Chúa Nhật XXXIV TN-Năm C

      Lời Nguyện Giáo Dân

Chủ Tế:  Anh chị em thân mến, hôm nay cùng toàn thể Hội Thánh tuyên xưng Chúa Kitô là Vua vũ trụ,  Vua của tình yêu và lòng từ bi nhân ái, Vua của hòa bình. Chúng ta cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được sống trong Vương quốc của Chúa, và thành tâm dâng lời nguyện xin.

  1. Chúng ta cầu xin Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxico và các vị Chủ Chăn trong Hội Thánh, luôn tận tình chăm sóc đoàn chiên Chúa đã trao phó, bằng đời sống nhiệt thành hiến thân phục vụ dân Chúa trong khiêm nhường và yêu thương.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Hôm nay Đoàn Liên Minh Thánh Tâm mừng lễ Quan Thầy. Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu là Vua, thánh hóa và hướng dẫn các anh em trong đoàn, luôn noi gương Vua Giêsu nhân lành, được trở nên những gia trưởng gương mẫu thánh thiện, đồng thời cũng là những tông đồ nhiệt thành tôn thờ phục vụ Thánh Tâm Chúa và Giáo Hội.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin cho những anh chị em đang trong tiến trình tìm hiểu Đạo Thánh Chúa – Cách riêng anh chị em đang trong tiến trình gia nhập đạo trong cộng đoàn – được lòng mến mộ và chuyên cần học hỏi về Đạo Thánh Chúa, để đượcc trở thành con cái Chúa.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin cho đời sống làm chứng nhân cho Chúa Kitô là Vua của mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng con, được thắp lên ánh sáng của lòng bác ái yêu thương, của bao dung tha thứ và cảm thông, để xây dựng Vương Quyền Chúa Kitô giữa trần gian.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Chúng ta cầu nguyện theo những ý lễ cộng đoàn xin hôm nay: lễ tạ ơn, bình an, chữa lành, như ý, và các linh hồn được xin cầu nguyện hôm nay.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

Chủ Tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua, Chúa đã chinh phục nhân loại bằng tình yêu vô biên của Chúa trên Thập Giá. Xin giúp chúng con khi tôn vinh Vương Quyền của Chúa, thì cũng biết sống yêu thương bác ái với mọi người, và làm cho nhiều người biết quy phục Vương Quyền của Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chúa Nhật XXXIV TN-Năm C

Lời Chúa

20/11/2022
Chúa Nhật Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm C
CHÚA KITÔ VUA

 

BÀI ĐỌC I: 2 Sm 5, 1-3

“Họ xức dầu phong Đavít làm vua Israel”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Đavít tại Hebron mà nói rằng: “Đây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel'”.

Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Đavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Đavít làm vua Israel.     

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Đáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c. 1).

Xướng:

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. – Đáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. – Đáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Cl 1, 12-20

“Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.

Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.

Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.         

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Đavid tổ phụ chúng ta đã đến. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 23, 35-43

“Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN DO THÁI”.

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Đối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Đó là lời Chúa.



Suy Niệm Lời Chúa

20/11/2022

CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – C
CHÚA KI-TÔ, VUA VŨ TRỤ
Lc 23,35-43

CÓ TRỜI MỚI BIẾT

“Ông Giê-su ơi ! Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,35-43)

Suy niệm: Một tử tội sắp chết lại hứa hạnh phúc thiên đường cho một tử tội khác ngay trên thập giá là một chuyện vừa mỉa mai vừa kỳ lạ đến mức phi lý. Mỉa mai vì không hợp tình hợp cảnh: động cơ nào khiến tên tử tội kia lại xin một ơn huệ tréo ngoe đến buồn cười: “Khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”; và cũng kỳ lạ nữa vì chỉ “có trời mới biết” Đức Giê-su là ai mà dám tuyên bố điều đó. Thế nhưng ngày nay ai cũng biết “anh trộm lành” này đã “ăn trộm” được thiên đàng trước cả chúng ta, vì lời cầu xin của anh bao hàm một niềm tin mạnh mẽ: Đức Giê-su chính là Đấng Cứu Thế.

Mời Bạn: Danh xưng “Vua” ngày nay có thể gợi lại cho chúng ta hình ảnh đáng buồn của một chế độ phong kiến đã lỗi thời. Nhưng ý nghĩa cốt lõi của từ này vẫn diễn tả mối tương quan cơ bản của muôn loài đối với Thiên Chúa: Đấng cầm quyền sinh tử mọi loài Người đã dựng nên. Thế mới thấm thía lời kinh đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa: “Xin hãy làm vua cai trị hết mọi người…”

Chia sẻ: Đức Giê-su có phải là Vua của lòng bạn? Bạn có đặt vận mạng của bạn trong tay Ngài không? Nếu không thì đó là ai, là cái gì? Tiền bạc? Danh vọng? Lạc thú? Hay một thứ ô dù nào đó?

Sống Lời Chúa: Nếu đã tin nhận Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống thì việc thần phục Ngài là Vua của bạn là một hệ luận tất yếu. Hãy thờ phượng Ngài bằng cả đời sống bạn.

Cầu nguyện: Lạy Trái Tim Chúa Giê-su là Vua cai trị mọi loài. Xin Trái Tim Chúa làm vua cai trị lòng con suốt đời.

Chúa Nhật XXXIII TN-Năm C

Chủ Tế:  Anh chị em thân mến, kiên nhẫn chịu đựng giữa những gian nan thử thách trong tinh thần tin tưởng, phó thác vào Chúa quan phòng, là những việc mà mỗi Kitô Hữu phải ghi nhớ và thực hiện trong đời sống hằng ngày. Luôn vững tin vào Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

 

  1. Xin Chúa thánh hóa và gìn giữ Đức Thánh Cha Phanxico, các Giám Mục, Linh Mục, luôn trung kiên phó thác cậy trông vào Chúa, để giữa những khó khăn thử thách khi thi hành sứ vụ, các Ngài luôn kiên nhẫn chịu đựng vì phần rỗi các linh hồn.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin cho những anh chị em đang trong tiến trình tìm hiểu và đón nhận Tin Mừng Nước Trời – đặc biệt cho anh chị em đang tham dự tiến trình nhập đạo trong cộng đoàn – được lòng mến mộ và chuyên cần học hỏi về Đạo Thánh Chúa , và được trở thành con cái Chúa.

……...Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng con luôn trung thành với đức tin mà Chúa đã thương ban, để giữa những gian nan thử thách trong dời sống thường ngày, chúng con biết phó thác vững tin vào Chúa là Cha từ bi nhân hậu hằng cứu giúp chúng con.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Chúng ta cầu nguện theo những ý lễ cộng đoàn xin hôm nay: lễ tạ ơn, bình an, chữa lành, như ý, và cac linh hồn được xin cầu nguyện hôm nay.

…….Chúng ta cầu xin Chúa.

Chủ Tế: Lạy Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, giữa những gian nan thử thách cuộc đời, xin thương nâng đỡ chúng con, xin gia tăng đức tin nơi chúng con, để chúng con được trung thành theo Chúa cho đến trọn đời. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng con.

Chúa Nhật XXXIII TN-Năm C

Lời Chúa

13/11/2022
Chúa Nhật Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm C

BÀI ĐỌC I: Ml 4, 1-2a (Hl 3, 19-20)

“Các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho”.

Trích sách Tiên tri Malakhi.

“Đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy. Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người”.       

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 5-6. 7-8. 9

Đáp:  Chúa ngự tới cai quản chư dân trong đường chính trực (x. c. 9).

Xướng:

1) Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. – Đáp.   

2) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót.  – Đáp.

3) Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chính trực. – Đáp.  

BÀI ĐỌC II: 2 Tx 3, 7-12

“Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chính anh em biết phải noi gương chúng tôi thế nào, bởi vì chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: “Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”. Vì chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây mình vào mọi việc. Đối với những hạng người đó, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Kitô, để họ yên hàn làm việc và dùng lương thực mình tìm ra.      

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 24, 42a và 44

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 21, 5-19

“Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: ‘Chính ta đây và thời giờ đã gần đến’. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.

Đó là lời Chúa.



Suy Niệm Lời Chúa

13/11/2022

CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – C
Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lc 9,23-26

SỐNG VÀ CHẾT VÌ ĐẠI NGHĨA

Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

Suy niệm: Hình ảnh chàng trai trẻ trong “Chinh phụ ngâm” thật hào hùng:

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”

Thân nam nhi dám vì đại nghĩa là bảo vệ quê hương giống nòi, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng xông pha trận mạc nơi biên thuỳ, chết lấy da ngựa bọc thây, thế mới là người có chí khí, đáng mặt anh hùng hào kiệt. Thế thì các vị tử đạo, những người vì cái nghĩa lớn hơn, đó là làm chứng cho Đức Ki-tô, mà dám liều mạng sống mình, những người đó chẳng những đáng được tôn vinh mà còn được tưởng thưởng bội hậu: họ sẽ cứu được mạng sống mình và được sống hạnh phúc đời đời ở bên Thiên Chúa.

Mời Bạn: Trước khi dám chết vì Đức Ki-tô, các vị tử đạo đã phải dám sống vì Ngài. Chết vì Đức Ki-tô thì chỉ có một lần. Nhưng sống vì Đức Ki-tô, bạn có thể thể hiện mỗi ngày, bao lâu bạn còn sống trên đời này, mỗi lần một mới mẻ hơn và sâu sắc hơn. Cụ thể là hôm nay, ngay bây giờ, bạn làm gì để sống cho Đức Ki-tô, để làm chứng nhân cho Ngài?

Chia sẻ: Thế nào là một hành vi làm chứng cho Đức Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Làm thật tốt công việc bổn phận của bạn ngày hôm nay để làm chứng cho Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng của các bậc tiền nhân, biết làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô bằng đời sống tin yêu và phó thác, biết nói về Chúa cho đồng bào lương dân, biết cầu nguyện và hy sinh cho việc truyền giáo. Amen.

Tháng 11 Cầu Nguyện cho các Đẳng Linh Hồn và Nguồn Gốc

Tháng 11 Giáo Hội dành riêng thời gian nhắc nhở cộng đoàn Dân Chúa tuởng nhó và cầu nguyện cho những nguời đã mất.

 

Năm nay đặc biệt giáo xứ dành riêng một phòng cầu nguyện cho các linh hồn cho các nguời thân thuơng không giới hạn thời gian đã mất đi.  Cộng đoàn Dân Chúa có thể mang hình ảnh nguời thân đã khuất tới văn phòng Giáo Lý và để lại nơi đây trên bàn Thánh.

NGUỒN GỐC LỄ CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ QUA ĐỜI TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Tưởng niệm người đã qua đời là tập tục tồn tại trong các nền văn minh khác nhau và qua nhiều thời đại khác nhau từ Đông sang Tây.
Vào thời của những Kitô hữu đầu tiên, những tập tục liên quan đến việc tưởng niệm những người đã qua đời được thực hành rất phổ biến ở châu Âu.
Các Kitô hữu tin rằng người sống cần phải cầu nguyện cho người chết và họ thường quy tụ với nhau để cầu nguyện cho người thân đã qua đời.
Vì vậy, ngay trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, người ta thấy có nhiều lời cầu nguyện dành cho người đã khuất trong các bản văn phụng vụ khác nhau.
Vào thế kỷ thứ IV, khi sinh thì Thánh nữ Monica (331-387) đã xin con mình là Thánh Augustinô (354- 430) rằng: “Con ở đâu thì cũng hãy nhớ cầu nguyện cho mẹ trên bàn thờ”.
Thánh Augustinô nhắc các tín hữu phải cầu nguyện cho linh hồn người chết và ngài cũng cho biết Giáo Hội làm lễ cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời trong một lễ chung. (De cura gerenda pro mortuis, ch. IV)
Đến thế kỷ thứ 6, các tu viện của Dòng Biển Đức tổ chức lễ tưởng niệm các tu sĩ trong Dòng đã qua đời vào Lễ Hiện Xuống.
Tại Ở Tây Ban Nha vào thời Thánh Isidoro de Sevilla (560- 636) lễ cầu nguyện cho người đã qua đời vào thứ bảy trước lễ Sessagesima hoặc trước Lễ Ngũ Tuần.
Đến thế kỷ thứ 7 thì việc dâng lễ cầu nguyện cho người quá cố đã trở thành một tập tục phổ biến, cùng với việc cử hành Thánh Lễ mỗi ngày.
Cũng từ đây, các giáo hữu thường họp lại với nhau để đọc kinh cầu nguyện cho người đã khuất vào ngày giỗ.
Lúc này Kitô giáo đã phổ biến toàn bộ khu vực lục địa Tây Âu bao gồm Bỉ, Pháp và các đảo như Anh quốc và Ai Len ngày nay và khu vực này trở nên một vùng Kitô giáo đông đảo và năng động nhất trong Giáo hội Roma.
Đấy cũng là khu vực có nền văn minh Celtic nổi tiếng và những người theo văn minh này cử hành lễ tưởng niệm những người đã qua đời và tất cả các linh hồn từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11.
Trong khi đó, các giáo hữu ở vùng thuộc nước Đức có một nghi lễ cổ xưa cầu nguyện cho người chết vào ngày 1 tháng 10.
Trong nỗ lực Kitô hóa các truyền thống ngoại giáo, mang lại một ý nghĩa mới cho việc kính nhớ những người đã qua đời, năm 835 ĐGH Grêgôriô II đã chuyển ngày lễ Các Thánh từ ngày 13 tháng 5 sang ngày 1 tháng 11 hằng năm.
Năm 998, Thánh Odilon, Viện phụ Dòng Biển Đức Cluny bên Pháp đã yêu cầu tất cả các đan viện và giáo xứ của Dòng tại châu Âu tổ chức cầu nguyện cho những người đã qua đời từ sau kinh chiều ngày Lễ Các Thánh: đọc kinh thần vụ buổi chiều tối mùng 1 tháng 11 và cử hành thánh lễ chung trọng thể vào sáng ngày mùng 2. (Statutum sancti Odilonis de defunctis, PL 142, 1037-1038).
Tục lệ này sau đó lan rộng đến các giáo xứ của các giáo phận; và đến thế kỷ 14, lễ Các Linh Hồn ngày 2 tháng 11 được chính thức ghi vào lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo Roma.
Từ đây, mọi người trong Giáo hội Công giáo đã qua đời được tưởng nhớ lại trong hai ngày liên tiếp: ngày 1 tháng 11 dành cho những người đã đã được vinh quang trên trời và ngày mùng 2 dành cho những người còn đang trong luyện ngục.
Vào ngày này các tín hữu được mời gọi tham dự Thánh lễ và viếng các nghĩa trang để cầu nguyện cho các linh hồn những người đã qua đời, cũng như để thăm viếng và sửa sang mộ phần người thân.
Đi kèm những việc này, tùy từng vùng đất và từng dân tộc còn có nhiều tập tục khác nữa, tô điểm và làm phong phú đời sống văn hóa và đức tin của người dân.
Tại Việt Nam các giáo hữu cũng viếng nghĩa trang, cũng viếng các nhà thờ, cầu nguyện theo ý ĐGH để nhận ân xá chuyển cho người đã khuất.
Vào dịp giỗ chạp, tại tư gia các giáo hữu thường họp nhau tại tư gia để đọc kinh và tại nhà thờ cha xứ thường cử hành “lễ mồ” để cầu nguyện cho người quá cố.
Ngôn ngữ bình dân Việt Nam gọi là “lễ mồ” vì linh mục chủ tế luôn mang lễ phục mầu đen, cử hành thánh lễ trên bàn thờ, cạnh một nhà mồ đặt trước gian cung thánh.
Từ thế kỷ 16, những người Tin Lành thường chất vấn người Công giáo về hiệu quả của việc cầu nguyện và dâng lễ cho người đã qua đời, nhất là cho các linh hồn trong luyện ngục.
Tuy nhiên, bất chấp những lý lẽ quá khích, Công đồng chung Tridentinô (1545-1563) vẫn khẳng định tính chính đáng và chính thống của việc cầu nguyện cho các linh hồn.
Công đồng Vatican II (1962-1965) tiếp thu giáo huấn của truyền thống, tái khẳng định tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho những người đã qua đời ( x. LG 48-51).
Phần tôi, như bao nhiêu người Công giáo khác, tôi tin việc kính nhớ và cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời là một gia sản đức tin của chúng ta và là một truyền thống nhân bản và tâm linh tốt đẹp.
Truyền thống này thể hiện một cách rõ nét tấm lòng hiếu thảo của chúng ta đối với người đã khuất, chứng tỏ người Công giáo Việt Nam biết thờ kính tổ tiên như mọi người Việt và có phần hơn nhiều người Việt khác.
Trên hết mọi sự, truyền thống cử hành lễ và cầu nguyện cho các linh hồn là bằng chứng đích thực của niềm tin và niềm hy vọng vào sự sống lại và sự sống đời đời trong Chúa Kitô.
Chúng ta cầu nguyện cho người thân đã khuất, nhưng đừng quên rằng chúng ta cũng có thể xin họ cầu bầu cho chúng ta, vì họ vẫn tham dự cách nào đó vào những sự kiện diễn ra trong cuộc đời chúng ta, đồng thời giúp chúng ta được ơn chết lành khi đến ngày giờ chúng ta được gọi về với Chúa.
Orange County, CA, ngày 1 tháng 11 năm 2022
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

Chúa Nhật XXXII TN-Năm C

Chủ Tế:  Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và đã sống lại để bảo đảm cho những ai tin vào Ngài cũng sẽ được sống lại trong vinh quang hạnh phúc đời đời. Với niềm xác tín vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta dâng lời nguyện xin.

 

  1. Xin cho tất cả những người đã có đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay, biết dành thời gian để bỏ phiếu cho phù hợp với lương tâm trưởng thành của mình, và đủ can đảm để giúp những người khác cũng làm như vậy.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin cho những ai đang sầu khổ vì chính con cái mình , cảm nghiệm được ơn an ủi của Chúa đang hiện diện với họ, và tìm được những cách thức nuôi dưỡng và nâng đỡ chăm sóc con cái đang gặp khó khăn.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Chúa đã phục sinh để đem lại sự sống muôn đời cho con cái Chúa đã ly trần. Xin thương xót tha thứ những lỗi lầm cho ông bà cha mẹ, anh chị em thân bằng quyến thuộc, các ân nhân, bạn hữu xa gần, và mọi tín hữu đã qua đời sớm được Chúa ân thưởng hạnh phúc muôn đời trên Thiên Đàng.

…….Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin Chúa chúc lành, thánh hiến và trợ giúp những giá trị trong đời sống gia đình của các đôi phu thê mừng kỷ niệm ngày cưới trong tháng 11. Xin Chúa tiếp tục thánh hóa và ban nhiều ơn lành, giúp họ luôn biết chấp nhận và tôn trọng nhau, hy sinh cho nhau trong yêu thương và tha thứ, để giúp cho tình yêu luôn bền vững hòa thuận, và đời sống vợ chồng luôn hạnh phúc.

…….Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Chúng ta cầu nguyện theo những ý lễ cộng đoàn xin hôm nay: lễ tạ ơn, bính an, chữa lành, như ý, và các linh hồn được xin cầu nguyện hôm nay.

…….Chúng ta cầu xin Chúa.

 

Chủ Tế:  Lạy Chúa Giêsu Kitô, nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa mà tất cả chúng con được hưởng nhờ ơn Cứu Độ. Xin giúp chúng con được vững tin bước đi theo Chúa, và loan báo sự sống Nước Trời mai sau cho hết mọi người. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chúa Nhật XXXII TN-Năm C

Lời Chúa

06/11/2022
Chúa Nhật Tuần XXXII Mùa Thường Niên Năm C

 

BÀI ĐỌC I: 2 Mcb 7, 1-2. 9-14

“Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời”.

Trích sách Macabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả của chúng tâu vua rằng: “Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi”.

Khi sắp thở hơi cuối cùng, người con thứ hai tâu vua rằng: “Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời”.

Sau khi người con thứ hai chết, thì đến người con thứ ba chịu cực hình, tên lý hình bảo cậu le lưỡi, cậu liền le lưỡi, dõng dạc giang hai tay ra và nói một cách tin tưởng rằng: “Tôi được Trời ban cho các phần thân thể này, nhưng giờ đây vì lề luật của Thiên Chúa, tôi khinh chê chúng, bởi tôi trông cậy rằng Người sẽ ban lại cho tôi các phần thân thể ấy”. Nhà vua và những kẻ tuỳ tùng của ông lấy làm bỡ ngỡ thấy lòng mạnh bạo của cậu trẻ coi các cực hình như không.

Người con thứ ba chết rồi, thì người ta bắt người con thứ tư chịu cùng một cực hình. Lúc sắp chết, cậu nói rằng: “Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu”.     

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 16, 1. 5-6. 8b và 15

Đáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa (c. 15b).

Xướng:

1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra tự cặp môi chân thành. – Đáp.

2) Bước con đi bám chặt đường lối của Ngài, chân con đã không hề xiêu té. Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. – Đáp.

3) Xin che chở con trong bóng cánh của Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Tx 2, 15 – 3, 5 (Hl 2, 16 – 3, 5)

“Chúa làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, nguyện xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.

Anh em thân mến, ngoài ra, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Thiên Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa: vì không phải hết mọi người đều có lòng tin. Nhưng Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người sẽ làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ. Chúng tôi tin tưởng anh em trong Chúa: những điều chúng tôi truyền dạy, anh em hiện đang thi hành và sẽ còn thi hành. Nguyện xin Chúa hướng lòng anh em đến tình yêu Thiên Chúa và lòng kiên nhẫn của Đức Kitô.      

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 20, 27-38

“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ”.

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.       

Đó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Lc 20, 27. 34-38

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.       

Đó là lời Chúa.



Hạnh Các Thánh – Tháng Mười Một

01/11/2022

                                                                              1 Tháng Mười Một

                                                                                    Lễ Các Thánh

Ngày lễ đầu tiên trong lịch sử để vinh danh các thánh là ngày tưởng niệm “các vị tử đạo” được cử hành vào đầu thế kỷ thứ tư. Vào đầu thế kỷ thứ bảy, sau làn sóng trộm cắp đột nhập các hang toại đạo, Ðức Giáo Hoàng Boniface IV đã cho thu lượm khoảng 28 toa đầy những hài cốt và chôn cất lại bên trong đền Pantheon, là đền thờ các thần của người La Mã, và ngài thánh hiến đền thờ này như một đền thờ Kitô Giáo. Theo sử gia của Giáo Hội là Bede Ðáng Kính, đức giáo hoàng có ý định rằng “việc tưởng nhớ các thánh trong tương lai có thể thay cho việc thờ phượng mà trước đây không được dành cho thần thánh nhưng thờ ma quỷ” (Về Việc Tính Toán Thời Giờ)

Nhưng việc thánh hiến đền Pantheon, cũng như ngày kính nhớ đầu tiên các vị tử đạo xảy ra vào tháng Năm. Nhiều Giáo Hội Ðông Phương vẫn kính nhớ các thánh vào mùa xuân, hoặc trong mùa Phục Sinh hoặc ngay sau lễ Hiện Xuống.

Tại sao Giáo Hội Tây Phương cử hành lễ này vào tháng Mười Một thì không ai hiểu. Người ta chỉ biết vào năm 800, thần học gia Alcuin người Anglo-Saxon cử hành lễ này vào ngày 1 tháng Mười Một, và người bạn của ông là Arno, Giám Mục của Salzburg cũng theo như vậy. Sau cùng, trong thế kỷ chứ chín, Giáo Hội La Mã đã chấp thuận ngày lễ này.

Lời Bàn

Ðầu tiên lễ này để kính nhớ các vị tử đạo. Sau này, khi Kitô Hữu được tự do tín ngưỡng, Giáo Hội đã dùng ngày lễ này để tỏ lòng kính trọng những người thánh thiện. Vào các thế kỷ đầu tiên, được coi là thánh thì chỉ cần một tiêu chuẩn là được nhiều người công nhận, ngay cả việc chấp thuận của vị giám mục cũng được coi là bước sau cùng để đưa vào niên lịch Giáo Hội. Việc phong thánh bởi đức giáo hoàng lần đầu tiên xảy ra vào năm 973; ngày nay việc phong thánh đòi hỏi cả một tiến trình lâu dài để chứng minh các đức tính thánh thiện. Bây giờ, lễ các thánh để kính nhớ các vị thánh vô danh cũng như nổi danh.

Lời Trích

“Sau đó, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế…

[Một trong các kỳ mục] bảo tôi: “Họ là những người sống sót sau thời gian thử thách lớn lao; họ đã giặt sạch và tẩy áo mình tinh nguyên trong máu Con Chiên.’” (Khải Huyền 7:9, 14).



02/11/2022

2 Tháng Mười Một

Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn

Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustine viết, “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.

Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.

Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.

Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này. Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, con cóc hay ma trơi. Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.

Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt. Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.

Lời Bàn

Có nên cầu nguyện cho người chết hay không là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo. Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyện tội. Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách nối liền với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.

Lời Trích

“Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa cận kề với hỏa ngục–hoặc ngay cả ‘một thời gian ngắn của hỏa ngục.’ Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác… Thánh Catherine ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng ‘lửa’ luyện tội là tình yêu Thiên Chúa ‘nung nấu’ trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên. Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, họ đau khổ vì nỗi mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn” (Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).



03/11/2022

3 Tháng Mười Một

Thánh Martin Người Nghèo
(1579-1639)

Hàng chữ thật lạnh lùng “không có cha” được ghi trong hồ sơ rửa tội, và danh từ “con lai” hay “vết tích cuộc chiến” là cái tên ác nghiệt mà những người “thuần chủng” gán cho những người mang hai dòng máu. Như bao người khác, Martin đã có thể trở nên một người cay đắng, nhưng ngược lại, ngay từ còn nhỏ Martin đã có lòng thương người đặc biệt, nhất là những người nghèo và bị xã hội khinh miệt.

 Ngài là đứa con bất hợp pháp của một nhà quý tộc Tây Ban Nha ở Lima, Peru và một phụ nữ Panama. Thánh Martin giống mẹ nên có nước da ngăm đen, và điều này làm cha ngài khó chịu, do đó mãi tám năm sau ông mới chịu nhận Martin là con. Sau khi sinh đứa thứ hai, ông bỏ rơi gia đình. Martin lớn lên trong cảnh nghèo nàn, thuộc giai cấp bần cùng của xã hội Lima.

Lúc 12 tuổi, mẹ ngài cho theo học nghề cắt tóc và giải phẫu, nên ngoài việc cắt tóc, ngài còn biết cách lấy máu (sự chữa trị rất phổ thông thời ấy), biết chăm sóc vết thương và biết chích thuốc.

Sau vài năm hành nghề, Martin xin vào dòng Ða Minh làm “người giúp việc,” vì ngài cảm thấy không xứng đáng để làm thầy dòng. Sau chín năm, gương mẫu đời sống cầu nguyện và hãm mình, bác ái và khiêm nhường của ngài khiến cộng đoàn phải yêu cầu ngài khấn trọn. Ngài cầu nguyện hằng đêm và sống khắc khổ; công việc hàng ngày của ngài là chăm sóc bệnh nhân và người nghèo. Ngài coi mọi người như nhau, bất kể mầu da, sắc tộc hay địa vị xã hội. Ngài là cột trụ trong việc thành lập cô nhi viện, chăm sóc người nô lệ từ Phi Châu và trông coi việc bố thí của nhà dòng. Ngài trở nên nổi tiếng trong nhà dòng cũng như ngoài thành phố, dù đó là vấn đề “chăn màn, quần áo, đèn nến, bánh kẹo, phép lạ hay lời cầu nguyện!” Khi nhà dòng bị nợ quá nhiều, ngài nói với cha bề trên, “Con chỉ là một đứa con lai nghèo hèn. Cha hãy bán con đi. Con là sở hữu của nhà dòng. Hãy bán con đi để trả nợ.”

Ngoài những công việc hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc bệnh nhân, Thiên Chúa còn ban cho ngài những ơn sủng đặc biệt: được xuất thần bay bổng trên không, căn phòng rực sáng khi ngài cầu nguyện, ơn lưỡng tại (ở hai nơi cùng một lúc), ơn hiểu biết cách lạ lùng, ơn chữa bệnh và chế ngự các thú vật cách tài tình. Lòng bác ái của ngài còn nới rộng đến các thú vật ở ngoài đồng hay chó mèo trong phố và ngay cả chuột bọ trong bếp.

Nhiều tu sĩ thời ấy coi ngài như vị linh hướng, nhưng ngài vẫn tự coi mình là “người nô lệ nghèo hèn.” Ngài còn là bạn của Thánh Rosa ở Lima. Ngài từ trần ngày 3-11-1639.

Lời Bàn

Kỳ thị chủng tộc là cái tội mà hầu như không ai muốn thú nhận. Cũng như sự ô nhiễm, đó là “cái tội của thế giới”, là trách nhiệm của mọi người nhưng không ai muốn nhận lỗi. Không ai xứng đáng là quan thầy của sự tha thứ và sự công bằng Kitô Giáo cho bằng Thánh Martin của Người Nghèo.

Lời Trích

Trong buổi lễ phong thánh (6-5-1962), Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã có lời nhận xét về Thánh Martin như sau: “Ngài đã tha thứ lỗi lầm của người khác. Ngài đã quên đi những xúc phạm thật cay đắng, vì cho rằng ngài đáng phải phạt vì những tội lỗi của chính mình. Ngài cố gắng hết sức để đền bù các lỗi lầm ấy; ngài an ủi bệnh nhân một cách trìu mến; ngài cung cấp thực phẩm, quần áo và thuốc men cho người nghèo; ngài giúp đỡ các nông dân và người da đen, cũng như những người mang hai dòng máu mà thời ấy thường coi là nô lệ: do đó ngài xứng đáng với cái tên mà người ta thường gọi là ‘Martin Nhân Hậu.’”



04/11/2022

4 Tháng Mười Một

Thánh Charles Borromeo
(1538-1584)

Tên của Thánh Charles Borromeo đi liền với chữ cải cách. Ngài sống trong thời kỳ Cải Cách Tin Lành, và đã tiếp tay trong công cuộc cải cách toàn thể Giáo Hội trong những năm cuối của Công Ðồng Triđentinô.

 Mặc dù ngài thuộc về một gia đình quý tộc ở Milan và có bà con với dòng họ Medici rất uy thế, nhưng ngài lại muốn tận hiến cho Giáo Hội. Khi người bác của ngài là Ðức Hồng Y de Medici được chọn làm giáo hoàng năm 1559 với tước hiệu là Piô IV, đức giáo hoàng đã chọn ngài làm trưởng phó tế và là quản lý của Tổng Giáo Phận Milan trong khi ngài chỉ là một sinh viên giáo dân. Vì sự thông minh xuất chúng nên ngài được giao cho nhiều chức vụ quan trọng có liên hệ đến Tòa Thánh, và sau này được bổ nhiệm làm bộ trưởng chịu trách nhiệm toàn thể ban hành chánh của tòa thánh. Cái chết đau đớn của người anh đã đưa ngài đến quyết định đi tu làm linh mục, mặc dù bao người thân nhân ngăn cản. Ngài được thụ phong linh mục năm 25 tuổi, và sau đó không lâu được tấn phong làm giám mục của Milan.

Chính thánh nhân là người đã thúc giục đức giáo hoàng phục hồi Công Ðồng Triđentinô vào năm 1562 sau 10 năm bị ngưng trệ. Ðứng ở đằng sau và âm thầm làm việc, thánh nhân là người có công trong việc duy trì sự liên tục của các khóa họp Công Ðồng mà nhiều khi tưởng đã đổ vỡ. Trong giai đoạn cuối của Công Ðồng, ngài là người chủ yếu trong việc hướng dẫn và thành hình các sắc lệnh của công đồng. Hiển nhiên ngài cũng được phép dành thời giờ để làm việc cho Tổng Giáo Phận Milan, là nơi mà tôn giáo và luân lý thật sáng tỏ.

Sự cải tổ cần phải thi hành trong mọi tầng lớp Công Giáo, dù là giáo sĩ hay giáo dân, và được khởi sự từ các công đồng địa phương với các giám mục phụ tá. Những quy luật rõ ràng được đặt ra cho các giám mục và tu sĩ: Nếu người ta thay đổi đời sống để trở nên tốt lành hơn, thì giáo sĩ phải là những người làm gương và phải canh tân tinh thần tông đồ của mình trước hết.

Chính Thánh Charles tiên phong trong việc làm gương. Ngài chia sẻ hầu hết phần lương của ngài cho công việc bác ái, tự ý từ bỏ đời sống sang trọng của một tổng giám mục, và ăn chay đền tội. Ngài hy sinh giầu sang, danh vọng, sự mến mộ và ảnh hưởng để trở nên nghèo hèn. Trong thời kỳ dịch tễ và đói kém năm 1576, ngài cố tìm cách để nuôi ăn 60,000 đến 70,000 người mỗi ngày. Ðể thực hiện điều này, ngài phải mượn một số tiền rất lớn mà nhiều năm sau mới trả hết. Khi nạn dịch hoành hành đến mức tối đa, các giới chức hành chánh dân sự bỏ trốn thì ngài vẫn ở lại thành phố để thi hành công việc mục vụ cho những người đau yếu, người hấp hối và những ai cần sự giúp đỡ.

Vào năm 1578, ngài thành lập một tổ chức cho các linh mục triều, Tu Sĩ của Thánh Ambrôsiô (bây giờ là Tu Sĩ của Thánh Charles), tích cực rao giảng, chống với sự xâm nhập của các tà thuyết, và đưa những người Công Giáo lầm lạc trở về với Giáo Hội.

Công việc và gánh nặng của chức vụ đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài. Ngài từ trần khi mới 46 tuổi và được phong thánh năm 1610.

Lời Bàn

Thánh Charles đã sống theo lời Ðức Kitô: “… Khi ta đói con đã cho ta ăn, ta khát con đã cho ta uống, ta lạc lõng con đã tiếp đón, ta trần truồng con đã cho áo mặc, ta đau ốm con đã chăm sóc, ta tù đầy con đã thăm viếng” (Mt. 25:35-36). Thánh Charles đã nhận ra Ðức Kitô trong tha nhân, và ngài biết rằng công việc bác ái được thi hành cho những người bé mọn là được thi hành cho Ðức Kitô.

Lời Trích

“Trong cuộc lữ hành trần thế, Ðức Kitô luôn mời gọi Giáo Hội hãy cải tổ liên tục và đó là điều rất cần thiết, vì giáo hội là một tổ chức của con người. Do đó, nếu ảnh hưởng của các biến cố hay thời cuộc đã đưa đến những khiếm khuyết trong hành động, trong kỷ luật của Giáo Hội, hay ngay cả trong việc hình thành tín lý (cần thận trọng phân biệt với kho tàng đức tin), thì những khiếm khuyết ấy phải được chấn chỉnh một cách thích hợp và đúng lúc” (Sắc Lệnh về Ðại Kết, 6).



05/11/2022

5 Tháng Mười Một

Vị Ðáng Kính Solanus Casey
(1870-1957)

Barney Casey là một linh mục nổi tiếng ở Detroit, Hoa Kỳ, dù rằng ngài không được phép giảng và giải tội!

 Barney xuất thân từ một gia đình ở Oak Grove, tiểu bang Wisconsin. Khi 21 tuổi, và sau khi đã trải qua các công việc sinh nhai như đốn củi, giúp việc ở bệnh viện, tài xế xe công cộng và cai tù, ngài gia nhập Chủng Viện Phanxicô ở Milwaukee — nhưng không theo đuổi nổi vì việc học quá khó khăn đối với ngài. Ðến năm 1896, ngài gia nhập dòng Capuchin ở Detroit, lấy tên là Solanus. Một lần nữa, ngài phải vất vả với việc học.

Ngày 24-7-1904, ngài được thụ phong linh mục, nhưng vì kiến thức thần học được coi là quá yếu nên Cha Solanus không được phép giảng và nghe xưng tội. Một tu sĩ Capuchin biết rõ về ngài cho biết sự ngăn cấm khó chịu đó “đã khiến ngài trở nên cao cả và thánh thiện.” Trong 14 năm làm người gác cổng và dọn lễ ở Yonkers, Nữu Ước, dân chúng nhận ra tài ăn nói của ngài.

James Derum, người viết tiểu sử của ngài cho biết, “Dù ngài bị cấm không được giảng dạy về tín lý, nhưng ngài có thể xuất khẩu những tư tưởng mà các cha Capuchin gọi là feverino”. Nhiệt huyết tinh thần của ngài đã khiến người nghe phải kinh ngạc.

Cha Solanus phục vụ tại các giáo xứ ở Manhattan và Harlem trước khi trở về Detroit, là nơi ngài giữ việc gác cổng và dọn lễ trong vòng 20 năm ở Tu Viện Thánh Bonaventura. Mỗi chiều thứ Tư hàng tuần ngài thi hành công việc mục vụ cho các người bệnh. Một cộng tác viên cho biết, trung bình từ 150 đến 200 người chờ đợi Cha Solanus ở văn phòng. Hầu hết người ta đến để xin cha ban phép lành, và khoảng 40 đến 50 người xin lời khuyên bảo của cha. Nhiều người coi ngài là một khí cụ của Thiên Chúa trong việc chữa lành và nhiều ơn khác. Họ nhận thấy sức mạnh của sự cầu nguyện của ngài, một người có đức tin mạnh mẽ.

Những lời Cha Solanus chia sẻ về Thiên Chúa đã khích động các người nghe. Câu nói phổ thông của ngài là “Hãy chúc tụng Thiên Chúa vì tất cả những công trình của Người.”

Nhiều bạn hữu của Cha Solanus đã giúp dòng Capuchin mở nhà phát chẩn cho người nghèo trong thời kỳ Ðại Khủng Hoảng. Và cho đến ngày nay sinh hoạt đó vẫn tiếp tục.

Vào năm 1946, vì sức khỏe yếu kém, Cha Solanus được thuyên chuyển về đệ tử viện Capuchin ởHuntington, bang Indiana, là nơi ngài sống cho đến năm 1956. Ngài từ trần ngày 31-7-1957 tại bệnh viện ở Detroit. Lời cuối cùng ngài thốt lên là: “Con phó linh hồn con cho Chúa.” Người ta ước lượng khoảng 20,000 người đã đến viếng thi hài của ngài trước khi được mai táng trong nhà thờ Thánh Bonaventura ở Detroit.

Vào năm 1960, một tổ chức lấy tên Cha Solanus được thành lập ở Detroit để giúp đỡ chủng viện Capuchin. Vào năm 1967 tổ chức này có đến 5,000 hội viên – mà nhiều người đã từng được ngài khuyên bảo cũng như an ủi. Ngài được tuyên xưng Ðáng Kính vào năm 1995.

Lời Bàn

James Patrick Derum, người viết tiểu sử Cha Solanus nói rằng ngài kiệt quệ vì gánh nặng của những người ngài phục vụ. “Ðã từ lâu, ngài hiểu rõ chân lý của lời Ðức Kitô là tình yêu Thiên Chúa và tha nhân hệ tại ở hành động. Sống chân lý này một cách nhiệt thành và liên tục đã khiến ngài trở nên một con người tự do về tinh thần — không bị nô lệ bởi những đam mê, bởi cái tôi, bởi lạc thú, và bởi sự than van — để tự do phục vụ Thiên Chúa và đồng loại” (Người Giữ Cửa Nhà Thờ Thánh Bonaventura, trang 199).

Lời Trích

Trong một lá thư gửi cho người em là Cha Maurice Casey khi làm việc trong một bệnh xá gần Baltimore và cảm thấy khó chịu với vị tuyên uý nhà thương này, Cha Solanus viết: “Thiên Chúa đã có thể thiết lập Giáo Hội với sự trông coi của các thiên thần để không có gì sai trái hay khiếm khuyết. Nhưng Giáo Hội, như hiện nay, bao gồm và dưới sự trông coi của những người tội lỗi tầm thường — kế vị ‘người đánh cá tầm thường ở Galilê’ — thì ai có thể hồ nghi rằng, chính Giáo Hội là một phép lạ vĩ đại?”



06/11/2022

6 Tháng Mười Một

Thánh Nicholas Tavelic và Các Bạn
(c. 1391)

Thánh Nicholas và các bạn là những người trong số 158 tu sĩ Phanxicô được tử đạo ở Ðất Thánh khi họ được giao cho nhiệm vụ trông coi các vương cung thánh đường ở đây vào năm 1335.

Nicholas sinh năm 1340 trong một gia đình giầu sang và quý phái ở Croatia. Ngài gia nhập dòng Phanxicô và được gửi đi rao giảng ở Bosnia với Deodat Rodez. Năm 1384, các ngài tình nguyện sang Ðất Thánh với nhiệm vụ trông coi các địa danh linh thiêng, chăm sóc các người hành hương và học tiếng Ả Rập.

Vào năm 1391, Nicholas, Deodat, Peter Narbonne và Stephen Cuneo quyết định thuyết phục người Hồi Giáo trở lại đạo một cách công khai. Ngày 11-11-1391, họ đến Ðền Omar ở Giêrusalem và xin được gặp Qadi (giáo sĩ Hồi Giáo). Từ một bản văn viết sẵn, họ nói mọi người phải chấp nhận phúc âm của Ðức Giêsu Kitô. Và khi được yêu cầu rút lại lời tuyên bố ấy, họ đã từ chối. Sau khi bị đánh đập và cầm tù, sau cùng họ bị chặt đầu trước đám đông.

Nicholas và các bạn được phong thánh năm 1970. Họ là các tu sĩ Phanxicô duy nhất được phong thánh vì tử đạo ở Ðất Thánh.

Lời Bàn

Thánh Phanxicô đưa ra hai đường lối truyền giáo cho các tu sĩ trong dòng. Trong nhiều năm trời, Nicholas và các bạn đã chọn đường lối thứ nhất (sống thầm lặng và làm chứng cho Ðức Kitô). Sau đó họ cảm thấy được mời gọi để đi theo đường lối thứ hai là rao giảng công khai. Các tu sĩ Phanxicô hiện vẫn hoạt động ở Ðất Thánh qua đời sống gương mẫu để nhiều người biết đến Ðức Kitô hơn.

Lời Trích

Trong Quy Luật 1221, Thánh Phanxicô viết cho các tu sĩ được sai đến Saracens (Hồi Giáo) “có thể tự đối xử trong hai phương cách. Một cách là tránh tranh luận hoặc cãi cọ, và ‘vì Chúa, hãy tùng phục bất cứ ai’ (1 Phêrô 2:13), để làm chứng rằng mình là Kitô Hữu. Một cách khác là công khai rao giảng lời Chúa, khi họ thấy đó là ý Chúa muốn mời gọi những người được rao giảng hãy tin vào Thiên Chúa toàn năng, là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, Ðấng Tạo Dựng muôn loài, và qua Chúa Con, Ðấng Cứu Thế, hãy rửa tội cho họ để trở nên người Kitô đích thực và thánh thiện” (Ch. 16).



07/11/2022

7 Tháng Mười Một

Thánh Didacus
(1400-1463)

Thánh Didacus là một bằng chứng sống động của Thiên Chúa khi Người “chọn những gì là điên dại trong thế gian để làm xấu hổ những người khôn ngoan; những gì là yếu đuối để làm xấu hổ kẻ hùng mạnh” (1 Cor. 1:27).

Sinh trưởng trong gia đình nghèo nàn ở một tỉnh nhỏ thuộc giáo phận Seville, Tây Ban Nha, Didacus được cha mẹ đồng ý cho sống với một vị ẩn tu ở thành phố gần đó. Mặc dù còn trẻ, nhưng ngài đã cố bắt chước sự khắc khổ và lòng đạo hạnh của vị ẩn tu này. Họ trồng trọt và làm những dụng cụ bằng gỗ để mưu sinh.

Vài năm sau, ngài bị gọi trở về nhà nhưng sau đó không lâu, ngài gia nhập tu viện Phanxicô ở Arrizafa làm trợ sĩ. Sau khi khấn trọn, Didacus tình nguyện đi truyền giáo ở quần đảo Canary, và hăng say hoạt động, đem nhiều người về với Chúa. Dù là một trợ sĩ, nhưng ngài được chọn làm bề trên cả một tu viện chính ở quần đảo, là tu viện Fuerteventura. Sau đó bốn năm, ngài được gọi về Tây Ban Nha và sống trong nhiều tu viện gần Seville.

Vào năm 1450, nhiều tu sĩ Dòng Phanxicô quy tụ về Rôma để cử mừng năm thánh và dự lễ phong thánh cho Thánh Bernardine ở Siena. Didacus cũng đến đó và ngài phải ở lại Rôma ba tháng để chăm sóc các tu sĩ dòng lâm bệnh nặng.

Sau khi trở về Tây Ban Nha, ngài dành trọn thời giờ để theo đuổi đời sống chiêm niệm.

Vào năm 1463, ngài lâm trọng bệnh khi ở Alcala, và trong lúc hấp hối, Didacus nhìn vào thánh giá và nói: “Ôi mảnh gỗ trung tín, ôi đáng quý thay những cây đinh! Bay được sinh ra với một gánh nặng thật ngọt ngào, vì bay xứng đáng được đỡ lấy Ðức Kitô, là Thiên Chúa của thiên đàng” (Marion A. Habig, O.F.M., The Franciscan Book of Saints, t. 834)

Hoàng Ðế Philip II, vì nhớ ơn ngài đã cứu sống đứa con trai nên đã khẩn khoản xin phong thánh cho ngài. Nhiều phép lạ qua sự cầu nguyện của ngài khi còn sống cũng như sau khi chết được Giáo Hội công nhận. Ngài được phong thánh năm 1588.

Lời Bàn

Với những người thánh thiện thực sự, chúng ta không thể giữ thái độ trung dung. Hoặc chúng ta ngưỡng mộ họ, hoặc chúng ta coi họ là điên dại. Didacus là thánh vì ngài đã hiến dâng cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa. Có thể nào nhận xét ấy được áp dụng cho chính chúng ta hay không?

Lời Trích

“Ngài sinh ở Tây Ban Nha với học lực tầm thường, nhưng cũng như các vị thầy đầu tiên và các vị lãnh đạo mù chữ của chúng ta lại được coi là khôn ngoan. [Thiên Chúa chọn Didacus] để cho thấy ơn sủng dồi dào của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa nhiều người đến con đường cứu chuộc, bởi đời sống và gương mẫu thánh thiện của ngài, và để chứng tỏ cho thế gian thấy rằng sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Người thì mạnh mẽ hơn loài người” (Sắc lệnh Phong Thánh).



08/11/2022

8 Tháng Mười Một

Chân Phước John Duns Scotus
(1266-1308)

Chân Phước John Duns Scotus là một tu sĩ Phanxicô khiêm tốn, mà tư tưởng của ngài có ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ.

 Sinh ở Duns trong quận Berwick, Tô Cách Lan, John thuộc dòng dõi một gia đình giầu có. Trong những năm về sau, ngài được gọi là John Duns Scotus để ghi dấu nơi sinh trưởng. (“Scotus” là chữ Latinh thay cho “Scotland” [Tô Cách Lan]).

John mặc áo dòng Phanxicô ở Dumfries, mà bác của ngài là Cha Elias Duns làm bề trên. Sau thời kỳ tập viện, John theo học ở Oxford và Paris và thụ phong linh mục năm 1291. Sau đó ngài tiếp tục theo học ở Paris cho đến năm 1297, ngài trở về làm giáo sư ở Oxford và Cambridge. Bốn năm sau, ngài trở lại Paris để dạy học và hoàn tất luận án tiến sĩ.

Vào thời đại mà nhiều người chấp nhận các hệ tư tưởng không có giá trị, thì John đã vạch ra sự phong phú của truyền thống Phanxicô-Augustinô, quý trọng sự uyên thâm của Thánh Aquinas, của Aristotle và các triết gia Hồi Giáo — nhưng ngài vẫn duy trì là một nhà tư tưởng độc lập. Ðiều đó được chứng tỏ khi Hoàng Ðế Philip, trong một tranh chấp với Ðức Giáo Hoàng Boniface VIII năm 1303, đã cố chiếm lấy Ðại Học Paris về phía mình. John Duns Scotus bất đồng ý và được lệnh phải rời Pháp trong vòng ba ngày.

Trong thời đại của John Duns Scotus, một số triết gia chủ trương rằng con người bị định đoạt bởi các động lực ở bên ngoài cá thể. Họ cho rằng sự tự do của ý muốn là một ảo tưởng. Là một người rất thực tế, John lý luận rằng nếu tôi đánh một người nào đó mà họ khước từ sự tự do của ý muốn, thì ngay lập tức người ấy bảo tôi ngừng tay. Nhưng nếu tôi thực sự không có tự do ý muốn, làm sao tôi có thể ngừng tay? John đã khéo léo đưa ra một thí dụ mà ai ai cũng dễ nhớ!

Sau một thời gian ở Oxford, ngài trở về Paris, là nơi ngài lấy bằng tiến sĩ năm 1305. Ngài tiếp tục dạy ở đây và vào năm 1307 ngài đã bảo vệ đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria mà sau cùng đại học đã chính thức công nhận lập trường của ngài. Cùng năm đó, bề trên tổng quyền bổ nhiệm ngài về trông coi trường của dòng Phanxicô ở Cologne mà ngài đã từ trần ở đây năm 1308.

Dựa vào lý luận của John Duns Scotus, vào năm 1854 Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. John Duns Scotus, vị “Tiến Sĩ Khôn Ngoan”, được phong chân phước năm 1993.

Lời Bàn

Cha Charles Balic, O.F.M., người có uy tín nhất của thế kỷ 20 về Chân Phước Scotus, đã viết: “Toàn bộ thần học của Scotus đều quy hướng về đức ái. Ðặc tính nổi bật của đức ái là sự tự do tuyệt đối. Khi đức ái ngày càng trở nên tuyệt hảo và sâu đậm, sự tự do trở nên cao quý và trọn vẹn hơn trong con người” (New Catholic Encyclopedia, Bộ. 4, tr. 1105).

Lời Trích

Sự thông thái ít khi đảm bảo sự thánh thiện. Nhưng John Duns Scotus không chỉ là một người tài giỏi mà ngài còn là một người khiêm tốn và siêng năng cầu nguyện — đó chính là sự tổng hợp mà Thánh Phanxicô uốn nơi bất cứ tu sĩ nào có học thức. Vào lúc phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Pháp đe dọa quyền lợi của đức giáo hoàng, John Duns Scotus đã đứng về phía giáo hội và phải gánh chịu mọi hậu quả. Ngài cũng bảo vệ sự tự do của con người đối với những ai thỏa hiệp sự tự do ấy với chủ thuyết tất định (determinism).

Tư tưởng thì quan trọng. John Duns Scotus đã dùng tư tưởng hay nhất của ngài để phục vụ gia đình nhân loại và Giáo Hội.



09/11/2022

 9 Tháng Mười Một

Lễ Cung Hiến Ðền Thờ Thánh Gioan Latêranô

Nhiều người Công Giáo nghĩ rằng Ðền Thánh Phêrô là nhà thờ của đức giáo hoàng, nhưng sự thật không phải vậy. Ðền Thánh Gioan Latêranô mới là nhà thờ của đức giáo hoàng, là vương cung thánh đường của Giáo Phận Rôma, nơi Ðức Giám Mục của Rôma trụ trì.

Vương cung thánh đường đầu tiên ở đây được xây cất vào thế kỷ thứ tư khi Hoàng Ðế Constantine dâng cúng phần đất mà ông nhận được từ gia đình Latêranô giầu có. Kiến trúc đó và những đấng kế vị phải trải qua những tai nạn như hoả hoạn, động đất và chiến tranh, nhưng thánh đường Latêranô vẫn là nơi các giáo hoàng được tấn phong mãi cho đến thế kỷ 15, khi các giáo hoàng từ Avignon trở về thì thánh đường và công trường cạnh đó đã đổ nát.

Thánh đường hiện nay được xây cất vào năm 1646 theo lệnh của Ðức Giáo Hoàng Innocent X. Là một trong những thánh đường uy nghi nhất ở Rôma, ngọn tháp mặt tiền của đền Latêranô được trang hoàng với 15 bức tượng của Ðức Kitô, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Gioan Tông Ðồ và 12 vị tiến sĩ của Giáo Hội. Bên dưới bàn thờ sang trọng là một bàn nhỏ bằng gỗ mà truyền thuyết cho rằng chính Thánh Phêrô đã cử hành Thánh Lễ ở bàn này.

Lời Bàn

Không như lễ kỷ niệm các đền thờ khác ở Rôma (như đền Ðức Bà Cả, ngày 5-8, đền Các Thánh Phêrô và Phao-lô, 18-11), lễ này là một đại lễ. Việc cung hiến đền thờ là một đại lễ cho toàn thể giáo dân trong xứ. Trong ý nghĩa tiêu biểu, Ðền Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ của mọi người Công Giáo, vì đó là giáo xứ của đức giáo hoàng, vương cung thánh đường của Ðức Giám Mục Rôma. Nhà thờ này là mái nhà tinh thần của tất cả những ai thuộc về Giáo Hội.

Lời Trích

“Cũng như các bức tường được xây cao này, những gì đã được thể hiện ở đây lại được tái diễn khi chúng ta quy tụ những người tin vào Ðức Kitô. Vì, qua đức tin họ đã được gọt dũa, như thể đá và gỗ từ núi rừng; nhưng bởi việc học hỏi giáo lý, rửa tội và giáo dục, họ được khuôn đúc, được điều chỉnh, và được mài nhẵn bởi bàn tay của các thợ chuyên môn. Tuy nhiên, họ không làm nên căn nhà của Thiên Chúa, cho đến khi họ hài hòa với nhau trong đức ái” (Thánh Augustine, Bài Giảng 36).



10/11/2022

10 Tháng Mười Một

Thánh Lêo Cả
(c. 461)

Ý thức được tầm quan trọng của vị Giám Mục Rôma, và của Giáo Hội lữ hành như dấu chỉ sự hiện diện của Ðức Kitô trong trần thế, Thánh Lêo Cả đã hết sức tận tụy trong vai trò của một giáo hoàng. Ðược chọn làm “đấng kế vị Thánh Phêrô” vào năm 440, ngài làm việc không ngừng, hướng dẫn các giám mục dưới quyền như “những người ngang hàng về quyền bính cũng như sự yếu đuối con người.”

Thánh Lêô nổi tiếng là một trong các giáo hoàng giỏi về quản trị trong thời Giáo Hội xưa. Sự nghiệp của ngài được chia ra làm bốn lãnh vực chính, chứng tỏ ngài có cái nhìn chính xác về trách nhiệm tổng quát của một giáo hoàng đối với đàn chiên của Ðức Kitô. Thứ nhất, ngài kiên trì chống với bè rối Pelagian, Manichae và các bè rối khác, ngoài ra ngài cũng áp đặt các quy luật để duy trì sự chân thực của đức tin Kitô Giáo. Lãnh vực thứ hai mà ngài lưu tâm là sự mâu thuẫn với Giáo Hội Ðông Phương về bản tính của Ðức Kitô mà ngài đã giải quyết bằng thư từ. Thứ ba, với đức tin mạnh mẽ, ngài còn lãnh đạo Rôma chống lại sự tấn công của quân man rợ, xứng đáng với vai trò bảo vệ hòa bình.

Sự nghiệp của Ðức Giáo Hoàng Lêô luôn được đề cao trong ba lãnh vực này. Ngoài ra, sự thánh thiện của ngài dựa trên nền tảng tâm linh sâu xa mà qua đó ngài thi hành công tác mục vụ cho đoàn chiên là lãnh vực thứ tư mà ngài hằng lưu tâm. Ngài nổi tiếng về những bài giảng thật sâu xắc. Là một khí cụ mời gọi mọi người nên thánh, được thấm nhuần Phúc Âm và luôn ý thức đến Giáo Hội, Ðức Lêô đã đáp ứng được những nhu cầu tâm linh của các tín hữu thời ấy.

Ngài từ trần năm 461, để lại nhiều văn bản và thư từ có giá trị lịch sử.

Lời Bàn

Khi có những chỉ trích về cơ cấu Giáo Hội, thì chúng ta cũng được nghe nói rằng các giám mục, linh mục — có thể nói, tất cả chúng ta — đã quá bận tâm với kiểu cách hành chánh theo thói đời. Ðức Giáo Hoàng Lêô là gương mẫu của một người quản trị biết dùng tài năng của mình trong các lãnh vực mà cơ cấu và tinh thần không thể tách biệt: đó là vấn đề giáo lý, công việc mục vụ và sự hài hòa. Ngài tránh cảnh “đi trên mây,” sống mà không có thân xác, nhưng ngài cũng như tránh cảnh “quá thực tế,” chỉ lo cho những sự bề ngoài.



11/11/2022

11 Tháng Mười Một

Thánh Martin ở Tours
(316?-397)

Một người chống đối hành động vô lương tâm muốn trở nên một tu sĩ; một tu sĩ bị gài ép để trở nên một giám mục; một giám mục chống đối những người vô tôn giáo nhưng cũng xin tha thứ cho những người lạc giáo — đó là Thánh Martin ở Tours, một trong những vị thánh nổi tiếng.

 Ngài sinh trong một gia đình vô tôn giáo ở chỗ bây giờ là Hungary và được lớn lên ở Ý. Là con của một cựu chiến binh, ngài bị ép buộc phải gia nhập quân đội vào lúc 16 tuổi. Ngài theo học đạo và được rửa tội lúc 18 tuổi. Người ta kể rằng ngài sống như một tu sĩ hơn là một binh sĩ. Năm 23 tuổi, ngài từ chối tham dự cuộc chiến của Hoàng Ðế Julian Caesar chống với thế giới bằng lập luận sau: “Tôi đã phục vụ ngài như một người lính; bây giờ hãy để tôi phục vụ Ðức Kitô. Hãy thưởng cho những người muốn chiến đấu. Nhưng tôi là một người lính của Ðức Kitô, và thật sai lầm nếu tôi đi đánh nhau.” Sau nhiều khó khăn, ngài được giải ngũ và trở thành môn đệ của Ðức Giám Mục Hilary ở Poitiers.

Martin được tấn phong làm người trừ quỷ và hoạt động tích cực chống với bè rối Arian. Ngài trở thành vị ẩn tu, trước hết sống ở Milan và sau đó sống ở một đảo nhỏ. Khi Ðức Hilary được phục hồi quyền bính sau thời gian lưu đầy, Martin trở về Pháp và thành lập tu viện có thể nói đầu tiên ở Pháp, gần Poitiers. Ngài sống ở đó trong 10 năm, đào tạo các môn đệ và đi rao giảng khắp nước.

Dân chúng ở Tours đòi hỏi ngài làm giám mục cho họ. Và ngài bị lừa đến thành phố này và được đưa đến nhà thờ, là nơi ngài lưỡng lự nhận chức giám mục. Một vài giám mục tấn phong nghĩ rằng ngài không xứng đáng làm giám mục vì cái bề ngoài xuề xòa và mái tóc thiếu chải chuốt của ngài.

Cùng với Ðức Ambrôsiô, Ðức Giám Mục Martin chống với Ðức Giám Mục Ithacius về đề nghị xử tử những người lạc giáo — cũng như sự can thiệp của hoàng đế vào vấn đề này. Ngài còn thuyết phục được hoàng đế tha chết cho Priscillian (người chủ trương những điều sai lạc về nhân tính của Ðức Kitô). Vì những nỗ lực này, Ðức Giám Mục Martin bị cho là cùng phía với bọn lạc giáo, và sau cùng Priscillian bị xử tử. Sau đó Ðức Giám Mục Martin xin chấm dứt việc bách hại những người ở Tây Ban Nha theo tà thuyết của Priscillian. Ngài còn muốn cộng tác với Ðức Giám Mục Ithacius về một vài lãnh vực, nhưng vì lương tâm không thấy ổn thỏa nên ngài đã bỏ dở ý định ấy.

Khi đến giờ chết, các môn đệ xin ngài đừng bỏ họ. Ngài cầu nguyện, “Lạy Chúa, nếu dân của Ngài vẫn còn cần đến con, con sẽ không từ chối làm việc. Nhưng con xin vâng theo ý Chúa.”

Lời Bàn

Ðiều Thánh Martin quan tâm về sự cộng tác nhắc nhở cho chúng ta biết hầu như không có gì hoàn toàn trắng hoặc hoàn toàn đen. Các thánh cũng là những tạo vật ở trần gian: Họ cũng phải do dự khi quyết định như chúng ta. Bất cứ quyết định nào của lương tâm đều ít nhiều có sự liều lĩnh. Nếu chúng ta chọn đi hướng bắc, có thể chúng ta không biết được những gì xảy ra ở hướng đông, hướng tây hay hướng nam. Tuy nhiên, quá thận trọng không dám quyết định thì cũng không phải là nhân đức khôn ngoan, thật vậy, nếu cho rằng “không quyết định là sự quyết định” thì đó là một quyết định sai lầm.



12/11/2022

12 Tháng Mười Một

Thánh Josaphat
(1580?-1623)

Thánh Josaphat, vị giám mục theo lễ điển Ðông Phương, được coi là vị tử đạo cho sự hợp nhất giáo hội vì ngài cố gắng đưa Chính Thống Giáo về hợp nhất với Rôma.

Vào năm 1054, một sự chia cắt chính thức được gọi là đại ly giáo đã xảy ra giữa Giáo Hội Ðông Phương ở Constantinople và Giáo Hội Tây Phương ở Rôma vì những bất đồng về thần học và đời sống độc thân của giáo sĩ. Cho đến năm thế kỷ sau, một giáo chủ Chính Thống Giáo ở Kiev và năm giám mục Chính Thống Giáo quyết định đưa hàng triệu người Chính Thống Giáo dưới quyền về hợp nhất với Rôma. Khi Thượng Hội Ðồng ở Brest Litovsk khai mạc vào năm 1595 thì Thánh Josaphat Kunsevich lúc ấy chỉ là một cậu bé trai, nhưng đã được chứng kiến các kết quả tích cực cũng như tiêu cực của thượng hội đồng.

Hàng triệu Kitô Hữu đã không đồng ý với các giám mục về sự hiệp thông với Công Giáo, và cả đôi bên đều tìm cách giải quyết sự bất đồng, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng vũ lực. Do đó cả hai phía đều có nhiều người đã tử vì đạo. Giữa những xáo trộn ấy, Thánh Josaphat là một tiếng nói hòa bình.

Khi còn niên thiếu, nhờ sự khuyến khích của hai vị linh mục dòng Tên nên ngài đã gia nhập tu viện Holy Trinity ở Vilna năm 1604. Trong thời gian này, ngài quen thân với Joseph Benjamin Rutsky, là người trở lại Kitô Giáo sau một thời gian theo phái Calvin. Cả hai đều muốn sự hợp nhất trong giáo hội và cải tổ đời sống tu trì.

Sau đó, Josaphat được gửi đi trông coi một cơ sở ở Rôma, còn Rutsky được làm tu viện trưởng ở Vilna. Khi Rutsky được làm giáo chủ của Kiev, thì Josaphat lại được thế chỗ Rutsky làm tu viện trưởng. Nhân cơ hội này, Josaphat thi hành kế hoạch cải tổ, nhưng đường hướng cải tổ phản ảnh một đời sống nghiêm nhặt và khắc khổ của ngài, nên không mấy ai hưởng ứng. Ngay cả một tu hội còn dọa ném ngài xuống sông!

Khi là vị giám mục đầu tiên ở Vitebsk và sau đó ở Polotsk vào năm 1617, Ðức Giám Mục Josaphat phải đối diện với nhiều khó khăn. Có thể nói giáo hội lúc ấy thật thối nát, giáo sĩ tái hôn đến hai ba lần, và họ không lo lắng gì đến việc mục vụ hoặc đời sống gương mẫu. Trong vòng ba năm, Ðức Giám Mục Josaphat phải chấn chỉnh lại giáo hội qua các thượng hội đồng, phân phát sách giáo lý khắp nơi, và áp đặt những quy luật cho hàng giáo sĩ. Nhưng đáng kể hơn cả là chính đời sống của ngài mà hầu như lúc nào cũng đi rao giảng, giáo dục đức tin, thăm viếng những kẻ đau ốm.

Bất kể công việc và tiếng tăm của Ðức Giám Mục Josaphat, những người Chính Thống Giáo ly khai đã bầu một tổng giám mục của họ ngay ở cùng một thành phố. Thật đau lòng cho Ðức Giám Mục Josaphat khi thấy những người ngài phục vụ bị phân ly trong những cuộc bạo loạn. Ngay cả giáo phận cũ của ngài ở Vitebsk cũng chống đối sự hợp nhất và chống chính ngài. Ðau khổ hơn cả, là chính người Công Giáo mà ngài tìm cách hợp nhất cũng chống đối ngài, chỉ vì họ không thích lễ điển Byzantine mà ngài chủ trương thay vì lễ điển Rôma. Vì sợ hãi hoặc vì ngu dốt, vị chưởng ấn của Lithuania, tin lời đồn đãi rằng ngài xúi giục dân chúng nổi loạn, nên thay vì giúp đỡ thì lại lên án Ðức Giám Mục Josaphat. Thực sự ngài chỉ dùng đến quyền lực khi các người ly khai chiếm nhà thờ Mogilev và ngài xin nhà cầm quyền giúp phục hồi lại quyền bính.

Vào tháng Mười 1623, Ðức Giám Mục Josaphat quyết định trở về Vitebsk để đích thân lắng dịu vấn đề. Ngài biết rất nguy hiểm nhưng cho biết, “Nếu tôi xứng đáng được phúc tử đạo, thì tôi không sợ chết.”

Những người ly khai coi đây là cơ hội để trừ khử Josaphat và làm ngài mất uy tín nếu họ xúi giục được phe của ngài nổi loạn trước và coi đó là cái cớ để chống lại. Sự đe dọa tính mạng của ngài quá lộ liễu đến nỗi ngài phải lên tiếng, “Quý vị muốn giết tôi sao. Quý vị phục kích tôi trên đường phố, trên cầu cống, trong chợ búa, ở khắp mọi nơi. Chính tôi đây. Tôi đến với quý vị như một mục tử. Quý vị biết là tôi rất vui mừng để hy sinh cho quý vị. Tôi sẵn sàng chết cho sự hợp nhất của Giáo Hội dưới quyền Thánh Phêrô và các giáo hoàng kế vị.”

Khi người ly khai thấy kế hoạch thất bại, họ lập mưu bằng cách đưa một linh mục tên Elias đến nơi tụ họp của phe đức giám mục để lên tiếng sỉ vả bất cứ ai đi ngang qua, nhất là vu khống Ðức Giám Mục Josaphat và Giáo Hội Công Giáo, cốt để chọc tức.

Biết được thâm ý của họ, Ðức Giám Mục Josaphat giữ im lặng và cầu nguyện nguyên ngày. Qua ngày hôm sau, Elias lại đến nữa và các người phục dịch của đức giám mục đã bắt nhốt Elias trong một căn phòng khi ngài đi vắng. Trở về nhà, thấy vậy ngài đã mở cửa phòng cho Elias trốn đi. Nhưng đã quá trễ. Ðám ly khai chỉ chờ có thế để báo động cả thành phố đến bao vây với gậy gộc trên tay.

Khi bước ra sau vườn, ngài thấy đám du côn đánh đập các người phục dịch và các linh mục khác, ngài lớn tiếng kêu: “Này các con, các con làm gì những người đó vậy? Nếu các con muốn chống đối cha, thì có cha đây, đừng đụng đến những người ấy!” Sau tiếng hô to, “Hãy giết tên theo giáo hoàng,” bọn họ đánh đập Ðức Giám Mục Josaphat với gậy gộc, sau đó họ dùng rìu và cuối cùng bắn vào đầu ngài. Thi thể đầy máu của ngài bị họ kéo lê ra sông và quăng xuống đó cùng với xác con chó của ngài.

Những anh hùng vô danh trong thảm kịch này là các người Do Thái ở Vitebsk. Họ đã liều mạng xông vào toà giám mục để can gián và cứu những người trong toà giám mục khỏi bị sát hại. Nhờ sự can đảm của họ, nhiều người đã được cứu sống. Cũng chính những người Do Thái này đã công khai lên án các tên sát nhân và thương tiếc Ðức Giám Mục Josaphat, trong khi người Công Giáo ở thành phố lại trốn chui trốn nhủi vì sợ hãi.

Thông thường, sự bạo động luôn luôn có hậu quả trái ngược. Vì hối hận và kinh hoàng về cuộc bạo động khiến họ mất đi một vị giám mục thánh thiện nên công chúng lại hướng về sự hợp nhất với Rôma. Và sau cùng, đức tổng giám mục mà phe ly khai dựng lên là Meletius Smotritsky cũng đã hoà giải với Rôma.

Vào năm 1867, Ðức Giám Mục Josaphat là vị thánh đầu tiên của Giáo Hội Ðông Phương được Rôma tuyên phong hiển thánh.

Lời Bàn

Mầm mống chia rẽ được bắt đầu vào thế kỷ thứ tư, khi Ðế Quốc La Mã bị chia cắt làm hai phần Ðông và Tây. Không một lý do nào có thêå biện minh cho sự phân ly hiện nay trong Kitô Giáo, mà trong đó 64 phần trăm là Công Giáo Rôma, 13 phần trăm là các Giáo Hội Ðông Phương (hầu hết là Chính Thống Giáo) và 23 phần trăm Tin Lành, trong khi 71 phần trăm dân số thế giới chưa được biết đến Ðức Kitô thì họ phải là những người được mục kích sự hợp nhất Kitô Giáo và đức bác ái của những người mệnh danh là Kitô Hữu!



13/11/2020

13 Tháng Mười Một

Thánh Frances Xavier Cabrini
(1850-1917)

Thánh Frances Xavier Cabrini là công dân Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh. Chính lòng tin tưởng mãnh liệt vào sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ sức mạnh để trở nên một phụ nữ dũng cảm làm việc cho Ðức Kitô.

 Thánh Frances sinh ở Lombardi, nước Ý vào năm 1850, trong một gia đình có đến 13 người con. Khi 18 tuổi, ngài ao ước trở thành một nữ tu nơi ngài theo học sư phạm, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên bị từ chối. Sau đó thánh nữ làm việc bác ái ở Cô Nhi Viện Ðấng Quan Phòng ở Cadogne, nước Ý. Vào tháng Chín 1877, ngài tuyên khấn và mặc áo dòng.

Khi đức giám mục đóng cửa cô nhi viện vào năm 1880, ngài đặt sơ Frances làm tu viện trưởng tu hội Nữ Tu Thánh Tâm Truyền Giáo và bảy phụ nữ khác làm việc ở cô nhi viện cũng đã gia nhập tu hội này.

Ngay từ khi còn nhỏ, Thánh Frances đã có ý định đi truyền giáo ở Trung Cộng, nhưng theo sự khuyên bảo của Ðức Giáo Hoàng Lêo XIII, cùng với sáu nữ tu khác, ngài đến thành phố Nữu Ước để phục vụ hàng ngàn người Ý di dân đang sinh sống ở đây.

Ngài gặp nhiều chán nản và khó khăn trên bước hành trình. Khi đến thành phố Nữu Ước, căn nhà được hứa để làm cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ thì lại không có. Ðức tổng giám mục khuyên ngài trở về Ý. Nhưng Frances, một phụ nữ can đảm có thừa, đã rời bỏ tư dinh của đức tổng và tự tay gầy dựng cô nhi viện. Và ngài đã thành công.

Trong 35 năm, Thánh Frances Xavier Cabrini đã thành lập 67 trung tâm để chăm sóc người nghèo, trẻ mồ côi, người ít học và bệnh nhân. Nhận thấy nhu cầu cần thiết của người di dân Ý trước viễn ảnh bị mất đức tin, ngài mở trường học và các lớp dạy giáo lý cho người lớn.

Cho đến ngày ngài qua đời ở Chicago, tiểu bang Illinois ngày 22-12-1917, tu hội của ngài đã có mặt tại các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Nam Mỹ.

Vào năm 1946, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong hiển thánh và đặt làm quan thầy của người di dân.

Lời Bàn

Lòng thương người và sự tận tụy của Mẹ Cabrini vẫn còn được nhận thấy qua hàng trăm ngàn nữ tu của ngài, họ chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện, viện dưỡng lão và các trung tâm quốc gia. Chúng ta than phiền về sự tốn kém y tế trong một xã hội giầu có, nhưng tin tức hàng ngày cho thấy hàng triệu người khác trên thế giới không có một chút gì được gọi là y tế, và họ đang mời gọi những người noi gương Mẹ Cabrini đến để phục vụ người dân trên đất nước của họ.

Lời Trích

Trong nghi lễ phong thánh cho Mẹ Cabrini ngày 7-7-1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố: “Mặc dù hiến pháp của tu hội ngài rất đơn sơ, nhưng ngài được ban cho một tinh thần phi thường đến nỗi, một khi tin rằng đó là ý Chúa, ngài không để bất cứ điều gì cản trở việc thực hiện mà những công trình ấy vượt quá sức lực của một phụ nữ.”



14/11/2022

14 Tháng Mười Một

Thánh Gertrude
(1256? – 1302)

Thánh Gertrude là một trong những vị thần bí nổi tiếng của thế kỷ 13. Cùng với Thánh Mechtild, thánh nữ tập luyện một đời sống tâm linh gọi là “hôn nhân huyền nhiệm”, đó là ngài trở nên vị hôn thê của Ðức Kitô. Ðời sống của ngài kết hợp mật thiết với Ðức Giêsu và Thánh Tâm, từ đó dẫn đến đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

 Thánh Gertrude sinh ở Eisleben thuộc Saxony. Khi lên năm tuổi, ngài được giao cho các nữ tu Benedictine ở Rodalsdorf chăm sóc, sau này ngài trở thành một nữ tu, và vào năm 1251 ngài làm tu viện trưởng của chính tu viện ấy.

Thánh Gertrude rất thích học hỏi. Ngài giỏi tiếng Latinh và sáng tác thơ phú dựa vào Phụng Vụ Thánh. Cuộc đời của thánh nữ, dù không có những biến động sôi nổi hay những hành động đáng kinh ngạc, nhưng sinh hoạt tinh thần của ngài thật đáng khâm phục. Ngài sống cuộc đời bí nhiệm trong tu viện, cuộc đời ẩn giấu với Ðức Kitô. Ngài nổi tiếng là người sùng kính Nhân Tính Thiêng Liêng của Ðức Giêsu trong sự Thống Khổ và trong bí tích Thánh Thể, và ngài cũng yêu mến Ðức Trinh Nữ Maria một cách đặc biệt. Thánh nữ từ trần năm 1302.

Lời Bàn

Ðời sống của Thánh Gertrude là một nhắc nhở cho chúng ta thấy tâm điểm của cuộc đời Kitô Hữu là cầu nguyện: một cách riêng tư và trong phụng vụ, một cách bình thường hay huyền nhiệm, luôn luôn có tính cách cá nhân.



15/11/2022

Ngày 15/11

Thánh Albert Cả (1206-1280)

Thánh Albert Cả là linh mục Ða Minh người Ðức có ảnh hưởng đến lập trường dứt khoát của Giáo Hội đối với triết lý của Aristotle được du nhập vào Âu Châu do sự phát triển của Hồi Giáo.

Các sinh viên triết biết đến người như vị thầy của Thánh Tôma Aquinas. Sự hiểu biết về triết Aristotle của Thánh Albert tạo môi trường thích hợp cho Thánh Tôma Aquinas phát triển quan niệm tổng hợp của người về văn hóa Hy Lạp và thần học Kitô Giáo. Nhưng Thánh Albert vẫn xứng đáng là một học giả am tường, trung thực và cần cù.

Người là con cả của một lãnh chúa quyền thế và giầu có ở Ðức. Ngay từ nhỏ người đã nổi tiếng thông minh. Lớn lên, người vào trường đại học ở Padua, nước Ý, và chính ở đây người gia nhập dòng Ða Minh khiến gia đình thật khó chịu.

Sự lưu tâm vô bờ của người đến các lãnh vực khác nhau đã thúc giục người viết các tổng lược về: khoa học tự nhiên, hùng biện, toán học, thiên văn, luân lý, kinh tế, chính trị và siêu hình học. Công trình này phải mất 20 năm mới hoàn tất. Người nói, “Mục đích của chúng ta là đưa ra tất cả những học thuật trước đây để Giáo Hội Tây Phương có thể lĩnh hội được.”

Người đạt được mục đích ấy trong khi vừa giảng dạy tại Paris và Cologne, vừa làm bề trên dòng Ða Minh và ngay cả khi là giám mục của Regensburg. Người bảo vệ các dòng Ða Minh và Phanxicô chống với sự tấn công của William ở St. Amour, và giúp Thánh Tôma chống với tà thuyết Averroist.

Người từ trần ở Cologne ngày 15-11-1280. Người được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên thánh và được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1931.

Lời Bàn

Kitô Hữu ngày nay phải đối diện với sự tràn ngập kiến thức trong mọi lãnh vực. Họ cần đọc báo chí Công Giáo ngày nay để biết được phản ứng của Giáo Hội trước những khám phá mới về khoa học xã hội, về lối sống Kitô Hữu cũng như thần học Kitô Giáo. Khi tuyên thánh cho Thánh Albert, Giáo Hội đã coi sự quý trọng chân lý, bất cứ tìm thấy ở đâu, như đặc tính thánh thiện của người. Tính hiếu kỳ của thánh nhân đã khiến người đào xới trong kho tàng khôn ngoan của triết học mà Giáo Hội thời ấy đang sôi nổi với những khó khăn.

Lời Trích

“Có những người muốn hiểu biết chỉ để hiểu biết; đó là sự tò mò đáng hổ thẹn. Có những người muốn hiểu biết để nhờ đó họ được nổi tiếng; đó cũng là sự phù hoa và nhục nhã. Những người khác lại muốn hiểu biết để kiếm tiền hay thăng quan tiến chức; đó cũng là điều mất thể diện. Nhưng cũng có những người muốn hiểu biết để họ có thể sinh lợi cho chính linh hồn họ và linh hồn người khác; đó là lòng bác ái. Trong những loại hiểu biết kể trên, chỉ có loại sau cùng là biết sử dụng kiến thức cách xứng hợp” (Thánh Bernard, Bài Giảng Về Diễm Ca)



16/11/2022

16 Tháng Mười Một

Thánh Margaret ở Tô Cách Lan
(1045-1093)

Thánh Margaret ở Tô Cách Lan quả thật là một phụ nữ tự do–trong ý nghĩa tự do để trở nên con người đích thực. Ðối với ngài, điều đó có nghĩa được tự do để yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

 Margaret không phải là người Tô Cách Lan. Ngài là con gái của Công Chúa Agatha Hung Gia Lợi và Thái Tử Edward Atheling của Anglo-Saxon. Thời niên thiếu, ngài sống trong triều đình của người bác là Edward, vua nước Anh, người bảo vệ đức tin. Khi bị William xâm chiếm, trên đường chạy trốn, gia tộc ngài bị đắm tầu ở bờ biển Tô Cách Lan. Vua Malcolm của Tô Cách Lan làm quen với hoàng tộc này và ông đã say mê sự duyên dáng cũng như vẻ đẹp của Margaret. Và họ đã kết hôn ở lâu đài Dunfermline năm 1070.

Vua Malcolm là người tốt bụng, nhưng cộc cằn và không có học thức, cũng giống như quê hương của ông. Vì tình yêu của Malcolm dành cho Margaret mà bà có thể thay đổi tính tình nóng nẩy của ông, cũng như chỉ bảo cách đối xử và giúp ông trở nên một vị vua nhân đức. Bà đã biến triều đình thành một nơi lịch thiệp và mỹ miều. Ông đã để mọi việc trong nước cho bà quản trị và thường hỏi ý của bà khi có vấn đề quốc sự.

Margaret là một ơn huệ Chúa ban cho người dân Tô Cách Lan. Trước khi bà đến đây, có rất nhiều người dốt nát và nhiều hủ tục trong nước. Bà tìm cách cải tiến quê hương chồng bằng cách cổ võ việc giáo dục và nghệ thuật. Về cải cách tôn giáo, bà khích lệ tổ chức các thượng hội đồng và đích thân tham dự các buổi thảo luận nhằm chấn chỉnh những tệ đoan tôn giáo rất phổ thông thời ấy của tu sĩ cũng như giáo dân, tỉ như vấn đề buôn thần bán thánh, cho vay lời cắt cổ và loạn luân. Cùng với đức lang quân, bà xây dựng nhiều nhà thờ trong nước và chính tay bà thêu áo lễ cho các linh mục.

Margaret không chỉ là một hoàng hậu mà còn là một người mẹ gương mẫu. Thiên Chúa đã ban cho ông bà sáu con trai và hai con gái. Ðích thân bà trông coi việc giáo dục cũng như dạy giáo lý cho con. Người con út của bà sau này là Thánh David.

Mặc dù rất bận rộn với công việc nhà cũng như việc nước, bà cố giữ mình khỏi bị ảnh hưởng của thế gian. Ðời sống riêng tư của bà rất khắc khổ. Bà dành thời giờ để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Bà ăn uống thanh cảnh và ngủ rất ít để có thời giờ suy niệm. Hàng năm, hai ông bà tuân giữ hai mùa Chay, một lần trước Phục sinh và một lần trước Giáng Sinh. Trong thời gian này bà thường thức giấc vào nửa đêm để đi dự Thánh Lễ. Trên đường về, bà rửa chân cho sáu người nghèo và bố thí cho họ. Mỗi khi bà xuất hiện nơi công cộng là bị những người ăn xin vây quanh và không bao giờ bà từ chối họ. Người ta kể rằng, trước khi bà ngồi xuống dùng bữa tối, bà thường dọn thức ăn cho chín trẻ mồ côi và 24 người nghèo.

Năm 1093, Vua William Rufus bất ngờ tấn công vào thành Alnwick. Vua Malcolm và người con cả là Edward bị giết chết. Bà Margaret, cũng bị thương nặng, và bốn ngày sau khi chồng bà từ trần thì bà cũng trút hơi thở cuối cùng.

Lời Bàn

Có hai cách thi hành việc bác ái: cách “sạch sẽ” và cách “bẩn thỉu.” Cách “sạch sẽ” là tặng tiền bạc, quần áo cho các tổ chức phục vụ người nghèo. Cách “bẩn thỉu” là dùng chính bàn tay của mình để phục vụ mà không sợ dơ bẩn. Nhân đức trổi vượt của Thánh Margaret là lòng thương người nghèo. Mặc dù rất giầu sang, nhưng ngài đã đích thân thăm viếng người bệnh hoạn và chăm sóc họ với chính đôi tay của mình. Trong mùa Vọng và mùa Chay, hai ông bà đã quỳ xuống để phục vụ các trẻ em mồ côi và người nghèo hèn. Giống như Ðức Kitô, bà đã thi hành bác ái trong phương cách “bẩn thỉu.”

Lời Trích

“Khi bà lên tiếng, trong lời nói đầy sự khôn ngoan ấy có sức thay đổi lòng người. Khi bà im lặng, sự thinh lặng đầy suy tư. Toàn thể bề ngoài của bà phù hợp với tính tình trầm lặng mà dường như bà được sinh ra với một cuộc đời nhân đức” (Turgot, cha giải tội của Thánh Margaret).



17/11/2022

17 Tháng Mười Một

Thánh Elizabeth ở Hung Gia Lợi
(1207-1231)

Tuy cuộc đời của Thánh Elizabeth thật ngắn ngủi, nhưng lòng thương yêu ngài dành cho người nghèo và người đau khổ thật lớn lao đến nỗi ngài được Giáo Hội đặt làm quan thầy của các tổ chức bác ái Công Giáo và của Dòng Ba Phanxicô. Là con gái của vua Hung Gia Lợi, thay vì chọn một đời sống xa hoa nhàn hạ, Thánh Elizabeth đã đi theo con đường khổ hạnh và hãm mình. Quyết định đó đã để lại trong tâm khảm của bao người dân Âu Châu niềm cảm mến sâu xa.

 Khi lên 14 tuổi, ngài kết hôn với ông Louis ở Thuringia (một quận chúa của Ðức), là người mà ngài rất yêu mến, và có được ba mặt con. Dưới sự linh hướng của các tu sĩ Phanxicô, ngài sống đời cầu nguyện, hy sinh và phục vụ người nghèo cũng như người đau yếu. Không những thế, ngài còn muốn trở nên một người nghèo thực sự qua cách ăn mặc thật đơn sơ. Mỗi ngày, ngài phân phát thực phẩm cho hàng trăm người nghèo trong vùng mà lúc nào cũng đầy nghẹt trước cửa nhà.

Sau sáu năm thành hôn, ngài thật đau khổ khi nghe tin chồng tử trận trong cuộc Thập Tự Chinh. Buồn hơn nữa, gia đình nhà chồng lại coi ngài là người hoang phí tiền bạc của hoàng gia nên đã đối xử với ngài thật thậm tệ, và sau cùng họ đã tống ngài ra khỏi hoàng cung. Nhưng sau cuộc thập tự chinh, những người thân thuộc bên chồng trở về đã phục hồi quyền lợi cho ngài, vì con trai của ngài là người thừa kế chính thức.

Vào năm 1229, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, và dùng quãng đời còn lại để chăm sóc người nghèo trong một bệnh viện mà ngài đã thiết lập để vinh danh Thánh Phanxicô. Sức khỏe của ngài ngày càng sa sút, và sau cùng ngài đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày sinh nhật thứ 24, năm 1231. Vì sự nổi tiếng về nhân đức của ngài nên chỉ bốn năm sau ngài đã được phong thánh.

Lời Bàn

Thánh Elizabeth hiểu rất rõ bài học của Ðức Kitô khi Người rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: người Kitô phải là người phục vụ những nhu cầu cần thiết của tha nhân, dù người phục vụ có địa vị cao trọng. Là một người trong hoàng tộc, Thánh Elizabeth đã có thể sai khiến người dân, nhưng ngài đã phục vụ họ với một tâm hồn thật đại lượng đến nỗi trong cuộc đời ngắn ngủi ấy ngài đã được sự quý mến của rất nhiều người. Thánh Elizabeth còn là gương mẫu cho chúng ta về sự tuân phục vị linh hướng. Thăng tiến đời sống tâm linh là một tiến trình thật khó khăn. Chúng ta rất dễ tương nhượng nếu không có ai khích lệ hay chia sẻ những kinh nghiệm để giúp chúng ta tránh được các cạm bẫy.

Lời Trích

“Trong thời đại ngày nay, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt là trở nên người thân cận đối với mọi người, và tích cực giúp đỡ họ khi chúng ta gặp trên đường đời, dù đó là người già cả bị hắt hủi, người lao công ngoại quốc bị khinh miệt, người tị nạn, trẻ sơ sinh của một mối tình vụng trộm mà bất đắc dĩ em phải chịu đau khổ, hay một người đói ăn; những người ấy đã làm lương tâm chúng ta phải bối rối khi nhớ lời Ðức Kitô: ‘Khi anh em giúp đỡ một người bé mọn này là giúp đỡ chính Thầy’ (Mt. 15:40)” (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 27).



18/11/2022

18 Tháng Mười Một

Thánh Rose Philippine Duchesne
(1769-1852)

Sinh ở Grenoble, nước Pháp, trong một gia đình giầu có, Philippine hấp thụ năng khiếu chính trị từ người cha và nơi người mẹ ngài học được sự thương yêu người nghèo. Về tính tình, chính yếu ngài là một người cương quyết với ý chí bất khuất, mà sau này tính khí ấy đã giúp ngài trở nên thánh thiện. Ngài gia nhập tu viện năm 19 tuổi mà không nói với cha mẹ một lời, và dù gia đình có chống đối, ngài vẫn cương quyết đi tu. Khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ, tu viện phải đóng cửa, ngài quay sang chăm sóc người nghèo và người đau yếu, mở lớp dạy các trẻ bụi đời và liều mình giúp đỡ các linh mục đang hoạt động âm thầm.

 Khi tình thế lắng dịu, chính ngài thuê lại tu viện cũ, đã đổ nát vì chiến tranh, cốt để làm sống lại sinh hoạt nhà dòng. Chiến tranh đã tàn phá không chỉ vật chất mà còn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh. Nhà dòng chỉ còn lại bốn nữ tu. Sau đó họ gia nhập Tu Hội Thánh Tâm mới được thành lập, mà vị bề trên trẻ tuổi, Thánh Madeleine Sophie Barat, trở nên một người bạn trong suốt cuộc đời của sơ Philippine. Một thời gian ngắn sau đó, sơ Philippine làm bề trên nhà dòng và làm hiệu trưởng một trường học. Nhưng mơ ước của ngài ngay từ khi còn nhỏ, lúc được nghe biết về công cuộc truyền giáo ở Louisiana, là sang Hoa Kỳ phục vụ người da đỏ. Ngài thực hiện tham vọng này khi 49 tuổi.

Cùng với bốn nữ tu, ngài lênh đênh trên biển 11 tuần lễ để đến New Orleans, và sau đó họ phải xuôi giòng Mississippi thêm bảy tuần lễ nữa để đến St. Louis. Ðến nơi, ngài chỉ gặp toàn thất vọng. Ðức giám mục địa phương không có chỗ cho các sơ tá túc để hoạt động cho người thổ dân Hoa Kỳ. Thay vào đó, đức cha lại sai các sơ đến một nơi mà ngài gọi là “làng hẻo lánh nhất Hoa Kỳ,” đó là St. Charles, Missouri. Tuy nhiên, với bản tính dũng cảm sơ Philippine đã thiết lập trường học miễn phí đầu tiên cho các thiếu nữ ở vùng tả ngạn sông Mississippi.

Nhưng đó là một sai lầm. Mặc dù các ngài làm việc quần quật như bất cứ người phụ nữ nào trong thời kỳ khẩn hoang phải rong ruổi trên các toa xe ngựa viễn tây, sự đói khát và lạnh giá đã đẩy các ngài ra khỏi vùng, lưu lạc đến Florissant, Missouri, là nơi ngài thiết lập trường Công Giáo Da Ðỏ đầu tiên. Phải là một nữ anh thư như Mẹ Philippine Duchesne mới kinh qua được những hành trình khủng khiếp trong thời gian truyền giáo. Louis E. Callan, người tìm hiểu về Mẹ Duchesne đã viết: “Trong thập niên đầu khi Mẹ Duchesne đến Hoa Kỳ, trên thực tế ngài đã phải chịu đựng mọi gian khổ của một người khẩn hoang, ngoại trừ sự đe dọa của người da đỏ — không có chỗ ở, thiếu thốn thực phẩm, nước uống, dầu đốt, tiền bạc, thời tiết thay đổi thất thường, thiếu thốn mọi tiện nghi, và sự ngỗ nghịch của các trẻ em vì sống trong môi trường thô bạo và ít được giáo dục”.

Sau cùng, vào lúc 71 tuổi, với sức khoẻ yếu kém và mệt mỏi, ngài đã hoàn thành ước mơ. Một xứ đạo được thành hình ở Sugar Creek, Kansas, giữa những người thổ dân Potawatomi. Mặc dù ngài không thể học được tiếng bản xứ, nhưng người thổ dân gọi ngài là “Bà Luôn Cầu Nguyện”. Trong khi người khác học hỏi thì ngài cầu nguyện. Người ta kể rằng các trẻ em da đỏ nghịch ngợm, lén ra đằng sau lưng ngài khi đang cầu nguyện để ném lên áo những mẩu giấy, và vài tiếng đồng hồ sau chúng trở lại, các mẩu giấy ấy vẫn còn dính trên áo.

Ngài từ trần năm 1852 lúc 83 tuổi, và được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II phong thánh năm 1988.

Lời Bàn

Ơn Chúa đã trui rèn ý chí sắt đá và sự quyết tâm của Mẹ Duchesne để trở thành một người khiêm tốn và vị tha, không muốn sự an nhàn của một đấng bề trên. Tuy nhiên, người ta chỉ nên thánh bởi sự trau dồi theo thời gian. Truyện kể rằng trong một cuộc tranh luận với vị linh mục về sự thay đổi nơi cung thánh, ngài cứng đầu đến nỗi vị linh mục phải đe dọa lấy đi nhà tạm thì ngài mới thôi. Nhưng ngài đã kiên nhẫn chịu đựng sự chỉ trích của các nữ tu trẻ cho rằng ngài thiếu cấp tiến. Qua tất cả các biến cố trong quãng đời 31 năm ấy, ngài có được một tình yêu bất khuất và đã trung thành tuân giữ lời khấn của ngài.

Lời Tríchh

“Chúng tôi chỉ làm được những điều rất nhỏ trong cánh đồng truyền giáo cho Ðức Kitô, nhưng chúng tôi yêu quý điều ấy, vì biết rằng Thiên Chúa không đòi hỏi phải thành đạt những công trình lớn lao, nhưng Người muốn một con tim dâng hiến tất cả, không giữ lại chút gì cho mình… Thập giá đích thực là thập giá mà chúng ta không tự chọn cho mình… Người có được Ðức Giêsu là có được tất cả” (Thánh Rose Philippine Duchesne).



19/11/2022

19 Tháng Mười Một

Thánh Agnes ở Assisi
(1197-1253)

Thánh Agnes là em ruột và là người đầu tiên theo Thánh Clara. Sau khi Clara bỏ nhà đi tu thì hai tuần sau, Agnes cũng bỏ nhà đi theo chị mình. Gia đình các ngài tìm cách ép buộc đưa Agnes về. Họ cố lôi ngài ra khỏi tu viện, nhưng thật lạ lùng thân thể của ngài bỗng dưng nặng chĩu khiến vài người đàn ông cũng không thể nhấc nổi. Người chú của ngài là Monaldo định đánh ngài nhưng bỗng dưng ông bị tê liệt. Sau đó họ phải để cho các ngài yên.

 Agnes không thua gì người chị của mình trong việc cầu nguyện và hy sinh hãm mình trong thời gian ở San Damiano. Năm 1221, một nhóm nữ tu dòng Biển Ðức ở Monticelli (gần Florence) xin được trở thành các nữ tu Clara Nghèo Hèn. Thánh Phanxicô gửi Agnes đến làm tu viện trưởng của tu viện này. Sau khi thiết lập các tu viện Clara Nghèo Hèn ở vùng bắc nước Ý, Agnes được gọi về San Damiano năm 1253, khi Clara sắp sửa từ trần.

Ba tháng sau khi Clara từ trần, Agnes cũng đi theo chị mình.

Thánh Agnes được phong thánh năm 1753.

Lời Bàn

Thiên Chúa chắc hẳn phải ưa thích cảnh trớ trêu, vì thế giới đầy dẫy những điều ngược đời. Vào năm 1212, ở Assisi chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng Thánh Clara và Agnes đã uổng phí cuộc đời khi các ngài quay lưng lại thế gian. Trên thực tế, cuộc đời của các ngài thực sự đã đem lại sức sống dồi dào, và thế giới được phong phú hơn nhờ gương mẫu của các vị tu sĩ nghèo hèn ấy.

Lời Trích

Charles de Foucald, sáng lập tu hội Tiểu Ðệ và Tiểu Muội của Chúa Giêsu, có viết: “Người ta phải trải qua sự cô độc và thực sự sống ở đó để nhận được ơn sủng của Thiên Chúa. Chính ở đó mà họ từ bỏ tất cả, gạt bỏ tất cả những gì không thuộc về Thiên Chúa, có như thế họ mới dọn được căn nhà linh hồn chỉ để một mình Chúa ngự. Khi làm như vậy, đừng sợ phản bội loài người. Ngược lại, đó là phương cách duy nhất mà bạn có thể phục vụ họ cách hữu hiệu” (Raphaen Brown, Franciscan Mystic, t. 126).



20/11/2020

20 Tháng Mười Một

Thánh Bernward

Thánh Bernward sinh trong một gia đình thuộc sắc tộc Saxon, và được người chú là Ðức Giám Mục Volkmar của Utretch nuôi dưỡng khi ngài mồ côi cha mẹ từ nhỏ.

Ngài theo học trường địa phận ở Heidelburg và ở Mainz, là nơi ngài được thụ phong linh mục năm 987. Sau đó ngài làm tuyên uý cho hoàng tộc và là thầy giáo tư cho các con của hoàng đế Otto III.

Năm 993 ngài được chọn làm giám mục của Hildesheim, và đã xây dựng một tu viện và nhà thờ Thánh Micae ở đây. Ngài đặc biệt yêu chuộng kiến trúc, nghệ thuật và đã hoàn thành một vài tác phẩm đáng kể. Trong nhiều năm, ngài bất đồng ý kiến với Ðức Tổng Giám Mục Willigis của Mainz về các quyền giám mục đối với tu viện Gandersheim, nhưng sau đó Rôma đã tán thành ý kiến của ngài.

Trong những năm cuối đời, ngài là một tu sĩ dòng Biển Ðức và từ trần ngày 20 tháng 11. Ngài được phong thánh năm 1193.



21/11/2020

 21 Tháng Mười Một

Lễ Dâng Ðức Maria Vào Ðền Thánh

Ngày lễ dâng Ðức Maria được cử hành ở Giêrusalem từ thế kỷ thứ sáu, và một nhà thờ được xây cất ở đây để kính nhớ. Giáo Hội Ðông Phương rất tha thiết với ngày lễ này, trong khi Giáo Hội Tây Phương chỉ mừng lễ này vào thế kỷ 11. Sau đó, có quãng thời gian không thấy ngày lễ này trong niên lịch phụng vụ, và mãi cho đến thế kỷ 16, lễ này mới được chính thức đưa vào lịch Giáo Hội.

Như sự sinh hạ của Ðức Maria, chúng ta biết về việc dâng Ðức Maria vào đền thờ cũng qua các văn bản được gọi là ngụy thư. Trong một văn bản không có giá trị lịch sử là Tiền Tin Mừng Giacôbê cho chúng ta biết, khi Ðức Maria lên ba tuổi, Thánh Anna và Thánh Gioankim đã lên Ðền Thánh để dâng người cho Thiên Chúa. Ðiều này được thực hiện là vì một lời hứa với Thiên Chúa của Thánh Anna khi người còn hiếm muộn.

Mặc dù không có giá trị lịch sử, việc dâng Ðức Maria vào đền thánh mang ý nghĩa thần học quan trọng. Ngày lễ này được coi như tiếp nối lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội và lễ sinh nhật của Ðức Maria. Nó nói lên sự thánh thiện được trao ban cho Ðức Maria từ lúc lọt lòng, qua thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.

Lời Bàn

Ðôi khi thật khó để người Tây Phương quý trọng ngày lễ này. Tuy nhiên, Giáo Hội Ðông Phương thật dễ đón nhận ngày lễ này và có lúc còn bó buộc phải cử mừng. Mặc dù ngày lễ không có căn bản lịch sử, nó nói lên một chân lý về Ðức Maria: Ngay từ lúc đầu đời, người đã được dâng hiến cho Thiên Chúa. Chính người trở nên một đền thờ cao trọng hơn bất cứ đền thờ nào khác do tay con người làm ra. Thiên Chúa đã đến ngự trong bản thân người qua một phương cách kỳ diệu, và thánh hóa người vì vai trò độc đáo của người trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Ðồng thời, sự tráng lệ của Ðức Maria lại ảnh hưởng đến con cái của người. Họ cũng là những đền thờ của Thiên Chúa và được thánh hóa để có thể vui hưởng và chia sẻ trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.



22/11/2022

22 Tháng Mười Một

Thánh Cecilia
(Thế kỷ III)

Mặc dù Thánh Cecilia là vị tử đạo thời danh trong Giáo Hội Rôma, những câu chuyện quen thuộc về thánh nữ thì không thấy ghi chép trong văn bản chính thức. Vào thời tiên khởi cũng không thấy dấu vết của sự tôn kính ngài. Chỉ có một mảnh đá thời thế kỷ thứ tư có ghi khắc tên của một nhà thờ mang tên thánh nữ, và ngày lễ kính được cử hành vào khoảng năm 545.

 Theo truyền thuyết, Cecilia là một thiếu nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã tên là Valerian. Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh, các thiên thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài. Và thánh nữ nói với đức lang quân, “Em sẽ tiết lộ cho anh một sự thật, nhưng anh phải hứa đừng nói với ai.” Và khi ông hứa, ngài nói: “Có một thiên thần luôn trông chừng em, và gìn giữ em khỏi bị ai đụng chạm đến.” Ông nói, “Em yêu dấu, nếu đó là sự thật, hãy cho anh thấy vị thiên thần ấy,” và ngài trả lời, “Anh chỉ có thể thấy nếu anh tin vào Thiên Chúa, và được rửa tội.”

Ngài gửi đức lang quân đến gặp Thánh Giáo Hoàng Urbanô để được rửa tội; và khi ông trở về nhà, ông thấy Cecilia đang cầu nguyện trong phòng, và cạnh đó là một thiên thần với đôi cánh rực lửa, tay cầm hai triều thiên bằng hoa hồng và hoa huệ đặt trên đầu của hai người, và biến đi. Sau đó, Tibertius, người em của Valerian, bước vào phòng và ông ngạc nhiên khi ngửi thấy mùi hoa nồng nàn cũng như vẻ mỹ miều của các bông hoa.

Khi ông này được kể cho biết các chi tiết của câu chuyện, ông cũng muốn được rửa tội. Sau đó, cả hai anh em ông tận tụy hy sinh chôn cất các vị tử đạo mà thời ấy xảy ra hàng ngày, dưới quyền tổng trấn Turcius Almachius. [Không có tổng trấn nào mang tên này cả]. Họ bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn, và khi họ từ chối thờ cúng các tà thần họ đã bị chém đầu.

Trong khi đó, Thánh Cecilia, qua lời rao giảng ngài đã đưa bốn trăm người trở lại đạo và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô rửa tội. Sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách trấn nước cho đến chết. Ngài bị dìm trong bồn nước một ngày một đêm, sau đó quan cho nổi lửa đun sôi bồn nước, nhưng thánh nữ không hề hấn gì. Khi tổng trấn Almachius nghe biết điều này, ông sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong bồn nước. Lý hình chém đến ba lần mà đầu thánh nữ vẫn chưa đứt. Hắn để mặc cho máu tuôn đổ. Ðám đông đổ xô đến để thấm máu trong khi ngài vẫn rao giảng cho họ. Ba ngày sau, ngài trút hơi thở cuối cùng, và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô và các phó tế chôn cất.

Vào thời Phục Hưng, người ta thường vẽ ngài với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.

Lời Bàn

Như bất cứ Kitô Hữu tốt lành nào khác, Thánh Cecilia dùng miệng lưỡi để ca ngợi Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Ngài tiêu biểu cho sự tin tưởng của Giáo Hội rằng thánh nhạc là một phần căn bản trong phụng vụ, có giá trị lớn lao hơn bất cứ nghệ thuật nào khác. Trong thời đại hỗn độn của âm nhạc ngày nay, có lẽ chúng ta cần đọc lại những lời của Công Ðồng Vatican II dưới đây.

Lời Trích

“Hành động phụng vụ thêm cao quý khi các nghi thức thánh được âm nhạc trang trọng hóa, với sự phụ giúp của các thừa tác viên chức thánh và sự tham dự của giáo đoàn… Phải luôn luôn khuyến khích các ca đoàn, nhưng các giám mục và cha sở phải để ý rằng, bất cứ lúc nào phụng vụ được cử hành với thánh nhạc, toàn thể giáo đoàn phải có thể góp phần tham dự cách tích cực vì đó là quyền lợi của họ… Bình ca phải có vị trí xứng đáng trong các nghi lễ, so với các loại nhạc khác. Nhưng điều đó không có nghĩa gạt bỏ các loại thánh nhạc khác, nhất là loại đa âm điệu… Thánh ca dành cho giáo dân phải khéo léo chọn lựa, để trong việc phụng tự và nghi lễ, họ có thể cùng góp tiếng hát” (Sắc Lệnh Về Phụng Vụ, 112-118).



23/11/2022

23 Tháng Mười Một

Thánh Giáo Hoàng Clement I
(c. 101)

Ðức Clement của giáo phận Rôma là người thứ ba kế vị Thánh Phêrô, và cai quản Giáo Hội trong thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ nhất. Lịch sử cho chúng ta biết ngài tử đạo năm 101. Tuy nhiên, chi tiết về sự tử đạo của ngài đều là truyền thuyết, được góp nhặt trong khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm. Có lẽ Ðền Thánh Clement ở Rôma, là một trong những giáo đường đầu tiên ở thành phố này, được xây trên khu đất xưa là nơi cư ngụ của Thánh Clement. Thư đầu tiên của Thánh Clement gửi cho giáo đoàn Côrintô được giữ gìn cẩn thận, và bức thư này được phổ biến rộng rãi trong thời tiên khởi. Ðó là lá thư của Giáo Hội Rôma, tác giả là Ðức Clement, gửi cho Giáo Hội ở Côrintô về sự chia rẽ đã làm tách biệt giáo dân với giáo sĩ. Ðức Clement phàn nàn về sự chia rẽ trái phép và vô lý ấy trong Giáo Hội Côrintô, và ngài khuyên hãy đoàn kết lại. Ngài coi lý do của sự tranh chấp ấy là vì “đố kỵ và ganh ghét.”

Lời Bàn

Ðức Clement đã chủ trương dùng đức ái để hàn gắn chia cắt trong Giáo Hội Côrintô, vì “nếu không có đức ái, không có gì làm hài lòng Thiên Chúa.” Sau Công Ðồng Vatican II, toàn thể Giáo Hội cảm nhận được sự tách biệt giữa mới và cũ. Cầu mong sao mọi Kitô Hữu ngày nay hãy nhớ đến sự cổ vũ của Thánh Clement mà thể hiện lời Thánh Phao-lô: “Và trên tất cả những điều ấy hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện” (Colossê 3:14).

Lời Trích

“Ðức ái kết hợp chúng ta với Thiên Chúa& Trong đức ái không có gì là xấu hổ, không có gì là ngạo mạn. Ðức ái không đi với ly giáo, không nổi loạn, nhưng hài hòa mọi sự. Trong đức ái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn sẽ trở nên tuyệt hảo” (Thư Thứ Nhất Gửi Giáo Ðoàn Corinto).



24/11/2022

24 Tháng Mười Một

Thánh Anrê Dũng Lạc và Các Bạn

Thánh Anrê Dũng Lạc là một trong 117 vị tử đạo ở Việt Nam trong những năm từ 1820 đến 1862. Các ngài được phong chân phước làm bốn đợt, từ 1900 đến 1951. Sau cùng, các ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào năm 1988.

Kitô Giáo được người Bồ Ðào Nha đưa vào Việt Nam qua ba triều đại. Vào năm 1615, các linh mục dòng Tên mở khu hội truyền giáo đầu tiên ở Ðà Nẵng. Ở đây các cha coi sóc các người Công Giáo Nhật Bản bị tống ra khỏi nước.

Vua chúa thời ấy cấm các nhà truyền giáo ngoại quốc không được du nhập vào Việt Nam và họ dụ dỗ người Việt chối đạo bằng cách bước qua thập giá. Giống như thời kỳ cấm đạo ở bên Anh, các linh mục ở Việt Nam cũng phải trốn tránh trong nhà của giáo dân.

Có đến ba lần bắt đạo cực kỳ khủng khiếp trong thế kỷ 19. Kể từ năm 1820, trong sáu thập niên, có khoảng 100,000 đến 300,000 người Công Giáo đã bị giết hoặc bi đầy ải. Trong đợt bách hại đầu tiên các nhà truyền giáo ngoại quốc gồm các linh mục của Tu Hội Thừa Sai Ba Lê, cũng như các linh mục Ða Minh người Tây Ban Nha và các người dòng ba.

Vào năm 1847 xảy ra cuộc bách hại lần thứ hai, khi nhà vua nghi ngờ các vị thừa sai và giáo dân Việt Nam đồng loã với lực lượng phản loạn để giết các con trai của vua.

Các vị tử đạo sau cùng là 17 giáo dân, trong đó có một em 9 tuổi, được tử đạo năm 1862. Chính năm đó một hiệp ước được Việt Nam ký kết với Pháp nhằm đảm bảo sự tự do tôn giáo cho người dân, nhưng hiệp ước đó không được tôn trọng.

Vào năm 1954, có khoảng một triệu rưỡi người Công Giáo — khoảng bảy phần trăm dân số — sống ở miền Bắc. Người Phật Giáo chiếm khoảng 60 phần trăm dân số. Vỉ sự tàn ác của chế độ cộng sản, 670,000 người Công Giáo đã từ bỏ đất đai, nhà cửa và tài sản để di cư vào miền Nam. Sau cuộc chiến Việt Nam, vào năm 1975 cộng sản đã làm chủ toàn thể lãnh thổ quốc gia này.

Lời Bàn

Lịch sử tử đạo của dân tộc Việt giúp cho những ai chỉ biết đến Việt Nam qua cuộc chiến giữa tự do và cộng sản thấy rằng, ngay tự xa xưa, thập giá đã là một phần của đời sống người Việt. Trong khi lý do của sự can thiệp hoặc bỏ rơi của Hoa Kỳ vào vấn đề Việt Nam chưa được giải đáp thỏa đáng, thì chính đức tin Kitô Giáo từng ăn sâu vào lòng đất Việt đã chứng tỏ sự can trường hơn bất cứ sức lực nào muốn tiêu diệt đức tin ấy.

Lời Trích

“Giáo Hội Việt Nam thì sống động và đầy sinh lực, với nhiều giám mục trung tín và hăng hái, và nhiều giáo dân tận tụy và can đảm& Giáo Hội Việt Nam đang sống phúc âm trong một hoàn cảnh khó khăn và phức tạp với một sức mạnh đáng kể” (nhận định của ba vị tổng giám mục Hoa Kỳ sau chuyến thăm viếng Việt Nam vào tháng Giêng 1989).



25/11/2022

25 Tháng Mười Một

Thánh Columban
(543? – 615)

Thánh Columban là nhà truyền giáo nổi tiếng người Ái Nhĩ Lan, hoạt động ở Âu Châu. Khi còn là thanh niên, ngài bị đau khổ dữ dội vì sự cám dỗ của xác thịt, ngài phải xin sự cố vấn của một bà đạo đức sống ẩn tu lâu năm. Qua lời khuyên bảo của bà, ngài nhìn thấy ơn gọi của mình. Ðầu tiên ngài là một tu sĩ trên đảo Lough Erne, sau đó ngài theo học tại tu viện Bangor.

Sau nhiều năm sống tách biệt để cầu nguyện, ngài đến xứ Gaul (nước Pháp bây giờ) để truyền giáo cùng với 12 người bạn. Các ngài được dân chúng quý trọng vì sự hăng say rao giảng, làm việc tông đồ, và luôn tuân giữ lời khấn bác ái, trong khi tu sĩ thời ấy thì lười biếng và dân chúng luôn luôn xung đột. Thánh Columban thiết lập vài tu viện ở Âu Châu mà sau này trở thành các trung tâm tôn giáo và văn hóa.

Như mọi vị thánh khác, ngài cũng bị chống đối. Cuối cùng ngài phải cầu khẩn đến đức giáo hoàng để chống với cáo buộc của các giám mục người Pháp, nhằm minh xác điều ngài giảng dạy là chân thật và chấp thuận các tục lệ của Ái Nhĩ Lan. Ngài khiển trách nhà vua về đời sống dâm loạn của ông dù đã thành hôn. Do đó, thánh nhân đã bị trục xuất trở về Ái Nhĩ Lan. Vì bão lớn, tầu của ngài bị mắc cạn, và ngài lại tiếp tục công việc truyền giáo ở Âu Châu, sau cùng ngài đến nước Ý, là nơi ngài được tiếp đón ân cần bởi ông vua của người Lombard. Trong những năm cuối đời, ngài thiết lập một tu viện nổi tiếng ở Bobbio, và cũng là nơi ngài từ trần. Các văn tự ngài để lại gồm một luận án về sự ăn năn sám hối và các văn bản chống với bè rối Arian, các bài giảng, thi ca và quy luật tu viện.

Lời Bàn

Sự phóng túng tình dục ngày nay đã đến mức quá độ, chúng ta cần nhớ đến gương mẫu sống động của những thanh niên sống khiết tịnh như Thánh Columban. Và cuộc sống an nhàn của thế giới Tây Phương ngày nay trái ngược với hình ảnh bi thảm của hàng triệu người đang chết đói, chúng ta phải chịu khó sống khắc khổ và có kỷ luật như các tu sĩ Ái Nhĩ Lan. Chúng ta cho rằng, họ quá nghiêm khắc, họ đi quá xa. Nhưng chúng ta sẽ đi được tới đâu?

Lời Trích

Trong thư gửi cho đức giáo hoàng nói về sự tương tranh ở Lombardy, Thánh Columban viết: “Chúng con là người Ái Nhĩ Lan, sống ở bên kia quả địa cầu, là những người theo Thánh Phêrô và Phao-lô và các môn đệ đã viết ra những quy tắc thiêng liêng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng con không chấp nhận những gì khác hơn là giáo huấn và truyền thống tông đồ này… Con thú nhận là con rất đau lòng vì điều tiếng xấu về ngai tòa Thánh Phêrô ở quốc gia này… Mặc dù Rôma thật xa cách, nhưng chúng con rất tôn trọng chỉ vì ngai tòa này… Xin Ðức Thánh Cha hãy để ý đến sự bình an của Giáo Hội, xin ngài đứng giữa đàn chiên và bầy sói.”



26/11/2022

26 Tháng Mười Một

Thánh Leonard ở Cảng Maurice
(1676-1751)

Thánh Leonard, người được Thánh Alphonsus Liguori gọi là “nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 18”, cũng là một tu sĩ Phanxicô cố gắng đến truyền giáo ở Trung Cộng nhưng thất bại, và ngài đã thành công lớn trong một số công việc khác. Cha của Leonard là một thuyền trưởng mà gia đình sinh sống ở cảng Maurice nằm về phía đông bắc của bờ biển nước Ý. Vào lúc 13 tuổi, Leonard đến Rôma sống với người chú là Agostino và học tại trường Roman College. Leonard là một sinh viên giỏi mà cha mẹ muốn ngài theo đuổi ngành y khoa. Tuy nhiên, vào năm 1697, ngài gia nhập dòng Phanxicô, trái với sự chống đối quyết liệt của người chú. Sau khi thụ phong linh mục, Leonard bị mắc bệnh lao và được gửi về nhà để tĩnh dưỡng hoặc chờ chết. Ngài hứa rằng nếu được khỏi bệnh ngài sẽ tận hiến cho việc truyền giáo và hoán cải kẻ tội lỗi. Không bao lâu, ngài được lành bệnh và bắt đầu quãng đời 40 năm tận tụy rao giảng trong các cuộc tĩnh tâm, trong mùa Chay và trong các cuộc canh tân giáo xứ (tuần đại phúc) trên toàn nước Ý. Cuộc tĩnh tâm thường kéo dài từ 15 đến 18 ngày và ngài thường ở lại thêm một tuần nữa để giải tội. Sau những lần tổ chức tĩnh tâm, để duy trì lòng đạo đức sốt sắng của giáo dân, Cha Leonard thường cổ võ việc Ngắm Ðàng Thánh Giá, mà thời ấy rất ít người tham dự. Ngài cũng thường rao giảng về Thánh Danh Giêsu. Cha Leonard được phong thánh vào năm 1867; vào năm 1923, ngài được đặt làm quan thầy cho những ai chuyên đi giảng về tuần đại phúc.

Lời Bàn

Sự thành công của một người đến rao giảng trong buổi tĩnh tâm thì tùy thuộc vào lòng nhiệt thành của họ có bền bỉ với thời gian hay không. Ðiều khác biệt là sự hoán cải của người tham dự. Ðối với Thánh Leonard, việc Ngắm Ðàng Thánh Giá và xưng tội thường xuyên sẽ giúp giáo dân giữ được lòng đạo đức mà ngài đã khơi dậy qua lời rao giảng. Lần sau cùng bạn Ngắm Ðàng Thánh Giá là khi nào?

Lời Trích

Có lần Thánh Leonard nói, “Nếu vào lúc tôi chết, Thiên Chúa khiển trách tôi vì quá nhân từ với kẻ tội lỗi, tôi sẽ thưa, ‘Lạy Chúa Giêsu, nếu nhân từ với kẻ tội lỗi là một sai lầm thì đó là sự sai lầm con học được từ Ngài, vì Chúa không bao giờ khiển trách bất cứ ai đến với Ngài để xin được thương xót” (Trích trong cuốn Thánh Leonard ở Cảng Maurice, t. 9, của Leonard Foley, O.F.M.).



27/11/2022

27 Tháng Mười Một

Thánh Francesco Antonio Fasani
(1681-1742)

Sinh ở Lucera (miền nam nước Ý), Francesco gia nhập dòng Phanxicô năm 1695. Mười năm sau khi được chịu chức linh mục, ngài dạy triết cho các đệ tử, làm quản lý nhà dòng và sau đó làm bề trên. Khi nhiệm kỳ chấm dứt, ngài làm giám đốc đệ tử viện và sau cùng trông coi một giáo xứ trong vùng.

 Trong các công việc, ngài là một người nhân từ, đạo đức và hãm mình. Ngài được người ta tìm đến để xưng tội và nghe giảng. Một trong những nhân chứng cho việc phong thánh của ngài xác nhận, “Trong bài giảng, ngài nói một cách bình thường, nhưng tâm hồn tràn ngập tình yêu Thiên Chúa và tha nhân; như được Chúa Thánh Thần nung đốt, ngài đưa ra các lời lẽ cũng như hành động trong Phúc Âm, khích động người nghe và thúc giục họ ăn năn sám hối.” Thánh Francesco còn là người bạn tốt của người nghèo, ngài không bao giờ do dự tìm đến các ân nhân một khi có nhu cầu cho người nghèo.

Khi ngài từ trần ở Lucera, các trẻ em chạy khắp đường phố và la lớn, “Ông thánh chết rồi! Ông thánh chết rồi!”

Francesco được phong thánh năm 1986.

Lời Bàn

Cuộc đời mỗi người là tùy thuộc chúng ta lựa chọn. Nếu chúng ta keo kiệt, chúng ta sẽ trở nên người bủn xỉn. Nếu chúng ta sống yêu thương, chúng ta sẽ trở nên người nhân hậu. Sự thánh thiện của Thánh Francesco Antonio Fasani là kết quả của những lựa chọn nhỏ bé để cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa.

Lời Trích

Trong bài giảng nhân dịp phong thánh cho Thánh Francesco, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II chia sẻ về đoạn phúc âm Gioan 21:15, trong đó Ðức Giêsu hỏi Thánh Phêrô có yêu Ngài hơn các tông đồ khác không, và sau đó Chúa nói với Thánh Phêrô, “Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy.” Ðức giáo hoàng nhận xét yếu tố quyết định sự thánh thiện của một người là tình yêu. “Thánh nhân là người đã biến tình yêu được Ðức Kitô dạy bảo trở thành đức tính căn bản của đời sống, là tiêu chuẩn cho sự suy nghĩ và hoạt động, là đích tối cao cho những khát vọng của ngài” (Trích trong tờ L’Observatore Romano, tập 16, số 3, 1986).



28/11/2022

28 Tháng Mười Một

Thánh James ở Marche
(1394-1476)

Thánh James sinh ở Marche thuộc tỉnh Ancona miền trung nước Ý, dọc theo bờ biển Adriatic. Sau khi lấy tiến sĩ giáo luật và dân luật tại Ðại Học Perugia, ngài gia nhập dòng Phanxicô và bắt đầu một cuộc sống thật khắc khổ. Ngài ăn chay chín tháng trong một năm, và mỗi đêm chỉ ngủ có ba tiếng. Ngài hãm mình đến độ Thánh Bernardine ở Siena phải bảo ngài giảm bớt lại.

Thánh James học thần học với Thánh John ở Capistrano. Ðược thụ phong linh mục năm 1420, Thánh James bắt đầu cuộc đời rao giảng và bởi đó ngài đã đi khắp nước Ý cũng như đến 13 quốc gia thuộc Trung và Ðông Âu Châu. Sự hăng say của ngài đã giúp nhiều người trở lại đạo (người ta ước lượng khoảng 250,000 người), và giúp lan tràn việc sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Bài giảng của ngài thúc giục giáo dân cải thiện đời sống, và nhiều thanh niên gia nhập dòng Phanxicô vì sự ảnh hưởng của ngài.

Cùng với Thánh John ở Capistrano, Thánh Albert ở Sarteano và Thánh Bernardine ở Siena, Thánh James được coi là một trong “bốn cột trụ” của phong trào Nghiêm Thủ (Observant) của dòng Phanxicô. Các ngài nổi tiếng vì sự rao giảng.

Ðể chống với tệ nạn xã hội về số phân lời quá cao, Thánh James thiết lập một tổ chức gọi là “montes pietatis” (núi bác ái) — đó là một tổ chức bất vụ lợi để cầm đồ với lãi suất thật thấp. Dĩ nhiên, các tay cầm đồ ác đức không hài lòng với tổ chức này, nên đã hai lần họ thuê người đến giết ngài, nhưng cứ mỗi lần đối diện với ngài là các hung thủ đều quên hết dự tính ở trong đầu.

Ngài từ trần ở Naples ngày 28-11-1476 và được phong thánh năm 1726.

Lời Bàn

Thánh James muốn lời Chúa ăn sâu trong tâm hồn của người nghe. Lời giảng của ngài là để chuẩn bị mảnh đất tâm hồn, bằng cách lấy đi những sỏi đá và lầm mềm lòng những cuộc đời đã khô cằn vì tội lỗi. Chúa muốn lời của Người bén rễ trong đời sống chúng ta, nhưng để được như thế, không những chúng ta cần người rao giảng đầy sùng tín, nhưng chính chúng ta cũng phải tích cực lắng nghe.

Lời Trích

“Lời Chúa thật thánh thiện và đáng yêu quý dường nào! Chỉ có lời Chúa mới soi tỏ mọi tâm hồn tín hữu, làm thoả mãn người đói khát, an ủi kẻ đau khổ; lời Chúa giúp linh hồn tạo được công nghiệp và giúp mọi nhân đức phát triển; lời Chúa gìn giữ linh hồn khỏi nanh vuốt ma quỷ, giúp người độc ác nên thánh thiện, và mọi người trên mặt đất trở thành công dân nước trời” (Trích Bài giảng của Thánh James).



29/11/2022

29 Tháng Mười Một

Thánh Gioan ở Monte Corvino
(1247-1328)

Vào lúc Giáo Hội dính líu vào những cuộc xung đột giữa các quốc gia ở Âu Châu, thì đó cũng là lúc Giáo Hội đến với Á Châu để loan truyền Tin Mừng của Ðức Kitô cho người Mông Cổ. Thánh Gioan ở Monte Corvino đến Trung Cộng vào khoảng thời gian khi Marco Polo chuẩn bị rời khỏi đây.

Trước khi là một tu sĩ, Thánh Gioan đã từng là một quân nhân, một quan tòa và một bác sĩ. Vào năm 1278, trước khi đến Tabriz, Persio (ngày nay là Iran), ngài đã nổi tiếng về rao giảng và giáo dục. Năm 1291, ngài là đại diện cho Ðức Giáo Hoàng Nicholas IV để đến Mông Cổ bệ kiến vua Kublai Khan. Trong chuyến đi ấy, cùng đi với ngài còn có một thương gia người Ý và một linh mục Ðaminh. Khi phái đoàn đến được phía tây Ấn Ðộ thì vị linh mục Ða Minh từ trần. Còn lại Cha Gioan và người thương gia Ý, họ đến Trung Cộng vào năm 1291 thì vừa lúc ấy Kublai Khan từ trần.

Các Kitô Hữu theo phái Nestoria, là con cháu của những người bất đồng quan điểm với Công Ðồng Ephêsô, đã từng cư ngụ ở Trung Cộng từ thế kỷ thứ bảy. Cha Gioan đã giúp họ trở lại với Giáo Hội, cũng như giúp một số người Trung Hoa ở đây đón nhận đức tin Kitô Giáo, kể cả Thái Tử George của tỉnh Tenduk, nằm về phía tây bắc của Bắc Kinh. Sau này, Thái Tử George đặt tên cho con trai của ông theo tên vị linh mục thánh thiện này.

Cha Gioan thành lập trụ sở truyền giáo ở Khanbalik (bây giờ là Bắc Kinh), là nơi ngài xây cất hai nhà thờ; đó là những nhà thờ truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Cộng. Vào năm 1304, ngài chuyển dịch Thánh Vịnh và Kinh Thánh Tân Ước sang tiếng Tatar.

Ðể đáp ứng với thỉnh cầu của Cha Gioan, vào năm 1307, Ðức Giáo Hoàng Clement V đã đặt ngài làm Tổng Giám Mục của Khanbalik, và bài sai bảy giám mục Âu Châu đến trông coi các giáo phận lân cận. Một trong bảy vị này chưa bao giờ rời khỏi Âu Châu. Ba vị khác từ trần trên đường đến Trung Cộng; ba vị giám mục còn lại và các tu sĩ khác đến Trung Cộng vào năm 1308.

Khi Cha Gioan từ trần năm 1328, ngài được người Kitô Hữu cũng như người không có đạo vô cùng thương tiếc. Sau đó không lâu, ngôi mộ của ngài trở thành nơi hành hương. Vào năm 1368, Kitô Giáo bị cấm ở Trung Cộng khi người Mông Cổ bị trục xuất và triều đại nhà Minh bắt đầu.

Lời Bàn

Khi Thánh Gioan đến Trung Cộng, ngài tượng trưng cho niềm khao khát của Giáo Hội muốn loan truyền Tin Mừng đến một nền văn hóa mới và sẽ được phong phú bởi nền văn hóa ấy. Các chuyến tông du của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II cho thấy tính cách hoàn vũ của Tin Mừng, và nhu cầu cần phải tiếp tục các công cuộc đầy thử thách để Tin Mừng bén rễ vào các nền văn hóa khác biệt.

Lời Trích

Năm 1975, Ðức Giáo Hoàng Phao-lô VI viết, “Qua sức mạnh thần thánh của Tin Mừng mà Giáo Hội rao giảng, hoạt động truyền giáo là để tìm cách thay đổi lương tâm con người về phương diện cá nhân cũng như tập thể, thay đổi các sinh hoạt họ tham dự, và đời sống cũng như môi trường cụ thể của họ” (Truyền Giáo trong Thế Giới Ngày Nay, #18)



30/11/2022

30 Tháng Mười Một

Thánh Anrê

Thánh Anrê là anh của Thánh Phêrô, và cả hai được Chúa Giêsu gọi cùng một lúc. “Khi Ðức Giêsu đi trên bờ biển Galilee, Người trông thấy hai anh em, ông Simon mà bây giờ gọi là Phêrô, và anh của ông là Anrê, đang quăng lưới xuống biển; họ là các ngư dân. Người nói với họ, ‘Hãy đến theo tôi, và tôi sẽ làm cho các anh trở thành kẻ lưới người.’ Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt 4:18-20).

 Thánh Sử Gioan mô tả Thánh Anrê như một môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả. Một ngày kia, khi Ðức Giêsu đi ngang qua, Gioan Tẩy Giả nói, “Ðây là Chiên Thiên Chúa.” Anrê và các môn đệ khác đi theo Ðức Giêsu. “Ðức Giêsu quay lại và thấy họ đi theo mình, Người hỏi, ‘Các anh muốn tìm gì?’ Họ trả lời, ‘Thưa Thầy, Thầy ở đâu?’ Ngài nói, ‘Hãy đến, và các anh sẽ thấy.’ Bởi đó họ đi theo và đã thấy nơi Người cư ngụ, và họ ở với Người cả ngày hôm ấy” (Gioan 1:38-39a).

Trong Phúc Âm không nói nhiều về Thánh Anrê. Trong phép lạ bánh hoá nhiều, chính Anrê là người cho biết về đứa bé trai có một ít bánh và cá (x. Gioan 6:8-9). Khi dân ngoại muốn đến gặp Ðức Giêsu, họ đến với ông Philíp trước, nhưng ông Philíp lại bàn hỏi với ông Anrê (x. Gioan 12:20-22).

Truyền thuyết nói rằng chính Thánh Anrê đã rao giảng Tin Mừng ở những nơi mà bây giờ là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, và bị chết trên thập giá ở Patras.

Lời Bàn

Cũng như các thánh tông đồ khác, ngoại trừ Thánh Phêrô và Gioan, Phúc Âm không cho chúng ta biết gì nhiều về sự thánh thiện của Thánh Anrê. Ngài là tông đồ. Như vậy là đủ. Ngài được đích thân Ðức Giêsu mời gọi để loan truyền Tin Mừng, để chữa lành nhờ quyền năng của Ðức Giêsu cũng như để chia sẻ sự sống và sự chết của Người. Ngày nay, sự thánh thiện cũng không có gì khác biệt. Ðó là một món quà bao gồm lời mời gọi hãy lưu tâm đến Nước Trời, và một thái độ dấn thân với lòng ao ước không muốn gì khác hơn là chia sẻ sự giầu có của Ðức Kitô cho tất cả mọi người.

Lời Trích

“Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: ‘Thật không đúng nếu chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa để lo việc ăn uống. Vậy, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người tốt lành, đầy Thần Khí và khôn ngoan, để chúng tôi cắt đặt họ làm công việc đó, còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa.” (CVTÐ 6:2-4).

Trích từ Người Tín Hữu.com

Chúa Nhật XXXI TN-Năm C

Lời Chúa

30/10/2022
Chúa Nhật Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm C

 

BÀI ĐỌC I: Kn 11, 23 – 12, 2 (Hl 11, 22 – 12, 1)

“Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, cả vũ trụ ví như hạt gạo trên đĩa cân, và như hạt sương sa trên mặt đất trước lúc rạng đông. Nhưng Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.

Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được? Hoặc vật gì Chúa không kêu gọi, thì làm sao nó duy trì được? Nhưng Chúa dung thứ hết mọi loài: vì chúng thuộc về Chúa. Lạy Chúa, Chúa yêu thương các linh hồn.

Ôi lạy Chúa, thần trí của Chúa tốt lành và hiền hậu đối với mọi loài là dường nào! Vì thế, lạy Chúa, Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.       

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Đáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (x. c. 1).

Xướng:

1) Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. – Đáp.

2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. – Đáp.

3) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.- Đáp.

4) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Tx 1, 11 – 2, 2

“Danh Chúa được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em: Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

Anh em thân mến, nhân về ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và về sự chúng ta tập họp bên cạnh Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội để mình bị giao động tinh thần, và đừng hoảng sợ bởi có ai nói tiên tri, hoặc bởi lời rao giảng hay bởi thư từ nào được coi như do chúng tôi gởi đến, mà nói như thể ngày Chúa gần đến.      

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 19, 1-10

“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”.

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.        

Đó là lời Chúa.



TNTT Thăng Cấp Huynh Truởng và Ra Mắt Ban Điều Hành

We’re so blessed to have many reasons to celebrate this weekend! Please join us in congratulating the following Huynh Trưởng for their promotion, as well as our new Executive Cabinet for the 2022-2024 term!
Cấp I
Tr. Tracy V
Tr. Rachel A
Tr. Kim H
Tr. Annie N
Tr. Ngoc L
Tr. Tina L
Tr. Colin V
Tr. Johnny T
Tr. Timothy P
Tr. Tú V
Cấp II Hiệp Sĩ
Tr. Daphne Đ
Tr. Paul L
Tr. Christopher L
Cấp III
Tr. Dennis V
Ban Chấp Hành 2022-2024
Đoàn Trưởng: Tr. Christopher L
Đoàn Phó Quản Trị: Tr. MeAnn N
Đoàn Phó Nghiên Huấn: Tr. Catherine V
Thư Ký: Tr. Annie N
Thủ Quỹ: Tr. Anges V
Ngành Trưởng Ấu Nhi: Tr. Tina L
Ngành Trưởng Thiếu Nhi: Tr. Eric T
Ngành Trưởng Nghĩa Sĩ: Tr. Donna P
Ngành Trưởng Hiệp Sĩ: Tr. Daphne Đ
Trưởng Ban Trợ Tá: TT. Triều P
A huge round of applause to everyone for your dedication to ĐMMT, TNTT, and our faith as we continue to #levelup!
@Facebook TNTT Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Chúa Nhật XXX TN-Năm C

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Chủ tế :  Anh chị em thân mến, trước mặt Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện, tất cả chúng ta là những tội nhân. Vì thế chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn tội lỗi của mình để xin ơn tha thứ nơi lòng thương xót của Chúa. Cậy trông vào lòng từ bi của Chúa, chúng ta dâng lời nguyện xin.

 

  1. Xin Chúa gìn giữ Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị Chủ Chăn trong Hội Thánh, để nhờ ơn Chúa Thánh Thần phù trợ, giúp các Ngài tìm ra các phương pháp thích hợp để hương dẫn đoàn chiên sống tinh thần khiêm nhu đầy tình yêu thương, hầu được Chúa xót thương.

……Chúng ta cầu xin Chúa

  1. 2. Xin cho những người gặp đau khổ vì mất con, hoặc nhửng người đang hoang mang bối rối lo âu vì phá thai, có thể tìm thấy nơi Giáo Hội là nguồn an ủi, ơn chữa lành, sự bình an và niềm hy vọng.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin cho những ai đang sống trong những ngày cuối nơi trần thế; cảm nhận được ơn an ủi nhờ hy vọng chắc chắn vào triều thiên công chính đang chờ đợi tất cả những ai đã giữ vững đức tin, và trung thành theo Chúa đến trọn đời.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin Chúa thánh hóa, hướng dẫn và ban nhiều ơn lành trên Ban chấp hành đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể vá các Huynh Trưởng được thăng cấp hôm nay. Xin ban ơn khôn ngoan, lòng tôn thờ yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, và tinh thần hăng say dấn thân phục vụ, để mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng tốt đẹp cho Đoàn.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Chúng ta cầu nguyện theo những ý lễ cộng đoàn xin hôm nay: lễ tạ ơn, bình an, chữa lành, như ý, và các linh hồn được xin cầu nguyện hôm nay.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

Chủ Tế:  Lạy Chúa, Chúa lắng nghe và nhận lời những ai khiêm tốn khẩn cầu. Xin Chúa thương xót tha thứ những tội lỗi yếu hèn của chúng con, và đoái thương nhận lời chúng con kêu cầu. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.  .