TÔN LÊN HAY HẠ XUỐNG!

TÔN LÊN HAY HẠ XUỐNG!

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bài đọc 1 : ( Hc  3: 17-20. 28-29). Bài đọc 2 : ( Dt 12:18-19.22-24). Tin Mừng : ( Lc 14: 1. 7-14)

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu được mời đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Phari sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Ngài. Thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, sau khi đưa dụ ngôn về người khách tự xếp mình vào cỗ nhất phải xuống chỗ cuối để nhường chỗ cho người xứng đáng hơn, Chúa kết luận: “ Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” Người ta dò xét Chúa để tìm sai sót mà lên án Ngài, thì Ngài lại lên án chính những sai sót của họ từ những người dự tiệc cho đến chủ tiệc.Ngài đưa ra cho họ bài học khiêm nhường trong giao tế đối với bản thân và khiêm tốn trong phục vụ.

Con người có khuynh hướng muốn đề cao mình, muốn coi mình vượt trội hơn người khác bằng  cách phô trương, tự đánh bóng mình và hạ nhục người khác. Người ta thường thấy cọng rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà trong mắt mình. Người biệt phái và người thu thuế cả hai lên đền thờ cầu nguyện. Người biệt phái thì lấy mình để đánh giá, xét đoán người khác. Ông lấy bản thân mình làm thước đo người khác: “ Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao người khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Ngược lại, người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “ Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”( Xem Lc 18:9-14). Ai là người tôn mình lên  và ai là người hạ mình xuống!

Thiên Chúa không ưa thích thái độ kiêu ăng ngạo mạn, nhưng Ngài ưa thích người hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chính Ngài đã khuyên chúng ta học lấy sự hiền lành và khiêm nhường của Ngài: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường.”( Mt 11;29). Người khiêm nhường là người nhận ra mình là kẻ thụ ơn từ Thiên Chúa nên phải sống khiêm nhường trước mặc Ngài và phải sống khiêm tốn trong tinh thần phục vụ tha nhân.

Khiêm nhường không phải là phủ nhận thực chất của mình để trở thành nhu nhược, nhưng là đánh giá mình đúng mức. Đưa mình lên quá cao so với thực chất của mình là kiêu ngạo như có lần Chúa Giêsu đã khiển trách các người Pharisêu: “ Khốn cho các ngươi, hỡi các người Pharisêu! Các ngươi thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng! Khốn cho các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”( Lc 11:43-44)  Khiêm nhường còn được biểu lộ qua tinh thần phục vụ tha nhân cách vô vị lợi.

Một Rabbi già nằm trên giường bệnh. Các môn đệ đang xầm xì với nhau bên giường ông. Một người trong số môn đệ lên tiếng: “ Từ thời Salomon đến giờ, chưa có ai khôn ngoan như thầy.” Một người thứ hai nói: “ Đức tin của thầy không kém đức tin của tổ phụ Abraham của chúng ta.” Người thứ ba nói: “ Sự kiên nhẫn của thầy cũng không thua gì ông Gióp.” Người thứ tư nói: “ Chỉ có ông Môsê mới có thể sánh với thầy về mức độ hoán cải sâu xa với Chúa như vậy.”

Vị Rabbi có vẻ bất an, trằn trọc. Khi các môn đệ đi rồi, vợ ông hỏi: “ Anh có nghe họ ca tụng anh không?” Rabbi trả lời: “ Có chứ!”  Vợ ông thắc mắc: “ Vậy sao trông anh có vẻ khó chịu thế?” Ông phàn nàn: “ Còn tính khiêm nhường của anh, không ai trong họ đề cập đến tính khiêm nhường của anh cả.” Trong sự khiêm tốn giả hình, người ta lại bộc lộ sự kiêu ngạo trá hình.

Danh vọng, quyền thế là khát vọng của con người; nhưng vinh dự trong Nước Trời lại không phải do con người có thể tự mưu tìm cho mình mà do ông chủ nhận định, đánh giá. Thiên Chúa tôn vinh và ban danh dự cho những người khiêm hạ. Thiên Chúa là Đấng  ban tặng mọi ơn lành, vì thế chẳng ai có thể tự phụ mình là gì trước mặt Thiên Chúa. Ai có tự hào thì hãy tự hào trong Thiên Chúa vậy.

LM Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.