XIN GIẢI OAN

XIN GIẢI OAN

CHÚA NHẬT II SAU PHỤC SINH – NĂM C

Bài đọc 1 : ( Cv 5:12-16). Bài đọc 2 : (Kh 1:9-13,17-19). Tin Mừng : ( Ga 20: 19-31)

Sau khi  Chúa chết, chẳng phải chỉ có ông Tôma nghi ngờ việc Chúa sống lại, các môn đệ khác cũng thế. Các bà thì từ sáng sớm vội vả đến mồ để xức thuốc thơm cho Thầy. Họ đi tìm kẻ chết chứ không tìm Đấng Phục sinh. Khi nhìn thấy ngôi mộ trống, họ lại bảo có ai đó đã lấy cắp xác của Thầy, còn các ông thì lại cho đó là chuyện lẩn thẩn, chẳng nên tin. Khi thấy một thanh niên ngồi đó cho biết: “ Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã chỗi dậy rồi, không còn đấy nữa.” nhưng họ không tin. Vừa ra khỏi mồ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. ( xem Mc 16: 1-8) Còn bà Maria nhìn Chúa ra người làm vườn và chỉ nhận ra Chúa khi Ngài gọi tên bà.  Rồi vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, khi các ông cửa đóng then gài, thì Chúa hiện ra với họ, cho họ xem tay và cạnh sườn Ngài , lúc ấy họ đã thấy và họ đã tin. Đó là chính đề của phép biện chứng về lòng tin Chúa Sống lại.

Mỗi người nói mỗi khác. Tam sao thất bổn.  Ông Tôma hoài nghi là chuyện phải lẽ, vì thế ông mới xác định lập trường của mình. Ông đưa ra một phản đề : Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Nói thì cường quyết vậy đó, nhưng lần thứ hai Chúa hiện ra, có mặt ông, khi Thầy bảo: Đặt ngón tay vào đậy.Đừng cứng lòng. Không biết ông có dám đưa tay sờ đến những vết thương của Chúa hay không, nhưng ông đã vội vã tuyên xưng : “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.” Thật tội nghiệp cho ông bị mang tiếng cứng lòng tin. Ngày nay, ai không chịu tin một điều gì đó, người ta lại lấy ông ra để so sánh : cứng lòng như Tôma!

Sau cùng Chúa đã đưa ra một hợp đề: Vì đã thấy Thầy nên anh tin, rồi trong hợp đề, Chúa lại đưa ra một chính đề khác : “ Phúc cho những người không thấy mà tin!” Được minh chứng bằng thực nghiệm,  có thể từ đó người ta xác tín mạnh mẽ, nhưng cũng từ đó người ta lại không còn gì để mà tin.

Nhìn thấy không nhất thiết phải dẫn đến lòng tin nhưng tin lại lôi kéo theo một quyết định, một hành động tin tưởng. Tôma không phải là người nghi ngờ sự sống lại của Thầy, nhưng ông muốn xác tín rõ ràng để ông tin và từ lòng tin ông đi đến hành dộng. Bằng chứng là sau khi được nhìn thấy những dấu đanh trên thân xác Thầy, ông đã có một tuyên xưng đức tin tuyệt vời: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Và cũng từ đó, ông đã mạnh dạn ra đi làm chứng cho Đức Giêsu và đã trở thành một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Giáo Hội tiên khởi. Thánh Tôma đã đưa Tin Mừng đến tận BaTư, Syria và Ấn Độ, là nơi ngài chịu tử đạo. Ngài là người Tông đồ đầu tiên chịu chết vì đức tin.

Người ta đòi hỏi phải thấy mới tin, nhưng Chúa lại chúc phúc cho ai không thấy mà tin, đó là lòng tin nhờ ân sủng của Thiên Chúa và sức mạnh của Thánh Thần. Mặc dầu chúng ta không thể tiếp cận với Ngài về mặt thể lý, nhưng chúng ta có thể tiến lại gần Ngài, nhận ra Ngài về mặt thiêng liêng.

Công việc của chúng ta là làm cho Đức Giêsu trở thành Đấng được “ nhìn thấy” trên thế giới hôm nay. Cách duy nhất để cho họ cũng có được lòng tin là làm cho họ nhìn thấy và đụng chạm đến Ngài thông qua chúng ta là những kẻ đi theo Ngài.   Lòng tin của Kitô giáo là lòng tin đối với Đấng đã yêu thương con người. Không có lòng yêu mến Đấng đã yêu thương mình thì khó có lòng tin vào Đấng ấy. Con tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không thể đáp ứng được.

Đức tin phát xuất từ Thiên Chúa dựa vào những điều Ngài đã mắc khải. Chúa không khuyến khích người ta tin một cách mù quáng, nhưng lòng tin phải phát xuất từ lòng mến.

LM GIUSE TRỊNH NGỌC DANH

Quản Nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.