XUÂN BÍNH THÂN

Xuân Bính Thân

Mừng Xuân Bính Thân

     Tết hay Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là thời điểm giao hòa giữa năm cũ và năm mới, giữa chu kỳ vận hành của đất trời và vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên Đán có nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, với gia tộc, với xóm làng, với niềm tin thiêng liêng trong đời sống tâm linh.

     Nhà thơ Nguyễn Bính, trong bài thơ “Tết Của Mẹ Tôi” đã phác họa đôi nét nhân văn của việc đón Xuân mừng Tết của mẹ mình. Công việc sửa soạn đón Xuân của mẹ Nguyễn Bính cũng là những nét tiêu biểu của nhà nhà rộn ràng, người người náo nức để đón chào những niềm vui hạnh phúc mới.  Nguyễn Bính kể rằng:

                    Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều

                    Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều

     Từ những tháng trước, bà đã chuẩn bị thức ăn cho ngày Tết, rồi đến tết lại làm mới từ nhà cửa đến con người. Tết là tiễn cái cũ, đón cái mới, vì thế phải làm mới từ con người đến nhà cửa:

                    Sân gạch tường hoa người quét lại

                    Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu

                    Nuôi hai con lợn tự ngày xưa

                    Mẹ tôi đã tính “ tết thì vừa”

                    Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó

                    Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ

     Tết là dịp làm mới lại mối quan hệ tình cảm và tinh thần để sống gắn bó với nhau hơn. Bao nhiêu nợ nần đều được thanh toán trước khi bước vào năm mới. Ba ngày Tết vui cười hòa nhã với nhau. Năm cũ đi qua mang theo những gì không may mắn, bất hạnh và năm mới sẽ mang lại cho con người nhiều may mắn tốt đẹp hơn. Tết là một ngày lạc quan hy vọng. Tết là ngày sinh nhật của mọi người. Trẻ già, lớn bé chúc tuổi cho nhau. Người lớn li xì cho trẻ nhỏ để chúc các cháu gặp may mắn, chóng lớn, khôn ngoan, còn các cụ thì sống lâu,mạnh khỏe.

      Tết biểu hiện sự giao cảm giữa trời đất và giữa con người với thần linh. Theo tín ngưỡng dân gian phát xuất từ quan niệm: “ Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân việt nam còn cho đây là dịp tạ ơn trời phật, nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến mùa màng như thần Đất, thần Mưa…

                     Suốt đêm giao thừa, mẹ tôi thức

                     Lẫm nhẫm cầu kinh Đức Chúa bà

     Tết là ngày đoàn tụ gia đình, gia tộc. Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, bất cứ ở đâu đều tìm về sum họp dưới mái gia đình trong ba ngày Tết, để khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, được ngắm lại mái ấm gia đình. Tết là ngày đoàn tụ, kết lại quan hệ họ hàng thân thuộc. Tết cũng là ngày tường nhớ đến người đã khuất. Từ bữa cơm tối 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui tết với con cháu. Đây cũng là cách dạy con cái hiếu thảo, tôn kính ông bà tổ tiên:

                    Mẹ tôi gọi cả các em tôi

                    Đến bên mà dặn:” Sáng ngày mai

                    Các con phải dậy sao cho sớm

                    Đầu năm, năm mới phải lanh trai

                    Mặc quần, mặc áo, lên trên nhà

                    Thắp hương, thắp nến lễ ông bà

                    Chớ có cãi nhau, chớ có quấy

                    Đánh đổ, đánh vỡ như người ta..”

     Và sáng mồng một Tết:

                   Mẹ tôi thắt lại chiếc khăn sồi

                   Rón rén lên bàn thờ ông tôi

                   Đôi mắt người trông thành kính quá

                   Ngước xem hương cháy đến đâu rồi.

     Hương cháy trọn cây, tàn vẫn không đổ là ông bà chứng giám. Nếu ngày tư ngày tết vong linh ông bà cũng về vui vầy chứng giám cùng con cháu thì quả là hạnh phúc.

     Ngày Tết là cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà tổ tiên. Và người người chúc nhau:  Vạn sự như ý – Anh khang thịnh vượng- Phát lộc phát tài- Phúc Lộc Thọ…

     Nhân dịp đầu xuân, chúng tôi cũng xin chúc mọi người những lời chúc tốt đẹp trên. Với người Kitô hữu, chúng ta không quên tạ ơn Thiên Chúa đã ban nhiều hồng ân cho mỗi người chúng ta trong năm qua, đồng thời cũng xin chúc: Năm mới được tràn đầy hông ân Thiên Chúa trong  năm thánh Lòng Chúa thương xót và từ những ân huệ được lãnh nhận, chúng ta biết chia sẻ và phục vụ anh em, phục vụ xã hội theo lòng thương xót của Chúa.

LM Trịnh Ngọc Danh

Xuân Bính Thân 2016

Comments are closed.