RA KHƠI – CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI

RA KHƠI

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Dịp Lễ Thăng Thiên năm 2001 Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ:

"Chúng ta được qui tụ quanh bàn thờ Chúa để cử hành việc Chúa lên trời. Chúng ta đã nghe được Lời Chúa: "Các con sẽ nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất".

Từ hai ngàn năm qua, những lời này của Chúa Phục Sinh thôi thúc Giáo Hội tiến ra khơi, tiến vào trong lịch sử của con người. Những lời này làm cho Giáo Hội trở nên một người luôn đồng hành với tất cả mọi thế hệ, làm cho Giáo Hội trở nên như men, làm dậy nên những hạt văn hoá trên thế giới. Hôm nay, chúng ta nghe lại những lời trên để với sức mạnh được canh tân, chúng ta đón nhận mệnh lệnh của Chúa "Hãy ra khơi", mệnh lệnh mà Chúa đã nói với thánh Phêrô. Đây là một mệnh lệnh và tôi đã muốn làm vang dội lại trong Giáo Hội qua bức tông thư khởi đầu Ngàn Năm Mới. Và đây là mệnh lệnh mặc lấy một ý nghĩa sâu xa hơn theo ánh sáng của ngày lễ trọng Chúa Thăng Thiên. "Hãy ra khơi" ra nơi mà Giáo Hội cần tiến đến, không phải chỉ là một sự dấn thân truyền giáo mạnh mẽ nhưng nhất là và còn là một sự dấn thân mạnh mẽ sống chiêm niệm. Như những tông đồ, những kẻ đã được chứng kiến biến cố Chúa lên trời, chúng ta cũng được mời gọi hãy hướng cái nhìn lên dung mạo của Chúa Kitô được hiển vinh trong vinh quang Thiên Chúa Cha. Chắc chắn rằng nhìn ngắm trời cao không có nghĩa là quên đi trần gian này. Và nếu rủi gặp phải cám dỗ, chúng ta chỉ cần lắng nghe lại lời hai người mặc áo trắng của đoạn Phúc Âm hôm nay nói rằng: "Tại sao các ông còn nhìn trời?"

Việc cầu nguyện chiêm niệm Kitô không làm cho chúng ta tránh khỏi việc dấn thân vào trong lịch sử. "Trời", nơi Chúa Giêsu tiến vào không phải là một sự xa vắng nhưng như là một màn che khuất và là nơi lưu giữ một sự hiện diện. Đó là sự hiện diện của Chúa, một sự hiện diện không bao giờ bỏ rơi chúng ta cho đến khi Chúa trở lại trong vinh quang. Trong khi đó, thời giờ chúng ta sinh sống đây là thời giờ rất đòi hỏi. Đòi hỏi chúng ta phải làm chứng bởi vì nhân danh Chúa Kitô, sự ăn năn hối cải và sự tha thứ tội lỗi phải được rao giảng cho tất cả mọi dân nước. Và chính để làm sống lại ý thức này mà tôi đã muốn triệu tập hội nghị Hồng Y đặc biệt được bế mạc hôm nay (thứ Năm 24/05/2001). Các vị Hồng Y, từ các nơi trên thế giới mà tôi xin kính chào với lòng mộ mến huynh đệ. Các ngài trong những ngày qua đã hội họp với tôi để bàn về một vài đề tài trong số những đề tài nổi bật nhất của công việc rao giảng Phúc Âm và làm chứng Kitô trong thế giới hôm nay, vào khởi đầu Ngàn Năm Mới. Đây, đối với chúng tôi, là giây phút sống hiệp thông, trong đó chúng tôi cảm nghiệm được một phần nào của niềm vui đã tràn ngập tâm hồn các tông đồ ngày xưa, sau khi Chúa Phục Sinh chúc lành cho các ngài và tách rời ra khỏi các ngài để lên trời. Thật vậy, thánh Luca đã ghi lại rằng: "Sau khi bái lạy tôn thờ Chúa, các tông đồ trở lại Giêrusalem với niềm vui lớn lao và các ngài luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa."

Và tiếp sau trong bài giảng, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khai triển thêm bản chất cũng như sinh hoạt truyền giáo của Giáo Hội, và cuộc hội Hồng Y cũng được Đức cố Giáo Hoàng đặt trong viễn tượng này: "Thực hiện sự hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo Hội, để Giáo Hội có thể rao giảng Phúc Âm Chúa một cách đáng tin hơn cho mọi anh chị em."

Trong thánh lễ Chúa Thăng Thiên và trong giây phút này, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho chúng ta biết ý nghĩa của biến cố quan trọng này: Không phải Chúa lên trời để bỏ chúng ta, mà Ngài bước sang một sự hiện diện mới với chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Ngài luôn ở cùng chúng ta luôn mãi cho đến tận cùng. Và Ngài muốn mỗi người chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Thánh Thần của Ngài để làm chứng cho Ngài trong môi trường chúng ta sinh sống.

Từ Chúa Nhật này cho tới Chúa Nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy dành thời giờ để nhìn lại cuộc sống của mình, mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thần và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa đến mức độ nào rồi. "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận cùng và các con sẽ làm chứng cho Thầy khắp nơi trên mặt đất này".

Xin Chúa gìn giữ chúng ta vững mạnh trong đức tin để chúng ta có thể làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc.

Veritas Radio

 

Chúa Giêsu lên trời

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’)

Một thi sĩ người Đức có viết vần thơ sau đây: "Bên trên thế giới này là mây trời, mây trời thuộc về thế giới. Bên trên trời là hư vô". Vần thơ này được hàng triệu người trên thế giới chứng thực mỗi ngày khi ngồi trong các máy bay khổng lồ, mà mỗi chuyến bay chở được mấy trăm hành khách. Các loại máy bay này thường bay trên độ cao hơn 10,000 mét, nghĩa là trên các tầng mây. Và quả thật, trên độ cao ấy, du khách chỉ thấy bên dưới là mây, trước mắt và chung quanh là chân trời xanh dài vô tận và bên trên chỉ là khí, không có gì khác.

Tuy nhiên, qua khẳng định trên đây, thi sĩ người Đức ám chỉ một sự kiện khoa học, ông muốn diễn tả xác tín vô thần của ông là không tin có Thiên Chúa, không tin có quê trời, không tin có thiên đàng và cuộc sống mai sau. Cuộc đời con người kết thúc với cái chết và bên kia cái chết chỉ là hư vô. Nghĩa là thi sĩ gián tiếp khẳng định rằng, cuộc đời con người vô nghĩa, do đó cũng không cần phải sống tốt với tha nhân hoặc ăn ngay ở lành hay sống đạo đức luân lý làm gì, cứ việc tham ô, gian ác, bóc lột người khác, cũng không cần phải cầu nguyện làm gì, bởi vì nó chỉ là đối thoại với hư vô, và thế giới này chỉ là hư vô bởi vì không có tương lai.

Nhưng xác tín như vậy là thi sĩ đã rơi vào sự lầm lẫn lớn nhất. Bởi vì trong ngày lễ Thăng Thiên, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta rằng sau cái chết cuộc sống mới thực sự bắt đầu và bên trên tầng mây là tất cả.

So sánh trình thuật biến cố Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh lên trời trong các bản văn Tin Mừng, chúng ta hiểu ra ngay một sự khác biệt trong Phúc Âm thánh Gioan: cuộc đời Chúa Giêsu tập trung vào ngày sau thứ bảy là ngày lễ Vượt Qua, ngày Chúa Giêsu sống lại, lên trời và trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Đối với thánh Gioan, Thiên Chúa tự tỏ lộ mình cho nhân loại trong con người và trong mầu nhiệm của Chúa Giêsu, và Giáo Hội hay cộng đoàn các môn đệ là hoa trái của sự mạc khải ấy.

Phúc Âm thánh Matthêu trái lại, là Emmanuel: "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", nghĩa là theo thánh nhân, Chúa Giêsu luôn luôn sống hiện diện và hoạt động sâu thẳm giữa cộng đoàn Giáo Hội. Ngài tự đồng hóa mình với mọi người. Do đó, mỗi việc làm cho một trong các thành phần của cộng đoàn Giáo Hội là làm cho chính Chúa Giêsu. Nói cách khác, theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh luôn hiện diện trong cộng đoàn thân mình mầu nhiệm của Ngài, cho dù cộng đoàn đó có bé nhỏ và có sống tại nơi hẻo lánh xa xôi ở tận chân trời góc biển nào trên thế giới này đi chăng nữa thì vẫn có Chúa hiện diện luôn luôn: "Ở đâu có hai, ba người tụ họp lại nhân danh Thầy thì Thầy ngự giữa họ". Chủ đích thần học này giải thích tại sao thánh Matthêu đã không kết thúc Phúc Âm với trình thuật Chúa Giêsu rời bỏ cộng đoàn môn đệ về trời như hai thánh sử Marcô và Luca. Phúc Âm thánh Matthêu kết thúc Phúc Âm với lời Chúa Giêsu trang trọng khẳng định với các môn đệ rằng: "Ngài sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".

Thánh sử Luca thì có một quan niệm thần học khác, đối với thánh nhân thì thời gian sau khi Chúa Giêsu về trời là thời gian của Giáo Hội. Thánh Luca coi việc cộng đoàn Giáo Hội tiếp nối sự loan truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu như giai đoạn cuối cùng trong lịch sử cứu độ.

Nếu Kinh Thánh Cựu Ước đã tập trung lịch sử cứu độ vào dân Israel và vào lời hứa của Thiên Chúa, thì Kinh Thánh Tân Ước tập trung lịch sử cứu độ vào Chúa Giêsu và vào ngày hôm nay của Chúa Giêsu như thời điểm thành toàn lời Thiên Chúa đã hứa với dân Israel xưa kia. Lời Thiên Chúa thực hiện trong cộng đoàn Giáo Hội giờ đây phải được tiếp tục thành toàn và ơn cứu độ phải được mọi thành phần Giáo Hội tiếp tục loan truyền cho mọi dân tộc khác. Đó là nội dung của sách Tông Đồ Công Vụ, trong đó thánh Luca tường thuật công tác truyền giảng mà Chúa Giêsu là trung tâm điểm và là người khởi xướng và giờ đây cộng đoàn Giáo Hội tiếp tục đẩy mạnh dưới sự thúc đẩy, dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

Trong một nghĩa nào đó, biến cố Chúa Giêsu lên trời cần thiết cho việc khai mạc sứ mệnh của Giáo Hội. Chúa Giêsu Phục Sinh lên trời nhưng giờ đây là thời gian Ngài hoạt động qua và trong cộng đoàn Giáo Hội. Sự kiện Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài không hiện diện trong thế giới này, nhưng Ngài sẽ trở lại trần gian. Nhưng trong thời gian giữa hai khoảng cách đó, Ngài sống ngoài lịch sử, nhưng hiện diện trong lịch sử qua cộng đoàn Giáo Hội. Nước Thiên Chúa thực tại cuộc sống siêu việt vĩnh cửu, vẹn toàn mai sau tỏ hiện dần trong Giáo Hội. Trong nỗ lực, Giáo Hội làm chứng cho Chúa Giêsu và rao truyền Tin Mừng của Chúa.

Thánh sử Luca đã thật khéo léo khi nối liền thời gian hoạt động của Giáo Hội với ngày hôm nay của Chúa Giêsu và giải thích nó như là thời gian của ơn thánh cứu độ. Biến cố Chúa Giêsu lên trời như ghi trong sách Tông Đồ Công Vụ và sách Phúc Âm phải được hiểu dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ: mầu nhiệm lên trời giải thích tại sao lại có Giáo Hội. Giáo Hội hiện diện giữa lòng xã hội và loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Nói cách khác, qua sách Tông Đồ Công Vụ và sách Phúc Âm, thánh sử Luca muốn chứng minh cho chúng ta thấy chương trình Thiên Chúa đối với loài người và thế giới đã được Chúa Giêsu thực hiện và thành toàn, và giờ đây được tỏ hiện từng bước và kéo dài trong cuộc sống của Giáo Hội.

Trong trình thuật biến cố Chúa Giêsu lên trời, thánh sử Luca là người duy nhất có can đảm dùng động từ ám chỉ sự chia lìa khi biết Chúa Giêsu Kitô tách rời khỏi đoàn môn đệ, và chương 24 mở đầu trình thuật một ngày sống của Chúa Giêsu cũng như của cộng đoàn các môn đệ bằng cách ghi nhận sự vắng mặt của Chúa Giêsu. Nhưng tiếp sau đó Chúa Giêsu lại hiện diện giữa cộng đoàn, Ngài đồng hành, đàm đạo và dùng bữa tối với hai môn đệ trên đường Emmau, và giờ đây trình thuật kết thúc với Chúa Giêsu lại tự tỏ hiện ra.

Tuy nhiên, sự chia tay này tại Bethania không khiến cho các môn đệ buồn sầu hay chán nản. Trái lại họ cùng nhau trở về Giêrusalem lòng tràn đầy vui sướng. Thánh sử Luca không giải thích tại sao đoàn môn đệ giờ đây phải xa Thầy mình mà lại sướng vui như vậy, nhưng chắc chắn các môn đệ đã khám phá ra hay ít nhất đã trực giác được chuyện gì đó, nghĩa là các vị đã hiểu rằng, Chúa Giêsu tuy đã tách rời khỏi họ, nhưng vẫn luôn hiện diện bên họ.

Trong trình thuật biến cố Chúa Giêsu lên trời còn có một điểm đặc biệt khác nữa, đó là các môn đệ đang phủ phục xuống thờ lạy Ngài thì Chúa Giêsu đã rời khỏi họ lên trời, đồng thời Ngài giơ tay ban phép lành cho họ. Cử chỉ này của Chúa Giêsu cho thấy, Ngài hành động như là Thầy của các môn đệ. Chúa của các tông đồ là thủ lãnh của cộng đoàn dân riêng mới của Thiên Chúa, giã từ cộng đoàn nhưng đồng thời Ngài mời gọi mọi người ra đi chu toàn sứ mệnh mà họ đã được ủy thác. Phép lành của Chúa Giêsu bảo đảm cho cộng đoàn Giáo Hội mọi ơn cần thiết trong cuộc sống và sự tăng trưởng của mình trong sứ mệnh loan truyền lịch sử cứu độ.

Đặc điểm thứ ba trong trình thuật biến cố Chúa Giêsu lên trời đó là thay vì ra đi khắp nơi loan truyền Tin Mừng thì đoàn môn đệ vào đền thờ Giêrusalem cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa. Phúc Âm thánh Luca mở đầu với cảnh Thầy Zacharia dâng hương cho Chúa trong đền thờ, giờ đây kết thúc với lời chúc tụng của đoàn tông đồ. Giêrusalem là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ, là nơi lịch sử cứu độ thành toàn, đồng thời là nơi phát xuất sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội.

Hình ảnh Giáo Hội truyền giáo quanh quẩn trong đền thờ, trong lời cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa xem ra hơi lạ, nhưng thật ra sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội sẽ đem lại nhiều hoa trái khi cộng đoàn biết bám chặt vào Chúa, dán mắt nhìn lên Chúa, thân tình thưa chuyện với Chúa để kín múc mọi ơn thánh và nghị lực cần thiết cho sứ mệnh loan báo lời Ngài để kéo đổi phúc lành của Thiên Chúa xuống trên mọi tâm hồn và phản ảnh gương mặt cũng như giáo huấn của Chúa một cách tinh tuyền, trung thực và sâu thẳm hơn.

Bởi vì nếu không có phúc lành và ơn thánh Chúa trợ lực sẽ không có sự sống, sẽ không có ơn hoán cải và biến đổi con tim và công tác truyền giáo của Giáo Hội không sinh hoa trái phong phú. Càng hoạt động nhiều, Giáo Hội càng phải sống chiều kích chiêm niệm và đối thoại thân tình với Chúa nhiều hơn.

Đây cũng là lý do giải thích tại sao trước khi về trời, Chúa Giêsu đã dạy dỗ các môn đệ nhiều điều để giúp họ được sứ mệnh loan báo Tin Mừng, và từ nay họ phải đảm trách thay Ngài. Lời các thiên thần nhắc nhớ có các ông biết sứ mệnh rao truyền Lời Chúa không cho phép các vị đứng nhìn trời, nhìn đất mơ mộng nuối tiếc hay chỉ lo lắng cho các dịch vụ phụng tự quanh quẩn trong bốn bức tường nhà thờ hoặc đáp ứng nhu cầu của linh hồn mà thôi, mà phải xuống núi, nhập thể, đem Chúa vào đời loan truyền ơn cứu độ và hoạt động thăng tiến con gnười toàn diện như Chúa Giêsu đã làm xưa kia.

Veritas Radio

Comments are closed.