THẦY NÀO TRÒ NẤY

THẦY NÀO TRÒ NẤY

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bài đọc 1 : (Dc 12:10-11). Bài đọc 2 : (Gl 3:26-29). Tin Mừng : (Lc 9:18-24)

Tục ngữ Việt Nam có câu: “ Thầy nào trò nấy.” Ý muốn nói đến sự kế thừa giữa quan hệ nhân quả của giáo dục, giữa kẻ trên và người dưới. Vì thế, trước khi theo và làm môn đệ của ai, chúng ta cần phải biết người ấy là ai, biết đường lối, lý tưởng cuộc sống của người ấy là gì.

Có một chàng thanh niên muốn tầm sư học đạo, đến gặp một sư phụ có tiếng đồn là rất thánh thiện, nhưng cũng là một tay ma mãnh. Dĩ nhiên chàng thanh niên không biết điều này. Sư phụ nói với anh: “ Trước khi tôi nhận anh làm môn đệ; tôi muốn kiểm tra khả  năng vâng lời của anh. Con sông chảy qua gần đây có rất nhiều cá sấu; tôi muốn anh lội qua con sống ấy.” Chàng thanh niên tin tưởng sư phụ. Anh thực hiện ngay yêu cầu ấy không chút ngần ngừ. Ra đến giữa dòng sông, anh hét vang: “ Sức mạnh của sư phụ thật cao cả.” Tới bờ bên kia, anh lại lội trở về bờ bên này cách an toàn. Vị sư phụ không thể giấu vẻ sửng sốt.

Sự việc đó làm cho ông  nghĩ rằng chắc hẳn mình thánh thiện hơn mình vốn tưởng nhiều. Vì thế, ông quyết định phô trương và củng cố thêm danh tiếng thánh thiện của mình với các môn đệ khác. Ông bắt đầu bước xuống sông và hô to: “ Sức mạnh của ta thật cao cả! Sức mạnh của ta thật cao cả!” Ngay lập tức, lũ cá sấu nổi lên vồ lấy ông và xé xác ông ra tơi tả.

Một sư phụ ma mảnh, gian dối, khoe khoang, tự đắc như thế có đáng cho chàng thanh  niên làm đệ tử không?

Sau khi chọn mười hai môn đệ, Chúa Giêsu đã đưa họ đi theo Ngài, cùng ăn uống với họ, giảng dạy họ và đã nêu gương cho họ sống “ hiền lành và khiêm nhường”, đã từng tiết lộ Ngài là “ đường, là sự thật và là sự sống”, là “ ánh sáng thế gian”, nhưng chắc gì các ông đã biết chính xác Đấng các ông theo là ai. Thế rồi một hôm, sau khi cầu nguyện xong, Chúa Giêsu hỏi các ông: “ Đám đông nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “ Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Đó là dư luận của quần chúng. Khi thấy Chúa làm nhiều phép lạ: chữa lành những người tật bệnh, cho kẻ chết sống lại, hóa bánh ra nhiều…Chúa đi đâu, đám dông theo đó, dù Ngài có âm thầm lẩn tránh họ thì họ vẫn tìm cách tìm cho ra để phong vương cho Ngài; vì theo họ, có thể Ngài là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, Đấng dân Do thái mong đợi, Đấng sẽ đến giải thoát họ để đưa vào một thời kỳ bá chủ thế giới.

Không bằng lòng với dư luận của quần chúng, Chúa Giêsu lại hỏi các ông: “ Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Không biết trong số các môn đệ, có ai cùng nhận định như đám đông không! Ông Phêrô đã thay mặt trả lời: “ Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Chính xác Thầy là như thế, nhưng Ngài lại ngăn cấm các ông không được nói điều ấy với ai, vì chương trình của Thiên Chúa không phải theo ý muốn của con người. Đấng Kitô của Thiên Chúa là “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba chỗi dậy.” Đấng Kitô của Thiên Chúa sẽ là vua chiến thắng tử thần, chinh phục mọi tâm hồn, khôi phục quyền làm con Chúa, và giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và ma quỷ.

Con đường Thầy đi là như thế đó. Trò không hơn thầy. Vậy “ ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” Điều kiện để đi theo Thầy là tin những lời Thầy dạy, học theo cách sống của Thầy, thực hành những điều Thầy dạy, học gương sống khó nghèo, hành động vì bác ái yêu thương và phục vụ. Để  trở thành “thầy nào trò nấy” thì môn đệ cũng phải đi theo con đường Thầy đã đi.

Và hôm nay, Chúa vẫn hỏi mỗi người trong chúng ta:“ Còn con, con bảo Thầy  là ai?” Chúng ta trả lời với Chúa thế nào với tư cách là học trò của Đức Kitô?

LM Giuse Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.