tử tù thấy chính là Thiên Thần Bản Mệnh của tôi, đã giữ gìn, bão vệ tôi qua cơn nguy hiểm…”

Câu chuyện trên minh chứng Thiên Thần Hộ Thủ luôn có mặt khi con người kêu cầu, xin ngài giúp đỡ, can thiệp.

“Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính các Thiên Thần Hộ Thủ, xin cho các Ngài luôn ở gần chúng con để trông nom gìn giữ, nhờ đó chúng con sẽ thoát khỏi mọi nguy hiểm dưới thế và mai sau được hưởng hạnh phúc trên trời” (Lời nguyện tiến lễ ngày 2/10, lễ các Thiên Thần Hộ Thủ).

Xin cho mọi người chúng con luôn biết kính trọng, yêu mến và cậy trông vào sự che chở của các Thiên Thần Hộ Thủ, và luôn sẵn sàng tuân theo lời chỉ dậy của các Thiên Thần Bản Mệnh qua tiếng nói lương tâm.


03/10/2021

3 Tháng 10

Thánh Gioan Dukla
(1414-1484)

Sinh trưởng ở Dukla (Ba Lan), Gioan là một nhà khổ tu trước khi gia nhập dòng Conventual (chi nhánh dòng Phanxicô) vào năm 1440. Sau khi thụ phong linh mục, sứ vụ rao giảng đã đưa ngài đến các nơi mà hiện nay là Ukraine, Moldavia và Belarus. Ðã vài lần ngài làm bề trên tu hội địa phương và có một lần ngài làm giám thị trung ương dòng Phanxicô ở Lviv (Ukraine).

Thánh Gioan Capistrano đến Ba Lan năm 1453 và thành lập các tu viện sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Mười năm sau, Gioan Dukla gia nhập tổ chức này, mà sau đó trở thành Tỉnh Dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Sự khó nghèo, tuân phục, khổ hạnh và sùng kính Ðức Mẹ là đặc điểm của đời sống Cha Gioan Dukla. Ngài tìm cách hòa giải những người ly khai với Giáo Hội Công Giáo. Mặc dù ngài bị mù năm 70 tuổi, ngài vẫn tích cực trong công việc rao giảng và giải tội.

Ngài được phong thánh ở Krosno (Ba Lan) năm 1997 trước một giáo đoàn khoảng 1 triệu người, đến từ Ba Lan, Bohemia, Slovakia, Ukraine và Hungary.

Lời Bàn

Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nhắc nhở đến các người con của Thánh Phanxicô khi họ đặt chân đến Trung Âu Châu vào thế kỷ 13. “Sự hoạt động của dòng Phanxicô đã tìm thấy vùng đất mầu mỡ nơi quê hương chúng ta. Vùng đất ấy cũng phát sinh nhiều chân phước và các thánh, là những người theo gương Thánh Assisi Nghèo Hèn, làm sinh động Kitô Giáo ở Ba Lan với tinh thần khó nghèo và tình huynh đệ. Các ngài đã đưa kiến thức cũng như sự khôn ngoan vào truyền thống tinh thần nghèo hèn và lối sống đơn sơ, để từ đó có ảnh hưởng tốt đẹp trong công việc mục vụ.” Khó nghèo, đơn giản, và hăng say tìm kiếm chân lý là đặc điểm của phương cách truyền giáo mà các tu sĩ Phanxicô theo đuổi trong gần tám thế kỷ qua. Họ sẽ giúp chúng ta hăng say làm chứng nhân cho Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô.

Lời Trích

Trong buổi lễ phong thánh cho Cha John Dukla, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II nói: “Ðức Giêus Kitô là vị thầy duy nhất của thánh nhân. Ngài không lùi bước trong việc noi gương Thầy và Chúa, nên trên hết mọi sự điều ngài ao ước là phục vụ. Trong đó bao gồm cả Phúc Âm của sự khôn ngoan, của tình yêu và bình an. Ngài đã thể hiện ý nghĩa này của Phúc Âm trong toàn thể cuộc đời ngài” (L’Observatore Romano, tập 27, số 6, 1997).


04/10/2021

4 Tháng 10
Thánh Phanxicô Assisi
(1182-1226)

Thánh Phanxicô Assisi là một người nghèo hèn nhưng đã làm bàng hoàng và phấn chấn Giáo Hội bởi ngài sống sát với phúc âm–không trong ý nghĩa cực đoan, nhưng thực sự sống theo những gì Ðức Giêsu Kitô đã nói và hành động, một cách vui vẻ, không giới hạn và không một chút tự tôn.

 Cơn trọng bệnh đã giúp chàng thanh niên Phanxicô nhận ra sự trống rỗng của một đời sống vui nhộn khi còn là người lãnh đạo nhóm trẻ ở Assisi. Sự cầu nguyện–thật lâu giờ và thật kham khổ–đã giúp ngài trút bỏ mọi sự để theo gương Ðức Kitô, đến độ ngài đã ôm lấy một người cùi mà ngài gặp trên đường. Ðiều đó nói lên sự tuân phục những gì ngài được thụ khải trong khi cầu nguyện: “Phanxicô! Mọi sự con yêu quý và khao khát qua thân xác thì đó chính là điều con phải khinh miệt và ghét bỏ, nếu con muốn biết ý định của Thầy. Và khi con bắt đầu thi hành điều này, tất cả những gì đối với con dường như ngọt ngào và đáng yêu sẽ trở nên quá quắt và cay đắng, nhưng tất cả những gì mà con thường hay tránh né sẽ trở nên thật ngọt ngào và cực kỳ vui sướng.”

Từ thánh giá trong một nguyện đường bỏ hoang ở San Damiano, Ðức Kitô nói với ngài, “Phanxicô, hãy đi xây dựng nhà của Thầy, vì nó đã gần sụp đổ.” Phanxicô trở nên một người hoàn toàn khó nghèo và là người lao động thấp hèn.

Chắc chắn ngài đã nghi ngờ ý nghĩa sâu xa của câu “xây dựng nhà của Thầy.” Nhưng ngài không bằng lòng chấp nhận việc đi xin từng cục gạch về xây lại nguyện đường hoang phế ấy. Ngài từ bỏ tất cả những gì ngài có, ngay cả đống quần áo ngài cũng trao lại cho cha của mình (là người đòi Phanxicô bồi thường những gì ngài đã cho người nghèo), để ngài hoàn toàn thuộc về “Cha trên trời.” Thời gian ấy, ngài bị coi là một người đạo đức “gàn dở”, ngài đi ăn xin từng nhà khiến các bạn cũ phải buồn rầu và ghê tởm, và bị những người thiếu suy nghĩ nhạo cười.

Nhưng sự thực dần tỏ lộ. Người ta bắt đầu nhận ra rằng con người này đang cố gắng trở nên một Kitô Hữu đích thực. Ngài thực sự tin vào điều Ðức Kitô dạy: “Hãy đi công bố nước trời! Ðừng mang theo vàng bạc, tiền của trong túi, đừng mang theo bao bị, giầy dép, gậy gộc” (x. Luca 9:1-3).

Quy luật đầu tiên của Phanxicô cho những người muốn theo ngài là thu lượm tất cả những văn bản của Phúc Âm. Ngài không có ý thành lập một dòng tu, nhưng một khi tu hội thành hình, ngài đã bảo vệ và chấp nhận mọi hình thức tổ chức hợp lý cần thiết. Sự tận tụy và tuyệt đối trung thành với Giáo Hội của ngài quả thật là tấm gương sáng trong một thời đại mà nhiều phong trào cải cách dường như muốn phá vỡ sự hợp nhất của Giáo Hội.

Ngài bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tầu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.

Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương thực sự của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.

Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, “Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần.” Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.

Lời Bàn

Thánh Phanxicô Assisi trở nên nghèo hèn chỉ vì ngài muốn giống Ðức Kitô. Ngài yêu quý thiên nhiên vì đó là một công trình mỹ miều của Thiên Chúa. Ngài hãm mình phạt xác để có thể hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa. Sự khó nghèo của ngài đi đôi với sự khiêm tốn, mà nhờ đó ngài hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ để dẫn vào tâm điểm của đời sống tâm linh của ngài: sống đời sống phúc âm, đã được tóm lược nơi lòng thương xót của Chúa Giêsu và được tỏ lộ cách tuyệt hảo nơi bí tích Thánh Thể.

Lời Trích

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con chúc tụng và ngợi khen Chúa, ở đây và trong toàn thể mọi nhà thờ trên toàn thế giới, vì qua thánh giá của Ngài, Chúa đã cứu chuộc nhân loại” (Thánh Phanxicô).


05/10/2021

5 Tháng 10

Chân Phước Marie-Rose Durocher
(1811-1849)

Trong khoảng thời gian tám năm đầu của cuộc đời Chân Phước Marie-Rose Durocher, Gia Nã Ðại chỉ có một giáo phận trải rộng từ đông sang tây. Số dân Công Giáo lúc đó là nửa triệu và được thừa hưởng tự do tôn giáo cũng như quyền công dân từ Anh Quốc mới 44 năm trước đó. Khi Marie-Rose được 29 tuổi, Ðức Giám Mục Ignace Bourget làm Giám Mục Montréal. Ngài là người có ảnh hưởng đến cuộc đời của chân phước Marie-Rose.

 Ðức giám mục phải đối phó với vấn đề thiếu linh mục và nữ tu, phần lớn số dân quê không có học vấn. Cũng như các giám mục ở Hoa Kỳ, ngài sục sạo khắp Âu Châu để tìm sự giúp đỡ và chính ngài thành lập bốn tu hội, một trong những tu hội ấy là các Nữ Tu của Danh Thánh Giêsu và Maria. Nữ tu đầu tiên và cũng là vị sáng lập là Marie-Rose.

Marie-Rose sinh năm 1811 tại một ngôi làng nhỏ bé gần Montréal, và là người con thứ 10 trong gia đình 11 người con. Ngài được giáo dục kỹ lưỡng, và tinh nghịch như con trai, biết cưỡi ngựa và cũng có thể dễ dàng lập gia đình. Khi lên 16 tuổi, ngài cảm thấy muốn đi tu nhưng buộc phải từ bỏ ý định này vì thể chất yếu ớt. Lúc 18 tuổi, mẹ ngài từ trần, người anh linh mục của ngài mời người cha và em mình đến sống trong giáo xứ của linh mục ở Beloeil, không xa Montréal là bao. Trong 13 năm, Marie-Rose phục vụ như một người quản gia, người chủ nhà và là nhân viên của giáo xứ. Ngài nổi tiếng vì sự tử tế, hay giúp đỡ, tế nhị và giỏi lãnh đạo; quả thật, ngài được gọi là “vị thánh của Beloeil.”

Khi còn trẻ, Marie-Rose thường hy vọng là một ngày nào đó sẽ có tu hội của các sơ chuyên lo việc giáo dục trong mỗi giáo xứ, không ngờ chính ngài lại thành lập một cộng đồng như vậy. Cha linh hướng của ngài, Cha Pierre Telmon, O.M.I, sau khi tỉ mỉ (và khắt khe) hướng dẫn tinh thần của ngài, đã khuyên ngài thành lập một tu hội. Ðức Giám Mục Bourget tán thành, nhưng sơ Marie-Rose chùn bước trước viễn ảnh đó. Chưa một phụ nữ Gia Nã Ðại nào dám làm điều như vậy. Ngài thì yếu ớt, trong khi cha và anh ngài đang cần đến sự giúp đỡ của ngài.

Sau cùng ngài đồng ý, và với hai người bạn, Melodie Dufresne và Henriette Cere, di chuyển đến một căn nhà nhỏ ở Longueuil, đối diện với Montréal qua con sông St. Lawrence. Cùng với họ là 13 thiếu nữ đã sẵn sàng vào nội trú. Từ từ, tu hội phát triển đến Bethlehem, Nazareth và Gethsemane. Lúc ấy Marie-Rose 32 tuổi và chỉ còn sống thêm có sáu năm nữa — đó là những năm ngập tràn thử thách, khó khăn, đau yếu và nhiều điều vu cáo. Những đức tính mà ngài ấp ủ trong thời gian “ẩn dật” đã lộ ra — một ý chí mạnh mẽ, thông minh và có lương tri. Từ đó, phát sinh một tu hội có tầm vóc quốc tế gồm các nữ tu tận hiến cho việc giáo dục đức tin.

Ngài khắt khe với chính bản thân và cũng thật nghiêm khắc đối với các sơ trong dòng nếu dựa theo tiêu chuẩn ngày nay. Bên trong tất cả những điều ấy, dĩ nhiên, là điều phổ thông đối với các thánh: một tình yêu không lay chuyển dành cho Ðức Kitô trên thập giá.

Vào lúc lâm chung, lời cầu nguyện mà người ta thường nghe ngài thầm thĩ là “Giêsu, Maria, Giuse! Lạy Chúa Giêsu nhân lành, con yêu Chúa. Xin Chúa ở với con!” Trước khi chết, ngài mỉm cười và nói với các nữ tu, “Lời cầu xin của các chị đã giữ tôi ở đây – hãy để tôi đi.”

Lời Bàn

Ba đặc tính Kitô Giáo luôn luôn đi với nhau là cầu nguyện, hãm mình và bác ái. Trong thời đại ngày nay, chúng ta thấy có những người nỗ lực sống bác ái, thực sự lưu tâm đến người nghèo. Biết bao Kitô Hữu đã cảm nghiệm được một hình thức cầu nguyện chân thành. Nhưng còn hãm mình thì sao? Chúng ta bối rối khi nghe thấy những hình thức hãm mình ghê gớm của các thánh, như Marie-Rose. Dĩ nhiên, không phải ai ai cũng được như vậy. Nhưng hấp lực của một nền văn hóa vật chất dẫn đến việc hưởng thụ và tiêu khiển thì không thể nào cưỡng chống được nếu không có một hình thức nào đó của sự chủ tâm và tiết chế vì Ðức Kitô. Ðó là một tiến trình trong việc đáp lời mời gọi của Ðức Kitô để sám hối và thực sự quay về với Thiên Chúa.

Lời Trích

Ðối với các nữ tu rời bỏ đời sống tu trì, chân phước Marie-Rose viết: “Ðừng bắt chước những người, mà sau khi một vài tháng sống trong nhà dòng, họ ăn mặc thật khác biệt, nhiều khi lố bịch. Các bạn trở về với tình trạng thế tục. Lời khuyên của tôi là, hãy sống như những ngày ở trong dòng, dù có ở xa đi nữa.”


06/10/2021

6 Tháng 10

Thánh Brunô
(1030? – 1101)

Thánh nhân được vinh dự là đã sáng lập một tu hội mà như người ta thường nói, không bao giờ phải cải cách vì dòng chưa bao giờ đi lạc đường. Chắc chắn là vị sáng lập cũng như các tu sĩ dòng sẽ từ chối lời khen ngợi này, nhưng đó là một kết quả của tình yêu mãnh liệt mà thánh nhân đã dành cả cuộc đời để hãm mình đền tội trong cô độc.

Ngài sinh ở Cologne, nước Ðức, và là thầy giáo nổi tiếng ở Rheims và được bổ nhiệm làm chưởng ấn của tổng giáo phận khi 45 tuổi. Ngài hỗ trợ Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô VII chôáng lại sự suy đồi của hàng giáo sĩ và tiếp tay trong việc cách chức vị tổng giám mục gây nhiều tiếng xấu là Manasses. Dân chúng muốn đưa ngài lên làm tổng giám mục nhưng ngài lại muốn sống ẩn dật.

Ngài là một ẩn tu dưới quyền tu viện trưởng là Thánh Robert Molesmes (sau này sáng lập dòng Xitô), nhưng sau đó, vào năm 1084 cùng với sáu người bạn ngài di chuyển đến Grenoble. Họ được vị giám mục của Grenoble là Thánh Hugh cấp cho một nơi để sinh sống trong một vùng cao nguyên hoang vắng, được gọi là La Grande Chartreuse.

Brunô và các bạn xây một nhà nguyện nhỏ với các phòng riêng cách xa nhau, sống sát với quy luật của Thánh Biển Ðức, và từ đó xuất phát Dòng Carthusian. Trong một ngày họ chỉ gặp nhau để đọc kinh sáng và tối, thời giờ còn lại họ sống trong cô độc, làm việc lao động, cầu nguyện và sao chép lại các văn bản Kinh Thánh. Ngay cả việc ăn uống, họ cũng chỉ ăn chung trong những ngày lễ lớn.

Ðức Giáo Hoàng Urbanô II nghe biết sự thánh thiện của Brunô, đã gọi ngài về Rôma để làm phụ tá trong việc cải cách hàng giáo sĩ. Sau khi khước từ chức tổng giám mục mà đức giáo hoàng ban cho, Bruno đã xin Ðức Urbanô cho phép ngài trở về đời sống ẩn dật, thành lập cộng đồng Thánh Maria ở La Torre trong vùng Calabria, và ngài sống ở đây cho đến khi lìa đời, ngày 6-10-1101.

Ngài chưa bao giờ được chính thánh phong thánh vì quy luật dòng Carthusian không chấp nhận những vinh dự công cộng, nhưng vào năm 1514, Ðức Giáo Hoàng Leo X đã cho phép dòng Carthusian mừng lễ kính ngài, và tên của ngài được xếp trong niên lịch Công Giáo Rôma từ năm 1623.

Lời Bàn

Nếu đời sống chiêm niệm là một lối sống không dễ thực hiện, thì chắc chắn sự hãm mình đền tội được thể hiện qua cuộc đời ẩn dật của các tu sĩ Carthusian lại càng khó khăn biết chừng nào.

Lời Trích

“Thành viên của các cộng đồng tận hiến cho sự chiêm niệm đã hy sinh chính mình cho Thiên Chúa trong sự cô độc và thinh lặng, liên lỉ cầu nguyện và hãm mình đền tội. Bất kể những nhu cầu của giáo hội có khẩn cấp đến đâu, những cộng đồng như thế luôn luôn góp phần độc đáo trong Nhiệm Thể Ðức Kitô…” (Sắc Lệnh về Canh Tân Ðời Sống Tu Trì, 7).


07/10/2021

7 tháng 10

Ðức Mẹ Mân Côi

“Lần hạt Mân côi từ bao năm tháng đã là tỏ lòng kính mến Ðức Mẹ. Thực hành này đã có một chiều sâu mới trong thời chúng ta. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, một thuyền đoàn Kitô Giáo gồm 206 chiếc thuyền với 80 ngàn người do thánh Giáo Hoàng Piô thứ V tổ chức, và do Don John của Áo Quốc lãnh đạo đã quyết thắng thuyền đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo với 320 chiến thuyền và 120 ngàn binh sĩ và người chèo tù nhân Kitô giáo của Thổ Nhĩ Kỳ trong vịnh biển Hy Lạp. Một lần nữa, đoàn quân Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo không chế ngự được đoàn quân Kitô giáo Âu châu. Trong trận hải chiến này, nhóm Mân Côi Rôma đã lần chuỗi Mân Côi để cầu thắng cho Hải đội Kitô Giáo trong nhà thờ Ðức Bà. Khi tin đoàn thắng được loan ra, ai ai cũng nhìn nhận đó là sự bầu cử của Ðức Mẹ. Ðức Giáo Hoàng Piô thứ V thuộc dòng Ðaminh rất sùng kính Kinh Mân côi đã lập ra lễ Ðức Bà Toàn Thắng để đánh dấu sự chiến thắng nói trên. Về sau lễ này được đổi ra là lễ Ðức Mẹ Mân Côi mà Giáo hội vẫn giữ vào ngày 7/10 mỗi năm. Khi người ta lần hat ở các đám tang đêm trước ngày chôn cất, người chủ sự thường nhân cơ hội dể đọc hết 150 kinh Mân côi, các Sự Vui, Sự Thương, và Sự Mừng, với kinh mở đầu cho lễ Ðức Mẹ Mân Côi. Ðó là tóm tắt đầy đủ nhất của cuộc đời Mẹ Maria và Chúa Giêsu Con Mẹ. Mặc dù Ðức Mẹ trao chuỗi Mân Côi cho thánh Dômincô không được coi có tính cách lịch sử, nhưng sự phát triển của kinh nguyện này là nợ lớn đối với những đệ tử của thánh Ðôminicô.

Lạy Chúa xin đổ tràn tim chúng con với tình thương của Chúa. Chúa đã sai thiên thần báo cho chúng con, Con Chúa giáng trần làm người. Xin hãy đưa chúng con đến sự vinh quanh phục sinh nhờ cuộc khổn nạn và cái chết của con Chúa. Amen.

08/10/2021

8 Tháng Mười
Thánh Gioan Leonardi
(1541? – 1609)

“Tôi chỉ là một con người! Tại sao tôi phải làm mọi việc? Ðiều đó có ích gì cho tôi?” Ngày nay, cũng như bất cứ thời đại nào, người ta thường cảm thấy khó chịu khi rơi vào tình trạng khó xử vì bị liên lụy. Nhưng Thánh Gioan Leonardi đã trả lời những câu hỏi trên trong một phương cách độc đáo. Ngài chọn trở nên một linh mục.

Thánh Gioan Leonardi sinh ở Diecimo, nước Ý. Ngài làm phụ tá thầy thuốc ở Lucca, đi tu và thụ phong linh mục năm 1572. Sau khi chịu chức, ngài rất tích cực hoạt động tông đồ, nhất là ở bệnh viện và nhà tù. Sự tận tụy và gương mẫu đời sống của ngài đã thu hút vài người trẻ, và họ bắt đầu tiếp tay với ngài. Sau này chính họ cũng trở thành linh mục.

Phấn khởi với luồng gió cải cách mà Công Ðồng Triđentinô đề ra, Cha Gioan và các linh mục bạn đề nghị một tổ chức cho các linh mục triều. Ðề nghị này bị chống đối dữ dội, nhưng vào năm 1583, tổ chức của ngài được đức giám mục Lucca công nhận với sự phê chuẩn của Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII (vào năm 1621, tổ chức này được chính thức đặt tên là Các Tu Sĩ Chuyên Nghiệp của Mẹ Thiên Chúa). Cha Gioan được sự trợ giúp của Thánh Philíp Nêri và Thánh Giuse Calasanctius, và vào năm 1595, tổ chức này được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII công nhận, và đức giáo hoàng đã giao cho Cha Gioan công việc chấn chỉnh các tu sĩ ở Vallombrosa và Monte Vergine.

Ngài chết khi mới 68 tuổi vì bị lây bệnh dịch khi chăm sóc các bệnh nhân ở Rôma. Ngài được sùng kính vì những phép lạ và lòng đạo đức nhiệt thành của ngài, và được coi là một trong những sáng lập viên của Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1938.

Lời Bàn

Mỗi người có thể làm được những gì? Theo ý định và hoạch định của Thiên Chúa cho mỗi người, điều chúng ta có thể làm thì ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Mỗi người, như Thánh Gioan Leonardi, có một nhiệm vụ phải chu toàn trong hoạch định của Thiên Chúa cho thế gian. Mỗi người chúng ta thì độc đáo và được ban cho các khả năng để phục vụ anh chị em chúng ta trong việc xây dựng Nước Trời.

Lời Trích

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban nước trời cho anh em. Hãy bán của cải mình và bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không bao giờ mục nát và một kho tàng vô tận ở trên trời, là nơi kẻ trộm cắp không thể bén mảng, mối mọt không thể đục phá” (Luca 12:32-33).


09/10/2021

9 Tháng 10

Các Thánh Denis, Rusticus và Eleutherius
(c. 258?)

Điều đầu tiên chúng ta được biết về ba vị này là họ được tử đạo khoảng năm 258, theo như văn bản của Thánh Grêgôriô ở Tours thuộc thế kỷ thứ sáu.

Thánh Denis (hay còn được gọi là Dionysius) là người nổi tiếng nhất trong ba vị. Ngài sinh trưởng ở Ý, và vào khoảng năm 250 ngài được sai đi truyền giáo ở Gaul (bây giờ là nước Pháp) bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê cùng với năm vị giám mục khác.

Thánh Denis đặt địa bàn truyền giáo ở một hòn đảo trong vùng Seine gần thành phố Lutetia Parisorium — sau này trở thành thủ đô Balê. Vì lý do đó ngài được coi là vị giám mục đầu tiên của Balê và là Tông Ðồ nước Pháp. Ở đây ngài bị bắt cùng với Rusticus và Eleutherius. Các học giả sau này đề cập đến Rusticus và Eleutherius như linh mục và thầy sáu của Ðức Giám Mục Denis, ngoài ra chúng ta không còn biết gì thêm.

Sau thời gian bị tù đầy và tra tấn, ba vị bị chém đầu và thân thể của họ bị ném xuống sông. Xác của Thánh Denis được những người tân tòng vớt lên và chôn cất. Một nhà nguyện được xây trên phần mộ của ngài mà sau này trở thành tu viện Thánh Denis.

Ðến thế kỷ thứ chín, tiểu sử của Thánh Denis bị lẫn lộn với Thánh Dionysius người Areopagite, nhưng sau này các học giả xác định ngài là một vị thánh riêng biệt.

Thánh Denis thường được vẽ khi ngài tử đạo — không có đầu (với một cành nho vươn lên từ cổ) và tay ngài cầm chính đầu của ngài với nón giám mục.

Ðược coi là vị thánh đặc biệt của Balê, Thánh Denis là quan thầy của nước Pháp.

Lời Bàn

Ðây là trường hợp của một vị thánh mà chúng ta không biết gì nhiều, nhưng ngài là người được sùng kính trong lịch sử Giáo Hội qua nhiều thế kỷ. Chúng ta chỉ có thể kết luận là ảnh hưởng sâu đậm của thánh nhân đối với dân chúng trong thời đại của ngài chứng tỏ một đời sống thánh thiện khác thường. Trong những trường hợp như vậy, có hai sự kiện căn bản: Một người vĩ đại đã hy sinh cho Ðức Kitô, và Giáo Hội không bao giờ quên họ được — đó là dấu chỉ về sự lưu tâm vĩnh viễn của Thiên Chúa.

Lời Trích

“Sự tử đạo là một phần bản chất Giáo Hội vì nó nói lên cái chết tinh tuyền của người Kitô, cái chết vì đức tin. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội thay vì vẫn còn trong giả tưởng, đã được biểu lộ cách tỏ tường nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ hai, một người chấp nhận cái chết vì đức tin hay luân lý Kitô Giáo đều được noi gương và tôn kính như một vị ‘martus’ (chứng nhân). Danh từ này có nguồn gốc từ Kinh Thánh mà Ðức Giêsu Kitô là ‘chứng nhân trung tín’ tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)” (Karl Rahner, Tự Ðiển Thần Học).


10/10/2021

10 tháng 10

Thánh Daniel và Các Bạn
(c. 1227)

Daniel, vị bề trên dòng Phanxicô ở Calabria, nước Ý, hướng dẫn một nhóm các tu sĩ Phanxicô, là những người theo gương Thánh Berard để đi rao giảng Phúc Âm ở Bắc Phi vào năm 1227. Sáu vị tu sĩ khác là Angelo, Domnus, Hugolino, Leo, Nicolas và Samuel. Họ đến Ceuta, Morocco, là nơi các thương gia Kitô Giáo đã cảnh giác họ về việc bách hại các thừa sai.

Tuy nhiên, vì quá hăng say, các tu sĩ đã rao giảng công khai, nên đã bị bắt ngay lập tức. Không sợ hãi trước những đe dọa hay mua chuộc, họ cương quyết không chối bỏ đức tin. Cũng như các Kitô Hữu thời tiên khởi ở Colosseum, Daniel và các bạn đã ca hát trên đường tử đạo. Sau khi bị chặt đầu, xác của các ngài được đưa về Tây Ban Nha.

Tất cả được phong thánh năm 1516.

Lời Bàn

Các thánh tử đạo nhắc nhở chúng ta về giá máu mà ChúaGiêsu đã phải trả khi loan truyền Tin Mừng. Chúng ta không có chọn lựa nào khác về việc làm chứng cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Việc nhớ đến các vị tử đạo giúp chúng ta kiên trì sống phúc âm mà chúng ta đã được kêu gọi để tuân giữ.

Lời Trích

“Qua sự tử đạo người môn đệ được biến đổi nên giống hình ảnh của Thầy mình, là người đã tự chấp nhận cái chết để cứu chuộc thế gian; và họ cố đạt được hình ảnh ấy dù có phải đổ máu. Tuy không nhiều người được cơ hội ấy, nhưng tất cả phải sẵn sàng để tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt người đời, và theo Người trên con đường thập giá qua những bách hại mà Giáo Hội từng bị đau khổ” (Hiến Chương về Giáo Hội, #71).


11/10/2021

11 tháng 10

Chân Phước Mary Angela Truszkowska
(1825-1899)

Sinh trưởng ở Kalisz, Ba Lan, sức khoẻ của Sophia Truszkowska trong tình trạng hiểm nghèo nên không hy vọng sống được lâu. Khi đến tuổi thiếu niên và được mạnh khoẻ hơn, cô quyết định dâng mình cho Thiên Chúa. Và trong khi còn đang phục hồi sau cơn bệnh lao thì Sophia đã khởi sự chăm sóc các trẻ mồ côi ở Warsaw.

Không bao lâu cô được người bà con là Clothilde cũng như các bạn khác tiếp tay. Họ gia nhập dòng Ba Phanxicô dưới sự hướng dẫn của các linh mục Capuchin và được mặc áo dòng. Năm 1855, Sophia, bây giờ là Mẹ Angela, thành lập một cộng đoàn Phanxicô mới, lấy tên Các Nữ Tu Thánh Felicia.

Khi công việc chăm sóc người vô gia cư của các nữ tu Thánh Felicia phát triển mạnh thì số người gia nhập cộng đoàn cũng gia tăng. Thật không dễ cho một người sáng lập như Mẹ Angela, vì ngài phải vạch ra một hướng đi rõ ràng cho cộng đoàn mà một số nữ tu khác lại muốn theo đuổi đời sống chiêm niệm. Nhưng Mẹ Angela có cái nhìn khác biệt, ngài thấy đây là một cộng đoàn nữ tu được Thiên Chúa mời gọi để cầu nguyện và làm việc ở ngoài khuôn khổ của tu viện. Bởi đó, các Nữ Tu Thánh Felicia chăm sóc bệnh nhân ngay trong nhà của họ cũng như phục vụ các người tàn tật, người già yếu, trẻ mồ côi và các người vô gia cư. Các nữ tu cũng xây cất các nhà dành riêng cho những người mắc bệnh hay lây ở làng mạc Ba Lan.

Vào năm 1863, khi người Ba Lan vùng lên chống lại sự đô hộ của người Nga, các nữ tu Thánh Felicia tiếp tục chăm sóc bệnh nhân bất kể quốc tịch nào. Lúc đó, Mẹ Angela ra lệnh cho các nữ tu “không được loại trừ ai” và hãy nhớ rằng “mọi người đều là người thân cận của mình.”

Trong năm kế đó, vào tháng Mười Hai năm 1864, các nữ tu Thánh Felicia bị chính quyền Nga giải tán. Trong khi một số các nữ tu khác tập hợp lại thành cộng đoàn Nữ Tu Ba Lan, nhà cầm quyền Áo cho phép các nữ tu Thánh Felicia tái lập cộng đoàn trong phần đất của Áo ở Ba Lan. Mười năm sau các nữ tu Thánh Felicia đến Polonia, Wisconsin thuộc Hoa Kỳ, để đáp lời mời gọi của những người di dân Ba Lan. Sứ vụ của họ lan tràn cho tới bảy giáo phận.

Vào năm 1869, Mẹ Angela từ chức bề trên vì sức khoẻ yếu kém. Trong những năm cuối đời, ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và làm việc lao động. Ngài cũng được nhìn thấy cộng đoàn của ngài sáng lập đã được Tòa Thánh chuẩn nhận.

Lời Bàn

Sau khi Mẹ Angela chết không lâu, một trong các nữ tu đã nói về ngài như “một hiện thân của tình yêu tha nhân. Ðối với ngài, chỉ những gì không thể thiếu, thật cần thiết — ngoài ra mọi sự là cho tha nhân, và đó là phương châm của ngài… không chỉ để phô trương, nhưng được thể hiện qua các công việc hàng ngày trong nhiều năm trường… Sự đau khổ, sự lo âu của người khác luôn âm vang trong tâm hồn ngài, nhưng đó không phải là một âm vang vô hiệu quả. Với một tiềm năng đáng khâm phục, dù sức khỏe mong manh, ngài đã đi tìm phương thuốc chữa trị và luôn luôn tìm thấy. Ngài thi hành viêïc ấy rất tự nhiên, như thể đó là một bổn phận của ngài.”

Lời Trích

Mẹ Angela có lần khuyên các nữ tu, “Một kinh ‘Sáng Danh’ được cất lên khi gặp nghịch cảnh thì có giá trị gấp ngàn lần lời tạ ơn khi thành công.”


12/10/2021

12 tháng 10

Thánh Seraphin ở Montegranaro
(1540-1604)

Sinh trong một gia đình nghèo ở Ý, khi còn nhỏ Seraphin phải đi chăn cừu và ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Sau khi cha mẹ qua đời, ngài bị người anh đối xử cách tệ hại, Seraphin đã gia nhập dòng Capuchin lúc 16 tuổi và khiến nhiều người kinh ngạc vì sự khiêm tốn và độ lượng của ngài.

 Phục vụ như một thầy trợ sĩ, Seraphin theo gương Thánh Phanxicô ăn chay, mặc áo nhặm và đối xử tử tế với mọi người. Ngài muốn theo gương Thánh Phanxicô cả về vấn đề truyền giáo, nhưng cha bề trên không chọn ngài trong công việc này.

Mỗi ngày, Seraphin trung thành dành ba giờ đồng hồ để cầu nguyện trước Thánh Thể. Những người nghèo đến gõ cửa tu viện đều được ngài ân cần tiếp đón. Mặc dù cuộc đời của ngài thật bình dị, ngài đã đạt được chiều kích tâm linh đáng kể và làm được nhiều phép lạ.

Thánh Seraphin từ trần ngày 12-10-1604, và được phong thánh năm 1767.

Lời Bàn

Ðối với nhiều người ngày nay, công việc làm không có ý nghĩa gì khác hơn là để kiếm tiền cho cuộc sống. Có bao người nghĩ rằng chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc chăm sóc trái đất này, như được viết trong sách Sáng Thế? Những công việc của Thánh Seraphin không có gì là kinh thiên động địa mà rất tầm thường, nhưng ngài đã thi hành với một tinh thần phi thường.

Lời Trích

Trong cuốn Brothers of Men, Rene Voillaume của tu hội Tiểu Ðệ Ðức Giêsu nói về công việc tầm thường và sự thánh thiện: “Giờ đây sự thánh thiện này [của Chúa Giêsu] được thể hiện trong mọi hoàn cảnh thông thường của đời sống, của công việc, của gia đình và xã hội làng mạc, và đó là một xác định rõ ràng rằng các sinh hoạt tẻ nhạt và không ai biết đến thì hoàn toàn thích hợp với sự tuyệt hảo của Con Thiên Chúa.” Ngài viết, người Kitô tin tưởng rằng “sự thánh thiện của con cái Thiên Chúa thì có thể đạt được trong mọi hoàn cảnh bình thường của một người nghèo hèn và buộc phải làm việc để sinh sống.”


13/10/2021

13 tháng 10

Thánh Margaret Mary Alacoque
(1647-1690)

Thánh Margaret Mary được Chúa chọn để dấy động trong Giáo Hội một nhận thức về tình yêu Thiên Chúa được biểu tượng qua trái tim Chúa Giêsu.

 Ngài sinh trưởng ở L’Hautecour, Burgundy, nước Pháp. Sau khi cha chết vào lúc tám tuổi, ngài được gửi vào trường Nữ Tu Thánh Clara Khó Nghèo ở Charolles. Ngài phải nằm liệt giường vì bệnh thấp khớp cho đến năm mười lăm tuổi, và lúc ấy ngài đã có lòng sùng kính Thánh Thể đặc biệt.

Ngài từ chối việc lập gia đình và gia nhập dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial và khấn trọn vào năm tiếp đó. Một nữ tu dòng Thăm Viếng “không cần phải trở nên phi thường,” nhưng người nữ tu trẻ tuổi này thật khác lạ. Một chị đệ tử sinh (thích chỉ trích) cũng phải công nhận Margaret là người khiêm tốn, đơn sơ và thành thật, nhưng trên tất cả Margaret hiền lành và kiên nhẫn khi bị sửa sai và chỉ trích.

Khi hai mươi tuổi, ngài được thị kiến Ðức Kitô, và từ ngày 27 tháng Mười Hai 1673, cho đến một năm rưỡi sau đó, ngài nhận được một chuỗi những thụ khải. Qua đó, Ðức Kitô cho biết thánh nữ được chọn là khí cụ của Người để lan truyền việc sùng kính Thánh Tâm Chúa, và qua tình yêu của chính mình, thánh nữ sẽ đền bù cho sự lạnh nhạt và vô ơn của thế gian — qua sự thường xuyên và quý trọng việc Rước Lễ, nhất là trong các thứ Sáu đầu tháng, và qua một giờ cầu nguyện mỗi tối thứ Năm để tưởng nhớ sự thống khổ và cô đơn của Chúa khi trong vườn Cây Dầu. Chúa cũng yêu cầu thiết lập một ngày lễ để kính Thánh Tâm Chúa.

Như tất cả các thánh khác, Margaret đã phải trả giá cho sự thánh thiện của mình. Một số các sơ trong dòng chống đối ra mặt. Các thần học gia được triệu tập để tuyên bố những gì ngài được thụ khải chỉ là ảo tưởng và họ đề nghị ngài ăn uống điều độ hơn. Sau này một cha giải tội của nhà dòng, Chân Phước Claude de la Colombiere, dòng Tên, nhận ra giá trị thực của điều thụ khải và đã hỗ trợ ngài. Bất kể sự chống đối mãnh liệt, Ðức Kitô kêu gọi ngài hãy hy sinh để đền bù cho những thiếu sót của các sơ trong dòng, và để sứ điệp của Chúa được lan rộng.

Cho đến năm 1683, sự chống đối chấm dứt khi Mẹ Melin được chọn làm Bề Trên và bổ nhiệm Sơ Margaret Mary làm phụ tá. Sau này sơ làm Giám Ðốc Ðệ Tử Viện, và được mục kích lễ Thánh Tâm Chúa được nhà dòng cử mừng một cách riêng tư vào năm 1686, và hai năm sau, một nhà nguyện được xây cất ở Paray-le-Monial để kính Thánh Tâm Chúa.

Sơ Margaret Mary từ trần ngày 17-10 và được phong thánh năm 1920. Chính ngài cũng như Thánh Gioan Eudes và Chân Phước Claude La Colombiere được gọi là “Các Thánh của Thánh Tâm”; bảy mươi lăm năm sau, năm 1765, việc sùng kính Thánh Tâm được chính thức công nhận và được chấp thuận bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII.

Lời Bàn

Thời đại vật chất-khoa học của chúng ta không thể “chứng minh” những thụ khải riêng tư. Các thần học gia, nếu bị ép buộc, cũng xác nhận là chúng ta không phải tin vào điều thụ khải. Nhưng không thể khước từ sứ điệp mà Thánh Margaret Mary đã loan báo: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu nồng nàn. Thánh nữ luôn nhấn mạnh đến việc đền bù qua sự cầu nguyện, và nhắc đến sự phán xét sau cùng. Những điều ấy đủ để xoá tan tính cách dị đoan và hời hợt của việc sùng kính Thánh Tâm trong khi vẫn duy trì được ý nghĩa sâu xa của Kitô Giáo.

Lời Trích

Ðức Kitô nói với Thánh Margaret Mary: “Ðây là Trái Tim đã quá yêu thế gian đến nỗi không còn giữ lại chút gì, cho đến khi kiệt quệ và héo hon, để chứng minh tình yêu của trái tim Thầy. Ðền đáp lại, Thầy chỉ nhận được sự vô ơn bạc nghĩa, qua sự bất kính và phạm thượng của chúng, và qua sự lạnh nhạt và khinh miệt của chúng trong bí tích tình yêu này… Thầy đến trong trái tim mà Thầy đã ban cho con để qua sự nhiệt thành của con, con sẽ đền bù cho những xúc phạm đến Thầy vì những tâm hồn thờ ơ và lười biếng đã làm ô danh Thầy trong Bí Tích Thánh Thể” (lần thụ khải thứ ba).


14/10/2021

14 tháng 10

Thánh Giáo Hoàng Callistus I
(c. 223?)

Chúng ta có được những dữ kiện xác thực về vị thánh này là từ người thù địch với ngài, đó là Hippolytus, vị giáo hoàng đối lập đầu tiên, sau này đã tử đạo. Nguyên tắc phủ định được áp dụng: Nếu Callistus có làm điều gì sái quấy, chắc chắn Hippolytus sẽ nhắc đến.

Callistus là một nô lệ trong đám gia nhân của triều đình Rôma. Ðược giao cho công việc giữ tiền của chủ, ngài đánh mất tiền, bỏ trốn và bị bắt. Sau khi phục dịch một thời gian, ngài được thả ra để tìm lại số tiền. Vì quá hăng say, ngài lại bị bắt vì cãi nhau trong đền thờ người Do Thái. Lần này ngài bị đầy đi làm hầm mỏ ở Sardinia. Sau đó ngài được thả về nhờ sự can thiệp của bà vợ bé của hoàng đế, và sống ở Anzio.

Sau đó ngài được giao cho công việc quản lý nghĩa trang của người Kitô ở Rôma, có lẽ đây là phần đất đầu tiên do Giáo Hội làm chủ. Ðức giáo hoàng phong cho ngài làm phó tế, coi ngài là bạn và là người cố vấn.

Về sau chính ngài được bầu làm giáo hoàng với đa số phiếu của hàng giáo sĩ và giáo dân ở Rôma, và do đó bị tấn công bởi Hippolytus, người thất cử, là người tự đặt mình là giáo hoàng đối lập đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Sự phân ly này kéo dài 18 năm.

Hippolytus được kính trọng như một vị thánh. Ngài bị lưu đầy trong thời kỳ cấm cách năm 235, và đã hòa giải với Giáo Hội. Ngài chết vì sự tra tấn ở Sardinia. Hippolytus tấn công Callistus về hai điểm — học thuyết và kỷ luật. Dường như Hippolytus đã quá đáng khi phân biệt giữa Chúa Cha và Chúa Con (hầu như hai chúa), có lẽ vì ngôn ngữ thần học thời ấy chưa được rõ ràng. Ngài cũng kết án Callistus là quá khoan dung, vì những lý do có thể khiến chúng ta ngạc nhiên: (1) Callistus cho phép những người đã công khai sám hối về tội giết người, dâm dục và ngoại tình được Rước Lễ; (2) ngài hợp thức hóa hôn nhân giữa người nô lệ và người tự do — trái với luật Rôma; (3) ngài cho phép truyền chức cho các ông đã lập gia đình hai hay ba lần; (4) ngài chủ trương tội trọng không phải là lý do đầy đủ để cách chức một giám mục; (5) ngài chủ trương chính sách khoan dung đối với những người đã từng chối đạo trong thời kỳ bách hại.

Ðức Callistus bị tử đạo trong cuộc nổi loạn ở Trastevere, Rôma, và là vị giáo hoàng đầu tiên (ngoại trừ Thánh Phêrô) được coi là tử đạo trong danh sách tử đạo tiên khởi của Giáo Hội.

Lời Bàn

Ðời sống của thánh nhân cho thấy con đường lịch sử của Giáo Hội, cũng như của một tình yêu chân chính, không bao giờ êm ả. Giáo Hội đã và đang phải trải qua những phấn đấu cam go để xác định các mầu nhiệm đức tin trong một từ ngữ, mà tối thiểu, phân biệt được với sự sai lầm. Về phương diện kỷ luật, Giáo Hội phải giữ được lòng thương xót của Ðức Kitô đối với sự khắt khe, trong khi vẫn giữ được lý tưởng phúc âm khi nói đến sự sám hối và kỷ luật tự giác. Mỗi một giáo hoàng — đúng hơn mỗi một Kitô Hữu — phải đi trên con đường khó khăn giữa sự khoan hồng “hợp lý” và sự nghiêm khắc “vừa phải”.

Lời Trích

Ðức Giê-su nói về những người thời ấy, “giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ nói với nhau, ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không than khóc’. Vì ông Gio-an [Tẩy Giả] đến, không ăn không uống, thì chúng bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, ăn uống như mọi người, thì chúng lại bảo: ‘Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’” (Matthew 11:16b-19a).


15/10/2021

15 tháng 10

Thánh Têrêsa Avila
(1515-1582)

“Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.

 Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.

Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới “trọng nam khinh nữ” vào thời đó. Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người. Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.

Têrêsa là một phụ nữ “vì Chúa”, một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách. Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.

Têrêsa cũng là một phụ nữ “vì tha nhân.” Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu — luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.

Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.

Lời Bàn

Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại nhiều xáo trộn, thời đại cải tổ và thời đại giải phóng. Các phụ nữ thời đại có thể nhìn đến Thánh Têrêsa như một thách đố. Thúc giục canh tân, thúc giục cầu nguyện, tất cả đều có trong con người Thánh Têrêsa là người đáng khâm phục và noi gương.

Lời Trích

Thánh Têrêsa hiểu rõ giá trị của sự đau khổ liên tục (bệnh tật thể xác, không muốn cải tổ, khó khăn cầu nguyện), nhưng ngài đã luyện tập để có thể chịu đau khổ, ngay cả khao khát đau khổ: “Lạy Chúa, hoặc là đau khổ hoặc là chết.” Cho đến gần cuối đời, ngài đã kêu lên: “Ôi lạy Chúa! Thật đúng là bất cứ ai làm việc cho Ngài đều được trả bằng những khó khăn! Và đó thật đáng giá cho những ai yêu mến Ngài nếu chúng con hiểu được giá trị của nó.”


16/10/2021

16 tháng 10

Thánh Marguerite d’Youville
(1701-1771)

Chúng ta có thể học cách thương người khi để đời sống chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những người đầy lòng nhân hậu, bởi nhìn vào đời sống qua quan điểm của họ và suy nghĩ lại những gì chúng ta coi là giá trị.

 Sinh ở Varennes, Gia Nã Ðại, cô Marie Marguerite Dufrost de Lajemmerais phải thôi học vào lúc 12 tuổi để giúp đỡ người mẹ goá. Tám năm sau cô kết hôn với Francois d’Youville; họ có sáu người con, trong đó bốn người chết khi còn nhỏ. Mặc dù chồng bà thích cờ bạc và buôn bán rượu lậu cho người thổ dân Mỹ Châu và đối xử với bà cách tàn tệ, bà Marguerite vẫn chăm sóc chồng với lòng thương mến trong hai năm trước khi ông từ trần vào năm 1730.

Dù phải chăm sóc hai con nhỏ và trông coi tiệm tạp hóa để trả nợ cho chồng, bà Marguerite vẫn thường giúp đỡ người nghèo. Khi các con đã khôn lớn, bà và một vài người bạn đã cứu nguy cho một bệnh viện ở Quebec đang trên đà suy sụp. Bà đặt tên cho cộng đoàn của bà là Các Nữ Tu Bác Ái ở Montréal; dân chúng gọi họ là các “Nữ Tu Áo Xám” vì y phục họ mặc. Vào lúc ấy, những người nghèo ở Montréal thường nói với nhau, “Ðến với các Nữ Tu Áo Xám; họ không bao giờ bị từ chối giúp đỡ.” Cho đến lúc bấy giờ, năm cộng đoàn tôn giáo khác được bắt nguồn từ các Nữ Tu Áo Xám.

Bệnh Viện Công ở Montréal trở nên Hotel Dieu (Nhà Chúa) và đã đề ra một quy tắc về chăm sóc y tế và lòng nhân hậu Kitô Giáo. Khi bệnh viện bị hỏa hoạn vào năm 1766, bà Marguerite đã quỳ trên đám tro tàn, xướng bài Te Deum ca ngợi sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, và bắt đầu xây dựng lại. Bà đã chống trả với mưu toan của chính phủ nhằm giới hạn công việc bác ái của bà cũng như thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu.

Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, đã phong chân phước cho bà Marguerite vào năm 1959, và gọi bà là “Người Mẹ của Hội Từ Thiện Chung”. Bà được phong thánh năm 1990.

Lời Bàn

Các thánh thường phải đương đầu với nhiều sự nản lòng, nhiều lý do để nói rằng “đời thật bất công” và tự hỏi xem Thiên Chúa ở đâu trong những vụn vỡ của cuộc đời. Chúng ta vinh danh các thánh như Marguerite vì họ cho chúng ta thấy, với ơn sủng của Thiên Chúa và sự cộng tác của họ, sự đau khổ có thể đưa đến lòng nhân hậu thay vì sự cay đắng.

Lời Trích

“Không chỉ một lần, công việc mà Thánh Marguerite thể hiện đã bị cản trở bởi thiên nhiên hay con người. Ðể có thể hoạt động nhằm đem lại một thế giới công chính và gần gũi hơn, thánh nữ đã phải đấu tranh trong nhiều cuộc chiến nặng nề và khó khăn” (Ðức Gioan Phaolô II, bài giảng lễ phong thánh).


17/10/2021

17 tháng 10

Thánh Ignatius ở Antioch
(c. 107?)

Sinh trưởng ở Syria, Ignatius trở lại Kitô Giáo và sau đó làm Giám Mục Antioch. Vào năm 107, hoàng đế Trajan ghé thăm Antioch và buộc các Kitô Hữu phải chối đạo hoặc chịu chết. Ignatius cương quyết không chối bỏ đức tin và do đó bị án tử hình ở Rôma.

 Trên đường từ Antioch đến Rôma để chịu tử đạo, Ðức Giám Mục Ignatius đã viết bảy lá thư nổi tiếng. Năm lá thư cho các Giáo Hội ở Tiểu Á; khuyến khích các Kitô Hữu trung thành với Thiên Chúa và vâng lời bề trên. Ngài cảnh giác họ hãy đề phòng những giáo thuyết lầm lạc, và dạy bảo họ những chân lý vững chắc của đức tin Kitô Giáo.

Lá thư thứ sáu gửi cho Polycarp, Giám Mục ở Smyrna, là người sau này cũng tử đạo vì đức tin. Lá thư sau cùng ngài xin các Kitô Hữu ở Rôma đừng ngăn cản ngài chịu tử đạo. “Ðiều duy nhất tôi xin các bạn là hãy để tôi được tự do dâng hiến máu tôi cho Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa của Thiên Chúa, ước chi tôi được nghiền nát dưới nanh thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Ðức Kitô.”

Lời ước của ngài đã được thể hiện, và Ðức Ignatius từ trần dưới nanh vuốt của sư tử ở Colosseum năm 107.

Lời Bàn

Ðiều quan tâm lớn lao của Thánh Ignatius là sự hiệp nhất và trật tự trong Giáo Hội. Lớn lao hơn nữa, là ngài ao ước được tử đạo hơn là chối bỏ Ðức Giêsu Kitô. Không phải vì sự đau khổ mà người ta chú ý đến Thánh Ignatius, nhưng là vì tình yêu Thiên Chúa đã giữ vững ngài. Ngài biết cái giá của sự trung tín và không chối bỏ Ðức Kitô, dù có phải mất mạng sống.

Lời Trích

“Cùng với các Giáo Hội của Thiên Chúa ở Smyrna, tôi chào mừng các bạn. Các giáo dân đã an ủi tôi trong mọi phương cách, cả về phần xác lẫn phần hồn. Xiềng xích tôi mang vì Ðức Giêsu Kitô, như nài xin tôi hãy hân hoan trên con đường tiến đến Thiên Chúa, và tôi thúc giục các bạn: hãy kiên trì trong sự hoà thuận với nhau và trong sự cầu nguyện chung” (Ignatius Antioch, Thư Gửi Giáo Ðoàn Tralles).


18/10/2021

18 tháng 10

Thánh Luca

Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Ðồ. Trong hai cuốn này, ngài cho thấy sự song hành giữa đời sống Ðức Kitô và của Giáo Hội. Trong các thánh sử, ngài là người duy nhất thuộc dân ngoại. Truyền thuyết cho rằng ngài sinh quán ở Antioch, và Thánh Phao-lô gọi ngài là “người thầy thuốc yêu quý của chúng ta” (Col. 4:14). Có lẽ ngài viết sách Phúc Âm trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.

Ngài xuất hiện trong sách Công Vụ trong chuyến hành trình thứ hai của Thánh Phao-lô, và ở lại Philippe một vài năm cho đến khi Thánh Phao-lô trở về đó trong chuyến hành trình thứ ba, và ngài tháp tùng Thánh Phao-lô đến Giêrusalem và ở gần thánh nhân trong thời gian cầm tù ở Ceasarea. Trong hai năm này, Thánh Luca đã có thời giờ để tìm tòi thêm các chi tiết và phỏng vấn những người đã từng gặp Ðức Giêsu. Sau cùng ngài là người đồng hành trung tín đã tháp tùng Thánh Phao-lô trong chuyến đi đầy nguy hiểm đến Rôma. Trong thư gửi Timôthê, Thánh Phao-lô có nhắc, “Chỉ có Luca là ở với tôi” (2 Tim 4:11).

Lời Bàn

Thánh Luca viết cho Kitô Hữu dân ngoại với tư cách của một người dân ngoại. Cuốn Phúc Âm ngài viết chứng tỏ ngài là người giỏi về tiếng Hy Lạp, cũng như nguồn gốc của Do Thái.

Ðặc tính của Thánh Luca có thể được nhận thấy trong Phúc Âm của ngài qua những tiêu đề được nhấn mạnh: (1) Phúc Âm của Sự Nhân Từ: Thánh Luca nhấn mạnh đến lòng nhân từ và nhẫn nại của Ðức Giêsu đối với người tội lỗi và người đau khổ. Ngài thật cởi mở đối với mọi người, Ngài lưu tâm đến người Samaritan, người phong cùi, người thu thuế, người lính, người tội lỗi công khai, người mù chữ, người nghèo. Chỉ trong Phúc Âm Thánh Luca là có đề cập đến người phụ nữ tội lỗi, dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất, dụ ngôn người con hoang đàng, và người trộm lành. (2) Phúc Âm của Sự Cứu Chuộc Vạn Vật: Ðức Giêsu chết cho tất cả mọi loài. Ngài không chỉ là con vua Ðavít mà còn là con cháu A Dong, và người ngoại giáo là bạn của Ngài. (3) Phúc Âm của Người Nghèo: “Người bé mọn” thường nổi bật — ông Zecharia và bà Elizabeth, Ðức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, cụ Simeon và bà Anna. Ngài cũng lưu tâm đến điều mà ngày nay chúng ta gọi là “sự nghèo khó phúc âm.” (4) Phúc Âm của Sự Quên Mình Tuyệt Ðối: Thánh Luca nhấn mạnh đến nhu cầu hiến dâng hoàn toàn cho Ðức Kitô. (5) Phúc Âm của Sự Cầu Nguyện và Chúa Thánh Thần: Thánh Luca cho thấy Ðức Giêsu cầu nguyện trước mỗi biến cố quan trọng trong sứ vụ. Chúa Thánh Thần đưa Giáo Hội đến cùng đích tuyệt hảo. (6) Phúc Âm của Niềm Vui: Thánh Luca thành công trong việc trưng dẫn niềm vui cứu độ đã lan tràn trong Giáo Hội tiên khởi.

Lời Trích

Ðoạn kết của Phúc Âm Thánh Luca: “Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Các ông bái lạy Người, rồi trở về Giê-ru-sa-lem mà lòng tràn ngập niềm vui, và họ tiếp tục ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Luca 24:50-53).


19/10/2021

19 tháng 10

Các Thánh Tử Ðạo Bắc Mỹ Châu

Isaac Jogues (1607-1646): Thánh Isaac Jogues và các bạn là những người tử đạo đầu tiên của Bắc Mỹ Châu. Khi còn là một linh mục dòng Tên trẻ tuổi, ngài là một người có học thức và văn hóa, dạy văn chương ở Pháp. Nhưng ngài đã từ bỏ công việc này để phục vụ người da đỏ Huron ở Tân Thế Giới, vào năm 1636 ngài và các bạn, dưới sự lãnh đạo của Cha Jean de Brebeuf, đã đến Québec. Thời ấy, người Huron thường hay giao chiến với người Iroquois, và chỉ sau vài năm Cha Jogues và các linh mục khác đã bị người Iroquois bắt và cầm tù trong 13 tháng. Các lá thư và nhật ký của ngài cho thấy các ngài đã bị đưa từ làng này sang làng khác, bị đánh đập, bị tra tấn và buộc phải nhìn thấy cảnh những người Huron trở lại đạo bị xẻo thịt và giết chết.

 Một cơ hội bất ngờ đã giúp Cha Isaac Jogues vượt thoát đến Hòa Lan, và ngài trở về Pháp với những chứng tích của sự tra tấn. Những ngón tay bị cứa, bị bầm dập và bị cháy nám. Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII đã cho phép ngài cử hành Thánh Lễ với bàn tay tàn tật: “Thật hổ thẹn nếu một vị tử đạo của Ðức Kitô không được phép uống Máu Thánh Ðức Kitô.” Sau khi được chào đón như một vị anh hùng, người ta nghĩ Cha Jogues có thể nghỉ ngơi và và sống an nhàn cho đến tuổi già. Nhưng nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng lại thúc giục ngài trở về với ước mơ ban đầu. Trong một vài tháng sau, ngài lại dong buồm sang truyền giáo cho người Huron.

Vào năm 1646, Cha Jogues và Cha Jean de Lalande đến phần đất của người Iroquois với sự tin tưởng rằng người da đỏ sẽ tôn trọng hiệp ước hòa bình mới được ký kết. Nhưng ngay lập tức, các ngài đã bị phe gây chiến Mohawk bắt giữ, và vào ngày 18-10 Cha Jogues đã bị tra tấn bằng rìu và bị chặt đầu. Cha Jean de Lalande bị chết vào ngày hôm sau ở Ossernenon, một làng gần Albany, Nữu Ước.

Một trong các vị thừa sai dòng Tên tử đạo đầu tiên là Cha Rene Goupil, là người cùng với Cha Lalande đã hy sinh mạng sống như của tế lễ. Ngài bị tra tấn cùng với Cha Isaac Jogues, và bị chém bằng rìu vì đã làm dấu Thánh Giá trên trán các trẻ em.

Thánh Jean de Brebeuf (1593-1649): Jean de Brebeuf là một linh mục dòng Tên người Pháp, đến Gia Nã Ðại lúc 32 tuổi và làm việc ở đây trong vòng 24 năm. Khi nước Anh xâm chiếm Québec năm 1629 và trục xuất các linh mục dòng Tên thì ngài trở về Pháp, và bốn năm sau ngài trở lại hoạt động. Lúc ấy, người Huron bị dịch đậu mùa và người thầy thuốc của họ đổ lỗi cho các cha dòng Tên, nhưng Cha Jean vẫn ở lại đó.

Ngài đã soạn bộ giáo lý và tự điển tiếng Huron, và được nhìn thấy 7,000 người trở lại đạo trước khi ngài từ trần. Ngài bị người Iroquois bắt và sau bốn giờ tra tấn dã man, ngài đã trút hơi thở cuối cùng ở Sainte Marie, gần Georgian Bay, Gia Nã Ðại.

Cha Anthony Daniel, cũng phục vụ cho người Huron và bị người Iroquois giết chết vào ngày 4 tháng Bảy, 1648. Thi thể của ngài bị ném vào nhà nguyện và sau đó bị đốt cháy.

Thầy Gabrien Lalemant, sau khi chịu chức bốn cũng đã hy sinh mạng sống cho người da đỏ. Cùng với Cha Brebeuf, ngài bị tra tấn cho đến chết.

Cha Charles Garnier bị bắn chết khi ngài rửa tội cho các trẻ em và người dự tòng trong một cuộc tấn công của người Iroquois.

Cha Noel Chabanel bị giết trước khi được gọi về Pháp. Ngài thấy thật khó khăn để thích ứng với đời sống truyền giáo. Ngài không thể học được tiếng thổ âm, và ghê tởm thức ăn và đời sống của người da đỏ, và ngài cảm thấy tinh thần thật khô khan trong thời gian ở Gia Nã Ðại. Tuy nhiên ngài đã giữ lời hứa ở lại đây cho đến chết trong sứ vụ truyền giáo.

Tám vị linh mục dòng Tên tử đạo đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu này đã được phong thánh vào năm 1930.

Lời Bàn

Ðức tin và đặc tính anh hùng đã in sâu niềm tin nơi thập giá Ðức Kitô trên quê hương Mỹ Châu. Giáo Hội Bắc Mỹ được phát sinh từ dòng máu tử đạo. Nhưng liệu chúng ta có còn hăng hái để giữ thập giá ấy vươn cao giữa chúng ta hay không? Chúng ta có còn can đảm để làm chứng cho đức tin đã ăn sâu nơi chúng ta, làm chứng cho Tin Mừng của thập giá cứu độ nơi gia đình, sở làm, và ngoài xã hội hay không?

Lời Trích

“Tôi tín thác vào Thiên Chúa là Ðấng không cần đến sự giúp đỡ của chúng ta để hoàn thành công trình của Người. Mỗi một nỗ lực của chúng ta là để giúp lập công và trung tín với Người, vậy chúng ta đừng làm hư hại công trình của Người bằng những khiếm khuyết của chúng ta” (trích từ lá thư Thánh Isaac Jogues gửi cho một linh mục bạn ở Pháp, ngày 12-9-1646, một tháng trước khi ngài tử vì đạo).


20/10/2021

20 tháng 10

Chân Phước James ở Strepar
(c. 1409?)

Chân Phước James sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Ba Lan. Ngài gia nhập dòng Phanxicô từ khi còn nhỏ, giữ nhiệm vụ quản lý ở tu viện Lvov và đã hòa dịu sự căng thẳng giữa các tu sĩ dòng và giáo sĩ địa phận. Ngài rất thích hoạt động cho người Chính Thống Giáo, và đã phục vụ họ trong một thập niên. Ðược sai đến miền tây nước Nga, ngài giữ nhiệm vụ đại diện cho các tu sĩ Phanxicô ở đây, ngài rao giảng phúc âm và hoạt động để giữ vững đức tin của người tín hữu.

Khoảng năm 1360, ngài giữ một vai trò trong nhóm truyền giáo đặc biệt, có tên là Lữ Khách Vì Ðức Kitô, gồm các tu sĩ Phanxicô và Ðaminh. Công việc rao giảng và tổ chức của Chân Phước James được coi là thành công. Sau đó ngài giữ nhiệm vụ Tổng Giám Mục Galich, xây dựng một vài nhà thờ mới ở những nơi hẻo lánh và bổ nhiệm các linh mục kinh nghiệm từ Ba Lan đến hoạt động; ngài cũng thành lập các dòng tu, xây cất trường học, và bệnh viện. Ngài rất bén nhạy về nhu cầu của người dân, nên thường trực tiếp đưa đề nghị lên quốc hội Ba Lan; bởi đó ngài có tước vị là “người bảo vệ vương quốc.”

Ngài là tổng giám mục nhưng không giống như các giám mục khác trong thời ấy. Ngài thích mang y phục dòng Phanxicô hơn là phô trương bề ngoài và đi chân đất.

Ngài có lòng sùng kính Ðức Mẹ một cách đặc biệt. Ảnh của Ðức Mẹ được khắc trên con dấu và trên nhẫn giám mục của ngài. Mỗi tối ngài đều cử hành nghi thức sùng kính Ðức Mẹ ở nhà thờ hoặc bất cứ đâu ngài đến.

Sau 19 năm làm giám mục, Chân Phước James đã được phần thưởng nước trời. Ngài được chôn cất trong nhà thờ Phanxicô ở Lvov.


21/10/2021

21 tháng 10

Chân Phước Josephine Leroux
(c. 1794)

Josephine là một nữ tu dòng Thánh Clara Khó Nghèo ở Valenciennes, nước Pháp, vào thời Cách Mạng Pháp bắt đầu. Ngài buộc phải trở về gia đình khi nhà dòng được lệnh giải tán. Trong thời gian đàn áp các cộng đồng tôn giáo, quân đội Áo chiếm được thành phố này. Vì tu viện bị phá hủy, nên ngài phải gia nhập cộng đoàn của các nữ tu Ursulines. Khi lực lượng cách mạng tái chiếm thành phố này, Josephine bị bắt về tội phản quốc.

Khi đối chất với những người lính đến bắt, ngài thật điềm tĩnh nói: “Ðể bắt một phụ nữ yếu đuối như tôi thì đâu cần phải mất nhiều công sức như vậy.” Và ngài thản nhiên lấy nước, bánh trái mời họ ăn, sau đó theo họ đến nhà tù.

Quân cách mạng kết án tử hình ngài vì cho rằng ngài đã phạm luật khi vẫn tiếp tục đời sống tu trì dù có lệnh cấm. Sau khi được rước Mình Thánh, ngài đi theo tên lý hình trong khi miệng hát bài thánh ca. Ngài cất tiếng tha lỗi mọi người và hôn tay tên lý hình. Ngài được tử đạo ngày 23-10-1794.


22/10/2021
22 tháng 10
Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị
(1920 – 2005)
Phong Thánh Ngày 27-04-2014 Tại Roma

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hay Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, tên khai sinh của Ngài là Karol Józef Wojtyła. Ngài sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, miền nam Ba Lan, cách Kraków 50 cây số. Ngài là vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo Rôma và là người lãnh đạo tối cao của Vatican kể từ ngày 16 tháng 10 năm 1978. Cho đến khi qua đời, triều đại của Ngài đã kéo dài hơn 26 năm và trở thành triều đại Giáo Hoàng dài thứ ba trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, sau triều đại Giáo Hoàng của Thánh Phêrô trải dài 34 năm và triều đại Đức Giáo Hoàng Piô IX trải dài 32 năm. Cho đến hiện tại, Ngài là vị Giáo Hoàng duy nhất người Ba Lan và là Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Ý trong gần 500 năm, kể từ Đức Giáo Hoàng Ađrianô VI vào năm 1520. Ngài được tạp chí TIME bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. và cả những năm đầu thế kỷ 21.

Trong triều đại của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngừng mở rộng ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo trong Thế giới thứ ba. Ngài đã thực hiện rất nhiều chuyến tông du hơn 129 quốc gia, Ngài có thể nói được hơn 10 ngôn ngữ, ngoài tiếng Ba Lan còn có tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga và một chút tiếng Việt.

Trong suốt triều đại của mình, Ngài đã lên tiếng phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình, phản đối chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chế độ độc tài, chủ nghĩa duy vật, các phương pháp phá thai, thuyết tương đối, chủ nghĩa tư bản và cách thức chết êm dịu. Đức Giáo Hoàng cũng được coi là một trong những nguồn lực dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan và Đông Âu.

Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra hòa giải với Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo và Anh giáo. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo của các tôn giáo khác như Phật Giáo, Khổng Giáo, Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo, Cao Đài và Hồi Giáo. Ngài còn là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm một ngôi đền Hồi Giáo ở Syria, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên tổ chức ra Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm, và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm vùng Thánh Địa Jerusalem.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI phong là Đấng Đáng Kính vào ngày 19 tháng 12 năm 2009 và phong Chân Phước vào ngày 1 tháng 5 năm 2011. Mặc dù chưa chính thức được phong thánh nhưng vì Ngài là người sáng lập ra Đại hội Giới Trẻ Thế Giới nên Ngài được chọn là một trong những vị Thánh Quan Thầy bảo trợ cho ba kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới liên tiếp tại Sydney năm 2008, Madrid năm 2011, và tại Rio de Janeiro năm 2013. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được phong thánh vào ngày 27-4-2014 tại Roma.

ĐỜI TU SĨ.

Năm 1941, sau khi người cha qua đời, chàng thanh Karol Józef Wojtyła Karol đã dấn thân sâu hơn trong việc học triết học. Tại nhà Kydrynskis-một người bạn, nơi Karol Józef Wojtyła đã dọn đến và ở trong sáu tháng, iê n ta thường thấy Karol Józef Wojtyła nằm xoài ra sàn nhà cầu nguyện, tay dang ngang như hình Thánh Giá.

Vào mùa thu năm 1942, sau một cuộc thảo luận dài với cha giải tội Figlewicz, Wojtyla đến nhà riêng tổng Giám mục Sapieha và trình bày ước nguyện trở thành tu sĩ với vị Giám mục. Trước đó, Karol đã tới tu viện khổ hạnh dòng Carmelite ở Czerna với hy vọng được vào đây nhưng tu viện này đã bị Đức Quốc Xã đóng cửa. Mặc dù những người bạn đã cố gắng thuyết phục Karol Józef Wojtyła đừng rời bỏ sự nghiệp sân khấu, nhưng Karol vẫn quyết định theo con đường mình đã chọn.

Karol Józef Wojtyła bắt đầu lén lút học những môn của Chủng Viện Kraków, do Đức Hồng Y Adam Stefan Sapieha, lúc đó là Tổng Giám Mục Kraków, điều hành. Mỗi người được trao cho một vị giáo sư. Các lớp học được tổ chức ở nhà tu, nhà thờ và ở nhà riêng. Những chủng sinh này được yêu cầu không để những người quen biết về việc học tập của họ và bản thân những người này vẫn duy trì một nếp sống bên ngoài như bình thường. Trong thời gian này, Karol Józef Wojtyła đã đọc cuốn “Luận về sự hiến dâng hoàn toàn cho Đức Mẹ Đồng Trinh” của Thánh Louis Grignion de Montfort, và cuốn “Lý Thuyết Tự Nhiên” của Kazimierz Wars. Ngày 6 tháng 8 năm 1944, “Ngày Chúa Nhật Đen” khi hơn 8000 người đàn ông và các cậu bé đã bị quân đội Phát Xít bắt giam, rất may mắn Karol Józef Wojtyła đã không nằm trong số đó. Sau sự kiện này, Karol Józef Wojtyła vào ẩn trú trong dinh tổng Giám mục và không tiếp tục làm việc tại Solvay nữa. Ngày 13 tháng 11, Karol Józef Wojtyła chịu chức Cắt Tóc, một nghi lễ từ thời trung cổ, là biểu tượng của đời tận hiến cho Thiên Chúa.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Karol Józef Wojtyła trở về phân khoa Thần Học của Ðại Học Jagiellonia vừa được mở cửa lại. Tại đây, Karol Józef Wojtyła đã được bầu làm phó chủ tịch hội sinh viên. Trong thời gian này, Karol đã tập trung vào việc hoàn tất các chương trình nghiên cứu của năm 3 và năm 4. Từ tháng 4 năm 1945 cho tới tháng 8 năm 1946, Karol cũng làm việc ở cương vị phụ giáo.

Karol Józef Wojtyła cũng đệ đơn xin gia nhập tu viện Czera của dòng Carmelite đã được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Sapieha đã kiên quyết từ chối việc cho phép Wojtyla gia nhập dòng tu.

ĐỜI LINH MỤC.

Thầy Karol Józef Wojtyła được thụ phong Linh Mục vào dịp Lễ Các Thánh ngày 1 tháng 11 năm 1946 sớm hơn sáu tháng so với các chủng sinh đồng khóa. Ngày hôm sau, tại Nhà Thờ lớn Wawel, Cha Karol đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên. Sau đó không lâu, Đức Hồng Y Sapieha gửi Linh Mục Karol Wojtyla đi du học Roma, tại Ðại học của các Linh Mục Dòng Ða Minh Angelicum. Dưới sự hướng dẫn của Quý Linh Mục Dòng Ða Minh nổi tiếng là Garrigou Lagrange, Cha Karol Józef Wojtyła hoàn thành luận án tiến sĩ thần học về đề tài Ðức Tin trong các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá vào năm 1948. Trong các kỳ nghỉ hè trong thời gian du học tại Roma, Cha Karol Józef Wojtyła thi hành mục vụ nơi các người Ba Lan di dân sống bên Pháp, Hoà Lan và Bỉ.

Sau khi hoàn tất học trình tiến sĩ trong thời gian du học ở Roma, tháng 7 năm 1948, Cha Karol Wojtyla được Đức Hồng Y Sapieha bổ nhiệm làm Linh Mục phụ tá Niegowic, một giáo xứ hẻo lánh thuộc vùng quê Galicia, cách Kraków 30 dặm.Mỗi buổi sáng, Cha Karol Wojtyla thức giấc lúc 5 giờ, dâng Thánh Lễ, điểm tâm rồi dùng xe ngựa di chuyển một vòng qua các khu trong giáo xứ, hướng dẫn giáo lý cho thiếu nhi và cử hành Thánh Lễ tại một khu xóm. Sau đó, Cha trở về nhà xứ ăn trưa, tiếp khách hoặc đi thăm viếng giáo dân. Những buổi chiều hoặc những cuối tuần rảnh rỗi Cha còn tự mình phụ giúp giáo dân địa phương những công việc lao động trong nhà.

Cũng trong thời gian làm phó xứ Niegowic, Cha Karol Józef Wojtyła đã cống hiến nhiều thì giờ cho giới trẻ tại đây. Ngài hướng dẫn họ trình diễn trên sân khấu, giúp họ học thêm để bồi bổ kiến thức, tổ chức những buổi cắm trại trong rừng hoặc những chuyến du ngoạn trong các khu lân cận thuộc giáo phận Krakow, thành lập các đội bóng chuyền và túc cầu cho thanh thiếu niên trong vùng.

Tháng 3 năm 1949, Đức Hồng Y Sapieha thuyên chuyển Cha về làm việc tại một trường của Ðại Học Kraków thuộc giáo xứ Saint Florian. Cha tiếp tục trau dồi triết và thần học tại Ðại Học Công Giáo Lublin. Tại đây, Cha có cơ hội tìm hiểu thêm về giới trẻ, đồng thời khai triển những phương pháp mục vụ trong khi tiếp xúc với đời sống văn hóa cùng các thức giả tại tổng giáo phận Kraków. Cũng tại nơi đây, Cha Karol Józef Wojtyła còn có dịp tiếp tục triển khai những kiến thức về văn chương và triết học của mình.

Cha thường đưa những sinh viên đi cắm trại và du ngoại ngoài trời để hòa mình vào thiên nhiên. Chính nhờ những sinh hoạt với giới sinh viên trong thời gian ở giáo xứ Saint Florian, mà sau này khi được cử làm Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Krakow, Cha Karol Józef Wojtyła đã hoàn tất những tác phẩm nói lên mối liên hệ phái tính theo tinh thần Kitô giáo mà tiêu biểu là: The Jeweler’s Shop-Tiệm Nữ Trang, Love And Responsibility-Tình Yêu Và Trách Nhiệm.

Năm 1953, Cha Karol Józef Wojtyła trình bày một luận án với đề tài “Thẩm định khả thể xây dựng nền luân lý Công Giáo trên hệ thống luân lý của Max Scheler” tại Ðại Học Lublin. Sau đó, Cha trở thành giáo sư thần học luân lý và luân lý xã hội tại Ðại Chủng Viện Kraków và tại phân khoa thần học của Ðại Học Công Giáo Lublin.

Tháng 10 năm 1954, phân khoa Thần học tại Đại học Jagiellonian, nơi Cha đang giảng dạy môn luân lý Kitô Giáo, bị đóng cửa. Lúc ấy Cha Karol Józef Wojtyła thường cùng một nhóm giáo sư bí mật gặp gỡ để trao đổi quan điểm về mối liên hệ giữa nhà nước và Giáo Hội.

ĐỜI GIÁM MỤC THA THIẾT VỚI CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II.

Vào ngày 4 tháng 7 năm 1958, Cha Karol Józef Wojtyła được Đức Giáo Hoàng Piô XII bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Kraków. Nửa giờ sau cuộc gặp với Đức Hồng Y Wyszynski và nhận sự đề cử làm Giám Mục Phụ Tá, vị Linh Mục trẻ Karol Józef Wojtyła tìm tới tu viện của các nữ tu áo xám Ursuline bên bờ sông Vistula. Ngài đã cầu nguyện liên tục suốt trong 8 tiếng đồng hồ liên tiếp trước khi rời tu viện Ursuline.

Ngày 28 tháng 9 năm 1958, Ngài được tấn phong Giám Mục tại Nhà Thờ lớn Wawel ở Kraków, 11 ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời. Một tháng sau, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lên kế vị, mở ra một kỷ nguyên mới cho Giáo Hội Công Giáo qua quyết định triệu tập Công Đồng Vatican II. Vị tân Giám Mục 38 tuổi nhận được giấy mời tham dự Công Đồng.

Tại đây, Ngài đã có sự đóng góp tích cực và hữu hiệu vào chương trình của Công Đồng với bảy diễn từ đọc trước các Nghị Phụ tham dự Công Đồng và với 13 tuyên ngôn, Đức Giám Mục Karol Józef Wojtyła đã gây được một ấn tượng sâu sắc đối với hầu hết các thành phần tham dự Công Đồng. Đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, và nhất là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sau đó.

Vào ngày 30 tháng 12 năm 1963, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đề bạt Ngài làm Tổng Giám Mục Kraków. Trong cương vị Tổng Giám Mục, Ngài tham dự Công Đồng Vatican II, góp công soạn thảo các tài liệu Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo, Dignitatis Humanae, và Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes-Vui mừng và Hy vọng. Đây là hai văn bản có tính cách lịch sử và quan trọng nhất của Công Đồng này.

Tháng 5 năm 1964, Đức Giám Mục Karol Józef Wojtyła đã đệ trình đoàn chủ tịch Công Đồng 1 văn bản được soạn thảo nhân danh các Giám Mục Ba Lan tuyên bố nói lên mối quan hệ của Giáo Hội với thế giới hiện đại phải được dựa trên khái niệm xác nhận Giáo Hội là một xã hội hoàn thiện do Thiên Chúa sáng lập và ở bên trên lịch sử. Ngày 30 tháng 11 năm 1964, Ngài đã có cuộc nói chuyện riêng đầu tiên với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, người đã theo dõi chặt chẽ các phát biểu của vị Giám Mục mới này.

ĐỜI HỒNG Y CỦA NGÀI TẠI GIÁO TRIỀU ROMA.

Trong năm 1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong Ngài làm Hồng Y. Ngài cũng đồng thời được bổ nhiệm vào bốn Thánh Bộ của Vatican: Thánh Bộ Giáo Sĩ, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Thánh Bộ Nghi Lễ, Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương và làm cố vấn cho Hội Đồng về thế tục.

Vào mùa Giáng Sinh năm 1970, khi tình hình Ba Lan căng thẳng, giá thực phẩm leo thang, trong bài thuyết giảng nhân lễ Giáng Sinh tại Kraków năm ấy, Ngài nói: “Khi người dân bị thương tích và khổ đau, Giáo Hội phải lên tiếng bênh đỡ không vì bất cứ khuynh hướng chính trị nào mà chỉ vì tình yêu và tình liên đới của những người con Thiên Chúa.”

Thời gian này Ngài cũng làm việc với nhóm tín hữu trí thức dấn thân có tên là Odrodzenie-Tái Sinh, tổ chức Công Giáo đấu tranh duy nhất đặt dưới sự bảo trợ của Đức Hồng Y Wyszynski. Ngài cũng có những cuộc gặp gỡ giới trí thức để cùng nhau trao đổi quan điểm. Tại tư dinh, Ngài không chỉ gặp gỡ các chủ biên của tờ Tygodnik Powszechny mà còn tiếp xúc với các sử gia, các nhà toán học, các khoa học gia, triết gia, các văn gia, nhạc sĩ, kể cả các nghệ sĩ trình diễn. Ngài bàn hỏi họ về những vấn đề của Ba Lan, của nhân loại và cả những vấn đề thuộc thế giới bên kia, thế giới siêu hình.”

Vào năm 1972, Đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła cũng bắt đầu một mối quan hệ với Anna Teresa Tymieniecka, một phụ nữ Ba Lan đang làm việc tại Đại Học Havard. Bà đã giúp Ngài trở nên nổi bật, giới thiệu Ngài với cộng đồng triết học Châu Âu, với các học giả Mỹ. Bà đã giúp vạch kế hoạch cho chuyến thăm kéo dài đầu tiên của Ngài tới Mỹ, và thu xếp để Ngài có bài giảng đầu tiên tại Đại Học Harvard.

Trong khoảng thời gian từ 1973 đến 1975, Đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła đã vào phòng đặc biệt của Giáo Hoàng để nói chuyện riêng 11 lần. Vào năm 1976, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã mời Ngài cử hành Thánh Lễ Mùa Chay tại Vatican cho các thành viên của Tòa Thánh. Cũng trong năm này, tờ “Thời Báo New York” đã đặt Ngài vào danh sách 10 người được nhắc tới nhiều nhất như là các ứng cử viên để kế vị Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.

Vào tháng 8 năm 1978, sau khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI qua đời, Ngài đã tham gia Hồng Y Đoàn chọn Đức Hồng Y Albino Luciani, Hồng Y Tổng Giám Mục của Venezia lên ngôi Giáo Hoàng với danh xưng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I. Khi được chọn làm Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Albino Luciani với số tuổi 65 tuổi, trẻ hơn so với nhiều vị Giáo Hoàng khác. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1978, chỉ 33 ngày sau khi nhậm chức, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I qua đời. Vào tháng 10 năm 1978, Đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła trở về lại Tòa Thánh để bầu Giáo Hoàng mới.

Đời Giáo Hoàng của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II.

Lúc 16:30 ngày thứ bảy 14 tháng 10 năm 1978, sau khi cử hành Thánh Lễ kính Chúa Thánh Thần tại Ðền Thờ Thánh Phêrô vào ban sáng, 111 Đức Hồng Y từ khắp thế giới bước vào Cơ Mật Viện, để bầu Giáo Hoàng mới. Hôm sau các Đức Hồng Y bắt đầu bỏ phiếu: ban sáng hai lần, ban chiều hai lần. Bốn lần bỏ phiếu ngày 15 tháng 10/1978, không có kết quả nào cụ thể.

Sáng thứ hai 16 tháng 10 năm 1978, với hai lần bỏ phiếu, các Đức Hồng Y vẫn chưa chọn được Vị Giáo Hoàng mới. Tên của Đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła đã nhận được nhiều phiếu hơn cả vào lúc 17:30 tối, trong cuộc bỏ phiếu lần thứ sáu, vào chiều ngày 16 tháng 10 năm 1978. Sau khi kiểm xong các lá phiếu, Vị Hồng Y nhiếp chính lại gần Đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła được chọn, chào kính, đặt câu hỏi theo lễ nghi: “Ngài có chấp nhận việc lựa chọn Ngài hay không?” Trong cầu nguyện và yên lặng suy tư, Đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła chưa trả lời ngay. Mọi người chờ đợi và thấy Ngài cảm động, nước mắt chảy trên gò má. Sau cùng, với giọng rõ ràng và nghiêm nghị, Đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła trả lời: “Vì Chúa Kitô của tôi, vì Ðức Trinh Nữ, Mẹ của tôi, vì tôn trọng Tông Hiến của Ðức Phaolô VI mời gọi, tôi xin chấp nhận.”

6 giờ 18 phút, Đức Hồng Y Phó Tế Tisserant tuyên bố: “Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hồng Y Đoàn đã tín nhiệm Đức Hồng Y Karol Józef Wojtyła, Tổng Giám Mục Kraków, Ba Lan, vào ngôi vị Giáo Hoàng của thế giới Công Giáo”. Ngài đã được bầu để kế vị Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, trở thành vị Giáo Hoàng từ ngoài nước Ý đầu tiên trong gần 500 năm và là vị Giáo Hoàng gốc người Slav đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.

Đức Tân Giáo Hoàng giơ tay chào dân chúng. Trước khi ban phép lành Urbi et Orbi, Ngài mở đầu: “Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô”, lời chào người dân Công Giáo Ý rất ưa chuộng. Ngài nói tiếp:

“Chúng ta còn đang đau buồn về cái chết của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhất. Và lúc này đây các Vị Hồng Y đáng kính đã chọn một Vị Giám Mục mới của Roma. Các ngài đã chọn một vị đến từ một xứ sở xa xôi, xa xôi, nhưng luôn luôn gần gũi bởi sự hiệp thông đức tin và trong truyền thống Kitô. Tôi run sợ trong khi lãnh nhận việc lựa chọn này, nhưng tôi đã chấp nhận trong tinh thần phục tùng Chúa chúng ta Ðức Giêsu Kitô và trong tinh thần phó thác hoàn toàn cho Mẹ Người, Ðức Trinh Nữ Maria.

Tôi không biết tôi có thể biểu lộ rõ ràng bằng tiếng nói của anh chị em không… bằng tiếng Ý của chúng ta không”, lại một tràng pháo tay dài nữa của dân chúng. Mối thiện cảm giữa Đức Giáo Hoàng mới và dân chúng gia tăng thêm mãi. “Nếu tôi nói sai, anh chị em sửa lại cho tôi. Và giờ đây hiện diện trước mọi người để tuyên xưng đức tin chung của chúng ta, đức cậy và lòng tín nhiệm của chúng ta nơi Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội và cũng để bắt đầu lại trên con đường của lịch sử và của Giáo Hội với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và của toàn thể Giáo Hội.”

Như vị Giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đơn giản hóa chức vụ này và làm giảm bớt tính huy hoàng quyền thế. Ngài không tự xưng là “chúng tôi” như các Vị Giáo Hoàng trước; thay vào đó Ngài dùng từ ngữ “tôi”. Ngài chọn làm một lễ tấn phong đơn giản chứ không rườm rà, và Ngài chưa đội mũ Giáo Hoàng trước khi lễ tấn phong. Ngài làm thế để nhấn mạnh đến chức vụ hầu hạ của mình là tôi tớ của những người tôi tớ của Chúa-Servus Servorum Dei.

Sáng ngày 17 tháng 10, Ngài đã trình bày con đường của Ngài: trung thành với Công Đồng và các hội đoàn. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kiên quyết khẳng định việc phải tuân thủ lời răn dạy của Giáo Hoàng, tôn trọng các luật lệ về nghi lễ cũng như về kỷ luật. Sau cùng, Ngài nhấn mạnh đến nhu cầu tiến hành cuộc đối thoại trên phạm vi toàn thế giời và cam kết của Giáo Hội với hòa bình và công lý trên thế giới.

Trích từ Sống Tin Mừng Tình Yêu

Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị

Trong suốt 26 năm trị vì Giáo Hội, Ngài đã đi đến 129 quốc gia và lãnh thổ để cổ võ nền hòa bình, dân chủ, và xoa dịu nỗi thống khổ của những người thấp cổ bé miệng và đói khổ lầm than. Ngài đã đến Phi Luật Tân vào năm 1981 và đến thăm người Việt tỵ nạn tại Bataan; đã bảo lãnh cho gia đình ông Nguyễn Văn Thạnh sang định cư tại nước thứ ba để làm gương cho thế giới đón tiếp thuyền nhân Việt Nam vào đầu thập niên 1980.
Trong cuộc thăm viếng Phi Luật Tân, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaol II đã có một Thông Điệp cho toàn thể người dân Philipine. Chính thông điệp của Ngài đã khuyến khích Đức Hồng Y Jaime Sin, lúc đó là Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Manila kêu gọi những cuộc biểu tình rộng lớn khắp nước, để 5 năm sau kết thúc sự cai trị của nhà độc tài Ferdinand Marcos. Hơn thế nữa, Đức Gioan Phaolo Đệ Nhị, cố Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan Lech Walesa là ba vị đã có công trong biến cố Ba Lan năm 1989 đưa đến sự sụp đổ của Khối Cộng Sản Đông Âu và kéo theo sự sụp đổ của bức tường Bá Linh năm 1989 và Khối Cộng sản Sô Viết tan rã mà nhiều người cho là một phép lạ.

Sinh trưởng trong một gia đình Công Giáo ngoan đạo tại Wadowice, Ba Lan vào ngày 18/5/1920, với tên khai sinh là Karol Josef Wojtyla; Ngài mồ côi mẹ khi mới lên 8 tuổi. Người cha một mình nuôi con và qua đời năm 1941 khi Ngài vừa 21 tuổi. Trước ngày lìa đời, ông bố dặn dò con: “Trước khi chết, Ta muốn con cam kết phục vụ Chúa”.

Và Ngài đã cố gắng thực hiện lời trăn trối của người cha. Trong thời gian Đức Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan, ngài vào ẩn náu tại Tòa Tổng Giám Mục Krakow bí mật học Thần Học vì đã là chủng sinh . Năm 37 tuổi đậu Tiến Sĩ Thần Học tại Đại Học Fresing và Đại Học Munich, sau làm giáo sư về môn Đạo Đức học tại Đại Học Freising. Chiến tranh kết thúc, ngài được lãnh chức Linh Mục, rồi Giám Mục và Tổng Giám Mục Krakow khi mới 43 tuổi.
Năm 1967, ngài được tấn phong Hồng Y. Và tháng 10 năm 1978 được Hồng Y Đoàn bầu làm Giáo Hoàng thứ 264 lúc mới 58 tuổi, Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Ý suốt 455 năm lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Đức Giáo Hoàng lấy tên thánh là Gioan Phalo II. Ngài là vị Giáo Hoàng trị vì 26 năm, lâu hàng thứ 3 sau Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội (35 năm) và vị Giáo Hoàng Blessed Pius IX (32 năm) và nói được 8 ngôn ngữ khác nhau.

Sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, Ngài đã về thăm quê hương Ba Lan của Ngài vào tháng 6 năm 1979 đang khi đất nước bị Đảng Cộng Sản cai trị. Cuộc thăm viếng Ba Lan của Ngài đã huy động được hơn 6 triệu người mạnh mẽ đòi tự do, đòi công lý và thúc đẩy chính giới Hoa Kỳ cộng tác chặt chẽ với Vatican để giật sập chế độ cộng sản. Vì thế, Cộng Sản đã dùng thủ đoạn ám sát Ngài tại công trường Thánh Phêrô vào năm 1981 qua tay khủng bố Melmet Ali Agca người Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi bị bắt tện này khai hoạt động cho tình báo cộng sản Bảo Gia Lợi. Nhưng vào tháng 12 năm 1983 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vào nhà tù thăm và tha tội cho Mehmet Ali Agca. Về mặt tôn giáo, Đức Gioan Phaolo II có chủ trương chống việc phá thai và việc lập gia đình của các linh mục. Trong 26 năm trên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phalo II đã phong chức cho 114 vị Hồng Y. Tiếp xúc với hàng trăm yếu nhân trên thế giới, và đặc biệt tiếp kiến nữ tu Lucia dos Santos, một trong ba trẻ chăn cừu đã được tận mặt thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha năm 1917, và nói chuyện với Mẹ Teresa thành Calcutta, Ấn Độ.
Di sản của Đức Thánh Cha Gioan PhaloII thật vĩ đại. Đến nay người dân Ba Lan vẫn còn nhớ lời Ngài căn dặn “Đừng Sợ”, và chính vì không còn sợ hãi chế độ cộng sản độc tài, người dân đã đồng lòng chấp nhận hy sinh để đi đến thắng lợi. Người dân Philipine cũng không quên những lời hiệu triệu của Ngài mà đứng lên lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos. Đức Thánh Cha cũng muốn qua thăm Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không chấp nhận với lý do lo sợ sẽ là một Ba Lan thứ hai.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II

Sau một thời gian bị bệnh, Đức Thánh Cha Gioan Phalo II đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9 giờ 37 phút giờ La Mã, tức 19 giờ 37 phút theo giờ quốc tế ngày 2 tháng Tư năm 2005.Thánh lễ an táng của Ngài được các hãng thông tấn quốc tế xác nhận là một lễ an táng long trọng và lớn nhất thế kỷ với hàng trăm nguyên thủ các quốc gia, Ngoại giao đoàn, trong đó Hoa Kỳ có đương kim Tổng Thống lúc bấy giờ là George Bush và phu nhân, Tổng Thống Busch bố, Tổng Thống Bill Clinton và Ngoại Trưởng Rice.
Ngay sau khi tin Đức Thánh Cha Gioan Phalo II băng hà, nhiều vị lãnh đạo các quốc gia, các vị lãnh đạo tôn giáo đều gửi điện phân ưu. Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ do Hòa Thượng Thích Mãn Giác làm Chủ Tịch cũng gửi điện cho Đức Hồng Y Roger Michael Mahony, trong đó có đoạn viết: “Chúng tôi rất xúc động khi hay tin Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô đệ nhị, người chúng tôi hằng kính mến, đã dìu dắt Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ, như một kế vị của Thánh Phêrô trong 27 năm nay, đã hoàn tất cuộc hành trình của một sứ giả tinh thần đã trở về Vương Quốc. Đời sống của Đức Thánh Cha là một thông điệp về tình yêu và hòa bình, không những cho những ai tin vào Đấng Thượng Đế, mà còn cho người tin vào những truyền thống tốt đẹp khác. Ngài là hình ảnh chính của sự Hiệp Nhất.”

Đến tham dự Lễ Tưởng Niệm do Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orang tổ chức vào tối Thứ Bảy ngày 2 tháng 4, 2005, các vị trong Hội Đồng Liên Tôn đã chia sẻ như sau: Hòa Thượng Thích Chơn Thành nói: “ Đức Giáo Hoàng đã đạt đủ ba yếu tố Bi, Trí, Dũng để trở thành vị Bồ Tát. Ngài đã cống hiến cho nhân loại những cánh hoa tuyệt đẹp” Giáo sư Nguyễn Thành Long (PG Hòa Hảo) khẳng định: “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một vĩ nhân của thế kỷ..Chính Ngài đã đề xướng ra Hội Đồng Liên Tôn Thế Giới để đoàn kết, đối thoại và tôn trọng sự bình đẳng giữa các tôn giáo.”

Tưởng Niệm ngày mất của Chân Phước Gioan Phaolô II, chúng ta cầu mong mọi người dân Việt trong nước ghi nhớ lời Ngài căn dặn dân tộc Ba Lan “Đừng Sợ”, và sốt sắng cầu nguyện, xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bầu cử để quê hương đất nước Việt Nam chúng ta sớm thoát khỏi sự cai trị của chế độ Cộng sản như dân tộc Ba Lan và các quốc gia Đông Âu.

Trích từ báo Viễn Đông ( Tưởng niệm 12 năm ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II băng hà)/Bài Thanh Phong.


22 tháng 10

Thánh Phêrô ở Alcantara
(1499-1562)

Thánh Phêrô là một trong những vị thánh Tây Ban Nha nổi tiếng của thế kỷ 16, gồm có Thánh Ignatius ở Loyola và Thánh Gioan Thánh Giá. Thánh Phêrô là cha giải tội của Thánh Têrêsa Avila. Sự cải cách Giáo Hội thời đó là vấn đề chính yếu trong thời đại của ngài, và ngài dồn mọi nỗ lực cho công cuộc ấy. Ngài từ trần một năm trước khi Công Ðồng Triđentinô bế mạc.

Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc (cha ngài là thủ hiến Alcantara, Tây Ban Nha), Thánh Phêrô học luật ở Ðại Học Salamanca và khi lên 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Khó Nghèo. Trong thời gian tu tập, ngài chứng tỏ nhiều khả năng trổi vượt. Ngài được chọn là giám đốc một tu viện mới ngay cả trước khi chịu chức linh mục; và khi 39 tuổi, ngài được chọn làm bề trên tỉnh dòng; ngoài ra ngài là vị rao giảng nổi tiếng. Tuy nhiên, công việc hàng ngày của ngài vẫn là rửa chén, đốn củi cho nhà dòng. Ngài không muốn được người ta chú ý, thật vậy, ngài thích sự cô độc.

Về phương diện ăn chay đền tội, ngài trổi vượt về việc ăn uống kham khổ và mặc quần áo rất đơn sơ. Người ta nói ngài chỉ ngủ có 90 phút mỗi đêm. Trong khi những người khác chỉ nói về sự cải tổ, thì Thánh Phêrô đã bắt đầu cải tổ từ chính ngài. Ngài có được đức tính kiên nhẫn lớn lao đến độ sau này người ta có câu châm ngôn rằng: “Ðể chịu nổi sự xúc phạm ấy, phải có sự kiên nhẫn của Phêrô Alcantara.”

Vào năm 1554, Thánh Phêrô, sau khi được phép, đã thành lập một nhóm tu sĩ Phanxicô sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Những vị này thường được gọi là tu sĩ Alcantarines. Một số tu sĩ Tây Ban Nha đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ trong các thế kỷ 16, 17 và 18 là thành viên của tu hội nói trên. Vào cuối thế kỷ 19, các tu sĩ Alcantarines sát nhập với các tu sĩ Phanxicô Khó Nghèo để trở thành Dòng Tiểu Ðệ.

Là vị linh hướng cho Thánh Têrêsa Avila, Thánh Phêrô khuyến khích thánh nữ phát động sự cải cách trong dòng Camêlô. Lời rao giảng của Thánh Phêrô đã đưa nhiều người trở về với đời sống đạo đức, nhất là dòng Ba Phanxicô, và dòng Thánh Clara Hèn Mọn.

Ngài được phong thánh năm 1669.


23/10/2021

23 tháng 10

Thánh Gioan ở Capistrano
(1385-1456)

Người ta thường nói các thánh là những người lạc quan nhất thế giới. Các ngài không bị mù quáng bởi sự dữ hay hậu quả của nó, nhưng các ngài luôn đặt niềm tin vào quyền năng ơn cứu độ của Ðức Kitô. Sức mạnh hoán cải của Ðức Kitô không chỉ ảnh hưởng đến người có tội mà còn ảnh hưởng cả đến các tai họa.

 Thế kỷ 14 là thời kỳ hỗn loạn về đạo cũng như đời. Một phần ba dân số và gần 40 phần trăm giáo sĩ bị tiêu diệt bởi bệnh dịch hạch. Cuộc Ðại Ly Giáo Tây Phương đã phân tán Giáo Hội đến độ Tòa Thánh không chỉ có một giáo hoàng mà đến hai, ba giáo hoàng một lúc. Nước Anh và nước Pháp đang giao chiến với nhau. Thủ đô nước Ý luôn luôn có tranh chấp. Hiển nhiên sự u ám đó đã bao trùm cả thời đại và khống chế tinh thần văn hóa.

Thánh Gioan sinh ở Capistrano, nước Ý năm 1385. Ngài là con của một cựu hiệp sĩ người Ðức sống trong thành phố. Ngài học luật ở Ðại Học Perugia và hành nghề luật sư ở các tòa án Naples. Khi 26 tuổi, ngài được Hoàng Ðế Ladislas của Naples bổ nhiệm làm thủ hiến xứ Perugia. Trong cuộc chiến tranh với người Malatestas ở lân cận, ngài bị phản bội và bị cầm tù. Sau khi được thả về, ngài quyết tâm thay đổi cuộc đời và gia nhập dòng Phanxicô ở Perugia năm ngài 31 tuổi.

Sau khi được thụ phong linh mục vào bốn năm sau, ngài đi rao giảng khắp các nước Ý, Ðức, Bohemia, Áo, Hung Gia Lợi, Ba Lan và Nga. Vào lúc người ta thờ ơ và nghi ngờ tôn giáo thì ngài đã lôi cuốn được nhiều người trở về với Giáo Hội. Các quốc gia miền trung Âu Châu đã tiếp đón ngài cùng với các tu sĩ Phanxicô như các thiên thần của Thiên Chúa. Họ là những khí cụ để hồi phục niềm tin đang dẫy chết.

Chính dòng Phanxicô cũng trong tình trạng xáo trộn về việc giải thích và tuân giữ quy luật của Thánh Phanxicô. Qua các nỗ lực không ngừng của Cha Gioan Capistrano và nhờ kinh nghiệm luật pháp của ngài, tà giáo Fraticelli bị cấm hoạt động và Linh Ðạo Thánh Phanxicô tinh tuyền lại được nêu cao.

Khi vua Hồi Giáo là Mohammed II đe dọa tấn công Vienna và Rôma, Cha Gioan Capistrano, dù đã bảy mươi tuổi, được Ðức Giáo Hoàng Callistus II giao cho công việc rao giảng và chỉ huy thập tự quân chống với sự xâm lăng của người Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đoàn quân bảy mươi ngàn Kitô Hữu, ngài đã chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến sau cùng ở Belgrade năm 1456. Ba tháng sau ngài từ trần ở Illok, Hung Gia Lợi ngày 23-10-1456. Ngài được đặt làm quan thầy của các luật gia.

Lời Bàn

John Hofer, người viết tiểu sử Thánh Gioan Capistrano, nhắc lại một tổ chức ở Bỉ lâáy tên của thánh nhân, nhằm mục đích giải quyết các vấn đề của đời sống trong một tinh thần hoàn toàn Kitô Giáo. Châm ngôn của tổ chức ấy là: “Sáng Kiến, Tổ Chức, Hành Ðộng.” Những lời này thực sự là đặc tính của cuộc đời Thánh Gioan. Ngài không phải là người ngồi không. Sự lạc quan Kitô Giáo đã thúc đẩy ngài chiến đấu với các vấn đề thuộc đủ mọi tầng lớp với niềm tin sâu xa nơi Ðức Kitô.

Lời Trích

Trên mộ của thánh nhân ở làng Villach, Hung Gia Lợi, quan đầu tỉnh đã cho khắc những hàng chữ sau: “Ngôi mộ này là nơi chôn cất Thánh Gioan, sinh ở Capistrano, một người đáng được ca tụng, người biện hộ và cổ võ đức tin, người bảo vệ Giáo Hội, người hăng say che chở nhà dòng, niềm vinh dự cho cả thế giới, người yêu quý sự thật và công bình, gương sáng cho đời sống, vững chắc trong giáo lý; được bao người đời ca tụng, ngài đang sung sướng ngự trên thiên đàng.” Văn mộ chí ấy thật xứng đáng cho một người lạc quan chân chính và thành công.


24/10/2021

24 tháng 10

Thánh Antôn Maria Claret
(1807-1870)

Người cha tinh thần của Cuba” là một nhà truyền giáo, người sáng lập dòng, người cải cách xã hội, tuyên uý của hoàng hậu, nhà văn và nhà xuất bản, là đức tổng giám mục và cũng là người tị nạn. Ngài là người Tây Ban Nha mà vì công việc ngài đã đặt chân đến các nơi như quần đảo Canary, Cuba, Madrid, Paris và Công Ðồng Vatican I.

 Thánh Antôn Claret sinh ở làng Salient, tỉnh Catalonia, nước Tây Ban Nha năm 1807. Ngài là con của một người thợ dệt. Trong khi làm thợ dệt cũng như vẽ kiểu cho một xưởng tơ sợi ở Barcelona, ngài dùng thời giờ rảnh rỗi để học tiếng Latinh và học cách in ấn: quả thật Chúa đang chuẩn bị ngài để trở nên một linh mục và nhà xuất bản tương lai. Ðược thụ phong linh mục lúc 28 tuổi, vì sức khỏe yếu kém nên ước mơ trở nên một tu sĩ dòng Tên hay dòng Thánh Brunô không thành tựu, ngài đã trở nên một linh mục triều nổi tiếng về rao giảng ở Tây Ban Nha. Ngài dành 10 năm để đi giảng tuần đại phúc, và luôn luôn nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể và sự sùng kính Trái Tim Mẹ Maria. Người ta nói, chuỗi mai khôi không bao giờ rời khỏi tay ngài. Khi 42 tuổi, cùng với năm linh mục trẻ, ngài thành lập tu hội truyền giáo, mà ngày nay được gọi là tu sĩ dòng Claret.

Từ năm 1850 đến 1857, ngài được bổ nhiệm về làm tổng giám mục của giáo phận bị quên lãng từ lâu là Tổng Giáo Phận Santiago ở Cuba. Ngài bắt đầu cải cách bằng việc rao giảng không ngừng và giải tội. Dĩ nhiên ngài phải chịu nhiều chống đối cay đắng — phần lớn là vì ngài kịch liệt lên án vấn đề vợ lẽ và vì ngài dạy giáo lý cho các người nô lệ da đen. Một tù nhân mà Cha Antôn chuộc ra khỏi tù đã được thuê mướn để giết ngài, nhưng ngài thoát chết và chỉ bị thương ở mặt và tay. Cũng chính Cha Antôn giúp người này thoát án tử hình. Ngài giúp thay đổi sự nghèo nàn của dân Cuba bằng cách giúp họ trồng trọt những thực phẩm khác nhau, cần cho thị trường. Ðiều này khiến các điền chủ tức giận, vì họ chỉ muốn dân chúng trồng mía để thu hoa lợi. Trong các văn bản về tôn giáo của ngài còn có hai quyển ngài viết khi ở Cuba: Suy Tư về Canh Nông và Lợi Nhuận Quốc Gia.

Ngài được gọi về Tây Ban Nha với một công việc mà ngài không ưa thích gì — làm tuyên uý cho nữ hoàng. Ngài đồng ý trở về với ba điều kiện: Ngài sẽ ở ngoài hoàng cung, ngài chỉ đến nghe nữ hoàng xưng tội và dạy giáo lý cho con cái họ, và ngài không bị dính líu gì đến sinh hoạt triều đình.

Cả cuộc đời Thánh Antôn, ngài chỉ mơ ước việc xuất bản sách báo Công Giáo. Ngài sáng lập Nhà In Công Giáo, một cơ sở xuất bản Công Giáo mạo hiểm kinh doanh ở Tây Ban Nha, và ngài đã viết cũng như xuất bản khoảng 200 cuốn sách lớn nhỏ.

Trong Công Ðồng Vatican I, ngài là người trung thành bảo vệ tín điều bất khả ngộ của đức giáo hoàng, ngài được sự thán phục của các giám mục bạn. Ðức Hồng Y Gibbons của Baltimore nhận xét về ngài, “Ðây thực sự là vị thánh.” Ngài chết ở tu viện dòng Xitô lúc 63 tuổi.

Lời Bàn

Ðức Giêsu đã nói trước cho những ai muốn theo Người là họ sẽ bị bách hại như chính Chúa. Ngoài những cám dỗ trong đời, Thánh Antôn còn phải chịu đựng biết bao vu khống xấu xa đến độ tên Claret của ngài đồng nghĩa với nhục nhã và bất hạnh. Ma quỷ không dễ gì buông tha con mồi của chúng.

Chúng ta không cần phải đi tìm sự bách hại. Tất cả những gì chúng ta cần là sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin chân thật nơi Ðức Kitô, chứ không phải vì những bất cẩn và tính khí bất bình thường của chúng ta.

Lời Trích

Có lần Nữ Hoàng Isabella II nói với Thánh Antôn, “Không ai có thể nói cho tôi nghe một cách rõ ràng và thành thật như cha.” Sau này hoàng hậu nói với ngài, “Mọi người đều xin tôi ban cho họ những ơn huệ này nọ, nhưng chưa bao giờ thấy cha làm như vậy. Cha có muốn xin điều gì không?” Ngài trả lời, “Thưa có, xin cho tôi từ chức.” Từ đó trở đi hoàng hậu không còn đề nghị gì khác.


25/10/2020

25 tháng 10

Chân Phước Antôniô ở Sant’Anna Galvao
(1739-1822)

Hoạch định của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người thường có những thay đổi bất ngờ để trở nên hữu ích hơn qua sự cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa.

Sinh ở Guarantingueta gần Sao Paolo (Brazil), Antôniô gia nhập trường đệ tử dòng Tên ở Belem, nhưng sau đó ngài thay đổi ý định và muốn trở nên một tu sĩ dòng Phanxicô. Sau khi gia nhập được một năm, ngài khấn trọn vào năm 1761 và thụ phong linh mục năm 1762.

Ở São Paolo, ngài giữ các công việc rao giảng, giải tội và là người giữ cửa. Một vài năm sau, ngài được bổ nhiệm làm cha giải tội cho Dòng Têrêsa Cải Cách, là một nhóm nữ tu sống trong thành phố này. Chính ngài và Sơ Helena Maria cùng thành lập một cộng đoàn nữ tu mới dưới sự bảo trợ của Ðức Maria. Năm sau đó, Sơ Helena Maria từ trần nên một mình Cha Antôniô phải chịu trách nhiệm về tu hội mới này, nhất là việc xây cất tu viện và nhà thờ đủ cho con số nữ tu ngày càng gia tăng.

Ngài cũng là cha giám đốc đệ tử viện ở Macacu và là bề trên nhà dòng Thánh Phanxicô ở São Paolo. Ngài thành lập tu viện Thánh Clara ở Sorocaba. Với sự cho phép của cha bề trên và đức giám mục địa phận, ngài sống quãng đời còn lại ở nữ tu viện “Recolhimento de Nossa Senhora da Luz,” mà ngài đã giúp thành lập.

Ngài được phong chân phước ngày 25-10-1998.

Lời Bàn

Những người thánh thiện không chỉ giúp chúng ta lưu ý đến Thiên Chúa, đến công trình sáng tạo của Người và tất cả những người mà Thiên Chúa yêu dấu. Ðời sống của những người thánh thiện luôn hướng về Thiên Chúa đến nỗi đối với họ đó là điều “bình thường.” Người đời có thấy đời sống của bạn và của tôi như những dấu chỉ sống động của tình yêu vững bền của Thiên Chúa không? Chúng ta cần thay đổi gì để đạt được điều ấy?

Lời Trích

Trong bài giảng hôm lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã trích Thư II của Thánh Phao-lô gửi cho Timôthê (4:17), “Chúa ở gần bên tôi và ban cho tôi sức mạnh để rao giảng lời Chúa cách trọn vẹn,” và rồi đức giáo hoàng nói rằng Chân Phước Antôniô “đã hoàn tất lời khấn trọn của ngài qua tình yêu và sự tự hiến cho những người bị áp bức, bị đau khổ và những người nô lệ trong thời đại của ngài ở Brazil. Ðức tin chân chính của một tu sĩ Phanxicô như ngài, đã phúc âm hóa tha nhân và đưa họ về với Giáo Hội, sẽ là một khích lệ để chúng ta bắt chước ‘con người của bình an và bác ái’ này.”


26/10/2021

26 tháng 10

Chân Phước Contardo Ferrini
(1859-1902)

Contardo Ferrini là con của một thầy giáo mà sau này chính ngài cũng trở nên một người có kiến thức, hiểu biết nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngày nay, ngài là quan thầy của các đại học.

Sinh ở Milan, ngài có bằng tiến sĩ luật ở Ý và được học bổng để du học ở Bá Linh về luật Rôma-Byzantine. Là một chuyên gia nổi tiếng về luật, ngài dạy ở vài trường cao đẳng trước khi dạy ở Ðại Học Pavia, là nơi ngài được coi là một người có thẩm quyền hiểu biết về luật Rôma.

Contardo cũng học biết về đức tin mà ngài đã sống và quý trọng. Ngài nói, “Ðời sống chúng ta phải vươn đến Ðấng Vô Biên, và từ nguồn cội đó chúng ta mới có thể rút ra được bất cứ những gì được coi là công trạng và phẩm giá.” Là một học giả, ngài nghiên cứu cổ ngữ trong Phúc Âm và Sách Thánh. Những bài giảng và văn từ của ngài cho thấy sự hiểu biết của ngài về đức tin và khoa học. Ngài tham dự Thánh Lễ hàng ngày và trở nên một người dòng Ba Phanxicô, trung thành tuân giữ quy luật. Ngài cũng phục vụ trong tổ chức Bác Ái Vincent de Paul.

Ngài từ trần năm 1902 lúc 43 tuổi với nhiều lá thư của các giáo sư đồng viện đã ca tụng ngài như một vị thánh; người dân Suma là nơi ngài sinh sống cũng cả quyết rằng ngài phải được tuyên xưng là một vị thánh.

Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã phong chân phước cho ngài năm 1947.


27/10/2021

27 tháng 10

Tôi Tớ Thiên Chúa Alexander ở Hales
(c. 1245)

Alexander là người gốc Anh, theo học tại một tu viện ở Hales. Khoảng năm 1210, ngài bắt đầu dạy thần học tại Ðại Học Paris, một học viện uyên bác và uy tín. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện cũng như sở học của ngài.

Ðể sùng kính Ðức Maria, ngài có lời hứa là sẽ không từ chối bất cứ ai nhân danh Ðức Maria mà yêu cầu ngài. Một ngày kia, trong lần đi xin ăn, một tu sĩ Phanxicô đã nhân danh Ðức Maria yêu cầu ngài gia nhập Dòng Phanxicô. Thật bối rối, nhưng ngài đã giữ lời hứa và gia nhập dòng. Trong thời gian tu luyện, ngài bị cám dỗ bỏ nhà dòng, nhưng trong một giấc mơ, ngài thấy Thánh Phanxicô vác thập giá thuyết phục ngài hãy kiên trì trong đời sống tu trì. Sau cùng, ngài không còn bị cám dỗ ấy nữa.

Khi là một tu sĩ Phanxicô, Alexander tiếp tục dạy đại học. Ngài giúp thiết lập những nền tảng căn bản cho phái Kinh Viện cũng như việc dẫn giải, bảo vệ chân lý đức tin của phái này. Ngài được vinh dự với những tước hiệu “Tiến Sĩ Bất Khả Bác Bẻ” và “Thầy Các Tiến Sĩ.” Thánh Bonaventure và Thánh Tôma Aquinas là những người theo học với ngài. Có lần Thánh Tôma nói, “Chỉ có một thần học gia mà bạn cần vượt qua.” Ðó là Alexander ở Hales.

Thánh Alexander luôn luôn là một tu sĩ khiêm tốn, việc sùng kính Ðức Maria đã dẫn đưa ngài đến đời sống tu trì. Ngài chết với thánh danh Mẹ Maria vẫn còn trên môi.


28/10/2021

28 tháng 10

Thánh Simon và Thánh Giu-đê (Jude)

 Thánh Giu-đê là một nhân vật được đề cập đến trong Phúc Âm theo Thánh Luca, cũng như trong Công Vụ Tông Ðổ Thánh Mátthêu và Thánh Máccô gọi ngài là Thadeus (Ta-đê-ô). Ngoài ra ngài không được nhắc đến ở chỗ nào khác trong các Phúc Âm, ngoại trừ, khi kể tên các tông đổ Các học giả cho rằng ngài không phải là tác giả của các thư Thánh Giu-đa. Thực ra, Giu-đê cùng tên với Giu-đa Ítcariốt (Judas Iscariot). Do đó, vì sự bất xứng của tên Giu-đa (bán Chúa), nên người ta đã gọi tắt là “Giu-đê”.

Thánh Simon được tất cả bốn Phúc Âm nhắc đến. Trong hai Phúc Âm, ngài được gọi là “người Nhiệt Thành” (Zealot). Phái Zealot là một nhánh Do Thái Giáo đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Do Thái. Ðối với họ, lời hứa cứu tinh trong Cựu Ước có nghĩa là người Do Thái sẽ được tự do và có được một quốc gia độc lập. Chỉ có Thiên Chúa là vua của họ, nên việc nộp thuế cho người La Mã — là người đang đô hộ — được coi là xúc phạm đến Thiên Chúå Chắc chắn rằng một số người Zealot là miêu duệ tinh thần của người Maccabee, muốn tiếp tục lý tưởng tôn giáo và tranh đấu cho độc lập. Nhưng nhiều người trong nhóm họ cũng giống như quân khủng bố ngày nay. Họ lùng bắt để giết những người ngoại quốc và người Do Thái “cộng tác với địch.” Họ là những người chủ chốt trong vụ nổi loạn chống La Mã và kết thúc bằng việc tiêu hủy thành Giêrusalem vào năm 70.

Lời Bàn

Như mọi trường hợp các thánh tông đồ, ngoại trừ Thánh Phêrô, Gioan và Giacôbê, chúng ta đang đối diện với những người thực sự vô danh, và chúng ta bàng hoàng trước sự kiện là sự thánh thiện của họ hoàn toàn nhờ vào ơn ích của Ðức Kitô. Ngài chọn một số người mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến: một đoàn viên Zealot, một chuyên viên thu thuế, một ngư dân nóng tính, hai “người con của sấm sét” và một Giuđa Iscariot.

Ðó là sự nhắc nhở cho chúng ta biết, không phải ai cũng được chọn. Sự thánh thiện không lệ thuộc ở công trạng, văn hóa, cá tính, sự cố gắng hay thành đạt của loài người. Nó hoàn toàn là ơn sủng của Thiên Chúa.

Thiên Chúa không cần đến nhóm Zealot để giúp Nước Trời ngự đến bằng bạo lực. Thánh Giu-đê, cũng như các thánh khác, là vị thánh không có khả năng: Chỉ có Thiên Chúa mới tạo được đời sống thánh thiêng trong con người. Và Chúa muốn như vậy, nơi tất cả mọi người chúng ta.

Lời Trích

“Cũng như Ðức Kitô được sai đến bởi Thiên Chúa Cha, thì Người cũng sai các tông đồ, được đầy tràn Chúa Thánh Thần, để rao giảng cho mọi tạo vật (xem Máccô 16:15), để họ loan truyền rằng Con Thiên Chúa, qua sự chết và sự sống lại, đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của Satan (xem CVTÐ 26:18), và khỏi sự chết, và đưa chúng ta vào vương quốc của Thiên Chúa Cha” (Hiến Chương về Phụng Vụ, 6).


29/10/2021

29 tháng 10

Chân Phước Tôma ở Florence
(c. 1447)

Là con của một người hàng thịt ở Florence, có một thời gian Tôma sống rất hoang đàng đến nỗi những người hàng xóm phải ngăn cấm con cái họ không được chơi với anh. Một người đàn ông giầu có trong tỉnh là bạn với Tôma đã đưa anh vào con đường đồi trụy hơn trước. Khi bị buộc vào một tội ác trầm trọng mà anh không phạm, Tôma chạy đến người bạn này để xin bảo vệ. Nhưng ông ta không thèm nhìn mặt và đuổi anh đi. Thật tan nát, Tôma lang thang trên đường phố cho đến khi anh gặp một linh mục, là người đã lắng nghe câu chuyện của Tôma và đưa anh về nhà của ngài. Sau đó, ngài đã giúp anh được vô tội.

Sau khi cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè cũ, Tôma bắt đầu một cuộc đời cầu nguyện và sám hối. Ðược tràn đầy ơn Chúa, anh xin gia nhập dòng Phanxicô làm thầy trợ sĩ. Tôma trở nên một người gương mẫu trong dòng, sống khắc khổ, và giữ kỷ luật rất nghiêm nhặt. Thầy mặc những quần áo vất đi của các thầy khác. Và thầy thường đắm mình trong sự xuất thần. Mặc dù thầy chưa bao giờ được tấn phong linh mục và vui vẻ chấp nhận phục vụ với tư cách một trợ sĩ, Tôma được bổ nhiệm làm giám đốc đệ tử viện. Nhiều người trẻ đã noi gương con đường nên thánh của ngài.

Thầy Tôma đã sáng lập thêm nhiều trường đệ tử ở vùng nam nước Ý. Và Ðức Giáo Hoàng Martin V đã kêu gọi thầy rao giảng chống lại bè phái Fraticelli, là những linh mục Phanxicô lạc đạo. Thầy cũng được yêu cầu đến Orient để cổ võ sự hợp nhất giữa Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương. Ở đây thầy bị cầm tù và có thể được lãnh triều thiên tử đạo. Nhưng đức giáo hoàng đã chuộc ngài với số tiền rất lớn. Thầy Tôma trở về Ý và từ trần khi trên con đường đến Rôma, là nơi ngài hy vọng được phép trở lại Orient.


30/10/2021

30 tháng 10

Thánh An-phông-sô Rodriguez
(1532 -1617)

An-phông-sô sinh ở Segovia, Tây Ban Nha, con của một người buôn bán len sợi giầu có. Khi còn nhỏ, An-phông-sô thường gặp Cha Phêrô Favre (sau này là chân phước) và một linh mục dòng Tên khác, họ là những người thường tạm trú qua đêm ở nhà người cha ruột của An-phông-sô. Dần dà, chính Cha Phêrô Favre là người đã chuẩn bị cho An-phông-sô rước lễ lần đầu.

 Vào lúc 14 tuổi, cùng với người anh, An-phông-sô được theo học với các linh mục dòng Tên, nhưng chưa được một năm sau, hai anh em được gọi về nhà để giúp trông coi cơ sở thương mại của gia đình sau cái chết bất ngờ của người cha. Vào lúc 23 tuổi, một mình An-phông-sô trông coi cơ sở buôn bán tơ sợi và, vài năm sau đó ngài lập gia đình và được một trai hai gái.

Khi kỹ nghệ tơ sợi xuống dốc thê thảm, nhiều thảm kịch cũng xảy đến cho An-phông-sô qua những cái chết bất ngờ của hai cô con gái, của vợ và của mẹ trong vòng ba năm liên tiếp. Sau khi bán hết cơ sở thương mại, An-phông-sô ngưng hoạt động, về sống với hai cô em gái và đứa con trai nhỏ. Chính trong quãng thời gian này An-phông-sô học được cách cầu nguyện và chiêm niệm từ hai cô em. Ngài thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, và sống một đời khổ hạnh. Khi đứa con trai từ trần, An-phông-sô, giờ đã gần 40 tuổi, quyết định gia nhập dòng Tên và tìm mọi cách để được thu nhận vào dòng ở Segovia. Vì cao tuổi, sức khỏe yếu kém và thiếu nền tảng học vấn nên khó cho ngài được thu nhận vào đời sống tu trì, nhưng An-phông-sô rất kiên nhẫn, ngài trở lại trường học tiếng Latinh. Sau cùng, cha bề trên đồng ý nhận An-phông-sô làm thầy trợ sĩ. Sáu tháng sau, ngài đến làm việc ở trường dòng Tên ở Majorca. Ở đây ngài giữ việc gác cửa.

Trong vòng 45 năm kế đó, thầy An-phông-sô trung thành với nhiệm vụ của mình trong khi dành thời giờ để cầu nguyện và chiêm niệm. Ngài nổi tiếng về sự vâng phục và hãm mình, cũng như sùng kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Một linh mục dòng Tên phải kêu lên, “Thầy đó không phải là một người bình thường — thầy là một thiên thần!” Các giáo sĩ, giới trưởng giả, giới chuyên nghiệp, giới thương mại cũng như người nghèo tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh. Một trong những người ấy là Cha Phêrô Claver, sau này được phong thánh và là vị Tông Ðồ của Người Nô Lệ Da Ðen.

Trong những năm cuối đời, thầy An-phông-sô bị đau khổ vì bệnh tật và sự khô khan tinh thần. Sau cùng, trước khi từ trần, ngài được rước Mình Thánh và bỗng dưng mọi đau khổ tâm thần cũng như thể xác tan biến. Sau khi trìu mến nhìn đến các tu sĩ đứng quanh giường, ngài hôn thánh giá và lớn tiếng kêu tên Chúa Giêsu, ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31 tháng Mười, 1617. Tang lễ của ngài có nhiều thành phần tham dự, ngoài những người nghèo và bệnh tật còn có phó vương Tây ban Nha, giới quý tộc và các giám mục. Ngài được phong thánh năm 1888, cùng lúc với Thánh Phêrô Claver.


31/10/2021

31 tháng 10

Thánh Wolfgang ở Regensburg
(924-994)

Thánh Wolfgang sinh ở Swabia, nước Ðức, và theo học tại một trường gần tu viện Reichenau. Ở đó ngài gặp Henry, một nhà quý tộc trẻ mà sau này là Ðức Tổng Giám Mục của Trier. Từ đó trở đi, Wolfgang tiếp tục liên lạc với đức tổng giám mục, dạy giáo lý trong trường của giáo phận và hỗ trợ đức tổng trong việc cải cách hàng giáo sĩ.

Khi Đức Tổng từ trần, Wolfgang quyết định trở thành một tu sĩ dòng Biển Ðức và di chuyển đến một tu viện ở Einsiedeln, bây giờ thuộc Thụy Ðiển. Ngài được bổ nhiệm làm giám đốc trường đệ tử của nhà dòng và sau khi thụ phong linh mục, cùng với một số tu sĩ, ngài sang Hung Gia Lợi để truyền giáo cho người Magyar, nhưng mới được một năm, Hoàng Ðế Otto II đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục của Regensburg (gần Munich). Ngay lập tức ngài bắt đầu việc cải tổ hàng giáo sĩ, hồi phục quy luật tu viện, cổ võ việc giáo dục, ngài hăng say rao giảng và đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt ngài nổi tiếng về lòng bác ái đối với người nghèo. Dù là giám mục, ngài vẫn mặc y phục của một tu sĩ dòng và sống khắc khổ.

Khao khát của ngài là sống thầm lặng trong tu viện để chiêm niệm, nhưng trách nhiệm của một giám mục đã không cho phép, ngoài ra ngài còn là thầy dạy tư của Hoàng Ðế Henry II khi còn nhỏ. Vào năm 994, sau một cuộc hành trình ngài bị lâm trọng bệnh và từ trần ở Puppingen, gần Linz, nước A¨o. Lễ giỗ của ngài được cử mừng một cách rộng rãi trong hầu hết các quốc gia trung Âu Châu. Ngài được phong thánh năm 1052.

Trích từ NgườiTín Hữu.com

Comments are closed.