ĐỨC GIÊSU : MỤC TỬ NHÂN LÀNH VÀ CỬA CHUỒNG CHIÊN

ĐỨC GIÊSU : MỤC TỬ NHÂN LÀNH VÀ CỬA CHUỒNG CHIÊN

CHÚA NHẬT TUẦN IV MÙA PHỤC SINH NĂM A

Bài đọc 1 : ( Cv 2 : 14a, 36-41). Bài đọc 2 : ( 1 Pr 2: 20b-25). Tin Mừng: ( Ga 10: 1-10)

Đức Giêsu đã ví mình là cửa chuồng chiên: “ Tôi là cửa cho chiên ra vào.” và  “ Ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử, còn “ Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên , nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy kẻ trộm, kẻ cướp.” Như thế Đức Giêsu là mục tử chân chính và là cửa chuồng chiên.

Cửa là lối đi ra vào. Người mục tử chân chính hiên ngang đi qua cửa mà vào, còn kẻ trộm thì lén lút trèo tường. Cửa chuồng chiên là lối ra vào duy nhất để đến với đàn chiên. Để đến với đàn chiên, hình ảnh của dân Thiên Chúa, phải đi qua Đức Giêsu, cửa chuồng chiên. Không còn cách nào khác để đến với dân Chúa, đến với Nước Thiên Chúa, đến với Giáo Hội và đến với sự sống khi không đi qua cửa chuồng chiên Giêsu. Ai không đi qua môi trường sống tuyệt đối duy nhất là cửa chuồng chiên Giêsu, sẽ bị hư mất và lạc hướng. Chỉ có môi trường ấy, con người mới thực sự có tự do, sự sống và phát triển hoàn hảo: “ Phần tôi, tôi đến cho chiên được sống và sống dồi dào.” Như thế, cửa Giêsu là cửa cứu chuộc, cửa đem lại sự sống cho con chiên. Nhưng ai là mục tử chính hiệu để được người giữ cửa là Chúa Cha mở cho vào?

Đức Giêsu đã phân biệt hai  loại mục tử: mục tử chính hiệu và mục tử giả hiệu. Những mục tử giả hiệu không phải là chủ chiên, nên không thể đi qua cửa chuồng chiên mà vào, nên phải trèo qua lối khác. Họ là kẻ trộm, kẻ cướp. Họ là người làm thuê, vì không phải là mục tử và vì chiên không thuộc về họ, nên khi thấy sói đến họ bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn. Họ là những người đến trước Đức Giêsu: “ Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp.” Ở đây,Đức Giêsu không ám chỉ những kẻ đến trước Ngài là các ngôn sứ vào thời Cựu Ước, nhưng là các đầu mục Do Thái gồm các kinh sư, người Pharisiêu, các tư tế phục vụ  Đền thờ. Họ vô trách nhiệm trước hiểm nguy của đàn chiên. Họ bị Đức Giêsu quở trách là bọn đạo đức giả, cản trở người khác tìm đến Nước Thiên Chúa. Họ tham lam, ăn ở bất công, phục vụ ý riêng của mình và đã từng giết hại nhiều vị ngôn sứ chân chính. Họ thường tự hào là những mang lại cho con người sự hiểu biết về thần linh.

Ngược lại, người mục tử duy nhất, nhân lành đó là Đức Giêsu, như lời Ngài khẳng định: “ Tôi chính là Mục Tử nhân lành.” Vị Mục Tử ấy “ hy sinh mạng sống  mình cho đàn chiên.” Đức Giêsu đã thể hiện sứ vụ mục tử của mình qua việc hy sinh quên mình để chỉ nghĩ đến đàn chiên, sẵn sàng chịu chết trên Thập giá để đền tội thay cho đàn chiên, đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng cứu độ. Tất cả vì đàn chiên để “ chiên được sống và sống dồi dào.” Cuộc sống dồi dào ấy không phải chỉ là cuộc sống đời đời mai sau mà còn là cuộc sống ở thế gian này nữa.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, người mục tử lý tưởng là người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót; là người yêu sự khó nghèo nội tâm trước mặt Thiên Chúa cũng như sự khó nghèo bên ngoài như đơn sơ, khắc khổ trong cuộc sống; là những người không có tâm lý ông hoàng; là những người không tham vọng và là các phu quân của Giáo Hội; là những người có khả năng thức tỉnh đàn chiên được giao phó, và quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ đàn chiên, chú ý đến các hiểm nguy có thể đe dọa đàn  chiên, nhất là làm cho niềm hy vọng lớn lên. Người mục tử có ba vị trí trong đàn chiên: Ở đàng trước để dẫn đường, ở giữa để duy trì sự hiệp nhất và giữ vững tinh thần của đàn chiên, ở đàng sau để tránh cho chiên khỏi đi tụt hậu và tạo điều kiện cho đàn chiên đánh hơi hầu tìm ra một hướng đi mới.

Tấm gương Mục Tử nhân lành Giêsu là tấm gương cho các mục tử hôm nay noi theo để phục vụ đàn chiên của Hội Thánh qua việc hăng say rao giảng Tin Mừng Nước Trời  và phục vụ con người.

LM Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

 

Comments are closed.