Bài giảng Thánh Lễ Lòng Chúa Thương Xót – ĐTC Phanxicô

Bài giảng Thánh Lễ Lòng Chúa Thương Xót – ĐTC Phanxicô

Chúa Nhật tuần vừa qua chúng ta đã cử hành lễ phục sinh của Thầy Chí Thánh, ngày hôm nay chúng ta cùng chứng kiến sự phục sinh của người môn đệ. Một tuần lễ đã trôi qua, và để được nhìn thấy Đấng Phục Sinh, các môn đệ đã trải qua tuần lễ ấy trong sợ hãi, với “các cửa đều đóng kín” (Ga 20, 26), thậm chí các ông không thể thuyết phục được người vắng mặt duy nhất ngày hôm ấy là Tô-ma tin vào sự phục sinh. Đức Giêsu đã làm gì trước sự hoài nghi đầy sợ sệt này? Ngài đã trở lại, cùng một vị trí, tức là đứng giữa các môn đệ, và lặp lại cùng một lời chào: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19.26). Đức Giêsu đã bắt đầu lại. Sự phục sinh của người môn đệ khởi đi từ đây, từ lòng thương xót tín trung và kiên nhẫn, từ việc khám phá ra rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi nắm lấy tay ta để nâng ta dậy từ những vấp ngã. Đức Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng: Thiên Chúa không phải là ông chủ bắt chúng ta phải thanh toán sổ sách đời mình, nhưng là Người Cha luôn nâng chúng ta dậy. Trong cuộc sống, giống đứa bé bắt đầu tập đi và té ngã, chúng ta cũng thận trọng mò mẫm để tiến về phía trước; đi được vài bước và lại ngã; ngã và lại ngã, và mỗi lần ngã, người cha lại nâng cậu bé dậy. Đôi tay luôn nâng đỡ chúng ta chính là lòng thương xót: Thiên Chúa biết rằng nếu không có lòng thương xót, chúng ta sẽ nằm mãi dưới đất, và để bước đi được, chúng ta cần Thiên Chúa đặt chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình.
Người ta có thể phản bác rằng: “Nhưng tôi vẫn luôn mãi té ngã!”. Thiên Chúa biết điều ấy và Ngài luôn sẵn sàng để nâng bạn lên. Ngài không muốn chúng ta mãi nghĩ về sự vấp ngã của mình, nhưng là nhìn về Thiên Chúa, là Đấng nhận ra trong sự vấp ngã ấy những đứa con cần được nâng đỡ dậy, nhìn thấy trong sự đau khổ những người con cần được yêu thương bằng lòng thương xót. Ngày hôm nay, trong ngôi thánh đường đã trở thành đền thánh của lòng thương xót tại Roma, trong ngày Chúa Nhật mà 20 năm trước, thánh Gioan Phao-lô II đã cung hiến cho Lòng Thương Xót Chúa, với lòng tin tưởng, chúng ta cùng đón nhận thông điệp này. Chính Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina: “Ta là tình yêu và cũng là lòng thương xót” (Nhật ký, 14 tháng 9 năm 1637). Sau đó có lần, với sự mãn ý thỏa lòng, thánh nữ thưa với Chúa Giêsu rằng ngài đã dâng cho Chúa tất cả cuộc sống, tất cả những gì ngài có. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu khiến thánh nữ kinh ngạc: “Con chưa dâng hiến cho ta những gì thực sự là của con”. Vị nữ tu thánh thiện này còn giữ lại cho mình điều gì vậy? Chúa Giêsu nói với thánh nữ: “Chúa dịu dàng nói: Con à, hãy cho ta đau khổ của con” (10 tháng 10 năm 1937). Chúng ta cũng có thể tự hỏi mình rằng: “Tôi đã cho Chúa đau khổ của tôi chưa? Tôi đã cho Chúa thấy những vấp ngã của tôi để Ngài nâng tôi dậy chưa?”. Hay trái lại, tôi vẫn còn đang dấu Chúa điều gì đó? Một tội lỗi, một điều hối hận trong quá khứ, một vết thương lòng, một ác cảm với ai đó, hay một ý tưởng về một người nào đó… Thiên Chúa mong chờ chúng ta hãy mang đến cho Ngài những đau khổ của chúng ta để Ngài giúp chúng ta khám phá ra lòng Chúa xót thương. 
Quay trở lại với các môn đệ, họ đã bỏ rơi Chúa trong cuộc Khổ Nạn, và cảm thấy có lỗi. Nhưng khi gặp họ, Đức Giêsu chẳng hề huấn giáo dài dòng. Đối với các ông, những người đang mang vết thương lòng, Đức Giêsu cho họ thấy những thương tích của chính Ngài. Tô-ma có thể đụng chạm vào những thương tích ấy và khám phá ra tình yêu, khám phá ra Đức Giêsu đã đau khổ nhiều như thế nào khi bị ông bỏ rơi. Cũng chính nơi những thương tích ấy, bàn tay của Tô-ma đã đụng chạm được sự thân mật dịu dàng của Thiên Chúa. Tô-ma, kẻ đến muộn, khi ôm lấy lòng thương xót, lại trở nên trổi vượt hơn so với các môn đệ khác, vì ông không chỉ tin vào sự phục sinh mà còn tin vào tình yêu vô ngần vô hạn của Thiên Chúa. Và ông đã tuyên xưng đức tin cách đơn sơ nhất nhưng cũng đẹp đẽ nhất: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (c. 28). Như thế, sự phục sinh của người môn đệ được thực hiện khi bản tính con người yếu đuối mỏng dòn và tổn thương được hòa vào sự phục sinh của Đức Giêsu. Ở nới đó mọi hoài nghi được hóa giải, Thiên Chúa trở thành Chúa của con, và cũng chính ở đó, người môn đệ bắt đầu chấp nhận chính mình và biết yêu thương cuộc đời mình.
Anh chị em thân mến, khi phải trải qua thử thách, chúng ta cũng thấy mình yếu đuối mỏng dòn, có những sợ hãi và hoài nghi giống như Tô-ma. Chúng ta cần đến Thiên Chúa, là Đấng có thể nhìn vượt lên trên những yếu đuối mỏng dòn để thấy nơi chúng ta vẻ đẹp tuyệt mỹ không gì có thể thay thế được. Có Chúa, chúng ta tái khám khá rằng chúng ta thật đáng quý ngay chính trong những yếu đuối của mình. Điều ấy có nghĩa rằng chúng ta là những viên pha lê tuyệt đẹp, vừa dễ vỡ nhưng cũng rất đáng quý. Và nếu là những viên pha lê, chúng ta trở nên trong suốt khi ở bên Thiên Chúa, để ánh sáng của Ngài, ánh sáng của lòng thương xót, tỏa sáng nơi ta, và ngang qua ta đến tận cùng thế giới. Và đây chính là lý do, như Thư của thánh Phê-rô đã nhắc nhở, “chúng ta được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1 Pr 1, 6).
Trong thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót hôm nay, thông điệp đẹp nhất lại đến với chúng ta ngang qua người môn đệ đến trễ ấy. Hôm đó, chỉ thiếu mỗi Tô-ma. Và Thiên Chúa đã đợi ông. Lòng thương xót chẳng hề bỏ rơi những ai đang tụt lại phía sau. Giờ đây khi chúng ta đang nghĩ về sự hồi phục chậm chạm và mệt mỏi sau cơn đại dịch, thì lại có một mối nguy hiểm khác len lỏi vào: đó chính là quên đi người bị bỏ lại phía sau. Cái tôi cá nhân thờ ơ bàng quan còn nguy hại hơn sự công phá của vi-rút. Cái tôi ấy cho rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu tôi cảm thấy tốt đẹp, mọi sự đều hoàn hảo nếu mọi sự ấy đều hoàn hảo với tôi. Người ta khởi đi từ ý tưởng lệch lạc này để rồi dẫn đến việc chọn lựa và phân biệt người khác, loại bỏ những người nghèo khổ, và sẵn sàng hy sinh những ai tụt hậu trong tiến trình phát triển. Tuy nhiên, đại dịch này nhắc nhở chúng ta rằng không có sự khác biệt và ranh giới  giữa những ai đang sầu khổ. Tất cả chúng ta đều yếu đuối mỏng dòn, tất cả đều bình đẳng, tất cả đều đáng quý. Những gì đang xảy ra thức tỉnh chúng ta: đây là thời gian để xóa bỏ đi những bất bình đẳng, để chữa lành sự bất công đang làm hao mòn đến tận gốc rễ sức khỏe của toàn thể nhân loại! Chúng ta hãy học hỏi từ cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai, được mô tả trong sách Công vụ Tông Đồ. Họ đã lãnh nhận lòng thương xót và sống lòng thương xót ấy: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2, 44-45). Đây không phải là một thứ chủ nghĩa lý tưởng, nhưng chính là Ki-tô giáo.
Nơi cộng đoàn đó, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, chỉ cần một người bị bỏ lại phía sau, tất cả những người khác sẽ chờ đợi. Ngày hôm nay có vẻ như ngược lại: chỉ một phần nhỏ nhân loại đang tiến lên phía trước, trong khi đó phần lớn bị bỏ lại phía sau. Ai cũng có thể biện minh rằng: “Đây là những vấn đề hết sức phức tạp. Chăm sóc người nghèo không phải việc của tôi. Những người khác phải suy nghĩ về điều đó chứ không phải tôi!”. Thánh nữ Faustina, sau khi gặp Chúa Giêsu, đã viết: “Nơi một linh hồn đau khổ, chúng ta phải nhìn thấy Đức Giêsu chịu đóng đinh, chứ không phải một kẻ ăn bám hay một gánh nặng… Thiên Chúa trao cho chúng ta cơ hội để thực hiện những công việc của lòng thương xót, nhưng chúng ta lại đi phán xét” (Nhật ký, 6 tháng 9 năm 1937). Nhưng vào ngày nọ, chính thánh nữ đã than phiền với Chúa Giêsu rằng, để có lòng thương xót, chúng ta phải vượt qua sự ngây thơ. Thánh nữ viết: “Lạy Chúa, nhiều người thường lạm dụng lòng tốt của con”. Và Chúa Giêsu trả lời: “Không quan trọng, con của ta, đừng để tâm đến điều đó, con hãy xót thương tất cả mọi người” (24 tháng 12 năm 1937). Đối với mọi người, chúng ta đừng chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, hay những ích lợi của đảng phái. Chúng ta hãy đón lấy thách đố này như một cơ hội để chuẩn bị cho tương lai của tất cả mọi người. Bởi vì nếu không có một tầm nhìn chung, sẽ chẳng có tương lai cho ai cả.
Ngày hôm nay, tình yêu không tự vệ và bất bạo lực của Đức Giêsu đã làm hồi sinh trái tim của người môn đệ. Giống như Tông đồ Tô-ma, chúng ta cũng đón nhận lòng thương xót, ơn cứu độ của nhân loại. Và chúng ta sử dùng lòng thương xót ấy với những ai yếu đuối nhất, chỉ như thế chúng ta mới có thể tái dựng lại một thế giới mới.
21 tháng tư 2020, 10:07

Chuyển ngữ: Anh Phương, SJ – CTV Vatican News

Comments are closed.