KHÁT

KHÁT

CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA CHAY NĂM A

Bài đọc 1 : ( Xh 17: 3-7). Bài đọc 2 : ( Rm 5:1-2,5-8). Tin Mừng : ( Ga 4:5-42)

Nơi con người, có sự sống thân xác và sự sống tâm linh. Nước là nhu cầu không thể thiếu đối với thân xác thì nước cũng rất cần cho đời sống tâm linh. Cả hai đều chết vì khát. Sự sống tâm linh sẽ chết khi khát đức tin, khát ân huệ của Thiên Chúa. Cái khát ấy sẽ đưa con người đến sự hủy diệt muôn đời.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari bên giếng nước Giacóp đã đánh dấu một cuộc biến đổi. Đức Giêsu là người trước tiên xóa bỏ ranh giới ngăn cách giữa người  Do Thái và người Samari. Từ nước ở giếng Giacóp, Ngài đã đưa người phụ nữ đến cơn khát tinh thần: “ Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin và người ấy ban cho chị nước hằng sống.” Nước hằng sống là mạch nước mà ai uống, sẽ không bao giờ khát nữa, và nước ấy sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời. Đức tin là nguồn nước hằng sống. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma đã viết: “ Một khi đã được nên công chính  nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.” Đó là nguồn nước hằng sống.

Khi đã cho người phụ nữ Samari biết mình là ai, Đức Giêsu  hướng tâm hồn chị  đến việc phải thờ phương Chúa Cha trong thần khí và sự thật, chứ không phải khép kín trên núi hay tại Giêrusalem. Người phụ nữ Samari đã trở về với cõi lòng mình để biến đổi cuộc đời.

Cha Doyle, một Linh mục dòng Tên, người Ailen, nổi tiếng thánh thiện và hay giúp đỡ người khác. Một buổi tối, sau khi giảng một bài về sự truyền giáo, ngài đi ra đường và gặp một thiếu nữ. Ngài dịu dàng nói với cô: “ Con ạ, trời đã khuya. Con chưa về nhà sao? Đừng làm Chúa đau khổ. Ngài yêu con.”

Năm tháng trôi qua. Vào một đêm nọ, có điện thoại của bề trên sai ngài đi Dublin ngay lập tức để gặp một người nữ tù sắp bị hành hình vào sáng mai, vì người phụ nữ ấy yêu cầu được gặp ngài. Người nữ tù ấy là cô Fanny Cranbush, đã bị kết án cộng tác với kẻ khác để đầu độc nhiều người. Vừa thấy linh mục, cô quỳ gối và nói: “Thưa cha, cảm ơn Chúa vì cha đã đên đây.” Linh mục ngạc nhiên hỏi: “ Nhưng con ạ, cha chưa biết con. Con cần gì?” Cô ta đáp lại: “ Cha không nhớ con sao? Hai năm trước đây, cha đã gặp con trên đường phố Yarmouth vào một đêm tối. Cha đã nói với con: “ Con ạ, trời đã khuya. Con chưa về nhà sao? Đừng làm Chúa đau khổ. Ngài yêu con.” Chúa là ai? Con chưa biết. Con chưa bao giờ cầu nguyện và chưa được rửa tội. Nhiều tuần lễ, con muốn tránh xa con đường tội lỗi; nhưng vì cái đói, mỗi ngày con càng lún sâu trong tội lỗi đến độ giờ đây con sắp bị treo cổ. Con đã tuyệt vọng. Nhớ lại lời cha đã nói, con khóc và muốn được gặp cha để nghe cha nói về Chúa Giêsu.

Cha dạy giáo lý cho cô với thời gian cho phép, trước khi rửa tội cho cô. Cha lập một bàn thờ trong nhà giam, dâng Thánh Lễ và cho cô rước  lễ lần đầu cũng là lần cuối. Trên đường đi xử, cô thì thầm: “ Thưa cha, con thật hạnh phúc. Chúa Giêsu biết con ăn năn hối lỗi vì đã xúc phạm đến Ngài. Con tin Chúa Giêsu hằng yêu mến con. Amen.”

Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài luôn yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta đang ở trong tình trạng tội lỗi. Khi dân Do Thái xuất hành qua sa mạc, bất chấp sự vô ôn ơn hay lời oán trách của họ, Thiên Chúa đã không từ bỏ dân của Ngài; nhưng qua Môsê, Ngài đã cung cấp nước cho họ. Thánh Phaolô cũng đã khẳng định trong thư gữi tín hữu Rôma: “ Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari bên giếng nước Giacóp đã chứng minh chân lý ấy.

LM Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.