CHỊU MỤC NÁT HAY VẪN TRƠ TRỌI !

CHỊU MỤC NÁT HAY VẪN TRƠ TRỌI !

CHÚA NHẬT TUẦN V MÙA CHAY NĂM B

Bài đọc 1 : ( Gr 31:31-34). Bài đọc 2 : ( Dt 5:7-9). Tin Mừng : ( Ga 12:20-33)

Con người sinh ra để sống rồi lại phải chết. Chết là tận số của một kiếp người. Ai cũng quý mạng sống mình. Ốm đau thì đi bác sĩ, uống thuốc. Chẳng ai muốn chết. Nhưng có một Đấng lại có một triết lý sống ngược lại với thực tại trên: sống để chết và chết để sống. Đấng ấy là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Để minh họa cho chân lý trên, Đức Giêsu đã đưa ra ví dụ về hạt giống được gieo vào lòng đất: “ Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” Áp dụng vào cuộc sống của mỗi người, Đức Giêsu lại bảo: “ Ai yêu qúy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” ( Ga 12: 24-25) Mạng sống phải chết đi như hạt giống gieo vào lòng đấ, phải mục đi thì mới sinh nhiều hoa trái; ngược lại, hạt giống không mục đi như người yêu mạng sống của mình thì sẽ mất. Nhưng như thế nào là hạt chịu mục nát và hạt vẫn trơ trọi?

Khi nói như trên, Đức Giêsu không khuyến khích chúng ta ghét bỏ hay coi thường mạng sống của mình; ngược lại, Ngài còn dạy chúng ta phải biết tôn trọng mạng sống của mình. Chúng ta sẽ không có khả năng yêu mến bất cứ ai, nếu chúng ta không biết yêu mến chính con người của mình. Điều quan trọng chúng ta cần biết là sống mà như chết thế nào để từ cái chết ấy có sự sống đời đời.  Ngài muốn chúng ta coi thường mạng sống của mình cho một mục đích cao cả hơn là phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Sự chết ờ đời này là một phần của sự sống mai sau. Chúng ta được sinh ra rồi chết đi, nhưng chính khi chết đi, chúng ta mới có được sự sống trọn vẹn: chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Mục nát đi, theo như lời kêu gọi của Đức Giêsu, không phải là hủy hoại sự sống của mình ở trần gian này, nhưng là chết đi cho tội lỗi, từ bỏ ý riêng của mình, hy sinh bản thân mình vì Chúa, vì tha nhân. Mục nát ở đây là chịu biến đổi, chịu hy sinh quên thân mình vì người khác, vì Chúa, vì hạnh phúc mai sau.

Hạt giống không chịu mục bát đi là hạt giống chỉ sống cho chính mình, quí mạng sống mình ở đời này hơn mạng sống vĩnh cửu mai sau, là tìm vinh quang cho riêng mình, là tìm mọi cách để thỏa mãn những dục vọng trấn thế hơn là chịu mục nát để tìm cuộc sống vĩnh cửu mai sau.

Trái lại, hạt giống chịu mục nát là hạt giống hy sinh chính bản thân mình để tìm được sự sống vĩnh cửu đời sau. Hạt giống chịu mục nát đi là hạt giống chịu biến đổi, chịu cải hóa kiếp sống này vì sự sống ngày mai. Chịu mục nát đi là từ bỏ ý riêng của mình để vâng theo thánh ý Chúa, là chết đi cho những đam mê dục vọng tội lỗi làm con người xa rời tình thương của Thiên Chúa.

Đức Giêsu là tấm gương của hạt giống chịu mục nát. Sự mục nát của Ngài  đã mang lại nhiều hoa trái cho nhân loại: “ Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã đạt tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho nhửng ai tùng phục Người.”( Dt 5: 8-9 ) Đức Giêsu chịu mục nát khi chỉ vâng theo thánh ý Chúa Cha: Xin cho con khỏi uống chén này, nhưng không phải theo ý con mà theo ý Cha. Ngài chịu mục nát khi chấp nhận cái chết nhục nhã, khổ đau trên thập giá vì yêu thương nhân loại. Qua cái chết của mình, Đức Giêsu đã được tôn vinh, và cái chết của Ngài sẽ mang lại sự sống vĩnh cửu cho những ai bước theo gương mục nát của Ngài.

Như những người Hy lạp khao khát muốn gặp Đức Giêsu, và qua trung gian của các môn đệ, họ đã gặp được Đức Kitô, và Ngài đã hé mở cho họ biết đâu là con đường dẫn họ đến sự sống muôn đời. Đức Giêsu và Giáo Hội đã cho chúng ta gặp Thiên Chúa, biết con đường nào dẫn đến sự cứu độ của Thiên Chúa; nhưng chúng ta đã chịu mục nát theo gương Đức Kitô hay vẫn còn trơ trọi một mình!  

LM Giuse Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

 

Comments are closed.