BÁNH HẰNG SỐNG

BÁNH HẰNG SỐNG

Đức Giêsu đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời… Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi”.

Chúng ta đã đọc đến đoạn cuối của diễn từ “Bánh hằng sống”. Chúng ta sẽ tìm hiểu hiệu quả bài giảng của Đức Giêsu đối với thính giả, qua ngòi bút của một nhân chứng đã đích thân tham dự buổi diễn giảng này. Có hai hiệu quả:

Đó là sự vấp phạm và khước từ của đa số cử tọa.

Nhưng cũng là sự trung thành, khiêm tốn đầy tin cậy của nhóm nhân tố “Mười Hai”.

Ở đây chúng ta có chứng tích lịch sử bậc nhất về cuộc sống của Đức Giêsu. Ba thánh sử kia cũng đã ghi lại rõ ràng khúc quanh quan trọng này trong sứ vụ của vị tiên tri làng Nagiaret: Đó là cơn khủng hoảng! Cho tới bây giờ, đám đông đã đi theo và tìm kiếm Người: Ở đây Gioan đã gọi họ là “môn đệ”. Nhưng các “môn đệ” này, những người đã bắt đầu đi một đoạn đường với Đức Giêsu, đang từ bỏ Người. Sự mạc khải mầu nhiệm Thánh Thể bắt đầu làm cho đa số thính giả chán ngán vào cuối chương này, chúng ta có thể đếm số môn đệ nhỏ nhoi còn lại.

Tin Mừng đã thẳng thắn không che giấu chúng ta rằng Chúa đã thất bại trong ý định giúp ta hiểu về “bánh” của Người, “Bánh đích thực”. Bởi vì nói cho cùng thì ai có thể hơn Đức Giêsu để giải thích cho chúng ta vấn đề này? Hai mươi thế kỷ qua đi, chúng ta vẫn tiếp tục ngạc nhiên khi thấy những con người nam nữ già trẻ từ chối bước theo Đức Giêsu để “nhận lấy mà ăn bánh và cầm lấy mà uống rượu của Người, và như Người tuyên bố thì đó là thịt và máu của Người”. Và có thể chúng ta vẫn lên án Giáo Hội về điểm đó: “ôi giá kể Giáo Hội đã không thay đổi nhanh hơn… ôi, nếu Giáo Hội có lập trường như lập trường của tôi”.

Thực ra chính “đức tin” là nguyên nhân của sự việc này, chứ không phải là một truyền thống phụng vụ, văn hóa, xã hội nào đó, và Đức Giêsu sẽ nói lại điều này với chúng ta một cách rõ ràng, không chút nhượng bộ.

Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy.

Các bạn thấy không? Đức Giêsu không cần nghe những lời lẩm bẩm đó. Người biết trước, Người không ngạc nhiên, Người đang chờ đợi những lời đó. “Đức tin” khó khăn biết bao! Vì đức tin là “khước từ cách hiểu biết thông thường, nhờ giác quan và lý trí, lý luận” để “tin vào một người khác” đó là “tin mà không thấy”, như Thánh Gioan sẽ nói rất nhiều lần.

Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?”.

Vâng lạy Thầy, điều đó làm chúng con vấp phạm. Và Thầy biết rõ như thế. Từ Hy Lạp là động từ “Scandahzô” Ở đây dịch là vấp phạm, có nghĩa là điều đó làm các ngươi bất bình, các ngươi vấp phải ta như vấp phải một hòn đá chướng ngại. Chúng ta thường có khuynh hướng làm cho đức tin trở thành một thứ giáo huấn. Nếu giảng hay, những người trẻ sẽ đi dự lễ. Họ sẽ hiểu, họ không còn “biết” gì thêm nữa. Nhưng đối với Đức Giêsu, như chúng ta đã thấy đức tin luôn gây đụng chạm! Đức tin không hẳn nhiên là thế? Đức tin luôn luôn cho ta thấy chướng. “Đức tin” không phải là một bài học được lặp đi lặp lại, “nhưng” là một dấn thân trong cuộc sống”. Đức tin là một “thực hành có hiệu quả”. Đức tin là một sự “thúc hối” phải chấp nhận từ bỏ ánh sáng riêng của mình, được coi là có tính khoa học, để đón nhận mạc khải của một người khác mà không thể kiểm chứng được bằng những phương thế nhân loại. “Tuyên xưng đức tin” thực sự, không phải là đọc kinh Tin kính hay một “công thức” nào hay nhất do bộ óc văn minh của chúng ta, mà là thực hành không gì Chúa đã dạy. Mầu nhiệm trung tâm của đức tin, chắc chắn là Bí tích Thánh Thể. Khi ta nói “Người Kitô hữu là người đi dự lễ”, thì ta chưa nói hết. Nhưng ta đã nói một phần nào cốt yếu, nếu ta hiểu Thánh lễ như chúng ta đang cố cử hành với chính Chúa Giêsu. Đức tin đó là một “quyết định”. Quyết định này bao gồm hai khía cạnh:

1 “An bánh hằng sống”.

  1. “Sống đời mình bằng yêu thương hữu ích”.

Thế khi anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?

Làm sao người này có thể cho thịt của mình để chúng ta ăn? Chính vì người này không chỉ là một con người. Đức Giêsu, thay vì rút lại lời khẳng định của mình hay là giải thích hoặc làm giảm nhẹ chúng, Người lại nhấn mạnh bằng cách gợi cho chúng ta một “mầu nhiệm” khác mà mầu nhiệm Thánh Thể chỉ là sự diễn dịch. Chúng ta đang thực sự ở trong đề tài Nhập Thể của Thiên Chúa. “Thần Khí” trở thành xác phàm.

Đây thực là một mầu nhiệm “thần linh” (không ai đã thấy Chúa) và vì thế con người không thể tự sức riêng mà hiểu được. Đức Giêsu ám chỉ rõ ràng “hữu thể thần linh của Người”. Người nói Người sẽ trở về nơi mà trước kia Người đã ở. Chúng ta hãy lưu ý tới giọng nói hạch hỏi của Đức Giêsu này. Câu nói của Người hầu như chưa dứt: “Và khi anh em sẽ thấy Con Người lên nơi mà Người đã ở trước thì sao?”.

Vâng, xuyên qua sự tối tăm, vẻ tầm thường, sự thân mật nơi thân phận con người hiện tại của Đức Giêsu, cần phải tiến đến sự khám phá vinh quang của Chúa Ba Ngôi. Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha, trong sự sống động của Thần Khí, mà Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha. “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống nhờ Chúa Cha, thế nào thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy”.

Thực sự chúng ta không biết sự sống là gì: sự sống bình thường của thảo mộc, cũng như động vật, không ai, không một nhà bác học nào đã có thể nói sự sống là gì?

Vậy thì “sự sống” của Thiên Chúa thì sao? Những phương tiện để hiểu biết mà con người có được đều bất lực, không thể giúp hiểu mầu nhiệm này. Người ta không thể giải thích Bí tích Thánh Thể chỉ bằng lý trí con người: Mầu nhiệm này thật vĩ đại, khôn dò, đó là mầu nhiệm đức tin.

Thần khí mới làm cho sống, chứ huyết nhục chẳng có ích gì

Lạy Chúa, xin lặp lại cho con những lời đó. Ước chi những lời này không làm cớ cho con vấp phạm và nghi ngờ.

Những lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin. Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.

Hơn mọi lời khác, lời Chúa, nói về phép Thánh Thể, đã giả định trước tác động của Chúa thánh Thần. Chúng ta thực sự đang ở trung tâm điểm của Tin Mừng. Làm sao có thể giản lược Tin Mừng vào những giải thích luân lý: Đức Giêsu con người vĩ đại nhất, nhà hiền triết, vị ngôn sứ nhà cách mạng, là phong trào xã hội, là giải phóng… tất cả đều đúng, nhưng không phải là bản chất riêng của Chúa. Có một khía cạnh nổi bật khác, không thể thu nhỏ được mà chúng ta gọi là thần linh! Tức là vô hình, vượt trên tất cả. Chúng ta chỉ thấy được một phần nào siêu việt qua con người hữu thể của Người, mà phải mất một chút đoán nhận ra “ngang qua xác thể” nhưng đó vẫn thuộc về trật tự Thần khí và Sự sống.

Người nói: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”.

Chúng ta đang ở trong mầu nhiệm sự sống của Thiên Chúa, sự sống của Ba Ngôi. Hình trạng Chúa Ba Ngôi của Rublev đã diễn tả mầu nhiệm này cách kỳ diệu.

Ba nhân vật ngồi chung quanh một “cái bàn” và chỉ dùng một “chén”. Tam vị nhất thể được tiếng trưng bằng một vòng tròn mà chu vi bên ngoài của ba ngôi vẽ nên cách ăn khớp tuyệt hảo. Là 3 hình nhưng để tạo nên một vòng duy nhất. Đó là một vòng tròn sống động luôn vận chuyển. Chúa Cha chủ tọa bên kia bàn. Người nhìn bằng cái nhìn tình yêu xuyên suốt trái tim, lồng ngực của Chúa Con. Còn Chúa Con lại nhìn sang Chúa Thánh Thần. Nhưng ta hãy nhìn kỹ dung mạo của Ngôi Ba và cử động bàn tay phải của người: Cả mặt và tay hướng xuống đất! Hình tròn được mở về phía chúng ta là những người đang đứng phía trước bàn, để ngắm nhìn “hình” này. Vâng, sự sống của Ba Ngôi được ban cho chúng ta, tại chiếc bàn này: Thần khí là sự sống được ban cho chúng ta, được dâng tặng cho chúng ta. Thiên Chúa, vì là Tình yêu, nên rõ ràng Người không thể ép buộc ai.

Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Nên Đức Giêsu mới hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”.

Dường như Chúa nói’: “Tôi không giữ anh em, anh em được tự do”. Trong cuộc xung đột đang xảy ra giữa những “môn đệ ra đi” và những người ở lại với Chúa, trong cuộc xung đột giữa cha mẹ và con cái chẳng hạn… chúng ta hãy nhớ lời của Chúa: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? “ông Simon Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai bây giờ? Thầy mới có những lời ban phúc trường sinh, phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Đây là những lời đầy khiêm hạ và đơn thành: “Bỏ Thầy, thì chúng con biết đến với ai bây giờ”. Lời nói chứa chan tình yêu và sự phó thác, vì đối với họ, Đức Giêsu là Đấng “không ai có thể thay thế được”. Tuy nhiên chúng ta nên ghi nhớ, Nhóm Mười Hai đêm trước đã có một kinh nghiệm có thể soi sáng cho họ: Giữa phép lạ hóa bánh ra nhiều và diễn từ về Bánh hằng sống là thịt của Người các ông đã thấy thân thể đó “bước đi trên mặt nước hồ đang nổi sóng dữ dội trong cơn bão tố” (Ga 6,16-21). Thân thể này không có trọng lượng như chúng ta. Đó là Thánh Thể Đấng Thánh của Thiên Chúa. Tại sao chúng ta lại giới hạn Thiên Chúa vào trong khả năng hiểu biết của chúng ta? Thiên Chúa vượt mọi khả năng của chúng ta. Điều đó thật hiển nhiên!

Noel Quesson

Comments are closed.