VẬY ÔNG LÀ AI?

VẬY ÔNG LÀ AI?

CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B

 Bài đọc 1 : ( Is 61:1-2a,10-11). Bài đọc 2 : ( 1 Tx 5:16-24)

Có một người đến gặp Đức Phật. Hai tay cầm hai bó hoa. Đức Phật nhìn anh và nói: “ Quăng nó đi!” Anh ta sửng sốt, không hiểu vì sao Đức Phật lại bảo mình quăng những bó hoa ấy đi. Anh ta đoán có lẽ Đức Phật yêu cầu mình quăng bó hoa trong tay trái, vì đưa cho ai một cái gì đó bằng tay trái là điều được xem như không lịch sự. Thế là anh vứt bó hoa trên tay trái mình xuống đất. Nhưng Đức Phật vẫn nói: “ Quăng nó đi!” Lần này anh ném bó hoa còn lại và đứng trước mặt Đức Phật với hai bàn tay trơ  trọi. Một lần nữa, Đức Phật mỉm cười và nói : “ Quăng nó đi!” Hết sức lúng túng, anh ta hỏi: “ Thưa ngài! Con còn phải quăng cái gì nữa?” Đức Phật trả lời: “ Không phải hoa, con ạ; nhưng là chính người cầm hoa.”

Thánh Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ của Đấng Thiên Sai, đã vứt bỏ cái tôi của mình, đã vứt đi những ý riêng, những tự mãn kiêu căng, những đam mê của xác thịt. Ngài sống trong hoang địa, “ mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng day da, ăn chấu chấu và uống mật ong.” Ngài nhận mình chỉ là tiếng kêu giữa sa mạc hoang vắng vì lòng nhân loại đối với Đấng Mêsia. Tiếng kêu vang lên rồi biến mất trong không gian, chẳng còn để lại dấu tích gì. Nó chỉ có tác dụng cho ai đó còn giữ lại được nó trong trí óc, con tim của mình.

Được hàng ngàn người đi theo nghe giảng và nhận phép rửa, nhưng thánh Gioan không từ đó mà sinh tự phụ đưa mình lên. Khi được hỏi đi hỏi lại nhiều lần: “ Ông là ai?” ngài đã công khai tuyên bố với dân chúng ngài không phải Đấng Kitô, cũng không  phải là những bậc ngôn sứ nổi tiếng như Êlia, Giêrêmia hay là một ngôn sứ nào khác, ngài chỉ nhận mình là” tiếng người hô trong hoang địa.” Ngài khiêm tốn trung thực xác nhận với dân chúng: “ Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”  Nhiệm vụ của ngài là “đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin Ông không phải là ánh sáng nhưng đến để làm chứng cho ánh sáng.” ( Ga 1:7-8). Ánh Sáng ấy là Ngôi Lời, là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa. Nếu đặt mình vào trường hợp của thánh Gioan, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ từ đó coi mình là một nhân vật quan trọng để rồi làm lu mờ đi hình ảnh của người mình muốn làm chứng và giới thiệu.

Sau khi chết và sống lại, Đức Kitô phục sinh đã trăn trối cho các môn đệ lần cuối cùng trước khi về trời: “ Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” ( Mt 28:19-20). Các môn đệ của Đức Kitô cũng đã lần lượt ra đi. Vậy thì nhiệm vụ tiếp nối công việc làm chứng cho Chúa sẽ trao cho ai đây? Mỗi người Kitô hữu đều lãnh trách nhiệm trở nên môn đệ của Chúa Phục sinh để làm chứng cho Ánh Sáng. Chúng ta là chứng nhân Kitô hữu.

Đấng mà chúng ta phải làm chứng là  Đấng đang ở giữa chúng ta mà chúng ta không biết, không thấy: “Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có,  nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” ( Ga 1:10-11) Đó là lý do Chúa cần chúng ta ra đi trở thành chứng nhân để tiếp nối công việc của các tông đồ xưa kia.

Bước vào Mùa Vọng, không những chúng ta được nhắc nhớ nhiệm vụ mở đường nơi lòng mình mà còn giới thiệu, mở đường cho người khác để Chúa đến. Thiếu việc làm chứng, thì gương mặt của Đức Kitô vẫn còn bị lu mờ trong thế giới hôm nay. Con đường làm chứng hữu hiệu nhất cho Ánh Sáng là theo gương thánh Gioan sống khiêm nhường, khổ hạnh, trung thực, quên mình

Trong vai trò chứng nhân của người Kitô hữu hôm nay, chúng ta sẽ trả lời thế nào khi có người hỏi chúng ta: “ Vậy ông bà là ai?

LM Giuse Trịnh Ngọc Danh

Quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Mông Triệu Anaheim

Comments are closed.