Chúa Nhật I MV- Năm A

Chủ Tế: Giáo hội là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời nguyện xin hôm nay:

 

  1. Chúng ta cầu xin Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị Chủ Chăn trong Hội Thánh và mọi thành phần dân Chúa luôn biết sống là chứng nhân của tin mừng nước Trời và làm cho ngiều người nhận biết Chúa.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Hôm nay mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa cho hạt giống đức tin mà các Cha Ông chúng con đã lấy chính mạng sống mình mà gieo trồng được sinh nhiều hoa trái tốt đẹp trong đời sống con dân Việt Nam.

 ……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng con biết hướng lòng về ngày Chúa quang lâm bằng đời sống thánh thiện, tránh xa những cám dỗ tội lỗi. Canh tân đời sống theo tinh thần phúc âm để làm cho nhiều người tin nhận Chúa là Thiên Chúa cứu độ

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Chúng ta cầu nguyện theo những ý lễ cộng đoàn xin hôm nay: lễ tạ ơn, bình an, chữa lành, như ý, và các linh hồn được xin cầu nguyện hôm nay.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

Chủ Tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, cảm tạ Chúa đã đến trần gian để ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin nâng đỡ chúng con trong mọi hoàn cảnh của chúng con có lòng cậy trông hy vọng vào sự quang lâm của Ngài trong ngày sau hết. Chúng con cầu xin Đức Kitô là Chúa chúng con.

Chúa Nhật I MV-Năm A

Lời Chúa

27/11/2022
Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng Năm A

BÀI ĐỌC I: Is 2, 1-5

“Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Điềm Isaia con trai của Amos đã thấy về Giuđa và Giêru-salem. Điềm sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, là núi của nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, và các dân nước sẽ đổ về đó.

Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: “Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà †Thiên Chúa‡ của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người”; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem.

Người sẽ xét xử các dân ngoại và khiển trách nhiều dân tộc. Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa. Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa.    

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5. 6-7. 8-9

Đáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c. 1).

Xướng:

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. – Đáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. – Đáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít. – Đáp.

4) Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn. – Đáp.

5) Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 13, 11-14

“Phần rỗi chúng ta gần đến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy. Vì giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt.    

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Tv 84, 8

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 24, 37-44

“Hãy tỉnh thức để sẵn sàng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.

“Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.

Đó là lời Chúa.



Suy Niệm Lời Chúa

27/11/2022

CHÚA NHẬT TUẦN 1 MV – A
Mt 24,37-44

CANH THỨC ĐỂ SẴN SÀNG

Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến.(Mt 24,42)

Suy niệm: Mùa Vọng như đặt chúng ta đứng trên chòi canh cuộc đời, nhìn lên khoảng không gian vô tận của bầu trời, nhận ra sự mênh mông của biển cả, sự vô thường của cuộc sống. Trong sự to lớn này, mỗi người tựa như hạt cát trên bãi biển, nếu không muốn nói là hư vô. Nhưng đối với Chúa, mỗi chúng ta là một nhân vị cao quý, được dựng nên theo hình ảnh Chúa, có giá trị vô song trước mặt Ngài, với một định mệnh cao cả, chứ không phải nơi trần thế này. Chúa không ngừng nhắc ta ngày Ngài đến đem ta vào cõi mênh mông đời đời: Đó là Nước Trời. Muốn vào được Nước đó, phải nỗ lực chiến đấu (x. Lc 13,24), dùng của cải đời này để mua (x. Lc 16,8), vác thập giá mỗi ngày (x. Lc 9,23)…

Mời Bạn: Thái độ thường xuyên phải có để vào Nước Trời ấy là tỉnh thức. Tỉnh thức là không mê ngủ, không bị cuốn hút do của cải, tiện nghi vật chất, mãi mê với đời sống tại thế. Tỉnh thức là biết nhận ra Đấng đang đến là ai để đón Ngài vào cuộc đời, làm chủ quả tim mình. Tỉnh thức là kiên trì làm việc lành phúc đức, chiến đấu chống lại bản năng xác thịt, các khuynh hướng xấu. Xem ra bạn có nhiều việc phải làm để có thể tỉnh thức, không phải ngày một ngày hai, mà là mọi ngày.

Sống Lời Chúa: “Hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Thư gởi tín hữu Rôma, bài đọc II Thánh lễ hôm nay).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tỉnh thức để khỏi sa chước cám dỗ, tỉnh thức để nhận ra Chúa hiện diện với con trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.

 

Dự Tòng Dấn Bước đầu tiên trong Nghi Thức Tiếp Nhận

Nghi Thức Tiếp Nhận để đón các Anh Chị Em thỉnh nhân chính thức vào cộng đoàn ngày hôm nay.  Và Anh Chị Em này sẽ từ nay chính thức tiếp tục hành trình Đức Tin và tìm hiều Đạo Công Giáo qua Chương trình Giáo Lý Người Lớn  (OCIA– Order of Catholic Initiation for Adults)
Năm nay có 3 Anh Chị Em sẽ được Thánh Tầy và thêm 1 một nguời sẽ ghi danh học sau thời điểm của nghi thức này.
Xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho tất cả Anh Chi Em này.
 ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
GREETINGS from the Church Council President
Lời mến chào từ Chủ Tịch Cộng Đoàn của giáo xứ.
Cộng đoàn dân Chúa ĐMMT chào đón các anh chị Ứng viên Dự tòng.  Hôm nay là ngày đầu của quý anh chị trên hành trình đời sống đức tin Công Giáo. Bởi ơn Chúa Thánh Thần,  quý anh chị được mời gọi đến đây.  Quý anh chị sẽ học hỏi giáo lý, kết thúc chuơng trình giáo lý tân tòng và sẽ được rửa tội vào dịp Đại Lễ Phục Sinh 2023.
Cộng đoàn sẽ cầu nguyện để quý anh chị vững mạnh trong đức tin. Xin Chúa chúc lành quý anh chị.
We, the church community welcome You to this church on your first day of stepping forward on the journey of Catholic faith.  Empowered by the Holy Sprit, you are called to be here, to be blessed and to learn Catholic catechism. When you finish your study, you will be baptized on the Easter 2023.  Our community will pray for you to strengthen your faith.
God bless you.

CỘNG ĐOÀN CHÀO ĐÓN CÁC DỰ TÒNG BUỚC VÀO NHÀ THỜ  
SOEUR GIÁM ĐỐC CT GIÁO LÝ MỜI GỌI THỈNH NHÂN
và NGHI THỨC GHI NHẬN DẦU ẤN THÁNH GIÁ TRÊN NGUỜI

Đoàn Liên Minh Thánh Tâm mừng Lễ Quan Thầy Chúa KI TÔ VUA

Đoàn Liên Minh Thánh Tâm tại cộng đoàn mừng lễ Chúa Kitô Vua 2022 Bổn Mạng của Đoàn.

Giáo Hội kết thúc năm phụng vụ với Chúa Nhật 34 mùa thường niên mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ.  Cùng với Giáo xứ Đoàn Liên Minh Thánh Tâm mừng kính trọng thể lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ cũng là Bổn Mạng của Đoàn.

 

Gần đến giờ Thánh Lễ, toàn thể anh em Đoàn Viên Liên Minh ThánhTâm chỉnh tề đứng vào vị trí dưới ngọn cờ Đoàn để sẵn sàng tham gia đoàn rước.  Đoàn Liên Minh Thánh Tâm cùng với nghi đoàn và quý linh mục cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung thánh theo tiếng hát của Ca Đoàn.

 

Đoàn LMTT Anaheim cũng sẽ tham dự cuộc rước kiệu, làm trật tự và xin tiền trong buổi lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại nhà thờ chính toà Chúa Ki Tô ngày Thứ Bảy 26 / 11 / 2022.

 

Xin tất cả quý Đoàn Viên mặc đồng phục, tập trung tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang lúc 08 giờ AM để chuẩn bị cho buổi lễ và nhận công tác nếu có.

 

Chúa Nhật XXXIV TN-Năm C

      Lời Nguyện Giáo Dân

Chủ Tế:  Anh chị em thân mến, hôm nay cùng toàn thể Hội Thánh tuyên xưng Chúa Kitô là Vua vũ trụ,  Vua của tình yêu và lòng từ bi nhân ái, Vua của hòa bình. Chúng ta cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được sống trong Vương quốc của Chúa, và thành tâm dâng lời nguyện xin.

  1. Chúng ta cầu xin Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxico và các vị Chủ Chăn trong Hội Thánh, luôn tận tình chăm sóc đoàn chiên Chúa đã trao phó, bằng đời sống nhiệt thành hiến thân phục vụ dân Chúa trong khiêm nhường và yêu thương.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Hôm nay Đoàn Liên Minh Thánh Tâm mừng lễ Quan Thầy. Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu là Vua, thánh hóa và hướng dẫn các anh em trong đoàn, luôn noi gương Vua Giêsu nhân lành, được trở nên những gia trưởng gương mẫu thánh thiện, đồng thời cũng là những tông đồ nhiệt thành tôn thờ phục vụ Thánh Tâm Chúa và Giáo Hội.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin cho những anh chị em đang trong tiến trình tìm hiểu Đạo Thánh Chúa – Cách riêng anh chị em đang trong tiến trình gia nhập đạo trong cộng đoàn – được lòng mến mộ và chuyên cần học hỏi về Đạo Thánh Chúa, để đượcc trở thành con cái Chúa.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin cho đời sống làm chứng nhân cho Chúa Kitô là Vua của mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng con, được thắp lên ánh sáng của lòng bác ái yêu thương, của bao dung tha thứ và cảm thông, để xây dựng Vương Quyền Chúa Kitô giữa trần gian.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Chúng ta cầu nguyện theo những ý lễ cộng đoàn xin hôm nay: lễ tạ ơn, bình an, chữa lành, như ý, và các linh hồn được xin cầu nguyện hôm nay.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

Chủ Tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua, Chúa đã chinh phục nhân loại bằng tình yêu vô biên của Chúa trên Thập Giá. Xin giúp chúng con khi tôn vinh Vương Quyền của Chúa, thì cũng biết sống yêu thương bác ái với mọi người, và làm cho nhiều người biết quy phục Vương Quyền của Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chúa Nhật XXXIV TN-Năm C

Lời Chúa

20/11/2022
Chúa Nhật Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm C
CHÚA KITÔ VUA

 

BÀI ĐỌC I: 2 Sm 5, 1-3

“Họ xức dầu phong Đavít làm vua Israel”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Đavít tại Hebron mà nói rằng: “Đây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel'”.

Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Đavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Đavít làm vua Israel.     

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Đáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c. 1).

Xướng:

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. – Đáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. – Đáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Cl 1, 12-20

“Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.

Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.

Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.         

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Đavid tổ phụ chúng ta đã đến. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 23, 35-43

“Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN DO THÁI”.

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Đối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Đó là lời Chúa.



Suy Niệm Lời Chúa

20/11/2022

CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – C
CHÚA KI-TÔ, VUA VŨ TRỤ
Lc 23,35-43

CÓ TRỜI MỚI BIẾT

“Ông Giê-su ơi ! Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,35-43)

Suy niệm: Một tử tội sắp chết lại hứa hạnh phúc thiên đường cho một tử tội khác ngay trên thập giá là một chuyện vừa mỉa mai vừa kỳ lạ đến mức phi lý. Mỉa mai vì không hợp tình hợp cảnh: động cơ nào khiến tên tử tội kia lại xin một ơn huệ tréo ngoe đến buồn cười: “Khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”; và cũng kỳ lạ nữa vì chỉ “có trời mới biết” Đức Giê-su là ai mà dám tuyên bố điều đó. Thế nhưng ngày nay ai cũng biết “anh trộm lành” này đã “ăn trộm” được thiên đàng trước cả chúng ta, vì lời cầu xin của anh bao hàm một niềm tin mạnh mẽ: Đức Giê-su chính là Đấng Cứu Thế.

Mời Bạn: Danh xưng “Vua” ngày nay có thể gợi lại cho chúng ta hình ảnh đáng buồn của một chế độ phong kiến đã lỗi thời. Nhưng ý nghĩa cốt lõi của từ này vẫn diễn tả mối tương quan cơ bản của muôn loài đối với Thiên Chúa: Đấng cầm quyền sinh tử mọi loài Người đã dựng nên. Thế mới thấm thía lời kinh đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa: “Xin hãy làm vua cai trị hết mọi người…”

Chia sẻ: Đức Giê-su có phải là Vua của lòng bạn? Bạn có đặt vận mạng của bạn trong tay Ngài không? Nếu không thì đó là ai, là cái gì? Tiền bạc? Danh vọng? Lạc thú? Hay một thứ ô dù nào đó?

Sống Lời Chúa: Nếu đã tin nhận Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống thì việc thần phục Ngài là Vua của bạn là một hệ luận tất yếu. Hãy thờ phượng Ngài bằng cả đời sống bạn.

Cầu nguyện: Lạy Trái Tim Chúa Giê-su là Vua cai trị mọi loài. Xin Trái Tim Chúa làm vua cai trị lòng con suốt đời.

Chúa Nhật XXXIII TN-Năm C

Chủ Tế:  Anh chị em thân mến, kiên nhẫn chịu đựng giữa những gian nan thử thách trong tinh thần tin tưởng, phó thác vào Chúa quan phòng, là những việc mà mỗi Kitô Hữu phải ghi nhớ và thực hiện trong đời sống hằng ngày. Luôn vững tin vào Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

 

  1. Xin Chúa thánh hóa và gìn giữ Đức Thánh Cha Phanxico, các Giám Mục, Linh Mục, luôn trung kiên phó thác cậy trông vào Chúa, để giữa những khó khăn thử thách khi thi hành sứ vụ, các Ngài luôn kiên nhẫn chịu đựng vì phần rỗi các linh hồn.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin cho những anh chị em đang trong tiến trình tìm hiểu và đón nhận Tin Mừng Nước Trời – đặc biệt cho anh chị em đang tham dự tiến trình nhập đạo trong cộng đoàn – được lòng mến mộ và chuyên cần học hỏi về Đạo Thánh Chúa , và được trở thành con cái Chúa.

……...Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng con luôn trung thành với đức tin mà Chúa đã thương ban, để giữa những gian nan thử thách trong dời sống thường ngày, chúng con biết phó thác vững tin vào Chúa là Cha từ bi nhân hậu hằng cứu giúp chúng con.

……Chúng ta cầu xin Chúa.

 

  1. Chúng ta cầu nguện theo những ý lễ cộng đoàn xin hôm nay: lễ tạ ơn, bình an, chữa lành, như ý, và cac linh hồn được xin cầu nguyện hôm nay.

…….Chúng ta cầu xin Chúa.

Chủ Tế: Lạy Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, giữa những gian nan thử thách cuộc đời, xin thương nâng đỡ chúng con, xin gia tăng đức tin nơi chúng con, để chúng con được trung thành theo Chúa cho đến trọn đời. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng con.

Chúa Nhật XXXIII TN-Năm C

Lời Chúa

13/11/2022
Chúa Nhật Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm C

BÀI ĐỌC I: Ml 4, 1-2a (Hl 3, 19-20)

“Các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho”.

Trích sách Tiên tri Malakhi.

“Đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy. Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người”.       

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 5-6. 7-8. 9

Đáp:  Chúa ngự tới cai quản chư dân trong đường chính trực (x. c. 9).

Xướng:

1) Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. – Đáp.   

2) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót.  – Đáp.

3) Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chính trực. – Đáp.  

BÀI ĐỌC II: 2 Tx 3, 7-12

“Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chính anh em biết phải noi gương chúng tôi thế nào, bởi vì chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: “Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”. Vì chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây mình vào mọi việc. Đối với những hạng người đó, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Kitô, để họ yên hàn làm việc và dùng lương thực mình tìm ra.      

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 24, 42a và 44

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 21, 5-19

“Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: ‘Chính ta đây và thời giờ đã gần đến’. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.

Đó là lời Chúa.



Suy Niệm Lời Chúa

13/11/2022

CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – C
Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lc 9,23-26

SỐNG VÀ CHẾT VÌ ĐẠI NGHĨA

Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

Suy niệm: Hình ảnh chàng trai trẻ trong “Chinh phụ ngâm” thật hào hùng:

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”

Thân nam nhi dám vì đại nghĩa là bảo vệ quê hương giống nòi, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng xông pha trận mạc nơi biên thuỳ, chết lấy da ngựa bọc thây, thế mới là người có chí khí, đáng mặt anh hùng hào kiệt. Thế thì các vị tử đạo, những người vì cái nghĩa lớn hơn, đó là làm chứng cho Đức Ki-tô, mà dám liều mạng sống mình, những người đó chẳng những đáng được tôn vinh mà còn được tưởng thưởng bội hậu: họ sẽ cứu được mạng sống mình và được sống hạnh phúc đời đời ở bên Thiên Chúa.

Mời Bạn: Trước khi dám chết vì Đức Ki-tô, các vị tử đạo đã phải dám sống vì Ngài. Chết vì Đức Ki-tô thì chỉ có một lần. Nhưng sống vì Đức Ki-tô, bạn có thể thể hiện mỗi ngày, bao lâu bạn còn sống trên đời này, mỗi lần một mới mẻ hơn và sâu sắc hơn. Cụ thể là hôm nay, ngay bây giờ, bạn làm gì để sống cho Đức Ki-tô, để làm chứng nhân cho Ngài?

Chia sẻ: Thế nào là một hành vi làm chứng cho Đức Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Làm thật tốt công việc bổn phận của bạn ngày hôm nay để làm chứng cho Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng của các bậc tiền nhân, biết làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô bằng đời sống tin yêu và phó thác, biết nói về Chúa cho đồng bào lương dân, biết cầu nguyện và hy sinh cho việc truyền giáo. Amen.

Tháng 11 Cầu Nguyện cho các Đẳng Linh Hồn và Nguồn Gốc

Tháng 11 Giáo Hội dành riêng thời gian nhắc nhở cộng đoàn Dân Chúa tuởng nhó và cầu nguyện cho những nguời đã mất.

 

Năm nay đặc biệt giáo xứ dành riêng một phòng cầu nguyện cho các linh hồn cho các nguời thân thuơng không giới hạn thời gian đã mất đi.  Cộng đoàn Dân Chúa có thể mang hình ảnh nguời thân đã khuất tới văn phòng Giáo Lý và để lại nơi đây trên bàn Thánh.

NGUỒN GỐC LỄ CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ QUA ĐỜI TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Tưởng niệm người đã qua đời là tập tục tồn tại trong các nền văn minh khác nhau và qua nhiều thời đại khác nhau từ Đông sang Tây.
Vào thời của những Kitô hữu đầu tiên, những tập tục liên quan đến việc tưởng niệm những người đã qua đời được thực hành rất phổ biến ở châu Âu.
Các Kitô hữu tin rằng người sống cần phải cầu nguyện cho người chết và họ thường quy tụ với nhau để cầu nguyện cho người thân đã qua đời.
Vì vậy, ngay trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, người ta thấy có nhiều lời cầu nguyện dành cho người đã khuất trong các bản văn phụng vụ khác nhau.
Vào thế kỷ thứ IV, khi sinh thì Thánh nữ Monica (331-387) đã xin con mình là Thánh Augustinô (354- 430) rằng: “Con ở đâu thì cũng hãy nhớ cầu nguyện cho mẹ trên bàn thờ”.
Thánh Augustinô nhắc các tín hữu phải cầu nguyện cho linh hồn người chết và ngài cũng cho biết Giáo Hội làm lễ cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời trong một lễ chung. (De cura gerenda pro mortuis, ch. IV)
Đến thế kỷ thứ 6, các tu viện của Dòng Biển Đức tổ chức lễ tưởng niệm các tu sĩ trong Dòng đã qua đời vào Lễ Hiện Xuống.
Tại Ở Tây Ban Nha vào thời Thánh Isidoro de Sevilla (560- 636) lễ cầu nguyện cho người đã qua đời vào thứ bảy trước lễ Sessagesima hoặc trước Lễ Ngũ Tuần.
Đến thế kỷ thứ 7 thì việc dâng lễ cầu nguyện cho người quá cố đã trở thành một tập tục phổ biến, cùng với việc cử hành Thánh Lễ mỗi ngày.
Cũng từ đây, các giáo hữu thường họp lại với nhau để đọc kinh cầu nguyện cho người đã khuất vào ngày giỗ.
Lúc này Kitô giáo đã phổ biến toàn bộ khu vực lục địa Tây Âu bao gồm Bỉ, Pháp và các đảo như Anh quốc và Ai Len ngày nay và khu vực này trở nên một vùng Kitô giáo đông đảo và năng động nhất trong Giáo hội Roma.
Đấy cũng là khu vực có nền văn minh Celtic nổi tiếng và những người theo văn minh này cử hành lễ tưởng niệm những người đã qua đời và tất cả các linh hồn từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11.
Trong khi đó, các giáo hữu ở vùng thuộc nước Đức có một nghi lễ cổ xưa cầu nguyện cho người chết vào ngày 1 tháng 10.
Trong nỗ lực Kitô hóa các truyền thống ngoại giáo, mang lại một ý nghĩa mới cho việc kính nhớ những người đã qua đời, năm 835 ĐGH Grêgôriô II đã chuyển ngày lễ Các Thánh từ ngày 13 tháng 5 sang ngày 1 tháng 11 hằng năm.
Năm 998, Thánh Odilon, Viện phụ Dòng Biển Đức Cluny bên Pháp đã yêu cầu tất cả các đan viện và giáo xứ của Dòng tại châu Âu tổ chức cầu nguyện cho những người đã qua đời từ sau kinh chiều ngày Lễ Các Thánh: đọc kinh thần vụ buổi chiều tối mùng 1 tháng 11 và cử hành thánh lễ chung trọng thể vào sáng ngày mùng 2. (Statutum sancti Odilonis de defunctis, PL 142, 1037-1038).
Tục lệ này sau đó lan rộng đến các giáo xứ của các giáo phận; và đến thế kỷ 14, lễ Các Linh Hồn ngày 2 tháng 11 được chính thức ghi vào lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo Roma.
Từ đây, mọi người trong Giáo hội Công giáo đã qua đời được tưởng nhớ lại trong hai ngày liên tiếp: ngày 1 tháng 11 dành cho những người đã đã được vinh quang trên trời và ngày mùng 2 dành cho những người còn đang trong luyện ngục.
Vào ngày này các tín hữu được mời gọi tham dự Thánh lễ và viếng các nghĩa trang để cầu nguyện cho các linh hồn những người đã qua đời, cũng như để thăm viếng và sửa sang mộ phần người thân.
Đi kèm những việc này, tùy từng vùng đất và từng dân tộc còn có nhiều tập tục khác nữa, tô điểm và làm phong phú đời sống văn hóa và đức tin của người dân.
Tại Việt Nam các giáo hữu cũng viếng nghĩa trang, cũng viếng các nhà thờ, cầu nguyện theo ý ĐGH để nhận ân xá chuyển cho người đã khuất.
Vào dịp giỗ chạp, tại tư gia các giáo hữu thường họp nhau tại tư gia để đọc kinh và tại nhà thờ cha xứ thường cử hành “lễ mồ” để cầu nguyện cho người quá cố.
Ngôn ngữ bình dân Việt Nam gọi là “lễ mồ” vì linh mục chủ tế luôn mang lễ phục mầu đen, cử hành thánh lễ trên bàn thờ, cạnh một nhà mồ đặt trước gian cung thánh.
Từ thế kỷ 16, những người Tin Lành thường chất vấn người Công giáo về hiệu quả của việc cầu nguyện và dâng lễ cho người đã qua đời, nhất là cho các linh hồn trong luyện ngục.
Tuy nhiên, bất chấp những lý lẽ quá khích, Công đồng chung Tridentinô (1545-1563) vẫn khẳng định tính chính đáng và chính thống của việc cầu nguyện cho các linh hồn.
Công đồng Vatican II (1962-1965) tiếp thu giáo huấn của truyền thống, tái khẳng định tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho những người đã qua đời ( x. LG 48-51).
Phần tôi, như bao nhiêu người Công giáo khác, tôi tin việc kính nhớ và cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời là một gia sản đức tin của chúng ta và là một truyền thống nhân bản và tâm linh tốt đẹp.
Truyền thống này thể hiện một cách rõ nét tấm lòng hiếu thảo của chúng ta đối với người đã khuất, chứng tỏ người Công giáo Việt Nam biết thờ kính tổ tiên như mọi người Việt và có phần hơn nhiều người Việt khác.
Trên hết mọi sự, truyền thống cử hành lễ và cầu nguyện cho các linh hồn là bằng chứng đích thực của niềm tin và niềm hy vọng vào sự sống lại và sự sống đời đời trong Chúa Kitô.
Chúng ta cầu nguyện cho người thân đã khuất, nhưng đừng quên rằng chúng ta cũng có thể xin họ cầu bầu cho chúng ta, vì họ vẫn tham dự cách nào đó vào những sự kiện diễn ra trong cuộc đời chúng ta, đồng thời giúp chúng ta được ơn chết lành khi đến ngày giờ chúng ta được gọi về với Chúa.
Orange County, CA, ngày 1 tháng 11 năm 2022
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT