CÁC THÁNH TỬ ĐẠO, CHỨNG NHÂN CỦA NIỀM TIN

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO, CHỨNG NHÂN CỦA NIỀM TIN

LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Trước khi bị người đời lên án và chịu khổ hình trên thập giá, Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ: “ Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy.” Ngài đã động viên các môn đệ: “Anh em đừng sợ những kẻ giết chết thân xác mà không giết được linh hồn.” và “ khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì, thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.”  Các môn đệ đã can đảm hăng say lên đường loan báo Tin Mừng, và những gì Chúa đã tiên báo, đã xảy ra với các ngài.

Tin Mừng được truyền loan trên đất nước Việt Nam vào thời Hậu Lê vào giữa thế kỷ 16. Ngay từ lúc phôi thai, Giáo Hội Việt Nam đã phải trải qua suốt hơn ba thế kỷ với những bước thăng trầm về đức tin. Hàng trăm ngàn người đã phải lìa xa quê hương, sống lén lút ẩn núp nơi rừng thiêng nước độc để bảo vệ đức tin. Hàng trăm người đã hy sinh mạng sống mình và đã trở thành những chứng nhân bất khuất cho Đức Kitô dưới các triều đại vua chúa. Trong số ấy, có 117 vị tiêu biểu đã được tôn phong hiển thánh gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân.

Thánh Luca Thìn, 39 tuổi, làm cai tổng, đã viết khi bị bắt bước qua Thập giá: “ Tôi là một Kitô hữu. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ.”

Khi các quan bắt  bước qua thánh giá, thánh Laurensô Ngôn, 22 tuổi, một nông dân, đã khẳng khái trả lời : “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thánh giá là phương tiện Chúa dùng để cứu nhân loại. Tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Tôi sẵn sàng chịu chết vì đức tin vào Thiên Chúa của tôi.”

Thánh Đaminh Ninh, 21 tuổi, nông dân, đã hiên ngang phát biểu: “Nếu làm con cái không được phép sỉ nhục cha mẹ mình, thì làm sao người Kitô hữu lại có thể chà đạp hình ảnh của Đấng tạo thành trời đất! Xin các quan thi hành điều các quan muốn. Còn tôi không bao giờ xúc phạm thập giá Chúa tôi đâu.”

Thánh Phêrô Dũng đã yên ủi vợ: “ Hãy vui mừng vì tôi được hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô.”

Thánh Anê Thành, một người mẹ của sáu đứa con, đã nhắn nhủ con gái đến thăm: “ Con chuyển lời mẹ nói với các anh chị em con: Hãy coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, đọc kinh sáng tối, dâng lễ mỗi ngày, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên đàng.”

Xưa kia, cha ông chúng ta đã tuyên xưng đức tin bằng cái chết anh hùng, thì ngày nay, chúng ta tuyên xưng đức tin không phải bằng những nhục hình, nhưng bằng cuộc sống đạo.

Tử đạo hôm nay là chống lại những khuynh hướng chống đối Thiên Chúa. Tử đạo hôm nay là biết nói không với những cám dỗ, những lôi cuốn đi lạc xa con đường Chúa Giêsu đã dạy.Tử đạo hôm nay là làm chứng về Chúa bằng hành động, bằng chính cuộc sống đức tin và bác ái yêu thương.

Sách Khải Huyền mô tả: “ Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “ Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” Trong đoàn người đông đảo ấy, có 117 vị thánh tử đạo Việt Nam. Thật là một niềm vinh dự và hãnh diện đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam.

LM Trịnh Ngọc Danh

Quản Nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.