BIẾN HÌNH

BIẾN HÌNH

CHÚA NHẬT TUẦN VXIII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

Bài đọc 1 : (Đn 7, 9-10. 13-14). Bài đọc 2 : (2 Pr 1, 16-19). Tin Mừng : (Mt 17, 1-9)

Biến cố trên núi Tabo là một sự chuyển tiếp giữa Cựu ước và Tân ước. Trong thời Cựu Ước, các ông Môi sê là người công bố luật lệ cho dân Chúa; và Êlia, vị ngôn sứ vĩ đại nhất, người đem lời Chúa đến cho dân Ngài; Chúa Giêsu là người tái lập giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với con người, là người đến để kiện toàn lề luật và rao giảng Tin Mừng cứu độ đến cho nhân loại. Cả ba đang đàm đạo với nhau về “cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem”.

Trên nuí Tabo, dung mạo Chúa Giêsu bổng đổi khác, y phục Ngài  trở nên trắng tinh chói lòa; có hai nhân vật đàm đạo với Ngài, đó là ông Môisê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển và nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêsrusalem.; và từ trong đám mấy có tiếng nói: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”.

Trên nuí Canvê : chịu nhục hình, đầu đội mão gai, bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp, và trong cơn hấp hối, mặt Ngài rủ xuống, thân xác trần truồng, bên cạnh có Mẹ Maria và người môn đệ Ngài yêu dấu không phải để đàm đạo mà để khóc thương nhỏ lệ. Và những lời cuối cùng trên thập giá: Này là con bà, này là mẹ con. Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng . Lạy Cha con xin phó linh hồn con trong tay Cha.

Tabo, núi vinh quang. Canvê, núi khổ nhục.

Trong lúc Chúa tỏ mình ra, thì các ông ngủ hay nói khác thức mà như ngủ. Phải chăng đây là môt giây phút xuất thần để các môn đệ có thể chiêm ngắm được những gì thuộc thế giới thần thiêng; và trong giây phút xuất thần ấy, các ông đã thấy diện mạo Chúa sáng ngời, áo trắng như tuyết. Ông Phêrô  đã sung sướng xin làm ba lều, thế nhưng ông lại không biết ông nói gì. Vinh quang mà các ông nhìn thấy là đích đến, nhưng để đạt đến đích điểm ấy con người phải vượt thắng những gian khổ.

Qua biến cố biến hình, Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thoáng thấy một điều gì đó liên quan đến mầu nhiệm Phục Sinh. Đó là một giây phút tuyệt vời làm cho các ông ngây ngất mà ông Phêrô muốn giữ lại khi ông đề nghị với Chúa cho làm ba lều. Nhưng Thiên Chúa lại không muốn cho các môn đệ Ngài dừng lại ở đó, trên nuí; nhưng đi xuống đồng bằng; ở đó có con người với những niềm vui, nỗi khổ và công việc của họ đang sống, cần sự chia sẻ, giúp đỡ. Từ trời cao đi xuống, để rồi từ trần thế đi lên. Từ vinh quang đến khổ nhục rồi từ khổ nhục đạt vinh quang.

Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người đầu tiên được Chúa kêu gọi làm môn đệ của Ngài. Họ đã bỏ người thân, nghề nghiệp  để đi theo Ngài. Bỏ tất cả để đi theo Ngài, nhưng tưong lai thế nào thì có lẽ các ông cũng chưa hình dung được rõ ràng. Nhưng dầu sao họ cũng đã tin vào Đấng mà các ông đi theo. Lòng tin của các ông cũng chỉ mới là bước khởi dầu; và đức tin cũng không phải một sớm một chiều mà trở nên vững mạnh, tín thác hoàn toàn vào Đấng các ông tin.    

Đi theo tiếng gọi của Chúa, nhưng chắc gì các môn đệ đã nhận ra con người đích thực của Thầy mình là ai, hay cũng chỉ nhận ra Ngài “ là ông Gioan Tẩy giả, là ông Elia, là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại!” Để xem các ông nhận biết mình là ai, Chúa Giêsu đã hỏi: “ Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Có lẽ, trong số các môn đệ cũng có người bảo Thầy như người ta bảo. Chỉ có Phêrô, đại diện cho anh em lên tiếng: “ Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.( xem. Lc. 9: 18-20)

Rồi Ngài lại báo trước cho các ông về cuộc khổ nạn Ngài sẽ trải qua. Điều đó có thể làm cho các ông ít nhiều thất vọng, đồng thời Ngài còn đưa ra một yêu cầu qúa lớn cho những ai muốn làm môn đệ của Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc. 9: 23-24)

Điều kiện đi theo Chúa mỗi ngày mỗi đòi hỏi cao hơn, nặng hơn.

Có lẽ vì thấy các môn đệ lo lắng, sợ hãi mà nản chí, mất lòng tin, nên Ngài đã hé mở cho các ông thấy một thoáng vinh quang của Ngài trên núi Tabo để củng cố niềm tin và hy vọng để các ông vững tin mà đi theo Ngài qua những đau khổ để đạt tới vinh quang, đồng thời cũng cho các ông cũng như chúng ta thấy chương trình cứu độ của Thiên Chúa từ Abraham trong thời Cựu Ước và chuyển giao chương trình ấy cho Ngôi Hai Thiên Chúa trong thời Tân Ước.

Nuôi dưỡng, củng cố lòng tin là việc cá nhân phải làm. Chúa cũng biết rõ điều đó, nên Ngài đã huấn luyện lòng tin của các ông không chỉ bằng việc làm họ đã trông thấy, bằng những lời giảng dạy họ đã nghe mà còn cho các ông thấy những viễn cảnh của tương lai. Biến cố xảy ra trên núi Tabo là một bằng chứng. 

Đức tin dẫn chúng ta đến một cuộc sống bình an, phó thác vào quyền năng của Đấng chúng ta tin, từ đó chúng ta sẵn sàng chấp nhận đau khổ, hy sinh và đến cả cái chết như phương tiện dẫn đến vinh quang.

Abraham tin tưởng và tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, nên dù có phải hy sinh người con duy nhất mà Thiên Chúa ban cho ông vào tuổi gần đất xa trời, ông vẫn không từ chối. Ông xứng đáng là người cha, người thầy về lòng tin. Và ông đã được Thiên Chúa ban tặng cho một miêu duệ đông đúc.

Như thế, đức tin giúp chúng ta sẵn sàng đón nhận những đau khổ, vững lòng trước những đau khổ và nổ lực chiến đấu vì đức tin để đạt tới mục đích mà chúng ta đặt tin tưởng.

Chúng ta đã nhận Bí tích Thanh Tẩy do cha mẹ, đức tin của chúng ta có thực sự là lòng tin vững chắc hay chỉ là đức tin truyền thống, chỉ tin vì phải tin!

Sự kiện đặc biệt Chúa dành cho ba môn đệ trên núi Tabo cũng dành cho chúng ta hôm nay. Đang sống trong mùa Chay, cũng như ba môn đệ, chúng ta sắp sửa cùng Chúa bước vào cuộc Tử nạn. 

Chỉ sau Tử nạn mới có Phục sinh, chỉ sau khi chịu khổ cực vì Nước Trời thì mới có sự vinh quang phục sinh. Chúa đã gợi mở cho ba môn đệ cũng như cho chúng ta thấy những gì trên nuí Tabo, nhưng chúng ta tin tưởng, dấn thân đến đâu cho tương lai phục sinh ấy!

Không phải dựng lều trên núi Tabo mà hãy dựng lều trong tâm hồn chúng ta thành đền thờ; ở đó có sự chiếu sáng của Lời Chúa qua Cựu Ước và Tân Ước. Lời Chúa dẫn chúng ta đến sự phục sinh và sự sống đời đời. Thánh Thể là lương thực nuôi dưỡng chúng ta đi vào niềm hy vọng và tin tưởng ấy. Chính vì sự sống phục sinh viên mãn ấy đòi chúng ta cũng phải biến hình từ con người cũ sang con người mới, từ sự sống bị hủy diệt qua sự sống viên mãn, từ diệt vong sang sống lại. 

Việc Chúa biến hình cho chúng ta thấy trước vinh quang của Ngài.

Biến hình là niềm hy vọng trước những đau khổ phải vượt qua.

Biến cố biến hình dạy chúng ta sống kiên trì và hy vọng giữa những thử thách để hy vọng vào một ngày mai hạnh phúc và vinh quang của sự Phục sinh.

LM Giuse Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.